Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Khi tôi trở về

Khi tôi trở về

- Hàn Thuỷ — published 13/03/2008 10:45, cập nhật lần cuối 14/03/2008 10:09
Ôi! cái mơ hồ giàu có của văn chương, sự thố lộ chiều sâu của tâm hồn nguỵ trang dưới những tình tiết nửa hư nửa thực, có khi, nào ai biết. Thôi thế thì gọi là truyện-ký vậy... Hàn Thuỷ đọc truyện-ký của Mai Ninh, Cổ Ngư và Mạch Nha.


Khi tôi trở về
 
đọc tập truyện-ký
của Mai Ninh, Mạch Nha và Cổ Ngư
(*),
 

 
Hàn Thuỷ



bia-anquakhu... rồi tôi lại ra đi... Tôi đã định đặt tựa bài giới thiệu sách này như thế. Chín chữ, nhưng thấy hình như năm chữ sau là của chính mình chứ không hẳn là của các tác giả, nên thôi, dùng bốn chữ đầu, nó như một cái leitmotif trở đi trở lại khi đọc tập "truyện và ký" này. Có lẽ chất ký là chủ đạo, truyện ngắn, nếu là truyện ngắn, cũng viết dưới thể ký, kể ở ngôi thứ nhất. Ôi! cái mơ hồ giàu có của văn chương, sự thố lộ chiều sâu của tâm hồn nguỵ trang dưới những tình tiết nửa hư nửa thực, có khi, nào ai biết. Thôi thế thì gọi là truyện-ký vậy, xin phép thay chữ "và" bằng cái gạch nối.

Mơ hồ đến nỗi cả tên sách cũng không có riêng, sách chia làm ba phần thì tên sách là tên của ba phần, cho nên tên dài lắm. Vậy thì ta có một cái bìa như hình bên, lại còn nhấn mạnh những ...ứ...ấ...ờ...ô... thật là tinh nghịch, cái tinh nghịch tự chế diễu mình để che lấp đi một cái gì đấy vừa thổ lộ. Như văn Mạch Nha. Thí dụ đây nhé :

 
Cái đầm vải xiu chắc chị gì trong xóm Ly may giống y kiểu ca-ta-lô Tây một lần Ly trỏ tôi xem tưởng chỉ để lè lưỡi với nhau. Trăng hoa bát ngát. Mâm quả ê hề. Bất ngờ như tiên sa.

Tôi còn kịp thốt thầm «Đẹp!» trước khi chú mục vào mớ lông xoăn tít trên cánh tay trần cồ xương của người cầm lái chiếc Dream đang rước quả đi phố. Khổ tay ấy không phải của đàn ông Việt Nam. Loại lông ấy cũng không phải lông Giao Chỉ. Càng không phải Tín, đã đi, về quê.

Tết xong rồi sao? Trở lại cưa nốt năm cuối, lĩnh cho xong cái bằng còn lo lè lẹ đi đầu quân một joint venture nào đó. Tham khảo cẩn thận rồi, nhất Mỹ nhì Úc, lúc nhúc theo sau Tài Oản, Xìn Pò. Thiên hạ ngâm nhão nhoét từ khuya, còn chưa bừng nắng hạ hay sao:

Tất cả là tại vua Hùng!
Sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên
Đứa khôn thì đi vượt biên
Những thằng ở lại toàn điên với khùng!

Thế thì, trí khôn và sắc vóc em nên đem đầu tư cho ngoại chủ hay gói ghém lại, dú già dú non dâng hiến nội lang xương da trơ trụi, chuyên viết đơn xin việc, châm thuốc, cụng ly, xào bài và ra tay dạy vợ?

Lớn lên giữa thời buổi kinh tế thị trường xôi nóng bỏng giòn này, không nhì nhằng được.

( Xếp ảnh)

 
Ôi chao ! sao lại có thứ văn nhanh đến vậy, đọc chóng mặt nhưng lại hiểu ngay, mặc dù ngôn ngữ thật trẻ, thật mới, lẫn lộn tiếng ta tiếng tây. Hiểu ngay, cười muốn chết với " trăng hoa bát ngát, bông quả ê hề... " nhưng đọc lại, lại hiểu thêm, lần này thì cay xè với " nội lang xương da trơ trụi...". Câu văn ngắn, ném ra câu nào câu nấy nổ lốp bốp. Cái nhanh này cũng là một thứ mặt nạ, nói hết, nhưng nói cho nghe không kịp thở để mà lấy cái này che lấp cái kia.

Văn Cổ Ngư cũng nhanh, nhưng nhanh kiểu khác, mực thước hơn, không luôn tuôn tràn từ trong ra ngoài một mạch, mà có lúc còn một chút gì vừa nói vừa suy nghĩ ngược về mình :

 
Ăn xong, họp xong, đã xế trưa. Gần chiều. Gọi điện thoại cho vợ. Nghe đầu dây bên kia than thở chuyện công việc. Hàng đến trễ vì trục trặc tàu biển. Lo lắng cho chuyến hàng đường hàng không ngày mai: nhân viên Air France doạ đình công cả tuần, đòi tăng lương, chống sa thải. Sao nhìn đâu cũng thấy âu lo, những nụ cười an nhiên tự tại của Đức Thích Ca đâu cả rồi? Ngó vào thời khoá biểu: thứ hai họp với xếp. Ghi thêm vào thời khoá biểu: thứ ba họp với đệ tử. Cuối tuần, phải gửi lại đề án có cập nhật hoá cho khách hàng duyệt. Đầu óc đã muốn bưng bưng. Lá thư hiện ra đúng lúc, góc phải cuối màn hình. Chắc e-mail của Tường. Đúng boong! Hi! Cám ơn bạn dzàng còn nhớ đến sinh nhật tao. Sẽ mi Cathy hai cái. Một ở má: của mày. Một ở môi: của tao. Ê, bài thơ mày làm có «thoát thai» từ hai câu này của ông Bùi Giáng không vậy: Xin chào nhau giữa con đường, Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau... Madrid nổ, Paris có teo không mày? Hẹn meo sau. Tường. Con mọt sách vẫn nhớ thơ Bùi Giáng...

(Ngày ngoài cửa sổ)

 
Tôi đọc ít nên không dám nói hai phong cách gần giống nhau này có độc đáo hay không. Nhưng quả nhiên nó thích hợp với những người ngổn ngang nhiều chuyện, nhiều đời sống khác nhau, trong đầu... Không phải "Việt kiều" vừa bươn chải với hiện tại nơi đây, lại vừa mang nặng một quá khứ khác hẳn từ nơi kia, có lẽ không có cái đầu như thế. Không quen thuộc vừa với văn chương Âu Mỹ vừa với văn chương VN, chắc cũng khó đẻ ra được cái văn phong như thế.

Người thứ ba trong bộ ba này là Mai Ninh. Có lẽ độc giả đã biết nhiều, nhất là độc giả Diễn Đàn, vì phần lớn các bài truyện-ký ở đây đều đã đăng trên Diễn Đàn. Văn Mai Ninh lôi cuốn kỳ lạ, điều này nhiều người đã nói đến. Nay đối chiếu với hai tác giả trẻ hơn mới có thể nói : kỳ lạ ở chỗ, văn phong vừa tương đối chậm hơn, vừa khá phức tạp mà vẫn đủ nhanh để lôi cuốn. Văn hay thì lôi cuốn, văn của các thế hệ trước nói chung là ít khi nhanh, và chỉ có ngày nay văn chương mới trở nên phức tạp. Mai Ninh giống và khác với hai người bạn văn thuộc thế hệ sau là vậy. Dĩ nhiên nếu tính bằng năm tháng thì sự khác biệt còn xa mới đến một thế hệ, thế hệ ở đây là thế hệ của những người Việt Nam sống trong giai đoạn mà lịch sử đã và đang gia tốc khủng khiếp. Những người rời đất nước khi vừa trưởng thành trước 68, so với những người ra đi năm 75 hay trong thời gian sau 75 khoảng gần chục năm, là khác nhau cả một thế hệ. Mà nếu so với những tác giả 7x, 8x, trưởng thành trong thời đổi mới, chắc chắn lại là một thế hệ nữa hoàn toàn khác.

Đoạn dưới đây trích trong bài bút ký "Nhớ Phùng Quán" :

 
Tôi tưởng tôi sẽ còn gặp anh, tôi có hứa sẽ về thăm căn gác của anh, để thấy,

Hồ khuya sương tịch mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi

Nhưng không, chiều cuối tháng chạp, cơn bạo bệnh đã đem anh đi khỏi căn gác lộng gió. Thế là, Tết không vào nhà tôi, Tết đi qua trước ngõ... Nhưng với một người yêu quê hương đến như anh, thì sự ra đi đó cũng có nghĩa là một trở về an nghỉ miên viễn, một giải thoát như anh đã viết:

Đàn mối của quê hương
Sẽ thay phu đào huyệt
Bao nghiệt ngã trần gian
Chỉ dăm ngày vùi hết
Căn hộ mới đáy huyệt

Rượu đất tôi uống tràn
Cụng ly cùng sâu bọ
Mừng trắng nợ trần gian!

Anh trắng nợ trần, nhưng anh đã bỏ lại biết bao người thương kính anh. - đây, tôi không muốn nhắc đến một người đã sống, chịu bao đau thương cay cực để giữ gìn lý tưởng trong suốt nhất: lòng yêu quê hương và sự thật. Tôi chỉ muốn gợi lại những kỷ niệm riêng tư, hoài niệm của chính mình và của vài bạn bè chung, về một người anh, một người bạn vong niên thân kính, như được phép thắp lên một nén hương trầm mặc nhất. Anh mất, tôi không thể trở về tiễn đưa anh, mà phải đợi bao ngày tháng sau. Hà Nội khi tôi về, bão táp liên miên mấy ngày trước. Trời vẫn thỉnh thoảng còn rơi rớt những làn mưa lất phất. Người quen dẫn tôi đến viếng anh, thăm chị. Dù biết anh đã kể với chị về mình, nhưng tôi cũng ngại ngần, cuối cùng chỉ tự giới thiệu là một hậu sinh từ trong Nam ra. Căn gác lầu thơ anh hình như vẫn còn bên trên, nhưng dưới nhà đã biến thành hàng quán. Tự dưng tôi thất vọng, buồn lâng lâng. Nhưng ánh mắt anh trầm tư trên ảnh thờ như nhắc nhở tôi: mọi sự rồi ra không có gì quan trọng! Chị tặng tôi tập thơ của anh, lần đầu tiên được chính thức in ở quê nhà.

Chiều rồi, tôi bước ra, mặt hồ sau cơn mưa, thênh thang bình lặng. Trăng còn non và thấp. Chân bước đi, bỗng vấp vào hòn đá nhỏ. Tự nhiên tôi cúi xuống nhặt lên, nó giống những quả sấu sần sùi vừa mua cho em bé hàng rong buổi sáng. Một bát canh sấu chua mùa hạ. Tiếc rằng tôi đã về thăm anh quá trễ.

(Nhớ Phùng Quán)

 
Sau cái nhanh chậm và cái phức tạp, qua ba đoạn trích ở trên tôi cũng muốn xin bạn đọc lưu ý đến cái trong của ba tác giả. Cái phẩm chất trong rất đáng để ý ở một bài ký, không phải chỉ vì người viết muốn người đọc nhìn một mẩu đời qua mắt mình, qua văn mình, mà còn muốn người đọc nhìn thấy – ở một khoảnh khắc nào đó, tất nhiên – chính bản thân mình nữa. Dù muốn hay không, ký, trước hết là nhật ký của bản thân. Vậy là với cả hai thực thể – bản thân người viết văn và đối tượng của bài ký – không ai có thể trong một cách tuyệt đối ; bởi vì hình tượng này bị khúc xạ bởi hình tượng kia. Nhưng, như thế không có nghĩa là đục. Dĩ nhiên một bài ký hay phải là một bài ký trong. Trong bình phương, để người đọc nhìn và cảm được một người đang nhìn và cảm, ở hai tầng. Về mặt này, theo chủ quan người điểm sách, cả ba đều thành công. Và quan trọng hơn, trong cái thể văn chứa đầy những cạm bẫy của cái biện chứng đôi kỳ lạ khách quan / chủ quan, khách thể / chủ thể nói trên, trong hay đục không chỉ là vấn đề nghề nghiệp hành văn. Mà chủ yếu ở tấm lòng, vì thế ở nhà viết văn "nghiệp dư", "viết văn như một nhu cầu tâm linh" theo nhận xét rất chí lý của Nam Dao trong phần giới thiệu, đây là một đảm bảo trong thể ký. Chắc chắn bạn đọc đều đã gặp phải những bài ký rất đục của những nhà văn chuyên nghiệp viết theo đơn đặt hàng, vì loại văn này nhan nhản, rất dễ nhận ra, ở chỗ đọc rồi không nhận ra gì cả.


*


Có lẽ nói về văn phong như vậy là quá đô/độ rồi với một người điểm sách còn nghiệp dư hơn cả các nhà văn. Xin trở lại với nội dung. Tập truyện-ký của ba tác giả Mai Ninh, Cổ Ngư và Mạch Nha gồm 22 đoản văn, viết rải rác khoảng trên dưới mười năm vừa qua (theo Nam Dao giới thiệu). Được chia làm ba phần, phần đầu : ăn quá khứ, gồm ba truyện-ký của Mai Ninh, một của Cổ Ngư và một của Mạch Nha, tất cả nói về những kỷ niệm thân thương của các tác giả, hình như không có vấn đề to lớn nào rõ rệt. Một sự trở về với chính mình, như báo hiệu một tĩnh tâm cần thiết.

Phần giữa : Những mảnh thất tán giữa đời thường, là phần dày nhất và cũng rõ nét nhất. Ở đây là những bài ký hay tuỳ bút của ba tác giả về những nhân vật cụ thể : Du Tử Lê, Phùng Quán, Trịnh Công Sơn, Kiệt Tấn, Thanh Tâm Tuyền, Lê Uyên Phương... Những người – vâng, ngay cả Phùng Quán – có thể nói đại diện cho một mảng lớn của đời sống văn hoá miền Nam trước đây. Nơi họ đã sống, từ đó ra đi, và từ đó trở về, trở về viếng thăm trên đất nước, hay ở nơi khác, đều là trở về trong tâm tưởng của chính mình. Ngoài ra, đặc biệt khi Mạch Nha còn viết về cha mình, và về bạn mình, cũng như Mai Ninh viết về những cuộc sống hiện tại của những người nữ thanh niên xung phong; thì chủ đề không phải những người nổi tiếng, có lẽ là những người bình thường tiêu biểu.

Phần này tưởng như dễ đọc, nhưng cũng không dễ lắm, vì lượng thông tin hiển lộ là khá nhiều, mà những ẩn dấu cũng không ít. Đối tượng là con người, là thời đại, là các tác giả... những mảnh thất tán được đối chiếu với nhau, soi lên nhau, kết hợp với nhau như trong một cái kính vạn hoa. Đâu đó có thể loé ra những tâm tình nóng bỏng, những nhận định sắc sảo... vì đời thường, nhưng thời đại lịch sử không thường, luôn có mặt. Khắc hoạ hiển lộ về một thời quá khứ, đượm một màu thuỷ mặc ẩn tàng của hiện tại.

Phần thứ ba : Đến những vô cùng, là đến, chứ không còn về nữa. Nhưng đến những vô cùng là đến đâu ? Chỉ có thể là đến với những tiềm năng biến chuyển vô cùng của hiện tại. Và nói như thế thì đi đâu cũng có thể là đến, trở về cũng có thể là đến. Thí dụ như bức thư của Cổ Ngư viết cho Phạm Thị Hoài : Về Việt Nam lúc ấy chính là đến với Việt Nam, bằng một cái nhìn tỉnh táo, khiêm tốn nhưng không khoan nhượng. Thí dụ như Mai Ninh viết mưa mùa xa để nói một cách khá nghịch lý về những mẩu hiện thực của xã hội bắt gặp trong một chuyến về.

Ở đây là những đoản văn hiện thực hơn, đượm nhiều suy nghĩ hơn, nhưng cũng ngắn hơn, của ba tác giả. Cái hiện tại ẩn tàng thuỷ mặc của phần giữa nói trên giờ đây đã là những bức ảnh đầy màu sắc, nhưng đều khiêm tốn với những chủ đề nhỏ của cuộc đời, không toàn cảnh, dĩ nhiên, làm sao toàn cảnh được cái vô cùng ? Thí dụ như bài Mạch Nha viết khi dở chồng ảnh cũ, Cổ Ngư viết khi chơi với con ngoài bãi cát, thật hay.

Nhưng nhận ra thế, và cảm thụ như thế, đúng là dấu ấn của những tâm tình chân thật. Chân thật không có nghĩa không sắc sảo tinh tế. Mai Ninh, Cổ Ngư, Mạch Nha có những văn phong thật khác nhau, nhưng đều đạt và chín.

Tôi đọc tập truyện và ký nhiều lần, khi nhanh khi chậm. Cuối cùng tôi chỉ mong những ai tự thấy có trách nhiệm về chính trị và văn hoá, dù nắm quyền hay không, và còn có lòng với con người Việt Nam ở hải ngoại, đọc và hiểu được sâu xa tập truyện-ký này. Vì nếu không hiểu tâm tình con người thì nói chi đến hoà hợp hoà giải.


Hàn Thuỷ

 

Để đọc ba truyện-ký của :


Mai Ninh : Đảo Trụi

Mạch Nha : Bún ốc anh Bảo

Cổ Ngư : Bọt biển


(*) nxb Văn Mới, P.O.Box 287, Gardena CA 90248, USA
      Giá $14.00

      Hoặc 12,00€ cộng cước phí bưu điện gửi từ Pháp.

      Xin liên lạc với : Nguyễn Linh Quang, nguyenlinhquang@gmail.com


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss