Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Bà tỷ phú về thăm quê

Bà tỷ phú về thăm quê

- FRIEDRICH DÜRRENMATT - Lê Chu Cầu — published 18/12/2006 13:59, cập nhật lần cuối 13/03/2007 18:41
Bi hài kịch của FRIEDRICH DÜRRENMATT, do Lê Chu Cầu dịch từ nguyên bản tiếng Đức.

 
 
FRIEDRICH DÜRRENMATT

 
BÀ TỶ PHÚ VỀ THĂM QUÊ
Bi hài kịch


LÊ CHU CẦU dịch


 
Nguyên bản tiếng Đức ‚Der Besuch der alten Dame’

Ấn bản đầu tiên 1955

Bản sửa đổi 1980, NXB Diogenes, Zurich, 1985.

Nhân vật

 

Khách đến Guellen:

Bà Claire Zachanassian, nhũ danh Waescher (tỷ phú)
Các ông chồng thứ 7,8,9
Người hầu
Toby và Roby (lực lưỡng, bậm trợn, nhai kẹo cao su)
Koby và Loby (hai ông già mù)

 

Người của Guellen:

Ông Ill
Vợ ông Ill
Con trai ông Ill
Con gái ông Ill
Thị trưởng
Mục sư
Bác sĩ
Thầy giáo
Cảnh sát
Các người thứ 1,2,3,4 (dân)
Họa sĩ
Bà khách 1
Bà khách 2
Cô gái tên Luise

Các vai khác:

 

Người trưởng ga
Người trưởng tầu
Người soát vé
Viên chức tịch biên
 

Vai những kẻ phiền nhiễu 1:

Nhà báo 1
Nhà báo 2
Phóng viên truyền thanh
Người quay phim


Khung cảnh: thị trấn Guellen

Thời gian: hiện tại


Nghỉ sau màn II

 

MÀN I


Có tiếng chuông nhà ga trước khi mở màn, cho thấy hàng chữ: Guellen. Hiển nhiên đó là tên của cái thị trấn nhỏ tiêu điều - qua đôi nét phác họa - dùng làm phông sân khấu. Nhà ga trông xập xệ; có gióng chắn hay không tùy vở kịch diễn ở nước nào; trên tường dán tấm lịch trình giờ xe đã rách mất một nửa; một bộ ghi rỉ sét; một cái cửa đề mấy chữ ‚Cấm vào’. Ở giữa sân khấu là con đường lở lói – cũng chỉ qua đôi nét phác họa - mang tên ‚Đường nhà ga’. Phía trái là một nhà vệ sinh, trơ trụi, lợp ngói, tường không cửa sổ nham nhở những tấm bích chương rách nát. Tấm biển bên trái đề chữ ‚Nữ’, bên phải chữ ‚Nam’. Cảnh vật tắm mình trong nắng thu. Bốn người đàn ông ngồi trên chiếc ghế dài trước nhà vệ sinh. Người thứ năm, cũng nhếch nhác không thể tả được như bốn người kia, đang viết một tấm biểu ngữ bằng sơn đỏ: ‚Chào mừng Klaeri’, hẳn để chuẩn bị cho một đám rước. Tiếng xe lửa tốc hành ầm ầm chạy vụt qua. Người trưởng ga chào theo kiểu nhà binh. Bốn người đàn ông trên ghế quay đầu từ trái sang phải, chủ ý cho thấy họ nhìn theo chuyến xe lửa.


Người thứ nhất: Chuyến ‚Gudrun’ 2 chạy tuyến Hamburg – Neapel 3.

Người thứ hai: 11 giờ 27 phút là chuyến ‚Roland tên bắn’ chạy tuyến Venedig -Stockholm 4.

Người thứ ba: Chúng mình chỉ còn lại cái trò tiêu khiển duy nhất là nhìn theo tầu chạy qua đây.

Người thứ tư: Cách đây năm năm các chuyến ‚Gudrun’ và ‚Roland tên bắn’ còn ngừng lại ở Guellen; cả các chuyến ‚Diplomat’ và ‚Lorelei’ nữa. Toàn những chuyến tốc hành có tầm cỡ.

Người thứ nhất: Tầm cỡ thế giới nữa là khác.

 

Tiếng chuông lại gióng lên .

 

Người thứ hai: Bây giờ thì ngay cả tầu chợ cũng chẳng ngừng lại. Chỉ còn hai chuyến từ Kaffigen và chuyến 1 giờ 13 phút từ Kalberstadt.

Người thứ ba: Suy sụp hết rồi.

Người thứ tư: Các xưởng máy của hãng Wagner đổ nát cả.

Người thứ nhất: Hãng Bockmann phá sản.

Người thứ hai: Hãng luyện kim ‚Chỗ đứng dưới ánh mặt trời’ 5 bị xóa sổ.

Người thứ ba: Sống nhờ trợ cấp thất nghiệp.

Người thứ tư: Nhờ vào cơm cháo của các cơ quan từ thiện.

Người thứ nhất: Thế mà là sống ư?

Người thứ hai: Sống vất vưởng.

Người thứ ba: Ngắc ngoải chờ chết.

Người thứ tư: Hết cả thành phố.

 

Có tiếng xe lửa. Trưởng ga chào theo kiểu nhà binh. Bốn người kia quay đầu từ phải sang trái, dõi theo chuyến tầu.

 

Người thứ tư: Chuyến ‚Diplomat’.

Người thứ ba: Nơi đây từng là một thành phố văn hoá.

Người thứ hai: Một trong những thành phố văn hóa đầu tiên trong cả nước.

Người thứ nhất: Của cả châu Âu nữa chứ.

Người thứ tư: Goethe 6 đã trọ ở đây, trong khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’.

Người thứ ba: Brahms 7 đã soạn tác phẩm tứ tấu của mình cũng chính tại đây.

 

Tiếng chuông.

 

Người thứ hai: Và Berthold Schwarz 8 đã phát minh ra thuốc súng.

Họa sĩ: Còn tôi đã tốt nghiệp xuất sắc Ecole des Beaux Arts 9, thế mà bây giờ làm gì? Đi khắc chữ!

Người thứ hai: Bà tỷ phú về đây là đúng lúc lắm rồi. Hình như bà đã hiến cho thành phố Kalberstadt cả một nhà thương đấy.

Người thứ ba: Bà hiến cho Kaffigen một nhà trẻ và cho thủ đô một ngôi nhà thờ 10.

Họa sĩ: Và đã đặt lão von Zimt, họa sĩ trường phái tự nhiên, vẽ chân dung.

Người thứ nhất: Bà ấy thiếu gì tiền. Chủ tập đoàn ‚Armenian Oil’ với các hãng ‚Western Railways’, ‚Northern Broadcasting Company’ 11 và khu giải trí ăn chơi ở Bangkok mà.

 

Có tiếng xe lửa. Một người soát vé 12 xuất hiện phía bên trái, như thể vừa nhẩy từ xe lửa xuống.

  

Người soát vé dài giọng hô to: Guellen đây!

Người thứ nhất: Chuyến tầu chợ từ Kaffingen.

 

Từ phía trái một hành khách xuống tầu, đi qua mặt những người ngồi trên ghế dài, vào cửa ghi chữ ‚Nam’.

  

Người thứ hai: Viên chức phụ trách tịch biên đấy.

Người thứ ba: Ông ta đến tịch biên tài sản của toà thị chính.

Người thứ tư: Về chính trị chúng ta cũng phá sản luôn.

Người trưởng ga giơ cao cần ra hiệu: Tầu chạy!

  

Thị trưởng, thầy giáo, mục sư và ông Ill - khoảng 65 tuổi - từ phố đi tới. Tất cả đều ăn mặc nhếch nhác.

 

Thị trưởng: Thượng khách của chúng ta sẽ đến từ Kalberstadt bằng chuyến tầu chợ 1 giờ 13 phút.

Thầy giáo: Đội đồng ca và đoàn thanh niên sẽ hát chào mừng.

Mục sư: Cả chuông báo hỏa hoạn cũng sẽ được gióng lên. Nó vẫn chưa bị tịch biên.

Thị trưởng: Đội nhạc thành phố sẽ thổi kèn và đội thể dục thể thao sẽ biểu diễn tiết mục trồng Kim tự tháp ở quảng trường ‚Chợ lộ thiên’ để chào mừng bà tỷ phú. Sau đó sẽ chiêu đãi bà ở khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’. Tiếc là ngân quĩ không đủ để chiếu sáng nhà thờ lớn và toà thị chính vào buổi tối.

Viên chức tịch biên từ nhà vệ sinh ra: Xin thân ái chào ông thị trưởng.

Thị trưởng: Ông đến đây có việc gì thế, ông Glutz?

Viên chức tịch biên: Ông thị trưởng biết rồi mà. Tôi phải thi hành một trọng trách. Ông cứ thử tịch biên cả một thành phố thì biết ngay.

Thị trưởng: Ngoài một máy chữ cổ lỗ sĩ, ông sẽ chẳng tìm thấy gì trong toà thị chính đâu.

Viên chức tịch biên: Ông thị trưởng quên mất Nhà bảo tàng của Guellen rồi.

Thị trưởng: Nhà bảo tàng đã bán qua Mỹ cách đây 3 năm rồi. Ngân quỹ sạch trơn. Chẳng ai đóng thuế cả.

Viên chức tịch biên: Thế thì phải điều tra xem tại sao cả nước ăn nên làm ra mà riêng Guellen với hãng luyện kim ‚Chỗ đứng dưới ánh mặt trời’ lại phá sản.

Thị trưởng: Đấy cũng là một vấn nạn về kinh tế cho chính chúng tôi.

Người thứ nhất: Bọn Tam Điểm 13 sắp đặt trước hết cả.

Người thứ hai: Do bọn Do Thái âm mưu đấy.

Người thứ ba: Đám đại tài phiệt dấu mặt đấy.

Người thứ tư: Vì bọn Cộng sản quốc tế giật dây đấy.

 

Tiếng chuông.

 

Viên chức tịch biên: Thế nào tôi cũng sẽ tìm được thôi. Mắt tôi chẳng khác mắt chim bồ cắt đâu. Bây giờ tôi hãy kiểm tra ngân quĩ thành phố trước đã. Đi ra.

Thi trưởng: Thà hắn lột của mình ngay bây giờ hơn là để đến sau chuyến viếng thăm của bà tỷ phú.

  

Họa sĩ kẻ xong hàng chữ.

 

Ill: Thế này thì không được đâu, ông thị trưởng ạ. Câu viết kia quá sức thân mật. Phải viết ‚Chào mừng bà Claire Zachanassian’ mới đúng.

Người thứ nhất: Nhưng bà ấy tên là Klaeri mà.

Người thứ hai: Bà Klaeri Waescher.

Người thứ ba: Sinh trưởng ở đây.

Người thứ tư: Sinh thời ông bố hành nghề thấu khoán.

Họa sĩ: Thế thì tôi cứ viết ‚Chào mừng bà Claire Zachanassian’ ở mặt sau. Nếu thấy bà tỷ phú cảm động thì mình vẫn còn kịp xoay mặt kia lại.

Người thứ hai: Giờ là chuyến ‚Người buôn chứng khoán’ chạy tuyến Zuerich 14 - Hamburg.

 

Chuyến tầu tốc hành chạy từ phải sang trái.

 

Người thứ ba: Luôn luôn đúng giờ. Chỉnh đồng hồ theo nó được đấy.

Người thứ tư: Xin lỗi, ở đây còn ai có nổi đồng hồ chứ?

Thị trưởng: Các ông ạ, bà tỷ phú là hy vọng duy nhất của chúng ta.

Mục sư: Ngoài Chúa ra.

Thị trưởng: Vâng, ngoài Chúa.

Thầy giáo: Nhưng Chúa không đóng thuế.

Họa sĩ: Chúa bỏ quên chúng ta rồi.

 

Người thứ tư phun nước bọt.

 

Thị trưởng: Ông Ill là bạn cũ của bà ấy, thành thử mọi sự trông cậy ở ông cả đấy.

Mục sư: Hồi ấy ông và bà ta đi mỗi người một ngả. Tôi có nghe một câu chuyện đồn vu vơ. Ông có gì để thú thật với mục sư của ông không đấy?

Ill: Hồi ấy chúng tôi thân nhau nhất, trẻ trung và sôi nổi. Các ông ạ, bề gì bốn mươi lăm năm trước tôi cũng là một gã trai. Còn Klara thì tôi vẫn như luôn thấy nàng soi đèn cho tôi trong nhà kho của Peter hay là đi chân trần trong khu rừng Konradsweiler phủ đầy lá và rêu. Tóc đỏ bay bay trong gió, thân hình mảnh dẻ, mềm mại, đẹp một cách phù thủy. Cuộc đời đã chia cắt chúng tôi. Chính cuộc đời đã gây ra nông nỗi.

Thị trưởng: Tôi cần vài chi tiết về bà Zachanassian cho diễn từ chào mừng trong buổi chiêu đãi ở quán ‚Thánh tông đồ vàng’. Ông rút túi ra một quyển sổ nhỏ.

Thầy giáo: Tôi đã lục tìm trong các học bạ cũ của trường. Đáng tiếc phải nói rằng điểm của Klara Waescher rất là kém. Hạnh kiểm cũng thế. Chỉ có môn ‚Thảo mộc và động vật học’ là tạm được.

Thị trưởng ghi chép: Hay lắm. Tạm được trong môn ‚Thảo mộc và động vật học’. Hay lắm.

Ill: Để tôi giúp thêm ý cho ông thị trưởng. Klara yêu công bằng. Yêu hết mực, nên có lần thấy một người sống lang thang bị cảnh sát điệu đi nàng đã ném đá vào cảnh sát.

Thị trưởng: Yêu công bằng. Không dở. Sẽ có tác dụng. Nhưng mà tốt hơn ta nên lờ đi cái chuyện ném đá vào cảnh sát kia.

Ill: Nàng còn hay làm việc từ thiện nữa. Nàng chia cho người khác cái gì mình có. Đã từng lấy trộm khoai tây đem cho một bà góa nghèo.

Thị trưởng: Hay làm việc từ thiện. Điều này tôi nhất định phải nêu ra thôi, các ông ạ. Quan trọng lắm đấy. Có ai nhớ ra ngôi nhà nào ông thân của bà ấy đã xây cất không? Sẽ làm cho diễn từ hay thêm.

Họa sĩ: Chẳng ai nhớ cả.

Người thứ nhất: Ông ta say sưa tối ngày thì phải.

Ngưòi thứ hai: Bà vợ đã bỏ ông ấy.

Người thứ ba: Ông ấy chết trong nhà thương điên.

 

Người thứ tư phun nước bọt.

  

Thị trưởng gấp sổ lại: Phần tôi coi như đã chuẩn bị xong. Còn lại thì ông Ill phải lo đấy.

Ill: Tôi biết. Bà Zachanassian phải xùy bạc triệu ra.

Thị trưởng: Bạc triệu. Đúng như thế.

Thầy giáo: Với chúng ta thì một vườn trẻ không bõ bèn gì.

Thị trưởng: Ông Ill thân mến ạ, từ lâu nay ông là nhân vật được ưa mến nhất ở đất Guellen này. Sang Xuân tôi sẽ từ chức. Tôi đã tiếp xúc với phe đối lập rồi và chúng tôi nhất trí đề cử ông kế nhiệm tôi.

Ill: Ấy chết, ông thị trưởng!

Thầy giáo: Tôi xác nhận điều ông thị trưởng vừa nói.

Ill: Các ông ạ, vào việc chính thôi. Trước hết tôi sẽ nói với Klara về tình trạng khốn quẫn của chúng ta.

Mục sư: Nhưng cẩn thận... phải khéo léo đấy.

Ill: Mình phải khôn khéo mới được, phải đánh đúng tâm lý. Chỉ một sơ hở trong việc đón tiếp ở nhà ga cũng đủ làm hỏng hết. Chỉ với ban nhạc thành phố và đội đồng ca thì không đủ đâu.

Thị trưởng: Ông Ill có lý. Vả lại đấy là giây phút quan trọng. Bà Zachanassian đặt chân lên mảnh đất quê hương, trở về chốn cũ; bà xúc động trào nước mắt nhìn cảnh cũ, người xưa. Tất nhiên tôi sẽ không chỉ mặc có áo sơ-mi như lúc này mà đóng bộ lễ phục đen, mũ hình trụ15 đứng cạnh vợ; phía trước là hai đứa cháu mặc toàn trắng, có cài hoa hồng. Lậy Chúa, mong sao mọi chuyện đâu vào đấy cả.

 

Có tiếng chuông rung.

 

Người thứ nhất: Chuyến ‚Roland tên bắn’.

Người thứ hai: 11 giờ 27 phút, chạy tuyến Venedig – Stockholm.

Mục sư: 11 giờ 27 phút! Ta còn ngót hai giờ nữa để sửa soạn y phục chỉnh tề như cho ngày chủ nhật 16.

Thị trưởng: Tấm biểu ngữ ‚Chào mừng bà Claire Zachanassian’ do hai ông Kuehn và Hauser – ông chỉ vào người thứ tư – giương lên cao. Những người khác cầm mũ vẫy chào là hay nhất. Nhưng làm ơn nhớ hộ rằng đừng có reo hò như năm ngoái đón đoàn đại biểu chính phủ đấy nhé. Chẳng gây được ấn tượng nào cả cho nên đến nay chúng ta vẫn chưa nhận được trợ cấp. Tỏ vẻ hân hoan quá mức thì không đúng chỗ, mà phải sâu lắng đến nỗi nghẹn ngào, đồng cảm với người con tìm thấy lại của quê hương. Hãy tỏ ra tự nhiên, thắm thiết. Nhưng sự tổ chức phải nhịp nhàng ăn khớp. Tiếng chuông cứu hỏa phải gióng lên ngay sau đội đồng ca. Trước hết cần lưu ý rằng...

 

Tiếng ầm ầm của xe lửa đang trờ tới khiến không ai nghe ra thị trưởng nói gì. Tiếng phanh rít trên đường sắt. Mọi người sửng sốt ra mặt. Năm người ngồi trên ghế đứng bật cả dậy.

 

Họa sĩ: Chuyến tầu tốc hành...

Người thứ nhất: Ngừng ...

Người thứ hai: Ở Guellen!

Người thứ ba: Ở cái xó xỉnh nghèo xơ xác...

Người thứ tư: Tồi tàn nhất...

Người thứ nhất: Mạt hạng nhất trên tuyến Venedig – Stockholm!

Người trưởng ga: Thế là quy luật tự nhiên hết hiệu lực 17. Chuyến tầu ‚Roland tên bắn’ lẽ ra phải xuất hiện ở khúc quanh Leuthenau, chạy vụt qua đây rồi biến thành một chấm mờ, trước khi mất dạng ở thung lũng sông Pueckenried.

  

Từ bên phải sân khấu bà Claire Zachanassian đi tới. Sáu mươi hai tuổi, tóc hung, cổ đeo vòng ngọc trai, tay đeo vòng vàng to tướng, diêm dúa một cách kỳ quặc. Nhưng chính vì thế lại ra dáng một mệnh phụ lịch lãm, dáng yểu điệu khác thường, dù lố lăng kệch cỡm. Theo sau bà là Boby, người hầu khoảng tám mươi tuổi, keo kính đen và ông chồng thứ bẩy (cao, gầy, râu mép đen) với bộ đồ nghề câu cá. Người trưởng tầu đội mũ đỏ, túi xách đỏ chạy theo với vẻ nóng nẩy.

 

Claire Zachanassian: Tôi đang ở Guellen phải không?

Người trưởng tầu: Madame 18, có phải bà vừa kéo thắng khẩn cấp 19 không?

Claire Zachanassian: Lúc nào tôi cũng kéo thắng khẩn cấp cả.

Người trưởng tầu: Tôi cực lực phản đối. Ở đất nước này không ai được phép kéo thắng đó, kể cả gặp lúc khẩn cấp. Nguyên tắc hàng đầu là bảo đảm tầu chạy đúng lịch trình. Yêu cầu bà hãy giải thích về hành động của mình.

Claire Zachanassian: Tôi đang ở Guellen thật rồi, Moby mình ơi. Tôi đã nhận ra cái xó xỉnh buồn tẻ này. Đàng kia là cánh rừng Konradsweiler với con suối mà mình có thể câu cá hương, cá măng; còn bên phải là cái mái nhà kho của Peter.

Ill như chợt tỉnh: Klara.

Thầy giáo: Bà Zachanassian.

Mọi người: Bà Zachanassian.

Thầy giáo: Đội đồng ca và đoàn thanh niên đâu đã kịp chuẩn bị sẵn sàng.

Thị trưởng: Đội thể dục thể thao và đội cứu hỏa cũng thế!

Mục sư: Thầy phụ tế cũng vậy!

Thị trưởng: Tôi chưa có áo vét, chết thật; không cả mũ hình trụ và mấy đứa cháu!

Người thứ nhất: Bà Klaeri Waescher! Bà Klaeri Waescher! Nhỏm dậy, vọt về hướng thị trấn.

Thị trưởng gọi vói theo: Nhớ báo cho vợ tôi biết nhé!

Người trưởng tầu: Nhân danh ban giám đốc đường sắt, tôi yêu cầu được giải thích. Đây không phải là chuyện đùa.

Claire Zachanassian: Ông thật ngờ nghệch. Tôi muốn viếng thăm thành phố này. Chả lẽ tôi phải nhẩy từ chuyến tầu tốc hành của ông xuống à?

Người trưởng tầu: Madame, nếu bà muốn ghé thăm Guellen thì bà có thể lấy chuyến tầu chợ 12 giờ 40 phút từ Kalberstadt, như mọi người. Tầu sẽ đến Guellen lúc 1 giờ 13 phút.

Claire Zachanassian: Chuyến tầu chợ dừng ở Loken, Brunnhuebel, Beisenbach và Leuthenau ấy à? Chẳng lẽ ông bắt tôi đi chuyến tầu cà rịch cà tang mất nửa tiếng qua vùng đó hay sao?

Người trưởng tầu: Madame, bà sẽ phải trả giá đắt về chuyện này.

Claire Zachanassian: Boby, đưa ông ta một nghìn!

Mọi người lẩm bẩm: Một nghìn.

 

Người hầu đưa cho người trưởng tầu một nghìn.

  

Người trưởng tầu sửng sốt: Madame!

Claire Zachanassian: Và ba nghìn cho Quĩ cứu trợ các góa phụ nhân viên hỏa xa.

Mọi người lẩm bẩm: Ba nghìn.

  

Người trưởng tầu nhận của người hầu ba nghìn.

 

Người trưởng tầu bối rối: Madame, không có Quĩ nào như thế cả.

Claire Zachanassian: Thì ông cứ việc thành lập nó đi.

  

Ông trưởng họ đạo thì thầm vào tai người trưởng tầu.

 

Người trưởng tầu sửng sốt: Hoá ra bà Claire Zachanassian đấy ư? Xin bà thứ lỗi. Thế này thì tất nhiên mọi sự sẽ khác hẳn. Giá mà biết trước thì đương nhiên chúng tôi đã cho tầu ngừng ở Guellen. Xin hoàn lại bà số tiền bốn nghìn. Lậy Chúa.

Mọi người lẩm bẩm: Bốn nghìn.

Claire Zachanassian: Ông hãy giữ lấy; có là bao.

Mọi người lẩm bẩm: Giữ lấy.

Người trưởng tầu: Bà có muốn rằng chuyến ‚Roland tên bắn’ đợi cho đến khi bà thăm viếng Guellen xong không ạ? Ban giám đốc đường sắt hẳn sẽ hân hoan cho phép chúng tôi làm thế. Cổng nhà thờ lớn nghe nói rất đáng xem. Kiến trúc kiểu Gô-tích với hình tượng về Ngày phán xét cuối cùng.

Claire Zachanassian: Ông cứ việc cho phóng tầu đi thôi.

Ông chồng thứ bẩy rên rỉ: Nhưng mà còn các nhà báo, Mausi 20. Họ chưa xuống tầu mà. Các phóng viên chưa biết gì hết và vẫn còn dùng bữa trong toa ăn phía đầu tầu.

Claire Zachanssian: Cứ để họ tiếp tục ăn, Moby ạ. Tạm thời tôi chưa cần đến nhà báo ở Guellen. Rồi họ cũng sẽ đến thôi mà.

 

Trong lúc đó người thứ hai đã đem áo vét lại cho thị trưởng. Ông ta trịnh trọng tiến về phía bà Claire Zachanassian. Người họa sĩ và người thứ tư giơ cao tấm biểu ngữ viết dang dở hàng chữ‚Chào mừng bà Claire Zachanassi...’.

 

Người trưởng ga giơ cao cần ra hiệu: Tầu chạy đây!

Người trưởng tầu: Mong bà đừng phàn nàn với Ban giám đốc đường sắt. Chỉ là hiểu lầm thôi ạ.

 

Tầu chuyển bánh. Người trưởng tầu nhẩy lên theo.

 

Thị trưởng: Kính thưa bà. Với tư cách thị trưởng Guellen tôi lấy làm vinh hạnh được kính chào bà, người con của quê nhà ...

 

Ông thị trưởng vẫn tiếp tục nói trong khi tầu chuyển bánh khiến không ai hiểu được ông nói những gì.

 

Claire Zachanassian: Tôi cám ơn ông thị trưởng về bài diễn từ rất hay ho.

 

Bà tiến lại phía ông Ill đang có vẻ lúng túng đi lại đón bà.

 

Ill: Klara.

Claire Zachanassian: Alfred.

Ill:  21 về đây thật là quí hóa.

Claire Zachanassian: Tôi vẫn nuôi ý định này hoài đấy chứ, suốt cả một đời, kể từ ngày tôi rời khỏi Guellen.

Ill hơi mất tự tin: Quí hóa quá.

Claire Zachanassian: Ông cũng có nghĩ đến tôi chứ?

Ill: Dĩ nhiên rồi. Nghĩ hoài hoài ấy chứ. Bà biết mà.

Claire Zachanassian: Những ngày xưa kia khi mình gần nhau thật đẹp.

Ill hãnh diện: Đúng thế. Nói với thầy giáo Thầy giáo thấy tôi nắm được huyệt bà ấy chưa!

Claire Zachanassian: Hãy gọi tôi như ngày trước ông vẫn thường gọi.

Ill: Con mèo rừng nhỏ bé của tôi.

Claire Zachanassian gừ gừ như một con mèo già: Sao nữa?

Ill: Cô nàng phù thuỷ bé bỏng của tôi.

Claire Zachanassian: Còn tôi gọi ông là ‚con báo đen của tôi’.

Ill: Tôi vẫn là con báo đen đấy chứ.

Claire Zachanassian: Tầm bậy. Ông đã phì ra rồi, tóc đã bạc, lại nát rượu nữa.

Ill: Còn bà thì vẫn như xưa, cô bé phù thuỷ ạ.

Claire Zachanassian: Làm gì có. Tôi cũng già và đẫy đà ra rồi. Chân trái lại bị cụt mất do một tai nạn xe hơi. Thành ra tôi chỉ còn đi xe lửa tốc hành thôi. Nhưng mà họ chế cái chân giả thật tuyệt, ông có thấy không? Bà vén váy lên, chìa cái chân trái. Vẫn đi lại dễ dàng.

Ill lau mồ hôi: Bà không nói thì tôi không nhận ra đấy, mèo rừng ạ.

Claire Zachanassian: Ông Alfred, tôi được phép giới thiệu với ông người chồng thứ bẩy của tôi chứ? Nhà tôi là chủ nhân của nhiều đồn điền thuốc lá. Chúng tôi sống rất hạnh phúc.

Ill: Được chứ.

Claire zachanassian: Moby, mình lại đây cúi chào đi. Đúng ra nhà tôi tên là Pedro cơ, nhưng Moby nghe hay hơn. Nó hợp với cái tên Boby của tay người hầu. Hắn theo hầu mình suốt một đời nên ngay cả tên các ông chồng cũng phải sửa theo cho hợp.

 

Người chồng thứ bẩy cúi chào.

 

Claire Zachanassian: Moby, trông ông này với bộ ria mép đen có dễ mến không? Mình nghĩ đi.

 

Người chồng thứ bẩy ra dáng ngẫm nghĩ.

 

Claire Zachanassian: Nghĩ kỹ vào.

 

Người chồng thứ bẩy có vẻ suy nghĩ rất lung.

 

Claire Zachanassian: Kỹ hơn nữa.

Người chồng thứ bẩy: Nhưng mà Mausi, tôi không thể nào ngẫm nghĩ kỹ hơn được nữa.

Claire Zachanassian: Dĩ nhiên là được. Cứ thử xem.

 

Người chồng thứ bẩy càng tỏ ra suy nghĩ kỹ hơn nữa.

Có tiếng chuông ngân vang.

 

Claire Zachanassian: Thấy chưa, được mà. Alfred này, trông nhà tôi có vẻ ma quái nhỉ. Cứ như một người Ba Tây, nhưng mà không phải. Nhà tôi là người Hy lạp theo đạo Cơ đốc chính thống. Ông bố là người Nga. Một linh mục Cơ đốc chính thống đã làm lễ cưới cho chúng tôi. Thế mới hay chứ. Bây giờ tôi muốn đi một vòng thăm thú Guellen. Bà dùng thứ kính một tròng 22 có cẩn đá quí ngắm nhìn nhà vệ sinh ở phía bên trái. Nhà vệ sinh này do bố tôi xây đấy, Moby ạ. Xây rất tốt, đâu vào đấy. Hồi nhỏ tôi ngồi hàng giờ trên mái, nhổ nước bọt xuống, nhưng chỉ nhổ vào đàn ông thôi.

 

Đội đồng ca và đoàn thanh niên đã tề tựu trước phông. Thầy giáo đội mũ hình trụ tiến ra.

  

Thầy giáo: Kính thưa bà, với tư cách hiệu trưởng trường trung học Guellen và là người yêu nàng tiên âm nhạc, cho phép tôi được chào mừng bà bằng một bài dân ca mộc mạc do đội đồng ca và đoàn thanh niên trình diễn.

Claire Zachanassian: Bắt đầu bài dân ca mộc mạc của ông đi, thầy giáo ạ.

 

Thầy giáo gõ âm thoa, phát ra thanh âm chuẩn rồi đội đồng ca và đoàn thanh niên trịnh trọng cất tiếng hát. Ngay chính lúc đó một chuyến tầu chạy từ phía trái lại. Người trưởng ga chào theo kiểu nhà binh. Đội đồng ca phải gào lên kẻo bị tiếng xe lửa át mất, còn thầy giáo thì tỏ ra tuyệt vọng. Rồi chuyến tầu đi qua.

  

Thị trưởng thiểu não: Chuông cứu hỏa đâu rồi, gióng chuông cứu hỏa ngay đi!

Claire Zachanassian: Hát hay lắm. Nhất là cái cậu tóc vàng có yết hầu to đứng ngoài cùng phía trái hát giọng nam trầm thật độc đáo.

 

Một viên cảnh sát len qua đội đồng ca, tiến lại đứng nghiêm chào bà Claire Zachanassian.

 

Viên cảnh sát: Kính thưa bà, cảnh sát viên Hahncke sẵn sàng tuân lệnh.

Claire Zachanassian nhìn viên cảnh sát: Cám ơn. Tôi không muốn bắt ai cả. Nhưng có thể Guellen sẽ cần đến ông. Đôi khi ông cũng nhắm một mắt làm ngơ chứ?

Viên cảnh sát: Thưa bà, có chứ ạ. Nếu không làm sao sống ở Guellen được.

Claire Zachanassian: Tốt nhất là ông cứ nhắm cả hai mắt.

 

Viên cảnh sát đứng ngẩn ra.

 

Ill cười: Klara có khác! Thật đúng là cô bé phù thuỷ của tôi. Thích chí vỗ đùi.

 

Thị trưởng lấy cái mũ hình trụ của thầy giáo đội vào đầu rồi dẫn hai đứa cháu sinh đôi, bẩy tuổi, tóc vàng tết bím ra giới thiệu.

 

Thị trưởng: Thưa bà đây là hai đứa cháu gái của tôi, Hermine và Adolfine. Chỉ còn thiếu nhà tôi thôi. Lau mồ hôi.

 

Hai đứa bé hơi nhún đầu gối chào 23 và trao tặng bà Zachanassian hoa hồng đỏ.

 

Claire Zachanassian: Chúc mừng ông thị trưởng có hai cô cháu bé24. Cầm lấy! Bà ấn hoa hồng vào tay viên trưởng ga.

 

Thị trưởng kín đáo đưa mũ hình trụ cho mục sư. Ông này đội lên đầu.

 

Thị trưởng: Thưa bà, đây là mục sư của chúng tôi.

 

Mục sư ngả mũ, cúi chào.

 

Claire Zachanassian: À, ông mục sư. Ông vẫn thường an ủi người hấp hối chứ?

Mục sư ngạc nhiên: Tôi làm hết sức mình.

Claire Zachanassian: Cả với những kẻ bị kết án tử hình chứ?

Mục sư ngơ ngác: Thưa bà, nước ta đã bỏ án tử hình rồi.

Claire Zachanassian: Có thể người ta sẽ tái lập loại án này đấy.

 

Mục sư hơi sửng sốt, trả mũ cho thị trưởng. Ông này đội lên đầu. Bác sĩ Nuesslin chen qua đám đông.

  

Thị trưởng: Thưa, đây là bác sĩ Nuesslin.

Claire Zachanassian: Hân hạnh. Ông cấp giấy khai tử chứ?

Bác sĩ: Giấy khai tử à?

Claire Zachanassian: Khi có người chết.

Bác sĩ: Dạ, cấp chứ ạ.

Claire Zachanassian: Trong tương lai ông sẽ có thêm việc chẩn tim mạch.

Ill cười: Mèo rừng ơi! Bà có lối nói thật khôi hài!

Claire Zachanassian: Bây giờ tôi muốn vào phố đã.

 

Thị trưởng định đưa tay cho bà khoác 25.

 

Claire Zachanassian: Ông thị trưởng lẩn thẩn thật thôi! Tôi đâu thể đi bộ cả dặm đường với cái chân giả này được.

Thị trưởng hoảng hồn: Có ngay! Có ngay! Bác sĩ Nuesslin có xe hơi riêng.

Bác sĩ: Một chiếc Mercedes đời 1932, thưa bà.

Claire Zachanassian: Không cần đâu. Từ ngày bị tai nạn tôi toàn ngồi kiệu . Roby, Toby! Đem kiệu lại đây!

 

Từ phía trái hai gã khổng lồ trông như quỉ sứ, lực lưỡng, miệng nhai kẹo cao su khiêng kiệu chạy lại. Một gã đeo đàn ghi-ta trên lưng.

 

Claire Zachanassian: Hai tên anh chị ở Manhattan 26 này nằm trong nhà tù Sing-Sing 27 chờ ngày lên ghế điện. Tôi xin tha cho chúng, để dùng vào việc khiêng kiệu. Cứ mỗi tên tôi phải nộp một triệu đô-la. Cái kiệu là quà tặng của tổng thống Pháp, lấy từ viện bảo tàng Louvre 28. Ông này rất vui tính, trông giống y như hình trên báo. Kiệu ta vào phố, Roby, Toby!

Hai gã khiêng kiệu: Yes, Mam 29.

Claire Zachanassian: Nhưng trước hết đến nhà kho của Peter, rồi rừng Konradsweiler đã. Ta muốn cùng với Alfred thăm lại những nơi hai ta tình tự ngày xưa. Trong khi đó hãy đem hành lý và cỗ quan tài vào khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’ cho ta.

Thị trưởng sửng sốt: Quan tài?

Claire Zachanassian: Tôi đem theo một cái. Có thể tôi sẽ phải cần đến. Đi, Roby Toby.

 

Hai gã khổng lồ nhai kẹo cao su kiệu Claire Zachanassian vào phố. Thị trưởng ra hiệu, thế là mọi người lớn tiếng hoan hô nhưng xìu ngay khi thấy hai gia nhân khiêng vào một cái quan tài đen đắt tiền. Ngay lúc đó tiếng chuông cứu hỏa – chưa bị tịch biên – gióng lên.

 

Thị trưởng: Chuông cứu hỏa! Có thế chứ!

 

Dân Guellen đi theo cỗ quan tài. Theo sau là các hầu gái của bà Claire Zachanassian. Cơ man hòm xiểng hành lý được người Guellen khuân vác. Viên cảnh sát lo điều khiển giao thông, rồi định theo chân đoàn người, nhưng chợt từ phía bên phải có hai ông già lùn, mập, áo quần tề chỉnh, nói giọng thì thào đi tới. Họ vừa đi vừa nắm tay nhau.

  

Hai ông già: Chúng ta đang ở Guellen. Chúng ta ngửi thấy, chúng ta ngửi thấy mùi không khí thành phố Guellen.

Viên cảnh sát: Mấy người là ai?

Hai ông già: Chúng tôi là người của bà già, chúng tôi là người của bà già. Bà gọi chúng tôi là Koby và Loby.

Viên cảnh sát: Bà Zachanassian trọ ở khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’.

Hai ông già vui vẻ: Chúng tôi mù, chúng tôi mù.

Viên cảnh sát: Mù ư? Vậy để tôi dẫn hai người đến đó.

Hai ông già: Cám ơn ông cảnh sát, cám ơn ông nhiều.

Viên cảnh sát ngạc nhiên: Hai người mù thì làm sao biết được tôi là cảnh sát chứ?

Hai ông già: Qua giọng nói thôi, qua giọng nói thôi. Cảnh sát đều nói cùng một giọng như nhau cả.

Viên cảnh sát nghi hoặc: Hai ông béo lùn này xem ra từng có kinh nghiệm với cảnh sát rồi đấy nhỉ.

Hai ông già sửng sốt: Hai ông à? Hắn tưởng bọn mình là đàn ông!

Viên cảnh sát: Quỉ thần ơi, nếu không phải đàn ông thì mấy người là cái giống gì?

Hai ông già: Rồi sẽ biết thôi mà, rồi sẽ biết thôi mà.

Viên cảnh sát ngơ ngác: Thôi, là gì đi nữa thì ít ra thì mấy người cũng vẫn vui nhộn ra phết.

Hai ông già: Ngày nào cũng được ăn sườn và giăm-bông mà lại.

Viên cảnh sát: Được thế thì cả tôi đây cũng nhẩy nhót. Nào, đưa tay đây. Dân ngoại quốc có kiểu đùa kỳ cục thật. Đi với hai ông già vào phố.

Hai ông già: Đi gặp Boby và Moby, đi gặp Roby và Toby!

 

Đổi cảnh không cần hạ màn mà kéo khung cảnh nhà ga và nhà vệ sinh lên, cho nằm bềnh bồng bên trên. Cảnh bên trong khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’ hiện ra. Rất nên cho thòng xuống lơ lửng giữa phòng bảng hiệu của quán: hình một thánh tông đồ khả kính dát vàng. Cảnh trí cho thấy sự xa hoa xưa kia giờ đã tàn tạ: tất cả đều cũ kỹ, bụi bặm, rạn nứt, hôi mùi mốc, mối mọt, tường lở nham nhở. Thị trưởng , mục sư và thầy giáo ngồi uống rượu phía trước, bên phải sân khấu, nhìn các hòm đồ lề hành lý được khuân vào mãi không hết.

 

Thị trưởng: Chỉ toàn là hòm với xiểng.

Mục sư: Phải nói là hàng đống. Hồi nẫy đã khuân vào một cái cũi với con báo đen rồi đấy.

Thị trưởng: Một con dã thú đen thui.

Mục sư: Cái quan tài...

Thị trưởng: ...Được đem vào một phòng dành riêng cho nó.

Thầy giáo: Lạ lùng thật thôi.

Mục sư: Các mệnh phụ lừng danh thế giới đều có tật lạ.

Thị trưởng: Các hầu gái đẹp thật.

Thầy giáo: Bà ta có vẻ định ở đây lâu.

Thị trưởng: Càng hay. Ill nắm được huyệt của bà ấy rồi. Hắn gọi bà ấy là mèo rừng, là cô nàng phù thuỷ và sẽ moi được của bà ấy hàng triệu. Thầy giáo, xin uống mừng sức khoẻ của ông. Uống mừng việc bà Claire Zachanassian chỉnh đốn lại hãng Bockmann.

Thầy giáo: Hãng Wagner nữa.

Thị trưởng: Và hãng luyện kim ‚Chỗ đứng dưới ánh mặt trời’. Nó mà phất lên được thì tất cả cũng phất theo, từ thị xã, trường trung học cho chí phúc lợi công cộng.

 

Họ cụng ly.

 

Thầy giáo: Hơn hai mươi năm nay tôi chấm bài tập tiếng La tinh và Hy lạp của học sinh ở Guellen, vậy mà ông thị trưởng ạ, thế nào là lạnh xương sống thì tôi mới được biết có một giờ trước đây thôi. Nhìn bà ấy trong bộ đồ đen bước xuống xe lửa mà tôi rùng mình. Cứ như là nữ thần định mệnh Hy lạp ấy. Nếu bà ấy tên là Klotho 30 thay vì Claire thì người ta dám tin rằng bà ấy giữ sổ sinh tử lắm.

 

Viên cảnh sát tới, treo mũ sắt vào một cái móc.

 

Thị trưởng: Ông đội, ngồi đây với chúng tôi.

  

Viên cảnh sát ngồi với mấy người kia.

 

Viên cảnh sát: Làm việc ở cái xó xỉnh này thật chẳng thú vị gì. Nhưng hoa tươi sắp nở rộ trên hoang tàn, đổ nát. Tôi vừa ở trên nhà kho Peter với bà tỷ phú và ông chủ tiệm tạp hóa Ill. Xúc động lắm. Hai ông bà thành kính cứ như đang ở trong nhà thờ, khiến tôi lấy làm nhột nhạt vì mình cũng có mặt ở đấy. Thành ra khi họ đi đến cánh rừng Konradsweiler thì tôi rút lui. Chẳng khác gì một đám rước: đi đầu là hai lão mù và mập cùng với tay người hầu, rồi tới cái kiệu, theo sau là ông Ill và người chồng thứ bẩy với bó cần câu của ông ta.

Thị trưởng: Xử dụng đàn ông đến mức tối đa.

Thầy giáo: Một bà Lais 31 thứ hai.

Mục sư: Chúng ta đều là những kẻ có tội.

Thị trưởng: Tôi tự hỏi họ tìm cái gì trong rừng Konradsweiler nhỉ.

Viên cảnh sát: Thưa ông thị trưởng, cũng vẫn cái họ tìm ở nhà kho Peter thôi. Họ tìm lại nơi trước kia tình yêu đam mê – như người ta nói...

Mục sư:...Cháy

Thầy giáo: ...Bùng! Thế này thì phải liên tưởng đến Shakespeare 32, đến Romeo và Julia thôi. Thưa quí vị, tôi thấy mình rúng động. Lần đầu tiên, ở Guellen này, tôi cảm nhận được một sự kiện có tầm vóc lớn lao như chuyện tình của thời xa xưa ấy.

Thị trưởng: Trước tiên chúng ta phải cụng ly mừng ông Ill đã không nề hà gì, nhận làm tất cả mọi chuyện để cải thiện số phận của thị trấn chúng ta. Thưa quí vị, hãy cụng ly mừng người công dân được thương mến nhất của thành phố và là người sẽ kế nhiệm tôi!

 

Họ cụng ly.

 

Thị trưởng: Lại thêm hòm xiểng nữa.

Viên cảnh sát: Bà này lắm hành lý khiếp!

 

Tấm biển có hình thánh tông đồ của khách sạn lại được kéo lên lơ lửng. Từ phía trái bốn người khiêng một ghế gỗ dài mộc mạc không có lưng đi tới, đặt xuống phía trái họ. Người thứ nhất leo lên ghế, cổ đeo một trái tim bằng bìa cứng viết hai chữ AK, những người kia đứng quanh thành nửa vòng cung, trải cành cây con ra, giả làm cây.

 

Người thứ nhất: Chúng ta là cây thông, là cây giẻ gai.

Người thứ hai: Chúng ta là cây linh sam xanh thẫm.

Người thứ ba: Là rêu, là địa y, là bụi thường xuân.

Người thứ tư: Là tầng cây thấp, là khu quây chồn cáo 33.

Người thứ nhất: Là đám mây bay, là tiếng chim.

Người thứ hai: Là đám rễ leo rậm rạp chính cống Đức 34.

Người thứ ba: Là nấm độc, là hươu nai nhút nhát.

Người thứ tư: Là tiếng cành cây xào xạc, là những giấc mơ xưa.

 

Từ phía phông hai gã khổng lồ mặt mũi quỉ sứ nhai kẹo cao su kiệu bà Claire Zachanassian đi ra; cạnh kiệu là ông Ill. Rồi đến người chồng thứ bẩy, sau cùng là người hầu dắt hai ông già mù.

 

Claire Zachanassian: Rừng Konradsweiler đây rồi. Roby, Toby ngừng lại!

Hai người mù: Ngừng lại! Roby, Toby. Ngừng lại! Boby, Moby.

 

Bà Claire Zachanassian xuống kiệu, ngắm nhìn khu rừng.

 

Claire Zachanassian: Trái tim khắc tên hai chúng ta kìa, Alfred! Chỉ còn mờ mờ và bị tách khỏi nhau. Cái cây đã lớn; thân và cành của nó to như chúng mình vậy. Bà đi lại các cây khác. Một bụi cây Đức. Đã lâu rồi tôi không còn bước vào cánh rừng của thời con gái, không giẫm chân lên lá úa và các bụi thường xuân tím. Hai tên nhai kẹo cao su, hãy ra phía sau những bụi cây kia với cái kiệu! Không phải lúc nào ta cũng muốn thấy mặt tụi bay. Còn mình, Moby, hãy đến con suối phía bên phải tìm lũ cá của mình đi.

 

Hai gã khổng lồ khiêng kiệu về phía trái. Người chồng thứ bẩy đi qua phía phải. Bà Claire Zachanassian ngồi xuống ghế dài.

 

Claire Zachanassian: Xem kìa, một con hươu.

 

Người thứ ba nhẩy vọt đi.

 

Ill: Mùa này cấm săn bắn. Ngồi xuống cạnh bà.

Claire Zachanassian: Trên tảng đá chơ vơ này hơn bốn mươi lăm năm về trước mình đã hôn nhau. Mình đã yêu nhau dưới bụi cây này, dưới chân cây giẻ gai, giữa đám nấm độc mọc trên rêu. Tôi mười bẩy tuổi, còn ông chưa đầy hai mươi. Rồi ông lấy cô Mathilde Blumhard có cửa tiệm tạp hóa, còn tôi lấy ông già tỷ phú Zachanassian người Armenie 35. Ông ấy gặp tôi trong một nhà chứa ở Hamburg. Ông già giầu sụ luôn cười rạng rỡ này say mê mái tóc hung của tôi.

Ill: Klara!

Claire Zachanassian: Một điếu Henry Clay, Boby!

Hai người mù: Một điếu Henry Clay, một điếu Henry Clay!

  

Người hầu đến từ phía phông, đưa bà một điếu xì-gà và châm lửa.

 

Claire Zachanassian: Tôi thích hút xì-gà. Lẽ ra tôi hút thứ thuốc của đồn điền chồng tôi cơ nhưng sợ nó không ngon.

Ill: Chính vì bà mà tôi đã lấy Mathilde Blumhard.

Claire Zachanassian: Cô ấy có tiền.

Ill: Thưở ấy bà trẻ đẹp, tương lai chờ đón. Tôi muốn bà được hạnh phúc nên đã phải hy sinh hạnh phúc của riêng mình.

Claire Zachanassian: Giờ thì cái tương lai ấy đã đến rồi.

Ill: Nếu bà ở lại đây thì bà cũng sẽ khánh kiệt như tôi thôi.

Claire Zachanassian: Ông khánh kiệt ư?

Ill: Một kẻ buôn tạp hóa phá sản trong một phố lẻ phá sản.

Claire Zachanassian: Còn tôi có tiền.

Ill: Từ ngày bà bỏ đi tôi như sống trong địa ngục.

Claire Zachanassian: Còn bản thân tôi đã trở thành địa ngục.

Ill: Tôi cùng với gia đình cố sức mưu sinh mà ngày ngày cứ phải chứng kiến cảnh cơ cực của vợ con.

Claire Zachanassian: Thế Mathildchen 36 không đem lại hạnh phúc cho ông ư?

Ill: Bà được hạnh phúc mới là điều chính yếu.

Claire Zachanasian: Còn các con ông?

Ill: Chúng không có chút lý tưởng nào.

Claire Zachanassian: Rồi chúng sẽ thấy thôi.

 

Ông Ill im lặng. Hai người nhìn đăm đăm vào cánh rừng của thời son trẻ.

 

Ill: Cuộc sống của tôi thật đáng nực cười. Tôi chưa một lần thật sự rời khỏi phố lẻ này. Một chuyến đi Berlin 37 và một lần đi Tessin 38. Chỉ có thế thôi.

Claire Zachanassian: Đi làm gì chứ? Tôi biết thế giới này quá mà.

Ill: Vì bà lúc nào muốn đi chả được.

Claire Zachanassian: Vì tôi làm chủ thế giới này.

 

Ông Ill im lặng còn bà hút thuốc.

 

Ill: Giờ thì mọi sự sẽ thay đổi.

Claire Zachanassian: Hẳn rồi.

Ill thăm dò: Bà sẽ giúp chúng tôi chứ?

Claire Zachanassian: Tôi sẽ không bỏ rơi cái thị trấn của tuổi trẻ mình.

Ill: Chúng tôi cần bạc triệu cơ đấy.

Claire Zachanssian: Có là bao.

Ill phấn khởi: Mèo rừng bé bỏng ơi! Ông xúc động vỗ vào đùi trái của bà để rồi đau đớn rụt tay về.

Claire Zachanassian: Đau phải biết nhé. Ông đã đập phải khớp nối chân giả của tôi rồi.

 

Người thứ nhất rút từ túi quần một cái tẩu cũ và một chìa khoá nhà rỉ sét, rồi gõ khóa vào tẩu.

 

Claire Zachanassian: Tiếng chim gõ kiến.

Ill: Giống như những ngày yêu nhau xưa kia, hồi chúng mình còn trẻ và táo tợn, đi vào cánh rừng Konradsweiler này. Mặt trời tuốt trên ngọn linh sam như một cái đĩa sáng lóa. Những đám mây bay xa xa và đâu đó trong đám rễ leo chằng chịt có tiếng chim tu hú.

Người thứ tư: Cúc cu! Cúc cu!

Ill sờ tay vào người thứ nhất: Gỗ cây lạnh, gió rì rào qua cành lá như tiếng sóng biển vỗ bờ. Y như ngày xưa, tất cả như ngày xưa.

 

Ba người giả làm cây thổi ù ù, tay đung đưa lên xuống.

 

Ill: Cô nàng phù thủy bé nhỏ của tôi ơi, giá như kéo ngược thời gian lại được! Giá như cuộc đời không chia cách chúng mình!

Claire Zachanassian: Ông mong ước điều ấy ư?

Ill: Điều ấy và chỉ điều ấy thôi. Tôi yêu bà mà! Ông hôn bàn tay phải của bà. Vẫn bàn tay trắng mát rượi này.

Claire Zachanassian: Ông nhầm. Tay cũng giả đấy. Làm bằng ngà voi.

Ill hoảng hốt buông tay bà: Klara, chả lẽ mọi bộ phận trên người bà đều là giả hay sao?

Claire Zachanassian: Gần hết; kết quả của vụ máy bay rơi ở Afghanistan. Tôi là người duy nhất sống sót chui ra khỏi xác máy bay. Chẳng có gì hủy diệt nổi tôi.

Hai người mù: Không hủy diệt nổi, không hủy diệt nổi.

 

Có tiếng kèn vang lên long trọng. Tấm biển khách sạn ‚Thánh tông đồ’ lại được thòng xuống. Người Guellen khuân bàn vào; khăn bàn rách tả tơi. Dao nĩa và món ăn được bầy ra. Một cái bàn ở giữa, hai cái hai bên song song với khán giả. Từ phía phông mục sư bước ra. Nhiều người Guellen nữa đi vào, một người mặc đồ thể dục nhào lộn. Thị trưởng, bác sĩ, thầy giáo, viên cảnh sát cũng có mặt. Người Guellen vỗ tay. Thị trưởng đi tới chiếc ghế bà Claire Zachanassian và ông Ill đang ngồi; mấy người lúc nãy giả làm cây nay trở lại đóng vai người; họ đi ra phía sau.

 

Thị trưởng: Thưa bà Zachanassian tôn kính, người ta vỗ tay nhiệt liệt chào mừng bà.

Claire Zachanassian: Thưa ông thị trưởng, họ hoan nghênh đội nhạc thành phố đấy chứ. Đội nhạc thổi kèn tuyệt lắm. Vừa rồi, đội thể dục thể thao trồng Kim tự tháp cũng tuyệt đẹp.

 

Thị trưởng ra hiệu và người biểu diễn màn nhào lộn chạy đến chào quan khách.

 

Claire Zachanassian: Tôi thích đàn ông mặc áo lót và quần cụt. Trông tự nhiên biết mấy. Ông biểu diễn lần nữa nhé! Vung tay ra sau rồi làm thế hít đất.

 

Người nọ làm theo ý bà.

 

Claire Zachanassian: Các bắp thịt thật là tuyệt! Ông đã từng dùng sức bóp cổ ai chưa?

 

Đang ở thế hít đất anh ta sửng sốt đến nỗi quị cả đầu gối.

 

Người nhào lộn: Bóp cổ ư?

Ill cười: Klara thật có biệt tài về khôi hài. Nghe cười đến chết được!

Bác sĩ: Thật hết biết! Diễu kiểu này làm ớn cả xương sống.

 

Anh chàng nhào lộn đi ra phía sau.

 

Thị trưởng: Xin mời bà vào bàn ạ. Đưa bà Claire Zachanassian lại bàn giữa rồi giới thiệu vợ mình. Thưa, đây là nhà tôi.

Claire Zachanassian nhìn bà vợ thị trưởng qua cái kính một tròng: Chào Annettchen Dummermuth, người đứng nhất lớp chúng tôi ngày xưa đây mà.

 

Ill dẫn vợ lại. Người vợ gầy nhom, vẻ cay đắng.

  

Claire Zachanassian: Chào Mathildchen Blumhard. Tôi nhớ lại hồi đó bà đứng rình chờ Alfred như thế nào sau cửa tiệm buôn. Chúa ơi, sao bà gầy và xanh xao thế!

Ill bí mật : Bà ấy hứa cho bạc triệu đấy!

Thị trưởng ngạt thở : Bạc triệu à?

Ill: Bạc triệu.

Bác sĩ: Trời đất!

Claire Zachanassian: Thưa ông thị trưởng, giờ thì tôi đói rồi.

Thị trưởng: Thưa bà, chúng ta chỉ còn đợi có ông nhà nữa thôi.

Claire Zachanassian: Quí vị không cần phải đợi. Ông ấy đang câu cá, còn tôi thì đang tiến hành ly dị.

Thị trưởng: Ly dị ư?

Claire Zachanassian: Ngay cả Moby cũng sẽ ngạc nhiên. Tôi sắp lấy một diễn viên điện ảnh Đức.

Thị trưởng: Nhưng mà bà há chẳng bảo rằng hai ông bà sống hạnh phúc ư?

Claire Zachanassian: Với ông chồng nào tôi cũng đều hạnh phúc cả. Nhưng từ thời con gái tôi vẫn mơ được làm đám cưới trong nhà thờ lớn ở Guellen. Phải thực hiện cho bằng được ước mơ thời trẻ. Sẽ rất là trang trọng.

  

Mọi người ngồi vào bàn. Bà Claire Zachanassian ngồi giữa thị trưởng và ông Ill, còn hai ông ngồi cạnh vợ mình. Thầy giáo, mục sư và viên cảnh sát ngồi sau chiếc bàn bên phải, bốn người (ở nhà ga ngay lúc đầu) ngồi ở bàn bên trái. Các khách quí và vợ ngồi ở phông có căng tấm biểu ngữ ‚Chào mừng Klaeri’. Thị trưởng đứng dậy gõ vào ly, mặt rạng rỡ, khăn ăn đã gài ở cổ.

 

Thị trưởng: Thưa bà, thưa bà con thị trấn Guellen. Đến nay đã bốn mươi lăm năm từ ngày bà rời khỏi thị trấn nhỏ bé của chúng ta, cái thị trấn nằm hiền hoà giữa cánh rừng Konradsweiler và thung lũng sông Pueckenried, do tuyển hầu39 Hasso có danh hiệu ‚Nhà quí tộc’ thành lập. Bốn mươi lăm năm, hơn bốn thập kỷ, là một khoảng thời gian rất dài. Biết bao sự kiện đã xẩy ra, trong đó có nhiều điều chua xót. Trên thế giới đã xẩy ra bao chuyện đáng buồn, kể cả thị trấn của chúng ta. Nhưng chúng tôi không bao giờ quên bà, quên Klaeri - vỗ tay - của chúng tôi. Không bao giờ quên bà hoặc gia đình bà. Cụ bà tuyệt vời, khoẻ mạnh, toàn tâm toàn ý vì chồng con – ông Ill thì thầm nhắc gì đấy – đã chẳng may bỏ ra đi quá sớm, còn cụ ông, vốn được mọi người quí mến, đã dựng lên cạnh nhà ga một tòa nhà được giới chuyên môn và không chuyên môn rất thường ra vào – ông Ill lại nhắc thầm – à, rất thường coi trọng; chúng tôi vẫn nhớ ông là một người giỏi dang nhất, tháo vát nhất. Ngay như bà, hỏi còn có ai mà không biết cô gái nghịch ngợm tóc vàng thưở xưa – ông Ill lại nhắc thầm – à, tóc hung xoăn tít chạy nhẩy trên các con đường phố chật hẹp mà nay, tiếc thay, đã hư hại cả. Ngay từ thưở ấy ai cũng cảm thấy được bà có một nhân cách đặc biệt mê hoặc mọi người và dự đoán bà sẽ đạt đến đỉnh cao danh vọng của loài người. Lôi sổ ghi chép ra. Người ta mãi nhớ đến bà. Quả nhiên như thế. Học lực của bà mãi đến nay vẫn còn được ban giám hiệu nêu làm tấm gương cho học trò, đặc biệt trong bộ môn quan trọng nhất là ‚Thực và động vật học’ thì bà lại càng xuất sắc một cách đáng ngạc nhiên, chứng tỏ tấm lòng vị tha của bà đối với vạn vật, đối với những sinh vật cần sự che chở. Lòng yêu công bình và việc từ thiện của bà, ngay lúc bấy giờ, đã khiến cho nhiều giới hâm mộ. Vỗ tay nồng nhiệt. Klaeri của chúng ta quả đã từng dùng số tiền khó khăn lắm mới kiếm được bằng cách giúp việc hàng xóm láng giềng để mua khoai tây cho một bà góa già nghèo có cái ăn, khỏi bị chết đói. Đây mới chỉ là đơn cử một trong những việc làm nhân đạo của bà thôi. Vỗ tay nhiệt liệt. Thưa bà, thưa bà con ở Guellen: những mầm non mang giống tốt lành nay đã lớn mạnh, cô bé nghịch ngợm tóc hung xưa nay đã thành một mệnh phụ làm không biết bao nhiêu việc thiện cho thế giới. Chỉ cần kể ra những công trình xã hội, những nhà bảo dưỡng sức khoẻ các bà mẹ, những trung tâm phát chẩn súp cho người nghèo, những chương trình bảo trợ nghệ sĩ, những vườn trẻ của bà. Vì thế, để mừng người về thăm quê cũ, tôi muốn được hô to: muôn năm, muôn năm, muôn năm!

 

Vỗ tay. Bà Claire Zachanassian đứng dậy.

 

Claire Zachanassian: Thưa ông thị trưởng, thưa bà con Guellen. Quý vị chân thành vui mừng về chuyến viếng thăm này của tôi khiến tôi xúc động. Thật ra tôi là một đứa trẻ hơi khác với những gì ông thị trưởng đã nhắc tới trong diễn từ. Ở trường học tôi thường bị ăn đòn; còn khoai tây tôi đã cùng với ông Ill lấy cắp mang cho bà goá Boll không phải để cho mụ tú bà khọm này khỏi chết đói, mà để được một lần cùng nằm trên giường với ông Ill, thoải mái hơn là nằm trong rừng Konradsweiler hay trong nhà kho của Peter. Tuy nhiên, để góp phần vào niềm vui của quí vị, xin tuyên bố ngay rằng tôi sẵn sàng tặng một tỷ quan. Năm trăm triệu cho thành phố Guellen, năm trăm triệu chia đều cho mọi gia đình.

 

Im phăng phắc.

 

Thị trưởng lắp bắp: Một tỷ!

 

Mọi người vẫn còn như bị tê liệt.

 

Claire Zachanassian: Với một điều kiện.

 

Mọi người bật lên reo hò không tả xiết. Kẻ nhẩy múa, người đứng lên ghế, anh chàng nhào lộn lộn nhào... Ông Ill khoái chí gõ tay vào ngực như đánh trống.

 

Ill: Ô, Klara! Thật đáng yêu! Thật tuyệt vời! Cười bò ra được! Đúng là cô nàng phù thuỷ của tôi! Hôn bà.

Thị trưởng: Với một điều kiện, bà vừa nói thế. Tôi được phép biết điều kiện này chứ?

Claire Zachanassian: Tôi cho biết ngay thôi. Tôi tặng một tỷ để mua lấy sự công bình.

 

Im phăng phắc.

 

Thị trưởng: Thưa bà, như thế nghĩa là gì?

Claire Zachanassian: Như tôi vừa mới nói đấy.

Thị trưởng: Người ta đâu thể nào mua được sự công bình.

Claire Zachanassian: Cái gì cũng mua được hết.

Thị trưởng: Tôi vẫn chưa hiểu.

Claire Zachanassian: Boby, ra đây!

 

Từ phía bên phải người hầu ra giữa sân khấu, đứng giữa ba cái bàn, tay gỡ kính đen.

 

Người hầu: Không biết có ai trong các vị còn nhận ra được tôi nhỉ.

Thầy giáo: Thẩm phán Hofer!

Người hầu: Chính phải. Tôi vốn là thẩm phán Hofer. Cách đây bốn mươi lăm năm tôi là thẩm phán ở Guellen, rồi chuyển đến toà thượng thẩm ở Kaffig cho đến hai mươi lăm năm trước bà Zachanassian hỏi tôi có chịu làm người hầu cho bà không. Tôi nhận lời. Thật là một sự nghiệp hơi khác thường cho một người có bằng cấp cao, nhưng mà lương bổng thì không tưởng tượng nổi...

Claire Zachanassian: Vào chuyện đi, Boby!

Người hầu: Như các vị đã nghe, bà Claire Zachanassian tặng một tỷ đổi lấy sự công bình. Nói cách khác: bà Claire Zachanassian tặng một tỷ, nếu các vị sửa sai lại một việc bất công ngày trước đã gây ra cho bà ở Guellen. Xin mời ông Ill.

 

Ông Ill đứng dậy, mặt tái mét, vừa sợ vừa ngạc nhiên.

  

Ill: Ông muốn gì ở tôi mới được chứ?

Người hầu: Mời ông ra đây.

Ill: Ra thì ra. Tiến lại bàn bên phải. Cười ngượng nghịu. Nhún vai.

Người hầu: Chuyện xẩy ra vào năm 1910. Lúc ấy tôi làm thẩm phán ở Guellen và phải xử một vụ như sau: bà Claire Zachanassian, lúc ấy là cô Klara Waescher, đã kiện ông, ông Ill, phải công nhận là cha đứa con của bà.

 

Ông Ill lặng thinh.

 

Người hầu: Ông Ill, lúc ấy ông phủ nhận là cha đứa bé. Ông đã đem theo hai người chứng.

Ill: Chuyện cũ quá rồi. Hồi đó tôi trẻ người non dạ mà.

Claire Zachanassian: Toby, Roby dẫn Koby và Loby vào đây.

 

Hai hoạn nô mù vui vẻ nắm tay nhau, để hai gã khổng lồ nhai kẹo cao su dẫn vào giữa sân khấu.

  

Hai người mù: Chúng tôi có mặt, chúng tôi có mặt!

Người hầu: Ông Ill nhận ra hai người này chứ?

 

Ông Ill lặng thinh.

 

Hai người mù: Chúng tôi là Koby và Loby, chúng tôi là Koby và Loby.

Ill: Tôi không biết họ là ai.

Hai người mù: Chúng tôi đã thay hình đổi dạng, chúng tôi đã thay hình đổi dạng.

Người hầu: Xưng tên đi.

Người mù 1: Tôi tên là Jakob Huehnlein, Jakob Huehnlein.

Người mù 2: Tôi tên là Ludwig Sparr, Ludwig Sparr.

Người hầu: Thế nào, ông Ill?

Ill: Tôi chẳng biết gì về họ cả.

Người hầu: Jakob Huehnlein và Ludwig Sparr, mấy người có biết ông Ill không?

Hai người mù: Chúng tôi mù mà, chúng tôi mù mà.

Người hầu: Mấy người nhận ra giọng nói của ông ấy không?

Hai người mù: Nhận ra giọng, nhận ra giọng.

Người hầu: Năm 1910 tôi là thẩm phán, còn mấy người là người chứng. Ludwig Sparr và Jakob Huehnlein, mấy người đã thề điều gì trước tòa án Guellen?

Hai người mù: Thề rằng chúng tôi đã ngủ với Klara, đã ngủ với Klara.

Người hầu: Mấy người đã thề trước tôi như thế. Thề trước toà án và trước Chúa 40. Lời thề đó có trung thực không?

Hai người mù: Chúng tôi đã khai man, chúng tôi đã khai man.

Người hầu: Tại sao vậy, Ludwig Sparr và Jakob Huehnlein?

Hai người mù: Ông Ill đã đút lót chúng tôi, ông Ill đã đút lót chúng tôi.

Người hầu: Đút lót gì?

Hai người mù: Một lít rượu mạnh, một lít rượu mạnh.

Claire Zachanassian: Hãy kể cho mọi người biết ta đã làm gì với hai người, hở Koby và Loby?

Người hầu: Kể đi.

Hai người mù: Bà đã cho truy tìm chúng tôi, bà đã cho truy tìm chúng tôi.

Người hầu: Đúng thế. Bà Claire Zachanassian đã cho truy tìm mấy người trên khắp thế giới. Jakob Huehnlein đã di dân sang Canada, còn Ludwig Sparr sang Úc. Thế mà bà vẫn tìm ra mấy người. Rồi bà đã làm gì với mấy người?

Hai người mù: Bà giao chúng tôi cho Toby và Roby, bà giao chúng tôi cho Toby và Roby.

Người hầu: Toby và Roby đã làm gì mấy người?

Hai người mù: Đã hoạn và làm mù hai chúng tôi, đã hoạn và làm mù hai chúng tôi.

Người hầu: Đây là câu chuyện: một quan tòa, một bị cáo, hai người chứng khai man, một bản án sai trái vào năm 1910. Có phải thế không, nguyên cáo?

 

Claire Zachanassian đứng dậy.

  

Ill dậm chân : Hết thời hiệu 41 rồi, hết thời hiệu rồi cho một chuyện cũ mèm và điên rồ.

Người hầu: Nguyên cáo! Việc gì đã xẩy đến với đứa bé?

Claire Zachanassian nói khẽ: Nó sống được một năm.

Người hầu: Còn việc gì đã xẩy đến với bà?

Claire Zachanassian: Tôi trở thành một ả điếm.

Người hầu: Tại sao?

Claire Zachanassian: Bản án của quí toà đã gây nên nông nỗi.

Người hầu: Và bây giờ, bà Claire Zachanassian, bà muốn được công bình?

Claire Zachanassian: Tôi có đủ khả năng để mua điều ấy. Một tỷ cho Guellen, nếu có ai giết được Alfred Ill.

 

Im phăng phắc.

 

Bà Ill nhào tới ôm chồng: Fredi! 42

Ill: Phù thuỷ bé bỏng ơi! Bà không thể đòi hỏi như thế được đâu! Dòng đời đã trôi xuôi từ lâu rồi.

Claire Zachanassian: Dòng đời cứ trôi, nhưng mà tôi không hề quên gì hết, ông Ill ạ. Tôi không quên cánh rừng Konradsweiler lẫn nhà kho của Peter, không quên căn phòng ngủ của bà goá Boll lẫn sự bội bạc của ông. Giờ thì cả hai ta già rồi; ông tàn tạ còn tôi bị lưỡi dao mổ của các nhà phẫu thuật xẻo cắt hình hài. Giờ thì tôi muốn rằng chúng ta, cả hai ta cùng tính sổ: ông đã chọn cuộc sống cho mình, còn tôi buộc phải chấp nhận cuộc sống của tôi. Vừa mới đây, trong khu rừng đầy những dấu vết nay đã tàn phai của tuổi trẻ chúng mình ông nói rằng muốn quay ngược thời gian; nay tôi đã quay ngược thời gian rồi đấy và muốn sự công bình, đổi công bình với một tỷ.

 

Thị trưởng đứng lên, mặt nhợt nhạt nhưng vẫn giữ được phẩm cách.

 

Thị trưởng: Thưa bà Zachanassian. Chúng ta vẫn đang ở châu Âu và chưa thành kẻ ngoại đạo. Thay mặt thành phố Guellen tôi từ chối lời yêu cầu của bà. Nhân danh lòng nhân đạo. Chúng tôi thà chịu sống nghèo hơn là để tay mình vấy máu.

 

Vỗ tay nồng nhiệt.

 

Claire Zachanassian: Tôi sẽ chờ xem.

  

 

MÀN II

 

Cảnh thành phố - qua vài nét phác họa. Khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’ nằm sát phông. Mặt trước khách sạn mang nét kiến trúc kiểu ‚Jugendstil’ 43 có bao lơn, nay tàn tạ. Bên phải khách sạn là một tấm biển mang hàng chữ ‚Hiệu buôn Alfred Ill’. Dưới tấm biển kê một cái quầy bẩn thỉu, phía sau là một cái kệ bầy hàng hoá cũ. Hễ có người bước vào cái (giả làm) cửa tiệm thì sẽ có tiếng chuông 44. Bên trái khách sạn là tấm biển ‚Cảnh sát’. Dưới tấm biển là một bàn gỗ có đặt điện thoại và hai cái ghế. Cảnh buổi sáng. Từ phía trái Roby và Toby, miệng nhai kẹo cao su, bưng vòng cườm và hoa như đưa tang, đi qua sân khấu tới khách sạn nằm phía sau. Ông Ill nhìn hai gã qua cửa sổ. Cô con gái ông quì xuống quét nhà, còn anh con trai đưa thuốc lá lên miệng.


Ill: Vòng cườm.

Anh con trai: Sáng nào hai gã cũng mang vòng cườm từ nhà ga về.

Ill: Cho cái quan tài trống rỗng trong khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’.

Anh con trai: Chẳng dọa được ai.

Ill: Cái phố lẻ này đứng về phía bố.

 

Anh con trai châm thuốc.

 

Ill: Mẹ có xuống ăn sáng không?

Cô con gái: Mẹ bảo mẹ không xuống, vì mệt.

Ill: Các con có một bà mẹ đảm. Bố thấy phải nói ra điều này, rằng mẹ các con đảm. Mẹ cứ nằm nghỉ trên ấy. Bố con mình ăn sáng với nhau. Lâu rồi bố con mình mới lại cùng ăn sáng. Bố cho chúng mày ăn sáng với trứng và một hộp giăm-bông Mỹ. Mình ăn sang một bữa, như thời vàng son khi mà hãng luyện kim ‚Chỗ đứng dưới ánh mặt trời’ còn ăn nên làm ra.

Anh con trai: Con phải xin phép. Dụi tắt điếu thuốc.

Ill: Karl, con không ăn sáng với bố và em à?

Anh con trai: Con phải ra nhà ga. Một người thợ bị ốm và có thể họ cần người thay.

Ill: Làm việc trên đường ray dưới cái nắng chang chang không phải là thứ việc cho con trai của bố.

Anh con trai: Còn hơn là không có việc. Đi khỏi.

Cô con gái đứng lên: Con cũng đi luôn, bố ạ.

Ill: Cả con nữa! Thế đấy. Mà đi đâu, bố hỏi được chứ?

Cô con gái: Con ra Sở lao động. Biết đâu có một chỗ làm. Đi khỏi.

Ill xúc động, xì mũi vào khăn tay: Ngoan lắm, các con ngoan lắm.

 

Từ bao lơn vẳng lại tiếng đàn ghi-ta.

 

Tiếng bà Claire Zachanassian: Boby, đưa ta cái chân trái.

Tiếng người hầu: Tôi không tìm thấy.

Tiếng bà Claire Zachanassian: Trên đầu tủ, sau bó hoa dùng cho buổi hứa hôn.

 

Người khách thứ nhất vào cửa hàng của ông Ill.

 

Ill: Chào bác Hofbauer.

Khách 1: Cho thuốc lá đi.

Ill: Như mọi bữa chứ?

Khách 1: Không phải thứ đó, thứ xanh lá cây cơ.

Ill: Đắt hơn đấy nhé.

Khách 1: Ghi sổ đi.

Ill: Bác Hofbauer này, vì là bác nên tôi mới bán đấy. Với lại mình phải đoàn kết.

Khách 1: Có ai chơi đàn ghi-ta.

Ill: Một tay anh chị ở khám lớn Sing-Sing đấy.

 

Hai người mù từ khách sạn đi ra, ôm cần câu và các thứ dùng để câu cá.

 

Hai người mù: Chào Alfred.

Ill: Quỉ tha ma bắt bọn bay đi.

Hai người mù: Bọn ta đi câu. Bọn ta đi câu. Đi về phía trái.

Khách 1: Họ đi ra suối Guellenbach.

Ill: Với bó cần câu của lão chồng thứ bẩy.

Khách 1: Nghe nói lão mất tiêu các đồn điền thuốc lá rồi.

Ill: Nay là của bà tỷ phú đấy.

Khách 1: Thế là sẽ có một đám cưới to tướng với ông chồng thứ tám. Hôm qua vừa cử hành lễ hứa hôn xong.

 

Bà Claire Zachanassian xuất hiện trên bao lơn, khoác áo ngoài. Bà cử động bàn tay phải và chân trái. Có thể cho tiếng ghi-ta bật nhẹ theo các diễn tiến trên bao lơn, tương tự trong đoạn hát nói của vở Opera, tùy theo lời của nó mà khi thì là điệu Valse, khi là những đoản khúc của nhiều bài quốc thiều...

  

Claire Zachanassian: Chân tay giả lắp xong rồi. Roby, chơi một bài dân ca Armenie!

 

Âm điệu ghi-ta du dương.

 

Claire Zachanassian: Đây là bài hát mà ông Zachanassian thích nhất. Sáng nào ông cũng muốn nghe. Một con người tuyệt vời, một ông già giầu kếch sù với một đội tầu chở dầu khổng lồ, với những chuồng ngựa đua trứ danh và bạc tỷ. Lấy ông kể cũng bõ. Ông là một bậc thầy về khiêu vũ và về những đòn thâm hiểm mà ông vốn rất rành rẽ. Ta đã học lỏm được của ông đủ mọi ngón.

 

Hai người đàn bà vào cửa hàng, đưa ông Ill bình đựng sữa.

 

Bà khách 1: Ông Ill, sữa.

Bà khách 2: Bình của tôi đây, ông Ill.

Ill: Chào hai bà. Một lít sữa cho mỗi bà.

 

Ông mở một thùng, định múc sữa.

 

Bà khách 1: Sữa béo 45, ông Ill nhé.

Bà khách 2: Ông Ill cho tôi hai lít sữa béo.

Ill: Sữa béo. Mở một thùng khác, múc sữa.

 

Claire Zachanassian ngắm nhìn buổi sáng qua kính một tròng..

 

Claire Zachanassian: Một sáng mùa thu thật đẹp. Phố xá chìm trong màn sương mỏng như một làn khói bạc. Bên trên là trời xanh màu hoa đổng thảo, giống như ông chồng thứ ba của ta, ngoại trưởng, bá tước Holk vẫn vẽ. Ông ấy thích vẽ khi đi nghỉ phép, mà tranh của ông ấy thì chán chết. Ngồi xuống một cách khó nhọc. Toàn bộ con người ông bá tước này là một sự chán ngấy.

 

Bà khách 1: Bơ nữa chứ. Hai trăm gam.

Bà khách 2: Và bánh mì trắng 46. Hai kí.

Ill: Các bà hẳn mới được thừa hưởng gia tài.

Hai bà: Ông ghi sổ đi.

Ill: Mọi người vì mình, mình vì mọi người.

Bà khách 1: Hai quan hai mươi xu sô-cô-la nữa chứ.

Bà khách 2: Phần tôi bốn quan bốn mươi xu.

Ill: Cũng ghi sổ à?

Bà khách 1: Phải.

Bà khách 2: Chúng tôi ăn ngay tại đây, ông Ill ạ.

Bà khách 1: Ăn ngay ở cửa hàng ông là ngon nhất đấy, ông Ill ạ.

 

Họ ngồi xuống ăn sô-cô-la.

 

Claire Zachanassian: Đưa một điếu Winston đây! Ta muốn thử một lần loại thuốc của ông chồng thứ bẩy Moby bất hạnh, đam mê câu cá. Nay đã ly dị rồi thì ông ấy sẽ buồn hiu hắt lấy xe lửa tốc hành về Bồ Đào Nha. Một trong các tầu chở dầu của ta sẽ chở ông ấy từ Lissabon 47 đi Ba Tây.

 

Người hầu đưa bà một điếu xì-gà và châm lửa.

 

Khách 1: Bà ấy ngồi trên bao lơn kia thưởng thức xì-gà.

Ill: Toàn là loại đắt như vàng.

Khách 1: Thật phung phí! Trong lúc cả thiên hạ cứ nghèo đi thì bà ấy nên xấu hổ mới phải.

 

Claire Zachanassian hút thuốc: Lạ thật! Thuốc ngon đấy.

 

Ill: Bà ấy tính nhầm. Bác Hofbauer ạ, tôi có tội thật đấy, nhưng mà ai không có tội nào? Đúng là hồi trẻ tôi đã không nên không phải với bà ấy, nhưng tuy nghèo mà mọi người dân Guellen có mặt ở khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’ hôm đó đã đồng lòng bác bỏ đòi hỏi của bà ấy. Đó quả là giây phút đẹp nhất trong đời tôi.

Claire Zachanassian: Whisky, Boby! Nguyên chất nhé.

 

Người khách thứ hai tới, nghèo và tiều tụy như mọi người khác.

 

Khách 2: Chào các bác. Hôm nay sẽ nóng đấy nhỉ.

Khách 1: Trời sẽ còn đẹp lâu.

Ill: Sáng nay sao có nhiều khách hàng thế. Thường thì chẳng thấy ai nhưng từ vài hôm nay khách hàng tới ào ào.

Khách 1: Chúng tôi đứng về phía bác mà. Về phía bác Ill. Cứ gọi là vững như bàn thạch.

Hai bà khách nhai sô-cô-la: Vững như bàn thạch, ông Ill ạ, vững như bàn thạch.

Khách 2: Với lại bác là nhân vật được thương mến nhất ở đây mà.

Khách 1: Bác là nhân vật quan trọng nhất.

Khách 2: Sang Xuân bác sẽ được bầu làm thị trưởng.

Khách 1: Chắc như đinh đóng cột.

Hai bà khách nhai sô-cô-la: Chắc như đinh đóng cột, ông Ill ạ, chắc như đinh đóng cột.

Khách 2: Bác cho tôi chai rượu.

 

Ill với trên kệ.

Người hầu mang Whisky tới.

  

Claire Zachanassian: Đánh thức ông chồng mới của ta dậy đi! Ta không thích thứ chồng ngủ nhiều như thế.

  

Ill: Loại ba mười?

Khách 2: Không phải thứ ấy.

Ill: Bác vẫn uống thứ này mà.

Khách 2: Cognac cơ!

Ill: Những hai mươi quan ba mươi lăm xu. Chẳng ai mua nổi.

Khách 2: Cũng phải cho phép mình xài sang chút chứ.

 

Trên sân khấu một cô gái gần như bán khỏa thân chạy vụt qua, Toby chạy theo.

 

Bà khách 1 nhai sô-cô-la: Cái con Luise làm như thế kia thì thật là tai tiếng quá!

Bà khách 2 nhai sô-cô-la: Trong khi cô ả đã đính hôn với gã nhạc sĩ tóc vàng ở đường Bertold Schwarz rồi.

  

Ill nhấc chai Cognac xuống khỏi kệ.

 

Ill: Rượu của bác đây.

Khách 2: Cho tôi thuốc hút tẩu nữa.

Ill: Có ngay.

Khách 2: Loại thuốc ngoại nhé.

 

Ill tính tiền.

 

Ông chồng thứ tám, diễn viên màn ảnh, cao, thon, râu mép hung đỏ bước ra ngoài bao lơn trong áo khoác ngoài. Có thể để người đóng vai ông chồng thứ bẩy thủ luôn vai này.

 

Ông chồng thứ tám: Này Hopsi, chúng mình – hai kẻ vừa mới đính hôn - ăn sáng lần đầu với nhau, há chẳng phải tuyệt diệu sao? Một bao lơn nho nhỏ, một cây đoạn rì rào, một bể phun nước róc rách trước toà thị chính, vài chú gà lăng quăng trên con đường trải đá, đâu đây có tiếng mấy bà nội trợ chuyện gẫu về những ưu tư vặt vãnh của họ và sau những mái nhà kia là ngọn tháp nhà thờ lớn. Cứ như mơ ấy thôi.

Claire Zachanassian: Hoby, mình ngồi xuống đi và đừng nói nữa! Tôi tự thấy được cảnh vật, còn suy nghĩ không phải là mặt mạnh của mình đâu.

Khách 2: Giờ thì ông chồng cũng ra ngồi ở bao lơn.

Bà khách 1 nhai sô-cô-la: Ông chồng thứ tám.

Bà khách 2 nhai sô-cô-la: Một diễn viên màn ảnh đẹp trai. Con gái tôi đã xem ông ấy đóng vai tay săn bắn trộm trong một phim của Ganghofer.

Bà khách 1: Còn tôi xem ông ấy thủ vai linh mục trong một phim của Graham Green 48.

 

Ông chồng thứ tám hôn bà Claire Zachanassian. Có tiếng đệm đàn ghi-ta.

 

Khách 2: Có tiền mua tiên cũng được. Nhổ nước bọt.

Khách 1: Ở thành phố này thì đừng hòng. Đấm tay xuống bàn.

Ill: Hai mươi ba quan tám mươi xu.

Khách 2: Bác ghi sổ đi.

Ill: Tuần này tôi làm ngoại lệ đấy, nhưng bác phải trả vào đầu tháng khi lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp nhé.

 

Khách 2 đi ra.

  

Ill: Bác Helmesberger!

 

Khách 2 đứng lại. Ill đi tới.

 

Ill: Bác có giầy mới. Giầy mới mầu vàng.

Khách 2: Thì sao?

Ill nhìn chân khách 1: Bác Hofbauer nữa. Bác cũng có giầy mới. Nhìn hai bà khách, từ từ đi lại gần họ, vẻ hãi sợ. Các bà cũng thế. Giầy mới mầu vàng. Giầy mới mầu vàng.

Khách 1: Tôi thật không hiểu, bác thấy có gì lạ nào?

Khách 2: Đâu thể nào cứ lê mãi đôi giầy cũ được.

Ill: Giầy mới! Làm thế nào mà mấy người mua được giầy mới?

Hai bà khách: Chúng tôi mua chịu, ông Ill ạ, chúng tôi mua chịu.

Ill: Mấy người mua chịu! Ở cửa hàng của tôi mấy người cũng mua chịu. Thuốc hút tẩu loại ngon này, sữa béo này, rượu Cognac này. Sao bỗng dưng mấy người lại được mua chịu ở các cửa hàng?

Khách 2: Chúng tôi cũng mua chịu được của bác đấy thôi.

Ill: Mấy người lấy gì để trả?

 

Lặng thinh. Ông Ill vớ lấy hàng ném họ. Mọi người bỏ chạy.

  

Ill: Mấy người lấy gì để trả? Mấy người lấy gì để trả? Lấy gì? Lấy gì? Lao vào trong.

 

Ông chồng thứ tám: Ồn ào quá.

Claire Zachanassian: Cuộc sống ở phố lẻ mà.

Ông chồng thứ tám: Hình như có chuyện gì trong cửa hàng dưới kia.

Claire Zachanassian: Họ cãi nhau vì giá thịt.

  

Tiếng đàn ghi-ta đệm mạnh hơn. Ông chồng thứ tám hốt hoảng nhẩy dựng lên.

  

Ông chồng thứ tám: Lậy Chúa, Hopsi! Mình nghe thấy gì không?

Claire Zachanassian: Con báo đen gầm gừ đấy mà.

Ông chồng thứ tám ngạc nhiên: Báo đen à?

Claire Zachanassian: Quà tặng của Pascha 49 Marrakesch 50. Nó đang chạy quanh trong phòng khách ở bên cạnh đấy. Thật là một con thú dữ to xác với đôi mắt sáng quắc.

 

Viên cảnh sát ngồi uống bia ở bàn bên trái. Ông ta ăn nói chậm rãi và cân nhắc. Ông Ill đi tới từ phía sau.

  

Claire Zachanassian: Dọn điểm tâm ra được rồi đấy, Boby!

 

Viên cảnh sát: Có chuyện gì thế, ông Ill? Hãy ngồi xuống đây!

  

Ill vẫn đứng.

 

Viên cảnh sát: Sao ông run thế kia!

Ill: Tôi đòi hỏi phải bắt bà Claire Zachanassian.

Viên cảnh sát nhồi thuốc vào tẩu, khoan thai châm lửa: Lạ thật. Lạ hết sức.

 

Người hầu dọn đồ ăn sáng, mang thư ra cho chủ.

 

Ill: Tôi đòi hỏi việc này, với tư cách thị trưởng tương lai.

Viên cảnh sát nhả khói: Đã bầu bán gì đâu!

Ill: Ông hãy bắt bà ấy ngay tại chỗ.

Viên cảnh sát: Nghĩa là ông muốn thưa kiện bà ấy. Còn bắt hay không là do cảnh sát quyết định. Bà ấy đã vi phạm điều gì nào?

Ill: Bà ấy xúi giục dân thành phố này giết tôi.

Viên cảnh sát: Và thế là tôi phải bắt bà ấy. Rót bia.

  

Claire Zachanassian: Xem thư nào. Của Ike. Của Nehru 51. Họ chúc mừng mình.

 

Ill: Đó là nhiệm vụ của ông.

Viên cảnh sát: Lạ thật. Rất lạ. Uống bia.

Ill: Chuyện quá dĩ nhiên.

Viên cảnh sát: Ông Ill thân mến ạ, không dĩ nhiên như ông tưởng đâu. Ta hãy bình tĩnh xem xét vấn đề. Bà ấy đề nghị thành phố Guellen đổi ông lấy một tỷ. Ông hiểu tôi nghĩ gì rồi. Đúng vậy, lúc ấy tôi có mặt ở đó. Nhưng như thế chưa phải là lý do để cảnh sát có phản ứng với bà Claire Zachanassian được. Chúng tôi dẫu sao cũng bị ràng buộc bởi luật pháp.

Ill: Nhưng đây là xúi giục giết người.

Viên cảnh sát: Ông Ill này, chỉ có thể coi là xúi giục giết người nếu cái đề nghị giết ông là nghiêm chỉnh. Quá rõ!

Ill: Đồng ý.

Viên cảnh sát: Ấy đấy. Nhưng mà cái đề nghị kia không thể nào gọi là nghiêm chỉnh được vì cái giá một tỷ là quá lố, ngay chính ông hẳn cũng phải thừa nhận. Cho một việc như thế người ta treo giải một nghìn, hoặc giả hai nghìn, chắc chắn không hơn, ông cứ tin thế đi. Điều đó chứng tỏ đề nghị kia là không thật nghiêm chỉnh, còn nếu quả là thật thì cảnh sát lại không thể chú trọng lời của bà ấy được, vì như thế là bà ấy điên. Ông hiểu chứ?

Ill: Đề nghị đó là một đe dọa đối với tôi, ông đội ạ, dù bà ấy điên hay không. Hợp lý quá!

Viên cảnh sát: Không hợp lý! Ông không thể bị đe dọa bởi một đề nghị, mà chỉ có thể bởi sự thực hiện một đề nghị thôi. Ông hãy chỉ cho tôi một trường hợp đề nghị này được thực hiện, chẳng hạn một người chĩa súng vào ông, tôi sẽ đến nhanh chẳng kém cơn lốc. Nhưng sẽ chẳng có ai chịu thực hiện đề nghị này đâu, mà ngược lại. Phản ứng trong khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’ quả là rất đáng phục. Tôi phải chúc mừng ông. Uống bia.

Ill: Tôi không chắc thế đâu, ông đội ạ.

Viên cảnh sát: Sao lại không chắc?

Ill: Vì khách hàng của tôi bỗng dưng toàn mua sữa béo, bánh mì ngon và thuốc lá thơm cả.

Viên cảnh sát: Ông phải mừng chứ! Thế là cửa hàng của ông khấm khá lên rồi. Uống bia.

 

Claire Zachanassian: Boby, bảo họ mua hết cổ phần của hãng Dupont 52 cho ta!

 

Ill: Tay Helmesberger mua Cognac của tôi, trong khi từ nhiều năm nay hắn chẳng kiếm ra được một xu, chỉ toàn sống nhờ trung tâm phát chẩn.

Viên cảnh sát: Tối nay tôi sẽ được nếm chai Cognac đó. Helmesberger mời mà. Uống bia.

Ill: Ai cũng diện giầy mới cả, giầy mầu vàng.

Viên cảnh sát: Tại sao ông lại chống giầy mới nhỉ? Chính tôi cũng mang giầy mới đây này. Chỉ vào giầy.

Ill: Cả ông nữa.

Viên cảnh sát: Ông thấy chưa.

Ill: Cũng giầy mầu vàng. Và ông uống bia loại Pilsen 53.

Viên cảnh sát: Vì nó ngon.

Ill: Trước đây ông chỉ uống loại bia bản xứ.

Viên cảnh sát: Gớm chết.

 

Tiếng nhạc từ rađiô.

  

Ill: Ông có nghe thấy gì không?

Viên cảnh sát: Nghe gì?

Ill: Tiếng nhạc.

Viên cảnh sát: Bà goá yêu đời 54.

Ill: Từ rađiô.

Viên cảnh sát: Của nhà Hagholzer bên cạnh. Lẽ ra hắn phải đóng cửa sổ lại. Ghi vào sổ.

Ill: Làm sao mà Hagholzer có được rađiô?

Viên cảnh sát: Đó là chuyện riêng của hắn.

Ill: Còn ông, ông lấy gì để trả tiền bia Pilsen và đôi giầy mới, hở ông đội?

Viên cảnh sát: Đó là chuyện của tôi.

 

Điện thoại trên bàn reo. Viên cảnh sát nhấc ống nghe.

  

Viên cảnh sát: Đồn cảnh sát Guellen đây.

Claire Zachanassian: Boby, gọi điện cho bọn Nga nói rằng ta đồng ý với đề nghị của họ.

 

Viên cảnh sát: Được rồi. Đặt ống nghe xuống.

Ill: Khách hàng của tôi lấy gì để trả tiền họ mua chịu đây?

Viên cảnh sát: Cái đó không liên quan gì đến cảnh sát cả. Đứng dậy, cầm khẩu súng gác ở ghế.

Ill: Nhưng liên quan tới tôi, vì họ lấy mạng sống của tôi để trả.

Viên cảnh sát: Không ai đe dọa ông cả. Nạp đạn vào súng.

Ill: Cả thành phố này mang nợ. Nợ tăng theo mức sung túc. Để được sống sung túc thì tất yếu là phải giết tôi. Và bà ấy chỉ cần ngồi trên bao lơn, uống cà-phê, hút xì-gà và đợi. Chỉ cần đợi thôi.

Viên cảnh sát: Ông toàn nói chuyện hoang đường .

Ill: Tất cả các người cũng đợi luôn. Gõ lên bàn.

Viên cảnh sát: Ông uống nhiều rượu quá đấy. Thử súng. Xong, nạp đạn rồi. Ông cứ yên tâm. Cảnh sát có mặt là để cho luật pháp được tôn trọng, để giữ gìn trật tự và bảo vệ người dân. Cảnh sát biết nhiệm vụ của họ. Ông Ill ạ, chỉ cần có một chút tình nghi rằng ông bị đe dọa từ đâu đó là cảnh sát sẽ can thiệp liền. Ông cứ tin như thế đi.

Ill nói khẽ: Ông đội, sao miệng ông lại có răng vàng nhỉ?

Viên cảnh sát: Cái gì?

Ill: Một cái răng vàng lấp lánh.

Viên cảnh sát: Ông điên à?

 

Ill nhìn thấy nòng súng chĩa vào mình bèn từ từ giơ tay lên.

 

Viên cảnh sát: Này, tôi không rỗi hơi để tranh cãi về những ý tưởng điên khùng của ông. Tôi phải đi đây. Con chó con của bà già lập dị sổng đâu mất. Con báo đen ấy mà. Tôi phải đi lùng nó. Cả phố này phải lùng nó. Đi ra ngoài từ phía sau.

Ill: Mấy người săn lùng tôi thì có.

  

Claire Zachanassian đọc một bức thư: Nhà tạo thời trang sẽ đến. Ông ấy là người chồng thứ năm, đẹp trai nhất của tôi và vẫn còn vẽ kiểu cho áo cưới của tôi. Chơi khúc Menuet 55 đi, Roby.

 

Tiếng ghi-ta chơi khúc Menuet.

 

Ông chồng thứ tám: Nhưng ông thứ năm là một nhà phẫu thuật mà.

Claire Zachanassian: Đấy là ông thứ sáu. Mở một thư khác. Của chủ nhân hãng ‚Đường xe lửa miền tây’.

Ông chồng thứ tám sửng sốt: Tôi không biết gì về ông này cả.

Claire Zachanassian: Ông thứ tư. Nay nghèo rồi. Cổ phần của ông ấy nay thuộc về tôi. Tôi đã quyến rũ ông ấy tại điện Buckingham 56, dưới ánh trăng rằm.

Ông chồng thứ tám: Nhưng đó là Lord Ismael cơ mà.

Claire Zachanassian: Ừ nhỉ. Mình nói đúng, Hoby ạ. Tôi quên khuấy ông ấy với cái lâu đài ở Yorkshire 57. Vậy là thư này của ông thứ hai. Tôi gặp ông ấy ở Kairo 58. Chúng tôi hôn nhau dưới chân tượng Sphinx 59. Thật là một buổi đáng nhớ, cũng đêm rằm. Lạ thật, lần nào cũng vào đêm rằm.

 

Đổi phông sân khấu phía bên phải. Tấm biển ‚Toà thị chính’ ngả xuống đất. Người thứ ba vào khuân két đi, kê lại cái quầy hàng nay dùng làm giá để sách. Thị trưởng tới, đặt súng lục lên giá rồi ngồi xuống. Ông Ill từ trái đi vào. Trên tường treo một đồ án xây cất.

 

Ill: Tôi có chuyện cần nói với ông thị trưởng.

Thị trưởng: Mời ông ngồi.

Ill: Chuyện giữa đàn ông với nhau, với tư cách người kế nhiệm ông.

Thị trưởng: Rất sẵn sàng.

 

Ill vẫn đứng, nhìn khẩu súng.

 

Thị trưởng: Con báo đen của bà Zachanassian sổng ra. Nó đang leo khắp nơi trong nhà thờ lớn, nên cần phải sẵn khí giới.

Ill: Phải.

Thị trưởng: Tôi đã huy động hết đám đàn ông có sẵn súng. Trẻ con phải giữ ở trường.

Ill nghi kị: Hơi quá rầm rộ đấy.

Thị trưởng: Săn thú dữ mà lại.

 

Người hầu tới.

 

Người hầu: Thưa bà, chủ tịch Ngân hàng thế giới mới từ New York bay tới.

Claire Zachanassian: Ta không tiếp. Bảo hắn bay trở về đi.

 

Thị trưởng: Ông có chuyện gì thế? Cứ nói thẳng ra đi.

Ill nghi kị: Ông hút loại thuốc ngon nhỉ.

Thị trưởng: Thuốc Pegasus loại vàng.

Ill: Khá đắt.

Thị trưởng: Thế mới ngon được.

Ill: Trước kia ông thị trưởng hút loại khác.

Thị trưởng: Thuốc Roessli 5.

Ill: Rẻ hơn.

Thị trưởng: Nhưng mà nặng quá.

Ill: Ông có ca-vát mới?

Thị trưởng: Lụa đấy.

Ill: Ông cũng mới mua cả giầy nhỉ?

Thị trưởng: Tôi đặt họ gửi từ Kalberstadt đấy. Lạ thật, sao ông biết?

Ill: Vì thế nên tôi mới đến đây.

Thị trưởng: Có chuyện gì vậy? Trông ông nhợt nhạt thế. Ông bệnh à?

Ill: Tôi sợ.

Thị trưởng: Ông sợ?

Ill: Mức sống sung túc dần.

Thị trưởng: Ông nói tôi mới biết đấy. Được thế thật thì mừng biết mấy.

Ill: Tôi đòi hỏi được cơ quan công quyền bảo vệ.

Thị trưởng: Ơ! Để làm gì chứ?

Ill: Ông thị trưởng biết quá rồi mà.

Thị trưởng: Nghi kị hả?

Ill: Người ta treo giải một tỷ để lấy đầu tôi.

Thị trưởng: Ông nên đến gặp cảnh sát.

Ill: Tôi đã đến rồi.

Thị trưởng: Thế thì ông yên tâm rồi.

Ill: Trong miệng ông đội lấp lánh một chiếc răng vàng mới.

Thị trưởng: Ông quên rằng mình đang ở Guellen, một thành phố có truyền thống nhân bản. Goethe đã trọ đêm tại đây. Brahms đã soạn bài tứ tấu cũng tại đây. Những giá trị này buộc chúng ta phải tỏ ra xứng đáng.

 

Từ bên trái một người ôm máy đánh chữ vào.

 

Người mới vào: Máy đánh chữ mới, thưa ông thị trưởng. Một cái Remington.

Thị trưởng: Đem vào trong văn phòng!

 

Người kia đi ra phía phải.

 

Thị trưởng: Ông nghĩ thế là bất công với chúng tôi. Nếu ông không còn đặt nổi tin tưởng vào cộng đồng nữa thì tôi thật lấy làm tiếc. Tôi không ngờ ông lại có tư tưởng hư vô 60 như thế. Dẫu sao chúng ta cũng đang sống trong một đất nước có pháp luật.

 

Từ phía trái hai người mù nắm tay nhau, ôm cần câu đi tới.

 

Hai người mù: Báo đen sổng chuồng rồi, báo đen sổng chuồng rồi! Nhẩy lò cò Chúng tôi nghe nó gầm gừ, chúng tôi nghe nó gầm gừ. Nhẩy lò cò vào khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’. Chúng tôi lại chỗ Hoby và Boby, Toby và Roby. Đi ra sau theo lối giữa.

 

Ill: Vậy ông hãy bắt bà ấy đi.

Thị trưởng: Lạ thật. Hết sức lạ.

Ill: Ông đội cũng nói y như ông vậy.

Thị trưởng: Cách hành xử của bà ấy, có Chúa biết, không phải hoàn toàn khó hiểu. Vì dẫu sao ông cũng đã xúi bẩy hai người chứng khai man, đẩy một cô gái vào cảnh thống khổ cùng cực.

Ill: Cảnh thống khổ cùng cực đó chẳng gì cũng trị giá vài tỷ, ông thị trưởng ạ.

 

Lặng thinh.

 

Thị trưởng: Chúng ta hãy nói với nhau một cách thẳng thắn.

Ill: Thì tôi cũng yêu cầu thế.

Thị trưởng: Giữa đàn ông với nhau, như ông vừa đòi hỏi. Về mặt đạo đức, ông không có quyền đòi bắt bà ấy. Và ông cũng không xứng đáng để làm thị trưởng nữa. Tôi rất tiếc phải nói như thế.

Ill: Đó là ý kiến chính thức hay sao?

Thị trưởng: Tôi được các đảng ủy nhiệm thông báo ông biết.

Ill: Tôi hiểu.

 

Ông Ill chậm chạp đi sang phía trái, ra cửa sổ, nhìn ra ngoài, quay lưng lại thị trưởng.

  

Thị trưởng: Chúng tôi lên án đề nghị của bà ấy không có nghĩa là chúng tôi tán thành cái tội ác đã dẫn đến đề nghị kia. Chức thị trưởng đòi hỏi một số yêu cầu nhất định về mặt đạo đức mà ông không đáp ứng được nữa, ông phải nhìn nhận điều này. Còn chúng tôi vẫn kính trọng và thân hữu với ông như trước, đó là lẽ đương nhiên.

  

Từ bên trái Roby và Toby mang tiếp vòng cườm và hoa đi qua sân khấu, vào trong khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’.

 

Thị trưởng: Tốt nhất là chúng ta không hé một lời nào cả về vụ này. Tôi cũng đã yêu cầu tờ báo ‚Volksbote’ không đưa tin gì hết.

Ill quay lại: Họ đã trang hoàng cho cỗ quan tài của tôi rồi, ông thị trưởng ạ. Như thế thì im lặng sẽ thành ra quá nguy hiểm cho tôi.

Thị trưởng: Nhưng tại sao mới được chứ, hở ông Ill thân mến? Lẽ ra ông nên cám ơn chúng tôi đã định chôn vùi vụ này vào quên lãng mới đúng chứ.

Ill: Nếu tôi lên tiếng thì tôi còn có hy vọng thoát được.

Thị trưởng: Thật quá lắm! Ai đe dọa ông chứ?

Ill: Một trong các người.

Thị trưởng đứng lên: Ông nghi ngờ ai? Cho tôi biết tên và tôi sẽ điều tra. Không khoan nhượng!

Ill: Tôi nghi ngờ từng người một.

Thị trưởng: Nhân danh toàn thành phố tôi long trọng phản đối sự bôi nhọ này.

Ill: Không ai muốn giết tôi cả, nhưng người nào cũng hy vọng sẽ có một kẻ ra tay và thế là sẽ có ngày một kẻ ra tay thật.

Thị trưởng: Ông bị quỉ ám rồi.

Ill: Tôi thấy trên tường treo một đồ án xây dựng. Có phải là đồ án của toà thị chính mới đây không? Gõ ngón tay vào bản vẽ.

Thị trưởng: Chúa ạ, thì người ta cũng phải được phép dự trù chứ!

Ill: Các người đã tính tới cái chết của tôi!

Thị trưởng: Ông bạn ạ, nếu tôi, một chính trị gia, không còn cả được quyền tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn mà không đồng thời phải nghĩ đến một tội ác thì tôi sẽ từ chức. Thành ra ông cứ yên trí đi.

Ill: Các người đã kết án tử hình tôi rồi.

Thị trưởng: Ông Ill!

Ill nói khẽ: Bản đồ án này chứng tỏ điều đó! Chính nó là bằng cớ!

 

Claire Zachanassian: Onassis 61 sẽ tới. Cả vợ chồng quận công nữa. Aga.

Ông chồng thứ tám: Ali à?

Claire Zachanassian: Cả đám ở Riviera.

Ông chồng thứ tám: Còn nhà báo?

Claire Zachanassian: Từ khắp thế giới. Giới báo chí luôn luôn có mặt ở nơi nào có đám cưới của tôi. Họ cần tôi, và tôi cần họ. Mở một thư khác. Của bá tước Holk.

Ông chồng thứ tám: Hopsi, chả lẽ mình cứ phải đọc thư của các ông chồng cũ trong bữa ăn sáng chung đầu tiên của chúng ta sao?

Claire Zachanassian: Tôi muốn có cái nhìn tổng quát.

Ông chồng thứ tám đau đớn: Tôi cũng có chuyện phải bận tâm. Đứng lên, nhìn xuống phố.

Claire Zachanassian: Cái xe Porsche 62 của mình bị trục trặc à?

Ông chồng thứ tám: Cái phố lẻ như thế này khiến tôi buồn chán. Ừ thì cây đoạn rì rào đấy, chim chóc líu lo đấy, suối phun róc rách đấy, nhưng đã từ nửa giờ rồi! Chẳng có chuyện gì xẩy ra với thiên nhiên hay với người dân thành phố cả. Tất cả là một sự an bình sâu lắng, vô tư, no đủ, thoải mái. Thiếu cái lớn lao, thiếu tính bi kịch. Thiếu một sự an bài mang tính đạo đức của một thời kỳ vĩ đại.

 

Mục sư bước vào từ bên trái, súng quàng vai. Ông trải lên cái bàn viên cảnh sát vừa mới ngồi một tấm khăn trắng có vẽ thánh giá mầu đen, dựng súng vào tường khách sạn. Thầy phụ tế giúp ông mặc áo lễ. Sân khấu tối lại.

  

Mục sư: Ông Ill, mời ông vào phòng chứa đồ lễ.

 

Ill vào từ phía trái.

 

Mục sư: Trong này tối, nhưng mà mát.

Ill: Thưa mục sư, tôi không muốn quấy rầy.

Mục sư: Cửa nhà thờ mở rộng đón mọi người. Nhận thấy mắt ông Ill nhìn khẩu súng. Ông chớ ngạc nhiên về khẩu súng. Con báo đen của bà Zachanassian đang luẩn quẩn quanh đây. Nó vừa ở chỗ của ban thánh ca, rồi vào rừng Konradsweiler, còn bây giờ nó ở trong nhà kho của Peter.

Ill: Tôi xin được giúp đỡ.

Mục sư: Có chuyện gì thế?

Ill: Tôi sợ.

Mục sư: Ông sợ? Mà sợ ai?

Ill: Tôi sợ người ta.

Mục sư: Ông sợ người ta giết ông hay sao, ông Ill?

Ill: Họ săn tôi như săn thú dữ.

Mục sư: Không nên sợ con người mà nên sợ Chúa, không nên sợ chết phần xác mà sợ chết phần hồn. Thầy phụ tế, nhờ thầy cài giúp cúc sau lại hộ.

 

Ở khắp các bức tường của sân khấu hiện rõ người dân Guellen, trước hết là viên cảnh sát, rồi thị trưởng, bốn người (ngồi trước nhà ga, màn I), người thợ vẽ, thầy giáo. Mọi người ngó quanh tìm kiếm, đi rón rén, súng sẵn sàng nhả đạn.

 

Ill: Tôi lo cho mạng sống của mình.

Mục sư: Hãy lo cho cuộc sống vĩnh cửu của đời sau.

Ill: Mức sống ở đây sung túc hơn hẳn.

Mục sư: Lương tâm của ông ám ảnh đó thôi.

Ill: Người ta trở nên vui nhộn, các cô gái chăm chút điểm trang, đám con trai diện áo mầu mè. Thành phố đang chuẩn bị ăn mừng tôi bị giết, còn tôi thì chết dần chết mòn vì sợ.

Mục sư: Những gì ông hiện đang chịu đựng đều có mặt tích cực cả.

Ill: Là địa ngục thì có.

Mục sư: Địa ngục ở ngay trong con người ông. Ông nhiều tuổi hơn tôi nên tự cho rằng ông hiểu rõ con người, song thật ra người ta chỉ hiểu có mình thôi. Nhiều năm trước ông đã vì tiền mà phụ rẫy một cô gái nên nay ông nghĩ rằng người khác cũng sẽ vì tiền mà phản bội ông. Ông suy bụng ta ra bụng người. Điều đó quá dễ hiểu. Nguyên do khiến cho ta sợ nằm chính trong trái tim ta, trong tội lỗi của ta. Nhận thức được điều này thì ông sẽ thắng được cái vẫn giầy vò ông, ông sẽ có trong tay thứ vũ khí để thắng nó.

Ill: Nhà Siemethofer mới sắm một cái máy giặt.

Mục sư: Ông đừng bận tâm tới chuyện ấy.

Ill: Họ mua chịu.

Mục sư: Ông nên lo cho sự bất tử của linh hồn mình đi.

Ill: Nhà Stocker mới mua chịu một máy truyền hình.

Mục sư: Ông hãy cầu nguyện đi. Thầy phụ lễ, còn cái khăn quàng để làm lễ nữa.

 

Thầy phụ lễ cột khăn quanh cổ mục sư.

 

Mục sư: Ông hãy thành khẩn lục vấn lương tâm mình và chọn con đường hối cải, nếu không thì thế gian sẽ cứ mãi làm cháy bùng lên nỗi sợ của ông. Đó là cách duy nhất, chứ chúng tôi không biết làm gì khác hơn được.

 

Mọi người lặng thinh. Những người cầm súng đi khỏi. Chỉ còn thấp thoáng bóng người quanh lề sân khấu. Chuông báo hỏa hoạn rung.

 

Mục sư: Bây giờ thì tôi phải làm phận sự đây, ông Ill ạ; tôi phải làm lễ rửa tội. Thầy phụ lễ, nhớ Kinh thánh, sách lễ và tập thánh ca nhé. Đứa bé bắt đầu khóc rồi; phải đưa nó đến nơi có tia sáng mờ nhạt duy nhất soi rọi thế giới của chúng ta, để nó được cứu rỗi.

 

Một cái chuông thứ hai bắt đầu rung.

 

Ill: Mới thêm một cái chuông nữa à?

Mục sư: Tiếng chuông thật tuyệt, nhỉ? Tròn đầy và dũng mãnh. Phải thấy mặt tích cực.

Ill kêu lên: Ông mục sư! Cả ông cũng thế nốt!

Mục sư nhào tới ôm chầm lấy Ill: Anh hãy 63 chạy đi thôi! Chúng ta đều yếu đuối cả, dù có đạo hay là ngoại đạo. Chạy đi! tiếng chuông đang gióng giả ở Guellen, tiếng chuông của sự phản bội. Chạy đi thôi. Anh mà còn ở lại đây thì chúng tôi sẽ bị lôi kéo vào sự cám dỗ mất thôi.

 

Hai phát súng nổ. Ill rạp xuống, mục sư ngồi xổm cạnh ông ta.

 

Mục sư: Chạy đi! Chạy đi!

 

Ill nhỏm dậy, vớ lấy khẩu súng của mục sư, đi ra bằng phía bên trái.

 

Claire Zachanassian: Boby, có tiếng súng.

Người hầu: Thưa bà, đúng thế.

Claire Zachanassian: Tại sao vậy?

Người hầu: Con báo đen đã sổng ra ngoài.

Claire Zachanassian: Người ta có bắn trúng nó không?

Người hầu: Nó nằm chết trước cửa hàng của ông Ill.

Claire Zachanassian: Tôi nghiệp con thú. Roby, chơi một tang khúc!

 

Đàn ghi-ta chơi một khúc nhạc đưa đám.

  

Người hầu: Thưa bà, người dân Guellen tụ tập lại đây để được chia buồn cùng bà.

Claire Zachanassian: Được!

  

Người hầu đi ra. Thầy giáo và đội đồng ca từ bên phải đi vào.

 

Thầy giáo: Thưa bà.

Claire Zachanassian: Có chuyện gì thế, thầy giáo?

Thầy giáo: Chúng tôi vừa thoát khỏi một mối nguy lớn do con báo đen lởn vởn trong đường phố gây ra. Tuy chúng tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng vẫn lấy làm tiếc về cái chết của một con vật quí hiếm. Nơi nào có người ở thì nơi ấy thế giới loài vật nghèo nàn đi, chúng tôi hoàn toàn không phải không thấy tình trạng nan giải bi đát này. Do đó thưa bà, chúng tôi muốn được cất tiếng hát lên một khúc bi ca do Heinrich Schuetz soạn.

Claire Zachanassian: Được, mấy người hát đi.

 

Thầy giáo giơ tay chực điều khiển. Ill cầm súng đi vào từ bên phải.

 

Ill: Im!

 

Người dân Guellen sợ hãi im bặt.

 

Ill: Một khúc bi ca! Tại sao các người lại hát ca khúc sầu thảm này?

Thầy giáo: Ơ kìa ông Ill, trước việc con báo đen bị chết...

Ill: Các người tập ca khúc này là để chuẩn bị cho cái chết của tôi! Phải, cho cái chết của tôi!

Thị trưởng: Ông Ill, tôi cực lực phản đối!

Ill: Các người xéo đi! Cút về nhà đi!

  

Người dân Guellen rút lui.

 

Claire Zachanassian: Hoby, mình lấy xe Porsche đi ra ngoài một lúc nhé.

Ông chồng thứ tám: Nhưng mà Hopsi...

Claire Zachanassian: Mình đi đi!

 

Ông chồng đi ra.

 

Ill: Klara!

Claire Zachanassian: Alfred! Sao ông lại phá đám người ta thế?

Ill: Klara ơi, tôi sợ.

Claire Zachanassian: Nhưng ông làm như thế lại hóa tử tế đấy, vì tôi chẳng thích gì lối hát hỏng lải nhải dai nhách này. Tôi đã ghét từ ngày còn đi học. Alfred, ông còn nhớ mỗi khi đội đồng ca tập ở quảng trường toà thị chính cùng với kèn kiếc là hai chúng mình lại chạy vào rừng Konradsweiler không?

Ill: Klara! Bà hãy nói rằng bà chỉ đóng kịch thôi, rằng điều bà đòi hỏi là không thật lòng. Bà hãy nói đi!

Claire Zachanassian: Kỳ lạ lắm, Alfred ạ. Những kỷ niệm ấy mà. Hồi đó tôi cũng đứng trên bao lơn khi mình gặp nhau lần đầu tiên. Cũng vào một tối mùa thu như bây giờ; trời đứng gió, thỉnh thoảng mới có tiếng lá cây xào xạc trong công viên thành phố. Trời có lẽ cũng nóng như bây giờ, nhưng mà dạo sau này tôi luôn thấy lạnh. Ông đứng ở dưới ngước lên, nhìn tôi chăm chắm. Tôi bối rối, không biết phải làm gì. Tôi muốn quay vào trong căn phòng tối nhưng không cất bước nổi.

Ill: Tôi tuyệt vọng rồi nên sẵn sàng liều mạng. Tôi cảnh cáo bà đấy, Klara ạ. Nếu bây giờ bà không tuyên bố rằng tất cả chỉ là trò đùa, một trò đùa ác thì tôi sẽ không từ bất cứ chuyện gì đâu. Chĩa súng vào bà.

Claire Zachanassian: Ông cứ đứng dưới đường, không chịu đi tiếp. Ông ngước nhìn tôi chăm chắm, như dữ tợn, như tàn nhẫn, như muốn làm cho tôi khổ sở, nhưng dầu vậy mà đôi mắt ông chan chứa tình yêu.

 

Ill hạ nòng súng xuống.

 

Claire Zachanassian: Hai gã Koby và Loby đứng cạnh ông. Chúng cười vì thấy ông đăm đắm ngước nhìn tôi. Rồi tôi rời bao lơn, chạy xuống với ông. Ông không chào, cũng chẳng nói một lời, chỉ nắm tay tôi và thế là hai chúng ta chạy khỏi thành phố, ra vùng đồng ruộng. Koby và Loby như hai con chó chạy theo chúng ta. Rồi ông lượm đá ném chúng, chúng gào lên, chạy vào phố; chỉ còn lại hai chúng ta.

 

Người hầu đi vào từ bên phải.

 

Claire Zachanassian: Boby, đưa ta vào phòng. Ta sẽ đọc cho ông viết, vì ta phải chuyển khoản một tỷ quan.

 

Người hầu đưa bà vào phòng. Từ phía sau Koby và Loby nhẩy lò cò vào.

 

Hai người: Con báo đen chết rồi, con báo đen chết rồi.

 

Cái bao lơn biến mất. Có tiếng chuông ngân vang. Sân khấu giống như bắt đầu màn I với khung cảnh nhà ga, chỉ khác là tấm lịch trình giờ xe lửa chạy dán trên tường nay lành lặn và mới tinh. Đâu đó dán một tờ quảng cáo lớn hình mặt trời sáng chói mang hàng chữ: ‚Hãy đi du lịch về miền nam’ và ‚Hãy đến Oberammergau 64 xem kịch về nỗi khổ hình của Chúa Giê-su’. Phông cho thấy vài cái cần cẩu xen giữa nhà cửa, cũng như vài mái nhà mới. Có tiếng một chuyến xe tốc hành rầm rầm chạy qua. Người trưởng ga chào theo kiểu nhà binh. Từ phía phông ông Ill đi ra, tay cầm chiếc va-li cũ, nhìn quanh. Từ mọi phía người Guellen từ từ đi tới, như thể tình cờ. Ông Ill ra vẻ lưỡng lự rồi đứng lại.

 

Thị trưởng: Chào ông Ill.

Mọi người: Chào ông Ill.

Ill lưỡng lự: Xin chào tất cả.

Thầy giáo: Ông đi đâu mà xách va-li thế kia?

Mọi người: Ông đi đâu thế?

Ill: Tôi ra ga.

Thị trưởng: Chúng tôi đưa ông đi!

Người thứ nhất: Chúng tôi đưa ông đi!

Người thứ hai: Chúng tôi đưa ông đi!

 

Càng lúc càng thêm nhiều người Guellen nữa.

 

Ill: Không cần đâu, thật đấy mà. Có đáng gì đâu.

Thị trưởng: Ông Ill đi du lịch à?

Ill: Vâng, tôi đi du lịch.

Viên cảnh sát: Ông đi tận đâu?

Ill: Tôi không biết. Đi Kalberstadt rồi sẽ đi tiếp...

Thầy giáo: Rồi đi tiếp. Thế đấy.

Ill: Tốt nhất là đi Úc. Thế nào tôi cũng sẽ chạy được tiền. Đi tiếp ra ga.

Người thứ ba: Đi Úc!

Người thứ tư: Đi Úc!

Họa sĩ: Sao thế?

Ill lúng túng: Người ta không thể cứ ở mãi một chỗ...năm này qua năm khác được.

  

Ông Ill chạy ra tới ga. Những người kia cũng theo tới dần, xúm quanh ông.

  

Thị trưởng: Di cư sang Úc thì thật nực cười.

Bác sĩ: Mà lại rất nguy hiểm cho ông nữa.

Thầy giáo: Một trong hai gã hoạn nô kia chẳng đã sang Úc là gì.

Viên cảnh sát: Ở đây mới thật là an toàn nhất cho ông.

Mọi người: An toàn nhất, an toàn nhất.

 

Ill lo lắng nhìn quanh, chẳng khác một con thú bị săn đuổi.

 

Ill nói khẽ: Tôi đã viết thư cho đại biểu chính phủ ở Kaffigen.

Thị trưởng: Rồi sao?

Ill: Không được trả lời.

Thầy giáo: Thật không hiểu nổi ông nghi ngại điều gì.

Bác sĩ: Chẳng ai muốn giết ông cả.

Mọi người: Chẳng ai cả, chẳng ai cả.

Ill: Bưu điện không chuyển thư của tôi.

Họa sĩ: Làm gì có chuyện đó.

Thị trưởng: Viên chức bưu điện là thành viên Hội đồng thành phố.

Thầy giáo: Là một chính nhân quân tử.

Người thứ nhất: Là một chính nhân quân tử.

Người thứ hai: Là một chính nhân quân tử.

Ill: Mấy người xem đây! Một tấm biển quảng cáo: ‚Hãy du lịch về phía nam.’

Bác sĩ: Thì sao nào?

Ill: ‚Hãy đến Oberammergau xem kịch về nỗi khổ hạnh của Chúa Giê-su.’

Thầy giáo: Thì sao nào?

Ill: Người ta xây nhà xây cửa!

Thị trưởng: Thì sao nào?

Ill: Các người cứ giầu thêm, cứ phong lưu thêm.

Mọi người: Thì sao nào?

 

Có tiếng chuông.


 

Thầy giáo: Ông được quí trọng biết bao, chính ông thấy đấy.

Thị trưởng: Cả thị trấn này đi tiễn chân ông.

Người thứ ba: Cả thị trấn!

Người thứ tư: Cả thị trấn!

Ill: Tôi có cầu các người tới đây đâu!

Người thứ hai: Chúng tôi phải được phép tiễn ông chứ.

Thị trưởng: Với tư cách những người bạn chí cốt.

Mọi người: Với tư cách những người bạn chí cốt! Với tư cách những người bạn chí cốt!

 

Có tiếng xe lửa. Người trưởng ga cầm cần hiệu. Người soát vé xuất hiện phía bên phải, như thể mới từ tầu nhẩy xuống.

  

Người soát vé dài giọng hô: Guellen đây!

Thị trưởng: Chuyến tầu của ông đây.

Mọi người: Chuyến tầu của ông! Chuyến tầu của ông!

Thị trưởng: Thôi, ông Ill, chúc ông thượng lộ bình an.

Mọi người: Thượng lộ bình an! Thượng lộ bình an!

Bác sĩ: Chúc ông một cuộc đời mới tươi đẹp!

Mọi người: Chúc ông một cuộc đời mới tươi đẹp!

 

Người Guellen bao quanh ông Ill.

 

Thị trưởng: Tới giờ rồi. Ông hãy lên chuyến tầu chợ đi Kalberstadt thôi.

Viên cảnh sát: Chúc ông nhiều may mắn trên đất Úc.

Mọi người: Nhiều may mắn! Nhiều may mắn!

 

Ông Ill đứng sững, đăm đăm nhìn họ.

  

Ill nói khẽ: Tại sao mọi người tề tựu cả ở đây?

Viên cảnh sát: Ông còn đòi hỏi gì hơn nữa?

Người trưởng ga: Yêu cầu hành khách lên tầu!

Ill: Duyên cớ gì khiến các người bám quanh tôi?

Thị trưởng: Chúng tôi có bám quanh ông đâu nào.

Ill: Tránh ra!

Thầy giáo: Chúng tôi tránh ra rồi đấy chứ!

Mọi người: Chúng tôi tránh ra rồi đấy chứ! Chúng tôi tránh ra rồi đấy chứ!

Ill: Một trong các người sẽ níu tôi lại.

Viên cảnh sát: Ông chỉ nghĩ quẩn. Ông cứ leo lên tầu là sẽ thấy ngay rằng mình nghĩ quẩn.

Ill: Đi chỗ khác!

 

Chẳng ai nhúc nhích. Vài người thọc tay vào túi quần.

  

Thị trưởng: Tôi không hiểu ông muốn gì. Đi hay không là chuyện của ông. Thôi ông lên tầu đi.

Ill: Đi chỗ khác!

Thầy giáo: Ông sợ thì buồn cười thật.

 

Ill qụy xuống.

 

Ill: Tại sao các người đứng sát tôi thế?

Bác sĩ: Ông ấy điên rồi.

Ill: Các người muốn níu tôi lại.

Thị trưởng: Ông cứ lên tầu đi!

Mọi người: Ông cứ lên tầu đi! Ông cứ lên tầu đi!

 

Lặng thinh.

 

Ill nói khẽ: Tôi mà lên tầu thì sẽ có một người níu tôi lại.

Mọi người thề thốt: Không có ai đâu! Không có ai đâu!

Ill: Tôi biết mà.

Viên cảnh sát: Tới giờ rồi kìa.

Thầy giáo: Thôi lên tầu cho rồi, ông ơi.

Ill: Tôi biết mà! Một người sẽ níu tôi lại. Một người sẽ níu tôi lại.

Người trưởng ga: Tầu khởi hành đây!

 

Ông ta giơ cần hiệu, người soát vé làm động tác nhẩy lên xe. Còn ông Ill gục xuống, đưa hai tay che mặt giữa đám người Guellen.

 

Viên cảnh sát: Ông thấy chưa? Tầu chạy mất rồi!

 

Mọi người từ từ rút về phía sau, đi khuất, chỉ còn ông Ill nằm gục ở đó.

  

Ill: Thế là mạng ta tiêu rồi!


MÀN III


Tại nhà kho của Peter. Phía bên trái, bà Claire Zachanassian ngồi bất động trong kiệu. Bà mặc quần áo cô dâu mầu trắng, có khăn mỏng che mặt. Sát bên trái là một cái thang, ngoài ra còn có xe để chở cỏ, cái xe ngựa cũ, rơm; giữa nhà kho là một thùng gỗ nhỏ. Phía trên chăng giẻ rách lẫn túi mủn nát. Mạng nhện giăng đầy. Người hầu từ phía sau đi tới.


Người hầu: Thưa bà, có ông bác sĩ và thầy giáo.

Claire Zachanassian: Dẫn họ vào.

  

Viên bác sĩ và thầy giáo xuất hiện, dò dẫm trong bóng tối, rồi tìm thấy bà tỷ phú. Họ cúi chào. Lúc này họ ăn mặc tươm tất, có thể nói là trang nhã.

 

Hai người: Thưa bà.

Claire Zachanassian ngắm nghía họ qua cái kính một tròng: Trông các ông đầy những bụi.

 

Hai người phủi bụi.

 

Thầy giáo: Xin lỗi bà! Tại vì chúng tôi phải trèo qua cái xe ngựa cũ.

Claire Zachanassian: Tôi rút về nhà kho Peter này vì cần nghỉ ngơi. Đám cưới mới rồi ở nhà thờ lớn của Guellen làm tôi thấm mệt. Tôi đâu còn là gái tơ nữa. Hai ông hãy ngồi xuống cái thùng kia.

Thầy giáo: Cám ơn bà.

 

Ông ta ngồi xuống. Bác sĩ vẫn đứng.

 

Claire Zachanassian: Trong này oi quá. Muốn ngộp. Nhưng mà tôi thích nhà kho này, thích mùi cỏ khô, mùi rơm rạ, mùi dầu xe. Bao nhiêu là kỷ niệm. Tất cả những vật dụng này: cái chĩa ba để xúc phân, cái xe ngựa, cái xe chở cỏ hư gẫy kia có từ thời tôi còn trẻ.

Thầy giáo: Đúng là một nơi để hồi tưởng. Lau mồ hôi.

Claire Zachanassian: Bài giảng của ông mục sư làm cho không khí long trọng hẳn lên.

Thầy giáo: Ông giảng quyển Korinth 65 thứ nhất, đoạn 13.

Claire Zachanassian: Còn ông điều khiển đội đồng ca cũng tài lắm, thầy giáo ạ. Nghe rất trang trọng.

Thầy giáo: Nhạc của Bach 66 đấy ạ. Trích từ ‚Mathaeus-Passion’ 67. Tôi vẫn còn bị choáng ngợp. Giới đại thượng lưu có mặt, giới tài phiệt, giới phim ảnh...

Claire Zachanassian: Cả đám này vọt về thủ đô bằng xe Cadillac  68 của họ để dự tiệc cưới rồi.

Thầy giáo: Thưa bà, chúng tôi không dám làm mất thì giờ quí báu của bà nhiều hơn là cần thiết. Ông nhà hẳn sốt ruột vì đang chờ.

Claire Zachanassian: Hoby ấy à? Tôi đã tống hắn trở về Geiselgasteig 69 bằng cái xe Porsche của hắn rồi.

Bác sĩ ngơ ngác: Về Geiselgasteig ư?

Claire Zachanassian: Các luật sư của tôi đã đưa đơn ly dị rồi.

Thầy giáo: Thế các khách dự tiệc cưới thì sao, thưa bà?

Claire Zachanassian: Họ quen rồi. Đây là cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi đứng hạng thứ hai của tôi. Chỉ có lần với Lord Ismael là ngắn hơn nữa. Thế mấy người đến đây có chuyện gì?

Thầy giáo: Chúng tôi đến vì chuyện của ông Ill.

Claire Zachanassian: Ô, ông ấy chết rồi à?

Thầy giáo: Ấy, thưa bà! Dẫu sao chúng tôi cũng sống theo nguyên tắc đạo lý phương Tây mà.

Claire Zachanassian: Vậy mấy người muốn gì nào?

Thầy giáo: Phiền một nỗi là người dân Guellen đã mua sắm khá nhiều thứ rồi.

Bác sĩ: Quá nhiều là khác.

 

Hai người lau mồ hôi.

 

Claire Zachanassian: Nợ đìa ra chứ gì?

Thầy giáo: Hết hy vọng trả nổi!

Claire Zachanassian: Bất chấp các đạo lý kia à?

Thầy giáo: Chúng tôi cũng chỉ là người thôi.

Bác sĩ: Thành ra bây giờ chúng tôi phải trả nợ.

Claire Zachanassian: Mấy người biết phải làm gì mà.

Thầy giáo mạnh dạn: Thưa bà Zachanassian, chúng ta hãy nói thẳng với nhau. Bà hãy đặt mình vào hoàn cảnh đáng buồn của chúng tôi. Từ hai mươi năm nay tôi đã gieo vào cái cộng đồng nghèo nàn này mầm non của lòng nhân ái, còn ông bác sĩ đây lọc cọc trong chiếc xe Mercedes già cỗi đến với những người bị lao và bị còi xương. Chúng tôi hy sinh như thế để làm gì? Vì tiền ư? Chắc chắn là không rồi. Lương bổng của chúng tôi thật ít ỏi, vậy mà tôi thẳng thừng không nhận về dạy trường cấp ba ở Kalberstadt, còn ông bác sĩ từ chối chân giảng sư tại đại học Erlangen 70. Vì chúng tôi thương người chăng? Nói thế là quá đáng. Không, chúng tôi kiên trì suốt bấy nhiêu năm ròng, cùng với cả thị trấn này, vì mang một niềm hy vọng rằng Guellen sẽ phục hồi và quang vinh như ngày nào, rằng những tiềm năng vốn thừa thãi còn chôn vùi trong lòng đất mẹ của chúng tôi sẽ được khai thác. Dầu mỏ dưới thung lũng sông Pueckenried, quặng dưới lòng rừng Konradsweiler. Thưa bà, chúng tôi không nghèo đâu, chỉ bị bỏ quên thôi. Chúng tôi cần có được tín dụng, cần khách hàng tin tưởng đặt hàng và thế là nền kinh tế và văn hóa của chúng tôi sẽ nở rộ. Guellen có một mặt hàng đáng kể, đó là hãng luyện kim ‚Chỗ đứng dưới ánh mặt trời’.

Bác sĩ: Hãng Bockmann nữa.

Thầy giáo: Và hãng Wagner. Bà hãy mua những hãng này, chỉnh đốn lại và Guellen sẽ phồn vinh ngay. Thà đầu tư 100 triệu có tính toán để được lãi cao hơn là phung phí cả tỷ!

Claire Zachanassian: Tôi còn những hai tỷ cơ mà.

Thầy giáo: Xin đừng để chúng tôi phí hoài một đời kiên trì. Chúng tôi không cầu xin bố thí mà đề nghị chuyện làm ăn.

Claire Zachanassian: Phải. Đề nghị của các ông xem ra không dở.

Thầy giáo: Thưa bà, tôi biết bà sẽ không bỏ rơi chúng tôi!

Claire Zachanassian: Nhưng không thực hiện được! Tôi không thể mua hãng luyện kim ‚Chỗ dứng dưới ánh mặt trời’, vì nó đã thuộc về tôi rồi.

Thầy giáo: Thuộc về bà rồi?

Bác sĩ: Còn hãng Bockmann?

Thầy giáo: Và hãng Wagner?

Claire Zachanassian: Cũng thuộc về tôi nốt. Các hãng xưởng, cả thung lũng Pueckenried, nhà kho Peter, toàn bộ thành phố, từng con đường, từng ngôi nhà đều thuộc về tôi hết. Tôi đã cho người đi mua hết những thứ tầm thường ấy, rồi đóng cửa các hãng xưởng. Hy vọng của các người là điên rồ, sự kiên trì của các người là vô nghĩa, sự hy sinh của các người là ngu xuẩn, cả cuộc đời của các người là một sự phí hoài.

 

Im lặng.

  

Bác sĩ: Thật quá sức tưởng tượng!

Claire Zachanassian: Ngày đó đang là mùa đông, tôi rời thành phố này trong bộ áo quần kiểu thủy thủ, mái tóc hung tết bím và bụng chửa vượt mặt. Người dân thành phố đổ ra nhìn theo cười nhạo. Tôi ngồi lạnh run trên chuyến xe lửa tốc hành đi Hamburg. Khi bóng nhà kho Peter biến mất sau lớp hoa tuyết thì tôi thề nhất định sẽ có một ngày trở về đây. Giờ tôi đã về thật. Giờ tôi là kẻ ra điều kiện, áp đặt theo ý muốn của tôi. Nói to. Roby và Toby, kiệu ta lại khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’. Ông chồng thứ chín của ta sắp đến cùng với đống sách và bản thảo rồi.

 

Từ phía phông hai gã khổng lồ bậm trợn đi tới, nâng kiệu lên.

 

Thầy giáo: Thưa bà Zachanassian, bà là một người đàn bà vì tình yêu mà bị tổn thương. Nay bà đòi hỏi công bình tuyệt đối. Đối với tôi, bà giống một nhân vật nữ thời cổ đại, như nàng Medea 71. Và bởi vì chúng tôi thông cảm bà sâu sắc nên xin bà cho phép chúng tôi mạnh dạn đòi hỏi thêm một điều: bà hãy quên đi cái ý tưởng báo thù sẽ đem lại tai ương, đừng đẩy chúng tôi tới bước đường cùng mà hãy giúp chúng tôi - những kẻ nghèo nàn, yếu đuối nhưng lương thiện – có được một cuộc sống tương đối ra sống hơn; xin bà hãy cố vượt qua sự thống hận để cho lòng nhân đạo được thắng thế!

Claire Zachanassian: Này hai ông! Lòng nhân đạo chính là để cho giới triệu phú bán buôn như chứng khoán. Với sức mạnh của đồng tiền mà tôi có thì người ta có thể sắp xếp lại thế sự tùy ý thích. Thế giới này đã bắt tôi phải làm một con điếm thì nay tôi biến nó thành một nhà chứa. Ai không có tiền trả mà lại cũng muốn hưởng thì phải chịu cùng chia trách nhiệm. Mấy người đều muốn được hưởng mà. Chỉ kẻ nào bỏ tiền ra, như tôi, mới là người đàng hoàng. Tôi trả tiền cho Guellen đổi lấy một án mạng, Guellen muốn kinh tế phục hồi thì phải nộp cho tôi một cái xác. Kiệu ta đi thôi, hai đứa bay! Bà được kiệu ra phía sau.

Bác sĩ: Lậy Chúa, mình phải làm gì đây?

Thầy giáo: Làm theo lương tâm mình bảo, bác sĩ Nuesslin ạ.

 

Mặt trước sân khấu, bên phải là cửa hàng của ông Ill. Bảng hiệu mới, quầy bán hàng cũng mới, bóng láng, két mới, hàng hoá loại đắt tiền. Tiếng chuông reo ròn rã khi khách bước vào cửa. Bà Ill đứng sau quầy. Từ phía trái người thứ nhất đi tới, đóng vai một người bán thịt phát tài, mang tấm tạp dề vấy vài vệt máu.

  

Người thứ nhất: Đúng là một ngày hội. Cả Guellen tụ tập ở ‚Quảng trường nhà thờ lớn’ để xem.

Bà Ill: Ngày xưa khốn khổ thế thì bây giờ Klaerchen 72 đáng được may mắn.

Người thứ nhất: Có nữ diễn viên điện ảnh làm phù dâu. Ngực các cô ấy mới to làm sao!

Bà Ill: Mốt bây giờ đấy.

Người thứ nhất: Bác cho tôi thuốc lá.

Bà Ill: Loại xanh lá cây à?

Người thứ nhất: Camel. Với một cái dao bầu.

Bà Ill: Thứ để pha thịt à?

Người thứ nhất: Đúng thế.

Bà Ill: Dao của bác đây, bác Hofbauer.

Người thứ nhất: Dao tốt thật.

Bà Ill: Hàng họ của bác thế nào?

Người thứ nhất: Phải thuê thêm người đấy.

Bà Ill: Đầu tháng tới tôi cũng thuê thêm người.

 

Người thứ nhất cầm lấy dao. Người thứ hai, một nhà buôn ăn mặc tề chỉnh, bước vào.

 

Bà Ill: Chào bác Helmesberger.

 

Cô nàng Luise đi ngang qua, ăn mặc rất là thanh lịch.

  

Người thứ nhất: Cô nàng cứ tưởng ăn mặc như thế sẽ che mắt được thiên hạ.

Bà Ill: Không biết xấu hổ!

Người thứ nhất: Bác cho tôi gói Saridon. Suốt đêm ăn nhậu ở nhà Stocker!

 

Bà Ill đưa người thứ nhất gói thuốc với một ly nước.

 

Người thứ nhất: Đâu đâu cũng đầy phóng viên, ký giả.

Người thứ hai: Họ soi mói đủ chuyện của thị trấn này.

Người thứ nhất: Họ cũng sẽ đến cửa hàng này đấy.

Bà Ill: Chúng tôi là dân thường, bác Hofbauer ạ. Họ đâu có gì để tìm ở cửa hàng này.

Người thứ hai: Họ hỏi hết mọi người đấy.

Người thứ nhất: Họ mới vừa phỏng vấn ông mục sư xong.

Người thứ hai: Ông ấy sẽ chẳng hé môi đâu; lúc nào cũng có lòng với đám dân nghèo như chúng ta cả. Cho tôi một gói Chesterfield.

Bà Ill: Bác mua chịu à?

Người thứ nhất: Vâng, mua chịu. Bác trai đâu, hở bác? Lâu rồi tôi không gặp.

Bà Ill: Ông ấy ở trên gác. Cứ quanh quẩn trong phòng. Suốt mấy ngày nay rồi.

Người thứ nhất: Lương tâm cắn rứt mà. Chuyện bác ấy xử sự với bà Zachanassian quả là tệ hại.

Bà Ill: Tôi cũng khổ lây.

Người thứ hai: Đẩy một người con gái vào nỗi bất hạnh! Khiếp quá! Cả quyết. Bác Ill này, tôi hy vọng rằng bác trai không kể lể linh tinh với nhà báo đấy.

Bà Ill: Không có đâu.

Người thứ nhất: Tính bác trai như thế...

Bà Ill: Tôi khổ lắm, bác Hofbauer ạ.

Người thứ nhất: Nếu bác trai muốn làm bà Klara mất mặt bằng cách bịa chuyện rằng bà đã treo giá cho cái chết của bác ấy hay này khác – đủ cho thấy bà đã thống khổ biết bao – thì chúng tôi sẽ phải can thiệp đấy.

Người thứ hai: Không phải vì số tiền bạc tỷ kia mà chúng tôi can thiệp đâu.

Người thứ hai: Mà vì mọi người căm giận. Bà Zachanassian quả cảm kia, có Chúa chứng giám, đã vì bác ấy mà phải chịu cực nhục đủ rồi. Nhìn quanh. Lối lên gác ở đây à?

Bà Ill: Chỉ có một lối này thôi. Bất tiện lắm, nhưng sang Xuân chúng tôi sẽ xây lại.

Người thứ nhất: Thế thì tôi sẽ đứng canh ở đó.

 

Người thứ nhất cầm dao bầu, đứng khoanh tay sát bên phải, bình thản như một kẻ đứng canh. Thầy giáo bước vào.

 

Bà Ill: Chào thầy giáo. Lâu rồi thầy mới lại ghé cửa hàng, thật là quí hoá.

Thầy giáo: Tôi cần một thứ rượu mạnh.

Bà Ill: Steinhaeger nhé?

Thầy giáo: Bà cho một ly nhỏ.

Bà Ill: Bác Hofbauer cũng uống chứ?

Người thứ nhất: Không, cám ơn bác. Tôi còn phải lái chiếc Volkswagen đi Kaffingen mua heo sữa.

Bà Ill: Thế còn bác Helmesberger?

Người thứ hai: Đám nhà báo khốn kiếp kia chưa rời khỏi thành phố này thì một giọt tôi cũng không uống.

 

Bà Ill rót rượu cho thầy giáo.

 

Thầy giáo: Cám ơn bà. Uống cạn ly rượu Steinhaeger.

Bà Ill: Sao thầy run thế kia?

Thầy giáo: Dạo này tôi uống hơi nhiều. Mới vừa nhậu một chầu ra trò ở ‚Thánh tông đồ vàng’; cả lũ say túy lúy! Hy vọng hơi rượu của tôi không làm phiền bà.

Bà Ill: Một ly nữa cũng chưa sao. Rót thêm cho thầy giáo.

Thầy giáo: Ông nhà đâu rồi?

Bà Ill: Ở trên gác. Cứ toàn đi tới đi lui.

Thầy giáo: Một ly nữa. Ly chót. Tự rót.

 

Người họa sĩ từ bên trái bước vào. Ông ta mặc bộ com-lê vải Manchester mới, khăn quàng cổ loè loẹt, mũ bê-rê đen.

 

Họa sĩ: Cẩn thận nhé! Hai tay nhà báo đã hỏi tôi về cửa hàng này đấy.

Người thứ nhất: Thật đáng nghi.

Họa sĩ: Tôi làm như không biết gì hết.

Người thứ hai: Thế là khôn.

Họa sĩ: Mong rằng bọn họ tìm đến xưởng vẽ của tôi. Tôi vừa vẽ xong bức ‚Chúa Cứu Thế’.

 

Thầy giáo lại rót thêm rượu. Bên ngoài cửa hàng hai bà khách ở màn II ăn mặc lịch sự đi qua, đứng lại ngắm nhìn hàng hoá trong cái tủ kính giả.

  

Người thứ nhất: Rõ chán mấy mụ này.

Người thứ hai: Ban ngày ban mặt mà dám vào rạp xi-nê mới.

 

Người thứ ba vào từ bên trái.

 

Người thứ ba: Cánh nhà báo tới đấy.

Người thứ hai: Kín miệng nhé!

Họa sĩ: Canh chừng đừng để cho hắn xuống dưới này.

Người thứ nhất: Chuyện ấy để tôi lo.

 

Người Guellen đứng về bên phải. Thầy giáo đã uống cạn nửa chai, đứng bên quầy hàng. Hai nhà báo mang máy ảnh đi vào. Theo sau là người Guellen thứ tư.

 

Nhà báo 1: Chào các ông, các bà.

Người Guellen: Chào các ông.

Nhà báo 1: Câu hỏi thứ nhất: nói chung cảm tưởng của mọi người ra sao?

Người thứ nhất bối rối: Dĩ nhiên chúng tôi vui mừng về chuyến thăm viếng của bà Zachanassian.

Người thứ ba: Tôi thấy vui.

Họa sĩ: Tôi cảm động.

Người thứ hai: Tôi tự hào.

Nhà báo 1: Tự hào ư?

Người thứ tư: Thì Klaeri là người gốc gác ở đây.

Nhà báo 1: Câu thứ hai để hỏi bà đứng sau quầy hàng: nghe nói rằng ông nhà đã chọn cưới bà chứ không lấy bà Claire Zachanassian. Bà nghĩ sao?

  

Im lặng.

 

Người thứ nhất: Ai nói thế?

Nhà báo 1: Hai bác già mù, lùn và mập của bà Zachanassian.

 

Im lặng.

 

Người thứ tư ngập ngừng: Họ nói những gì?

Nhà báo 2: Họ kể hết mọi chuyện.

Họa sĩ: Bố khỉ!

 

Im lặng.

  

Nhà báo 2: Hơn bốn mươi năm trước bà Claire Zachanassian và ông chủ cửa hàng này suýt nữa thì lấy nhau. Đúng vậy không?

 

Lặng thinh.

 

Bà Ill: Đúng thế!

Nhà báo 2: Ông Ill đâu rồi?

Bà Ill: Nhà tôi hiện ở Kalberstadt.

Mọi người: Ở Kalberstadt.

Nhà báo 1: Chúng tôi hình dung một chuyện tình như thế này: Ông Ill và bà Claire Zachanassian cùng lớn lên, có thể gia đình họ là xóm giềng, họ cùng học một trường, cùng đi dạo trong rừng. Rồi nụ hôn đầu vân vân, cho tới ngày ông Ill quen bà, con người hợp ý mà với ông Ill là điều mới, lạ, là nỗi đam mê.

Bà Ill: Đúng hệt như ông vừa kể.

Nhà báo 1: Bà Claire Zachanassian hiểu ra và đã rút lui một cách thầm lặng và cao quí. Rồi ông bà lấy nhau...

Bà Ill: Vì tình.

Những người Guellen khác nhẹ nhõm: Vì tình!

Nhà báo 1: Vì tình.

 

Hai nhà báo thản nhiên ghi chép vào sổ tay. Roby nắm tai hai lão hoạn nô lôi vào từ bên phải.

 

Hai lão than van: Chúng tôi không muốn kể gì nữa cả, chúng tôi không muốn kể gì nữa cả.

 

Hai lão bị lôi ra phía phông. Toby cầm sẵn roi đợi.

 

Hai lão: Đừng dẫn tới Toby, đừng dẫn tới Toby!

Nhà báo 2: Bà Ill, đôi khi ông nhà vẫn ân hận về chuyện mình làm chứ? Tôi nghĩ con người ai cũng thế.

Bà Ill: Tiền không đủ để đem lại hạnh phúc.

Nhà báo 2: Không đủ đem lại hạnh phúc.

 

Anh con trai đi vào từ phía trái, mặc áo vét da.

 

Bà Ill: Đây là Karl, con trai chúng tôi.

Nhà báo 1: Rất đẹp trai.

Nhà báo 2: Cậu này có biết gì chưa về quan hệ...

Bà Ill: Trong gia đình chúng tôi không hề có chuyện gì riêng tư bí mật. Nhà tôi vẫn bảo: chuỵên gì Chúa biết thì lũ trẻ cũng phải được biết.

Nhà báo 1: Chuyện gì Chúa biết...

Nhà báo 2: Thì lũ trẻ phải được biết.

 

Cô con gái trong bộ đồ đánh quần vợt bước vào, tay cầm vợt.

 

Bà Ill: Ottilie, con gái chúng tôi.

Nhà báo 2: Thật khả ái.

 

Bấy giờ thầy giáo mới gượng đứng thẳng người lại..

 

Thầy giáo: Thưa bà con, tôi là thầy giáo già của các người. Tôi đã lặng thinh uống ly rượu Steinhaeger mà không nói một lời nào về bất cứ chuyện gì. Nhưng bây giờ tôi muốn có đôi lời về chuyến viếng thăm Guellen của bà Claire Zachanassian. Ông leo lên cái thùng còn sót lại của nhà kho Peter.

Người thứ nhất: Ông điên rồi à?

Người thứ hai: Thôi đi!

Người thứ ba: Xuống đi!

Thầy giáo: Thưa bà con! Tôi muốn bố cáo sự thật, cho dù chúng ta sẽ phải sống mãi trong đói nghèo đi nữa!

Bà Ill: Thầy giáo say mất rồi. Thầy phải biết xấu hổ chứ!

Thầy giáo: Tôi mà phải xấu hổ ư? Bà nên xấu hổ thì có, bởi vì bà đang tìm cách phản bội chồng mình!

Người con trai: Câm mồm!

Người thứ tư: Xéo đi!

Thầy giáo: Nỗi bất hạnh đang lan tràn một cách đáng lo ngại! Giống như nhân vật OEdipus 73: phồng cho to như con ếch!

Cô con gái năn nỉ: Con xin thầy!

Thầy giáo: Con làm ta thất vọng. Lẽ ra chính con phải lên tiếng, thế mà giờ đây thầy giáo già của con lại phải gân cổ lên nói hộ!

Họa sĩ kéo ông xuống khỏi thùng: Ông định phá hoại cơ may của một nghệ sĩ như tôi à? Tôi vừa mới vẽ xong bức tranh ‚Chúa Cứu Thế’. ‚Chúa Cứu Thế’, rõ chưa?

Thầy giáo: Tôi phản đối trước dư luận toàn thế giới! Nhiều chuyện động trời sắp diễn ra ở Guellen này!

 

Người dân Guellen nhẩy xổ vào thầy giáo, nhưng ngay lúc ấy ông Ill từ bên phải đi vào, mặc bộ áo quần cũ sờn.

 

Thầy giáo: Sự thật, ông Ill ơi! Tôi nói sự thật cho các ông nhà báo biết. Giống như một tổng thiên thần, tôi vang giọng kể. Loạng choạng. Vì tôi là một người theo trường phái nhân bản, một kẻ hâm mộ người Hy Lạp cổ đại, một người ái mộ Platon 74.

Ill: Ông im đi!

Thầy giáo: Nhưng mà lòng nhân đạo...

Ill: Ông ngồi xuống đi!

 

Im lặng.

 

Thầy giáo tỉnh rượu: Ừ thì ngồi. Lòng nhân đạo phải ngồi thôi. Loạng choạng ngồi lên thùng. Xin mời ông nói... nếu như cả ông cũng phản bội sự thật.

Ill: Xin lỗi mọi người. Ông ấy say rồi.

Nhà báo 1: Ông là ông Ill, phải không ạ?

Ill: Ông muốn hỏi gì tôi?

Nhà báo 1: Thế là chúng tôi đã gặp được ông. May quá. Chúng tôi cần chụp vài tấm hình. Bắt đầu được không ạ? Nhìn quanh. Thực phẩm này, hàng gia dụng này, vật dụng bằng sắt này...Tốt nhất là ... ông bán cái dao bầu nhé.

Ill ngập ngừng: Dao bầu à?

Nhà báo 1: Bán cho ông hàng thịt. Ông ấy cầm sẵn trong tay kia rồi. Này ông hàng thịt, cho tôi mượn cái dụng cụ giết người ấy đi. Lấy dao từ tay người thứ nhất. Biểu diễn. Ông cầm lấy con dao bầu, ướm ướm trong tay, làm ra vẻ suy nghĩ rất lung; ông thấy chưa, như thế này này. Còn ông Ill, ông hãy cúi người trên quầy hàng, nói với ông hàng thịt. Bắt đầu nhé. Chỉnh lại thế đứng cho hai người. Tự nhiên hơn, hai ông ạ, đừng gượng gạo.

 

Các nhà báo bấm máy chụp hình.

 

Nhà báo 1: Đẹp, đẹp lắm.

Nhà báo 2: Bây giờ yêu cầu ông quàng tay qua vai bà nhà, cậu cả đứng bên trái, còn cô đứng bên phải. Chú ý nhé, rạng rỡ vì hạnh phúc, rạng rỡ vì mãn nguyện, rạng rỡ vì vui thầm trong lòng.

Nhà báo 1: Rạng rỡ như thế thật là tuyệt.

Nhà báo 2: Xong rồi.

 

Từ phía trước, bên trái vài phó nhòm chạy vào sau, bên trái. Một người gọi vói vào trong cửa hàng.

 

Phó nhòm: Bà Zachanassian lại có một ông chồng mới. Họ đang đi dạo trong rừng Konradsweiler.

Nhà báo 2: Một ông chồng mới!

Nhà báo 1: Thế thì hình phải lên trang bìa cho báo ‚Life’ 75 thôi.

  

Hai nhà báo chạy ra khỏi cửa hàng. Im lặng. Người thứ nhất vẫn còn cầm con dao bầu.

 

Người thứ nhất nhẹ nhõm: May quá!

Họa sĩ: Xin lỗi thầy giáo nhé. Nếu chúng ta còn muốn giải quyết êm thắm vụ này thì giới báo chí không được biết tí gì đấy. Hiểu chưa?

 

Hoạ sĩ đi ra. Người thứ hai đi theo, dừng lại trước ông Ill trước khi ra.

 

Người thứ hai: Không kể lể nhăng cuội, thế là bác khôn đấy, rất khôn.

Người thứ ba: Một người lừa đảo như bác thì có nói ra cũng chẳng ai thèm tin. Đi ra.

 

Người thứ tư nhổ nước bọt rồi cũng ra luôn.

 

Người thứ nhất: Thế là mình cũng được lên báo, bác Ill nhỉ.

Ill: Ừ.

Người thứ nhất: Mình sẽ nổi tiếng.

Ill: Đúng thế.

Người thứ nhất: Cho tôi một bao Partagas.

Ill: Đây.

Người thứ nhất: Ghi sổ nhé!

Ill: Tất nhiên rồi.

Người thứ nhất: Tôi nói thật nhé: chỉ kẻ đốn mạt mới làm những chuyện như bác đã gây ra cho Klaerchen. Dợm đi.

Ill: Còn con dao bầu, bác Hofbauer.

 

Người thứ nhất ngập ngừng rồi đưa trả con dao, đi ra. Im lặng trong cửa hàng. Thầy giáo vẫn còn ngồi trên cái thùng.

  

Thầy giáo: Ông thứ lỗi cho, tại tôi nếm thử vài ly Steinhaeger, hai ba ly gì đó.

Ill: Không sao.

 

Gia đình ông Ill theo phía phải ra ngoài.

 

Thầy giáo: Tôi muốn giúp ông. Nhưng người ta xúm lại chèn ép tôi, mà ông cũng không muốn tôi giúp. Ôi, ông Ill ơi! Chúng ta là hạng người gì? Số tiền bạc tỉ nhục nhã kia cháy bỏng trong tim chúng ta. Ông hãy hết sức mà tranh đấu cho mạng sống của mình; hãy liên hệ với báo chí. Đừng để mất thì giờ nữa.

Ill: Tôi bỏ cuộc.

Thầy giáo ngạc nhiên: Này, ông sợ đến nỗi mất trí rồi à?

Ill: Tôi đã hiểu ra rằng mình không có quyền sống nữa.

Thầy giáo: Không có quyền? Trước mụ già khốn kiếp này ư, trước ả điếm thập thành mặt dạn mày dầy thay chồng soành soạch trước mắt chúng ta và thu mua linh hồn chúng ta ư?

Ill: Tôi đã có lỗi trong chuyện này.

Thầy giáo: Lỗi à?

Ill: Tôi đã khiến Klara trở thành con người hiện tại của bà ấy, còn mình trở thành một kẻ bán hàng vặt nhớp nhúa lươn lẹo. Tôi phải làm gì, hở thầy? Đóng vai kẻ vô tội chăng? Tất cả đều do tôi gây ra: hai gã hoạn nô, người hầu, cỗ quan tài, số tiền bạc tỷ. Tôi chẳng còn làm gì được cho mình lẫn cho các người nữa.

 

Thầy giáo khó nhọc đứng lên, loạng choạng.

 

Thầy giáo: Bỗng dưng tôi tỉnh rượu. Loạng choạng đi tới ông Ill. Ông có lý, hoàn toàn có lý. Ông có lỗi trong mọi chuyện. Giờ đây, ông Alfred Ill ạ, tôi muốn nói với ông đôi điều cơ bản. Đứng thẳng trước mặt ông Ill, chỉ còn hơi loạng choạng. Người ta sẽ giết ông. Tôi biết thế ngay từ đầu và ông cũng biết từ lâu rồi, cho dù ở Guellen chẳng ai muốn chấp nhận cả. Sự cám dỗ thì quá lớn mà chúng ta thì quá nghèo. Nhưng tôi còn biết nhiều hơn nữa. Ngay chính tôi cũng sẽ tham dự vào. Tôi cảm thấy mình dần dần thành kẻ giết người. Lòng tin của tôi vào sự nhân đạo cũng bất lực. Bởi vì biết như thế nên tôi mới nhậu cho say khướt. Ông Ill ạ, tôi sợ tôi như ông sợ chính mình vậy. Hiện giờ tôi vẫn còn biết rằng sẽ có một ngày bà già ấy tìm đến chúng ta và chuyện gì xẩy đến với ông lúc này sẽ xẩy đến với chúng tôi, nhưng chẳng bao lâu nữa, có thể chỉ sau vài giờ thôi, tôi sẽ chẳng còn biết gì nữa cả. Im lặng. Cho tôi thêm một chai Steinhaeger.

  

Ông Ill đưa chai rượu, thầy giáo ngập ngừng một lúc rồi cả quyết cầm lấy.

  

Thầy giáo: Ông ghi sổ cho. Chậm chạp đi ra.

 

Cả gia đình quay vào. Ông Ill nhìn quanh cửa hàng, như thể đang mơ.

 

Ill: Mọi thứ đều mới. Cửa hàng mình bây giờ trông tân tiến gớm. Sạch sẽ, ngon mắt. Tôi vẫn luôn mơ có một cửa hàng như thế này. Cầm cây vợt từ tay con gái. Con chơi quần vợt à?

Con gái: Con chơi có vài tiếng thôi.

Ill: Sáng sớm đã chơi rồi à? Thay vì đến Sở lao động tìm việc làm.

Con gái: Bạn con ai cũng chơi quần vợt cả.

 

Im lặng.

  

Ill: Karl, từ trong phòng nhìn ra bố thấy con lái xe ô-tô.

Con trai: Cái xe Opel Olympia ấy mà, có đắt gì đâu.

Ill: Con học lái xe hồi nào?

 

Im lặng.

 

Ill: Thay vì ra ga đứng dưới nắng chói chang chờ xem có việc hay không chứ gì?

Con trai: Thỉnh thoảng thôi. Lúng túng khuân cái thùng (thầy giáo đã ngồi) đi ra phía bên phải.

Ill: Tôi tìm bộ quần áo mặc ngày chủ nhật thì lại thấy một cái áo lông.

Bà Ill: Hàng để thử  76 đấy mà.

 

Im lặng.

 

Bà Ill: Ai cũng mang nợ cả, Fredi ạ. Chỉ có riêng mình là cuống cả lên. Mình chỉ sợ bóng sợ gió. Rõ ràng là vụ này sẽ được dàn xếp êm thắm mà chẳng ai đụng đến một sợi tóc của mình. Klaerchen không có thẳng tay vậy đâu, tôi biết bà ấy có lòng nhân ái mà.

Con gái: Đúng đấy, bố ạ.

Con trai: Bố cũng phải thấy thế chứ.

  

Im lặng.

 

Ill chậm rãi: Hôm nay là thứ bẩy. Karl này, bố muốn được đi xe của con, một lần duy nhất thôi. Xe của nhà mình.

Con trai nghi ngại: Bố muốn à?

Ill: Cả nhà mặc đẹp vào. Ta đi chung với nhau.

Bà Ill nghi ngại: Tôi cũng cùng đi à? Chướng lắm.

Ill: Sao lại chướng? Mình mặc cái áo lông vào; nhân dịp này ‚khai trương’ nó một thể. Trong khi chờ mẹ con chuẩn bị, tôi tính sổ thu nhập.

 

Bà mẹ và con gái đi ra về phía bên phải, người con trai phía trái, ông Ill tính toán ở két thu tiền. Thị trưởng cầm súng đi vào từ bên trái.

 

Thị trưởng: Chào ông Ill 77. Ông cứ làm việc tự nhiên. Tôi chỉ tạt vào một lúc thôi.

Ill: Vâng.

 

Im lặng.

 

Thị trưởng: Tôi mang súng đến.

Ill: Cám ơn.

Thị trưởng: Súng nạp đạn rồi đấy.

Ill: Tôi không cần đâu.

 

Thị trưởng dựa súng vào quầy hàng.

  

Thị trưởng: Tối nay toàn dân phố sẽ họp 78 ở phòng diễn kịch của khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’.

Ill: Tôi sẽ đến.

Thị trưởng: Mọi người đến cả. Chúng tôi bàn về trường hợp của ông. Chúng tôi ở trong thế kẹt.

Ill: Tôi cũng thấy thế.

Thị trưởng: Đề nghị của bà ấy sẽ bị bác bỏ.

Ill: Có thể.

Thị trưởng: Ai cũng có lúc nhầm lẫn.

Ill: Tất nhiên.

 

Im lặng.

 

Thị trưởng thận trọng: Ông Ill này, trong trường hợp đó ông chấp nhận sự phán quyết chứ? Báo chí cũng sẽ có mặt đấy nhé.

Ill: Báo chí à?

Thị trưởng: Cả đài truyền thanh, truyền hình nữa. Thật là một tình huống khó xử không chỉ cho ông mà cho cả chúng tôi nữa; cứ tin tôi đi. Vì đây là quê quán của bà ấy và vì đám cưới của bà ấy tổ chức tại nhà thờ lớn thành ra chúng ta nổi tiếng đến nỗi người ta sẽ làm một phóng sự về thể chế dân chủ có truyền thống lâu đời của chúng ta đấy.

Ill vẫn bận bịu tính toán ở két: Ông không công bố đề nghị của bà ấy à?

Thị trưởng: Không nói thẳng, chỉ những người biết chuyện này mới hiểu ý nghĩa của buổi họp thôi.

Ill: Họp để quyết định về mạng sống của tôi.

 

Im lặng.

 

Thị trưởng: Tôi sẽ lái báo chí tới chỗ có thể khiến cho bà Zachanassian lập ra một Quỹ mang tên bà ấy và người môi giới cho chuyện này là ông, người bạn thời trẻ của bà. Ai cũng biết rằng ông là bạn của bà ấy thật. Như thế thì về bề ngoài ông sẽ sạch hết tai tiếng và điều này sẽ đạt được thôi.

Ill: Ông thật có lòng đối với tôi.

Thị trưởng: Tôi làm thế không phải vì ông đâu, mà vì thương cái gia đình đàng hoàng, lương thiện của ông; tôi nói thật đấy.

Ill: Tôi hiểu.

Thị trưởng: Chúng ta không chơi xấu nhau, ông phải công nhận như thế. Cho tới nay ông không hé môi. Tốt. Nhưng liệu ông có tiếp tục im lặng nữa không? Nếu ông muốn nói ra thì chúng ta sẽ phải giải quyết mọi chuyện mà không cần đến buổi họp tối nay.

Ill: Tôi hiểu.

Thị trưởng: Ông nghĩ sao?

Ill: Tôi rất mừng được nghe một lời đe dọa không úp mở.

Thị trưởng: Ông Ill, tôi đâu có đe dọa ông, ông mới là mối đe doạ cho chúng tôi chứ. Nếu ông nói ra thì buộc lòng chúng tôi phải hành động, phải ra tay trước.

Ill: Tôi sẽ im lặng.

Thị trưởng: Dù buổi họp sẽ quyết định thế nào đi nữa?

Ill: Tôi cũng chấp nhận quyết định ấy.

Thị trưởng: Hay lắm.

 

Im lặng.

 

Thị trưởng: Ông Ill này, tôi rất mừng trước việc ông chịu phục tùng sự phán quyết của toàn dân phố. Trong con người ông vẫn còn nhen nhúm chút lòng tự trọng. Song nếu tối nay chúng ta không cần phải triệu tập buổi họp để phán quyết chẳng hay hơn ư?

Ill: Ý ông muốn nói gì?

Thị trưởng: Hồi nẫy ông nói rằng ông không cần đến khẩu súng. Biết đâu ông cần đến nó thật.

 

Im lặng.

  

Thị trưởng: Như thế thì rồi chúng tôi sẽ có thể nói với bà ấy rằng chúng tôi đã kết án ông và nhận số tiền. Tôi đã phải thao thức nhiều đêm mới nghĩ ra đề nghị này đấy, ông hãy tin tôi đi. Đúng ra thì việc kết liễu đời mình là trách nhiệm của ông, như một chính nhân quân tử gánh chịu hậu quả của việc mình làm, phải thế không nào? Chỉ cần nghĩ đến tình cảm đối với cộng đồng, tình yêu đối với quê quán thôi. Ông hẳn phải thấy cảnh nghèo nàn thảm hại của chúng ta, cảnh khốn cùng, đám trẻ con đói khổ...

Ill: Nhưng bây giờ các người sướng quá rồi.

Thị trưởng: Ông Ill!

Ill: Ông thị trưởng này, tôi đã sống qua những ngày như trong địa ngục rồi, vì tôi thấy các người mua sắm chịu như thế nào và cảm thấy cái chết đến gần mình theo từng dấu hiệu của sự phồn vinh. Nếu như những ngày qua các người tránh không gây cho tôi nỗi sợ kinh hoàng đó thì mọi sự đã khác rồi, chúng ta đã có thể nói chuyện với nhau cách khác và hẳn tôi sẽ nhận khẩu súng này. Vì tình thương tôi giành cho các người. Thế nhưng tôi đã phải đóng cửa trốn, để rồi cuối cùng đã thắng được nỗi sợ của mình. Một mình tôi, chứ chẳng ai giúp cả. Khó khăn thật nhưng tôi đã vượt qua được. Giờ thì không còn lùi được nữa. Bây giờ mấy người phải làm quan tòa xử tôi thôi. Tôi phục tùng sự phán quyết của các người, dù nó thế nào đi nữa. Với tôi đó là sự công bình, còn các người coi đó là gì thì tôi không biết. Hy vọng rằng các người phán quyết đúng. Các người có giết, tôi cũng sẽ không oán trách, không phản đối, không chống cự. Đó là việc của các người, tôi không làm thay được.

Thị trưởng cầm lấy khẩu súng: Thật đáng tiếc! Ông bỏ lỡ một cơ hội để gột rửa tai tiếng của mình, trở thành một con người ít nhiều lương thiện. Dĩ nhiên không ai có thể đòi hỏi ông được.

Ill: Thưa ông thị trưởng, lửa đây! 79 Châm thuốc cho thị trưởng.

 

Thị trưởng đi khỏi.

 

Bà vợ mặc áo lông, cô con gái mặc áo đỏ đi vào.

 

Ill: Mathilde, mình trông quý phái gớm.

Bà Ill: Áo lông cừu non đấy.

Ill: Như một mệnh phụ.

Bà Ill: Nhưng hơi đắt.

Ill: Áo của con đẹp đấy, Ottilie ạ. Nhưng có hơi hở hang quá chăng?

Con gái: Được chứ, bố. Bố mà thấy áo dạ hội của con thì phải biết.

 

Cửa hàng được dẹp đi. Người con trai đặt trên sân khấu trống trơ 4 cái ghế (giả làm xe).

 

Ill: Xe đẹp nhỉ. Suốt một đời tôi đã cố sức để tom góp chút của cải, có chút tiện nghi, chẳng hạn như có được chiếc xe này. Bây giờ, có nó rồi thì tôi muốn biết lúc ấy người ta nghĩ gì. Mathilde, mình ra sau ngồi với tôi, để Ottilie ngồi cạnh Karl.

 

Họ ngồi xuống ghế, làm như lái xe.

 

Con trai: Con có thể chạy 120 km một giờ.

Ill: Đừng nhanh thế. Bố muốn được ngắm nhìn vùng này, thị trấn này, nơi bố đã sống ngót bẩy mươi năm. Đường phố cổ sạch sẽ, nhiều đường đã được tu bổ. Các ống khói nhả ra khói xám, các cửa sổ treo đầy bồn phong lữ. Hoa hướng dương, hoa hồng mọc đầy trong các khu vườn ở cửa ô mang tên Goethe. Trẻ nhỏ cười đùa; đâu đâu cũng thấy các cặp tình nhân. Cái toà nhà mới xây ở quảng trường Brahms trông hiện đại quá nhỉ.

Bà Ill: Của ông Kaffee-Hodel đấy.

Con gái: Ông bác sĩ có cái xe Mercedes 300 ấy mà.

Ill: Vùng đồng trống và khu đồi phía sau kia hôm nay cứ như giát vàng ấy. Những bóng râm nuốt chửng xe mình trước khi nó chui ra được ánh sáng mới lớn làm sao. Những cần cẩu của các xưởng máy của hãng Wagner phía chân trời và những ống khói của hãng Bockmann thật khổng lồ.

Con trai: Thành phố muốn mua các hãng ấy đấy.

Ill: Con nói sao?

Con trai nói to hơn: Thành phố muốn mua các hãng ấy. Bóp còi.

Bà Ill: Mấy cái xe kia trông ngộ gớm.

Con trai: Xe hiệu Messerschmidt  80 đấy, mẹ ạ. Cậu học việc nào cũng phải mua nổi một cái như thế mới đúng.

Con gái: C´est terrible 81.

Bà Ill: Ottilie học lớp bổ túc về tiếng Pháp và tiếng Anh.

Ill: Thiết thực đấy. Kia là quán rượu của ông Kuebler. Lâu nay bố không đi ra ngoài.

Con trai: Sẽ thành một quán ăn.

Ill: Chạy nhanh thế này thì con phải nói to hơn bố mới nghe được.

Con trai nói to hơn: Quán rượu ấy sẽ thành một tiệm ăn. Đúng là ông Stocker rồi. Lái cái xe Buick 82 vượt hết mọi người.

Con gái: Một tay giầu mới.

Ill: Bây giờ con lái về thung lũng Pueckenried đi. Chạy qua khu đồng hoang, xuyên con đường trồng bạch dương quanh cái lâu đài mà xưa kia tuyển hầu Hasso về ở vào mỗi dịp săn bắn. Trời đầy những đám mây dị dạng, chồng lên nhau như thể đang mùa hè. Thật là một vùng đất đẹp, ngập trong ráng chiều. Bố có cảm tưởng như mới thấy lần đầu.

Con gái: Tâm trạng như trong thơ của Adalbert Stifter 83 vậy.

Ill: Của ai?

Bà Ill: Ottilie còn học cả văn chương nữa đấy.

Ill: Toàn là những môn cao cấp cả.

Con trai: Bác Hofbauer với cái xe Volkswagen kìa. Từ Kaffingen về.

Con gái: Với bầy heo sữa.

Bà Ill: Karl lái vững thật, cắt cua thật là điệu nghệ. Đi xe với nó thì chả sợ.

Con trai: Lên dốc. Phải chạy số một.

Ill: Lần nào cuốc bộ lên dốc này bố cũng như muốn đứt hơi.

Bà Ill: Tôi mặc cái áo lông này mà lại may. Trời trở lạnh rồi đấy.

Ill: Con lộn đường rồi. Đường này đi về Beisenbach. Phải vòng lại rồi rẽ trái, vào rừng Konradsweiler.

  

Bốn người (ở màn I) khiêng ghế dài đi tới. Lần này họ mặc áo đuôi tôm, giả làm cây.

 

Người thứ nhất: Bọn mình lại là linh sam, giẻ gai.

Người thứ hai: Là chim gõ kiến, là tu hú, là hươu nai nhút nhát.

Người thứ ba: Là vòm dây thường xuân.

Người thứ tư: Là tâm tình thời tiền sử thường được ngợi ca.

 

Người con trai bóp còi.

 

Con trai: Lại một con nai! Chẳng chịu chạy đi.

 

Người thứ ba nhẩy vọt đi.

 

Con gái: Chúng quen người quá rồi, không còn hoàn toàn là thú rừng nữa.

Ill: Ngừng lại dưới mấy cái cây đó đi con.

Con trai: Vâng, thì ngừng.

Bà Ill: Mình muốn làm gì chứ?

Ill: Tản bộ trong rừng thôi. Đứng lên. Tiếng chuông từ Guellen vẳng đến đây nghe rất hay. Hết giờ làm việc rồi.

Con trai: Bốn cái chuông. Lúc này nghe mới thật là đã.

Ill: Tất cả đều vàng hết. Mùa thu đến thật rồi. Lá vàng đầy đất khác nào đống vàng thật. Bước mạnh trong rừng.

Con trai: Mẹ và chúng con đợi bố dưới kia, chổ cầu Guellen.

Ill: Không cần đâu. Bố sẽ băng rừng qua phố, đi họp với người thành phố.

Bà Ill: Vậy tôi với hai con đi Kalberstadt xem xi-nê, Fredi nhé.

Con gái: So long, Daddy 84!

Bà Ill: Lát nữa gặp lại nhé! Lát nữa!

 

Vợ con ông Ill biến mất cùng với các ghế. Ông nhìn theo họ rồi ngồi xuống cái ghế dài ở bên trái.

 

Tiếng gió thổi. Từ bên phải Roby và Toby kiệu bà Claire Zachanassian đi ra. Bà vẫn mặc bộ áo quần quen thuộc. Roby đeo cây đàn ghi-ta sau lưng. Đi cạnh kiệu là ông chồng thứ 9, giải Nobel văn chương; vóc người cao, thon, tóc hoa râm, để râu mép. (Có thể vẫn do cùng một diễn viên đóng.) Người hầu đi theo sau.

 

Claire Zachanassian: Rừng Konradsweiler đây. Roby, Toby, ngừng lại.

 

Claire Zachanassian xuống kiệu, ngắm nhìn cánh rừng qua cái kính một tròng , vuốt lưng người - cái cây - thứ nhất.

 

Claire Zachanassian: Đầy loại bọ hung ăn vỏ cây. Cây này đang chết. Nhận ra ông Ill. Alfred! Rất mừng được gặp ông. Tôi đi thăm cánh rừng của tôi!

Ill: Cả cánh rừng Konradsweiler này cũng thuộc về bà sao?

Claire Zachanassian: Phải. Cho phép tôi ngồi cạnh ông chứ?

Ill: Xin mời. Tôi vừa mới tạm biệt vợ con xong. Bà nhà tôi với tụi nhỏ đi xi-nê. Karl mới vừa sắm chiếc xe.

Claire Zachanassian: Cái đó gọi là tiến bộ. Ngồi xuống bên phải ông Ill.

Ill: Ottilie học một khoá văn chương. Nó học cả tiếng Anh và tiếng Pháp.

Claire Zachanassian: Chúng bắt đầu hiểu lý tưởng là gì, ông thấy chưa. Zoby, cúi chào đi. Chồng thứ chín của tôi đấy. Đoạt giải Nobel.

Ill: Rất hân hạnh.

Claire Zachanassian: Khi nào không suy nghĩ thì ông ta rất là độc đáo. Zoby, đừng suy nghĩ gì nữa.

Ông chồng thứ chín: Cưng, thế nhưng mà...

Claire Zachanassian: Đừng làm bộ làm tịch.

Ông chồng thứ chín: Thôi được. Thôi không suy tư nữa.

Claire Zachanassian: Ông thấy chưa, bây giờ trông chồng tôi cứ như một nhà ngoại giao. Ông ấy làm tôi liên tưởng đến bá tước Holk, chỉ khác là ông bá tước này không viết sách thôi. Nhà tôi muốn rút về viết hồi ký và quản lý tài sản của tôi.

Ill: Xin chúc mừng.

Claire Zachanassian: Tôi cảm thấy không ổn. Người ta có chồng để chưng với thiên hạ chứ không phải để làm đồ dùng. Zoby, mình hãy đi tham quan đi. Khu phế tích nằm ở phía bên trái ấy.

 

Ông chồng thứ chín đi tham quan. Ông Ill nhìn quanh.

 

Ill: Hai lão hoạn nô đâu?

Claire Zachanassian: Chúng bắt đầu kể lể nhăng cuội, thế là tôi tống chúng đi Bangkok, đến một trong những ổ thuốc phiện của tôi. Ở đó chúng được hút và mơ mộng. Rồi chẳng bao lâu nữa lão người hầu cũng theo chân chúng nốt. Tôi sẽ chẳng cần đến lão nữa. Boby, đưa một điếu Romeo và Juliette đây.

 

Người hầu từ phía phông đi tới, đưa bà hộp đựng thuốc lá.

 

Claire Zachanassian: Ông hút một điếu không, Alfred?

Ill: Có.

Claire Zachanassian: Ông lấy đi. Boby, châm lửa.

 

Họ hút thuốc.

 

Ill: Thuốc thơm quá.

Claire Zachanassian: Trong cánh rừng này mình thường hay cùng hút, ông còn nhớ không? Thuốc của ông mua hay thuổng được ở chỗ Mathilde.

 

Người thứ nhất gõ chìa khoá vào ống tẩu.

 

Claire Zachanassian: Lại con chim gõ kiến.

Người thứ tư: Cúc cu! Cúc cu!

Ill: Chim tu hú.

Claire Zachanassian: Roby gẩy ghi-ta cho ông nghe nhé?

Ill: Cứ tự nhiên.

Claire Zachanassian: Tay giết người cướp của được ân xá này chơi đàn giỏi. Tôi cần gã trong những phút trầm tư. Tôi chúa ghét máy quay đĩa và rađiô.

Ill: Tôi muốn nghe bài ‚Một đoàn quân hành quân trong thung lũng đầy đá tảng ở châu Phi.’

Claire Zachanassian: Bài hát ông thích nhất! Tôi có dậy gã.

 

Im lặng. Họ hút thuốc. Tiếng tu hú kêu...Tiếng rừng rì rào. Roby chơi khúc nhạc.

  

Ill: Bà có... Ý tôi muốn nói là chúng mình có một đứa con à?

Claire Zachanassian: Đúng thế.

Ill: Trai hay gái?

Claire Zachanassian: Gái.

Ill: Bà đặt tên gì cho nó?

Claire Zachanassian: Genevieve.

Ill: Tên đẹp lắm.

Claire Zachanassian: Tôi chỉ thấy nó có một lần thôi, khi vừa sinh nó. Rồi người ta đem nó đi. Cơ quan cứu trợ Công giáo ấy mà.

Ill: Mắt nó mầu gì?

Claire Zachanassian: Lúc ấy còn chưa mở.

Ill: Thế tóc?

Claire Zachanassian: Đen, tôi tin thế, song trẻ sơ sinh thường thế cả.

Ill: Chắc thế.

 

Im lặng. Hút thuốc. Đàn ghi-ta.

 

Ill: Nó chết ở đâu?

Claire Zachanassian: Ở nhà người nuôi nó; tôi quên mất tên rồi.

Ill: Vì sao nó chết?

Claire Zachanassian: Nó bị sưng màng óc. Cũng có thể vì bệnh gì khác. Tôi nhận được giấy báo của cơ quan công quyền.

Ill: Chuyện báo tử thì có thể tin cậy họ được.

 

Im lặng.

 

Claire Zachanassian: Tôi đã kể về con gái chúng ta. Bây giờ ông kể về tôi đi.

Ill: Về bà?

Claire Zachanassian: Hồi tôi mười bẩy tuổi, khi ông yêu tôi, tôi như thế nào.

Ill: Một lần tôi phải tìm bà trong nhà kho của Peter, tìm mãi mới thấy bà trong cái xe ngựa, mặc có mỗi cái áo, ngậm một cọng rơm dài giữa đôi môi.

Claire Zachanassian: Hồi ấy ông khoẻ và gan dạ, dám đánh nhau với cái tay làm ở hỏa xa vẫn theo rờ rẫm tôi. Tôi đã lấy váy lót bằng vải đỏ lau vết máu trên mặt cho ông.

 

Tiếng ghi-ta tắt ngấm.

 

Claire Zachanassian: Khúc nhạc chấm dứt rồi.

Ill: Còn bài ‚Ôi, quê hương ngọt ngào yêu dấu’.

Claire Zachanassian: Roby cũng biết nữa.

 

Tiếng ghi-ta chơi bài mới.

 

Ill: Xong rồi chuyện quá khứ. Đây là lần cuối chúng ta cùng ngồi trong cánh rừng u ám đầy tiếng gió rít và chim tu hú.

 

Cây rung cành lá.

 

Ill: Tối nay toàn phố sẽ họp. Người ta sẽ kết án tử hình tôi, và một người sẽ giết tôi. Tôi không biết kẻ đó là ai và sẽ xẩy ra ở đâu; tôi chỉ biết rằng mình chấm dứt một cuộc sống vô nghĩa.

Claire Zachanassian: Tôi đã yêu ông, còn ông đã phản bội tôi. Thế nhưng giấc mơ về cuộc sống, về tình yêu, về sự tin cậy lẫn nhau, cái giấc mơ có thật ngày xưa ấy tôi không hề quên. Tôi muốn dựng lại nó với bạc tỷ của tôi; qua việc hủy diệt ông tôi muốn làm thay đổi quá khứ.

Ill: Cám ơn bà về các vòng cườm, hoa cúc và hoa hồng.

 

Gió lại rít..

  

Ill: Những thứ ấy đặt trên cái quan tài ở khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’ trông hợp lắm. Sang trọng nữa.

Claire Zachanassian: Tôi sẽ đem cái quan tài cùng với xác ông về Capri 85, rồi sẽ cho xây lăng tẩm trong vườn dinh thự của tôi, chung quanh trồng tùng bách. Trông ra Địa Trung Hải.

Ill: Tôi mới chỉ được xem hình những nơi đó thôi.

Claire Zachanassian: Nước biển xanh thẫm, cảnh quan hùng vĩ. Ông sẽ ở đó, vĩnh viễn bên tôi.

Ill: Giờ thì bài ‚Ôi quê hương ngọt ngào yêu dấu’ cũng vừa dứt rồi.

 

Ông chồng thứ chín quay trở về.

 

Claire Zachanassian: Nhà đoạt giải thưởng Nobel vừa từ khu phế tích trở về. Thế nào, Zoby?

Ông chồng thứ chín: Di tích về thời kỳ phôi thai của đạo Cơ đốc, bị quân Hung nô tàn phá 86.

Claire Zachanassian: Thật đáng tiếc. Mình đưa tay cho tôi vịn. Kiệu đâu, Roby Toby!

 

Bà lên kiệu.

 

Claire Zachanassian: Vĩnh biệt, Alfred.

Ill: Vĩnh biệt, Klara.

 

Kiệu được khiêng ra sau, ông Ill ngồi lại trên ghế. Mấy cái cây vẫn tiếp tục rung cành. Từ trên thòng xuống một cổng nhà hát dùng làm phông với màn treo, rèm và hàng chữ ‚Cuộc đời thì nghiêm trọng, nghệ thuật là vui tươi’. Từ phông tiến ra viên cảnh sát trong bộ đồng phục mới, rất đẹp, ngồi xuống cạnh ông Ill. Một phóng viên truyền thanh tới, nói vào mi-crô trong khi người dân Guellen tề tựu lại. Họ đều mặc lễ phục mới và trang trọng, các ông mang áo đuôi tôm. Đâu đâu cũng thấy phó nhòm, nhà báo và máy quay phim.

 

Phóng viên truyền thanh: Thưa quí vị thính giả. Sau khi quay phim tại ngôi nhà mà bà Zachanassian đã sinh ra và sau buổi nói chuyện với ông mục sư chúng tôi được cùng tham dự một buổi sinh hoạt của thành phố. Chúng ta sẽ chứng kiến cao điểm của chuyến viếng thăm mà bà Claire Zachanassian giành cho cái thành phố quê hương vừa đáng mến vừa thoải mái này. Tuy người đàn bà lừng danh này không có mặt, nhưng ông thị trưởng sẽ tuyên đọc một bố cáo quan trọng. Hiện chúng tôi đang đứng tại phòng diễn kịch trong khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’, tại chính cái khách sạn mà Goethe đã từng trọ. Quí ông hội họp trên cái sân khấu thường vẫn để cho các hội đoàn sinh hoạt, cũng như để đoàn kịch của thành phố Kalberstadt trình diễn mỗi lần đến đây. Việc chỉ có quí ông hội họp với nhau là theo truyền thống, như ông thị trưởng cho biết. Các bà ngồi ở phần giành cho khán giả, đây cũng là do tập quán 87. Bầu không khí rất là trang trọng và căng thẳng tột độ. Đoàn làm phim thời sự có mặt, cùng với các đồng nghiệp của tôi ở đài truyền hình và phóng viên từ khắp thế giới. Bây giờ ông thị trưởng bắt đầu nói.

 

Người phóng viên cầm mi-crô đi lại phía thị trưởng đang đứng ở giữa sân khấu. Cánh đàn ông Guellen đứng quanh ông ta, theo hình bán nguyệt.

 

Thị trưởng: Tôi xin chào mừng bà con thành phố Guellen. Tôi tuyên bố khai mạc. Vấn đề thảo luận: chỉ một điểm duy nhất. Tôi lấy làm vinh dự được công bố rằng bà Claire Zachanassian, con gái của một đồng bào nổi tiếng của thành phố chúng ta, kiến trúc sư Gottfried Waescher, dự định tặng chúng ta một tỷ.

 

Tiếng thì thào lan trong giới báo chí.

 

Thị trưởng: Năm trăm triệu cho thành phố, năm trăm triệu chia đều cho mọi người dân.

 

Im lặng.

 

Phóng viên truyền thanh hạ giọng: Quí vị thính giả thân mến, thật là một tin bất ngờ ghê gớm. Một món quà tặng khiến thoắt một cái người dân của một thành phố nhỏ trở thành những người sung túc. Đây là một trong những thử nghiệm có tính xã hội lớn nhất của thời đại chúng ta. Mọi người như thể mê đi. Lặng như tờ. Sự xúc động hiện trên mọi khuôn mặt.

Thị trưởng: Tôi nhường lời cho thầy giáo.

 

Phóng viên truyền thanh cầm mi-crô lại gần thầy giáo.

  

Thầy giáo: Thưa bà con Guellen. Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng với món quà tặng này bà Zachanassian muốn một điều nhất định. Đó là điều gì? Có phải bà muốn dùng tiền làm cho chúng ta hạnh phúc, trải vàng ngập chúng ta, muốn chỉnh đốn lại xưởng Wagner, hãng luyện kim ‚Chỗ đứng dưới ánh mặt trời’, hãng Bockmann không? Bà con biết rằng không phải như thế. Bà Claire Zachanassian trù tính điều quan trọng hơn. Bà muốn, với bạc tỷ này, có được sự công bình. Sự công bình. Bà muốn rằng cộng đồng chúng ta trở nên công bằng. Đòi hỏi này khiến chúng ta kinh ngạc. Chẳng lẽ cộng đồng chúng ta không công bằng sao?

Người thứ nhất: Chưa bao giờ!

Người thứ hai: Chúng ta đã dung túng một tội ác...

Người thứ ba: ... Một bản án sai trái...

Người thứ tư: ... Sự khai man...

Một giọng đàn bà: ... Một kẻ đốn mạt!

Những tiếng nói khác: Đúng lắm!

Thầy giáo: Thưa bà con Guellen! Đây chính là sự thật cay đắng: chúng ta đã dung túng một sự bất công. Tôi hoàn toàn ý thức được bạc tỷ kia cho chúng ta những khả năng vật chất gì, tôi tuyệt đối không quên rằng đói nghèo là nguyên nhân của biết bao chuyện xấu xa, chua xót. Tuy nhiên, vấn đề không phải là tiền - vỗ tay nhiệt liệt – không phải là phồn vinh và no đủ, không phải là xa hoa, mà là chúng ta có muốn thực hiện công bằng hay không, và không phải chỉ công bằng thôi mà tất cả những lý tưởng mà ông cha chúng ta đã sống, đã tranh cãi và đã chết vì chúng, những lý tưởng làm nên giá trị của nền văn minh Cơ đốc! Vỗ tay nhiệt liệt. Tự do sẽ gặp nguy cơ, khi mà lòng nhân đức bị xâm phạm, khi mà điều răn bảo vệ kẻ yếu bị coi thường, tình chồng vợ bị phỉ báng, toà án bị lừa gạt, một người mẹ trẻ bị đẩy vào cảnh khốn cùng. La ó. Chính vì thế mà, nhân danh Chúa, nay chúng ta phải nghiêm chỉnh, hết sức nghiêm chỉnh thực hiện những lý tưởng này. Tán thưởng nhiệt liệt. Giầu sang sẽ chỉ có ý nghĩa khi từ đó nẩy sinh lòng khoan dung. Song chỉ những kẻ khao khát khoan dung mới được khoan dung. Thưa bà con thành phố Guellen, bà con có sự khao khát đó không, sự khao khát của tâm hồn, chứ không chỉ là thứ khao khát khác, trần tục, sự khao khát của thể xác? Đó chính là câu hỏi mà tôi, hiệu trưởng trường trung học, muốn đặt ra. Chỉ khi nào bà con không thể chịu nổi sự xấu xa, chỉ khi nào bà con không thể sống nổi trong một thế giới bất công dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào thì bà con mới được nhận bạc tỷ của bà Zachanassian và thực hiện cái điều kiện kèm theo tặng phẩm này. Thưa bà con thành phố Guellen, tôi yêu cầu bà con hãy suy nghĩ về điều này.

  

Vỗ tay như sấm.

 

Phóng viên truyền thanh: Quí vị đã nghe tiếng vỗ tay. Tôi thật sự choáng váng. Lời phát biểu của ông hiệu trưởng đã chứng tỏ một tầm vóc đạo đức mà ngày hôm nay, tiếc thay, chúng ta ít còn được thấy. Ở đây người ta đã mạnh dạn vạch ra sự bê bối về nhiều mặt, chỉ rõ sự bất công vẫn có ở mọi thành phố, ở bất cứ nơi nào có mặt con người.

Thị trưởng: Ông Alfred Ill...

Phóng viên truyền thanh: Ông thị trưởng lại lên tiếng.

Thị trưởng: Ông Alfred Ill, tôi có một câu hỏi đặt ra cho ông.

 

Viên cảnh sát huých ông Ill. Ông đứng lên. Phóng viên truyền thanh đem mi-crô đến.

 

Phóng viên truyền thanh: Bây giờ là tiếng nói của ông Alfred Ill, người bạn thời niên thiếu của nhà từ thiện; dựa trên đề nghị của ông mà Quỹ mang tên bà Zachanassian đã được thành lập. Ông Alfred Ill còn rất tráng kiện, khoảng chừng bẩy mươi tuổi, ngay thẳng, một người Guellen có gốc có rễ. Tất nhiên là ông xúc động, lòng đầy cảm kích và đắc ý.

Thị trưởng: Ông Alfred Ill, nhờ có ông mà chúng tôi được món quà này, ông biết chứ nhỉ?

  

Ông Ill khẽ nói gì đó.

  

Phóng viên truyền thanh: Ông phải nói to hơn để thính giả của chúng tôi có thể hiểu được.

Ill: Tôi có biết.

Thị trưởng: Ông sẽ tôn trọng quyết định của chúng tôi về việc nhận hay từ chối Quỹ của bà Claire Zachanassian chứ?

Ill: Tôi sẽ tôn trọng.

Thị trưởng: Có ai muốn hỏi gì ông Alfred Ill không?

 

Im lặng.

 

Thị trưởng: Có ai muốn phát biểu gì về Quỹ của bà Zachanassian không?

 

Im lặng.

 

Thị trưởng: Ông mục sư?

 

Im lặng.

  

Thị trưởng: Ông bác sĩ?

 

Im lặng.

 

Thị trưởng: Cảnh sát?

 

Im lặng.

  

Thị trưởng: Phe đối lập?

 

Im lặng.

  

Thị trưởng: Tôi bước qua phần bỏ phiếu.

 

Im lặng. Chỉ có tiếng máy quay phim và ánh đèn flát.

 

Thị trưởng: Ai thật lòng muốn thực hiện sự công bình, xin giơ tay.

 

Trừ ông Ill, mọi người đều giơ tay.

 

Phóng viên truyền thanh: Phòng diễn kịch chìm trong sự im lặng đầy thành kính. Chỉ thấy một rừng cánh tay giơ cao như một lời thề mạnh mẽ vì một thế giới tốt đẹp hơn, công bình hơn. Chỉ có ông già kia là ngồi bất động, choáng ngợp vì vui sướng. Ông đã đạt mục đích là gây dựng một Quỹ với sự trợ giúp của người bạn gái thời niên thiếu giầu lòng từ thiện.

Thị trưởng: Quỹ của bà Claire Zachanassian đã được chấp nhận. Nhất trí. Nhưng không phải vì tiền...

Mọi người: Không phải vì tiền...

Thị trưởng: Mà vì sự công bình...

Mọi người: Mà vì sự công bình...

Thị trưởng: Và vì lương tâm cắn rứt.

Mọi người: Và vì lương tâm cắn rứt.

Thị trưởng: Vì chúng ta không thể sống được, nếu chúng ta dung túng tội ác trong lòng cộng đồng...

Mọi người: Vì chúng ta không thể sống được, nếu chúng ta dung túng tội ác trong lòng cộng đồng...

Thị trưởng: Chúng ta phải tiêu diệt tội ác...

Mọi người: Chúng ta phải tiêu diệt tội ác...

Thị trưởng: Để linh hồn chúng ta...

Mọi người: Để linh hồn chúng ta...

Thị trưởng: ...Và những giá trị thiêng liêng nhất của chúng ta khỏi bị phương hại.

Mọi người: ...Và những giá trị thiêng liêng nhất của chúng ta khỏi bị phương hại.

Ill hét lên: Chúa ơi!

 

Mọi người đứng giơ tay một cách trang trọng, chợt máy quay của đội làm phim thời sự bị trục trặc.

 

Người quay phim: Thật đáng tiếc, ông thị trưởng ạ. Đèn chiếu bị trục trặc. Yêu cầu bỏ phiếu lần nữa.

Thị trưởng: Bỏ phiếu lần nữa à?

Người quay phim: Để quay phim thời sự.

Thị trưởng: Ừ nhỉ.

Người quay phim: Đèn chiếu ổn chưa?

Một giọng nói: Ổn rồi.

Người quay phim: Nào ta bắt đầu!

 

Thị trưởng lấy điệu bộ.

 

Thị trưởng: Ai thật lòng muốn thực hiện sự công bình, xin giơ tay.

 

Mọi người giơ tay.

 

Thị trưởng: Quỹ của bà Claire Zachanassian đã được chấp nhận. Nhất trí. Nhưng không phải vì tiền...

Mọi người: Không phải vì tiền...

Thị trưởng: Mà vì sự công bình...

Mọi người: Mà vì sự công bình...

Thị trưởng: Và vì lương tâm cắn rứt.

Mọi người: Và vì lương tâm cắn rứt.

Thị trưởng: Vì chúng ta không thể sống được, nếu chúng ta dung túng tội ác trong lòng cộng đồng...

Mọi người: Vì chúng ta không thể sống được, nếu chúng ta dung túng tội ác trong lòng cộng đồng...

Thị trưởng: Chúng ta phải tiêu diệt tội ác...

Mọi người: Chúng ta phải tiêu diệt tội ác...

Thị trưởng: Để linh hồn chúng ta...

Mọi người: Để linh hồn chúng ta...

Thị trưởng: ...Và những giá trị thiêng liêng nhất của chúng ta khỏi bị phương hại.

Mọi người: ...Và những giá trị thiêng liêng nhất của chúng ta khỏi bị phương hại.

 

Im lặng

 

Người quay phim gọi khẽ: Kìa, ông Ill!

 

Im lặng.

 

Người quay phim thất vọng: Đành thôi vậy. Đáng tiếc, lần này không có tiếng reo ‚Chúa ơi’, cái tiếng reo thật đã gây ấn tượng rất đặc biệt.

Thị trưởng: Mời các ông nhà báo, đài truyền thanh và phim thời sự dự một bữa ăn trong phòng ăn. Tốt nhất quí vị dùng lối ra của sân khấu để rời khỏi phòng diễn kịch này. Mời các bà ra vườn của khách sạn ‚Thánh tông đồ vàng’ dùng trà.

 

Nhà báo, người của đài truyền thanh và làm phim theo bên phải đi ra phía sau. Mọi người khác ngồi bất động trên sân khấu. Ông Ill đứng lên, định đi.

 

Viên cảnh sát: Ở lại! Ấn ông Ill ngồi xuống ghế.

Ill: Mấy người muốn làm ngay hôm nay ư?

Viên cảnh sát: Tất nhiên.

Ill: Tôi tưởng xẩy ra ở nhà tôi là hay nhất.

Viên cảnh sát: Ở đây thôi.

Thị trưởng: Không còn ai trong phòng khán giả nữa chứ?

 

Người thứ ba và người thứ tư ngó xuống dưới.

 

Người thứ ba: Không còn ai cả.

Thị trưởng: Trên lô ban công?

Người thứ tư: Hết luôn.

Thị trưởng: Đóng hết cửa lại. Không ai được phép vào phòng này nữa.

 

Người thứ ba và người thứ tư đi xuống phòng khán giả.

 

Người thứ ba: Đóng rồi.

Người thứ tư: Đóng rồi.

Thị trưởng: Tắt đèn đi. Ánh trăng rằm chiếu qua các cửa sổ ở lô ban công là đủ rồi.

 

Sân khấu trở nên tối. Bóng người mờ mờ dưới ánh trăng yếu ớt.

 

Thị trưởng: Ta xếp hàng thành một lối đi.

 

Người dân Guellen xếp hàng, làm thành một lối đi nhỏ; người đứng cuối cùng là anh chàng nhào lộn, lúc này mặc quần trắng lịch sự, lưng quấn khăn đỏ..

 

Thị trưởng: Xin mời ông mục sư!

 

Mục sư đi từ từ lại chỗ ông Ill, ngồi xuống bên cạnh.

 

Mục sư: Ông Ill, giờ của ông đã điểm rồi.

Ill: Cho tôi một điếu thuốc.

Mục sư: Một điếu thuốc, ông thị trưởng.

Thị trưởng sốt sắng: Dĩ nhiên. Loại đặc biệt ngon.

 

Đưa gói thuốc cho ông mục sư. Ông này chìa cho ông Ill. Ông Ill lấy một điếu; viên cảnh sát châm lửa. Mục sư đưa trả thị trưởng bao thuốc.

 

Mục sư: Như đức tiên tri Amos 88 đã nói...

Ill: Thôi ông đừng nói nữa. Hút thuốc.

Mục sư: Ông không sợ sao?

Ill: Chẳng sợ gì mấy nữa. Hút.

Mục sư lúng túng: Tôi sẽ cầu nguyện cho ông.

Ill: Ông nên cầu nguyện cho Guellen thì hơn. Hút.

 

Mục sư từ từ đứng lên.

 

Mục sư: Xin Chúa đoái thương chúng con.

 

Mục sư từ từ lại đứng vào hàng người.

 

Thị trưởng: Đứng lên, ông Alfred Ill!

 

Ill do dự.

 

Viên cảnh sát: Đứng lên, đồ khốn. Túm ông Ill kéo lên.

Thị trưởng: Thầy đội, bình tĩnh nào!

Viên cảnh sát: Xin lỗi. Tôi bỗng nhiên phát khùng.

Thị trưởng: Nào, ông Ill.

 

Ông Ill buông điếu thuốc lá, lấy chân dụi, rồi từ từ đi ra giữa sân khấu, quay lưng về phía khán giả.

 

Thị trưởng: Ông đi vào lối đi kia kìa.

 

Ill ngần ngại.

 

Viên cảnh sát: Đi đi!

 

Ông Ill chậm chạp đi vào giữa hai hàng người im lặng giàn thành lối đi. Cuối lối đi ông bị gã nhào lộn chắn lại. Ông Ill dừng bước, quay lại nhìn thấy lối đi khép lại một cách không thương tiếc, bèn qụy xuống. Lối đi biến thành một đám người chen chúc, lặng lẽ, túm tụm lại, từ từ quì gối. Im lặng. Từ phía trước các nhà báo theo bên trái đi tới. Sân khấu sáng dần.

 

Nhà báo 1: Có chuyện gì thế này?

  

Đám người tản ra, im lặng tụ tập lại ở phông. Chỉ còn lại ông bác sĩ quì trước một xác người được phủ với một tấm khăn sọc trải bàn thường thấy ở các hiệu ăn. Bác sĩ đứng lên, gỡ ống nghe.

 

Bác sĩ: Đứng tim.

 

Im lặng.

 

Thị trưởng: Chết vì hân hoan tột độ.

Nhà báo 1: Chết vì hân hoan tột độ.

Nhà báo 2: Chính cuộc đời mới viết nên được những câu chuyện tuyệt vời nhất.

Nhà báo 1: Bắt tay vào việc thôi.

Các nhà báo rảo bước theo bên phải ra phía sau. Từ bên trái bà Claire Zachanassian bước ra, có người hầu đi theo. Bà thấy cái xác, dừng lại, rồi chậm chạp đi ra giữa sân khấu, quay lưng lại khán giả.

 

Claire Zachanassian: Đem ông ấy lại đây.

 

Roby và Toby khiêng cáng tới, đặt ông Ill lên rồi đem để dưới chân bà Claire Zachanassian.

 

Claire Zachanassian bất động: Kéo khăn ra, Boby!

 

Người hầu kéo khăn khỏi mặt ông Ill. Bà lặng lẽ nhìn một lúc lâu.

 

Claire Zachanassian: Ông ấy lại giống như ngày xưa, lại là con báo đen của bao năm về trước. Phủ khăn lại!

 

Người hầu phủ khăn lại.

 

Claire Zachanassian: Đặt ông ấy vào trong quan tài.

 

Roby và Toby khiêng xác theo bên trái đi ra.

 

Claire Zachanassian: Boby, đưa ta vào phòng. Bảo họ thu xếp hành lý. Chúng ta đi Capri.

 

Người hầu đưa tay cho bà tựa, bà chậm chạp theo bên trái đi ra, bỗng dưng đứng lại.

 

Claire Zachanassian: Ông Thị trưởng!

 

Viên thị trưởng, từ trong hàng người im lặng đứng phía sau, chậm chạp bước ra.

 

Claire Zachanassian: Đây là tấm ngân phiếu. Đưa ông ta tờ giấy rồi đi ra với người hầu.

 

Trang phục ngày càng đẹp hơn diễn tả một cách kín đáo nhưng ngày một rõ nét hơn sự phồn vinh; sân khấu cũng càng lúc càng dễ coi hơn; nó thoát xác để lên một mức cao hơn, như thể người ta lặng lẽ dời nhà từ một khu phố nghèo đến một khu giầu có, hiện đại để rồi màn cuối của sự thăng tiến này ca ngợi giầu sang. Một thế giới trước đây ảm đạm nay có cái gì bóng loáng - như máy móc - của sự phồn vinh, để cuối cùng trở thành màn cuối ‚thế giới có hậu’ 89. Cờ quạt, vòng hoa, tranh quảng cáo, đèn mầu xung quanh cái nhà ga đã được tu bổ. Ngoài ra, người dân Guellen, trong quần áo dạ hội hoặc áo đuôi tôm, lập thành hai đội đồng ca - chẳng kém gì những đội đồng ca trong các vở bi kịch Hy Lạp, không phải ngẫu nhiên, mà là để xác định quan điểm, như thể một con tầu bị nạn trôi giạt ngoài khơi phát đi những tín hiệu cuối cùng.

  

Đội ca I: 

Có nhiều thứ khủng khiếp
Như động đất
Như núi lửa, như sóng thần biển cả
Như chiến tranh với xe tăng nghiền nát ruộng lúa
Như hình cái nấm khổng lồ của bom nguyên tử.
Đội ca II: Nhưng không có gì khủng khiếp bằng nghèo đói
Vì nó chẳng phiêu du
Mà phủ chụp lên con người chẳng chút xót thương
Ngày này sang ngày khác

Nhóm nữ: 

Các bà mẹ bất lực
Nhìn người thân yêu của mình ốm đau và chết dần mòn

Nhóm nam: 

Còn người đàn ông thì nấu nung căm phẫn
Mưu toan làm loạn.

Người thứ nhất: Ông đi ngang qua trong đôi giầy cũ nát

Người thứ ba: Miệng ngậm điếu thuốc hôi rình

Đội ca I: Vì chỗ làm để kiếm ăn xưa nay đâu còn nữa

Đội ca II: Những chuyến tầu vùn vụt qua không thèm ngừng lại nơi này.

Mọi người: May mắn cho chúng ta

Bà Ill: Định mệnh tốt lành

Mọi người: Đã xoay chuyển mọi chuyện.

Nhóm nữ: Nay tấm thân gầy còm đã được mặc áo quần tươm tất

Con trai: Chàng trai lái chiếc xe thể thao

Nhóm nam: Ông thương gia lái chiếc xe du lịch

Con gái: Cô bé đuổi theo trái banh trên sân mầu đỏ

Bác sĩ: Người thầy thuốc hoan hỉ giải phẫu trong căn phòng mổ mới được cẩn gạch mầu xanh

Mọi người: 

Bữa ăn chiều nghi ngút khói.
Hài lòng, chân mang giầy mới
Ai cũng phì phèo thuốc thơm.

Thầy giáo: Kẻ ham học chăm chỉ miệt mài.

Người thứ hai: Nhà kỹ nghệ cần cù, của cải chất cao dần như núi

Mọi người: Rembrandt tiếp nối Rubens 90

Họa sĩ: Nghệ thuật nuôi nhà nghệ sĩ sống thoải mái.

Mục sư: 

Nhà thờ lớn đông nghẹt con chiên
Vào những lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và Thánh thần hiện xuống

Mọi người:

Và những chuyến tầu bóng loáng, huy hoàng
Chạy ào ào trên đường sắt
Từ thành phố này sang thành phố khác, nối con người với nhau
Lại ngừng ở đây.

  

Người soát vé đi lại từ phía trái.

 

Người soát vé: Guellen đây!

Người trưởng ga: Chuyến tầu tốc hành tuyến Guellen – Rom đây! Mời hành khách lên tầu! Toa đặc biệt ở phía trước!

  

Từ phông bà Claire Zachanassian ngồi kiệu đi ra giữa hai đội đồng ca, bất động, như một pho tượng thần cũ kỹ bằng đá, theo sau là đoàn tuỳ tùng.

 

Thị trưởng: Thế là...

Mọi người: Người đã tặng chúng ta bao nhiêu tiền của...

Con gái: Người đàn bà từ thiện...

Mọi người: Ra đi cùng với đoàn tuỳ tùng!

 

Claire Zachanassian theo bên phải đi ra. Đám người hầu khiêng chiếc quan tài ra theo.

 

Thị trưởng: Chúc bà vạn an.

Mọi người: Bà đem theo những gì quí giá nhất, thân thiết nhất.

 

Người trưởng ga: Tầu khởi hành!

 

Mục sư: Cầu Chúa

Mọi người: Che chở chúng tôi

Mọi người: Trong thời buổi văn minh cơ khí này

Thị trưởng: Duy trì cho chúng tôi cuộc sống phồn vinh

Mọi người: 

Duy trì cho chúng tôi những giá trị thiêng liêng,
Duy trì cho chúng tôi hoà bình
Duy trì cho chúng tôi tự do.
Xin hãy đẩy lùi đêm đen,
Không bao giờ để cho bóng đêm tăm tối phủ trên thành phố này
Giờ đây hồi sinh tráng lệ
Để chúng tôi được sung sướng hưởng hạnh phúc đời mình.


** HẾT **

 
 
FRIEDRIECH DÜRRENMATT: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ và TÁC PHẨM  91


  1. Sinh ngày 5.1 ở Kanolfingen, tổng (Kanton) Bern.

  1. Học xong Tú tài. Học Triết và ngành nghiên cứu văn học ở Zuerich và Bern.

  2. Sáng tác vở kịch Komoedie (Hài kịch) đến nay chưa công bố và hai tập truyện ngắn Weinacht (Giáng sinh) và Der Folterknecht (Người tra khảo).

  1. Ra mắt truyện ngắn Der Alte (Ông già).

  1. Vở Es steht geschrieben (An bài) được trình diễn lần đầu.

  2. Vở Der Blinde (Người mù) được trình diễn lần đầu.

  3. Vở Romulus der Grosse (Đại đế Romulus) được trình diễn lần đầu.

  4. Truyện trinh thám Der Richter und sein Henker (Quan toà và đao phủ).

  5. Truyện trinh thám Der Verdacht (Tình nghi).

  6. Vở Die Ehe des Herrn Mississipi (Những đời vợ của ông Mississipi) được trình diễn lần đầu.

  7. Vở Ein Engel kommt nach Babylon (Thiên thần đến thành Babylon) được trình diễn lần đầu.

  8. Nhận giải thưởng văn chương của thủ đô Bern.

  9. Truyện vui Grieche sucht Griechin ( Một ông Hy Lạp tìm vợ người Hy Lạp).

  10. Vở Der Besuch der alten Dame (Bà tỷ phú về thăm quê) được trình diễn lần đầu. Vở Die Panne (Hỏng xe).

  1. Truyện trinh thám Das Versprechen (Lời hứa).

  2. Vở Frank der Fuenfte (Frank đệ ngũ) được trình diễn lần đầu.

  1. Vở Die Physiker (Các nhà vật lý) được trình diễn lần đầu.

  2. Vở Herkules und der Stall des Augias (Thần Herkules và cái chuồng bò của vua Augias) được trình diễn lần đầu.

  1. Vở Der Meteor (Thiên thạch) được trình diễn lần đầu.

  2. Die Wiedertaeufer (Những tín đồ của giáo phái rửa tội lại) được trình diễn lần đầu.

  1. Vở Portraet eines Planeten (Sự miêu tả sinh động về một hành tinh) được trình diễn lần đầu.

  1. Vở Der Mitmacher (Kẻ tham gia) được trình diễn lần đầu.

  1. Được Đại học Nice (Pháp) tặng bằng Tiến sĩ danh dự.

  1. Được Đại học Neuchatel (Thụy Sĩ) tặng bằng Tiến sĩ danh dự.

  1. Vở hài kịch Achterloo được trình diễn lần đầu.

  2. Được trao tặng giải thưởng văn học của Nhà nước Áo.

  3. Truyện trinh thám Justiz (Công lý).

  4. Truyện Der Auftrag (Sứ mạng).

  5. Được các Đại học Jerusalem, Philadelphia, Zuerich tặng bằng Tiến sĩ danh dự.

1990 Friedrich Dürrenmatt mất ngày 14.12 sau một cơn đau tim.


BẠT


Friedrich Dürrenmatt, người Thụy Sĩ, là một trong những nhà văn tiếng Đức 92 nổi tiếng nhất của nửa sau thế kỷ 20, cùng một thế hệ với Heinrich Böll và Günter Grass 93; sinh thời ông đã nhiều lần được đề nghị giải Nobel Văn chương.

Dürrenmatt viết truyện và soạn - cả tham gia đạo diễn - nhiều vở kịch nổi tiếng. Các tác phẩm của ông cho thấy sự mâu thuẫn giữa yêu cầu của đạo đức và cách thực hiện trong đời sống, giữa niềm tin và thực tế (Der Blinde Người mù, Der Meteor Thiên thạch, Die Wiedertaeufer -, những tín đồ của giáo phái rửa tội lại), mâu thuẫn giữa công bằng và thực tế (Die Ehe des Herrn Mississippi Các đời vợ của ông Mississippi), mâu thuẫn giữa giầu sang và đạo đức (Der Besuch der alten Dame Bà tỷ phú về thăm quê, Frank der Fuenfte Frank đệ ngũ), mâu thuẫn giữa khoa học và đạo đức (Die Physiker Các nhà vật lý, Der Mitmacher Kẻ tham gia). Sự mâu thuẫn hiển hiện trong thực tế làm vang lên lời kêu gọi mỗi cá nhân phải tự quyết định về đạo đức. Trong vở Ein Engel kommt nach Babylon (Thiên thần đến thành Babylon) người ăn mày Akki đã cự tuyệt thứ trật tự thế giới vua Nebukadnezar đã dựng lên. Trong Romulus der Grosse (Đại đế Romulus) vị đại đế cũng đã không chấp nhận mình là hoàng đế. Các nhà vật lý (Die Physiker) đã trốn vào nhà thương điên để khỏi phải tham gia chế bom nguyên tử. Trong các vở Romulus der Grosse, Die Ehe des Herrn Mississippi, Ein Engel kommt nach Babylon Dürrenmatt đã không ngừng diễn tả nhiều kiểu ,chú hề sáng suốt’, qua cự tuyệt, qua từ chối đã giữ được nhân tính trong một thế giới đã trở nên vô nhân. Trong Herkules und der Stall des Augias (Thần Hercules và cái chuồng bò của vua Augias) Dürrenmatt đã để cho vị thần ‚chiến thắng’ phải cam chịu bó tay trước quan liêu và ích kỷ, vì thế giới muốn tiếp tục sống trong đống phân bò 94.


Vở ‚Bà tỷ phú về thăm quê, được giới phê bình đánh giá là vở kịch tiếng Đức hay nhất từ sau thế chiến II, (cùng với vở ‚Các nhà vật lý’) đã khiến Dürrenmatt nổi tiếng thế giới. Vở kịch này và một số tác phẩm khác của ông nằm trong giáo trình cho học sinh trung học và sinh viên ngành văn học, kịch nghệ ở các nước nói tiếng Đức (Đức, Áo, Thụy Sĩ). Sáng tác năm 1955, được diễn lần đầu năm 1956, sau đó trên khắp các sân khấu lớn, từ New York tới Bắc Kinh 95 và đã được dựng thành phim, với sự diễn xuất của hai tài tử thượng thặng Anthony Quinn và Ingrid Bergmann.

Khung cảnh của vở kịch là một thị trấn nhỏ, tiêu điều với cái tên Guellen, ở đâu đó tại Trung Âu (Phụ lục của tác giả). Người dân Guellen đặt tất cả hy vọng vào bà tỷ phú Claire Zachanassian sắp về thăm quê cũ. Bà sinh ra và lớn lên ở đây, thời con gái là người tình của ông Ill. Do tình cũ nghĩa xưa, ông Ill được giới hữu trách yêu cầu gây ảnh hưởng để bà tỷ phú giúp Guellen „phục hồi và quang vinh như ngày nào“, vì Guellen „không nghèo mà chỉ bị bỏ quên thôi.“ Bốn mươi lăm năm trước ông Ill đã bỏ rơi bà trong lúc bụng mang dạ chửa, đã thuê người khai man trước tòa ... khiến bà phải bỏ quê quán ra đi, làm gái điếm. Cuộc đời đưa đẩy bà trở nên giầu có, nay bà trở về và sẵn sàng tặng bạc tỷ cho Guellen để mua sự công bằng: đổi tiền lấy mạng sống của ông Ill. Thoạt tiên người dân Guellen phẫn nộ bác bỏ đòi hỏi này „nhân danh lòng nhân đạo“, nhưng rồi cuối cùng cũng sa ngã trước sức mạnh của đồng tiền và lần này thì nhân danh „những giá trị thiêng liêng nhất“. Thấy không có lối thoát và nhận ra tội lỗi của mình, ông Ill đã phục tùng „sự phán quyết“ của người dân Guellen. Song cái chết của ông được công bố là do „hân hoan tột độ“ vì đã thúc đẩy được bà tỷ phú thành lập quỹ tái xây dựng Guellen.


Tên của vở kịch hết sức ‚vô thưởng vô phạt’ 96. Thoạt tiên người đọc chỉ biết tình hình kinh tế, tài chính Guellen bết bát đến nỗi bị tịch biên mà tòa thị chính chẳng còn gì để tịch biên cả, ngoài cái máy chữ cổ lỗ sĩ. Ngân quỹ sạch trơn. Người dân chỉ còn biết tiếc nuối một quá khứ vàng son: „Nơi đây đã từng là một thành phố văn hoá... đầu tiên trong cả nước...của cả châu Âu.“ Trước câu hỏi „thế thì phải điều tra tại sao cả nước ăn nên làm ra mà riêng Guellen lại phá sản“ thì chỉ được trả lời „đấy cũng là một vấn nạn về kinh tế cho chính chúng tôi“ hoặc những phỏng đoán này nọ. Không ai có thể ngờ được đây là do kế hoạch báo thù đã được trù tính và thực hiện lâu dài của chính người mà Guellen đang chuẩn bị đón rước trọng thể; nó thể hiện qua câu nói „tôi vẫn nuôi ý định này hoài đấy chứ, suốt cả một đời, kể từ ngày tôi rời khỏi Guellen“. Bà đã „thề nhất định sẽ có một ngày trở về đây“. Bà đã cho người mua hết các hãng xưởng ở Guellen, thậm chí „toàn bộ thành phố, từng con đường, từng ngôi nhà“, rồi đóng cửa các hãng xưởng ấy. Vì thế mà Guellen tiêu điều. Và bà có thể „ra điều kiện, áp đặt theo ý muốn.“

Bà đã quá quen với sức mạnh của đồng tiền. Với tiền bà giải quyết được mọi chuyện: mua hai tên anh chị tử tù Mỹ để chúng khiêng kiệu, mua cả một thẩm phán toà thượng thẩm để làm người hầu. „Thật là một sự nghiệp khác thường cho một người có bằng cấp cao, nhưng lương bổng thì không tưởng tượng nổi...“ Âu cũng là một cách trả thù với kẻ ngày trước đã - vô tình - xử oan bà, xô đẩy bà vào con đường đau khổ. Chịu đấm ăn xôi như thế vẫn dễ chịu nhiều so với hai người chứng khai man phải chịu nhục hình dù đã trốn đi tận những nơi cùng trời cuối đất. Không ai thoát khỏi tay bà, vì bà không chỉ thừa tiền mà còn kết giao toàn với những ông to, bà lớn tầm cỡ quốc tế. Bà „làm chủ thế giới này“, quả không ngoa! Và bây giờ là một tỷ cho Guellen, nếu có ai giết được ông Ill. Với bà thì „cái gì cũng mua được hết“, kể cả sự công bình.

„Chúng tôi thà chịu sống nghèo hơn là để tay mình vấy máu“ (Màn I), người Guellen vốn khí khái là thế mà nay thi nhau mua hàng chịu, tiêu dùng những món trước kia không dám đụng tới. „Cũng phải cho phép mình xài sang chút chứ.“ Họ hy vọng ở bà tỷ phú, dù tạm thời vẫn thề thốt với ông Ill: „Chúng tôi đứng về phía bác mà...Cứ gọi là vững như bàn thạch.“ Có lẽ họ cũng nghĩ như vợ con ông Ill rằng bà tỷ phú chỉ giơ cao đánh khẽ thôi: „Mình chỉ sợ bóng sợ gió. Rõ ràng là vụ này sẽ được dàn xếp êm thắm mà chẳng ai đụng đến một sợi tóc của mình. Klaerchen không có thẳng tay vậy đâu.“ Vì thế mà vợ con ông cũng thoải mái xài sang như mọi người. Nhưng làm sao ông không sợ được, vì biết người ta sẽ trả những khoản mua chịu kia bằng mạng sống của ông: „cả thành phố này mang nợ. Nợ tăng theo mức sung túc. Để được sống sung túc thì tất yếu là phải giết tôi.“ Bà tỷ phú chỉ cần đợi, như đã tuyên bố.

Ông mong tìm được sự bảo vệ nơi những kẻ đại diện công quyền, cầm cân nẩy mực nên đến gặp thầy đội cảnh sát để chỉ được trấn an rằng „đề nghị (giết ông của bà tỷ phú) là không thật nghiêm chỉnh“ hoặc „bà ấy điên“. Chính thầy đội cũng mua chịu giầy mới, lại thêm cả răng vàng nữa. Và khi trở mặt thầy đã không ngần ngại gọi ông Ill là „đồ khốn“. Ông lại chạy đến viên thị trưởng. Người đã từng dõng dạc nhân danh Guellen, nhân danh lòng nhân đạo từ chối đề nghị ‚tiền đổi mạng’ nay cũng mua chịu chẳng thua ai; không những thế lại còn lập lờ: „những giá trị (nhân bản) này buộc chúng ta phải tỏ ra xứng đáng“ và „tốt nhất là chúng ta không hé một lời nào cả (với báo chí) về vụ này“ và còn trách ông Ill - người trước đó được viên thị trưởng đề nghị kế nhiệm chức thị trưởng Guellen của mình - „lẽ ra ông nên cám ơn chúng tôi đã định chôn vùi vụ này vào lãng quên mới đúng chứ.“ Thật ra viên thị trưởng và người Guellen sợ nếu báo chí biết thì chuyện đổi chác sẽ hỏng cho nên một mặt người ta cầm dao bầu canh không cho ông Ill gặp giới truyền thông, mặt khác răn đe: „cho tới nay ông không hé môi. Tốt. Nhưng liệu ông có tiếp tục im lặng nữa không? Nếu ông muốn nói ra thì chúng ta sẽ phải giải quyết mọi chuyện mà không cần đến buổi họp tối nay.“ Song người ta muốn giải quyết êm thắm, chứ không muốn „tay mình vấy máu“. Như thế nào? Ông Ill nên tự xử! „Nếu tối nay chúng ta không cần phải triệu tập buổi họp để phán quyết chẳng hay hơn ư?“ „Tôi mang súng đến...súng nạp đạn rồi đấy“, „hồi nãy ông nói rằng không cần đến khẩu súng. Biết đâu ông cần đến nó thật.“ Ngay cả bà tỷ phú cũng không muốn báo chí đến quá sớm: „tạm thời tôi chưa cần đến nhà báo ở Guellen“ (màn I) vì sợ đổ bể kế hoạch.

Chỉ có thầy giáo là còn chút lương tâm: „tôi muốn bố cáo sự thật, cho dù chúng ta sẽ phải sống mãi trong đói nghèo đi nữa!“ để bị đồng bào của ông sỉ vả; ông đau khổ: „chúng ta là hạng người gì? Số tiền bạc tỷ nhục nhã kia cháy bỏng trong tim chúng ta“, để rồi thúc giục ông Ill „hãy liên hệ với báo chí.“ Thầy giáo tự biết mình cũng yếu đuối: „sự cám dỗ thì quá lớn mà chúng ta thì quá nghèo...ngay chính tôi cũng sẽ tham dự vào (việc đổi chác)...tôi cảm thấy mình dần dần thành kẻ giết người.“ Ông đã đề nghị bà tỷ phú „hãy mua những hãng này, chỉnh đốn lại và Guellen sẽ phồn vinh ngay. Thà đầu tư 100 triệu có tính toán để được lãi cao hơn là phung phí cả tỷ“, thậm chí nài nỉ „bà hãy quên đi cái ý tưởng báo thù sẽ đem lại tai ương... đừng đẩy chúng tôi vào bước đường cùng...xin bà hãy cố vượt qua sự thống hận để cho lòng nhân đạo được thắng thế!“ để bị đốp chát „lòng nhân đạo chính là để cho giới triệu phú bán buôn như chứng khoán. Với sức mạnh của đồng tiền mà tôi có thì người ta có thể sắp xếp lại thế sự tùy ý thích. Thế giới này đã bắt tôi phải làm một con điếm thì nay tôi biến nó thành nhà chứa.“ Thầy giáo đã phẫn nộ gọi bà tỷ phú là „ả điếm thập thành thay chồng soành soạch“, là kẻ „thu mua linh hồn“ người Guellen. Vậy mà thầy cũng uống rượu „ghi sổ“ – nghĩa là thầy cũng nợ bà tỷ phú – và tại buổi họp phán quyết sinh mạng ông Ill chính thầy giáo đã lớn tiếng „chúng ta đã dung túng một sự bất công...chúng ta có muốn thực hiện công bằng hay không...“ và kêu gọi „nhân danh Chúa, nay chúng ta phải nghiêm chỉnh...thực hiện những lý tưởng „ mà ông cha từng ấp ủ.

Trước đó ông Ill chỉ còn mong tìm an ủi ở mục sư. Người chăn dắt phần hồn này đã khuyên ông „không nên sợ chết phần xác mà sợ chết phần hồn“ và „hãy lo cho cuộc sống vĩnh cửu của đời sau.“ Khi ông Ill tuyệt vọng vì „thành phố đang chuẩn bị ăn mừng tôi bị giết, còn tôi thì chết dần chết mòn vì sợ“ thì ông mục sư vỗ về „những gì ông hiện đang chịu đựng đều có mặt tích cực.“ Ông mục sư không sắm sửa gì riêng cho mình nhưng đã mua - tất nhiên cũng mua chịu - cho nhà thờ một (sau thành ba) cái chuông nữa, khiến ông Ill phải thất thanh: „ông mục sư! Cả ông cũng thế nốt!“ Nói cho công bằng thì khi nghe „tiếng chuông của sự phản bội“ (chứ không phải của sự cảnh tỉnh) lương tâm mục sư cũng bị ít nhiều cắn rứt vì thấy mình đã „yếu đuối“ trước cám dỗ, nên cuống quít (đang gọi ‚ông’ bỗng nhẩy sang ‚anh’) thúc giục ông Ill chạy đi.

Ông Ill cũng muốn bỏ đi, đi thật xa, tận nước Úc cơ. Nhưng người ta đã không để cho ông đi. Để ông đi thì sẽ mất bạc tỷ. Nên ông phải trở về, đóng cửa, trốn ru rú trong phòng nhiều ngày liền. Để rồi cuối cùng ông hiểu ra rằng ‚thời hiệu’ có thể đã miễn cho mình trách nhiệm pháp lý nhưng không thể tiếp tục đóng vai kẻ vô tội được nữa, „không có quyền sống nữa“, vì tất cả đều do ông gây ra. Nhưng ông cự tuyệt tự xử, người Guellen phải „làm quan toà xử“ ông vì họ đã gây cho ông nỗi kinh hoàng, đã khiến ông phải sống những ngày như trong địa ngục: „các người có giết tôi cũng không oán trách, không phản đối, không chống cự“ vì với ông „đó là sự công bình“, còn người Guellen coi đó là gì - dê tế thần hay hàng trao đổi – thì ông không cần biết.

Giới truyền thông (báo chí, truyền hình, quay phim) trong vở kịch chỉ được Dürrenmatt cho vào các vai ‚những kẻ phiền nhiễu’, vì họ không quan tâm đến gì khác hơn là tìm những chuyện ‚giật gân’ - đối với một số tờ báo và nhiều đài truyền hình tư hiện nay thì quả có thế thật. Cho nên cảnh dàn dựng „bỏ phiếu lần nữa“ có thể được coi như sự phê phán của Dürrenmatt đối với những việc ít nhiều mị dân, hình thức. (Khi đã nổi tiếng Dürrenmatt hết sức tránh thân cận với giới quyền thế, ông chống lại sự lạm dụng quyền lực và việc dùng nghệ thuật như một công cụ chính trị nên không phải ngẫu nhiên mà một thời ông bị họ xem là ‚gai góc’.)

Một điểm nữa: bà tỷ phú thù hay yêu? Vừa thù vừa yêu kiểu ‚giận thì giận mà thương thì thương‘? Ta hãy nghe: „tôi đã yêu ông, còn ông đã phản bội tôi. Thế nhưng giấc mơ về cuộc sống, về tình yêu, về sự tin cậy lẫn nhau, cái giấc mơ có thật ngày xưa ấy tôi không hề quên...qua việc hủy diệt ông tôi muốn làm thay đổi quá khứ“ và „tôi sẽ đem quan tài cùng với xác ông về Capri... ông sẽ ở đó, vĩnh viễn bên tôi.“


Dĩ nhiên, qua vở kịch, tác giả không nhằm nhấn mạnh thêm một sự thật vẫn được nói đi nói lại „Có tiền mua tiên cũng được“. Đúng hơn, sự tự động bại hoại ghê gớm về đạo đức mới là chủ đề của ba màn kịch khôi hài song lại rất kinh khủng này: rằng viễn tượng có được số tiền bạc tỷ đã khuấy động ‚lương tri’ của người dân Guellen khiến họ thật sự nghĩ rằng việc giết ông Ill, một đồng bào của họ, chính là thực hiện công bằng. Khi ông bỏ rơi một cô gái nghèo đang bụng chửa vượt mặt thì không ai đòi hỏi công bằng cả, nhưng ‚có lỗi’ với bà tỷ phú thì phải đền tội. Lẽ phải có thể là tuyệt đối, nhưng ‚công bằng’ chỉ là tương đối và được giành cho kẻ có khả năng mua nó. Đây chính là nhận định cay đắng của vở hài kịch thật sự bi đát này, được kết thúc chua cay bằng màn ngợi ca sự giầu sang 97.

Dürrenmatt viết trong ‚Phụ lục’ rằng vở kịch được soạn bởi một nhà văn „hoàn toàn không giữ thái độ tách biệt với những con người đó“, vì soạn giả „không chắc mình sẽ hành xử cách khác“. „Tôi diễn tả con người chứ không phải hình nộm, diễn tả hành vi chứ không phải biểu tượng, dàn dựng một thế giới chứ không phải đạo đức như thỉnh thoảng người ta vẫn gán cho tôi; thật vậy, tôi cũng không hề tìm cách đối chiếu vở kịch của tôi với thế giới vì điều này sẽ tự diễn ra một cách tự nhiên, giống như sân khấu thì phải có khán giả.“ 98. „Bà tỷ phú về thăm quê là một vở kịch ác độc“, song soạn giả yêu cầu „chính vì thế không được phép thể hiện nó một cách độc ác mà phải đầy tính nhân đạo; buồn chứ không giận dữ, song với cả sự khôi hài nữa, vì không gì làm hại vở kịch hài với kết cục bi đát này hơn là sự nghiêm trọng thái quá.“ 99

Lê Chu Cầu

 

Chú thích

 

1 Mọi chú thích là của người dịch (LCC).

Nguyên văn: ‚Die Laestigen’.

2 Các chuyến tầu tốc hành ở Tây Âu thường có số và tên riêng.

3 Hamburg: thành phố cảng ở bắc Đức; Neapel: thành phố cảng ở nam Ý.

4 Venedig: chính là thành phố Venise (Ý) nổi tiếng thơ mộng; Stockholm: thủ đô Thụy Điển.

5 Trong tiếng Đức cụm từ ‚Chỗ đứng dưới ánh mặt trời’ hàm nghĩa một cuộc sống an nhàn.

6 Johann Wolfgang von Goethe (1749 – 1832): nhà thơ lớn Đức.

7 Johannes Brahms (1833 – 1897) : nhà soạn nhạc Đức.

8 Berthold Schwarz (thế kỷ 14): thầy tu Đức, được coi là đã tìm ra thuốc súng.

9 Ecole des Beaux Arts: trường Mỹ thuật.

10 Nguyên văn ‚Gedaechtniskirche’: ngôi nhà thờ để tưởng niệm (một sự kiện trọng đại nào đó).

11 Tập đoàn ‚Dầu Armenia’, ‚Đường xe lửa miền tây’, ‚Công ty truyền thanh phía bắc’ (Chúng tôi giữ nguyên các từ Anh, Pháp như trong nguyên bản (LCC).

12 Kondukteur (tiếng Đức - Thụy Sĩ): người soát vé, chứ không phải người lái tầu.

13 Tam Điểm (Freimaurer, Freemason): một tổ chức bí mật chủ yếu ở châu Âu, thành lập ở Anh từ đầu thế kỷ 18.

14 Zuerich: thành phố lớn và quan trọng nhất về kinh tế, tài chính của Thụy Sĩ.

15 Zylinder (top hat): có từ điển dịch là ‚mũ chóp cao’.

16 Ngày chủ nhật người ta ăn mặc đẹp để đi lễ nhà thờ.

17 ‚Quy luật tự nhiên’ ở đây là tầu tốc hành không ngừng ở Guellen.

18 Madame (tiếng Pháp): bà.

19 Thắng khẩn cấp: loại thắng trang bị trên xe lửa, xe buýt...để hành khách kéo khi có chuyện nguy hiểm (cháy...), nghiêm cấm lạm dụng.

20 Mausi: chuột con. Tiếng gọi thân mật giữa vợ chồng hay bồ bịch.

21 Ông Ill và bà Claire Zachanassian gọi nhau bằng ‚du’, lẽ ra phải dịch là ‚anh, em, mình’ mới đúng, song vì cả hai người đều đã ngoài 60 nên tạm dịch là ‚ông, bà’ cho hợp với Việt Nam.

22 Lorgnon: loại kính một tròng, có cần để cầm.

23 Phép lịch sự của phụ nữ phương Tây chào người đáng kính trọng (nay ít phổ biến).

24 Goere: đứa bé gái, song hàm ý coi thường, có thể gọi là ‚con nhãi, con ranh’.

25 Đây là phép lịch sự kiểu phương Tây.

26 Mahattan: một vùng của thành phố New York.

27 Sing-Sing: nơi giam các tù nhân hạng nặng.

28 Louvre: ở Paris, một trong những viện bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới.

29 Yes, Mam (tiếng Mỹ): vâng, thưa bà.

30 Klotho: tên một nữ thần định mệnh trong thần thoại Hy lạp.

31 Lais: hai cô gái giang hồ nổi tiếng đẹp thời cổ Hy Lạp, một người sinh vào thế kỷ 5 trước CN.

32 William Shakespeare (1564 – 1616): nhà thơ và nhà soạn kịch lớn người Anh, tác giả chuyện tình ‚Romeo và Julia’ nổi tiếng.

33 Gehege: thường là khu rừng được quây lại cho thú rừng sinh sống tự nhiên và chỉ được phép săn theo đúng qui định.

34 Echter deutsche Wurzelwildnis: Người dịch không biết tác giả muốn nói loại cây gì.

35 Armenie: nước ở Tây Á, ráp giới Thổ Nhĩ Kỳ và I-răng.

36 Trong tiếng Đức thì từ ‚chen’ (nhỏ) - đọc là ‚chần‘ hay ‚sần‘ - thêm vào tên (như Mathilde thành Mathilchen, Klara thành Klaerchen) để tỏ ra thân mật.

37 Berlin: thủ đô Đức.

38 Tessin: một tổng (bang) của Thụy Sĩ.

39 Tuyển hầu (Kurfuerst): danh xưng các hầu tước được quyền bầu (tuyển) vua Đức - cho đến đầu thế kỷ 19

40 Lối tuyên thệ (trước Chúa) này vẫn còn phổ biến ở nhiều nước Âu Mỹ.

41 Thời hiệu (Verjaehrung, tiếng Anh: Prescription) : thời hạn mà một vụ phạm pháp còn có thể bị đem ra xử.

42 Fredi: gọi tắt thân mật của Alfred.

43 Jugendstil (Jugend: thanh niên, Stil: kiểu, phong cách): kiểu kiến trúc và trang trí thịnh hành ở Đức vào đầu thế kỷ 20.

44 Ở phương Tây các cửa tiệm nhỏ thường có chuông báo khi có khách hàng vào cửa; người bán không nhất thiết phải túc trực thường xuyên.

45 Sữa béo (tạm dịch Vollmilch): sữa có độ béo khoảng 3,5 %.

46 Phương Tây có rất nhiều loại bánh mì: trắng, đen, nửa đen, nguyên hạt...

47 Lissabon: thủ đô Bồ Đào Nha.

48 Graham Green: nhà văn Anh, có nhiều tác phẩm nổi tiếng, như quyển ‚The quiet American’ (Người Mỹ trầm lặng) với bối cảnh là cuộc chiến tranh Đông Dương.

49 Pascha: chức quan tổng đốc hoặc tổng trấn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập.

50 Marrakesch: thành phố lớn quan trọng nhất ở nam Ma-rốc.

51 Ike: tên gọi tắt của Eisenhower (1890-1969), tổng thống Mỹ thứ 34, từ 1953 đến 1961. Nehru (1889-1964): thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ.

52 Dupont: một hãng hóa học rất lớn của Mỹ.

53 Bia Pilsen: cách nấu bia xuất xứ từ Pilsen (Tiệp) cho loại bia trong, nhiều bọt và có vị đắng hơn bia khác.

54 Bà goá yêu đời (Die lustige Witwe): vở Operette của nhạc sĩ Hung Franz Lehár (1870 - 1948).

55 Menuet: một khúc trong bản xô-nát hay bản giao hưởng.

56 Điện Buckingham: một trong những cung điện của nữ hoàng Anh.

57 Yorkshire: một hạt ở miền bắc nước Anh.

58 Kairo: thủ đô Ai Cập.

59 Tượng đá nổi tiếng ở Ai Cập, thân sư tử có đầu người đàn ông hoặc đầu một con vật khác.

60 Nihilistisch: theo chủ nghĩa hư vô, bác bỏ mọi tín điều đạo đức và luân lý.

61 Onassis: nhà đại phú Hy Lạp, nổi tiếng vì đã lấy bà Jacqueline, vợ goá của cố tổng thống Mỹ Kennedy - Aga Khan: thủ lãnh một hệ phái đạo Hồi - Riviera : đoạn bờ biển từ Marseilles (Nam Pháp) tới Genua (BắcÝ) với các thành phố nổi tiếng Nice, Cannes, Monte Carlo (Monaco)... nơi ‚trú chân’ của giới cực giầu.

62 Porsche: loại xe thể thao nổi tiếng của Đức.

63 Từ trước đến giờ mục sư vẫn gọi ông Ill bằng ‚Sie’ (ông), ở đoạn này gọi bằng ‚du’ (anh).

64 Oberammergau: một thành phố nhỏ ở Bayern (nam Đức). Nổi tiếng vì kể từ năm 1633 cứ 10 năm mới lại diễn một lần kịch về nỗi khổ hình của Chúa Cứu Thế, toàn do người địa phương đóng.

65 Kinh Thánh, Tân Ước.

66 Johann Sebastian Bach (1685 – 1750) nhạc sĩ Đức, nổi tiếng với các bài thánh ca.

67 Mathaeus-Passion: nỗi khổ hình của Chúa Giê-su qua lời thánh Mathaeus.

68 Cadillac: một hiệu xe sang của Mỹ.

69 Geiselgasteig: xưởng phim ở Muenchen (nam Đức).

70 Erlangen: một thành phố khá lớn ở nam Đức.

71 Medea (thần thoại Hy lạp): một công chúa có phép thuật, bị chồng phản bội nên đã giết tình địch để trả thù.

72 Klaerchen: (đọc là Cle-chần) gọi Klara một cách thân mật.

73 Oedipus (thần thoại Hy Lạp): nhân vật do vô tình đã giết cha và lấy mẹ.

74 Platon (427- 347 t. TL): triết gia Hy Lạp.

75 Life: Một tạp chí Mỹ, đã đình bản từ năm 1972.

76 Loại hàng đặt mua và được gửi tới tận nhà, nếu không vừa ý được quyền gửi trả lại.

77 Câu chào trong nguyên bản cho thấy lúc này vào buổi chiều tối - để bố trí ánh sáng cho thích hợp.

78 Do điều kiện của họ và cũng do có truyền thống nên trước những việc quan trọng (chẳng hạn có nên gia nhập Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, phụ nữ có quyền bỏ phiếu ...hay không) Thụy Sĩ thường trưng cầu ý dân.

79 Viên thị trưởng cầm súng còn ông Ill sẵn sàng chịu chết, nên có thể nghĩ rằng tác giả đã chơi chữ, vì „Feuer!“ còn có nghĩa hô: „Bắn!“

80 Một hiệu xe của Đức sau thế chiến II. Xe nhỏ, thường là loại 3 bánh. Đã ngưng sản xuất từ rất lâu.

81 Tiếng Pháp: gớm ghiếc! (Hàm ý chê xe Messerschmidt không đẹp).

82 Buick: một loại xe Mỹ kềnh càng.

83 Adalbert Stifter (1805 – 1868) nhà thơ Áo.

84 Tiếng Anh: Lát nữa, bố nhé!

85 Capri: hòn đảo nổi tiếng đẹp ở Ý.

86 Attila, vua Hung nô, đã đem quân xâm chiếm châu Âu vào giữa thế kỷ 5.

87 Phụ nữ Thụy Sĩ mới có quyền đi bầu trên bình diện liên bang từ tháng 2 năm 1971.

88 Amos: một nhà tiên tri vào thế kỷ 8 trước TL.

89 Welt-Happy-End.

90 Rembrandt (1609 – 69) : nhà danh hoạ Hòa Lan; Rubens (1577 – 1640) : nhà danh hoạ Bỉ.

91 Chúng tôi chỉ nêu những tác phẩm nổi tiếng của Dürrenmatt.

92 Thụy Sĩ có 3 vùng chính: vùng tiếng Đức, vùng tiếng Pháp và vùng tiếng Ý.

93 Heinrich Boell (1917- 1985), nhà văn Đức, giải Nobel Văn chương 1972 ; Guenter Grass (sinh năm 1927), nhà văn Đức, giải Nobel Văn chương 1999.

94 ,Reclams Schauspiel Fuehrer’ (‚Sách chỉ nam về kịch’ của Tủ sách Reclam) , NXB Reclam, Stuttgart, 1996.

95 Ngay từ năm 1965 vở này và một số vở khác của Dürrenmatt đã được dịch ở Trung quốc; năm 1982 công diễn ở Bắc Kinh. Trong bối cảnh chính trị Trung quốc thời bấy giờ đã có báo ví (rất khập khiễng) ‚bà tỷ phú’ với bà Giang Thanh (Sigrid Mayer: Friedrich Dürrenmatt – Der Besuch der alten Dame, NXB Diesterweg, Frankfurt/M. 1991)

96 Dịch thật sát thì vở kịch tên là ‚Chuyến viếng thăm của bà già’.

97 Như chú thích 89.

98 Phụ lục.

99 Phụ lục.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss