Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Đọc đi đọc lại, tư duy và trăn trở

Đọc đi đọc lại, tư duy và trăn trở

- Bùi Trân Phượng — published 21/09/2015 22:05, cập nhật lần cuối 21/09/2015 22:04


Đọc đi đọc lại, tư duy và trăn trở


Bùi Trân Phượng



bia Đọc Phạm Duy và Lê Vân… của John C. Schafer là một quyển sách nên đọc, cần đọc vì nhiều lẽ. Không phải chỉ vì Phạm Duy và Lê Vân tuy kẻ nam người nữ và thuộc hai thế hệ khác nhau, có những trải nghiệm rất khác biệt song là hai nghệ sĩ được đông đảo người Việt vô cùng yêu quý, bất chấp tranh cãi kéo dài. Không phải chỉ vì tác giả John Schafer và dịch giả-vợ hiền của ông đều là người nặng lòng yêu người Việt, văn hóa Việt và đã thể hiện tình yêu đó suốt cả một đời nghiên cứu của anh John, với sự hỗ trợ dịch thuật của chị Quỳnh. Mà trên hết còn vì đọc như John Schafer “đọc lại” là điều bổ ích biết bao, cần thiết biết bao cho những người Việt bình thường, không hề là người nổi tiếng như Lê Vân hay Phạm Duy, và cho bất cứ ai quan tâm hiểu thêm về người Việt, văn hóa Việt.


Đọc đi đọc lại


Như John Schafer giải thích ngay từ đầu sách, anh đọc Hồi ký Phạm Duy và tự truyện của Lê Vân đều không phải tình cờ. Anh thấy ở hai tác phẩm đó những cứ liệu đủ để chúng là công cụ thích hợp giúp anh tìm hiểu ý thức giới ở Việt Nam. Anh đã giải trình việc tìm hiểu của mình một cách cẩn trọng và khoa học nhứt có thể. Anh thừa nhận Phạm Duy và Lê Vân đều không tiêu biểu cho đàn ông và đàn bà ở Việt Nam; song “nhân vật mà Phạm Duy tự giới thiệu trong cuốn hồi ký của ông (…) đã để lộ ra những nét nam tính rất cổ điển của đàn ông Việt Nam mặc dầu dưới một lăng kính phóng đại rất lớn”; còn Lê Vân “tự định nghĩa đời mình qua những giá trị truyền thống”, “trong tâm can lúc nào cũng chỉ muốn làm một người vợ đúng nghĩa: hiền hậu, hết lòng với gia đình chồng con. Đó là những phẩm chất của phụ nữ Á đông mà [chị] đã ‘bị ngấm’ từ khi nào không rõ”. Vì vậy, John cho rằng hai nhân vật nầy cung cấp minh chứng để anh phân tích và trả lời câu hỏi của Lê Thị Nhâm Tuyết: “Tại sao đàn ông cứ bình thản là đàn ông, trong khi phụ nữ lúc nào cũng là nạn nhân của mọi thứ định kiến, đồng thời lại là đối tượng được nâng niu trân trọng trong vai trò của ngọn nguồn sáng tạo văn học nghê thuật?” Câu hỏi không của riêng bà Nhâm Tuyết, nhà nghiên cứu phụ nữ giàu kinh nghiệm, cho nên chắc ai trong chúng ta cũng sẽ quan tâm đến câu trả lời mà cuốn sách của John Schafer đề xuất.

Cuốn sách là sự chia sẻ của một người đã đọc đi đọc lại, trải nghiệm, yêu thương, nghĩ ngợi, tư duy không chỉ khi đọc sách của và về hai nhân vật đã chọn, mà trong cả cuộc đời mình. Từ những thập niên 1960, 1970, John “đã say mê những bài tình ca của Phạm Duy như Nghìn trùng xa cách, Trả lại em yêu, Ngày đó chúng mình”, “từ lâu [anh] đã muốn tìm hiểu thêm về hai giới ở Việt Nam – như vợ chồng phân chia công việc trong gia đình như thế nào, có phải người vợ thật sự là nội tướng và đàn ông là ngoại trưởng hay không. Những tò mò này càng gia tăng thêm khi [anh] cưới vợ Việt Nam vào năm 1973”. Qua Yêu và sống, anh muốn “được biết thêm về cái nhìn của người phụ nữ xem họ tự đánh giá mình như thế nào trong cuộc sống hiện đại”.


Tư duy


Điều mà độc giả Việt Nam có thể học được nhiều nhứt ở cách đọc của John Schafer là sự lắng nghe, tôn trọng người viết và nhân vật mà mình nghiên cứu; đồng thời, với tri thức và công cụ tư duy hiện đại – chẳng hạn lý thuyết của Roland Barthes – anh phanh phui, “bốc mộ” (chữ dùng của Bùi Mai Hạnh), giải mã những thông điệp nằm dưới tầng sâu tác phẩm văn học, kể cả nằm ngoài ý thức người kể, người viết hồi ký và tự truyện; và do đó, không hiển nhiên bộc lộ cho những độc giả Việt Nam từng đọc các tác phẩm mà anh “đọc lại”. Theo John, trong Yêu và sống, “Lê Vân gợi lên những ‘văn bản’ mà người Việt đã theo đó để dựng nên quan điểm của họ về nữ giới. [Anh] nói “gợi lên” thay vì “trích dẫn” bởi vì [anh] phân tích không những chỉ các văn bản Lê Vân trích dẫn – ví dụ một số câu trong Truyện Kiều – mà còn cả những văn bản Roland Barthes gọi là “trích dẫn không có dấu ngoặc kép”: những ám chỉ bằng thành ngữ và châm ngôn và những tập tục văn hóa không rõ nguồn gốc.” Anh chứng minh các văn bản đó hình thành một “hệ thống chặt chẽ nhằm duy trì quyền lợi của đàn ông và hạn chế quyền lợi của đàn bà.” Và qua đó anh giúp chúng ta hiểu rõ hơn “vì sao đàn ông như Phạm Duy sung sướng trong vai trò đàn ông trong khi đàn bà như Lê Vân lại cảm thấy mình là nạn nhân”. Mà nào đâu chỉ có Phạm Duy mới sung sướng, thoải mái, bình thản làm đàn ông; nào đâu chỉ có Lê Vân mới cảm thấy mình là nạn nhân lắm khi tự nguyện, đôi lúc còn tự hào làm người (bị) hy sinh.

Tuy nhiên, sự phân tích khoa học của John Schafer hoàn toàn không lệ thuộc, cũng không chút nhân nhượng, thỏa hiệp với những phân trần tự biện hộ của Phạm Duy hay những tự thán đẫm nước mắt thương thân của Lê Vân-Bùi Mai Hạnh. Anh nhiều lần tranh luận, đối chất với nhân vật của mình, và cả với xã hội Việt đang dung dưỡng những định kiến ăn sâu về giới. Hoài nghi, chất vấn, trước hết, với tư cách người ngoài, người đến từ nền văn hóa có những xác tín khác với số đông người Việt. Phạm Duy ngụy biện “nói rằng người Việt đã quá khe khắt với ông trong [một “tai nạn ái tình”, theo diễn đạt của ông], còn với người Âu Mỹ thì không như vậy.” John phủ định dứt khoát: “Mặc dầu xã hội Mỹ phóng túng hơn Việt Nam thật nhưng ngoại tình với vợ của em trai vợ mình là một điều không bao giờ được dư luận chấp nhận tại Mỹ.” Anh “tin nhiều độc giả ngoại quốc sẽ rất ngạc nhiên (hay bật cười, hay khiếp đảm) khi thấy Phạm Duy quá tự tin”, dễ dãi với bản thân, với cái ông gọi là “nết xấu” độc nhứt của ông là “đa tình”. Nhưng, chặt chẽ và vững chắc hơn, John Schafer đã phản biện cả Phạm Duy và Lê Vân-Bùi Mai Hạnh bằng tri thức và tư duy khoa học khi anh chỉ rõ “người Việt vẫn còn giữ hai tiêu chuẩn, một cho đàn ông và một cho đàn bà”. Thực trạng đó, gọi đúng tên, không gì khác hơn là bất bình đẳng giới. Theo John, nó trầm trọng ở Việt Nam và vẫn tồn tại kể cả ở Mỹ, John cho chúng ta biết, khi anh dẫn lại tác giả Mỹ Mary Gergen phân tích và chứng minh “có hai loại tự truyện, một của đàn ông và một của đàn bà”. Anh nhận xét cả Phạm Duy và Lê Vân đều không ra ngoài thông lệ chung về sự phân biệt đó khi tường thuật đời mình; có nghĩa chiều kích giới luôn hiển hiện.

Về Phạm Duy, John Schafer kết luận: “Bốn tập hồi ký của ông đã giúp chúng ta hiểu ông nhiều hơn. Còn về việc đây có phải là hồ sơ của “một người Việt tự do” (như Phạm Duy tự nhận, với sự đồng tình của một số người, BTP) thì cần phải tìm hiểu thêm ý nghĩa hai chữ tự do ở đây. (…) Trong các liên hệ tình cảm với phụ nữ ông đã tận dụng tất cả những đặc quyền mà nền văn hóa phụ hệ1 Việt Nam đã ban cho ông. Có thể vì ông kiêu ngạo, không hề có một chút mảy may thiếu tự tin, nên hồi ký của ông thiếu cái nhìn lại về mình. Ông hầu như không bao giờ tự chất vấn các hành động của mình.” “Đọc lại” với sự chất vấn cần thiết ấy, John đã giúp nhiều gợi ý bổ ích chẳng những cho đại chúng ở Việt Nam, mà cho cả các nhà phê bình, nghiên cứu chuyên nghiệp.

Về tự truyện của Lê Vân do Bùi Mai Hạnh chấp bút, John Schafer cảm phục chị đã “dám viết ra một cách trung thực đến tàn nhẫn, (…) đã cho độc giả một bài học về lòng dũng cảm”. Anh nhận định xác đáng là “Yêu và Sống (…) đã kể lại một hành trình giàu cảm xúc và trí tuệ đầy lôi cuốn”. Anh cũng tinh tế nhận xét tuy Lê Vân không đại diện cho phụ nữ Việt nhưng “chuyện đời của cô phản ánh những văn bản mà người Việt theo đó để dựng nên quan điểm của họ về nữ giới”. Anh phân tích quan điểm này dựa trên 6 chủ đề mà anh cho là then chốt để khái quát quan điểm Việt về nữ giới: huyền thoại về mẫu hệ và người nội tướng, tiết hạnh, tứ đức, hy sinh, quan hệ tam giác, lãng mạn và định mệnh. Mặc dù việc tách các chủ đề còn có thể tranh cãi – chẳng hạn, vì sao tiết hạnh phải thành chủ đề riêng trong khi đó là đức quan trọng nhứt trong tứ đức? – song John đã phanh phui khá kỹ các chủ đề để vừa tỏ ra thấu hiểu, cảm thông sâu sắc vừa phản biện thẳng thắn với định kiến giới của xã hội Việt và cả với những lập luận của Lê Vân, người không ngừng nỗ lực đấu tranh với định kiến để xác lập quyền được hạnh phúc của mình, quyền được yêu và sống mà chị diễn đạt thành quyền được “là tôi, là đàn bà”. John Schafer sắc sảo ghi nhận: Lê Vân “kết tội phụ nữ không phải vì họ hy sinh mà vì không nhận thức được các văn bản – các tập tục văn hóa liên quan đến sự hy sinh – đã bẫy họ và buộc họ phải hy sinh nhiều hơn đàn ông. Cô đổ lỗi cho họ đã thiếu một sự ý thức về nữ quyền.” Anh đồng thời tỉnh táo phản biện nhân vật của mình: “Nếu bạn có một người chồng ngoại tình, một người chồng không xứng đáng với sự hy sinh của bạn, [Lê Vân] dường như muốn nói, thì hãy li dị anh ta và tìm một người tốt hơn. Nếu không thì bạn là một người “ngu xuẩn,” chỉ biết tuân theo phong tục mà không biết tự cởi trói cho mình. Đã từng vứt bỏ hai người đàn ông mà cô thấy không xứng, Lê Vân lẽ dĩ nhiên đã thực hành những gì cô phát ngôn. Tuy nhiên độc giả chắc không thể không tự hỏi một người đã từng cướp chồng của ba người đàn bà có phải là người xứng đáng để phát ngôn thông điệp này cho phụ nữ không.” Hay, khi nói về số phận, “Lê Vân có thể nói rằng cô đã “buộc số phận phải theo mình,” nhưng làm sao cô có thể vừa bắt số phận theo mình vừa đổ tội cho số phận đã bắt cô có những hành động phạm lỗi mà cô thừa nhận là sai trái?”

Cách “đọc lại” vừa cặn kẽ, vừa thấu tình đạt lý của John Schafer giúp chúng ta hiểu hơn về hai nhân vật anh đề cập; về tiêu chuẩn kép mà xã hội Việt vẫn đang áp dụng phổ biến cho hai giới, thể hiện bất bình đẳng giới còn trầm trọng từ di sản văn hóa lâu đời; về tình hình, theo nhận định của một số nhà nghiên cứu từ bên ngoài mà John trích dẫn, “tự do của phụ nữ lại bị ngăn cản, sự tự vận động (agency) của họ bị đàn áp, và bình đẳng giới thật sự bị đặt ra ngoài tầm với của họ”. Nó còn góp thêm một tiếng nói lý tính, có sự chặt chẽ (rigor) khoa học vào cuộc tranh luận cần thiết – nhưng vẫn thường bị né tránh – về vấn đề bình đẳng giới, một trong những vấn đề mà định kiến xã hội rất sâu gốc bền rễ và thường nhân danh truyền thống văn hóa, nhân danh lòng yêu nước, quan tâm bảo tồn “tình tự dân tộc” và nhiều thứ ‘nghĩa’, ‘tình’ vấn vít, nhập nhằng khác. Hãy nghe John Schafer dí dỏm chất vấn Phạm Duy khi ông “mong mỏi người con gái Việt Nam đi tị nạn ở Âu Mỹ gìn giữ hộ tôi nguyên vẹn cả tinh thần lẫn thân thể”: “Tóm lại ‘em’ giữ gìn giá ngọc không phải là do sự tôn trọng, bảo trì những giá trị truyền thống, mà để cho ‘anh’. Sao ‘anh’ lại may mắn thế?” Hài hước mà thâm thúy, là một thú vị khác của văn phong John Schafer.


Và trăn trở


Tôi đã rất hào hứng Đọc Phạm Duy và Lê Vân cùng John Schafer, qua bản dịch của Cao Thị Như Quỳnh và Nguyễn Trương Quý. Tôi cảm phục sự phân tích, chất vấn lấp lánh trí tuệ và biết ơn thông điệp nhân bản nhắc nhở rằng “hệ thống văn bản Việt về vấn đề giới tính” kể cả trong thực trạng xã hội cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 còn bất bình đẳng, bất công, bất lợi cho nữ giới đến chừng nào. Tôi cảm nhận và hoàn toàn chia sẻ những trăn trở của John Schafer và các nhà nghiên cứu người Việt hay người nước khác từ ngoài Việt Nam cùng chung trăn trở đó.

Và tôi còn có đôi điều băn khoăn, trăn trở khác.

“Hệ thống văn bản Việt về vấn đề giới tính” là có thật; và, về nhiều phương diện, nó đáng làm người ta bất an, vì bất bình đẳng giới còn sâu sắc, và càng bất an hơn, khi người Việt cả ở thế hệ Phạm Duy và thế hệ của Lê Vân, cả những người sống phần lớn cuộc đời mình ở thành thị miền Nam thời chiến như Phạm Duy hay trong xã hội miền Bắc kể cả trong và sau chiến tranh như Lê Vân đều có vẻ như bị hệ thống văn bản đó chi phối nặng nề, đến mức họ có vùng vẫy lắm như Lê Vân cũng không sao thoát được. Ít nhứt đó là cảm giác của tôi khi nghe John Schafer “đọc lại”. Cứ như là “hệ thống văn bản” đó chỉ riêng có trong văn hóa Việt, cứ như là nó nhất thành bất biến, và trói chặt người Việt nữ cũng như nam vào một ‘định mệnh’ không sao thoát được. Vậy mà John Schafer đã tự nhắc mình từ đầu: Nếu tin chỉ có tiếng nói của văn hóa thì rất dễ bỏ sót những chỗ trong câu chuyện đời mà trong đó “ý chí cá nhân chống lại hình thức văn hóa.” Vậy mà John đã biết là Phạm Duy viết hồi ký với “sự luyến tiếc một thời đã qua, với một cái nhìn rất chủ quan, hoàn toàn dựa vào cảm hứng và nhận thức của tác giả”. Vậy mà anh cũng đã phân tích rõ và tinh tế về sự tự vận động của Lê Vân.

Những thông điệp chân thành, mạnh mẽ và thống thiết của Lê Vân kêu gọi nữ quyền – không chỉ riêng cho phụ nữ Việt, chưa rõ vì sao, đã không được John “đọc” với xác tín rằng đó là ý thức tỉnh táo về quyền mà chị gọi là quyền được “là đàn bà”, thực chất là quyền được “là tôi”, là con người tự do. Sự tự do ấy, John cũng quả quyết nó có được là nhờ “kinh tế thị trường đã tạo ra những cơ hội mới cho phụ nữ”. Không ai phủ nhận chính sách “Đổi mới” và xã hội “hậu đổi mới” là bối cảnh thực tế trong đó Lê Vân đã “yêu và sống”. Nhưng có vẻ là giản lược khi chúng ta không lắng nghe đúng mức con người cá nhân từ thuở nhỏ đã cảm nhận mình cô đơn và khác biệt, như Lê Vân. Ý thức nữ quyền của chị dĩ nhiên thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh sống. Nhưng khao khát làm người, và được sống tự do, luôn hiển hiện cả trong ký ức của chị về tuổi ấu thơ – dẫu biết hồi ký không thể xem là tư liệu gốc để hiểu sự thật – cả ở tuổi trung niên khi tưởng chừng ‘số phận’ đã an bài. Sao có thể dễ dãi tin Phạm Ngọc Vân rằng “Lê Vân tìm thấy hạnh phúc trong sự dâng hiến” để rồi kết luận: “vòng tròn luẩn quẩn lại được lặp lại (…) và rồi phụ nữ Việt Nam lại tiếp tục ‘tự nguyện’ hy sinh bản thân mình”?

Tôi hoàn toàn đồng ý với John Schafer và các nhà nghiên cứu mà anh trích dẫn rằng “bình đẳng giới vẫn còn là một lời hứa chưa được thực hiện”. Đó là thực trạng không chỉ ở Việt Nam, nhưng ở Việt Nam nó nặng nề, khắc nghiệt hơn ở Âu Mỹ nói chung, hẳn là vậy; và những thành kiến nam tôn nữ ti còn sức sống dai dẳng. Càng đáng băn khoăn hơn khi những nhà nghiên cứu phụ nữ cũng “mong muốn quay trở về với những nội dung truyền thống của nữ giới – với huyền thoại mẫu hệ, truyền thuyết về đức hy sinh, vân vân – mà không đặt câu hỏi cho những văn bản này, hoặc vạch ra những mâu thuẫn trong chúng, hoặc khám phá những đa nghĩa trong chúng”. “Để tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại đúng nghĩa”, chắc chắn “đọc lại” là cần thiết.

Tuy nhiên, để đối thoại với truyền thống, cũng nhứt thiết cần nhìn nhận chiều kích không gian và thời gian của lịch sử, kể cả ngoài phạm vi một đất nước, một nền văn hóa; mà bản thân đất nước Việt Nam, như nhiều quốc gia có lịch sử lâu đời, vốn dĩ đã đa tầng văn hóa. Tôi không tin sức sống của truyền thống mẫu hệ từ cội nguồn văn hóa Đông Nam Á đối với văn hóa Việt chỉ đơn thuần là huyền thoại; mặc dù hiểu rõ sự viện dẫn “di sản mẫu hệ” nhiều khi là lý cớ cho kết luận sai lầm là đấu tranh bình đẳng giới không còn cần thiết. Tôi cũng chưa được thuyết phục lắm khi John Schafer khẳng định chắc nịch: “Phụ nữ ở cả hai miền [nam bắc] đều chịu ảnh hưởng bởi những văn bản giống hoặc tương đương nhau.” Đặc thù văn hóa vùng miền ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước khác là một thực tế; quan hệ giới là một trong những lãnh vực mà đặc thù đó khá rõ nét trong văn hóa Việt, không thể đơn giản ‘bỏ nó trong dấu ngoặc’. Mặt khác, những hiện tượng như đề cao sự ‘vị tha’ và ‘sẵn sàng, tự nguyện hy sinh’ của phụ nữ không riêng có ở Việt Nam hay Đông Á, mà đại đồng tiểu dị đã hiện diện khắp Đông Tây kim cổ, trước khi ý thức nữ quyền trỗi dậy và cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới giành được thành quả nhứt định. “Cái sự ‘ngậm bồ hòn làm ngọt,’ biết chịu nhục, biết hy sinh (…) trở thành những phẩm chất luôn được ca tụng”, chẳng phải chỉ ở “đàn bà xứ Việt” mà trong mọi xã hội còn bất bình đẳng giới nặng nề. Nó không chỉ do hoàn cảnh chiến tranh mà có, chiến tranh chỉ có thể khiến sự mâu thuẫn giữa ‘hô hào nữ giới gánh việc xã hội’ và ‘đòi hỏi họ hy sinh gấp đôi’ gay gắt hơn thôi. Cái “vị trí quan hệ tam giác kết nối dân tộc và gia đình, không hy sinh có thể bị dán nhãn là không yêu nước” là phiên bản Việt của một thực trạng mà nghiên cứu quốc tế về phụ nữ và chiến tranh từng gọi là “quốc hữu hóa” phụ nữ, nghĩa là tìm cách huy động phụ nữ phục vụ tổ quốc khi có chiến tranh, có cách mạng hay cần gia tăng dân số, v.v… Lúc đó phụ nữ không còn chỉ bị nhốt trong khuôn khổ gia đình mà trở thành người đối thoại của nhà nước; nữ quyền do đó được gia tăng cũng có, mà bị xâm hại cũng có. “Hy sinh” vì vậy, thường là một giá trị lưỡng tính, như ý nghĩa từ nguyên của khái niệm nầy.

Sự “đọc lại” sẽ phong phú, đa chiều hơn nếu cuộc đối thoại tiếp diễn sau cuốn sách của John Schafer. John chắc hẳn là người mong muốn điều đó hơn ai hết, vì anh tin “bằng việc đọc lại, chúng ta sẽ nhận ra các văn bản mà chúng ta tưởng là đơn thanh và độc thoại, thật ra là đa thanh hơn và tương thoại hơn”. Với lòng biết ơn và sự đồng cảm, chia sẻ với tác giả và hai dịch giả, xin mời chúng ta cùng “đọc lại”.


Bùi Trân Phượng

10/2014



1 Xin dịch giả xem lại. Nếu tác giả đã dùng patriarchal, từ nầy được dịch là phụ quyền (quyền lực thuộc về đàn ông); phụ hệ là patrilinear (mỗi người được xác định danh tính bằng dòng dõi từ người cha)



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss