Anh Tới

- Nguyễn Ngọc Giao — published 04/11/2009 00:35, cập nhật lần cuối 05/11/2009 01:25


PHẠM NGỌC TỚI (1934-2009)

Anh Tới

Nguyễn Ngọc Giao


chandungb

Mười năm sau anh Bùi Mộng Hùng, anh Phạm Ngọc Tới ra đi. Hai anh là người lớn tuổi nhất trong ban biên tập và ban chủ biên Diễn Đàn : anh Hùng sinh năm 1932, anh Tới 1934. Từ trần ở tuổi 75, dẫu sao anh Tới cũng thuộc lứa tuổi "cổ lai hy". Nhưng cái chết của các anh, một người vì tim, một người bị viêm màng não, đều là đột ngột. Và để lại một khoảng trống, một mất mát không gì bù đắp được. Vì mỗi người một sở trường, một phong cách, Bùi Mộng Hùng và Phạm Ngọc Tới đều là những cây bút đa dạng, sung sức, tạo ra dấu ấn Diễn Đàn trong hai mươi năm qua, và từ những năm 1980, trên báo Đoàn Kết.

Viết về một người anh, một người bạn, một đồng chí, mà cứ nói tới một người khác, cũng hơi kỳ. Nghĩ lại, tôi vẫn giữ mấy dòng mở đầu này. Vì hai lẽ. Một là anh Tới và anh Hùng, đối với tôi, và tôi chắc đối với tất cả anh chị em ban biên tập Diễn Đàn, ở Paris cũng như ở Thuỵ Sĩ, Hoa Kì, Đức... luôn luôn "có mặt" trong công việc của tờ báo, và đều là "cơ sở quy chiếu" của mỗi người trong lúc bàn bạc, cũng như trong câu chuyện "tán gẫu" trà dư tửu hậu. Hai là, từ trưa hôm kia, 1.11.2009, khi chị Uyên điện thoại cho biết anh Tới phải vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, tôi hiểu rằng anh khó qua khỏi, nhưng đến giờ này, lý trí và tình cảm của tôi vẫn chưa thể chấp nhận sự mất mát này.

*

Trong ban biên tập Diễn Đàn, có lẽ tôi là người đầu tiên được gặp và làm việc với anh Tới. Tôi không nhớ chính xác trong dịp nào, nhưng có lẽ khoảng năm 1959, cách đây đúng nửa thế kỉ. Năm ấy, chính quyền ông De Gaulle, vì muốn bảo vệ những quyền lợi kinh tế Pháp ở miền nam Việt Nam (và lúc đó, ông Diệm cũng muốn khép lại màn kịch "bài phong đả thực" để chủ tâm "chống cộng"), đã làm vài động tác hữu hảo không mấy tốn kém : giải tán hội Liên hiệp Việt kiều (lúc đó đặt ở phố Gît-le-Coeur, quận 6, ngay gần quảng trường St-Michel, với "quán ăn Cụ Hồ" đã đi vào lịch sử, tiền thân của Quán Monge ngày nay, có dịp tôi sẽ trở lại), cấm luôn cả Hội sinh viên khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Pháp (do anh Ngô Văn Quế làm chủ tịch) và tờ báo Khoa học Kỹ thuật của hội. Lúc ấy, tôi mới chân ướt chân ráo ở dưỡng đường trị lao St-Hilaire-du-Touvet (gần Grenoble) trở về Paris, mon men hợp tác với "Khoa học Kỹ thuật" và lần đầu tiên dự đại hội thường niên của Hội KHKT họp tại tầng hầm của Nhà Đông Dương (đại học xá, 59B, boulevard Jourdan). "Nhật thứ" của đại hội được thay thế bằng một điểm duy nhất : giải tán.Từ đó đến năm 1965, tôi chỉ có dịp làm việc với anh Tới trong khuôn khổ tạp chí Tìm Hiểu. Không có thời giờ ra Thư viện Quốc gia tra cứu, trong nhà không còn giữ số báo nào, tôi không nhớ Tìm Hiểu đặt trụ sở ở đâu. Có lẽ vẫn phải "ở nhờ" địa chỉ của bác Nguyễn Viết Ty, 70 rue Mazarine, Paris 6e, như báo Đoàn Kết sau này. Tất nhiên đó chỉ là địa chỉ để nộp lưu chiểu, còn tờ báo không có trụ sở. Cơ sở vật chất duy nhất của báo là cái máy chữ Remington cổ kính (từ đời Minh... nớp xăng cà cộ), cái bút điện để vẽ trên giấy stencil, và lọ thuốc correcteur màu đỏ, màu và mùi giống thuốc sơn móng tay phụ nữ. Báo cũng mấy tháng mới ra một số, nên chúng tôi cũng ít có dịp gặp nhau. Kỉ niệm về anh trong thời gian này có lẽ không gắn với tờ báo, mà với những sinh hoạt như trại hè ở miền nam nước Pháp, hay ngày hội của báo l'Humanité. Ôi những ngày hè trong tiếng ve sầu, cảnh tượng chị Uyên phải lo cho (sau này tổng cộng) bốn tí nhau và... phu quân thư sinh, là những hình ảnh khó quên (và nói lên sự độc đáo của cặp vợ chồng đẹp đôi này : những năm 60 mà dám đẻ ra bốn con, hai nếp hai tẻ, cả bốn không học trường lớn như giấc mơ của bao cha mẹ, mà đều trở thành nhạc sĩ dương cầm, vĩ cầm, hồ cầm...)

Phải từ mùa xuân năm 1965 trở đi, và hầu như không gián đoạn cho tới ngày nay, chúng tôi mới thực sự cộng tác và gặp nhau thường xuyên. Đầu năm 1965, Mỹ đổ bộ vào miền Nam, leo thang miền Bắc. Mùa xuân 1965, hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp thành lập. Anh Tới và tôi tham gia ban chấp hành đầu tiên, được bầu ra tại hội trường Société de géographie, góc Boulevard St-Germain và rue des Saints-Pères. Cái "nghiệp" làm báo của chúng tôi cứ thế kéo dài suốt bốn thập niên, qua các báo Liên Hiệp, Trí Thức, Đoàn Kết rồi Diễn Đàn.

Anh Tới viết rất khoẻ và đều đặn. Chỉ bấm hai cái tên "Văn Ngọc" và "Hoài Văn" (hai bút hiệu của Phạm Ngọc Tới) vào cửa số "Tìm Kiếm"  trên mạng Diễn Đàn, ta sẽ tìm ra gần 200 bài. Điểm sách, hồi ký, hội hoạ, mĩ thuật, lịch sử, văn hoá... Bạn đọc, và người viết bài này cũng thế, ưa thích nhất là những bài về nghệ thuật tạo hình đưa ta vào thế giới của nghệ thuật của nhân loại, dân tộc từ thuở hồng hoang (Sumer) tới hiện đại (Warhol), và những trang hồi ký tươi mát về Hà Nội, về tuổi thơ và niên thiếu của anh. Từ mấy năm nay, do sự chủ động của anh Nguyễn Đức Hùng, nhà xuất bản Đà Nẵng đã ấn hành những tác phẩm của anh về hội hoạ, mĩ thuật, kiến trúc và tập hồi ký Hồi ức tuổi thơ, qua đó, nhà văn Nguyên Ngọc, con người của "xứ Quảng" mê Hà Nội đã gặp "một người rất Paris và rất Hà Nội". Bản thảo mới nhất của anh, được biết nhà xuất bản Phụ Nữ đang chuẩn bị in.

duongtuong
Phạm Ngọc Tới và Dương Tường (hè 2008)

Ở trên, tôi mới chỉ nói tới cây bút viết Phạm Ngọc Tới vì cơ duyên làm báo với anh. Nhưng anh không chỉ viết về hội hoạ, chính anh cũng cầm cọ vẽ. Tôi không rành và thâm cảm tranh Phạm Ngọc Tới, nên không dám bình luận, mà chỉ xin đề cập lãnh vực nghệ thuật vốn là nghề của anh : kiến trúc. Anh Tới trước hết là một kiến trúc sư. Tôi không được tiếp cận những công trình kiến trúc tập thể mà anh đã tham gia trong mấy chục năm hành nghề, nhưng được thấy tận mắt, và chừng nào được "sống" trong hai tác phẩm kiến trúc của Phạm Ngọc Tới : một ngôi nhà riêng ở Antony, và ngôi chùa Trúc Lâm ở Villebon-sur-Yvette, ngoại ô tây nam Paris. Ngôi nhà thanh thoát, hợp lí, khiêm cung mà hết sức độc đáo, xin để môt ngày kia, biết đâu chính anh bạn chủ nhân sẽ giới thiệu. Thiền viện Trúc Lâm (9 rue Neuchatel, Villebon-sur-Yvette) là nơi công cộng, bạn đọc bốn phương lần sau tới Paris, có thể và rất nên tới viếng thăm. Ngôi chùa do Phạm Ngọc Tới thiết kế trên một triền đồi khá dốc, nhìn xuống thung lũng Chevreuse, có lẽ là ngôi chùa Việt Nam đẹp nhất ở Châu Âu. Nó không đồ sộ, huênh hoang, sập gụ tủ chè khoe của như mấy ngôi chùa mới xây hay đang xây ở Đức, Mĩ và Pháp. Nó hoà nhập vào cảnh quan, như một ngôi chùa Việt Nam. Nó thanh nhã, lịch lãm, trầm mặc, bước vào chùa, hay leo lên triền đồi phía sau bảo tháp, ngồi nhìn qua mái chùa, bao quát thung lũng, bạn sẽ thấy tâm hồn thanh thoát, nhìn rõ mình hơn, và nhìn đời với con mắt khiêm ái hơn. Từ ngày hoà thượng Thiện Châu viên tịch, tôi ít đặt chân tới chùa Trúc Lâm. Nhưng tôi còn nhớ rất rõ buổi lễ cầu siêu hoà thượng, để khỏi phải nghe những bài diễn văn khó nghe, tôi bước lên đồi. Nhìn ngắm công trình kiến trúc gắn liền với cảnh quan chung quanh, tôi thầm cám ơn anh Tới đã để lại cho đời một khung cảnh, một không khí quý báu. 

colaido
Đon ca... Cô lái đò (hè 2008)

Cảm ơn và tiếc nuối. Vì tôi biết anh ấp ủ những ước mơ như thế nào về công cuộc xây dựng đất nước, hăng hái tham gia công việc của khoa Xây dựng Hội liên hiệp trí thức Việt Nam tại Pháp ra sao sau 1975. Những giấc mơ, như ta biết, không thành. Có lẽ vì vậy mà từ nhiều năm nay, anh không muốn về. Chúng tôi, những người bạn thân của anh ở trong nước cũng như ở nước ngoài đã mấy lần "âm mưu" tạo ra cơ duyên để anh đi một chuyến, nhưng việc chưa thành. Song tôi biết, anh chưa bao giờ nề hà công sức để giúp hoạch định một dự án xây dựng mà trong nước yều cầu. Dự án to tát như thiết kể một hải cảng nước sâu, hay "giấc mơ" xây nhà "hiện đại" bằng đất. Anh đã viết sách về đề tài này. Tôi biết có (không ít) người (cả) cười (mỉm) khi nghe thấy chuyện này. Làm sao thuyết phục được những người có tiền (và không phải ai có tiền cũng "thèm" thuê kiến trúc sư) lại đi xây nhà bằng đất trong khi người ta đua nhau xây "chóp", hết "chóp" thì "cột"... Cho đến hè năm ngoái, tôi được đi thăm khu "Một thoáng Việt Nam" của bà Trần Tuyết Nga ở Củ Chi, được bước vào trong một ngôi nhà xây bằng đất theo đúng truyền thống của tỉnh Bình Định. Rõ ràng là loại nhà "đông ấm hè mát", phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Tôi tin rằng mô hình của anh kết hợp được cả kinh nghiệm lâu đời của cha ông lẫn tri thức hiện đại về kiến trúc và vật tư, sẽ mở ra một con đường mới. Hiện nay, nhờ một vài hoạ sĩ "lăng xê", có mốt xây nhà sàn ở đồng bằng, hay đúng hơn, mua, tháo gỡ và lắp ráp lại nhà sàn. Mốt này rồi sẽ qua đi, biết đâu sẽ có người thấy được lợi ích của nhà bằng đất và chứng minh bằng thực nghiệm ?

Anh Tới chỉ hơn tôi 6 tuổi, nét mặt và tính tình lại rất trẻ. Chúng tôi quan hệ khá thân thiết -- điều này không có gì khó, những người như chị Uyên và anh Tới, chỉ gần gặp dăm ba phút là gần gũi, quý mến ngay. Nhưng sao đôi lúc, tôi vẫn thấy có một khoảng cách giữa chúng tôi. Phải một thời gian, tôi mới vỡ lẽ : đối với tôi, anh vẫn thuộc một thế hệ trước. Anh lớn lên giữa Hà Nội, đã sống tuổi thiếu niên -- là tuổi hiểu biết -- trong không khí thời Nhật chiếm đóng, rồi Cách mạng tháng Tám, rồi Tự vệ Hà Nội "sống mãi với Thủ đô"... Anh sang Pháp từ năm 15 tuổi, đi tàu thuỷ cả tháng mới tới cảng Marseille... Về mặt chính trị, ủng hộ kháng chiến đối với anh là chuyện tự nhiên. Nói theo hình tượng  của Picasso, tự nhiên như người ta uống nước nguồn, comme on va à la fontaine. Tất nhiên, về sau này, trước những vấn đề mới, đặt ra trước hay sau năm 1975, đặc biệt là vấn đề tự do sáng tác, mỗi người đều bị cật vấn và phải tự định vị. Những bài nhạc đánh dấu tuổi trẻ của anh không phải là nhạc Trịnh Công Sơn hay nhạc Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng... mà là Cô lái đò sống chung với Trường ca Sông Lô... (đầu những năm 1950, nghe nói anh là nam lĩnh xướng của ban hợp ca mỗi đêm tết Việt kiều). Cho nên, những năm gần đây, trong những tối văn nghệ cây nhà lá vườn, thí dụ trong dịp anh Dương Tường qua Pháp năm ngoái, chúng tôi vẫn ép anh Tới Cô lái đò ơi...

Cái chung mà chúng tôi chia sẻ, không phải là những kỉ niệm tuổi thơ, của thời thanh thiếu niên, mà là những hoạt động chung, những hoài bão, những khát khao chung.

Nói vậy có vẻ trừu tượng, hay văn chương. Thật ra đó là một sự gắn kết thân mật tự nhiên. Không thể khác được, vì chính con người của anh. Chúng tôi vẫn gọi đùa là "công tử Hà Nội", nhưng nói nghiêm chỉnh, Phạm Ngọc Tới là con người thanh nhã, tình cảm, thuỷ chung.

Nguyễn Ngọc Giao


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss