Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Matsuo Bashô, Bậc Đại Sư Haiku / BASHÔ VÀ RENKU

BASHÔ VÀ RENKU

- Ueda Makoto & Nguyễn Nam Trân — published 14/10/2014 00:55, cập nhật lần cuối 14/11/2014 23:34
Thơ liên ngâm, hay tính tập đoàn của thi ca Nhật Bản

MATSUO BASHÔ Bậc Đại Sư Haiku


Ueda Makoto & Nguyễn Nam Trân


Chương 3



BASHÔ VÀ RENKU
Thơ liên ngâm hay tính tập đoàn
của thi ca Nhật Bản



datkhach
Đất khách trời vào xuân1


Dẫn nhập:


Trước tiên, phải xin độc giả thứ lỗi vì đoạn dẫn nhập sau đây hơi dông dài.

Có renku và ... renku. Loại hình renku thứ nhất (liên cú 聯 句), còn đọc là rengu, chỉ lối làm thơ với nhiều thành viên tham gia, mỗi người làm một câu thơ theo sau câu của người đi trước. Nó là một hình thức sáng tác tập thể trong Hán thi (với những kỹ thuật tu từ như tsuiren ( đối liên 対 聯), tsuiku (đối cú対 句). Loại hình renku thứ hai (liên cú 連 句), là một bộ phận của haikai, thể thơ thuần túy Nhật Bản. Renku trong haikai phát xuất từ haikai renga 俳 諧 連 歌, chi lưu bình dân của renga2 truyền thống. Đặc điểm của renga truyền thống là có sự góp mặt của nhiều người.

Thế nhưng trước tiên renga 連 歌 là gì? Thưa, nó là một loại thơ dài bắt đầu với 3 câu mào đầu (phát cú, hokku 発 句) hình thức 5/7/5 làm chính và sau đó được nối bằng 2 câu phụ hay câu nách (wakiku脇 句) 7/7, rồi đoạn thứ ba bằng 3 câu 5/7/5, sau đến 2 câu tiếp nữa, lần lần cho đủ 100 cú (bách vận)3. Bách vận hợp thành nhất quyển. Có những hình thức giản lược như ngũ thập vận ( 50 cú), yoyoshi (tứ thập tứ, 44 cú) hay kasen (ca tiên, 36 cú).

Thời Muromachi, nhà thơ renga nổi tiếng là Sôgi 4 (Tông Kỳ) đã cùng các cao đệ như Shôhaku5 (Tiêu Bách), Sôchô6 (Tông Trường) soạn ra Minase Sangin-Hyakuin (Thủy Vô Lại Tam Ngâm Bách Vận) vào năm 1488. Đây là một kiệt tác của thể loại renga hyakuin (liên ca bách vận). Bài hát do ba người (tam ngâm của Sôgi, Shôhaku và Sôchô) cùng ngâm liên tiếp một trăm cú (bách vận). Đó là thơ renga đọc lên trong đền Minase (vùng Settsu, gần Ôsaka) vào dịp lễ tế vong hồn cựu thiên hoàng Go-toba-in, một người am tường văn học, được thờ ở đấy.

Sau đây xin trích sáu cú (tiết, stanzas) đầu:

Sôgi:

Yukinagara
Yamamoto kasumu
Yuube kana!

Chiều về! Tuyết còn đọng,
Chân núi bồng bềnh sương
.

Shôhaku:

Iku mizu tohoku (tôku)
Ume nihofu (niou) sato

Xa xa dòng nước chảy,
Qua làng mai tỏa hương
.

Sôchô:

Yawakaze ni
Hitomura yanagi
Haru miete

Gió sông lay chòm liễu,
Tin xuân đã tỏ tường.

Sôgi:

Funasasu oto mo
Shiruki akegata

Tiếng chèo khua nước sớm,
Trong như nắng ánh gương
.

Shôhaku:

Tsuki ya nao
Kiri wataru no ni
Nokoru ramu (ran)

Trăng đêm và mù tỏa,
Trời cao có vấn vương?

Sôchô:

Shimo oku nohara
Aki wa kurekeri

Cánh đồng trùm buốt giá,
Đưa tin thu lên đường.

Trong 6 cú trên thì cú 1 nói về cảnh đông tàn xuân đến trên núi, 2, 3, 4 nói về cảnh xuân trên sông và làng quê bỗng đổi qua đêm thu, rồi cảnh cuối thu đầu đông trong hai cú 5, 6. Nguyên tắc là người làm câu tiếp theo phải lấy một chủ đề trong câu trước rồi khai triển ra một đề tài mới. Trong sự liên tục lại có sự thay đổi và thay đổi này có thể đột ngột, không ngờ tới.

Ở Việt Nam ta cũng có liên cú (gọi là liên ngâm)7. Học giả Dương Quảng Hàm8 đã xếp nó vào “Loại thơ riêng” bên cạnh Đường luật cổ phong, Thủ vĩ ngâm, Liên hoàn, Thuận nghịch độc, Yết hậu, Lục ngôn, Tiệt hạ, Vĩ tam thanh, Song điệp, Họa vận vv... Cụ Dương đã trích bài Cảnh Hồ Tây (Tây Hồ phong cảnh, phần Truyện Bà Chúa Liễu) trong Việt Hán Văn Khảo9 của bậc túc nho Phan Kế Bính để chứng minh điều đó. Theo lời giải thích thì bài liên ngâm đã được làm ra với sự hợp tác của bốn người: Bà Liễu Hạnh (nhân vật thần thoại thời Lê Anh Tông, được dân chúng thờ phượng như thánh mẫu), ông Phùng khắc Khoan (Trạng Bùng, 1523-1613), một ông tú tài họ Lý và một ông cử nhân họ Ngô, khi họ rong thuyền chơi trrên Hồ Tây. Bài thơ này gốc chữ Hán. Xin trích đoạn đầu và cuối của bản Việt dịch:

Liễu:

Hồ Tây riêng chiếm một bầu trời,

Lý:

Bát ngát tư mùa rộng mắt coi,
Cõi ngọc xanh xanh làng phía cạnh,

Phùng:

Trâu vàng biêng biếc nước vàng khơi.
Che mưa lợp mái làm nhà cỏ,

Ngô:

Chèo gió ai bơi một chiếc chài.
Giậu thủng chó đua đàn sủa tiếng,

Lý:

Trời hôm bếp thổi khói tuôn hơi,
Mơn mơn tay lái con chèo quế .

Phùng:

Xàn xạt mình đeo chiếc áo tơi .
Thuyền Phạm phất phơ chơi bể rộng.

Ngô:

Bè Trương thấp thoáng thả sông trời
Đò đưa bãi lác tai dòn dã.

..........................................................................................................

Thuyền tới Đào Nguyên mặc sức bơi.
Chuông sớm giục thanh lòng Phật đó.

Liễu:

Trăng tròn soi một bóng tiên thôi.

Câu thơ chót như ngụ ý Bà Liễu Hạnh là người tiên.

Không hiểu thể liên ngâm này đã đến nước ta tự bao giờ và có phổ biến lắm hay không?

Nó có nguồn gốc phương Bắc hay là một sản phẩm bản địa? Xét riêng bài thơ 4 người trên đây làm (nguyên tác bằng chữ Hán, dùng nhiều điển cố Trung Quốc và tất cả bài thơ triển khai theo sát một chủ đề độc nhất là cảnh Hồ Tây) thì ta có thể ngả về giả thuyết đầu. Tuy nhiên nếu nhìn chung thì tự thời xa xưa, trong một xã hội nông nghiệp, bất luận ở đâu, khi người ta tụ họp với nhau để lao động như cấy mạ, gặt lúa, giã thóc, đào mương, đắp bờ ruộng... hay tham gia lễ hội mừng mùa màng thì việc hát đối đáp, hát trêu ghẹo, luyến láy giữa nam nữ là chuyện thường xảy ra. Các tập thơ renga thường lấy nhan đề là “Tsukuba tập” vì các nhà biên tập dùng tên hòn núi ở miền Đông Nhật Bản, nơi có tổ chức các nghi lễ cảm tạ trời đất cho được mùa và cũng là nơi trai gái tụ tập hát hỏng, nhảy múa và tự do chung đụng xác thịt. Sự phồn thực của đất trời và sự phồn thực của loài người được xem như là một cho nên tập đoàn phải khuyến khích hành động đó.

Theo Oda Hiroshi10, bài liên ngâm đầu tiên của người Nhật và là thủy tổ của renga đã được ghi chép trong Kojiki (Cổ Sự Ký, 712) giữa người anh hùng trong thần thoại, hoàng tử Yamato Takeru (Nhật Bản Vũ Tôn) và ông lão tên Hitaki no Ogina. Sau đó, trong Manyôshuu (Vạn Diệp Tập, 759?) lại chép bài liên ngâm của thi hào Ôtomo Yakamochi và một ni sư. Điều đó có thể hiểu như người Nhật muốn khẳng định rằng hình thức liên ngâm như renga có nguồn gốc bản địa chứ không phải một thể thơ du nhập từ đại lục11.

Phổ biến suốt thời trung cổ, vào đến giai đoạn tiền cận đại, renga đã chia ra thành hai nhánh: hữu tâm (ushin hay yuushin) và vô tâm (mushin). Hữu tâm thì diễm lệ, tao nhã, thường là thơ dụng công và viết theo phong cách của những người trí thức có địa vị cao trong xã hội. Vô tâm bình dị, hài hước, không câu nệ và là sản phẩm của đại chúng thấp kém. Nhánh vô tâm biến thể thành haikai renga qua sự cách tân của Matsunaga Teitoku (1571-1653) và Nishiyama Sôin (1605-1682). Kể từ đó, chúng ta có renku, một hình thức liên ngâm nhưng đi ra ngoài renga truyền thống của Nijô Yoshimoto12, Shinkei, Sôgi, Sôkan, Shôhaku..., những bậc thầy tên tuổi. Riêng Bashô, ông đã chứng tỏ mình cũng là một người viết renku có tài.

Bài viết dưới đây phỏng dịch chương thứ ba nhan đề The Renku trong tác phẩm Matsuo Bashô, the Haiku Master (1970) của Giáo sư Ueda Makoto. Như thông lệ áp dụng từ những bài trước, nó có kèm theo lời chú thích và ý kiến cá nhân người dịch.

(NNT)

*


basho
Bashô dưới nét bút Sanpuu


Renku là một thể thơ độc đáo với sự góp mặt của nhiều tác giả.Thường thì nó được cấu thành bởi 36, 50 hoặc 100 (, tiểu đoạn, tiết, stanzas gồm từ 2 đến 3 câu hay quãng ngắt) do một “toán” thi nhân làm ra. Viết renku giống y như một “trò chơi nhóm” mà động cơ thực sự là để tiêu khiển với nhau trong những cuộc gặp gỡ. Chúng ta có thể tưởng tượng cái cảnh một thành viên nào đó vừa đưa ra được một câu thơ đẹp hay hóm hỉnh thì người trong nhóm đã xuýt xoa khen ngợi hay bật phá ra cười. Cái lợi thế trên hết của renku như hình thức thi ca là nó có thể mở rộng phạm vi và biến hóa khôn lường, việc mà một nhà thơ đơn lẻ khó lòng thực hiện.

Viết renku (Japanese linked poem) cũng có khả năng rủi ro gặp thất bại, rõ ràng nhất là việc những thành viên đóng góp vào đó đã không kết hợp được nỗ lực của họ. Để phòng chống sự ngẫu nhiên này, người ta đã đặt ra một số qui luật. Chẳng hạn khi muốn thoát ra khỏi sự đơn điệu, các thành viên không được lặp đi lặp lại một số chữ nào đó trong khoảng 2, 3 hay nhiều câu. Về âm tiết cũng được qui định trước như vậy. Một cú ba câu (triplet) với hình thức 5/7/5 phải được nối sau nó bằng một cú 2 câu (couplet) 7/7. Một renku lúc nào cũng khởi đầu bằng một cú 3 câu và kết thúc bằng một cú 2 câu. Quan trọng hơn nữa, người ta đòi hỏi renku phải theo một tiến trình thống nhất vế các mặt nhịp điệu, hình ảnh và cách dùng chữ. Trong thể loại renku ba mươi sáu cú 13(mà vào lúc cuối đời, Bashô rất yêu chuộng) thì sáu cú đầu được xem như đoạn nhập đề và mỗi câu thơ của nó phải giữ được giọng điệu ôn tồn, chữ dùng quen thuộc và có lập luận hòa nhã. Tất cả cho phép người đọc có thể chờ đợi những gì gây xúc động hơn đến sau đó. Hai mươi bốn cú kế tiếpthân bài, trong phần này, các thành viên được phép làm cho độc giả kinh ngạc qua lối hành văn mới mẻ hay những hình ảnh và chủ đề gây choáng mà họ đưa ra. Sáu cú cuốikết luận, các thành viên phải giảm dần dần những nhịp điệu được coi là quá gấp rút, hình ảnh hoa hoè hay ngôn từ kích động.

Trong một số lượng vô hạn những đề tài được renku cho phép thì hoa anh đào và trăng theo truyền thống vẫn được yêu chuộng nhất. Các bài renku ở một thời điểm nào đó đều phải đưa chúng vào.Theo thông lệ thì anh đào xuất hiện vào các cú thứ 17 và 35 của renku trong khi đó ánh trăng sẽ được đem vào ở các cú 5, 13 và 29. Hãy còn có nhiều qui định khác về cách kết cấu đặt để cho mỗi nhà thơ renku, khiến cho việc sáng tác của họ gặp khó khăn. Lý do là nhà thơ ấy đồng thời đóng vai một cá nhân đơn lẻ và một thành viên của tập đoàn. Viết ra một câu nào quá độc đáo là không được vì nó không ăn khớp với những câu thơ còn lại, còn như viết một câu nào quá xuôi chiều cũng không xong vì nó sẽ khiến người đọc nhàm chán.

Bashô là một nhà thơ renku tuyệt vời. Suốt đời làm thơ của mình, ông đã tham dự sáng tác renku nhiều lần và để lại một số lượng tác phẩm quan trọng. Có người còn cho rằng Bashô đã bỏ nhiều tâm huyết vào renku hơn cả haiku bởi vì renku là một thể thơ đặt nhiều đòi hỏi. Theo nguồn tin từ những người thân cận với ông lúc cuối đời, Bashô có lần nhìn nhận là trong lãnh vực haiku, nhiều môn sinh của ông tài năng ngang ngửa với thầy mình. Thế nhưng trong lãnh vực kỹ thuật renku, Bashô tự xem ông mới là người duy nhất nắm được một số bí quyết. Đối với một nhà thơ đặc biệt được biết đến bởi đức tính khiêm tốn như ông thì nhận xét này đáng cho ta kinh ngạc. Thế nhưng chúng ta có đủ bằng chứng để xem điều phát bìểu nói trên rất gần với sự thực. Nếu đọc những renku có sự tham gia của Bashô trong hai thập niên 1680 và 1690 thì quả đúng như vậy, renku nào có Bashô tham gia như đầu đàn đều là những renku đạt phẩm chất cao.

Theo thời gian, renku của Bashô cũng như haiku của ông có những biến chuyển trong bút pháp. Khuôn mẫu sự thay đổi của chúng giống y nhau: Bashô bắt đầu với lối viết đùa cợt, cơ trí, học thức để rồi dần dần trở nên u ẩn và nghiêm nghị. Trong những renku mà ông tham gia, chúng tôi (Ueda Makoto) xin chọn hai bài để nghiên cứu tường tận. Một bài nhan đề Mưa rào mùa đông (Shigure)14 liên quan đến bút pháp của ông trong giai đoạn đầu, một bài nhan đề Vầng trăng hạ (Natsu no Tsuki)15 có thể xem như tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn sau. Mỗi một tác phẩm đều gồm 36 cú (kasen renku, ca tiên liên cú), hình thức renku mà Bashô thời chín muồi và các đệ tử của ông yêu chuộng.


I. Mưa rào mùa đông ( Shigure 時 雨)


tuyet
Chợt có người mê tuyết,
Đội nón kiểu bên Ngô,
Đến chơi, trông lạ mắt.

                            (Kakei)


Bài renku mang tên Mưa rào mùa đông được viết vào mùa đông 1684. Bashô lúc đó đang trọ ở Nagoya. Một vài thi hữu địa phương, vốn hâm mộ danh tiếng tự thời Edo, đề nghị cùng nhau làm một số liên ngâm dưới sự chỉ đạo của ông.Trong trường hợp của Mưa rào mùa đông thì Bashô đã hợp tác với năm nhà thơ tài tử trong số những người ấy. Họ là nhà buôn gạo Tsuboi Tokoku16 坪 井 杜 国 ( 1656?-1690), nhà buôn gỗ Katô Juugo 加  藤 重 五 (1654-1717), người bán lẻ hàng dệt Okada Yasui 岡  田 野 水( 1658-1740), thầy thuốc Yamamoto Kakei 山  本 荷 兮(1648-1716)17 cũng như một nhân vật nam tên Koike Shôhei 小  池 正 平, về ông này, người ta không biết gì nhiều. Họ đều tương đối trẻ và chưa có tiếng tăm. Bashô lúc đó đã 40, đóng vai trò người đầu đàn, cho nên rõ ràng là sở thích và khuynh hướng cá nhân của ông đã ảnh hưởng đến toàn bộ ngâm khúc.

Hình như khi viết (gọi là ngâm) renku, nhóm các ông thường thay nhau để đọc câu thơ khai mào. Lần đó, với Mưa rào mùa đông, đến lượt Tokoku ra quân. Ông bắt đầu với một cú 3 câu theo lối 5/7 /5( 17 âm tiết) như sau:

(01) Tsutsumi-kanete
Tsuki toriotosu
Shigure kana

(01) Mây dày che ánh trăng,
Đôi khi vẫn để lọt,
Chắc lúc tạnh mưa rào?

Câu thơ đầu của một renku như trên được gọi là hokku (phát cú), tự thể nó đã có đầy đủ ý nghĩa. Điều ấy giải thích một phần nào tại sao hokku có thể trở thành một bài thơ độc lập dưới cái tên haiku. Nếu xem hokku này như một vần thơ độc lập và thưởng thức nó như một bài thơ đã hoàn thành thì cũng được. Nội dung hokku nói về cảnh mưa rào ban đêm: một đám mây đen lớn đang lan nhanh che lấp bầu trời, và dầu mây có vẻ dày như thế, đôi khi cũng lộ ra một số khe rách. Mưa rào khi rơi khi tạnh, cho phép ánh trăng đi xuyên qua nó.

Juugo đã tiếp nối cú thứ hai gồm hai câu 7/7:

(02) Kôri fumiyuku
Mizu no inazuma

(02) Ai đạp lên băng vỡ,
Nước loang loáng theo chân.

Cú thứ hai này có tên là wakiku là một cú “nách” (waki) đóng vai phụ. Nó không có nghĩa khi đứng một mình. Nó có nhiệm vụ bổ nghĩa cho cú thứ nhất và làm thành một bài thơ với năm giòng khi đặt cả hai cạnh nhau. Hai câu thơ của Juugo chắc chắn đã làm được sứ mạng đó. Hãy đọc:

(01) Tsutsumi-kanete
Tsuki toriotosu
Shigure kana

(02) Kôri fumiyuku
Mizu no inazuma

(01) Mây dày che ánh trăng,
Đôi khi vẫn để lọt,
Chắc lúc tạnh mưa rào?

(02) Ai đạp lên băng vỡ,
Nước loang loáng theo chân.

Juugo đưa một nhân vật vào bên trong khung cảnh. Cơn mưa rào mùa đông đã tạo ra những vũng nước đọng phủ lên bằng lớp băng mỏng trên mặt đường. Khi khách bộ hành bước lên những mảnh băng vỡ phản chiếu ánh trăng loang loáng như có những tia chớp nháng. Như thế, wakiku của Juugo đã đem đến cho khung cảnh một điểm tập trung cũng như một sự chuyển động.

Đến lượt Yasui. Ông đã viết những câu sau:

(03) Shida no ha wo
Hatsukaribito no
Ya ni oite

(03) Người đi săn đầu năm18,
Túi tên đeo trên lưng
Gắn mấy nhành dương xỉ

Nếu chúng ta thêm mấy câu thơ của Juugo vào cú trước thì nó sẽ thành ra:

(02) Kôri fumiyuku
Mizu no inazuma

03) Shida no ha wo
Hatsukaribito no
Ya ni oite

(02) Ai đạp lên băng vỡ,
Nước loang loáng theo chân.

(03) Người đi săn đầu năm,
Túi tên đeo trên lưng
Gắn mấy nhành dương xỉ


duong-xi
Dương xỉ

Giả dụ đến từ hai câu của Juugo đã triển khai bài thơ theo một ý nghĩa khác. Bây giờ không còn là mùa đông nữa mà trời đã vào tiết sơ xuân, thời khắc không còn là ban đêm mà là ban mai, vài “ai đó” không còn là một khách bộ hành bình thường. Đấy là một người đi săn vào dịp đầu năm mới. Kết hợp cả 5 câu lại thì như đã hiện ra trước mắt ta hình ảnh một người thợ săn nai nịt gọn ghẽ đang bước nhanh trong rừng giữa cái giá lạnh của buổi sớm. Dù tờ lịch đã báo xuân về nhưng vẫn còn có những mảnh băng mỏng trong những vũng nước mưa đọng trên đường. Khi người đi săn đạp lên trên thì nước bắn tung toé, phản chiếu những tia nắng mới của một ngày. Ánh nước loang loáng tương phản một cách đẹp đẽ với màu xanh của nhành dương xỉ19, vật trang sức đầu năm cài lên túi đựng tên của người đi săn.

Tất cả những cú (ku) nằm trong bài renku (liên cú), trừ cú mào đầu và cú kết thúc, đều đóng một lượt hai vai trò như cú nói trên của Juugo. Mỗi một cú như thế phải làm nhiệm vụ bổ sung một cách toàn hảo cả cho cú đến trước và cú đến sau nó, và trong mỗi trường hợp, đều có thể kết hợp với một trong hai để thành một bài thơ năm câu độc lập. Đứng trên quan điểm cá nhân nhà thơ mà nhìn thì mỗi cú như vậy đều mang hai ý nghĩa, một chủ tâm (conscious) và một không chủ tâm (unconscious). Nhà thơ vừa làm xong một cú, chỉ mấy phút sau, ông ta bỗng cảm thấy thích thú khi câu thơ của mình bị người bạn trong nhóm chuyển dịch theo một ý khác mà ông không thể đoán trước. Chúng ta sẽ thấy cảnh tượng ấy diễn đi diễn lại suốt renku Mưa rào mùa đông (Shigure).

Nhà thơ viết tiếp mấy câu sau (Tokoku, Juugo và Yasui) chính là Bashô. Theo thông lệ, ông phụ trách một cú hai câu (couplet) để gắn nó vào cú 3 câu (triplet) của Yasui: 

(03) Shida no ha wo
Hatsukaribito no
Ya ni oite

(04) Kita no gomon wo
Oshiake no haru

(03) Người đi săn đầu năm,
Túi tên đeo trên lưng,
Gắn mấy nhành dương xỉ. 

(04) Cửa cung phía Bắc mở,
Mùa xuân cũng mới về.

Cửa Bắc của cung điện là nơi những người có công vụ ra vào để làm việc, còn cửa Nam thường mới thực sự là cửa chính. Theo lối giải thích của Bashô thì “người đi săn đầu năm” không phải là một tay thợ săn chuyên nghiệp đang hối hả đi vào rừng nhưng là một nhà quí tộc trong trang phục của người đi săn. Ông đang thực hiện một nghi thức cổ truyền của triều đình vào dịp Tết Nguyên Đán. Tự nhiên cái vẻ thô bạo, nam nhi của một thợ săn chợt nhuộm màu hòa nhã và cao sang. Ngoài ra chúng ta nên nhớ rằng trong Nhật ngữ, động từ haru (張 るmở ra, bắt đầu) và danh từ haru (mùa xuân) vốn có chung một cách đọc. Nó làm chúng ta nhớ lại khuynh hướng thích chơi chữ của Bashô giai đoạn đầu.

Thế nhưng cái không khí cao sang đó liền bị bẻ trẹo đi một cách không ngờ khi đến lượt Kakei đưa cú 3 câu của ông vào để thành ra một bài thơ mới:

(04) Kita no gomon wo
Oshiake no haru

(05) Maguso kaku
Ôgi ni kaze no
Uchikasumi

(04) Cửa cung phía Bắc mở,
Mùa xuân cũng mới về.

(05) Làn gió thoảng như sương,
Toát ra từ cánh quạt,
Mới quét quang phân ngựa.

Đề tài đi săn biến mất ở đây. Nay người ta thấy hiện ra hình ảnh một nhà quí tộc đang ra ngoài thành thăm phong cảnh, theo sau có vài kẻ tùy tùng. Khi họ vừa đi ngang cửa thành thì gặp phải mấy hòn phân ngựa, khiến cho một người hầu cận của ông đã lấy lá quạt đem theo người ra quét mấy miếng phân khô, nhẹ đó cho sạch lối đi. Nhưng dù Kakei sử dụng những chất liệu thô tháp như vậy, câu thơ của ông không hạ cấp chút nào. Nó đã trình bày được một cảnh sắc mùa xuân đáng yêu với cuộc tản bộ ngoài cung vào dịp đầu năm của ông quan trong triều cùng vài người hầu cận.

Bối cảnh cung điện đã phải nhường bước cho phong cảnh đồng quê khi Shôhei viết tiếp Kakei:

(05) Maguso kaku
Ôgi ni kaze no
Uchikasumi

(06) Chanoyuja oshimu
Nobe no tanpopo

(05) Làn gió thoảng như sương,
Toát ra từ cánh quạt,
Mới quét quang phân ngựa.

(06) Vị trà sư thương xót,
Hoa bồ công ven đường.

Ở đây người đọc thấy hiện ra hình ảnh một trà sư đang đi dạo. Ông ta nhận ra rằng phân ngựa đã che lấp những đóa hoa bồ công anh (tanpopo, dandelions) bên vệ đường nên thương cảm chúng và dùng chiếc quạt của mình để quét cho quang. Chúng ta chắc còn nhớ mỹ học trong trà đạo Nhật Bản là cái đẹp đơn sơ, tầm thường. Do đó, hoa bồ công anh đặc biệt được trà nhân (chajin) yêu mến. Khi Shôhei bắt vận như thế, ông đã đổi cái đẹp tao nhã của cung đình lấy cái đẹp dân dã, mộc mạc.

Tiết tiếp sau do Juugo viết. Nhà thơ tập trung khai thác cuộc đời của vị trà sư nói trên:

(06) Chanoyuja oshimu
Nobe no tanpopo

(07) Rôtage ni
Mono yomu musume
Kashizukite

(06) Vị trà sư thương xót,
Hoa bồ công ven đường.

(07) Phòng khuê, người thiếu nữ,
Cuốn truyện tình đọc dở,
Chợt dừng trong phút giây.

Rõ ràng đây là một cuộc sống rất bình lặng. Trong khi người cha (trà sư) ra bên ngoài tản bộ thì cô con gái ông ngồi trong nhà và đang đọc một cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Là con một vị trà sư, chắc cô phải là một thiếu nữ khả ái và giỏi văn chương cổ điển.

Bỗng nhiên, không khí đột ngột trở nên đầy kịch tính khi Tokoku viết tiếp hai câu:

(07) Rôtage ni
Mono yomu musume
Kashizukite

(08) Tôrô futatsu ni
Nasake kuraburu.

(07) Phòng khuê, người thiếu nữ,
Cuốn truyện tình đọc dở,
Chợt dừng trong phút giây

(08) Đèn lồng hai chàng tặng,
Chọn một, tình ai đây?

Người thiếu nữ đang lúng túng trước một vấn đề nan giải như nhân vật trong cuốn truyện tình cô đang đọc. Cả hai chàng trai đều có tình ý với cô, và mỗi anh gửi tặng cô một chiếc đèn lồng (đăng lung = tôrô) xinh xắn. Hai chiếc đèn đó đang được đặt bên cạnh và nó phá khuấy tâm trí cô, không cho cô yên tâm đọc sách.

Đề tài tranh đua giữa hai chàng trai đã được khai triển bởi Bashô khi ông làm thêm 3 câu kế;

(08) Tôrô futatsu
Nasake kuraburu

(09) Tsuyu hagi no
Sumô chikara wo
Erabarezu

(08) Đèn lồng hai chàng tặng,
Chọn một, tình ai đây?

(09) Hoa hagi, sương nặng,
Nhưng đã chịu đâu nào,
Đọ sức như đấu vật.

Trong khu vườn bên ngoài, bụi hagi (hoa thưu, bush clover) đang độ ra hoa. Ở những cánh màu hồng nở trên cuống dài mảnh khánh, thấy lấp lánh những giọt sương rơi. Giọt sương muốn làm trĩu nặng đài hoa nhưng cuống kia như muốn chống cự lại. Cuộc đọ sức giữa những giọt sương nặng và những đóa hagi hồng thắm có thể đem so sánh với sự tranh chấp trong tình yêu của hai chiếc đèn lồng trang trí.

Thế rồi khu vườn mùa thu xinh đẹp đó lại bị dời qua một khung cảnh mới với những câu thơ của Yasui:

(09) Tsuyu hagi no
Sumô chikara wo
Erabarezu

(10) Soba sae aoshi
Shigaraki no bô

(09) Hoa hagi sương nặng,
Nhưng đã chịu đâu nào,
Đọ sức như đấu vật, 

(10) Xanh cả mì kiều mạch,
Quán Shigaraki.

Shigaraki 信 楽, một thị trấn nhỏ cạnh bờ hồ Biwa, thời Phật giáo cực thịnh ở Nhật Bản, chốn ấy rất phồn vinh. Thị trấn nổi tiếng với món soba (mì kiều mạch) cũng như trà xanh. Nay người lữ khách dừng chân ở Shigaraki, ông ta được mời ăn món mì kiều mạch kèm theo bát chè xanh. Dưới mắt ông, mì làm từ kiều mạch mới gặt đầu mùa cũng thoáng một màu xanh, đi đôi với màu xanh của nước chè. Và mối liên hệ ấy lữ khách thấy nó có gì giông giống cuộc giằng co giữa những hạt sương rơi và bụi hoa hagi trong khu vườn bên cạnh nhà trọ của mình.

Thân thế của người lữ khách đã được Tokoku cho biết qua những câu sau:

(10) Soba sae aoshi
Shigaraki no bô

(11) Asadzukuyo
Sugoroku-uchi no
Tabine shite

(10) Xanh cả mì kiều mạch
Quán Shigaraki

(11) Trăng tàn ngày vừa rạng
Gã chơi bài song lục
20
Đã khăn gói ra đi.

Ta thấy có một sự hài hòa tinh tế giữa những sợi mì kiều mạch thoáng xanh và ánh trăng tàn lúc hừng đông. Dường như lại có mối liên hệ giữa cái thị trấn Shigaraki cổ kính và trò chơi song lục (sugoroku), thú vui trong cung đình xưa. Chúng ta có thể tưởng tượng cảnh một số nhà quí tộc đang quây quần chơi thứ trò này trong một phủ đệ ở Shigaraki khi khu vực đó đang vào thời toàn thịnh cách đây mấy thế kỷ. Cái dí dỏm của câu thơ này là qua đó, chúng ta biết trò song lục đã mất địa vị xã hội của nó, ngày nay chỉ còn là ngón nghề cờ bạc. Anh chàng lữ khách và là tay cờ bạc này đã đến Shigaraki, uống quá nhiều bát chè xanh nổi tiếng của địa phương nên mất ngủ. Thường thì anh dậy muộn lắm cơ nhưng hôm nay lại thức sớm hơn để lên đường. Trong cái đầu bần thần của anh hãy còn bồng bềnh hình ảnh bát chè xanh và những sợi mì kiều mạch vốn có màu xanh tương tự.

Kakei qua mấy giòng sau đây giải thích một lối khác tại sao tay chơi cờ bạc này dậy sớm:

(11) Asadzukuyo
Sugoroku-uchi no
Tabine shite

(12) Beni kau michi ni
Hototogisu kiku

(11) Trăng tàn ngày vừa rạng,
Gã chơi bài song lục,
Đã khăn gói ra đi.

(12) Trên đường mua hoa nhuộm
Cuốc cuốc tiếng chim qui.

Tay cờ bạc này dường như còn là một con buôn hoa beni (safflower)21, một loại hoa dùng làm thuốc nhuộm. Muốn hoa cho màu thật tốt thì nên hái nó vào buổi sáng sớm. Do đó, anh chàng lãng tử đã phải rời quán trọ từ lúc tờ mờ đất và đang bước trên con đường quê. Hai bên bờ đường là những nông trại trồng hoa beni. Màu hồng hoàng (da cam) của cánh đồng hoa trông thật đẹp trong ánh nắng còn yếu ớt của buổi hừng đông. Thế rồi, không biết từ đâu, có tiếng chim tử qui (chim cuốc) vọng lại.

Yasui đặt thêm một cú 3 câu và thay đổi hẳn không khí. Hình ảnh anh con bạc nhạt nhòa dần, nhường chỗ cho một thiếu phụ khả ái. Có thể nói rằng ở đây, renku đã đi trước về mặt kỹ thuật trong lãnh vực cắt xén, biên tập phim (film montage) của thời hiện đại:

(12) Beni kau michi ni
Hototogisu

(13) Shinobu ma no
Waza tote hina wo
Tsukuriiru

(12) Trên đường mua hoa nhuộm,
Cuốc cuốc tiếng chim qui.

(13) Cho qua bớt thời giờ
Trong buồng khuê ẩn khuất,
Nàng ngồi khâu con nộm.

Thiếu phụ đang sống âm thầm trong một ngôi nhà ở đồng quê. Chúng ta không được biết lý do tại sao nàng phải sống ẩn khuất nhưng có thể phỏng đoán là do cảnh tình duyên trắc trở chi đó, bởi vì xem ra nàng hẳn trẻ và ra dáng con nhà danh gia vọng tộc. Có quá nhiều thời giờ, không biết làm gì, nàng bèn tiêu khiển bằng cách ngồi khâu những con nộm (hina, búp bê bằng vải). Giờ đây, nàng đang đi bộ trên con đường quê để mua hoa beni làm thuốc nhuộm cho những con nộm ấy và bỗng nghe tiếng chim cuốc từ đâu vọng lại.

Khâu những con nộm là thú vui thanh nhã. Thiếu phụ lại biết thưởng thức tiếng chim cuốc. Bà hẳn xuất thân từ gia đình quí phái có học thức, biết đâu chẳng từng phục vụ trong cung hay một nơi nào cao sang như thế. Lý do là Juugo đã tiếp nối như sau:

(13) Shinobu ma no
Waza tote hina wo
Tsukuriiru

(14) Myôbu no kimi yori
Kome nando kosu

(13) Để qua bớt thời giờ,
Trong buồng khuê ẩn khuất,
Nàng ngồi khâu con nộm.

(14) Bao nhiêu quà và gạo,
Từ cung nội ban cho.

Có lẽ một vị mệnh phụ (myôbu) đang hầu cận hoàng hậu là bạn thiết của bà, đôi khi người ấy gửi thư thăm để bà đỡ trống vắng trong cuộc sống lẩn tránh và lần này còn tặng quà, tặng gạo.

Tự dưng hình ảnh mối giao tình đằm thắm của hai vị nữ quan trong triều đình bỗng bị xóa khỏi trung tâm bài thơ khi Kakei viết tiếp:

(14) Myôbu no kimi yori
Kome nando kosu

(15) Magaki made
Tsunami no mizu ni
Kuzureyuki

(14) Bao nhiêu quà và gạo,
Từ cung nội ban cho.

(15) Ngọn sóng thần ập tới,
Tàn phá chẳng chừa gì,
Phên giậu nào cũng đổ.

Đó là một ngôi làng đã bị tàn phá vì hiềm họa sóng thần (tsunami). Một số người trong thôn còn sống sót đã trở về để vớt vát những cái gì họ còn có thể tìm lại được. Hoàng gia thương xót cảnh ngộ của họ, hạ lệnh cho một vị mệnh phụ đem tiền gạo tới giúp những nạn nhân thiên tai.

Thế rồi, bài thơ đi theo theo một hướng đi khó lường. Renku đã tới nửa chặng đường, lúc này cần phải có cái gì mới mẻ để kích thích những người tham dự. Nhà thơ lãnh trách nhiệm làm chuyện đó không ai khác hơn là Bashô:

(15) Magaki made
Tsunami no mizu ni
Kuzureyuki

(16)Hotoke kuutaru
Uo hodokikeri

(15) Ngọn sóng thần ập tới,
Tàn phá chẳng chừa gì,
Phên giậu nào cũng đổ..

(16) Khi mổ ruột con cá,
Thấy tượng Phật bên trong.

Ngọn sóng thần thường vứt nhiều xác cá lên bờ. Trong dịp ấy, khi banh ruột một con cá lớn, có người đã khám phá tượng Phật nó nuốt còn nằm bên trong. Đây là một phép lạ mà những câu chuyện dân gian thường hay nói tới.

Cảnh tượng tàn phá tan hoang lại biến mất dưới ngòi bút của Juugo, người tiếp theo:

(16) Hotoke kuutaru
Uo hodokikeri

(17) Agata furu
Hanami Jirô to
Aogarete

(16) Khi mổ ruột con cá,
Thấy tượng Phật bên trong.

(17) Hanami Jirô
Sinh trong nhà quyền quí,
Được bao người ngưỡng mộ

Hanami Jirô chỉ là một nhân vật tưởng tượng nhưng nó hoàn toàn phù hợp với văn mạch. Hanami có nghĩa là “thưởng hoa”. Jirô cho ta biết người mang tên là anh con trai thứ trong gia đình. Hình ảnh quen thuộc và công thức của một anh con trai thứ (jirô, thứ tử, thứ lang) trong xã hội Nhật Bản là một người xuề xòa, dễ tính và rộng lượng (không giống trưởng nam là kẻ điều khiển có trách nhiệm nên thường cứng rắn, nghiêm nghị, NNT). Anh Jirô này lại sinh ra trong gia đình quyền quí và có truyền thống lâu đời. Có thể anh đang tổ chức hội thưởng hoa (hanami) cho hàng trăm dân làng bởi vì anh vốn là người thích vui chơi. Người đầu bếp của anh, bận bịu mổ cá để làm thức nhắm cho buổi tiệc, khi banh ruột một con cá lớn, đã tìm thấy tượng Phật trong đó. Vì cớ đó, những người chứng kiến xem đó là một phép lạ, càng đem lòng ngưỡng mộ Hanami Jirô.

Tokoku tiếp nối đoạn trên bằng cách tô điểm thêm hình ảnh nhà quí tộc giàu có và hào phóng :

(17) Agata furu
Hanami Jirô to
Aogarete

(18) Genge sumire no
Hatake rokutan

(17) Hanami Jirô
Sinh trong nhà quyền quí,
Được bao người ngưỡng mộ

(18) Cả sáu khoanh vườn rộng,
Rợp lan tím sen hồng.

Sáu tan (rokutan) tương đương với 15 sào tây (100m2 x 15) không thể gọi là một diện tích hẹp trong bối cảnh Nhật Bản. Nông dân Nhật ít khi có được chừng ấy đất. Thế nhưng đối với Hanami Jirô thì khoanh đất ấy chẳng đáng là bao nên ông để cho hoa cỏ tự do mọc và riêng mình cũng có cơ hội nhìn ngắm chúng. Chúng ta có thể mường tượng cánh đồng hoa đang trải rộng trước một ngôi phủ đệ. Đó là một khung cảnh đồng quê yên tĩnh, tương phản với bi kịch thiên nhiên tàn phá trong những câu thơ trước.

Bashô, người kế tiếp, cũng có cùng chủ đích tái lập lại khung cảnh thanh bình đó cho nên ông đã nối vần như sau:

(18) Genge22 sumire no
Hatake rokutan

(19) Ureshigeni
Saezuru hibari
Chirichiri to

(18) Cả sáu khoanh vườn rộng,
Rợp lan tím sen hồng.

(19) Như tỏ niềm vui sướng,
Con sơn ca cất tiếng,
Lảnh lót lời chim non.

Khi mô tả tiếng chim nhỏ bé, Bashô đã đề xuất một điểm hội tụ (focal point) so với phong cảnh quá dàn rộng của cánh đồng. Ông cũng đã cho thêm vào khung cảnh một sự chuyển động, một hình ảnh thính giác (aural image). Chiri chiri to .., những tiếng tượng thanh mà Bashô đã dùng, gieo cho ta ấn tượng lảnh lót, thanh thoát của tiếng chim sơn ca.

Yasui đóng góp một biến thể cho phong cảnh mùa xuân này:

(19) Ureshige ni
Saezuru hibari
Chirichiri to

(20) Mahiru no uma no
Nebutagao nari

(19) Như tỏ niềm vui sướng,
Con sơn ca cất tiếng,
Lảnh lót lời chim non.

(20) Khi mặt trời đứng bóng,
Mắt ngựa dường lim dim.

Đó là buổi trưa một ngày xuân. Khí trời ấm áp, gió nhẹ phây phẩy, ngay cả chú ngựa kia cũng đâm ra buồn ngủ. Cái nhẹ nhàng của con sơn ca tương phản với cái nặng nề của chú ngựa được diễn tả qua tiếng hót lảnh lót và bộ mặt đờ đẫn đó đủ tạo ra một hiệu quả thi ca.

Chú ngựa kia đang làm gì và trong bối cảnh nào ? Tokoku cho biết chi tiết:

(20) Mahiru no uma no
Nebutagao nari

(21) Okazaki ya
Yahagi no hashi no
Nagaki kana

(20) Khi mặt trời đứng bóng,
Mắt ngựa dường lim dim.

(21) Cây cầu Yahagi
Ở Okazaki
Như dài ra vô tận.

Okazaki 岡 崎 là thành phố lân cận Nagoya, nổi tiếng vì có cây cầu Yahagi, một trong những cái cầu dài nhất nước Nhật. Bây giờ, trong ánh nắng ấm ngày xuân, con ngựa chở người lữ khách đang lóc cóc qua cầu. Cầu dài đi mãi vẫn chưa tới bờ bên kia và khi lữ khách trên lưng ngựa nghe tiếng chân chậm chạp và đơn điệu của con vật, chính mình cũng đâm ra buồn ngủ.

Thế rồi điểm hội tụ của bài thơ từ con ngựa đã chuyển sang nhân vật lữ khách đong đưa trên lưng nó khi Kakei viết:

(21) Okazaki ya
Yahagi no hashi no
Nagaki kana

(22) Shôya no matsu wo
Yomite okurinu

(21) Cây cầu Yahagi
Ở Okazaki
Như dài ra vô tận

(22) Thấy gốc tùng ông lý,
Gửi bài thơ mới viết

Cây cầu Yahagi 矢 作 橋 rất nổi tiếng trong văn học Nhật Bản. Người lữ khách nôn nao khi qua cầu và có cảm tưởng mình đang có hứng làm thơ. Nhìn quanh quất, ông nhận ra có một gốc tùng lớn trước nhà ông lý trưởng (shôya 庄 屋, chữ dùng thời Edo, NNT) và thấy là một đề tài thích hợp. Do đó ông tức hứng gieo vần rồi gửi bài thơ tặng người bạn ở quê nhà vốn chia sẻ với ông sở thích thi ca.

Sau vài câu thơ có tính cách mô tả, renku đã trở lại phong cách kể chuyện. Yasui làm tăng hiệu quả ấy khi đưa vào bài thơ một sự kiện bi kịch:

(22) Shôya no matsu wo
Yomite okurinu

(23) Suteshi ko wa
Shiba karu take ni
Nobitsuran

(22) Thấy gốc tùng ông lý,
Gửi bài thơ mới viết.

(23) Đứa trẻ bị bỏ rơi,
Biết đủ lớn khôn chưa,
Để vào rừng kiếm củi?

Lữ khách có lần trải qua một kinh nghiệm đau thương. Khi ông còn trẻ, có lần vì cảnh ngộ gia đình, ông đã phải bỏ rơi đứa con hãy còn trứng nước. Sau khi mất nhiều thời giờ suy nghĩ, ông đã bỏ đứa con dưới gốc tùng nhà ông lý trưởng vốn được biết là một người nhân hậu và đáng kính. Hôm nay nhìn gốc tùng nhà ông lý trưởng trong vùng này, lữ khách đã viết nên bài thơ gửi cho cha mẹ nuôi của con mình, hỏi thăm tin tức về đứa trẻ mà ông đã từ bỏ.

Lữ khách xưa kia cũng là một samurai nhưng đã bỏ nghề và từ đó không công ăn việc làm. Ít nhất, Juugo đã khai triển đề tài trong chiều hướng đó:

(23) Suteshi ko wa
Shiba karu take ni
Nobitsuran

(24) Misoka wo samuku
Katana uru toshi

(23) Đứa trẻ bị bỏ rơi,
Biết đủ lớn khôn chưa,
Để vào rừng kiếm củi?

(24) Ngày cuối năm rét buốt,
Thanh kiếm bán đi rồi!

Theo truyền thống Nhật Bản, mọi thứ nợ nần đều phải được thanh toán trong ngày cuối năm. Người samurai này vì thất nghiệp đã lâu, tiền nong không có nên đã cắn răng bán nốt thanh kiếm tùy thân, vật tượng trưng cho danh dự con nhà võ. Hôm đó trời rét buốt, không chỉ vì khí hậu mùa đông nhưng còn vì cái lạnh len vào chỗ trú ngụ quá rách nát của ông. Ngồi trong gian nhà trơ trụi, người samurai tư lự về số phận đứa con mà ông phải đem cho kẻ khác nuôi vì mình quá nghèo.

Không khí renku trở thành lâm ly ở đoạn này và Kakei đã khai triển cú 2 câu của Juugo bằng cú 3 câu của mình theo một chiều hướng hoàn toàn khác để kéo nó ra khỏi sự u buồn đó:

(24) Misoka wo samuku
Katana uru toshi

( 25) Yuki no kyô
Go no kuni no kasa
Mezurashiki

(24) Ngày cuối năm rét buốt,
Thanh kiếm bán đi rồi!

(25) Chợt có người mê tuyết,
Đội nón kiểu bên Ngô,
Đến chơi, trông lạ mắt.

Người samurai phải bán cả thanh kiếm tùy thân nhưng ông không ngại cảnh nghèo. Ông có vẻ cảm kích cuộc sống ẩn dật của những hiền giả Trung Quốc. Giờ thì ông đang vui vì tiếp đón một người bạn cùng yêu thơ và mê tuyết như mình. Người bạn này tính lập dị, hay đi trước thời trang, ăn mặc một cách khác thường nhưng vẫn thanh lịch. Hôm nay, người ấy đội cái nón rộng vành kiểu nước Ngô (Giang Nam), một vùng đất mà lối phục sức khác hẳn những nơi khác bên Trung Quốc. Trên chiếc nón đi đường có một lớp tuyết mỏng vì tuyết đã bắt đầu rơi bên ngoài. Có lẽ hai người bạn đã hẹn nhau hôm nay cùng ngắm tuyết và ngâm vịnh cảnh sắc mùa đông.

Một yếu tố mới đã được Bashô đem vào nơi đây khi ông quyết định rằng “người mê tuyết” kia cũng là một khách đa tình.

(25) Yuki no kyô
Go no kuni no kasa
Mezurashiki

(26) Eri ni Takao ga
Katasode wo toku

(25) Chợt có người mê tuyết,
Đội nón kiểu bên Ngô,
Đến chơi, trông lạ mắt.

(26) Takao xẻ áo
Làm khăn ấm cổ chàng,

Người đàn ông đầu đội nón kiểu nước Ngô yêu chuộng lối phục sức tân thời và là một anh dân kẻ chợ đỏm đáng. Gặp hôm trời tuyết, anh ta đến thăm xóm lầu xanh Yoshiwara, mở một buổi tiệc thưởng tuyết23. Bao nhiêu người đẹp có mặt hôm đó nhưng mỗi nàng Takao là có cử chỉ thân mật với chàng hơn cả. Người đẹp “khuynh thành” Takao 高 尾 (mượn tên của một geisha tên tuổi vào thế kỷ 17)24, khi buổi tiệc đi đến chỗ lơi lả, đã xé ống tay áo kimono của nàng tặng chàng làm khăn quàng cổ, thì thầm rằng nó sẽ chia sẻ chút hơi ấm của mình cho chàng trong những ngày lạnh giá nhất.

Nhục cảm được đưa dần lên đỉnh cao với mấy câu thơ sau của Juugo:

(26) Eri ni Takao ga
Katasode wo toku

(27) Adabito to
Taru wo hitsugi ni
Nomihosan

(26) Takao xẻ áo
Làm khăn ấm cổ chàng,

(27) Được người yêu tha thiết,
Nên dám cạn vò rượu,
Lấy nó làm áo quan.

Anh chàng này đúng là một Don Juan dám sống chết vì tình! Với một tình nhân nhan sắc tuyệt vời như nàng Takao thì hạnh phúc tối thượng của chàng là được uống rượu say tới chết.

Để trổ một chút tài cơ trí, Tokoku thay thế con người hào hoa này bằng một thiền tăng:

(27) Adabito to
Taru wo hitsugi ni
Nomihosan

(28) Keshi no hitoe ni
Na wo kobosu Zen

(27) Được người yêu tha thiết,
Nên dám cạn vò rượu,
Lấy nó làm áo quan.

(28) Thiền tăng cùng mang tên,
Với loài hoa chóng tàn.

Loài hoa keshi 芥 子 (poppy)25 rất rực rỡ nhưng chỉ tồn tại có ba, bốn hôm và sau đó hình thù ủ rũ, xơ xác chẳng khác bộ xương khô. Một thiền tăng giác ngộ, biết được cái ngắn ngủi của kiếp người, cũng có thể sống một cuộc đời “nổ tung như xác pháo”, hoàn toàn khác hẳn với sự cấm dục, khắc khổ của một nhà sư bình thường. Vị thiền tăng đặc biệt này đã hành xử kiểu đó nghĩa là vây quanh bởi bao người đẹp và uống rượu say tận mạng. Thế mà đạo hiệu Giới Tử (Keshi 芥 子) của ông lại được mọi người trọng vọng, và xem như nhân vật đứng đầu chư tăng.

Đến lượt Bashô. Sự vui vẻ hoạt náo nay nhường bước cho một bầu không khí ảm đạm, sắc thái tiêu biểu cho haiku trong giai đoạn sau của đời ông:

(28) Keshi no hitoe ni
Na wo kobosu Zen

(29) Mikatsukino
Higashi wa kuraku
Kane no koe

(28) Thiền tăng cùng mang tên,
Với loài hoa chóng tàn.

(29) Trong một đêm trăng liềm,
Phương đông còn mờ mịt,
Vẳng lại tiếng chuông ngân.

Có thể hình dung ra một thiền tự nằm hút sau những hàng cây cao trong núi. Phá vỡ bầu không khí tịch mịch là dăm tiếng chuông triêu mộ vọng đến. Nhìn về phương tây, thiền tăng thấy vầng trăng mồng ba (trăng liềm) chỉ gieo ánh sáng nhàn nhạt. Nghe tiếng chuông và ngoảnh lại hướng đông, một lần nữa, ông cảm thấy sự vô thường, biến ảo của mọi vật. Trước đây, khi nhìn sự đổi thay nơi những đóa hoa keshi rực rỡ đấy rồi tàn héo nhanh, ông cũng đã có chung cảm nghĩ với người viết trước (Tokoku).

Mấy câu thơ có tính tượng trưng của Bashô lại lùi bước và chỉ còn có vẻ đẹp thị giác còn đọng lại khi tới phiên Yasui tiếp mấy câu:

(29) Mikatsukino
Higashi wa kuraku
Kane no koe

(30) Shuuko kasukani
Koto kaesu mono

(29) Trong một đêm trăng liềm,
Phương đông còn mờ mịt,
Vẳng lại tiếng chuông ngân.

(30) Trên mặt hồ thu vắng,
Ai dạo khúc đàn cầm.

Trong ánh hoàng hôn, mặt hồ dường như trải dài ra vô tận. Khi chuông chùa đã tắt, bỗng nghe tiếng đàn koto thánh thót ai đó đang dạo. Koto là một loại đàn nhiều giây như đàn cầm của phương Tây (harp) nhưng đặt nằm ngang. Koto thường dùng để trình bày những bài hát cổ kính cho nên ta có thể nghĩ rằng người tấu khúc đang nhớ về một dĩ vãng xa xưa.

Tokoku, nhà thơ tiếp sau, đã triển khai cú 2 câu của Yasui theo một chiều hướng khác. Theo ông, người đánh đàn ở đây không phải là một vị mệnh phụ sống trốn tránh bên bờ hồ nhớ về thời son trẻ của mình nhưng là một nhà ần sĩ lánh đời đang thong thả rong thuyền trên mặt nước.

(30) Shuuko kasukani
Koto kaesu mono

(31) Niru koto wo
Yurushite haze26 wo
Hanachikeru

(30) Trên mặt hồ thu vắng,
Ai dạo khúc đàn cầm.

(31) Bắt được ít cá bống,
Không đem về nấu nướng,
Thả xuống nước phóng sinh.

Ẩn sĩ vừa có cây đàn koto vừa có chiếc cần câu trên thuyền. Bồng bềnh trên nước lặng dưới bầu trời trong xanh, ông dạo mấy khúc đàn cầm quen thuộc và thả cần câu cá. Dĩ nhiên ông lấy việc câu cá làm thú vui chứ không hề muốn đem cá về nhà, nếu như thế, ông sẽ làm mất hết thi vị của cuộc chơi thuyền.

Kakei giải thích mấy câu của Tokoku một cách dí dỏm và đem đến cho nó một sự tươi mát:

(31) Niru koto wo
Yurushite haze wo
Hanachikeru

(32) Koe yoki nebutsu
Yabu wo hedatsuru

(31) Bắt được ít cá bống,
Không đem về nấu nướng,
Thả xuống nước phóng sinh.

(32) Tiếng niệm Phật của ai,
Nghe rõ qua lùm bụi.

Theo lối giải thích của Kakei thì người câu cá trên hồ không phải là một nhà ẩn sĩ thoát tục nhưng chỉ là anh đàn ông tầm thường. Dĩ nhiên, anh muốn bắt cá đem về ăn. Thế nhưng đang khi đánh cá, anh chợt nghe có tiếng tụng niệm của một nhà sư trú bên trong cái am bên bờ khuất sau lùm bụi. Lúc ấy anh mới nhớ đến giới cấm sát sinh của đạo Phật, cảm thấy bối rối trong lòng khi làm một việc như vậy nên đã thả xuống nước mớ cá vừa thu hoạch.

Yasui lúc đó mới đưa nhân vật chính của mình, một đối tượng phản diện với nhà sư đang niệm Phật, vào bài thơ:

(32) Koe yoki nebutsu
Yabu wo hedatsuru

(33) Kage usuki
Andon keshi ni
Okiwabite

(32) Tiếng niệm Phật của ai,
Nghe rõ qua lùm bụi.

(33) Ngọn đèn lồng chập chờn,
Người nằm không dậy nổi,
Để mà tắt nó đi.

Người ấy có lẽ là một ông già gầy yếu, đã về ở ẩn bên cái am của nhà sư. Sau bữa cháo, ông thường ngả lưng đánh một giấc ngắn nhưng đêm hôm ấy đặc biệt đã tìm được một giấc ngủ dài. Khi chợt tỉnh, ông mới thấy đã quá nửa đêm. Ông định tắt ngọn đèn để trở lại ngủ tiếp nhưng thân thể mệt mỏi, đầu óc bần thần, còn ngái ngủ hơn trước đó và không đủ sức bước đến chỗ cây đèn. Sự lười biếng, chểnh mảng của ông ta tương phản với sự chuyên cần của người hàng xóm, chắc chắn sẽ thức trắng cả đêm để đọc kinh.

Ông già ngái ngủ bỗng biến dạng thành người yêu trẻ trung và bài thơ một lần nữa trở về với không khí nhục cảm khi Juugo hạ bút:

(33) Kage usuki
Andon keshi ni
Okiwabite

(34) Omoikanetsu mo
Yobi no obi hiku

(33) Ngọn đèn lồng chập chờn,
Người nằm không dậy nổi,
Để mà tắt nó đi.

(34) Chàng chẳng biết làm sao,
Kéo nhẹ giải lưng nàng.

Anh chàng trẻ tuổi rón rén bước vào phòng người yêu. Nàng đang nằm ngủ dưới ánh sáng một ngọn đèn yếu ớt. Anh muốn tắt ngọn đèn nhưng e làm như vậy thì nhỡ ai trong nhà còn thức lại để ý nên chỉ kéo nhẹ giải lưng cô gái để đánh thức nàng.

Mô-típ tình yêu được Kakei khai triển thêm. Ông có nhiệm vụ khó khăn là đưa hoa anh đào vào vì theo nguyên tắc renku, hoa anh đào phải có mặt trong cú thứ 35!

(34) Omoikanetsu mo
Yobi no obi hiku

(35) Kagare tobu
Tamashii hana no
Kage ni iru

(34) Chàng chẳng biết làm sao,
Kéo nhẹ giải lưng nàng.

(35) Hồn si mê nồng nàn,
Bay vào trong bóng mát,
Vòm anh đào đang giăng.

Theo qui ước trong văn học Nhật Bản thì hồn của người si tình (mộng hồn) thường rời thân xác của mình để đi gặp người yêu trong trường hợp hai bên đang sống chia cách. “Vòm anh đào” tượng trưng cho người con gái yêu kiều mà anh chàng đang say đắm. Tình cảm của anh thật mãnh liệt đến độ mất hết cả hồn vía khi phải xa nàng.

Đến đây, người có nhiệm vụ khóa sổ bài thơ là Bashô và ông lại giải thích thêm lần nữa ý thơ của Kakei. Trong cách giải thích của Bashô, lần này vòm anh đào là một hiện thực và anh chàng mê gái kia lại là một nhà thơ yêu anh đào đến mức độ muốn khi mình chết đi, linh hồn sẽ được an nghỉ dưới bóng mát của vòm hoa. Như thế, cú cuối cùng của renku đã đưa ra một hình ảnh rất lãng mạn.

(35) Kagare tobu
Tamashii hana no
Kage ni iru

(36) Sono mochi no hi wo
Ware mo onajiku

(35) Hồn si mê nồng nàn,
Bay vào trong bóng mát,
Vòm anh đào đang giăng.

(36) Ta ước cũng được thế,
Vào đúng độ trăng rằm.

Hai câu thơ cuối của Bashô là ẩn dụ về bài tanka nổi tiếng của thi hào Saigyô 西  行 (1118-1190). Cũng như Bashô, thi tăng thời Kamakura này là người đã bỏ địa vị một samurai để trở về sống gần gũi với thiên nhiên. Saigyô đã viết bài tanka nói trên vào lúc cuối đời, bộc lộ một cách hùng hồn tình yêu của ông đối với hoa anh đào. Nguyên tác như sau:

Negawaku wa
Hana no moto nite
Haru shinan
Sono kisaragi no
Mochidzuki no koro

Duy có điều ước nhỏ
Được chết giữa mùa xuân
Dưới vòm anh đào nở,
Giữa tháng hai âm lịch,
Vào đúng độ trăng rằm.

Ước mơ của Saigyô đã được toại nguyện. Người ta cho biết ông đã qua đời vào một đêm rằm vào tháng 2 âm lịch, lúc mà hoa anh đào nở rộ. Như một người vẫn ngưỡng mộ nồng nhiệt Saigyô, Bashô27 đã hiển thị hóa (vizualize) hình ảnh tâm hồn của nhà thơ thời trung cổ đang như chắp cánh bay vào dưới bóng râm mát của vòm hoa anh đào và mong mỏi mình cũng sẽ có diễm phúc ấy.

Đến đây, chúng ta đã đọc xong toàn bộ Mưa rào mùa đông (Shigure). Nếu đọc lại và đọc liên tục 36 cú thì hình thức nó sẽ như sau(*):


1a

1b

1c


Nhìn toàn diện thì Mưa rào mùa đông là một bài thơ toát ra một sức mạnh tưởng tượng trẻ trung. Nó có màu sắc lãng mạn trong cái nghĩa đã gói trọn được cả vẻ đẹp của thiên nhiên lẫn niềm đam mê của con người vượt hẳn kinh nghiệm thường thức của một người trung bình. Nói về thiên nhiên thì phạm vi của nó bao trùm từ tiếng sơn ca lảnh lót vui ca giữa cánh đồng hoa dại bao la cho đến sự tàn phá của những đợt sóng thần trên thôn làng. Về con người và cảm xúc thì đã được phàn ánh qua hình ảnh của kẻ đãng tử thích hưởng lạc túy lúy suốt đêm bên cạnh những nàng kỹ nữ cho đến nhà tu khắc khổ tụng kinh thâu canh trong một cái am con ven hồ. Nó đã gợi ý về một số tấn kịch đời người mà thi ca truyền thống Nhật Bản cho đến thời đó hiếm khi nói tới. Chẳng hạn như việc người samurai vì nghèo túng phải bỏ con cho kẻ khác nuôi, những chàng trai trẻ tranh nhau tình yêu của một thiếu nữ. Chúng ta còn gặp trong bài những yếu tố siêu nhiên, ví dụ sự tình cờ tìm ra được tượng Phật khi mổ bụng cá cũng như việc linh hồn của người tương tư bay vào trong bóng mát của vòm hoa anh đào. Bao nhiêu hình thức thẩm mỹ khác nhau và bao nhiêu thứ tình cảm đã được dàn ra rộng rãi trong suốt 36 cú của bài thơ.

Mưa rào mùa đông rất được độc giả ái mộ. Cùng với 4 renku khác làm ra vào dịp này với những thành viên quen thuộc, nó đã được đăng tải trong Mặt trời mùa đông ( Fuyu no hi 冬  の 日)28, một tập thơ cổ điển về loại hình văn học này. Từ đó, nhiều độc giả đã lên tiếng giải thích nội dung của tác phẩm theo sự cảm nhận của họ và thường thì ý kiến về những tiểu đoạn mà các thành viên làm ra vẫn chưa được thống nhất.Tuy nhiên đó lại là điều người viết renku trông chờ vì họ nhắm kích thích trí tưởng tượng của độc giả, như thể mời mọc họ tham gia cuộc chơi. Trong trường hợp renku, ngay chính các tác giả cũng chưa hề bắt người ta phải hiểu câu thơ mình viết ra theo một kiểu hiểu cố định nào cả.


(II) Vầng trăng hạ (夏の月)


trang
Bao năm người diễn trò,
Dắt theo con khỉ nhỏ,

Đi dưới ánh trăng thu.
(Bashô)


Vầng trăng hạ được xem như là một renku đẹp nhất, thoát thai từ những hoạt động văn chương vào giai đoạn cuối đời của Bashô. Bài thơ được sáng tác vào mùa hè 1690 trong khoảng thời gian Bashô đang nghỉ dưỡng ở vùng Kyôto sau chuyến đi dài dằng dặc trên miền Bắc. Hai đệ tử hàng đầu, Kyorai và Bonchô, đã hợp soạn với ông renku 36 cú này. Kyorai, sinh trong một gia đình samurai ở Kyuushuu nhưng không theo nghiệp nhà mà sống một cuộc đời tự do ở Kyôto. Còn Bonchô, hành nghề thầy thuốc, chỉ theo học Bashô về sau thôi nhưng đã chóng chứng tỏ có tài năng thi ca đặc biệt. Lúc ấy Bashô tuổi đã 56.

Khi liên ngâm, ba nhà thơ lần lượt thay phiên gieo vần dù, như thường lệ, Bashô là người cầm chịch nên nhiều phen góp ý, khuyên bảo hai người kia. Câu thơ mở màn do Bonchô, nó như thế này:

(01) Ichinaka wa
Mono no nioi ya
Natsu no tsuki

(01) Bầu trời cao thành phố,
Bên trên mùi với mùi,
Cô độc vầng trăng hạ.

Câu hokku này trình bày một cách gây ấn tượng quang cảnh thành phố nhộn nhịp sinh động trong một buổi chiều hè. Đường phố đông nghịt người và bầu không khí như tràn đầy mùi đủ loại đủ thức, từ mùi cá nướng, rau xào, mồ hôi, phân ngựa, làm cho buổi chiều đã nóng như còn muốn nóng như thiêu. Bên trên cái khung cảnh hoạt náo, oi bức này là vầng trăng bạc mùa hạ đang lạnh lùng lướt ngang.

Câu thơ mào đầu như thế đã trải rộng một tầm nhìn cả chiều ngang lẫn chiều cao. Cú tiếp theo do Bashô ngâm lại hội tụ về một điểm dưới đất:

(01) Ichinaka wa
Mono no nioi ya
Natsu no tsuki

(02) Atsushi atsushi to
Kadokado no koe

(01) Bầu trời cao thành phố,
Bên trên mùi với mùi,
Cô độc vầng trăng hạ.

(02) Nóng chao ôi là nóng!
Nhà nhà cất tiếng than

Độc giả giờ đây đã tiến gần hơn với thế giới con người. Buổi chiều ấy trời nồng và ẩm nên dân hàng phố không thể ở trong nhà, họ đều ra bên ngoài hóng mát. Nhìn lên bầu trời cao, họ bắt gặp một vầng trăng xinh xắn.

Đến lượt Kyorai tiếp lời Bashô. Lúc đó, hình ảnh buổi chiều hè trong phố thị đã nhường bước cho cảnh sắc thôn dã.

(02) Atsushi atsushi to
Kadokado no koe

(03) Nibangusa
Tori mo hatasazu
Ho ni idete

(02) Nóng chao ôi là nóng!
Nhà nhà cất tiếng than.

(03) Nhổ cỏ mới đợt hai,
Công việc còn chưa xong,
Lúa đã nẩy đòng đòng.

Thông thường thì cây lúa chỉ ra gié sau khi nhà nông đã nhổ cỏ dại lần thứ ba. Năm nay trời nóng bất thường nên lúa trổ bông sớm hơn một vài tuần dù đợt nhổ cỏ dại lần thứ hai vẫn chưa xong. Tuy phàn nàn về cái nóng nhưng nông dân cũng rất mừng cho lúa. Đây là một sự biển đổi tâm trạng từ bầu không khí thành phố đầy mùi hôi hám qua không khí trong mát của đồng quê, từ tiếng than vãn của dân phố thị qua tiếng reo vui của dân làm ruộng.

Máy quay phim như đang quay một cận ảnh (close-up) của vùng đồng quê dưới bàn tay của Bonchô qua những vần thơ sau đây:

(03) Nibangusa
Tori mo hatasazu
Ho ni idete

(04) Hai uchitataku
Urume ichimai.

(03) Nhổ cỏ mới đợt hai
Công việc còn chưa xong,
Lúa đã nẩy đòng đòng.

(04) Phủi tro cá mòi nướng,
Vừa gắp ra khỏi lửa.

Nông dân đang ăn cơm trưa. Tuần lễ này, họ rất bận rộn, không thể nào ăn uống lình xình. Họ chỉ có chút cá mòi nướng vốn dễ chuẩn bị. Một người trong bọn đang gắp một lát cá ra khỏi lửa và đưa tay phủi lớp tro dính trên đó. Cuộc đời bận bịu của nhà nông như được cô đọng lại qua hình ảnh ấy.

Giờ đây thì đến lượt Bashô. Qua những câu thơ ông viết thêm, hiện ra khung cảnh một quán nước chè ở một nơi hẻo lánh:

(03) Hai uchitataku
Urume ichimai

(04) Kono sugi wa
Gin no mishirazu
Fujiyusa yo

(04) Phủi tro cá mòi nướng,
Vừa gắp ra khỏi lửa.

(05) Những người sống nơi đây,
Chưa biết đến đồng bạc,
Tội nghiệp mới làm sao!

Có thể nơi đây là một nơi hoang dã, bà chủ quán nước chè đang phủi tro trên thân cá mòi để sửa soạn bữa trưa cho khách đi đường. Bà không dùng vỉ mà lại nướng trực tiếp. Để trả tiền, lữ khách chìa ra một đồng tiền bằng bạc nhưng chủ nhân từ chối vì không hiểu nó là cái gì. Ngạc nhiên, ông ta thốt lên: Cái xứ gì mà nghèo khổ đáng thương đến thế !

Ai là người lữ khách ấy vậy ? Về thân thế của ông, Kyorai đã dành mấy hàng để giải thích :

(05) Kono sugi wa
Gin mo mishirazu
Fujiyusa yo

(06) Tada tohyôshi ni
Nagaki wakizashi

(05) Những người sống nơi đây,
Chưa biết đến đồng bạc,
Tội nghiệp mới làm sao!

(06) Khách chỉ đeo bên hông,
Thanh kiếm dài quá khổ.

Lữ khách tiêu biểu cho một lớp người dân phố thị đặc biệt mà ta thường thấy xuất hiện trong các phẩm văn chương Nhật Bản thế kỷ 17. Anh ta bảnh trai, điệu bộ, ăn mặc khéo và quá kiêu căng để chịu lao động cần cù kiếm sống. Anh ta đeo một thanh kiếm dài ngoẵng nhằm phô trương giai cấp của mình và trôi giạt ở từ tỉnh này qua tỉnh nọ ở các sòng bài. Bây giờ, trong một quán trọ hẻo lánh ven đường, anh cười khẩy khinh thị đám nhà quê chưa bao giờ thấy một đồng tiền bằng bạc, vật quen thuộc của những tay đổ bác.

Thế rồi hình ảnh của tay cờ bạc điển trai nhạt nhòa đi. Thay vào đó là một anh chàng nhỏ con đeo thanh kiếm dài hơn người chỉ vì muốn dấu diếm sự tư ti của mình như Bonchô giải thích trong cú 3 câu tiếp đến và làm cho bài thơ bỗng mang một giọng điệu hài hước:

(06) Tada tohyôshi ni
Nagaki wakizashi.

(07) Kusamura ni
Kawazu kowagaru
Yuumagure

(06) Khách chỉ đeo bên hông,
Thanh kiếm dài quá khổ.

(07) Hãi quá, từ lùm cỏ,
Một con ếch phóng ra,
Trong bóng chiều chập choạng.

Thanh trường kiếm không khỏa lấp nổi mặc cảm tự ti của người đeo nó. Một mình bước trên con đường vắng khi bóng chiều sụp tối, anh ta thấy có gì động đậy trong lùm cỏ bên vệ đường và hoảng kinh khi một con ếch bình thường từ chỗ đó phóng ra.

Ba câu thơ cuối cùng hơi cổ lỗ lại không mấy thanh bai và đây là lúc không khí phải trở nên tao nhã hơn. Bashô, nhà thơ tiếp theo đã khéo léo chuyển đổi nó:

(07) Kusamura ni
Kawazu kowagaru
Yuumagure

(08) Fuki29 no me tori ni
Ando yuri kesu

(07) Hãi quá, từ lùm cỏ,
Một con ếch phóng ra,
Trong bóng chiều chập choạng.

(08) Người kiếm đọt fuki,
Quơ mạnh, lồng đèn tắt.

Trong bóng chiều nhòa nhạt, một tiểu thư nào đó đang đi hái mấy cọng rau fuki 蕗 còn non trong vườn đem về ăn thì bất chợt, con ếch từ lùm cỏ phóng ra. Nàng thụt lùi và khẽ kêu lên một tiếng vì kinh ngạc. Động tác ấy làm cho cây đèn lồng trên tay chao đi và tắt phụt. Tuy không có một chữ nào mô tả người thiếu nữ ấy nhưng hai câu thơ cho ta cái cảm tưởng nàng có một khuôn mặt xinh xắn và đang đứng giữa một khung cảnh mộc mạc cổ kính.

Bài thơ tiếp tục trong cùng chiều hướng. Kyorai diễn ý của Bashô, nhưng theo ông, người đàn bà đó phải là một ni cô:

(08) Fuki no me tori
Ando yuri kesu

(09) Dôshin no
Okori wa hana no
Tsubomu toki

(08) Người kiếm đọt fuki
Quơ mạnh, lồng đèn tắt

(09) Xưa đạo tâm thức tỉnh,
Khi thấy hoa anh đào
Đang giữa thời chớm nụ.

Bối cảnh của hai câu thơ có lẽ là một cái am con giữa đồng quê vắng vẻ. Ni cô đang đi hái đọt fuki trong khu vườn sau am. Một cơn gió thốc bất chợt thổi tắt ngọn đèn trên tay. Tuy bà cố gắng làm một động tác bảo vệ nó nhưng đã quá muộn. Cái cảnh gió thổi tắt phụt ngọn đèn sao mà giống với cảnh cuộc đời con người bị tiêu diệt bởi sức mạnh siêu nhiên của vũ trụ. Ni cô bèn nhớ lại những ngày con son trẻ, vì nhận thấy cái mong manh của kiếp người mà bà đã quyết chí chọn đời tu hành.

Đọt fuki xanh non và hoa anh đào hồng đã vẽ ra một khung cảnh đầy màu sắc. Thế mà Bonchô lại đem xóa sạch khi ông đưa ngọn gió mùa đông khô khốc vào:

(09) Dôshin no
Okori wa hana no
Tsubomu toki

(10) Noto no Nanao no
Fuyu wa sumi uki

(09) Xưa đạo tâm thức tỉnh
Khi thấy hoa anh đào,
Đang giữa thời chớm nụ.

(10) Nanao (đảo) Noto,
Mùa đông không sống nổi

Nanao 七 尾 là tên một ngôi làng đánh cá nằm trên bán đảo Noto 能 登, phía Bắc nước Nhật, được biết đến với khí hậu mùa đông nghiệt ngã của nó. Lúc ấy trên đó có một bà cụ già đang sống cuộc đời khắc khổ giữa mùa đông và hồi tưởng lại tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình..

Bashô nhấn mạnh cái không khí khô khan của mùa đông bằng cách đem vào đó một ông già ngớ ngẩn:

(10) Noto no Nanao
Fuyu wa sumi uki

(11) Uo no hone
Shiwaburu made no
Oi wo mite

(10) Nanao (đảo) Noto,
Mùa đông không sống nổi.

11) Thấy có một lão già,
Dáng như đà ngớ ngẩn,
Chậm rãi mút xương cá.

Giọng văn thiên về Phật giáo không còn nữa. Chỉ còn hình ảnh một lão chài móm mém, có thời tự hào về hàm răng chắc đẹp của mình, nay đang chậm chạp mút cá đến tận xương. Đó cũng là cảnh mùa đông một đời người!

Đến lượt Kyorai vào trận. Ngôi làng đánh cá nghèo nàn trên bờ biển Bắc bỗng hóa thành phủ đệ ngoại thành của một công nương:

(11) Uo no hone
Shiwabaru made no
Oi wo mite

(12) Machibito ireshi
Komikado no kagi

(11) Thấy có một lão già,
Dáng như đà ngớ ngẩn,
Chậm rãi mút xương cá.

(12) Bước ra mở khóa cổng,
Đón người đàn ông vào.

Lúc đó trời đã quá khuya, một ngưòi đàn ông làm việc ở nha thự trong thành phố (machibito) bí mật đến gõ cửa và lão già kia rước ông ta vào nhà. Lão chỉ là người gác cổng. Đang mút xương cá, lão vội nhả ra để đi đón người tình của nữ chủ nhân. Gán cho lão già này đặc tính ngớ ngẩn là ngầm bảo nữ chủ nhân của lão tuy xưa kia thuộc dòng dõi quí tộc nhưng sa sút đã lâu, không còn lui tới chốn cung đình. Ngược lại, nhân vật tình nhân của bà phải là một bậc vương hầu hay quan lại, thích phiêu lưu tình ái.

Một thay đổi đột ngột nữa đã xảy ra khi Bonchô thay thế truyện tình cảm cung đình bằng một cảnh hài hước nói về người thường dân đương thời:

(12) Machibito ireshi
Komikado no kagi

(13) Tachi kakari
Byôbu wo taosu
Onago domo

(12) Bước ra mở khóa cổng,
Đón người đàn ông vào.

(13) Mấy cô đầy tớ gái,
Tò mò ghé mắt ngó,
Làm đổ cả bình phong.

Quang cảnh thấy giống như ngôi nhà một thương nhân giàu có. Ông ta đang vắng nhà và anh đàn ông – tình nhân của con gái ông – đã hối lộ người gác cổng giúp anh ta lén vào được bên trong. Thế nhưng hành động của anh không qua nổi cặp mắt của các cô hầu gái ranh mãnh không để sót một việc gì. Họ tụ tập đằng sau bức bình phong, tò mò theo dõi hành vi người khách lạ nhưng vì quá cảm động nên lỡ tay đánh đổ cả chỗ dựa và bị lộ diện.

Quang cảnh cuộc viếng thăm vụng trộm hài hước này có vẻ làm cho Bashô thích thú. Ông đã diễn dịch nó như sau:

(13) Tachi kakari
Byôbu wo taosu
Onago domo

(14) Yudono wa take no
Sunoko wabishiki

(13) Mấy cô đầy tớ gái,
Tò mò ghé mắt ngó,
Làm đổ cả bình phong.

(14) Bên trong gian buồng tắm,
Che tạm bức mành tre.

Khung cảnh như dời qua một lữ quán ở miền quê xa nơi phố thị. Một anh chàng đẹp trai với dáng điệu phong lưu đã đến đây trú chân chiều hôm đó. Tất cả các nàng hầu gái trong quán đều tò mò tọc mạch và khi ông khách vào buồng tắm thì các nàng bèn tụ họp và ghé mắt nhìn theo. Chẳng may họ vô ý làm đổ cả bức bình phong. Bashô đã tạo ra một không khí đặc biệt, vừa diễm tình vừa cô đơn và mộc mạc.

Kyorai như cảm thấy được nỗi cô đơn của Bashô và quyết định khai triển rộng hơn qua một vần thơ nói về thiên nhiên:

(14) Yudono wa take no
Sunoko wabishiki

(15) Uikyô30 no
Mi wo fukiotoshi
Yuuarashi

(14) Bên trong gian buồng tắm.
Che tạm bức mành tre.

(15) Bão chiều đâu ập tới,
Lay mạnh khóm hồi hương,
Làm rụng bao nhiêu hạt.

Khung cảnh nói trên thấy như trong một ngôi nhà rộng của ông thầy lang vùng quê. Bên ngoài cái phòng tắm đơn sơ chỉ có vài khóm hồi hương mà chủ nhân trồng để làm thuốc. Chiều hôm ấy gió nổi thật mạnh, lay động những khóm hồi hương làm bay lả tả bao nhiêu là hạt. Khi rơi, chúng toát ra một làn hương thơm, tỏa vào bên trong phòng tắm. Cái mát mẻ khi được tắm trong nước ấm cộng với cái sảng khoái khi ngửi làn hương ấy tạo nên một không khí hài hòa độc đáo.

Người thích hợp nhất để được đặt vào khung cảnh một chiều cô quạnh như vậy phải là một nhà sư trong manh áo nâu sòng đang lửng thửng bước đi trên con đường quê. Ít nhất đó là ý kiến của Bonchô khi ông tạo ra hình ảnh sau đây:

(15) Uikyô no
Mi wo fukiotosu
Yuuarashi

(16) Sô yaya samuku
Tera ni kaeru ka

(15) Bão chiều đâu ập tới,
Lay mạnh khóm hồi hương,
Làm rụng bao nhiêu hạt.

(16) Có lẽ vì hơi rét,
Tăng mới trở về chùa.

Ngôi chùa hình như nằm trên một ngọn đồi xa. Con đường mòn nhỏ trải về phía đó đang nhuộm ánh hoàng hôn. Gió thổi khốc liệt, bật tung cả vạt áo nâu sòng. Khung cảnh thấy như trong một bức tranh thủy mặc Trung Hoa.

Bashô yêu thích bầu không khí hiu quạnh từ trong nghệ thuật cổ điển Trung Quốc mà ông đã nằm lòng. Ông chỉ chấm phá thêm bằng cách giới thiệu một nhân vật bình thường, anh chàng diễn trò hành nghề với sự trợ giúp của một chú khỉ.

(15) Sô yaya samuku
Tera ni kaeru ka

(16) Saruhiki no
Saru to yo wo furu
Aki no tsuki

(15) Có lẽ vì hơi rét,
Tăng mới trở về chùa.

(16) Bao năm người diễn trò,
Dắt theo con khỉ nhỏ,
Đi dưới ánh trăng thu.

Sự xuất hiện cùng lúc của hai nhân vật trong bài thơ phá vỡ bầu không khí hiu quạnh và hầu như tạo nên một hiệu quả hài hước. Dù vậy, bên dưới bức tranh vẫn ẩn tàng một nỗi buồn và đó là điều chắc chắn. Người diễn trò không nhà không cửa, sống lang bạt từ làng này qua làng khác, xin được dăm đồng xu khi điều khiển chú khỉ làm mấy trò mua vui vài ba người khách. Anh ta chỉ có mỗi một người bạn đường là chú khỉ nhỏ. Câu thơ cuối cùng của Bashô “Đi dưới ánh trăng thu” đã mô tả được sự cô đơn của anh. Nó giống như nỗi cô đơn của nhà sư, vì trời gây gây lạnh, một mình trở về thiền viện trên con đường xa lắc.

Lúc ấy, Kyorai mới tách nhà sư qua một bên và đưa người diễn trò lên phía trước:

(16) Saruhiki no
Saru to yo wo furu
Aki no tsuki

(17) Nen ni itto no
Jishi hakaru nari

(16) Bao năm người diễn trò,
Dắt theo con khỉ nhỏ,
Đi dưới ánh trăng thu,

(17) Mỗi kỳ đong đấu thóc,
Nộp phần thuế cho quan.

Ở Nhật Bản thời đó, người diễn trò thuộc bậc thấp nhất trong nấc thang xã hội. Dù thân phận thấp hèn, anh là một con người ngay thẳng thực thà. Mỗi mùa thu, sau khi lúa chín, anh đều đong một phần thóc để trả thuế cho chính phủ. Qua hình ảnh đó, bài thơ đã đi lần vào một quang cảnh thanh bình, một thế giới trật tự mà mỗi người sống theo cung cách của mình.

Thế rồi, anh chàng diễn trò biến mất, nhường chỗ cho một túp lều của nhà nông. Bonchô lãnh trách nhiệm giải thích:

(18) Nen ni itto no
Jishi hakaru nari

(19) Goroppon
Namaki tsutareru
Mizutamari

(18) Mỗi kỳ đong đấu thóc,
Nộp phần thuế cho quan.

(19) Gỗ kia năm sáu súc
Vừa mới đẵn còn tươi,
Lót trên vùng nước úng.

Đây là một quang cảnh người ta thường thấy ở những vùng đầm lầy miền nông thôn Nhật Bản. Đất úng nước khó lòng làm nông trại nên đành bỏ hoang. Để làm đường đi ngang qua vũng lầy, người ta cắt những súc gỗ đặt xuống đó. Trong chốn hoang vu như vậy, vẫn có người như anh kia đến lập nghiệp. Cuối con đường, anh dựng một túp lều con và mỗi năm đều trả thuế đất. Cái khó khăn của cuộc sống được miêu tả qua hình ảnh những khúc gỗ mới đẵn đem lót làm đường để đi qua vũng lội.

Nhà thơ đi tiếp là Bashô. Ông khai triển và ảnh tượng hóa ý của Bonchô. Ông đã mô tả một con đường ngoại ô thành phố sau cơn mưa lũ như sau:

(19) Goroppon
Namaki tsuketaru
Mizutamari

(20) Tabi fumiyogosu
Kuroboko no michi

(19) Gỗ kia năm sáu súc,
Vừa đẵn mới còn tươi,
Lót trên vùng ước úng.

(20) Tất vải đã lấm lem,
Vì bùn ngập trên đường.

Cái khó khăn của cuộc sống hình như được dịu hẳn đi vì quang cảnh hiện thời chỉ là cảnh tượng thường thấy: một người dân làng đang đi lên tỉnh sau khi cơn mưa lớn vừa mới ngớt. Có lẽ ông ta đi có chút việc quan trọng nên mặc kimono mới và mang đôi bí tất tabi màu trắng. Ông đã cẩn thận đi cho khéo để bí tất khỏi vấy bùn nhưng cũng không tránh khỏi trượt chân trên mấy súc gỗ lót đường khiến nó bị lấm. Ta thấy một sự kiện tầm thường như thế cũng đã được Bashô đem vào thơ.

Tự nhiên, khi đọc đến đây, tác giả sẽ đặt câu hỏi: Người ấy là ai vậy? Kyorai cho rằng cậu ta phải là một kẻ hầu cận nhà samurai, mà bổn phận là xách gươm cho chủ mình:

(20) Tabi fumiyogosu
Kuroboko no michi

(21) Oitatete
Hayaki ouma no
Katanamochi

(20) Tất vải đã lấm lem,
Vì bùn ngập trên đường.

(21) Có người hầu vác kiếm,
Vội vã đuổi theo chân,
Con ngựa chủ đang cưỡi.

Chủ nhân của cậu ta đang gấp rút đi dự một buổi họp mà ông không biết bàn về chuyện gì nên phóng ngựa thật nhanh.Người vác gươm theo hầu bị bỏ lại đằng sau cho dù cậu ấy có cố chạy nhanh cách mấy cũng không đuổi kịp và dĩ nhiên để chân cẳng lấm lem tất cả.

Sự khẩn trương càng tăng thêm cường độ và đi đến chỗ khôi hài khi Bonchô tiếp lời:

(21) Oitatete
Hayaki ouma no
Katanamochi

(22) Detchi ga ninau
Mizu koboshitari

(21) Có người hầu vác kiếm,
Vội vã đuổi theo chân,
Con ngựa chủ đang cưỡi.

(22) Một chú bé học việc,
Đánh đổ nước lai láng.

Chú bé học việc chỉ là một người tình cờ đi ngang đó. Thấy cậu vác kiếm chạy nhanh quá, chú muốn tránh qua một bên để nhường bước nhưng lúng túng làm đánh đổ cả thùng nước đang mang để nước chảy lai láng. Bài thơ chuyển sang một nhịp nhanh hơn, có màu sắc hài hước, tự nó có thể xem như là một mẩu chuyện văn vắn.

Vào lúc ấy, nó lại được thay thế bằng một nhịp điệu nhanh và mạnh mẽ hơn. Với Bashô thì bao giờ cũng vẫn là những vần thơ đẹp:

(22) Detchi ga ninau
Mizu koboshikari

(23) To shôji mo
Mushiro gakoi no
Uriyashiki

(22) Một chú bé học việc,
Đánh đổ nước lai láng.

(23) Cánh cổng và cửa kéo
Trong phủ đệ rao bán,
Bao kín bằng phên rơm.

Ngôi phủ đệ cổ xưa và sang trọng. Cánh cửa và màn kéo cũng như phần còn lại của nó là những công trình thủ công cấp cao, được chạm trổ hay trang trí một cách tinh vi. Để tránh cho nó khỏi bị những kẻ trộm đạo, chủ nhân đang đem rao bán căn nhà đã che chở nó bằng những tấm phên tết bằng rơm. Như thường thấy trong hoàn cảnh này, một phủ đệ lúc nào cũng có giếng sâu đào trong vườn để lấy nước ngọt mà chủ nhân ông, một người khoáng đạt, cho phép cả láng giềng đến lấy về dùng. Bây giờ ông đã đi vắng, ngôi nhà thành hoang vu nên chú bé học việc mặc tình múc nước xài thỏa thuê. Chúng ta nhận ra ở đây có sự tương phản giữa cảnh thanh u nhàn tĩnh của ngôi phủ đệ và cái hoạt náo trong hành động của chú bé học việc. Chú ta không đếm xĩa gì đến việc phí phạm nước ngọt ở cái giếng không còn mấy ai lui tới.

Kyorai, ngưòi làm mấy câu thơ tiếp, đảo mắt nhìn tòa nhà nhưng lại ngó ra hướng khu vườn. Giữa đám cỏ hoang đang mọc lên cao, có vật gì đo đỏ:

(23) To shôji mo
Mushiro-gakoi no
Uriyashiki

(25) Tenjômamori
Itsuka irozuku

(23) Cánh cổng và cửa kéo,
Trong phủ đệ rao bán,
Bao kín bằng phên rơm.

(24) Luống ớt tự hồi nào,
Đã khoe màu đỏ thắm.

Lúc này, yếu tố thời gian đang đi vào bài thơ. Chủ nhân phủ đệ là người từng có cuộc sống xa hoa, nay cảm thấy mình hoàn toàn bất lực trước cái không ngờ tới của thời gian. Ngày nay của cải đã tiêu tan, ông phải đem cả dinh thự của mình đi rao bán. Thời gian không những để lại dấu ấn của nó trên con người mà cả đối với cảnh vật nữa.Trong khu vường bỏ hoang, chỉ còn có vài cây ớt, khi mùa thu đến đã đổi màu dần dần từ xanh sang đỏ, đem lại một điểm tươi sáng duy nhất cho toàn bộ bức tranh ảm đạm.

Đến lượt Bonchô. Ông tưởng tượng ra một khung cảnh mới. Luống ớt đỏ, theo ông, thực ra nằm trong khu vườn của một bác nhà nông cơ!

(24)Tenjômamori
Itsuka irozuku

(25) Koso koso to
Waraji wo tsukuru
Tsukiyo-zashi

(24) Luống ớt tự hồi nào,
Đã khoe màu đỏ thắm.

(25) Trong một đêm im ắng,
Mượn ánh sáng trăng khuya.
Ai kia bện dép cỏ

Đêm thu dài và bác nông dân kia không muốn lãng phí thời giờ. Tuy trời đã khuya nhưng bác ta vẫn ngồi trước túp lều và bện đôi dép cỏ. Nông dân vẫn lao động thêm như vậy để phụ vào kinh tế gia đình. Làm việc ở ngoài trời lại đỡ tốn dầu đèn và may cho bác, đêm ấy trăng lại sáng. Tuy nhiên, bác phải cẩn thận, không gây nên tiếng động đánh thức láng giềng đang nghỉ ngơi. Bác làm việc lặng lẽ, đơn độc, bên cạnh chỉ có mấy cây ớt đỏ làm bạn.

Hình ảnh cuộc đời tối tăm của người nhà nông mà Bonchô mô tả đã được Bashô điểm vào một nét tươi sáng và đượm chút khôi hài khi ông thêm cú 2 câu sau đây:

(25) Koso koso to
Waraji wo tsukuru
Tsukiyo-zashi

(26) Nomi wo furui ni
Okishi hatsuaki

(25) Trong một đêm im ắng,
Mượn ánh sáng trăng khuya,
Ai kia bện dép cỏ.

(26) Có người bỗng thức giấc,
Giũ rận áo đầu thu.

Cố gắng của người nhà nông không phá giấc láng giềng xem ra vô hiệu. Có lẽ một anh hàng xóm trẻ của ông bị mất giấc và bước ra bên ngoài. Anh ta không mất giấc vì tiếng động của người bện dép nhưng là vì mấy con vật đang hút máu anh. Anh không bắt từng con một để giết như các bà thường làm nhưng cởi luôn áo xống, đi ra bên ngoài và giũ mạnh cho chúng rớt xuống. Dù chỉ nói lên cuộc sống bần hàn của tầng lớp nông dân, độc giả vẫn cảm thấy cái đẹp tươi tắn lồ lộ của vầng trăng khuya trong một đêm đầu thu.

Kyorai có vẻ thú vị về hình ảnh của người đàn ông đang giũ chấy rận khỏi áo ngủ, viết thêm một cú 3 câu nữa, pha lẫn hài hước với một chút bi thảm:

(26) Nomi wo furui ni
Okishi hatsuaki

(27) Sono mama ni
Korobi-ochitaru
Matsuotoshi

(26) Có người bỗng thức giấc,
Giũ rận áo đầu thu.

(27) Bẫy chuột cứ y nguyên,
Nằm kềnh ra mặt đất,
Chẳng sập được con nào.

Kyorai muốn nói đến hình thức bẫy chuột người ta hay dùng lúc bấy giờ. Đó là một cái bẫy hình hộp, rộng, đặt chênh chếch trên mặt đất và có một thanh gỗ nhỏ nâng nắp lên ở một bên.Trong bẫy, người ta để ít thức ăn khô cột vào đầu một sợi dây. Khi con chuột cắn miếng thức ăn và như thế kéo cả sợi dây từ bên trong thì cánh cửa của cái bẫy sẽ sập xuống, giữ nó lại. Thế nhưng đêm hôm đó, các chú chuột ranh mãnh đã đoán biết nên đã làm cho cánh của sập xuống mà không bị bắt. Người đàn ông trong bài thơ vừa khổ vì chấy rận, vừa khổ vì chuột bọ!

Bonchô, có lẽ vì thấy chiều hướng của bài thơ đi dến chỗ thú vị, tiếp tục bằng cách đưa thêm vài chi tiết:

(27) Sono mama ni
Korobi-ochitaru
Masuotoshi

(28) Yugamite futa no
Awanu hanbitsu

(27) Bẫy chuột cứ y nguyên,
Nằm kềnh ra mặt đất,
Chẳng sập được con nào.

(28) Nắp kia đã bị lệch,
Không ăn khớp với tủ.

Thực ra cái bẫy chuột ấy đã đặt ở một góc nhà kho bên cạnh một cái tủ kiểu cổ (có nắp) dùng để chứa mấy thứ vặt vãnh trong nhà như dụng cụ, bát đĩa, quần áo và đồ chơi không dùng nữa. Cái nắp được đặt bên cạnh tủ. Bụi bặm, mạng nhện, nấm mốc, phân chuột... làm căn phòng bừa bộn bẩn thỉu. Những câu thơ của Bonchô như muốn hướng về mỹ quan của những vật không tinh tươm, không hoàn hảo, không hài hòa. Có cái gì tương đồng giữa cái bẫy không bắt được chuột và cái nắp không ăn khớp với tủ.Trong cả hai trường hợp, nhà thơ đều nhìn sự bất toàn ấy với một nụ cười.

Vầng trăng hạ rõ ràng đã chuyển qua một hướng khác sau mấy câu tiếp đến của Bashô. Dĩ nhiên không thể tránh được nếu ông đưa vào bài thơ hình ảnh một nhà thơ du hành, có lẽ không ai khác hơn chính mình::

(28) Yugamite futa no
Awanu hanbitsu

(29) Sôan ni
Shibaraku ite wa
Uchiyaburi

(28) Nắp kia đã bị lệch,
Không ăn khớp với tủ,

(29) Sống cuộc đời thảo am,
Vừa được dăm ba bữa,
Lại đã dợm lên đường.

Thiên tài thi ca của Bashô được bộc lộ nơi đây. Câu thơ bao hàm 2 ý nghĩa. Cái tủ nắp lệch tượng trưng cho cuộc sống tự do, phóng túng của người ở ẩn. Ông ta không cần có những đồ vật bày biện mới mẻ, đẹp đẽ. Ngược lại, sở dĩ ông sống ẩn cư là để xa rời những tiện nghi vật chất xa hoa. Như thế, Bashô đã dùng hai câu của Bonchô theo một ý nghĩa tượng trưng. Cái nắp không ăn khớp với tủ có khác nào người ở ẩn không thích ứng được với cuộc đời. Và như thế, ẩn sĩ này (cũng như Bashô) là kẻ không thích hợp với một cuộc sống nào (misfit), không nhà không cửa, lang thang từ am này qua am nọ và không bao giờ chịu dừng chân lâu dài ở một nơi cố định.

Tự nhiên những câu thơ đi sau đã được viết theo chiều hướng Bashô đề nghị:

(29) Shôan ni
Shibaraku ite wa
Uchiyaburi

(30) Inochi ureshiki
Senshuu no sata

(29) Sống cuộc đời thảo am,
Vừa được dăm ba bữa,
Lại đã dợm lên đường.

(30) Đời vui, nhờ sống lâu,
Mới hay thơ được tuyển.

Thời xưa, thơ mình được chọn vào thi tuyển do sắc chiếu của thiên hoàng là tất cả một vinh dự. Người thi sĩ lang thang có lần ghé qua kinh đô và vui mừng khôn xiết khi nghe tin thơ mình được nhà biên tập tuyển chọn. Ông ta hạnh phúc thấy mình được sống lâu để có cái ngày này. Phải chăng vì danh dự tột cùng ấy mà cho đến nay, ông đã từ bỏ biết bao nhiêu thứ trên cõi đời.

Nhân đây cũng nên biết rằng Kyorai mới đầu cũng không viết cú hai câu của mình như thế. Trong nguyên tác của Kyorai, người thi nhân lang bạt này là Saigyô mà chúng ta đã thấy xuất hiện trong câu kết của Mưa rào mùa đông. Bashô, với tư cách thủ lĩnh, không thích lối trình bày lộ liễu danh tính nhân vật. Ông bảo: “Trong một cú 3 câu, ta có thể nhắc khéo đến cuộc đời của những nhà thơ du hành lớn như Saigyô và Nôin nhưng nếu gợi tên tuổi một người nổi tiếng như Saigyô trong cú 2 câu tiếp theo thì hơi vụng. Ta chỉ có thể nối kết chúng bằng “cái bóng” (kage) nghĩa là hình thái mơ hồ của sự vật khi nó tiếp cận với cái nhìn của người làm thơ. Do đó, Bashô đã thay hai câu của Kyorai bằng hai câu mới này với mục đích làm cho danh tính của nhà thơ vân du không được biết tới rõ ràng. Sự kiện này là một ví dụ về sự góp ý của Bashô để nâng cao giá trị thơ các học trò.

Danh tính không rõ ràng của nhà thơ lãng tử đã được Bonchô xác nhận ngay tức khắc. Với ông, nhà thơ đó cũng là người có nhiều cuộc phiêu lưu tình ái. Không có sự can thiệp của Bashô thì có lẽ Bonchô đã không được thoải mái khi gieo vần như sau:

(30) Inochi ureshiki
Senshuu no sata

(31) Samazama ni
Shina kawaritaru
Koi wo shite

(30) Đời vui, nhờ sống lâu,
Mới hay thơ được tuyển.

(31) Bao nhiều cuộc tình xưa,
Mỗi người riêng một vẻ,
Đều hiện về trong trí.

Chúng ta có thể tưởng tượng ra rằng nhân vật này phải là Ariwara Narihira 在 原 業 平 (825-880), vai chính của Truyện Ise (Ise Monogatari) mà thời trẻ đầy rẫy những cuộc phiêu lưu tình ái. Bây giờ ông ta chỉ còn là một ông già không còn sôi nổi như thuở trai tráng. Nhân nghe một vài bài thơ tình viết ngày xưa được chọn vào trong một thi tuyển mới cho nên hết sức bằng lòng và lần đầu tiên trong bao nhiêu năm, đem quyển thơ mình chép ngày xưa đọc lại các tác phẩm cũ. Khi đọc những giòng chữ trên đó, ông hồi tưởng lại bao nhiêu người đàn bà đã đi qua đời mình: công chúa, mệnh phụ, góa phụ, tiểu thư hay vợ một đường quan...

Với hình ảnh một ông già hồi tưởng về quá khứ, không trách chi bài thơ bắt đầu có một âm hưởng Phật giáo. Bashô đã tỏ rõ trong cú hai câu của ông:

(31) Samazama ni
Shina kawaritaru
Koi wo shite

(32) Ukiyo no hate wa
Mina Komachi nari

(31) Bao nhiêu cuộc tình xưa,
Mỗi người riêng một vẻ,
Đều hiện về trong trí.

(32) Ai phù hoa một kiếp
Chẳng giống Komachi!

Ono no Komachi 小 野 小 町 là một người đẹp, thơ hay của thế kỷ thứ 9. Theo truyền thuyết, thời trẻ nàng rất kiêu kỳ và từ chối bao nhiêu người săn đón. Thế nhưng về già, nhan sắc tàn phai, nàng phải sống cuộc đời khốn khổ và có khi xách bị ăn xin. Hình ảnh bà già quá lứa lỡ thời đã đưa vào bài thơ không khí bi thương, cái bi thương của người đứng trước một nhan sắc diễm kiều đã bị thời gian vùi dập.

Kyorai đặt không khí bi thương này vào một khung cảnh đặc biệt:

(32) Ukiyo no hate wa
Mina Komachi nari.

(33) Nani yue zo,
Kayu susru ni mo
Namida-gumi

(32) Ai phù hoa một kiếp,
Chẳng giống Komachi!

(33) Và không hiểu vì sao,
Để lệ rơi ràn rụa,
Cả lúc húp bát cháo?

Khung cảnh như thấy trước ngôi nhà ở chốn đồng quê mà một bà lão mặc đồ rách rưới tìm đến xin ăn. Chủ nhà thương hại đem cho bà bát cháo. Bà lão đang đói nên bắt đầu húp chén cháo, dấu hiệu từ tâm của chủ nhân. Người kia nhận ra có những giọt nước mắt lăn trên má của bà và hỏi thăm tại sao. Thế nhưng nhìn kỹ, ông ta nhận ra phảng phất đâu đó những đường nét kiều diễm và quí phái của thời thanh xuân. Ông không dám hỏi thêm nữa mà bà cũng chẳng dám tự mình bày tỏ.

Thấy thế, Bonchô cho bà già ăn xin lui vào hậu trường, thay vào đó, ông đưa ra hình ảnh nữ chủ nhân một ngôi nhà rộng:

(33) Nani yue zo,
Kayu susru ni mo
Namida-gumi

(34) Orusu to nareba
Hiroki itajiki

(33) Và không hiểu vì sao,
Để lệ rơi ràn rụa,
Cả lúc húp bát cháo?

(34) Nhà gỗ rộng hẳn ra,
Từ dạo ông chủ vắng.

Nhà Nhật thường lát ván ở gian bếp và phòng ăn. Trong một dinh cơ rộng rãi, đây là nơi chủ nhân tổ chức yến tiệc, đãi đằng. Người đàn ông hào phóng, chủ của nó, đang phải đi xa vì bận làm ăn, để lại cô vợ ốm yếu, mảnh khảnh đang húp chén cháo thay cơm. Người thị nữ đứng hầu cảm thấy khu vực nhà ăn như trống trải hẳn ra và cô thấy trên má nữ chủ nhân có những giọt lệ đang rơi.

Bashô xây dựng cú 3 câu đến sau, dựa trên ý của Bonchô. Tuy vậy, ông thay thế người vợ của chủ nhân bằng một gã giúp việc:

(34) Orusu to nareba
Hiroki itajiki

(35) Te no hira ni
Shirami hawasuru
Hana no kage

(34) Nhà gỗ rộng hẳn ra,
Từ dạo ông chủ vắng.

(35) Ngồi dưới rặng anh đào
Mãi nhìn theo chú rận,
Bò qua lòng bàn tay.

Gã làm công không được cắt vào việc nhà bếp mà cũng chẳng có việc gì khác để làm. Hắn bèn nằm dài dưới gốc cây anh đào đang độ nở ở trong vườn và nhàn rỗi ngắm một con rận đã bò từ áo xống của mình qua đến lòng bàn tay. Con rận vui hưởng cái ấm áp của nắng mai cũng như hắn vậy. Ở đây, một lần nữa, Bashô đã hoán chuyển hoàn toàn không khí của bài thơ khi ông can thiệp. Cái không khí buồn thương, ảm đạm trong mấy câu thơ đi trước đều như đã bốc hơi đâu mất.

Kyorai thay thế gã làm công của thầy bằng một nhân vật khác, nhà thơ ẩn sĩ:

(35) Te no hira ni
Shirami hawasuru
Hana no kage

(36) Kasumi ugokanu
Hiru no nemutasa

(35) Ngồi dưới rặng anh đào,
Mãi nhìn theo chú rận,
Bò qua lòng bàn tay.

(36) Sương im vì vắng gió
Trưa xuân giục ngủ ngày.

Nơi đây, Kyorai muốn nói đến một con người chưa hề biết đến của cải vật chất. Ông ta không tham danh mà chẳng hám lợi, suốt ngày nằm dài dưới cội anh đào, lười lĩnh thưởng thức cái đẹp của trời đất vào xuân đến thỏa thuê. Khi một con rận bé bò ngang lòng bàn tay, ông chỉ mỉm cười, còn khi buồn ngủ, ông có thể đánh một giấc và để cho những cánh hoa mặc tình rơi lả tả trên người. Như thế renku đã đi đến chỗ kết thúc với một bầu không khí thanh bình và thoải mái.

Vầng trăng hạ (Natsu no tsuki) đã được đăng trong Áo tơi cho khỉ (Sarumino, 1691) và kể từ đỏ được mọi người biết đến như tác phẩm renku tiêu biểu theo phong cách Bashô. Hãy thử nhìn lại toàn văn của nó(*):


2a

2b

2c


Mưa rào mùa đông là một chuỗi thơ trẻ trung, đầy sinh lực, trong khi đó Vầng trăng hạ chứng tỏ nó là một tác phẩm hoàn thành bởi một nhóm nhà thơ đã nhiều kinh nghiệm trong một trạng thái thoải mái. Nó không căng thẳng, nhiều tính bi kịch hay tiểu thuyết như renku đi trước. Mọi sự trình bày trong Vầng trăng hạ đều gần gụi với cuộc sống thường nhật. Trong khi renku đầu có ý hướng đề cập đến mọi khía cạnh sinh hoạt của cuộc đời, renku sau tập trung trong phạm vi những giá trị cơ bản và kinh nghiệm cụ thể đến từ một con người bình thường. Chính thế mà vài câu thơ trong Vầng trăng hạ đượm màu sắc cô quạnh (sabi 寂  び), nói lên nỗi cô đơn của con người sống trong cõi đời này với tất cả những hạn chế của mình. Thực vậy, những hình ảnh như nhà sư trở về chùa trong một buổi chiều trời trở lạnh, người diễn trò dắt theo con khỉ nhỏ dưới ánh trăng thu, luống ớt chín đỏ dần trong khu vườn có ngôi nhà bỏ hoang... đều có gì tương tự như nội dung các bài haiku của Bashô giai đoạn sau. Ngoài ra, trong đó còn có những vần thơ gợi ý cho ta biết sự cô quạnh, đơn chiếc ấy cũng có thể khắc phục. Cảnh tượng ảm đạm, cô độc thường được che phủ bên trên bằng hình ảnh hài hước, dí dỏm. Ví dụ khung cảnh thương tâm với bác nhà nông nghèo ngồi bện dép dưới ánh trăng lại được nối tiếp bằng hình ảnh buồn cười về anh hàng xóm của bác nửa đêm thức giấc, giũ rận khỏi áo xống. Cũng vậy, nỗi buồn khổ của bà vợ xa chồng một mình húp chén cháo trong gian bếp rộng thênh đã có thể được vợi đi trong ta sau khi đọc những câu thơ viết tiếp gợi ý rằng cuộc đời thật là đáng sống nếu ta biết vượt lên trên mọi bó buộc gây ra bởi qui ước nhỏ nhen của xã hội. Những câu renku như vậy đã mang được đặc tính nhẹ lâng (karumi 軽 み) vốn thấm đượm trong những vần haiku mà Bashô làm lúc cuối đời.

Điều này khẳng định là trong khi Bashô có những bước tiến bộ như nhà thơ viết renku, ông cũng trưởng thành song song trong lãnh vực haiku.Và đó chỉ là một chuyện hiển nhiên. Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng bước tiến bộ ấy được bộc lộ rõ nét hơn qua haiku hơn là renku. Lý do là, như ta đã quan sát, renku đặt ra quá nhiều qui tắc nên giới hạn sự sáng tác của người làm thơ. Khi viết một bài haiku, Bashô hoàn toàn là chính ông, thế nhưng khi viết renku, ông phải đắn đo nghĩ tới những thành viên khác mặc dù ông là nhà thơ đầu đàn, một người cầm chịch có ảnh hưởng lớn đối với họ.

Ngoài ra, sân khấu renku đã giúp cho ta biết thêm một nét thiên tài khác của Bashô mà ta chưa nhận ra khi đọc haiku của ông. Renku trình bày được cả chiều rộng lẫn chiều sâu sửc tưởng tượng thi ca (poetic imagination) của Bashô hơn bất cứ thể loại văn học nào ông viết. Bởi vì bản chất của những vần renku là nó không nhất thiết dựa vào kinh nghiệm thực sự của nhà thơ. Những khung cảnh, sự tình... trong đó còn có thể là sản phẩm đơn thuần từ trí tưởng tượng của họ.

Đọc xong Mưa rào mùa đôngVầng trăng hạ mới thấy sức tưởng tượng của Bashô thật dàn trải và sâu xa biết bao. Chúng ta có thể suy ra rằng Bashô hẳn phải rất thích thú và sung sướng khi được ngụp lặn trong thế giới đầy hình ảnh tân kỳ của renku.Và ông không chỉ là người duy nhất được sống trong thế giới mộng mơ này. Những thành viên của nhóm dưới sự dìu dắt của ông chắc cũng đều cảm thấy như thế. Về phương diện này, phải nói Bashô là một nhà thơ hết sức hạnh phúc vì ông đã được thù tiếp bởi những môn đệ hết sức thành tâm, lòng chỉ muốn theo chân ông đến tận cuối cuộc đời phiêu lãng.


(còn tiếp)



(*) chú thích của Diễn Đàn: chúng tôi đăng dưới dạng hình ảnh toàn văn hai bài thơ cùng bản dịch, vì lý do nhiều chữ Nhật bản của nguyên tác (cột trái) không hiển thị tốt trong nhiều máy tính.


1 Omoshiro ya. Kotoshi no haru mo. Tabi no sora (Ô, mình hay chưa kìa! Thêm một mùa xuân về. Vẫn khung trời lữ thứ) trong Thư gửi Kyorai (Kyoraibumi)

2 Từ xưa, renga có hình thức tanrenga 短 連 歌 (đoản liên ca) với thượng cú và hạ cú do hai người xướng họa (như bài thơ giữa Ôtomo Yakamochi và một ni cô, thấy chép trong Manyôshuu quyển 8). Đến thời viện chính (chính trị viện sảnh của các Thái thượng hoàng từ cuối thế kỷ 11), nó phát triển thành chôrenga 長 連 歌 (trường liên ca), còn gọi là kusari-rennga鎖 連 歌 (tỏa liên ca) với các chôku 長 句 (trường cú hình thức 5/7/5 hay 17 âm tiết) tiếp nối bằng các tanku 短 句 (đoản cú, 7/7 hay 14 âm tiết). Loại renga truyền thống này trên nguyên tắc có thể kéo dài vô tận với sự hợp tác của nhiều người. Đã được lưu hành rộng rãi từ thời trung cổ sang đến thời tiền cận đại suốt thời Edo.

3 Xin nhớ kiểu nói hyakuin百 韻 (bách vận) không chỉ có nghĩa là trăm cú thôi đâu mà còn ngụ ý là rất nhiều nữa.

4 Sôgi宗祇(Tông Kỳ, 1421-1502) tên thật là Iio Sôgi (Phạn Vĩ, Tông Kỳ), bậc thầy renga. Sôgi hâm mộ Saigyô, du lịch khắp nơi rồi cũng chết ở đất khách như ông ta..

5 Shôhaku 肖 柏 (Tiêu Bách, 1443-1527), con của Naka-no-in Michikiyo中院通純 (Trung ViệnThông Thuần), dòng dõi quí tộc họ Minamoto, dạy waka và renga.

6 Sôchô 宗 長 (Tông Trường, 1448-1532), thầy dạy renga.Thờ Imagawa Yoshitada 今 川 義 忠 (Kim Xuyên Nghĩa Trung) làm thầy, sau học thiền với Ikkyuu Sôjun 一 休 宗 純 (Nhất Hưu Tông Thuần).

7 Nguyễn Huy Lượng trong Tây Hồ Phú có câu: “Chạnh nhớ khúc liên ngâm thưởng nguyệt, lúc tiếu đàm thường thỏa ý giao phu” (giao phu = trao đổi thoải mái). Dẫn bởi nhà dân tộc học Cao Xuân Giao trong bài viết về Bà Chúa Liễu và Phủ Tây Hồ. Tư liệu mạng.

8 Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, chương 13, xuất bản 1941 (Hà Nội), tái bản 1968 (Sài Gòn). Tư liệu mạng.

9 Phan Kế Bính, Việt Hán Văn Khảo, Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội) xuất bản, 1930.

10 Akazuka Tadashi chủ biên, sđd, xem thư mục tham khảo, trang 237.

11 Nhân vì Ôtomo Yakamochi (大 伴 家 持, 717 ? - 785) sống vào thời Nara, tương đương với nhà Đường (618-907) bên Trung Quốc nên chúng ta còn có thể ngờ vực luận cứ “dân tộc” này. Thế nhưng nhân vật Hoàng tử Yamato Takeru lại xuất hiện vào giai đoạn khuyết sử, lúc ảnh hưởng văn hoá Hán có lẽ chưa đặt chân lên đảo quốc, dù có chăng nữa, cũng không phổ biến cho lắm.

12 Nijô Yoshimoto 二 条 良 基 (Nhị Điều Lương Cơ, 1320-1388), đại thần đầu triều thời Nam Bắc phân tranh ở Nhật, thi nhân và nhà lý luận renga.

13 Thời Heian, người làm thơ Waka có tôn vinh 6 thi hào gọi là Lục ca tiên (Rokkasen). Đời sau lại có danh xưng Tam thập lục ca tiên (Sanjuurokukasen). Thể renku 36 cú phỏng theo hình ảnh 36 người này.

14 Shigure 時 雨 hay 霽 (A Winter shower) theo cách dịch của Ueda Makoto.

15 Natsu no tsuk 夏 の 月 (The Summer moon) theo cách dịch của Ueda Makoto.

16 Tsuboi Tokoku 坪 井 杜 国, nhà thơ haikai thời Edo tiền kỳ, người Nagoya, rất gần gũi với Bashô.

17 Yamamoto Kakei 山 本 荷 兮, nhà thơ haikai thời Edo tiền kỳ. Theo học Bashô và biên soạn nhiều tác phẩm như Fuyu no hi, Haru no hi, Arano…Đã mở mang ảnh hưởng của Bashô ở Owari nhưng sau đi theo một đường lối ngược với thầy và chuyển qua viết renga lúc cuối đời.

18 Về nghi thức đi săn đầu năm thời vương triều, xin xem thêm Tsurezuregusa của Yoshida Kenkô, đoạn 66 : Đại thần Okamoto, chức Kanpaku (trong Buồn buồn phóng bút, NNT dịch, có đăng trên mạng).

19 Shida (Dương xỉ羊 歯, Xỉ đóa歯 朶Fern). Lá có hình thù giống như lông chim nên người ta thường gắn vào túi tên để trang sức. Dương xỉ là kigo (quí ngữ) chỉ đầu năm.

20 Sugoroku 双 六 (song lục, Japanese backgammon), một trò chơi phát xuất từ Ấn Độ, sang Trung Quốc và truyền vào Nhật Bản trước thời Nara. Lữ khách nói đến ở đây là một anh chàng kiếm ăn bằng nghề gá bạc và sống rày đây mai đó.

21 Hoa beni hay benihana 紅 花 cho chất dầu dùng trong công nghệ nhuộm. Cây thân thảo cao từ 30 đến 90 cm như cúc, hoa màu hồng hoàng. Phát xuất từ Ai Cập và vùng Trung Cận Đông.

22 Thực ra Genge tên Hán là Tử vân anh 紫 雲 英, còn có tên khác là Gengesô hay Liên hoa thảo 蓮 華 草. (Chinese milk vetch), hoa màu hồng tím chứ không phải hoa sen 蓮 hasu (lotus)

23 Về việc người Nhật yêu chuộng tuyết, xin xem tập tùy bút Tsurezuregusa của Yoshida Kenkô mà NNT dịch là Buồn buồn phóng bút, các đoạn 31 Buổi sang tuyết rơi, 105 Tuyết tàn còn đọng trên tường bắc, 181 Rơi rơi đi phấn tuyết. Có đăng trên mạng.

24 Chính ra suốt thời Edo có đến 11 nàng cùng mang tên này nhưng nói chung các cô đều có dung nghi diễm lệ, giỏi đủ cầm kỳ thi họa. Adabito có nghĩa là người đẹp phong lưu có phẩm chất iki (túy).

25 Còn gọi là hoa thuốc phiện vì nhựa cây có thể làm thuốc mê. Một loại của nó nhưng vô hại là hoa mồng gà (coquelicot). Màu rực rỡ. Ở Nhật, bột của nó còn dùng để làm hương nhang trên trai đàn (hộ ma đàn).

26 Haze âm Hán là 沙 魚; 鯊., tiếng Anh là goby. Từ điển Nguyễn văn Khôn gọi goby là cá bống, cá thệ, cá lù đù.

27 Trong nguyên văn, tên tác giả Bashô có thể viết là 芭 蕉 hay は せ を.

28 Tập thơ renku một quyển do Yamamoto Kakei 山 本 荷 兮biên. Ra đời năm 1684. Được xem như sách gối đầu cho những ai muốn bắt đầu tìm hiểu phong cách thơ Bashô. Là một trong 7 tác phẩm hình thành Haikai shichibushuu 俳 諧 七 部 集 (Bài hài thất bộ tập, 1732 - 1733) mà Sakuma Ryuui 佐 久 間 柳 居 biên soạn.

29Fuki (Lộ) 蕗, tiếng Anh là butterblur, một loài cây thân thảo, họ cúc, ra hoa trắng, cuống và lá non ăn được. Kigo của mùa hạ.Từ điển Nguyễn Tôn Nhan giải thích là cây cam thảo.

30 Uikyô 茴 香 (fennel, hồi hương). Từ điển Nguyễn văn Khôn còn dịch là thì là.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss