Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / Lạm Bàn về Ảnh Hưởng của Văn Hoá ...Tàu

Lạm Bàn về Ảnh Hưởng của Văn Hoá ...Tàu

- Hành Khất — published 04/07/2011 14:31, cập nhật lần cuối 04/07/2011 23:52
...Sức mạnh "thuần hoá" vô hình của phim ảnh thời đại mới đã thay thế cho những cuốn tiểu thuyết, dã sử Tàu, được phát triển mở rộng qua những đầu tư có sự tham gia của "chính" chính phủ Trung Cộng, nhằm mục đích phô trương thanh thế, dù "giả tưởng" như trong mấy phim đấu võ đài của nhân vật Tàu và Tây phương, hay đả kích, bài thoái theo tinh thần tị hiềm, hận thù ... truyền kiếp của giống nòi "đại Hán" để ... rửa nhục...


Lạm Bàn về Ảnh Hưởng
của Văn Hoá ...Tàu


Hành Khất



Lúc còn ở cấp trung học, tôi có một người bạn chung lớp. Thỉnh thoảng, chúng tôi chở nhau trên xe đạp về miền quê chơi. Trên đường đi, anh bạn tôi hay kể cho tôi nghe những câu truyện ...Tàu thời xa xưa. Những nhân vật trong đó và ngay cả chức vụ, anh bạn đều nhớ rất rõ.

Tôi thầm thán phục tài nhớ dai của anh bạn mình, dù trong lớp học, anh bạn không phải là một trong những học sinh khá. Anh bạn tôi rất đam mê đọc truyện, nhất là những truyện kiếm hiệp, truyện dã sử Tàu. Anh khoe rằng một ngày có thể đọc được hai quyển truyện dầy gấp hai cuốn sách toán giáo khoa bấy giờ hay cuốn tử vi bói quẻ mà tôi thường thấy bán đầy đường trong mấy ngày Tết. Khi đã ngốn hết kho sách ... Tàu của cái sạp cho thuê truyện, anh xoay qua đọc những truyện dịch về trinh thám của những tác giả ngoại quốc khác. anh thường hay mang truyện vào lớp học, vừa nghe giảng bài, vừa ... liếc xuống ngấu nghiến mấy đoạn ... đang hấp dẫn. Dù có đôi lần, anh bị thầy cô bắt gặp và tịch thu ... tạm thời tang vật trong khoảng thời gian tiết học đó. Sau khi làm sạch ... đống truyện dịch, anh tìm đọc những truyện sáng tác của các nhà văn Việt Nam. Nhưng dường như, anh không thích đọc những tiểu thuyết trong chương trình văn học của nhà trường đưa ra. Những bài luận về phân tích một trích đoạn nào đó trong cuốn tiểu thuyết do thầy cô giảng dạy, anh luôn được ... ít điểm hơn tôi.

Từ bao năm nay, đôi khi, tôi lại tự hỏi, những truyện kiếm hiệp hay dã sử Tàu có gì thu hút và hấp dẩn đến nổi in sâu trong trí nhớ của anh bạn tôi đến vậy. Tôi cũng tò mò tìm đọc và không bao giờ đọc nổi được hết cả một pho truyện hay chỉ lơ mơ nhớ đại khái cốt truyện mà tôi đã đọc "nhảy" từ sau ra trước, từ trước ra sau. Và ngay cả những phim truyện Tàu dài những mấy chục tập từ kiếm hiệp, kungfu, đến tình cảm, tôi cũng đã xem qua chỉ được vài tập là cảm thấy hoa mắt. Đối với đại đa số nghĩ rằng đó chỉ là một trong những cách giải trí của họ, tôi luôn tôn trọng ý thích cá nhân và cảm thông, dù đó không phải là ý thích của tôi. Nếu họ cảm thấy sự giải trí đó làm khuây khỏa mệt mỏi sau ngày làm việc, đó cũng là điều rất hữu ích. Ngay cả, người ta có thể học được hay "tiếp thu" một cách ..."rất ... tự nhiên" từ những nhân vật dù ... được "phim hóa" qua truyện được ..."tiểu thuyết hóa thêm" trên phim.

Thời đại mới với những xảo thuật quay phim : cắt xén, lồng thêm ; máy quay ứng dụng cho tốc độ, ánh sáng; kỹ thuật tạo hình sống động của vi tính, và ngay cả hệ thống 3D và âm thanh 3 chiều. Tất cả những thứ đó, có đủ khả năng tạo nên một màn ảnh tưởng chừng ... như là "thật" cho những nhân vật "người hùng" nào đó, dù ... không ...như ngoài đời. Cái mà người ta cho là ..."nghệ thuật" đó thì ... quả thật là "một ...nghệ thuật" của phim ảnh. Và chúng ta, những người xem phim, luôn có cảm giác ..."là thật", nên không bao giờ tự đặt câu hỏi. Hay chỉ đơn giản biện minh : "chỉ là ... giải trí." Cũng có nghĩa là, lúc đó trí óc cần thảnh thơi, buông lỏng, và ... trống rỗng như ... bồn chứa nước. Và đang sẵn sàng "tiếp thu", "dung nạp" một cách ngấm ngầm tự nhiên. Sự tiềm ẩn đó, chất chứa trong bồn ... nước của tri giác, có thể thấm nhuần hay được thanh lọc lại tùy thuộc khả năng cảm nhận và ý thức hoá của mỗi cá nhân. Từ đó, có thể được biểu lộ qua hành động, một cách rất tự nhiên, đến ngay cả cá nhân đó không thể nào nhận biết sự biến đổi.

Sức mạnh "thuần hoá" vô hình của phim ảnh thời đại mới đã thay thế cho những cuốn tiểu thuyết, dã sử Tàu, được phát triển mở rộng qua những đầu tư có sự tham gia của "chính" chính phủ Trung Cộng, nhằm mục đích phô trương thanh thế, dù "giả tưởng" như trong mấy phim đấu võ đài của nhân vật Tàu và Tây phương, hay đả kích, bài thoái theo tinh thần tị hiềm, hận thù ... truyền kiếp của giống nòi "đại Hán" để ... rửa nhục. Những cốt truyện phim xưa cũng được tái tạo, dựng lại, thêm bớt, "vẽ" ra những nhân vật ... "có một không hai" trên thế giới, mà chỉ có được ... qua "giấc mơ phim ảnh", không nhằm mục đích cổ súy cho những mưu đồ "đại Hán."

Ngay cả lãnh vực "thuần hóa tư tưởng", cũng được dựng lên qua những nhà gọi là "văn hóa" trao đổi, với bức tượng khổng lồ "cắm sâu" ... phía trước ... hiên, "sừng sững" ...chỉa lên trên không, của ông Khổng Tử. Việt Nam đã ngàn năm nô lệ Tàu, có ai lạ gì học thuyết của ông. Nó ăn sâu vào cả phong tục, tập quán, đến thời đại mới hôm nay. Nó được xem là mẫu mực thước đo trong xã hội, mà không một ai dám nghĩ đến ... dù "đặt một câu hỏi", nói chi đến sự thay đổi sao cho thích hợp với thời đại. Những bi kịch có thật trong những gia đình Việt Nam (ngay cả Tàu) chỉ vì "dám" theo cách nhìn "mới" phóng thoáng, tự do cá nhân, thoát khỏi những bó buộc của vòng xích sắt nô lệ phong kiến, giết chết sự phát triển tài năng cá nhân của đại đa số dân nghèo. Những tư tưởng mới được biến chuyển, thanh hóa dần dần, tạo nên một xã hội hoà đồng hơn, đã phải trải qua những thử thách tư tưởng, tranh đấu gay go trong văn học. Bức tường Nho học được tô phết từ đám phong kiến Tàu nhà Hán, qua "tam cương, ngũ thường", cho dù có những giả thuyết cho rằng câu "quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung" (Nếu vua xử kẻ tôi đòi chết, không chịu chết là không trung nghĩa) là không do Khổng Tử viết ra, để biện hộ bảo vệ Nho học, nhưng những triều đại quảng bá tư tưởng Nho học luôn luôn tán dương và ghi nhận trong văn học Nho giáo. Cũng như câu "Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu " (Cha xử con chết, con mà không chết, là con không có hiếu); hoặc câu "Tại gia tòng phụ (Ở nhà thờ cha), Xuất giá tòng phu (Về nhà chồng thờ chồng), Phu tử tòng tử (Chồng chết ở với con). Đó là vài câu trích dẫn từ "cốt tủy" của Nho học, dù muốn hay không, vẫn được kẻ "cầm quyền" tán thưởng, và dùng chúng bao bọc "quyền và lợi" riêng của họ. Trung Cộng tung tiền ra xây dựng những học viện Khổng Tử, cái mà ... gọi là nghiên cứu (?) hay nhằm mục đích muốn áp đặt cái quyền "thiên tử" đó trên khắp mọi nơi và nói lớn tiếng rằng : "quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung" ? Những cái ..."viện" đó, như là biểu tượng cho quyền lực Trung Cộng, cũng không khác gì "cột đồng Mã Viện" sau thời kỳ độc lập của Hai Bà Trưng, mà mỗi người dân Việt Nam, ai cũng biết đến qua lịch sử, dù ... "chưa bao giờ thấy."

Ngày hôm nay, lại một lần nữa "bức tường" bạo quyền được dựng lên theo tinh thần Nho giáo che đậy cái gọi là "Hán giáo" qua những viện gọi là "văn học tư tưởng Khổng Tử" của Trung Cộng trên Việt Nam và nhiều nước khác trong vùng Đông Nam Á. Sự tham vọng làm "thiên tử" thiên hạ của đám tự xưng cháu chắt Hán Vũ đế được biểu lộ qua những hành động của Trung Cộng.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi xem những cuốn báo ở Mỹ, Canada. Đó là những cuốn báo quảng cáo Việt Nam, trong đó có những tin tức, bài viết, bình luận, v.v, và ngay cả có những truyện ... kiếm hiệp Tàu, hay tiểu thuyết Tàu, Đại Hàn, v.v. Tôi tự hỏi, không lẽ người Việt Nam mình không có ai ... biết viết truyện hay là ... nhà văn hay sao ? Hay tòa báo quảng cáo muốn ... tiết kiệm nên đành cho người dịch truyện, để khỏi phải trả bản quyền ? Nhưng dù sao, tòa báo vẫn phải ... trả tiền công cho người dịch; vậy ... không lẽ ... có nghĩa cả đám Việt hải ngoại đều ... không  biết viết truyện hay cả nước Việt Nam cũng chẳng có ai viết truyện ... ra hồn (?) Và điều đáng lạ hơn, bên cạnh bài bình luận "chống Trung Cộng" là ... cái hình ... vẽ hay chụp trong phim, múa kiếm ... rất Tàu, để giới thiệu bên dưới là truyện kiếm hiệp dài ... mấy trang. Mỗi lần, tôi thấy truyện kiếm hiệp, là ... y như rằng, nó nhắc tôi về người bạn học đó. Tôi lại liên tưởng đến cái văn hóa Tàu nầy thật ... lạ lùng, nó ăn sâu tận ... những nơi xa xăm, chiếm cả tâm trí con người một cách tự nhiên và hiện ra như ... bóng ma cũng rất ... tự nhiên. Không lẽ nó đã "đầu độc" tận tế bào DNA của người Việt từ bao thế hệ nay ? Trong kho văn học Việt Nam, dường như cũng có rất nhiều tác phẩm mà chưa chắc gì ai cũng đã đọc qua hết, thì phải ? Và cũng dường như, trên thế giới có nhiều tác phẩm rất "có giá trị", đáng được quảng bá cho mọi người thưởng thức hơn, thì phải ?

Muốn giải quyết một vấn đề, trước nhất luôn là đi tìm nguyên nhân, cách giải, và sau cùng là sự ngăn chận, bảo vệ. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên nhìn lại, tự đi tìm những nguyên nhân nào tạo nên ảnh hưởng văn hóa Tàu trên dân Việt lâu dài đến vậy và những hậu quả hôm nay và cả mai sau mà chúng ta có thể tìm thấy từ lịch sử, những con đường đã qua của người trước, ghi lại rất nhiều kinh nghiệm đau thương. Và phần còn lại là làm thế nào giải quyết, trước khi tạo nên sự bảo vệ, ngăn chận hiệu quả cho mai sau. Mỗi chúng ta đều có dự phần trong đó, vì vậy cách giải quyết duy nhất là ... chúng ta nên tự suy nghĩ lại, hướng về một chiều hướng dân tộc, và phát triển nó. Mỗi chúng ta nên biết sẽ làm sao; đó là sự đóng góp cá nhân để tạo nên sức mạnh bài thoái ảnh hưởng văn hóa Hán tộc !


Hành Khất


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss