Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / Về cải cách việc dạy và học

Về cải cách việc dạy và học

- Đinh Kỳ Thanh — published 30/04/2008 23:22, cập nhật lần cuối 30/04/2008 23:22
<< Lạm phát học sinh khá, giỏi, chạy đua theo thành tích hão huyền, lừa dối các bậc phụ huynh về thực trạng học tập của con em… đó đang là tệ nạn xấu xa của ngành giáo dục chúng ta. Cần làm một cuộc cách mạng giáo dục thật sự chứ không phải chỉ cải cách lơ mơ về phương pháp dạy học >>/ Chứng từ và ý kiến của một bạn đọc Diễn Đàn từ trong nước.

Bạn đọc viết:


CẢI CÁCH GIÁO DỤC : TRƯỚC HẾT CẦN ĐỔI MỚI CÁCH DẠY VÀ HỌC !

Đinh Kỳ Thanh


Lứa tuổi chúng tôi dù sinh ra trước Cách mạng tháng Tám 1945 song hầu như đã sống và trưởng thành gần trọn một đời trong lòng chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi đã được đào tạo bài bản từ lớp học vỡ lòng tới các trường Tiểu học, Trung học và Đại học của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và đã có nhiều năm được làm nhà giáo dạy tại các trường Trung học và Cao đẳng chuyên nghiệp của nước ta. Cái mà chúng tôi thấm thía nhất sau cả một đời được học tập và phục vụ trong ngành giáo dục của ta là chúng ta đã có lỗi rất lớn trong việc giáo dục và đào tạo bởi kiểu cách làm ăn cẩu thả và được chăng hay chớ, dạy không ra dạy và học cũng không ra học. Do tình hình chiến tranh, do kinh tế khó khăn, nhiều lúc chúng ta đã tổ chức các trường lớp theo kiểu “chiến tranh du kích” được tới đâu hay tới đó, trường chẳng ra trường, lớp không ra lớp, thày cô chưa hơn hẳn trò được “một cái đầu” có nghĩa là thày cô có học vấn chỉ nhỉnh hơn học trò hai ba lớp học, dạy học mà chỉ biết bám vào mấy trang sách giáo khoa, giáo trình soạn sẵn, nếu học trò thắc mắc, hỏi thêm với kiến thức cao hơn, mở rộng hơn thì thày cô cũng cười trừ xin thua vì chưa đủ trình độ giải thích tỏ tường! Cái quan niệm “cứ tổ chức được việc dạy và học là tốt rồi, cơm chấm cơm có sao đâu!” quả thực là một nhận thức tai hại và có tội với đời sau, khiến cho nhà trường ta ngày một tồi đi, thày chẳng ra thày, trò chẳng đáng trò!

Cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ thày cô hạn chế, chương trình dạy và học quá nặng về truyền thụ kiến thức thụ động theo kiểu truyền khẩu, học thuộc lòng, tài liệu tham khảo không có nhiều, phương tiện thực hành hầu như chẳng có…vậy nên chất luợng giáo dục thật đáng báo động. Cho tới nay tình hình có được cải thiện song cũng chẳng khá hơn là bao. Học sinh ta học tới lớp năm mà còn có em mù chữ, học hết cấp 2 mà không làm nổi bài toán quy tắc tam suất, đậu tú tài xong còn chưa biết nước Ai Cập nằm ở châu nào và hiện nay ai là Chủ tịch nước Việt Nam, tốt nghiệp đại học mà chưa đọc thông viết thạo một ngoại ngữ, nhận bằng tiến sĩ rồi song không thể trao đổi được gì tại hội thảo quốc tế về chuyên ngành của mình (vì thiếu trình độ ngoại ngữ!) là một chuyện không có gì lạ!

Chỉ nói riêng về môn Văn và ngoại ngữ thôi, việc dạy và học thật thấy đau lòng. Các thày cô giáo dạy Văn nay vẫn phải dạy các bài thơ chữ Hán và chữ nôm trong văn học sử Việt Nam. Thế nhưng đa phần các thày cô không biết chữ Hán, chữ nôm, dạy Chinh phụ ngâm khúc, Hịch tuớng sĩ, Bình Ngô đại cáo, thậm chí Ngục trung nhật ký… theo bản dịch. Nhiều thày cô còn chẳng hiểu nổi ý nghĩa câu thơ nôm Nguyễn Trãi hoặc câu thơ cổ trong truyện Kiều… thì làm sao có thể truyền đạt được những cái hay cái đẹp của các áng văn thơ kia cho học trò?

Còn dạy và học ngoại ngữ ư? Thật phí công vô ích! Cứ lấy ngay thế hệ học sinh sinh viên chúng tôi đây làm ví dụ. Thật là cả một lớp người được chọn làm “vật hy sinh” cho việc chúng ta coi thường ngoại ngữ, chẳng biết lấy ngoại ngữ làm công cụ nâng cao kiến thức toàn dân. Hồi tiểu học (hay cấp I) chúng tôi được học dăm câu tiếng Pháp đủ để biết chào hỏi, mua sắm ít món đồ tại cửa hàng ăn uống hoặc hiệu sách… Chưa rành rẽ gì thì lên cấp II bị học tiếng Trung, 3 năm học, mỗi tuần hai tiết, chưa đủ vốn liếng dằn lòng để trao đổi cùng bạn bè Bắc kinh thì qua cấp III (Trung học phổ thông) lại bị chuyển qua học tiếng Nga. Phát âm ú ớ, chẳng biết nhấn đúng trọng âm, viết còn sai chính tả nhiều từ , đọc một mẩu chuyện trẻ em không hiểu nổi… thì khi lên Đại học nhà trường lại không tổ chức dạy và học ngoại ngữ nữa mà cho sinh viên tự thân vận động, học thêm được thì tốt, không biết ngoại ngữ cũng không sao(?!)… Vậy là tốt nghiệp đại học ra chúng tôi biết rất nhiều “từ” nước ngoài song chẳng nói và viết giỏi một thứ ngoại ngữ nào hết, lấy vốn đâu mà tham khảo sách báo, xem phim ảnh để mở mang kiến thức. Khi đất nước đổi mới và mở cửa chúng tôi lại phải lăn lưng đi học lại ngoại ngữ từ đầu. Lại mất 5, 6 năm trời vất vả mới có thể giao tiếp được với bè bạn nước ngoài mà không cần thông dịch cho đỡ xấu mặt!

Vậy mà trong vài lần tiếp xúc bạn bè cũ cũng hành nghề nhà giáo, khi tôi hỏi mấy bạn giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm ngoại ngữ cùng thời với chúng tôi, chuyên dạy tiếng Nga và tiếng Trung trước đây, bây giờ đang dạy môn gì thì đều được họ cho biết đã chuyển qua dạy tiếng Anh ở các trường phổ thông trung học. Hỏi kỹ thì mới biết các bạn đó được đi học một khóa tiếng Anh cấp tốc trong 3 tháng Hè và sau đó về dạy luôn. Hèn gì họ phát âm ẩu lung tung, nói một câu đơn giản còn sai ngữ pháp… Thậm chí có lúc tôi vờ hỏi họ một câu bằng tiếng Anh rất đời thường họ còn không hiểu nổi tôi muốn hỏi gì. Vậy thì không biết các em học sinh sẽ học được gì qua những giờ Anh ngữ do họ đảm trách? Thày cô còn thế, làm sao có thể hy vọng gì ở các học trò?

Không thể phủ nhận trong thực tế hiện nay có rất nhiều em học sinh sinh viên rất giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Thế nhưng khi hỏi các em nhờ đâu mà giỏi ngoại ngữ như vậy, các em đều cho hay nhờ sự đầu tư lớn và lâu dài của gia đình, nhờ học kèm cặp bởi các gia sư giỏi! Chứ nếu cứ trông chờ vào mấy giờ học ngoại ngữ trong nhà trường hay tại các Trung tâm ngoại ngữ ngoài giờ thì còn lâu các em mới nên người!

Một lần thăm nước Pháp, khi tới Paris, tôi thật xấu hổ vì vốn liếng tiếng Pháp quá nghèo nàn và quá “bồi” của mình trong lúc các bạn Pháp thì cứ đinh ninh dân Việt rất giỏi tiếng của họ vì đất nước Việt Nam thường tự nhận mình là thành viên cộng đồng các quốc gia nói tiếng Pháp (!) Tôi đã phải xin lỗi các bạn để được dùng tiếng Anh trao đổi song khi họ chuyển qua tiếng Anh rồi thì mình lại thấy mình còn thua kém họ rất xa! Với sinh viên Pháp, tiếng Anh là một ngoại ngữ hàng đầu mà họ nắm rất vững chẳng kém gì tiếng mẹ đẻ, chỉ có điều họ không thích dùng khi tin rằng đối tượng giao tiếp rất rành tiếng Pháp!

Cái cần nhất giờ đây trong cải cách giáo dục theo chúng tôi là phải thay đổi ngay phương pháp dạy và học. Phải giảm bớt các kiến thức cổ lỗ, không thật cần thiết trang bị cho học sinh, phải giảm bớt khối lượng kiến thức thày cô truyền thụ trên lớp và tăng cường thật nhiều kiến thức buộc học sinh sinh viên tự tham khảo từ nhiều nguồn và tự tổng hợp xác định và ghi nhớ. Cũng không cần phải học thuộc lòng nhiều kiến thức nếu kiến thức đó đã có thể được ghi nhớ bằng các phương tiện trợ giúp hiện đại (qua các công cụ nghe nhìn như máy tính, băng,dĩa, máy vi tính…)

Một lần tới thăm các cháu ngoại của tôi mới học lớp 1 và lớp 4 tại một trường Trung học quốc tế Pháp ở nước ngoài, tôi giật mình vì thấy các thày cô ra bài tập về nhà cho học sinh là làm các bản thu hoạch tổng hợp các kiến thức về nước Pháp, về thủ đô Paris, về các phong tục tập quán của các dân châu Á có ăn Tết Nguyên Đán, về các hiểu biết tổng hợp về các Kim tự tháp Ai Cập… Tất cả các bản thu hoạch đó các em có thể làm với sự hướng dẫn của giáo viên là phải truy cập vào Internet, lấy nguồn tham khảo từ các trang Web thày cô chỉ dẫn cho. Vậy là các cháu mới chỉ 4 tuổi và 8 tuổi đã có thể mở computer truy cập các trang web và lướt ào ào… điều mà ở ta nhiều học sinh ban Tú tài tại nhiều nơi chưa hề biết tới (và thật buồn là có thể tại nhiều trường Trung học phổ thông có cả những thày cô giáo cũng chưa hề biết tới!)

Lược bỏ bớt những môn học không cần thiết đưa vào chính khóa, cắt giảm những kiến thức học sinh sinh viên có thể tham khảo từ nhiều nguồn khỏi các giờ dạy chính khóa, buộc học sinh sinh viên tự thân vận động nhiều hơn… đó mới là cách làm đúng và hay. Khộng có lý do gì bắt một sinh viên năm thứ hai Đại học Khoa học xã hội và nhân văn phải ở lại lớp chỉ vì bị điểm kém trong môn học Thể dục thể thao chỉ vì em này không thể nhảy cao và không biết phát bóng trong giờ học môn bóng chuyền…trong lúc các môn học khác em đều đạt mức khá và giỏi.

Cũng không thể có lý do gì để có tình trạng trong các trường trung tiểu học ngày nay hầu như các lớp đều có tới 80%-90% học sinh giỏi, còn lại là toàn học sinh khá…trong khi nếu kiểm tra kỹ thì phải có tới 70% chỉ đạt mức trung bình, 20% là học kém và chỉ có khoảng 10% là học khá và giỏi mà thôi! Thời chúng tôi, mỗi lớp có được 1 hay 2 học sinh giỏi là vinh dự lắm rồi. Bởi vậy một điểm 10 sẽ trở thành một điểm son đỏ chói đầy vinh dự trong bảng thành tích học tập của mỗi học sinh xuất sắc!

Lạm phát học sinh khá, giỏi, chạy đua theo thành tích hão huyền, lừa dối các bậc phụ huynh về thực trạng học tập của con em… đó đang là tệ nạn xấu xa của ngành giáo dục chúng ta. Cần làm một cuộc cách mạng giáo dục thật sự chứ không phải chỉ cải cách lơ mơ về phương pháp dạy học. Trước hết phải giảm tải chương trình, cắt bỏ nhiều môn học chính thống chưa cần thiết trang bị cho học sinh, sinh viên (như đưa môn thể dục thể thao sang các Câu lạc bộ chuyên ngành hấp dẫn để lôi cuốn học sinh, sinh viên ghi danh tập luyện…; giảm bớt các giờ dạy đạo đức, công dân giáo dục, chính trị, triết học chính khóa...để trang bị kiến thức cập nhật chuyên sâu cho từng ngành…) Và một điều không thể không làm ngay là tổ chức rà soát lại trình độ thực của các thày cô giáo để có thể cho nghỉ dạy, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, hoặc đào tạo mới thật bài bản… đặng nhận lãnh xứng đáng vai trò nhà tổ chức truyền thụ kiến thức và tổ chức hướng dẫn nghiên cứu khoa học có tài, làm gương sáng cho các thế hệ mai sau.

Trong giáo dục và đào tạo rõ ràng là phải có được thật nhiều thày cô giỏi và tận tâm với nghề. “Không thày đố mày làm nên!” chính là lời dạy chí lý của cha ông mà chúng ta cần ghi nhớ mãi./.

Đinh Kỳ Thanh

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss