Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Một người không tên tuổi

Một người không tên tuổi

- Shiba Ryôtarô & Nguyễn Nam Trân — published 17/09/2016 23:46, cập nhật lần cuối 17/09/2016 23:46

Một người không tên tuổi

(Mumei no hito)



Nguyên tác: Shiba Ryôtarô
Dịch: Nguyễn Nam Trân



hinh-1

Shiba Ryôtarô (1923-1996)


Shiba Ryôtarô là một nhà văn Nhật Bản xuất thân Ôsaka. Tác phẩm chủ yếu có “Ryôma xông pha” (Ryôma ga yuku), “Vầng mây trên đầu dốc” (Saka no ue no kumo), “Lớp lớp tiếng chân người” (Hitobito no ashioto). Truyện “Một người không tên tuổi” (Mumei no hito) dưới đây được đăng lần đầu tiên trong Quốc văn giáo khoa thư Nhật Bản bậc trung học (nxb Gakkô tosho, 1972) và sau đó nxb Chuô Koron đã in lại trong tập truyện “Những cuộc gặp gỡ không ngờ trong lịch sử” (Rekishi no naka no kaikô) vào năm 2011.


Nhiều khi lục lọi sách vở trong phòng văn, có khi ta gặp được những nhân vật không ngờ tới. Dĩ nhiên, họ là những nhân vật lịch sử. Nói theo chữ dùng cho sân khấu thì những người này không đóng vai chính mà chỉ thủ vai phụ hay ngay cả một vai trò còn kém cả vai phụ. Họ là những người chỉ đi lướt qua mỗi một lần từ quãng trên xuống quãng dưới của dòng lịch sử và khi ta bất ngờ gặp họ, bất giác sẽ bị họ lôi cuốn rồi sẽ tự đặt câu hỏi cho mình: Người ấy là ai vậy nhỉ? Có lẽ sự chú ý của chúng ta đã bắt nguồn từ một bầu không khí huyền ảo linh thiêng hay một cái gì tương tự mà nhân vật ấy có thể toát ra. Ý nghĩ đó đã đến với chúng ta từ khi ta chỉ biết có mỗi cái tên. Chúng ta lúc đó hãy còn chưa rõ mặt mũi, nơi sinh chốn ở cũng như cuộc đời người ấy sống và những điều người ấy nghĩ. Chỉ có cái tên thoáng hiện ra từ xó góc một trang sách cũ. Việc chúng ta không để ý đến những cái tên khác xuất hiện cùng lúc mà chỉ giữ lại tên của người ấy thôi là vì chúng ta nghĩ rằng ở điểm nào đó, tên tuổi đó đang gợi ra một điều gì mà chúng ta chưa định nghĩa được. Nếu quá lời một chút thì điều chúng ta chưa hiểu được có thể là bầu không khí huyền ảo linh thiêng đã toát ra từ nhân vật. Nói như vậy có thể đượm mùi tôn giáo nhưng đối với tôi, chính là cái không khí tôi vẫn thường cảm thấy khi làm việc trong thư phòng.

Cái tên xuất hiện trước tiên. Khoảng chừng một năm sau, khi đi tìm tư liệu cho mục đích khác, tôi lại bất ngờ biết thêm mẩu tin ngắn về con người ấy, ví dụ nơi xuất thân, và chỉ có chừng đó. Ôi chao, không ngờ “ông ta” lại sinh ra ở một vùng đất xa xôi đến thế ! Chỉ có bấy nhiêu thôi nhưng nó đã làm cho hình ảnh “ông ấy” bắt đầu chuyển động trong đầu tôi. Thế rồi vào một dịp tìm kiếm khác và từ một tư liệu khác, tôi lại thấy “ông ta” chợt ló dạng. Rồi đến khi biết được vài chi tiết trong cuộc sống của “ông ta”, tìm ra mấy bài văn bài thơ “ông ta” viết, tôi bắt đầu cảm thấy “ông ta” gần gũi hơn với mình, như thể ông đang chịu khó ghé lại bên bàn viết để thăm tôi. Bất giác, tôi muốn cất tiếng gọi ông. Cứ thế mà trong thư phòng của tôi và bên cạnh bàn làm việc đã có được một vài ông bạn thân tình như vậy.

Tokoro Ikutarô cũng có mặt trong số người bạn ấy. Ông ta chỉ xuất hiện trên sân khấu lịch sử chỉ có mỗi một lần. Và lần đó, chỉ trong vòng một khoảnh khắc. Lúc ấy nhằm vào cuối đời Mạc phủ. Nơi chốn là vùng ngoại ô thị trấn Yamaguchi.

Lúc đó, phiên Chôshuu cũng giống như Satsuma đang là những thế lực tiên phong của thời đại. Tuy vậy ở phiên Chôshuu, vẫn có kẻ theo khuynh hướng bảo thủ, chủ trương cộng tác với Mạc phủ và đối lập với phái “đảo Mạc” của Takasugi Shinsaku1. Trong nhóm theo Takasugi Shinsaku, có một nhân vật tên Inoue Monta. Monta sau đổi tên thành Kaoru, là người đảm đương về mặt tài chánh cho nhà nước Nhật Bản vào những năm đầu đời Minh Trị và đã có công xây dựng cơ sở cho hệ thống này. Tuy vậy lúc sự kiện sau đây xảy ra ông chỉ là một chàng trai vừa bước qua cái tuổi 30. Trong tình hình chính trị giết chóc sát phạt lẫn nhau cuối đời Mạc phủ, ông cứ phải sống trốn tránh rày đây mai đó. Sự kiện sắp kể tới phải nói là đẫm máu.

h2

Inoue Kaoru thời còn có tên là Monta

Đó là một cuộc ám sát. Đêm 25 tháng 9 năm Genji nguyên niên (1864), Inoue Monta đến Seijidô (Chính trị đường) của phiên ở Yamaguchi để tham dự một cuộc hội họp. Trên đường về, khi ông đi đến gần chiếc cầu Sodetokibashi ở gần nhà đã bị một bọn người dùng đao kiếm đâm chém loạn xạ, bị thương nặng sắp chết đến nơi.

Nghe chuyện xảy ra do người tháp tùng chạy về thông báo, anh của Monta là Gorôsaburô tức tốc đến hiện trường. Lúc ấy hơi thở cũa Monta đã yếu ớt, mãi mới thều thào được hai tiếng “Anh ơi!”, sau đó ông không còn đủ sức thốt ra một lời nào nữa. Người nhà mới khiêng ông ta về và lập tức cho gọi thày thuốc đến. Họ không gọi một mà cả hai ông nhưng hai thày đều hướng về phiá Gorôsaburô, lắc đầu, nói cùng một câu chán nản: “Thật khó lòng!”. Như vậy, họ đều thấy không mảy may hy vọng cứu Monta thoát chết. Sự thực thì trên người Monta lúc đó có cả 13 vết chém lớn nhỏ, hơi thở ông gấp rút và tỏ ra rất là đau đớn. Ông nhiều lần nhìn vào mặt người anh, đưa tay làm hiệu như muốn khẩn khoản anh chém đầu để giải phóng cho mình. Thường khi người samurai mổ bụng tự sát (hành động gọi là seppuku) thì cần có người nhận nhiệm vụ chém đầu (kaishaku) để họ khỏi phải kéo dài sự đau đớn. Thế nhưng trong trường hợp này, điều Monta muốn nói phải là: “Để có thể chấm dứt sự thống khổ, em cần lưỡi kiếm đầy tình thương của anh!”

Ngày xưa, người samurai đã có tập quán khắc kỷ và tinh thần chiến đấu dũng mãnh. Đời sau không còn ai muốn áp dụng tập quán đó trong một trường hợp như vậy nhưng đối với người như Gôrôsaburô và ở vào thời đó thì việc chém đầu để giải thoát cho em là biểu tượng của đạo lý và tình yêu thương giữa đồng bọn samurai và giữa huynh đệ với nhau. Ít nhất đó là những điều Gorôsaburô suy nghĩ trong đầu. Ông ta lúc ấy mới tuốt thanh bảo kiếm truyền đời của gia đình, đến bên cạnh em và nhấc một bên đầu gối để lấy thế. Lúc ấy, chợt bà mẹ của hai người mới cất tiếng hét lên rồi từ đằng sau lưng nhào ra phủ phục lên trên người Monta. Bà nhìn Gorôsaburô và nói lớn:

– Nếu con nghĩ rằng chém đầu em là tỏ được cái tình của người võ sĩ thì mẹ cũng cam đành. Vậy con cứ chém, mẹ xin chết theo em con luôn!

Gorôsaburô hoảng kinh, đành phải tra lại thanh kiếm vào vỏ.

Giữa cảnh hỗn loạn như vậy thì xảy ra một chuyện hết sức tình cờ. Có một nhân vật đang bước vào nhà. Đó là Tokoro Ikutarô.

Nếu được tiết lộ luôn phần cuối của câu chuyện ngay bây giờ thì cái người tên là Tokoro Ikutarô kia đã giải phẫu cho Inoue Monta – đang ở trong tình trạng nguy hiểm chết người – nghĩa là hầu như không còn một chút hy vọng tồn sinh – và giúp ông phục hồi để về sau đóng một vai trò quan trọng trên sân khấu lịch sử2. Vậy thì Tokoro Ikutarô là nhân vật như thế nào?

Ông ta không phải là người phiên Chôshuu. Đó là một samurai vô chủ (rônin) từ vùng Mino trôi nổi đến đấy. Vì không thể dằn nén nỗi ưu tư cho vận mệnh đất nước nên ông đã trở thành một chí sĩ cần vương, và hiện giờ hình như đang nương tựa phiên Chôshuu. Và nếu là người biết mổ xẻ dể cứu được Inoue Monta thì ít nhất ông cũng vừa là chí sĩ kiêm y sĩ. Ngoài ra, ông không thể nào là một y sĩ tầm thường vì đối với một người bị thương nặng đến độ hai ông y sĩ của phiên Chôshuu đành chịu bó tay, ông đã có thể cứu được tính mệnh một cách tài tình.

– Monta, anh có nghe tôi nói không?

Ikutarô, người thầy thuốc, ghé vào tai bạn hỏi. Ông muốn khích lệ tinh thần người bệnh.

– Tôi là Tokoro đây anh ơi! Chắc là anh đau lắm. Nếu anh chọn cái chết để thoát khỏi đau đớn thì đó là một quyết định quá dễ. Anh có biết người đang nằm phục trên lưng và ôm choàng lấy anh là bà mẹ của anh không? Cụ đang mong anh sống đấy. Anh phải sống, nghe Monta. Tôi sẽ giải phẫu để cứu mạng anh. Giải phẫu nhất định là đau nhưng anh phải chịu đau để sống còn, anh nhé! Phải vận dụng sức mạnh toàn thân để chống lại cái đau sắp tới.Đồng ý chưa?

Khuôn mặt của Monta lộ ra dấu hiệu của một sự cảm động sâu sắc, chắc là ông ta đã nghe được lời bạn nói.

Thế nhưng trên người Ikutarô lúc ấy không có một dụng cụ nào dùng vào việc giải phẫu. May quá, hôm trước có mấy người thợ đóng chiếu vừa đến thay chiếu mới nên trong ngôi nhà này hãy còn ít cái kim khâu chiếu họ để lại. Sát trùng miệng vết thương đã có rượu đế, còn như để chống đau thì hoàn toàn không có gì vì thời đó người ta chưa biết đến thuốc tê. Tokoro cứ phải khâu trong hoàn cảnh đó.

Tokoro lấy giây đeo kiếm buộc áo xống cho gọn rồi bắt đầu khâu. Không thấy Monta than thở gì cả. Thì ra vì quá đau đớn ông ta đã bắt đầu mất hết cảm giác. Tokoro ý thức được mối nguy. Cuối cùng khi ông bắt đầu khâu chỗ từ má xuống dưới môi thì con bệnh vì không chịu nổi cái đau mới thét lên.

– Nếu biết đau là còn sức sống đấy!

Ikutarô cổ vũ Monta như vậy. Vì nghĩ rằng với câu nói đó, ông cũng đang cổ vũ cho chính mình nên trong lòng phấn khởi hẳn ra. Cuộc giải phẫu bắt đầu từ 10 giờ đêm kéo dài cho đến 2 giờ sáng. Tokoro khâu tất cả 50 mũi kim rốt cuộc mới xong.Trong lúc đó thì hai người thày thuốc của phiên đứng bên cạnh trợ giúp. Còn để giữ chặt cho con bệnh khỏi vùng vằng cựa quậy trong suốt 4 tiếng đồng hồ thì đã có bà mẹ và ông anh Gorôsaburô cùng nhau hợp sức.

Như một phép lạ, Monta thoát hiểm. Thế nhưng định mệnh con người là cái không tài nào hiểu được. Tokoro, người y sĩ có công cứu Monta thì tháng 2 năm sau, mắc phải chứng thương hàn, đến ngày 2 tháng 3 thì qua đời ở quận Yoshiki, một vùng do phiên Chôshuu quản lãnh, trong tình cảnh đất lạ quê người. Và ông ta biến mất như một kẻ vô danh, không để lại thêm một dấu vết nào trong dòng lịch sử.

Ông ta đã sinh ra và lớn lên như thế nào? Đó là câu hỏi vẫn ám ảnh mãi tâm trí tôi từ khi có dịp nghiên cứu việc Inoue Tamon lâm nạn. Thế rồi có một hôm, khi lục lọi trong đống sách vở ghi chép các sự kiện xảy ra vào những năm đầu đời Minh Trị, tôi phát hiện ra mấy hàng chữ đằng sau tiêu đề:

Tokoro tên mỗ, người đất Mino.

Mấy hàng đó trình bày Tokoro như là một con người ngay thực và trầm tĩnh, lời ăn tiếng nói hòa nhã. Tuy chỉ là mấy hàng ngắn ngủi nhưng cũng đủ để giới thiệu ông như một nhân vật hàng đầu, ăn khớp với ấn tượng tôi có về ông.


h3

Inoue Kaoru, một trong 5 tay hào kiệt đất Chôshuu (Chôshuu Five)


Ngoài ra về sau, khi đi tìm tài liệu về học giả Lan học Ogata Kôan, tôi không ngờ mình đã kiếm được thêm một chi tiết mới về Tokoro Ikutarô.

Nói về Ogata Kôan thì ông là người được coi như một nhà giáo dục về khoa học nổi tiếng nhất vào giai đoạn cuối Mạc phủ đầu Duy tân. Trường ông lập ra tên là Tekijuku (Thích thục)3 từ nơi đây biết bao nhiêu nhân tài đã ra đời. Dấu vết kiến trúc ngôi trường ngày nay vẫn còn ở Ôsaka và quyển danh bạ của sinh viên nhà trường vẫn chưa thất thoát. Trong cuốn danh bạ ghi tên 611 sinh viên của trường lúc ấy, có mấy dòng chữ:

Nhập môn ngày 15 tháng 8 năm Man.en nguyên niên (1860)
Tokoro Ikutarô xuất thân trạm Akasaka, Nôshuu (Nùng châu)
4

Bút tích ấy do chính bàn tay Tokoro Ikutarô. Tên tuổi ông hiện ra rõ mười mươi. Trong lúc nhìn những dòng chữ của con người ấy, trong lòng tôi bỗng dậy lên một niềm cảm khái đến độ tôi phải nghẹn ngào.

(Ôi chao, anh chàng cũng từng có mặt ở đây nhỉ!)

Về sau tôi vẫn đi tiếp tục tìm tòi về Tokoro dù chỉ là tìm khơi khơi nhưng lại tình cờ thâu thập thêm một số điều mới về ông. Đất Nùng châu tức Mino nay nằm ở phía nam tỉnh Gifu. Trạm Akasaka là tên một dịch trạm cho khách đi đường trú qua đêm. Tokoro sinh ra trong một gia đình làm nghề nấu rượu ở một thị trấn tên là Ôgaki thuộc tỉnh Gifu. Hồi nhỏ ông được một người thày thuốc ở gần nhà nhận làm con nuôi và có thể nhân đó mà ông đã đi nhiều nơi và học hỏi để trở thành y sĩ. Ông cũng có lần lên kinh đô Kyôto theo đòi Lan học, lại có thời đến một vùng phố xá dưới chân thành (shitamachi) ở Echizen Ôno, nơi tuyết ngập dày, để rèn luyện tay nghề. Việc ông nhập môn với Ogata Kôan ở Ôsaka xảy ra vào năm 22 tuổi. Trong trường, hình như ngoài tiếng Hòa Lan, ông còn được học cả bệnh lý học cũng như khoa giải phẫu.

h4

Tượng Inoue Kaoru trong Công viên Takada ở Yamaguchi

Về sau, vì không nén nổi mối ưu tư thời thế, Tokoro đã lên Kyôto, bôn ba quốc sự như một chí sĩ cần vương, rốt cuộc gửi tấm thân rônin trôi nổi ở phiên Chôshuu để tiếp tục hoạt động. Vào thời ấy, Mạc phủ đang điều quân các lãnh chúa từ các tiểu quốc để chinh phạt Chôshuu và phiên này đang đứng trước nguy cơ diệt vong. Để cứu cho được mảnh đất dung thân, Tokoro dù bản thân không phải là phiên sĩ Chôshuu, chắc cũng phải chạy tới chạy lui, cùng họ lo toan chuyện này chuyện nọ. Nhằm lúc ấy, lại xảy ra việc Inoue Monta lâm nạn, thế rồi chẳng bao lâu bệnh tật đã cướp ông đi.

Thời theo học trong tư thục của Ogata Kônan, Tokoro có lẽ là một người học trò ưu tú nhưng cuộc đời của ông chỉ vỏn vẹn có 27 năm, là một chí sĩ nhưng chẳng có tiếng tăm chi, công lao gì cũng chả thấy ai ghi lại trong sử sách. Lúc lìa bỏ cõi đời, hẳn có mối hận nào đó còn vướng mắc trong lòng.

Tôn sư của ông, Ogata Kôan, là người rất nghiêm khắc khi dạy học trò về đạo đức của người thày thuốc. Ông thường nhắn nhủ họ:

Thày thuốc là người sinh ra trong cõi đời này để cứu giúp kẻ khác chứ không phải để sống cho riêng mình.

Như vậy, nếu Tokoro Ikutarô là một môn sinh ưu tú của Kôan thì cho dù giữa đường đứt gánh, không thỏa nguyện chí bình sinh, nhưng chỉ qua việc cứu sống một con người đang phải đối đầu với cái chết, ta đã có thể đánh giá rằng cuộc sống ngắn ngủi của ông cũng đã đầy đủ ý nghĩa lắm rồi.

Tokoro Ikutarô có để lại một tấm ảnh, trong đó, ông mặc bộ đồ đi đường của người samurai, với chiếc nón bện bằng lá, một chân quì trên cỏ. Nhìn từ phía ngang gương mặt thanh cảnh của ông, tôi có cái cảm tưởng lạ lùng như nghe ông đang thì thầm những lời thày dặn bảo bên trên.


Dịch xong tại Tôkyô ngày 9 tháng 9 năm 2016

Nguyễn Nam Trân




1 Takasugi Shinsaku 高 杉 晋 作 (1839-67), chí sĩ phiên Chôshuu, chủ trương tôn vương đảo Mạc. Học trò giỏi của nhà tư tưởng Yoshida Shôin, ông có tài quân sự và đã thành lập một đội dân quân chủ lực cho hoạt động “nhương di”. Bị bệnh mà mất trong khi sự nghiệp còn dang dở.

2 Inoue Kaoru 井 上 馨 (1836-1915), thời trẻ tên là Monta 聞 多, chính trị gia có thế lực của Nhật Bản suốt hai triều Meiji và Taishô. Ban đầu, tham gia cần vương. Từng được phiên Chôshuu gửi sang Anh quốc cùng với Itô Hirobumi để học hỏi về tình hình thế giới. Đã nhiều lần nắm chức tổng trưởng canh nông-thương mại, tài chánh, ngoại giao, nội vụ...trong các nội các Ôkubô Toshimichi và Itô Hirobumi. Có công xây dựng nền tài chánh cho nhà nước cũng như thành lập tập đoàn kinh tài tư nhân Mitsui Bussan. Mở Rokumeikan (Lộc Minh Quán), một nhà hát và câu lạc bộ, thời làm tổng trưởng ngoại giao với mục đích gặp gỡ người ngoại quốc và tiếp thu văn hoá Âu Mỹ.

3 Nhân vì biệt hiệu của Kôan là Tekitekisai (Thích thích trai) nên ngôi trường ông lập được gọi là Tekitekijuku (Thích thích thục) hay Tekijuku (Thích thục). Trai là tiếng nhà Phật chỉ sự việc hay con người thanh tĩnh.

4 Nôshuu (Nùng châu) là tên văn vẻ của vùng Mino (Mỹ Nùng), nay nằm ở phiá nam tỉnh Gifu, trung bộ Nhật Bản.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss