Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Nước Áo tốt phúc vì dửng dưng với sự ngưỡng mộ tiền

Nước Áo tốt phúc vì dửng dưng với sự ngưỡng mộ tiền

- Vũ Ngọc Thăng — published 08/08/2008 12:26, cập nhật lần cuối 08/08/2008 12:26

Claudio Magris

Nước Áo, “tốt phúc” vì dửng dưng với sự ngưỡng mộ tiền


Trong một tiểu luận mang tính hoài niệm về cái đế chế Áo-Hung quá cố, Franz Werfel[1], ở thập niên 1930, đã viết rằng, người Áo, công dân của một Xứ đa dân tộc, không tận dụng thời gian để kiếm tiền, mà – khác với nhiều người phương Tây cùng thời, đặc biệt là những người Ăng-lô-Xắc-xông – tìm cách kiếm tiền cần thiết để tận hưởng thời gian, cái thời gian ngắn ngủi của đời mình, vốn chứa đựng toàn bộ những gì mình được trao cho, nghe-nhìn-sờ-ngửi-nếm-rongchơi, tức là, sống và thương yêu. Ông không ước muốn, chỗ của kẻ giao dịch hốiphiếu-sinhtồn, quy thời gian ra tiền, mà ngược lại, thích trút túi tiền để tiếp đãi thời gian. Đây không phải là một thái độ chống tư bản hoặc coi nhẹ kinh tế, mà là một quan niệm, tuy chăm chút kinh tế, nhưng chối từ việc biến nó thành một cách nhìn thế giới, và hình thành từ nó một siêu hình học. Trái với những gì người ta tin dựa theo nhiều cuộc gợi hồn hão về cái thế giới Habsburg, siêu hình học ấy, đặc biệt qua những thành tố trong cái phần Áo của nó, đã hết sức phát triển về phương diện kinh tế, và xây dựng nên một văn hóa, một khoa học kinh tế hàng đầu, cực kì tinh vi và phức hợp. Từ những Cameralist[2], cho đến Böhm-Bawerk[3], cho đến Schumpeter[4], văn hóa Áo-Habsburg đã xây dựng nên một tư tưởng kinh tế đóng một vai trò nền tảng trong lịch sử kinh tế. Nhưng tính phức hợp chuyên môn của nền khoa học kinh tế ấy chưa bao giờ vượt quá phạm vi đặc trưng của nó. Nó không trở nên – như trong một số nước khác, và hơn bao giờ hết, như bây giờ đang diễn ra – một cách nhìn thế giới, một giá trị tối cao mà đạo lí và cuộc sống phải phụ thuộc. Truyền thống Ki-tô giáo và barốc của Đế chế, coi kinh tế như là một “chrematistics”[5] cổ đại của Aristotle, tức là cái khoa học thiết yếu dành cho một người cha tốt trong gia đình, nhằm bảo dưỡng gia đình, và như thế, để thực hiện, nhất thiết thông qua kinh tế, những giá trị không thuộc kinh tế. Và điều này cũng có giá trị đối với xã hội và Nhà nước. Cùng với sự tiến triển ngày càng phức hợp hơn của xã hội, thì khoa học kinh tế cũng ngày càng tinh tế hơn, cũng là nhờ cuộc nở rộ kì diệu của những nghiên cứu toán học vốn tiêu biểu cho văn hóa Áo thế kỉ 19, song nó không trở nên một hệ tư tưởng. Khác với cuộc tu từ hiện nay, ở nước Áo cũ, xí nghiệp là xí nghiệp và được quản lí đúng theo những tiêu chuẩn xí nghiệp, thế nhưng, không phải toàn bộ đời sống, cũng như mỗi hoạt động con người, là xí nghiệp. Mang tính triệu chứng, văn chương Áo thế kỉ 19 thiếu vắng cái ý thức tàn nhẫn, xung khí, và tạo dựng của tiền, mà trong những văn chương khác – từ Faust cho đến Balzac, và nhiều tiểu thuyết Anh – vận hành như máu, biến đổi mọi sự. Tiền, trong văn chương Áo, không được đầu tư, không là ma quỷ, đổi mọi điều với điều gì đó, mà là tiền tiêu tại một quán rượu để tận hưởng những món ăn, là tiền được cố định hóa trong tài sản điền địa dài hạn chứ không đem đi đầu cơ địa ốc, làm thay đổi cái cảnh quan điền địa ấy, là tiền lĩnh hưu, trở nên một sự được miễn, hòa nhã và vô chính phủ, trước cái tính khắc nghiệt của cuộc đời. Những ngăn túi của Lieber Augustin[6], tửu đồ trong truyền thống dân gian, thì trống trơn, và rượu, đổi được từ những đồng tiền cắc cuối cùng, khiến bài ca ngân lên tiếng giờ là lúc ra đi. Không phải tình cờ, trong văn chương Áo thế kỉ 19, tiểu thuyết vắng mặt, thể loại nghệ thuật tiêu biểu mà Marx ưa thích của tầng lớp đại tư sản Âu Châu, bởi nó thay đổi và bật rễ thế giới bằng tính lưu động của tiền. Musil[7] đã vẽ ra bức chân dung dữ tợn nhất của nhà tư bản trong “Người không tư chất”, qua nhân vật Arnheim, bị châm biếm không bởi y tượng trưng cho tư bản, mà bởi y muốn thực hiện một cuộc tổng hợp giữa “linh hồn và tư bản”. Và chính cái cuộc thần thánh hóa ấy về tư bản, chứ không phải tư bản tự nó, mới là điều mà văn hóa Áo đối lại, không chỉ bằng những kẻ rong chơi đáng nhớ – đời họ nhẹ nhàng như cái chết của vịthánh-tửuđồ của Roth[8], không có gì nhưng có thời gian – mà còn bằng tính chặt chẽ của những nhà kinh tế học, như Schumpeter, một trong những bậc thầy của tư tưởng kinh tế thế kỉ 20, người mà trong một đoạn tường thuật, kể lại câu chuyện về một cuộc sinh tồn, toàn bộ được chuyển sang sản xuất, trút mình vào cái trống rỗng. Những bậc thầy Áo gần đây, như von Hayek[9], đã rời bỏ truyền thống này; họ dường như cận kề hơn với cái cuộc cộng sinh giữa linh hồn và tư bản đã bị Musil mỉa mai. Mặt khác, khi kinh tế vượt qua đường biên của nó và trở nên một phép ẩn dụ của cuộc sống, thì đấy là một phép ẩn dụ của cái hư trống; Karl Kraus[10], người Habsburg, vị thày bói lòng về sự tận thế, nói : chúng ta đang sống bằng một tài khoản đã bị khóa.

Vũ Ngọc Thăng dịch


Nguồn: Corriere della Sera - 19/07/2008. (Trong phạm vi cuộc hội thảo “Time Is No Money” /  “Thời gian không là Tiền”)


[1] Franz Werfel (1890 – 1945): nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch gốc Áo-Bôhem 

[2] Cameralist: người theo Cameralism, một hệ thống những nguyên tắc và tiêu chuẩn nhằm điều hòa hoạt động tài chính ở vương quốc Phổ, xuất hiện vào thế kỉ 17. Một tiền thân của khoa Hành chính Nhà nước hiện đại.  

[3] Eugen von Böhm-Bawerk (1851 – 1914): nhà kinh tế học người Áo.

[4] Joseph Schumpeter (1883 – 1950): nhà kinh tế học gốc Tiệp (Áo-Hung cũ).

[5] Chrematistics: Khoa học về sự thịnh vượng; một khoa hoặc nhánh Kinh tế Chính trị học (Webster).

  

[6] “(Ach, du) lieber Augustin”: tên một bài hát dân gian Áo, theo truyền thuyết, được Max Augustin, một nhạc sĩ hát rong sáng tác năm 1679, khi nạn dịch hạch đang hoành hành tại thành Vienne; một tối, chuyếnh choáng ngã xuống một miệng hố; và dù nằm chung với những xác người dịch bệnh suốt đêm nhưng nhà nghệsĩ - tửuđồ đã không bị lây nhiễm. Có thể vào đây nghe một trình tấu về bài hát này:  http://www.youtube.com/watch?v=HKlgBK2jX7w&feature=related

[7] Robert Musil (1880 – 1942): Nhà văn người Áo.

[8] Joseph Roth (1894 – 1939): Nhà văn người Áo.

[9] Friedrich August von Hayek (1899–1992): Nhà kinh tế học gốc Áo.

[10] Karl Kraus (1874 – 1936): Nhà văn, nhà châm biếm, nhà báo, nhà thơ, nhà viết kịch người Áo.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss