Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Dụng học của một nhà cấp tiến mai mỉa (Triết học)

Dụng học của một nhà cấp tiến mai mỉa (Triết học)

- Vũ Ngoc Thăng — published 30/06/2007 18:36, cập nhật lần cuối 01/07/2007 09:53
Tác giả, Stefano Petucciani, viết về triết gia Richard Rorty, sinh năm 1931 tại New York, mất ngày 8 tháng 06 vừa qua. Vũ Ngọc Thăng dịch và chú thích.


Dụng học[i] của một nhà cấp tiến mai mỉa[ii]

 

Stefano Petrucciani

 

Nếu muốn vắn tắt miêu tả vị trí của Richard Rorty trong triết học thế kỉ 20, hẳn có thể nói : ông là nhà tư tưởng đã phơi bày một cách trọn vẹn sự khủng hoảng nội tại của triết học phân tích (analytic philosophy) ; và sự quá độ tới chủ nghĩa hậu hiện đại. Sinh năm 1931 tại New York và mất ngày 8 tháng 6 vừa qua, Rorty, thật vậy, dù được đào tạo từ chính bên trong dòng triết học phân tích Bắc Mĩ, đã sớm phát lộ những tính chất trắc trở và những nan đề của nó.

Thành quả lớn của cuộc nghiên cứu mang tính tự phê phán ấy – qua đó Rorty tự khẳng định mình là một vai chính trên vũ đài trí thức – là quyển Philosophy and the Mirror of Nature năm 1979. Trong tác phẩm đầy tham vọng này, tư tưởng gia Mĩ đánh đổ toàn bộ quan niệm truyền thống về triết học, mà trong đó, ngay cả dòng triết học phân tích đang thịnh hành, với những kì vọng về tính chặt chẽ của nó, cũng không thoát khỏi. Ông phê phán những kì vọng của triết học trong việc kiến tạo nên một tri thức luận chứng và nền tảng (argumentative and foundational knowledge) ; thuyết phục các triết gia hãy cáo từ cái vai trò “thẩm phán” đối với tính giá trị của các tri thức và khoa học (Kant từng nói về cái “tòa án” của lí tính thuần túy, mà đối diện với nó, các kì vọng của tính giá trị phải được bào chữa); và đặc biệt, phủ nhận cái quan niệm phản chiếu hoặc biểu trưng của nhận thức, theo đó, nhận thức phải nỗ lực hình dung, qua một phương thức thích hợp nhất có thể, cái thế giới có thực đang ở “ngoài kia”, như thể không có mô hình nào ngoài mô hình chiếc “gương”, vốn đơn thuần và chính xác khôi phục lại chân lí của những gì đang trải ra trước mặt. Theo Rorty, chẳng gì giả tạo hơn thế. Sau cái “bước ngoặt ngôn ngữ học”[iii] (mà ông từng là một người cổ vũ), đối với ông, đã rõ là chẳng hiện hữu những đối tượng có thực, mà quá lắm chỉ hiện hữu những diễn giải và những hệ thống biểu tượng: mảnh đất của triết gia chính là những thực hành ngẫu nhiên về diễn ngôn của chúng ta, triết gia phải đắm mình trong đó mà không mang kì vọng ưu việt, và đặc biệt, phải giải phóng mình khỏi nỗi lo lắng bấn loạn trong việc tìm kiếm những sự chắc chắn bền vững và những luận cứ đầy tính nền tảng.Trong quyển Consequences of Pragmatism  năm 1982, Rorty triển khai một cách cụ thể cái viễn cảnh tân-thực-dụng, lịch sử chủ nghĩa và minh giải học của mình, và thậm chí vạch ra từ trong đó cái bảng phả hệ của tư tưởng thế kỉ 19 và 20. Các điểm tham chiếu của ông là trong Hegel thế kỉ 19, nhưng đặc biệt sau đó, là trong Dewey, Wittgenstein và Heidegger, những triết gia mà mỗi người một cách, đã phân rã các khuôn khổ truyền thống về tri thức. Ông xử dụng các tham chiếu ấy (theo tôi, qua một cung cách hoàn toàn đảo lộn chúng) để mang nước lại cho cái cối xay của ông, tức là, để dẫn đến một  tầm nhìn triết học “hậu-triết-học” và “hậu-luận-chứng”: thực hành triết học trở nên một loại hội thọai[iv] hoàn toàn mang tính nội tại của tinh thần thời đại, nơi mà, như chính Rorty viết, người ta “nhanh chóng chuyển từ Hemingway sang Proust sang Hitler sang Marx sang Foucault”, trong lúc đàm tán về “những mối lợi và những mối bất lợi của các cách hành ngôn khác nhau do con người sáng tạo ra”. Một kiểu triết học, tóm lại, ít tính dấn thân và mang tính giải khuây, rồi còn được ông phát triển và vạch rõ trong Contingence, Irony, and Solidariety năm 1989.    

Nhất quán với các tiền đề triết học ấy, về phương diện chính trị, Rorty tự miêu tả mình như là một nhà “cấp tiến mai mỉa”, kết phối với những nguyên tắc truyền thống của nền dân chủ Mĩ – những cái về tự do và bình đẳng –  nhưng cùng lúc cũng nhấn mạnh trên cái tính ngẫu nhiên của chúng. Luận điểm của ông là người ta cần tranh đấu cho những nguyên tắc ấy, dẫu luôn ý thức rằng chúng đã được soạn thảo bởi một bộ lạc đặc thù (thật vậy, những người đàn ông, da trắng, tự do chủ nghĩa, phương Tây) và cho nên chúng không mang bất cứ kì vọng nào về chân lí và chẳng thể có cách nào mang tính nền tảng. Phản đối kiểu triết lí chính trị mang những tham vọng cực đoan, Rorty bảo vệ điều mà ông gọi là “ưu thế của dân chủ so với triết học”, và trong lúc ngày càng nêu bật những mối quan tâm chính trị, ông không bỏ lỡ cơ hội để đề xuất những thiện ý của mình với cánh tả trong Achieving Our Country: Leftist Thought in Twentieth Century năm 1998, cũng như nêu lên những phê phán nghiêm khắc đối với chính quyền Bush đương nhiệm và cuộc chiến tranh tại Irak.

 

Xét cho cùng, không nghi ngờ gì, Rorty là một triết gia tiêu biểu cho cái câu chuyện trí thức đã được tát cạn trong khoảng từ cuối thập niên 1970 và hôm nay: sự phê phán của ông đối với triết học nền tảng, đối với những kì vọng của nó về tính chặt chẽ và tính khoa học, điều mà ở những năm 1970 vẫn có thể tạo sự sôi động, nay đã trở nên điều thông lệ ; đó là chưa nói đến những dự án lớn của cánh tả, đã chết và đã được chôn cất, hẳn là nhiều hơn nhiều so với những gì mà các nhà phê phán hậu hiện đại không mong muốn. Nhưng ngay cả trong trường hợp các triết gia cùng kiểu mẫu Rorty đã chế ngự cả tuyến đường, điều đó không có nghĩa là những con tính rồi sẽ sáng tỏ. Chúng không sáng tỏ từ góc độ chính trị, bởi vì một tư tưởng tư do chủ nghĩa, vốn dĩ đã quá khánh kiệt, thực sự dường như không có khả năng đề xuất những viễn cảnh cho một cánh tả đang mang những căn bệnh quá trầm trọng để mà có thể được chữa trị qua các phương thuốc ấy. Lại càng không sáng tỏ từ góc độ triết học. Tôi xin chỉ nêu ra hai lí do rất đơn giản, nhưng đối với tôi, chúng dường như không thể phản bác. Một là : từ Plato, nếu không nói là từ trước đó nữa, nỗ lực và sức quyến rũ của triết học là ở việc thử đưa ra những luận chứng tốt : những luận chứng đối lại sự thách thức hoài nghi; là ở việc thử đưa ra những lập luận về công lí, về một trật tự bền vững của Thành-phố – Nhà-nước (Polis), về việc làm thế nào để sống cho tốt… dù đó luôn là những luận chứng. Nếu không thích luận chứng, thì có những ngôn ngữ khác, rất khơi gợi hơn: thơ ca, mĩ thuật, tôn giáo. Song một triết lí mà không mang luận chứng thì chính là một triết lí khấu trừ chính nó, không lợi ích gì. Thế nên, tốt hơn là thôi không nói nữa.

Còn điều thứ hai, sự từ bỏ luận chứng, lại bao hàm một hệ quả khác và đáng lo ngại. Ai luận chứng, ai tìm cách bày tỏ một lập luận chặt chẽ, là hứng chịu sự phê phán: dù có thế nào chăng nữa, họ cũng bị sự từ bỏ luận chứng đóng đinh họ với sự không nhất quán hoặc với những sai lầm của họ. Luận chứng là dân chủ theo nghĩa này: luận cứ của bạn có tốt hay không, mỗi người đều có thể xét đoán. Triết học theo sự lĩnh hội của Rorty : như là hội thoại, trái lại, thì không thể bị phê phán : chính nó bảo rằng nó không mang kì vọng về chân lí ; vậy thì mi muốn bức xúc với ai ? Cho nên những con tính của triết học hậu hiện đại mà Rorty đã kể cho chúng ta nghe một cách hấp dẫn như thế, rốt cuộc, là những cái mẹo : dường như có sự mở rộng tối đa, dường như mọi sự đều có thể tiến triển tốt đẹp, dường như có sự từ bỏ bất kì một ý nghĩ nền tảng và độc đoán nào. Song trên thực tế, triết học ấy lại kiến tạo nên một tòa lâu đài trí thức mà trong đó không còn một không gian nào, dù là nhỏ nhất, dành cho sự phê phán.   

 

Vũ Ngọc Thăng

(dịch và chú thích)

Il Manifesto 12 / 06 / 2007

 

 


[i] La pragmatica / pragmatics (tạm dịch là dụng học): thường được mô tả là môn học về sự sử dụng ngôn ngữ, cách thức người ta lĩnh hội và cung ứng một hành vi truyền thông hoặc lời ăn tiếng nói trong một tình huống cụ thể về hành ngôn mà thông thường là một cuộc hội thoại. Theo một nghĩa tụ điểm hơn, nó nghiên cứu mối tương quan giữa kí hiệu và người vận dụng kí hiệu, khác với mối tương quan giữa những kí hiệu (ngữ pháp hoặc cấu trúc của ngôn ngữ) và giữa kí hiệu với đối tượng được kí hiệu quy chiếu (ngữ nghĩa); nói cách khác, nó khảo sát cách thức các nhân tố của bối cảnh tương tác với ngữ nghĩa trong cách diễn giải của các câu phát biểu.

[ii]  A“ liberal ironist ”: thuật ngữ được Rorty vận dụng trong tư tưởng của mình; ông định nghĩa “ironist” là “một người đáp ứng 3 điều kiện sau: 1) anh ta mang những hồ nghi triệt để và liên tục về cái vốn từ vựng sau cùng mà mình hiện sử dụng, bởi vì anh ta hết sức ấn tượng về những vốn từ vựng khác, những vốn từ vựng được anh ta xem là sau cùng của những người khác hoặc của những quyển sách mà anh ta đã gặp; 2) anh ta nhận thức rằng luận cứ diễn đạt qua cái vốn từ vựng hiện nay của mình thì không thể bảo đảm, cũng không thể xóa tan các hồ nghi ấy; 3) trong lúc tiếp tục triết lí về tình cảnh của mình, anh ta không nghĩ rằng cái vốn từ vựng của mình thì gần với thực tại hơn cái vốn từ vựng của những người khác, cũng không nghĩ rằng nó được tiếp xúc với một quyền năng không là chính mình ”. (Rorty, 1989, p.73). (Vikipedia).

 

[iii] “The linguistic turn”: thuật ngữ chỉ một bước phát triển chủ yếu trong triết học phươngTây ở thế kỉ 20; đặc điểm quan trọng nhất của bước đi này là tiêu điểm của triết học – và do đó, cũng là của những khoa học nhân văn khác – được dời sang ngôn ngữ như là cái kiến tạo nên thực tại (Vikipedia). Mặt khác, trong bài này, cụm từ còn để chỉ tựa đề của một quyển sách do Rorty chủ biên, tập hợp một số tiểu luận về vấn đề này (The Linguistic Turn, University of Chicago Press, 1967; second, enlarged, edition 1992).

[iv] Conversation: thuật ngữ được sử dụng qua một cung cách bản thể học bởi những triết gia như Hans-Georg Gadamer, Michael Oakeshott, Richard Rorty. Rorty có đoạn viết về khái niêm này như sau (thường được viện dẫn): “Tiếp tục cuộc hội thoại như là một mục tiêu thích đáng của triết học, coi minh triết như cốt ở cái năng lực duy trì một cuộc hội thoại, tức là nhìn con người như là kẻ khởi xướng những miêu tả mới mẻ hơn là nhìn con người như là kẻ hi vọng mình có khả năng miêu tả một cách chính xác”. (Rorty, 1979:378).

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss