Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / Dạy chữ Hán : đối thoại

Dạy chữ Hán : đối thoại

- T.V. & Hà Dương Tuấn — published 14/09/2016 17:35, cập nhật lần cuối 13/10/2016 22:26

Dạy chữ Hán : đối thoại


Diễn Đàn : Sau khi bài Dạy chữ Hán trong nhà trường được xuất bản, tác giả Hà Dương Tuấn nhận được thư góp ý từ anh T.V. , một  độc giả lâu năm của Diễn Đàn, rất quen thuộc với ngôn  ngữ Nhật Bản. Tác giả đã trả lời, chúng tôi xin đăng lại cuộc đối thoại thú vị đó.


Anh Tuấn thân mến,

Đọc bài "Dạy chữ Hán" của anh, tôi xin nói lên vài ý kiến.

1. Sự hiểu biết tiếng Hán Việt của người trẻ VN ngày nay rất lệch lạc. Sự lệch lạc đưa đến những việc "chế" chữ Hán Việt "mới", hay hiểu chữ Hán Việt "cũ" rất sai lầm. Chữ "thập kỷ" vô nghĩa, tại sao không dùng "thập niên". Chữ "ái nữ" được một số người hiểu như "gái yêu " ( ex: ái nữ của vua !!). "Lý giải" theo tiếng Trung và tiếng Nhật mang ý nghĩa "understanding". Trong tiếng Hán Việt "mới", "lý giải" lại có nghĩa là "giải thích" (explaining). Đã có chữ "giải thích" rồi, tại sao lại phải chế thêm chữ "lý giải". Ngoài ra, trên nhiều trang mạng có nhiều cách giải thích tiếng Hán Việt một cách tùy tiện, ex: có người bảo "quá trình" là "một trình tự của quá khứ" thật ra nó có nghĩa là "process" không có tính thời gian v.v...

2. Sự lệch lạc này là do sự kém hiểu biết về chữ Hán của dân ta. Ta nên bỏ qua mặc cảm "ngàn năm đô hộ giặc Tàu" mà nên xem tiếng Hán ( Việt ) là một phần của tiếng Việt. Cho nên cần phục hồi lại việc học chữ Hán ở trình độ cha ông ta ở năm 1930 - 40, hay học ít nhất 500 chữ Hán để cho tiếng Việt được trong sáng. Việc La Tinh hóa chữ Việt đã đem lại ưu điểm cũng như nhược điểm. Nhược điểm này có thể khắc phục nếu lớp trẻ VN ngày nay biết đọc và viết một số chữ Hán cơ bản. Chữ "thi" cho "thi thể" và "thi văn" viết hoàn toàn khác nhau. Chữ "tân" có nhiều cách viết cho nhiều nghĩa khác nhau, i.e. mới, đắng, khách, bến ( bờ ) ... v.v...

3. Thành công trong việc La Tinh hóa tiếng Việt là một sự kiện không thể phủ nhận. Sau năm 1949, Chu Ân Lai phát động việc La Tinh hóa  tiếng Trung nhưng không thành công. Sau năm 1945, người Nhật cũng muốn La Tinh hóa tiếng Nhật, và cũng không thành công. Tôi từng cầm quyển sách Vật lý hiếm hoi bằng tiếng Nhật viết bằng an pha bê, đọc vào hoàn toàn không hiểu gì cả. Vào những năm 1980 ( thì phải ) người Hàn Quốc chủ trương bỏ tiếng Hán chỉ dùng Hangul ( Hàn Ngữ, an pha bê của Hàn ). Hệ quả là hiểu lung tung. Cho nên chính phủ bắt học sinh phải học tiếng Hán trở lại và phải biết tối thiểu 1000 - 1500 chữ. Học trò Nhật phải biết 2000 chữ sau khi xong Trung Học.  Điều này cho thấy học chữ Hán là cần thiết cho sự hiểu biết chính xác một ngôn ngữ, ngoài vẻ đẹp của nó, dù cho nó có thể là tiếng Nhật, Hàn, Trung hay Việt. Vẻ đẹp của một số tiếng Hán ngày nay đã bị chữ giản thể của TQ phá hoại...

4. Dân ta kể cả những trí thức đương đại dường như có "mặc cảm bị trị" khi học tiếng Hán. Ta nên loại mặc cảm này ra khỏi tiềm thức như người Hàn Quốc gần đây phục hồi chữ Hán. Người Hàn Quốc / Triều Tiên đã từng bị TQ đô hộ. Học tiếng Hán không phải học tiếng Trung mà là học tiếng Hán Việt. Người Nhật thoải mái sử dụng Kanji ( Hán Tự ) mà không có mặc cảm vì họ du nhập chứ không phải bị ép học như dân ta. Họ lại chế tạo rất nhiều từ Hán mới cho khoa học, kinh tế , triết học , .... Người học trò Nhật trở nên thầy dạy tiếng Hán khoa học, triết học cho người TQ. Họ còn tạo ra vài trăm chữ Hán gọi là Kokuji ( quốc tự ) không có trong tự điển TQ. Sự đóng góp của người Nhật đã cách tân chữ Hán cổ lỗ thành một ngôn ngữ hiện đại trên mọi lĩnh vực.

VN chắc có Viện Ngôn Ngữ Học tiếng Việt. Không biết họ làm gì hàng chục năm nay trong khi tiếng Hán Việt càng ngày càng bát nháo. Hệ quả là cái gì sai nhưng được số đông ùa nhau sử dụng thì trở thành đúng. Lằn ranh "đúng sai" trở nên mờ nhạt. Chúng ta sao có thể buông lơi chạy theo số đông cùng thỏa hiệp với sự "mờ nhạt " đó? 

Mấy lời lạm bàn với anh.

T.V. 

*

Anh T.V.  thân mến,

Rất vui nghe tin anh và được anh giúp những ý kiến từ kinh nghiệm sống và hiểu rõ các trường hợp Trung / Nhật / Hàn.


Về điểm 3 :


Điều này cho tôi thấy có lẽ bắt đầu thảo luận với anh từ điểm 3 dễ hơn. Việt / Nhật / Hàn khác nhau ở đâu trong hiện tượng La Tinh hoá ? tôi thấy trong việc La Tinh hoá tiếng Việt thành công có ba yếu tố, đều là rất đặc biệt trong lịch sử.

Thứ nhất là sự ký âm của tiếng Việt thành chữ quốc ngữ (bằng các ký tự La Tinh có cải biến, sau đây viết "quốc ngữ" cho gọn) gần như hoàn hảo, do chúng được các cố đạo Bồ Đào Nha cực giỏi về ngôn ngữ thực hiện.

Thứ hai, nó gặp tình huống cách mạng khi chính phủ và dân chúng đồng lòng phải "xoá nạn mù chữ" vì thấy ở đó một công cụ đem lại những hiểu biết giúp trực tiếp nâng cao thực lực kháng chiến.

Và thứ ba nữa, nó gần như không bị gặp lực cản nào của những người "cựu học", số người "biết chữ" (chữ nho) vốn rất ít trong xã hội nông nghiệp (có lẽ chỉ vài người trong mỗi làng vài trăm người, vài phần trăm trong cả nước), lại bị chế độ thuộc Pháp tước mất hết uy tín.

Kết quả là hệ thống quốc ngữ được truyền bá như lửa trên đồng cỏ khô. Và sau này những học giả như Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh... đã trực tiếp nhập từ Nhật hệ thống thuật ngữ khoa học, và có lẽ có thêm từ Trung Hoa dân quốc những thuật ngữ học thuật / chính trị mới, truyền bá thẳng bằng chữ quốc ngữ : cả số người am hiểu quốc ngữ lẫn nội dung họ am hiểu qua quốc ngữ, đều vượt xa những gì mà lớp trí thức Hán học có được qua chữ Hán trong suốt chiều dày lịch sử dân tộc. Vì cũng không nên quên, những gì quan trọng nhất trong văn hoá cổ truyền đã được các "đại nho" như Trần Trọng Kim, Phan Bội Châu, Tản Đà... dịch thuật, trước tác sách giáo khoa... và truyền bá qua quốc ngữ. Dĩ nhiên, còn một khối lượng lớn hơn nhiều trong di sản cần các nhà Hán học trẻ khai phá.

Tuy nhiên phải thấy từ đó đến nay mới hơn nửa thế kỷ, lại thêm chia rẽ, ly tán... nên căn cơ vẫn còn rất mỏng manh. Thế nhưng làm sao bây giờ ? đại đa số chỉ còn biết tiếng Hán Việt qua chữ quốc ngữ, tỷ lệ số người biết chữ Hán còn lại bao nhiêu so với Nhật / Hàn ? Theo kinh nghiệm riêng tôi, cũng tạm gọi là thuộc một gia đình có truyền thống, thế mà trong đại gia đình đông đảo, những người biết chữ Hán đã quy tiên gần hết, mấy người còn lại đều trên 80. Thế hệ "trẻ" bọn tôi, không có ai.

Những người đang tuổi trung niên hoặc trẻ hơn mà biết chữ Hán chỉ có thể do được đào tạo chuyên ngành trong khoa ngữ văn của các đại học. Họ là bao nhiêu ?


Về hai điểm 1&2 :


Hiện nay, phải nói số người biết chữ Hán (hiểu như nó được viết và đọc từ thời Hán-Đường, theo âm Hán-Việt) ở Việt Nam là rất ít so với yêu cầu. Cho nên, trước mắt, làm cho trong sáng và chỉnh lý tiếng Việt sai lạc... muốn gì thì gì cũng phải và chỉ có thể làm qua việc sử dụng tốt quốc ngữ, dĩ nhiên trong quốc ngữ có kho tàng từ ngữ Hán Việt, và nếu cần cũng có thể sáng tạo thêm các từ ngữ Hán Việt mới. Cái vectơ chuyên chở chung phải là tiếng Hán Việt viết bằng quốc ngữ. Điều đó dễ dàng biết bao nhiêu so với việc dùng chữ Hán! dễ dàng đến nỗi ngay cả những người than phiền nhất cũng biết rằng không thể đảo ngược được.

Có lẽ quá dễ dàng, nên có những mặt trái của nó mà anh đã chỉ ra, đại chúng cũng có thể tham gia một cách bừa bãi và làm hỏng tiếng Việt. Và cũng đúng như ý anh, sự chỉnh lý chỉ có thể bắt nguồn từ chữ Hán gốc. Điểm khởi đầu trong suy nghĩ của tôi cũng là như thế, nhưng do thực tế thấy cần châm chước vài điểm:

* Giáo dục VN đã tan nát lắm rồi, từ hai ba chục năm nay. Bây giờ thầy đâu mà dạy đọc/viết chữ Hán cho bao nhiêu lớp tiểu học, thậm chí Trung học cơ sở ? không có đâu! Tôi nghĩ cần khiêm tốn hơn, bắt đầu từ những lớp chuyên văn Trung học phổ thông (10, 11, 12) để dần dần từ những người này đào tạo ra nhiều giáo viên biết chữ Hán. Những giáo viên tiếng Việt này sẽ bảo đảm tiếng Hán Việt được dùng đúng hơn qua việc họ tham chiếu chữ Hán, nhưng họ không có trách nhiệm dạy chữ Hán. Hiện nay chữ Hán chỉ được dạy như chuyên ngành Hán-Nôm, trong các khoa ngữ văn tại các đại học, từ đó đến việc dạy chữ Hán đại trà, dù chỉ ở mức Trung học phổ thông, có lẽ cũng đã là một bước nhảy quá lớn. Chuyện này phải làm nhưng chắc sẽ cần qua một kế hoạch dài hạn hàng chục năm.

* Sai lạc có thể từ bất cứ đâu, nhưng tôi nghĩ sai lạc trong "quần chúng" (mặc dù sẽ bị hiện tượng Internet khuếch đại một cách ghê gớm) phần nhiều cũng hỗn độn như chuyển động Brown, nên triệt tiêu nhau phần lớn. Cho đến nay trách nhiệm với xã hội về ngôn ngữ (ngoài môi trường học thuật) nói chung thuộc về những ai có quyền viết hay nói cho đông người (người làm báo chí, truyền thông, các cán bộ chính trị, hành chính, và những "người nổi tiếng" trong xã hội...), cho nên cần nhấn mạnh đến trách nhiệm của họ và nếu cần đào tạo bổ túc cho họ, chuyện này cũng cần một nguồn nhân lực lớn, từ đâu ra ?.

* Nếu đã có sai lạc không thể cứu vãn vì được số đông thực hành, kể cả những người nói trên; thì mình phải chấp nhận thôi! Đây là đời sống của ngôn ngữ. Tiếng Hán Việt đã khác tiếng Hán nhiều rồi và nguồn gốc của sự khác biệt khó biết cũng như không quan trọng. Khi cộng đồng nói và hiểu như thế thì nó là như thế. Giữa các tiếng cùng gốc latinh trong các ngôn ngữ Âu châu cũng vậy thôi, có rất nhiều cặp tiếng Anh Pháp khác nghĩa nhau, thí dụ chỉ vần A đã có : abuse ≠ abuser, achieve ≠ achever, actual ≠ actuel... Đây là hiện tượng trượt nghĩa dần của ngôn từ khi người ta sống xa nhau. "Lý giải" trong thí dụ của anh là một từ như thế, tôi thấy không sao cả. Dĩ nhiên nếu còn có thể thì nên chỉnh lý theo từ nguyên, bởi vì khi đã khác nhau sẽ nhiều chọn lựa, và quy chiếu duy nhất có thể được đồng thuận là theo nguyên nghĩa.

* Về một chính sách đại trà dạy chữ Hán, ngay cả khi có điều kiện, tôi vẫn giữ ý riêng tôi là chỉ có thể nghĩ đến ở trung học phổ thông hay trung học cơ sở. Vì ở tuổi nhỏ, thí dụ như tiểu học, theo tôi học chữ Hán có thể có hại cho tư duy khoa học, lý do tôi đã trình bày. Thực ra tôi không có thẩm quyền về tâm lý - giáo dục để nói điều ấy, nhưng dù sao cũng là một lo ngại tôi thấy cần nói ra, còn các nhà giáo dục nghĩ sao và làm gì để chứng tỏ nó không có cơ sở, thì đó là việc của họ nếu họ thấy cần để ý đến lo ngại này.


Về điểm 4 :


Tôi không nghĩ người trí thức đích thực là người có mặc cảm, dù tự tôn hay tự ti. Tôi thấy hiện nay vẫn có thể đối thoại với nhau ôn hoà và nghiêm chỉnh, tuy có nhiều nhiễu, vì trí thức dỏm hiện nay hơi bị nhiều, do đó cũng phát sinh sự nghi ngại lẫn nhau.

Thêm nữa, cuộc thảo luận này không liên quan gì đến những khác biệt trên thái độ chính trị (nóng hổi) đối với Trung Quốc hiện nay, đây thuần tuý là vấn đề của Việt Nam. Mọi người có chút hiểu biết đều thấy sự khác biệt giữa "học chữ Hán", thứ chữ viết của người Việt xưa (cho tiếng Hán thời Hán-Đường, dĩ nhiên phải học phồn thể), với "học tiếng Trung" hiện đại. "Học tiếng Trung" vẫn bình thường với đông học sinh, sinh viên, có lẽ học giản thể là chính. Còn theo tôi võ đoán, "học chữ Hán" hiện nay chắc khá ít sinh viên trong các khoa ngữ văn, vì tâm lý thực dụng. Môn này không được ai cổ vũ khuyến khích cả, ra trường ngoài dạy học hay/và nghiên cứu chắc không có công ăn việc làm nào khác. "Viện nghiên cứu Hán Nôm", có lẽ là nơi duy nhất làm việc này, chỉ có 25 nhà nghiên cứu (ở miền Nam có "Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học", nhưng có lẽ còn nhỏ hơn, chỉ có mỗi tên ông giám đốc, và ngay cả website cũng không có, địa chỉ liên lạc cũng là địa chỉ riêng của ông ấy). Tôi rất mong muốn những dòng này được cải chính từ những trung tâm khác mà tôi không biết.

Anh nói: "VN chắc có Viện Ngôn Ngữ Học tiếng Việt. Không biết họ làm gì hàng chục năm nay trong khi tiếng Hán Việt càng ngày càng bát nháo". Ở VN có một Viện Ngôn Ngữ Học, anh vào xem sẽ thấy nó lèo tèo như thế nào. Kết quả "cho đời" của họ mà tôi biết là cuốn "Từ điển tiếng Việt" rất có giá trị. Ngoài ra không thấy những người này đóng vai trò gì khác trong văn hoá đại chúng. Có lẽ họ có nói cũng không ai nghe. Những điều chúng ta cần hơn thế nhiều, một cuốn từ điển từ nguyên nghiêm túc và một Hàn Lâm Viện giữ vai trò cố vấn và trọng tài, thì chưa có.

Cám ơn anh rất nhiều về những thông tin và gợi ý vừa thú vị vừa bổ ích,

HD Tuấn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss