Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Mạnh mẽ và trí mạng:...

Mạnh mẽ và trí mạng:...

- Mario Perniola - Vũ Ngọc Thăng — published 28/05/2007 21:29, cập nhật lần cuối 28/05/2007 21:35
Jean Baudrillard, triết gia và nhà nghiên cứu xã hội học người pháp, vừa qua đời tại Paris ngày 06.03.2007, thọ 77 tuổi ; ông chuyên nghiên cứu và phê phán về xã hội tiêu thụ và giới truyền thông. Dưới đây là bản dịch một bài giới thiệu tư tưởng của ông.


Mạnh mẽ và trí mạng:
cái chiến lược của Jean Baudrillard

 
Mario Perniola


   

Nhìn lại sự nghiệp của Jean Baudrillard, hôm sau ngày ông ra đi, hẳn tức thời hiển lộ cái cách thức nó phản ánh hai thời kì. Thời kì đầu được đánh dấu bởi một cuộc suy ngẫm nhấn mạnh trên những phạm trù về tính trao đổi biểu tượng, về chủ nghĩa siêu-hiện-thực (hyperrealism), và về cái simulacre 1, trải dài đến đầu thập niên 1980, trong lúc với quyển Những Chiến lược trí mạng (Les Stratégies fatales, 1983), một giai đoạn mới được mở ra, mang tính nghịch lí hơn và bén nhạy hơn với nhiều sự hiểu lầm mà đôi lúc nó gặp phải. Chính từ tiểu luận của Marcel Mauss về sự hiến tặng trong các xã hội nguyên sơ và từ những suy xét của Georges Bataille về potlatch – một hình thái trao đổi cổ xưa dựa trên cơ sở bổn phận về một sự đáp trả lớn hơn từ phía người nhận sự hiến tặng – mà Baudrillard hình thành ra khái niệm của mình về tính trao đổi biểu tượng.

Bên cạnh các khái niệm Mácxít cổ điển về giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, triết gia Pháp nêu ra cái giá-trị - tín-hiệu, gắn liền với xã hội tiêu thụ và cuộc kí hiệu hóa phổ biến của đời sống, và sau cùng, nêu ra cái giá trị trao đổi biểu tượng mà sự tồn tại mang tính thế vị của nó, so với ba giá trị trước, ngụ ý sự kết thúc của kinh tế. Trong lúc đã ở ngoài chủ nghĩa Mác, Baudrillard, thật vậy, phó cho chính lí thuyết của mình một chiều kích không tưởng. Trong tư tưởng của ông, khái niệm của thuật ngữ chủ nghĩa siêu-hiện-thực – vốn nảy sinh từ lĩnh vực mĩ thuật: cái cách thức hội họa cung cấp một bản sao “hoàn toàn” hiện thực về thực tại mà nó muốn biểu trưng – được nới rộng tới lĩnh vực kinh-tế - xã-hội, thế là, qua một tính chất tương tự kích động cùng cực, xã hội đảm nhiệm việc tái thể hiện nền kinh tế chính trị, kiểu kinh tế bị mất đi bất kì một kích thước cấu trúc nào, trong cuộc giải phóng phổ biến của tín hiệu. Thuật ngữ then chốt thứ ba: cái simulacre, mang trong chính nó, qua sự sử dụng của Baudrillard, cuộc hồi thanh của một số suy xét của Nietzsche trên sự bất thỏa trong việc phân biệt giữa thế giới thực và thế giới hiện ngoài, ông cũng viện đến tư tưởng Klossowski, Foucault, Deleuze và Lyotard, khi chuyên chú phân tích những hiện tượng chính trị và xã hội, mà ở đó, thực tại dường như hòa tan trong cái vòng xoắn vô tận của tín hiệu và trì hoãn, không quy chiếu. Những suy ngẫm về chủ nghĩa khủng bố xuất phát từ đây, theo đó, chủ nghĩa này, từ một góc độ, phản đối trật tự hiện hành vì một trật tự khác, trong lúc thiết lập một kiểu potlatch tự sát; và từ một góc độ khác, là một hành vi siêu-thực-tại (hyperreal), vốn xoay sở việc tồn tại qua một cuộc cách mạng không-thực-hiện; rồi từ một góc độ thứ ba, tham dự vào cái simulacre, vốn xa lạ với trật tự về ý nghĩa, cũng như tham dự vào một cuộc biểu trưng mang tính liên đới với các công cụ truyền thông đại chúng, trong lúc hòa tan bất kì một viễn cảnh chính trị khả tín nào.

Trong giai đoạn hai, khởi đi từ ý niệm chiến lược trí mạng, thuật ngữ “ảo tưởng” giữ vị trí trung tâm, được hiểu, vừa theo hướng siêu-hình-học - nhận-thức-học, tức là như cái tương phản với thực tại và chân lí, vừa theo hướng mĩ-học - tâm-lí-học, tức là như cái tương phản với sự thức tỉnh và sự vỡ mộng. Nếu ưu tiên cách tiếp cận đầu, tư tưởng Baudrillard thủ đắc một sắc thái hoài-nghi - hư-vô-chủ-nghĩa không xa lạ với vài xu hướng triết học Ý đương đại – chẳng hạn “pensiero debole / tư tưởng nhu”, cùng chia sẻ việc phủ nhận, một cách triệt để, siêu hình học và đạo đức học; cũng không xa lạ với dòng văn hoá triết học tiêu biểu bởi thuyết tai biến mang tính sức sống chủ nghĩa, mà ở Ý vận hành từ Pirandello cho đến Giorgio Colli và Giorgio Agamben.

Nhưng trên thực tế, đó chỉ là những tính chất tương đồng bề mặt: bởi vì điều mà Baudrillard thực sự quan tâm không phải là vấn đề nhận thức, cũng không phải là tính hùng hồn sức sống chủ nghĩa, vốn thấm toả sự thăng hoa trong những triết gia Ý. Thật vậy, đối với ông, ảo tưởng không hàm nghĩa mộng mơ, đánh lừa, ảo vọng, cũng không hàm nghĩa không tưởng, mà hàm nghĩa việc bước vào một kích thước không-thông-lệ, không-thường-nhật, không-bất-động. Và từ đấy, ông bắt đầu cuộc đánh giá lại những cái mà chúng ta gọi là mĩ thuật, sân khấu, ngôn ngữ: bởi vì ở đây người ta bảo tồn điều gì đó từ sự kịch liệt đối với thực tại, vốn được thể hiện trong những buổi lễ khai tâm và trong những nghi thức. Và chính trong khuôn khổ đó mà người ta bảo tồn một kiểu chủ quản về những sự hiện hình và những sự biến hình, đặc biệt là kiểu chủ quản hiến sinh về sự phủ khuất của thực tại. Cho nên, chúng ta ở rất xa với tính vui chơi hiểu như sự nghỉ ngơi, giải trí hoặc tiêu khiển; ý niệm của Baudrillard, coi nghệ thuật như là ảo tưởng, có thể gần gũi với quan niệm nhân học về ma thuật, nơi sức mạnh của ảo tưởng thành công trong việc xông vào thực tại, và bằng cách nào đó, giữ lấy một chỗ trong đó mà không đồng nhất với thực tại. Đây là một đoạn viết căn bản cho việc lĩnh hội một trong những ý niệm thâm u nhất trong cuộc suy ngẫm của Baudrillard: cái chiến lược trí mạng. Một chiến lược như thế không phải là một dự án hoặc một kế hoạch hành động được soạn thảo bởi một cá nhân, mà là một sự móc xích của những yếu tố nằm ngoài ý chí chủ quan: cho nên nó đồng nghĩa với luật tắc và nghi lễ. Nhưng kiểu móc xích này không mang tính tất yếu, không mang tính tình cờ, không mang tính cứu cánh luận, cũng chẳng mang tính may rủi, nó là một nghi thức không huyền thoại, là cái ý nghĩa không mang ý nghĩa, song nó có thể trở nên trí mạng, cái tính từ mà Baudrillard trao cho một ý nghĩa gắn liền với tai ác, với chết chóc.

Theo triết gia Pháp, mọi sự được mời gọi gặp nhau – chỉ có cái tình cờ là khiến cuộc hẹn hò này không được thực hiện; thế nên, nó tương phản với những gì trực thuộc cái ý niệm ngẫu nhiên khách quan của những nhà Siêu thực chủ nghĩa, những người mà, trong một thế giới dựa vào tính tình cờ, khi tìm cách quy cho tính tình cờ này một ý nghĩa và một giá trị cô tịch, độc lập với ý định và ý chí chủ quan, thì khám phá ra một cốt truyện huyền ẩn: một loại “List der Vernunft / Mẹo của lí tính” theo kiểu Hegel 2. Song Baudrillard, tuy cho rằng sự vật ắt gặp nhau, không quy cho cuộc gặp gỡ này bất kì một ý nghĩa nào, bởi vì đó không phải là sự móc xích thiên tựu, mà là thứ nghi lễ vốn thế nào cũng có lúc lỡ hẹn và biến thành nghi lễ thiếu vắng.

Tuy nhiên, ở Phương Tây, cái cự li mĩ học, mà nghi lễ nhờ cậy, bị triệt tiêu bởi sự xóa đi tính dàn dựng và bởi sự hủy bỏ những cái trung gian, bất kì loại nào (nghệ thuật, chính trị, tính dục). Theo hướng này, cuộc phân tích của Baudrillard giữ khoảng cách với cuộc phân tích của Guy Debord: thế giới hiện nay thật ra không tiêu biểu bởi sự đắc thắng của cái màn biểu diễn mà bởi sự biến hình của nó. Tính dàn dựng bị thay thế bởi tính thô tục, chỗ của ảo tưởng được điền vào bởi điều gì đó mang kì vọng cung cấp một hiệu ứng hiện thực lớn hơn cái kinh nghiệm về thực tại (và cho nên, mang tính siêu-thực-tại), bất kì sự kiện nào cũng được báo trước và bị triệt tiêu bởi sự quảng cáo và bởi các cuộc thăm dò. Thế là sự hành động trở nên bất khả, và ở chỗ của nó, diễn ra sự truyền thông, vốn đích thị thành công trong việc khiến bất kì điều gì cũng bị đẩy vào cái vô nghĩa, cái không thực chất, cái đáng bị cười nhạo. Trong cái thế giới truyền thông, không còn chuyện gì xảy ra nữa: toàn thể đều không mang hệ quả, bởi toàn bộ đều không mang tiền đề, đều bén nhậy với sự diễn giải qua bất kì một phương thức nào, tất cả đều không thích đáng và không tác động, như nhau.

   

Vũ Ngọc Thăng dịch và chú thích

Nguồn: Il Manifesto, 7/03/2007

 

 
1 Simulacre (tiếng Latin, simulacrum: cái mô phỏng cái khác; hình ảnh, biểu tượng về thần thánh; bóng ma, bóng của cái chết). Theo Wikipedia, trong Simulacres et Simulation (1981), Baudrillard sử dụng thuật ngữ này để chỉ các tín hiệu của văn hóa và của các phương tiện truyền thông vốn tạo ra một kiểu cảm nhận thực tại.

2 Trong một mục của các bài giảng về triết học lịch sử, Hegel sử dụng biểu đạt “List der Vernunft” để ngụ ý, theo một cách diễn giải, cái ý niệm cho rằng quá trình mà các sự kiện đặc thù (những biến chuyển lịch sử qua nổi dậy và đấu tranh) diễn ra trên thế giới (có thể có vẻ hỗn loạn hoặc tình cờ) là được cái Lí tính phổ quát, “ở hậu cảnh”, chi phối cho những mục tiêu của nó, và độc lập với mọi đam mê cũng như ý chí chủ quan mà còn ở trong khuôn khổ của cái đặc thù, chưa hòa với Tinh thần Thời đại.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss