Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Nghệ thuật sân khấu / HÒA MÌNH CA TRÙ VÀO NHẠC HIỆN ĐẠI

HÒA MÌNH CA TRÙ VÀO NHẠC HIỆN ĐẠI

- Võ Quang Yến — published 07/12/2011 18:35, cập nhật lần cuối 19/01/2012 18:54


HÒA MÌNH CA TRÙ
VÀO NHẠC HIỆN ĐAI


Bài và ảnh Võ Quang Yến



Mùa thu 2011, đoàn Ca trù Thái Hà, qua trung gian của nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết, được mời đi một vòng biểu diễn nhiều nơi ở Pháp : Montreuil, Blanc Ménil… Hôm đầu tiên, sáng thứ năm 10 tháng 11, dành cho Conservatoire à Rayonnement Régional de Paris, khán thính giả phần lớn là sinh viên, một phần thuộc ngành soạn nhạc, đến dự trong mục đích học hỏi và trao đổi. Buổi hòa nhạc cũng hầu như để ôn tập cho những buổi chính thức tiếp theo nên cuộc trình diễn rất thoải mái : sân khấu không trang hoàng, các nhạc công ăn mặc như thường ngày, cụ Nguyễn Văn Mùi đánh trống chầu, kép đàn đáy Nguyễn Văn Tiến cả hai áo lương đen, đào nương Nguyễn Thúy Hòa áo tía, cả ba quần trắng, chân không… Sáng hôm ấy đoàn không biễu diễn một mình mà hòa nhạc cùng đoàn Pháp Trio Antara : các cô Ghislaine Petit-Voltat đàn hạc cầm (harpe), Emmanuelle Ophèle thổi sáo và Odile Auboin đàn vĩ cầm trầm (alto). Ba cô cũng ăn mặc giản dị, áo cụt, quần dài. Sau cuộc biểu diễn, trước khi khán thính giả được mời ăn bánh cốm, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra, từ nguyên tắc hợp tác, phương cách tập dượt… đến chân đứng của ca trù trong văn hóa Việt Nam, cùng những chi tiết như tên và cách sử dụng các nhạc cụ (trống chầu, cặp phách, đàn đáy)… tỏ ra sinh viên Pháp ở viện nhạc học rất ít biết về nền nhạc Việt Nam.


antara

Trio Antara


Ghép hai làn nhạc Âu Á hợp lưu trong cùng một bản nhạc là ý chí của anh Tôn Thất Tiết muốn đưa nhạc Việt Nam với những khái niệm có quy tắc về nhạc điệu, nhịp điệu, trang trí, biến tấu, ứng tác vào nhạc hiện đại. Luôn tiện anh muốn giới thiệu với thính giả Tây phương một nền nhạc chính thức, xác thực, trong một chương trình gồm có nhiều truyền thống các miền Việt Nam, đặc biệt vùng Huế đã ru ngủ, nung nấu anh suốt thời tuổi trẻ. Lần nầy nhạc Việt là ca trù có lẽ ăn nhịp hơn với làn điệu những bản nhạc đã được Trio Antara chọn lựa. Nhạc hiện đại hôm ấy là những bản của chính anh Tôn Thất Tiết và của tác giả Toru Takemitsu. Sau nầy, trong các cuộc biểu diễn tiếp theo, còn có nhạc của nhiều tác giả khác như Debussy, Ravel, Verdi, Rossini, Puccini, Lehar, Bizet, Delibe, Saint-Saens. Hợp lưu đàn cùng nhau như tuồng không khó vì hai đoàn tiếp tục chơi đoàn nầy sau đoàn kia chứ không phải hợp tấu. Đoàn Thái Hà cho biết ở bên nhà đã tập dượt với một dĩa ghi sẵn những bài hiện đại và biết lúc nào đến phiên mình. Tương tự cách đây mấy năm, cuối thu 2006, trong chương trình “Việt Nam hôm qua và hôm nay” trình bày ở rạp hát Châtelet tại Paris, thì trái lại không có đoàn ca trù mà là một dĩa hát thay thế. Hồi ấy đã là lần đầu tiên có cuộc hợp lưu nhạc Pháp-Việt, thính giả không khỏi đặt câu hỏi về nguyên do và kết quả.


sao

Emmanuelle Ophèle, sáo

alto

Odile Auboin, alto

harpe

Ghislaine Petit-Voltat, harpe


Bộ ba sáo, alto, harpe ra mắt năm 1915 với Claude Debussy. Ngày nay, từ 2005, Trio Antara nuôi mộng gây một mối liên hệ mật thiết với những nhà soạn nhạc hiện đại với những tiết mục phong phú, lý thú vì đoàn muốn đưa thính giả ngao du qua mọi thời kỳ âm nhạc. Nhắm mục đích khiêu gợi tính tò mò của thính giả và khuyến khích họ trao đổi với các nhạc sĩ, chương trình của đoàn trình bày một cuộc liên kết hài hòa giữa những kiệt tác trong lịch sử âm nhạc. Những kết hợp chưa từng có nầy không chỉ là một thách thức âm nhạc mà còn là một lối sống âm nhạc mới mà Trio Antara muốn đề nghị với các thính giả. Mỗi buổi hòa nhạc của họ thôi thúc thính giả dừng đứng thời gian, nghe ngóng, cảm thụ, chia sẻ, nhường chỗ lại cho thơ ca, cho vui thích. Ghislaine Petit-Voltat đã học nhạc ở Nhạc viện Paris, được giải nhất hạc cầm năm 1981, đã chơi nhiều trong các dàn nhạc lớn ở Paris cũng như ở Berlin. Cô có nhiều hoạt động khác như thực hiện một cuốn phim về hạc cầm, ghi những dĩa bài hát thời Trung cổ, dựng một vở nhạc dựa lên hạc cầm… Cô luôn cổ vũ óc canh tân và tính đa dạng. Trước khi lên dạy ở Paris, cô đã là giáo sư nhạc ở Bourg-la-Reine. Emmanuelle Ophèle bắt đầu học nhạc ở Angoulème rồi lên học ở Nhạc viện Paris, đuợc giải nhất về sáo năm 1987. Được nhận vào đoàn có tiếng Ensemble intercontemporain, cô đã học thêm được nhiều nghệ thuật mới và dự vào nhiều sáng tác. Cô đã biểu diễn nhiểu lần ở Đức, Ý, Hòa Lan Hoa Kỳ. Giáo sư ở Nhạc viện Montreuil-sous-Bois, cô thường được mời dự vào những buổi trao đổi kỹ thuật sư phạm ở các nhạc viện như Musicalta, Lucerne, Aix-en-Provence. Odile Auboin được giải nhất alto và được tặng Giải Nhất nhạc phòng Nhạc viện Paris năm 1991. Sau một thời kỳ tu nghiệp ở viện Đại học Yales, viện Stauffer de Cremona ở Ý, được giải Concours International de Rome, năm 1995 cô cũng được nhận vào Ensemble intercontemporain. Tiếp xúc nhiều những nhà soạn nhạc hiện đại, cô cũng có nhiều sáng tác trên sân khấu Paris. Cô là giáo sư ở các nhạc viện Paris, Lucern, Aix-en-Provence, New-York.


thai-ha

Đoàn Thái Hà


Cụ Nguyễn Văn Mùi ở Thụy Khuê, Hà Nội thường được xem là người giữ lửa ca trù từ 7 thế hệ nay. Dòng dõi ca nương Nguyễn Thị Tuyết, đồng hội đồng thuyền với những nghệ nhân như Quách Thị Hồ, Phó Kim Đức, cụ không xem ca trù như một nghề làm ăn, sinh sống mà là một cuộc chơi tao nhã, hòa trộn văn chương với âm nhạc. Con gái của cụ, ca nương Thúy Hòa, được nghệ sĩ Quách Thị Hồ chọn làm “truyền nhân”, dạy cho hát. Năm 1993 cùng các con là hai đào nương Thanh Tâm, Thúy Hòa, ba nghệ nhân đàn đáy Văn Khuê, Quyết Thắng, Mạnh Tiến, cụ Mùi đánh trống chầu, đủ bộ lập ra Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà, trong mục đích giữ gìn truyền thống dòng họ. Với ý định hợp lưu nhạc hiện đại với ca trù, anh Tôn Thất Tiết về Hà Nội tiếp xúc với gia đình cụ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho họ đi biểu diễn khắp nơi. Từ đấy, đoàn đã có dịp qua Pháp, Bỉ, Anh, Thụy Sĩ, Nhật…, được truyền hình lên các kênh AFP ở Pháp, BBC ở Anh. Năm 1991, dĩa hát của đoàn xuất bản ở Pháp được liệt vào hạng Choc, bán chạy lên đến 200.000 bản. Năm 2009, hai đào nương trẻ tuổi, Nguyễn Kiều Anh và Nguyễn Thu Thảo, cháu nội cụ Mùi, đã cùng ông nội và bố biểu diễn xuất sắc ở Bắc Kinh. Tiếng vang dội về quê nhà và Cục Nghệ thuật và Biểu Diễn, với sự tài trợ của Quỹ Ford, mở lớp đào tạo ca trù. Năm 2009, quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời với ca trù Di sản phi vật thể cần được bảo vệ, sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Được như vậy ngày nay, ngoài sự ủng hộ tích cực của các nhà khảo cứu như Giáo sư Trần Văn Khê, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cần phải nhớ ghi ơn nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết.


trong-chau

Cụ Nguyễn Văn Mùi,
đánh trống chầu

hat

Đào nương Nguyễn Thúy Hòa,
hát và gõ phách

dan day

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiến,
đánh đàn đáy


Sinh năm 1933 ở Huế, anh Tiết bắt đầu học nhạc ngay ở đất Thần kinh trước khi qua Pháp năm 25 tuổi học hòa âm và đối âm ở Ecole Normale de Musique. Sau đó, anh được nhận vào Conservatoire National de Musique ở Paris. Ở trường nầy, anh học tiếp đối âm, nhạc fuga và soạn nhạc với Jean River và André Jolivet. Anh là tác giả một số tác phẩm đủ loại : 12 bản cho dàn nhạc trong ấy có Tứ Đại Cảnh (1968), Hy Vọng (1971), Ngũ Hành (1973), Vô Vi (1974), Ấn Tượng (1974-75), Những Truyền Thuyết Đất Phương Nam (1996) ; 16 bản cho nhạc thính phòng trong ấy có Niệm (1974), Chu Kỳ I, II (1976), III, IV (1977), Phong Vũ (1991), Xuân Vũ (1993) ; 5 bản nhạc hát trong ấy có Vang Bóng Thời Xưa (1969), Kiêm Ái (1978), Chu Kỳ VI (1993). Như đã được lưu ý trong bản tiểu sử ở nội bộ Radio France, tuy học nhạc Âu, anh không quên gốc Việt của mình và đã trở về tìm nguồn nhạc trong tư tưởng Á Đông, trong truyền thống Trung Hoa như Kinh dịch cũng như trong Phật giáo hay Ấn Độ giáo. Anh thích làm sống lại tinh thần nhạc truyền thống Việt Nam, nhất là nhạc thiêng liêng, nhạc triều đình. Ngoài những bản đã thấy, người ta còn nhận ra những bản mang tên Pháp Incarnations structurales (Những sự hóa thân cấu trúc, 1967), Terre-Feu (Đất-Lửa, 1981), Jeu des cinq Éléments (Ngũ hành, 1982), Moments rituels (Những thời khắc nghi lễ, 1992) trong số nhạc thính phòng, Prajna Paramita (Ba la mật da, 1988) trong số nhạc hát. Le chemin de Bouddha (Hành trình của Đức Phật, 1990-91) là một bản kịch múa. Anh đã lãnh nhiều giải thưởng như giải Lili Boulanger (1972) của Hội SACEM, giải Diễn đàn Quốc tế những Nhà soạn nhạc ở UNESCO (1975), giải Sáng tác của Bộ Văn hóa (1981). Anh cũng còn là tác giả nhạc đệm cho ba phim Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng, phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh (2004). Với một tinh thần luôn hướng về đất nước như thế, tất nhiên anh sáng lập ra Association France-Vietnam pour la Musique năm 1993, nhắm mục đích giúp Việt Nam phát triển âm nhạc. Anh với Nguyễn Thiên Đạo là hai nhà soạn nhạc hiện đại Việt Nam có tiếng nhất ở Pháp và ngoại quốc.


ton-that-tiet

Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết


Thể hiện cuộc hợp lưu giữa nhạc hiện đại và nhạc ca trù là một sáng kiến của Tôn Thất Tiết vừa làm giàu cho những bản nhạc mới, vừa đưa một ngành nhạc truyền thống Việt Nam vào hòa mình với nền âm nhạc thế giới. Không phải ở trong ngành, tôi chưa được đọc những bài phân tích của các nhà nhạc học. Sau buổi trình diễn ở Conservatoire à Rayonnement Régional de Paris, một trong những câu hỏi được đặt ra cho các nhạc công là họ cảm nhận ra sao khi cùng nhau biểu diễn ? Vài nghệ nhân phát biểu ngắn gọn cảm tưởng tùy theo cảm nhận của mình. Riêng phần tôi có cảm giác là tuy vận dụng hai làn điệu khác nhau, cùng với các nghệ nhân chưa từng quen thuộc, hai đoàn thông cảm lẫn nhau trong một bầu không khí hài hòa của những nghệ sĩ yêu nhạc. Được như vậy một phần nào có lẽ cũng do những bản nhạc khéo chọn lựa để âm hưởng hai làn điệu được chuyền qua cùng một làn sóng dễ cảm hóa mọi thính giả, những nhạc công, nhất là những nghệ nhân nhạy cảm như các nhạc sĩ.

Võ Quang Yến

Xô thành Tết 2012 – Nhâm Thìn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss