Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Cô dâu Việt và chỗ đậu xe của nhà vua Thụy Điển

Cô dâu Việt và chỗ đậu xe của nhà vua Thụy Điển

- Đỗ Kh. — published 22/05/2009 08:00, cập nhật lần cuối 21/05/2009 22:43


Giọt mực giọt đời



Cô dâu Việt và chỗ đậu xe của nhà vua Thụy Điển

Đỗ Kh.



Một sáng rất sớm ngồi thơ thẩn bên Quốc lộ, tôi được quen một thiếu nữ Long Khánh. Đó là vào giấc các em bán quán còn dụi mắt và dọn dẹp chỗ nằm đêm, quét tung bụi trước thềm khi xe cộ ngây ngái trên đường nhựa. L. 25 tuổi, đợi xe đò vào lúc tinh sương để gửi tiền, mấy trăm ngàn bạc cho mẹ qua hệ thống dịch vụ cầm tay của các anh lơ.

Cô ngoại hình tầm trung, xấu đẹp tuỳ người đối diện chẳng có gì đáng nói hay là không đẹp người cũng dễ coi, và hành nghề gội đầu ở tiệm hớt tóc nam cao cấp nhất phố huyện. Tuổi trẻ của cô rất là cơ cực tại quê hương đất đỏ. Cha cô, vì mâu thuẫn với anh em trong gia đình nên mất ruộng mất đất, phải ra góc khuất rừng cao su mà dựng chái. Nhà cô là mấy tắm ván dưới một tàn cây lớn và L. còn nhớ những ngày thơ không có một tấm bạt trên đầu để che mưa. Buồn tình đời nên đào được ba củ khoai là người bố đổi lấy rượu thay vì mài gươm và làm thơ thất chí. Mẹ cô mà có ý kiến thì ông giải bày tâm sự của ông bằng cành củi và kém may mắn hơn là (bí thư thành uỷ Moscow) Boris Yeltsin, một hôm ông té sông mà chết đuối chứ không có bì bọp mà lội lên được. Hoàn cảnh thương tâm này của L. không thể thoát được với những việc như là hái rau, bán quán, L. lều chõng lên thị xã thi tuyển vào việc lấy chồng Đài Loan.

Tổ chức mai mối mỗi tuần một hay hai bận mang đến đây năm bảy chú rể, có già có trẻ và có trẻ hơn là nhiều Việt kiều về quê sắm vợ bé. Về các hôn phu này, L. không có gì để nói vì L. không phải là con vua Hùng Vương thứ 18 và phải năm mười Mỵ Nương mới có một Sơn Tinh hay là Thuỷ Tinh. Các cô này thi nhau ném cầu lộp bộp vào các vị lòng tơ vương, không quản rừng cao sông cách trở này nhưng Đài Loan thì cũng chỉ có thể lấy được một vợ mà thôi. Những cô không được chấm phải trả tiền ăn ở, ai gồng mình như L. chịu được sở phí hai hoặc ba tuần. Có cô nhẵn mặt, rớt hết khóa này đến khóa khác vẫn nằm lì đến vài tháng trơ trơ để bà mai đuổi, thôi không ai lấy mày mày đi về cho rồi, tao không tính tiền sở hụi.

Cuộc thi này diễn ra tại một quán huyện, khi xe cá mập đưa chú rể tới thì các thí sinh đã ngồi đợi. Các cô lên đồ vía ngồi một vòng e thẹn. Các ông liếc lui liếc tới, chấm ai sơ tuyển thì ra ngồi bàn riêng hỏi chuyện, có thông dịch ngồi kèm. Chàng trình bày gia thế và hỏi han, không có hát hò ở đây, không có khiêu vũ không có mát xa thư giãn. Lý do là karaoké, vũ trường và đấm bóp là những dịch vụ rẻ hơn việc tìm vợ rất nhiều và chẳng ai lặn lội xuống phố huyện trong khi đầy rẫy ở các hẻm Sài Gòn và đầy cả ở các hẻm Đài Bắc. Chuyện thí sinh phải khoả thân trình diễn như tôi nghe đồn đãi thì kinh nghiệm này L. không có. Đây là chuyện ở trong Gentlemen Club Hoa Kỳ có cọc (pole) để bám vào mà nhảy chứ Bình Dương thì còn chưa nhập về. Cũng không phải là cà phê Dĩ Vãng, cà phê Lú ở Bolsa. Ngay mát xa body-body Thái Lan người ta vẫn mặc quần lót mà ngồi đan áo hay là xem phim bộ trong khi đợi khách ở phòng ngoài. Còn mặc quần áo tắm đi giày cao gót mà nhún chân xoay háng thì là ở các cuộc thi Hoa hậu có bộ trưởng đến trao vòng hoa và vương miện à nhe, ai mà phẫn nộ bất bình hãy đến Cung Văn hoá hay Resort Vin Pearl mà ném đá. Chọn vợ không phải là chuyện qua đêm, qua đường và các chú rể cũng hồi hộp không kém khi vào vấn đáp. Câu chuyện làm quen ở bàn riêng sơ tuyển là thích làm bếp hay là thích làm ruộng chứ không phải là thích làm tình, gia đình có bao nhiêu mạng, cô nào mồ côi đơn chiếc là ăn thêm một điểm, chú rể bớt cái phần mỗi tháng Western Union chuyển tiền về Việt Nam. Phần các cô dâu thì cũng thế, một là ngoại hình (râu ria quăn xanh rì thì OK, một mắt ở trán thì cũng ngại.) Hai là gia đình, không có con riêng, mẹ chồng thì đỡ nhọc nhằn, chàng đẹp ra một nước. Dĩ nhiên, cung và cầu quyết định, các cô tuy không bắt buộc phải nhận nhưng khó tánh phải dừng lại ở một mức nào. Hai tuần liền em thi rớt, đây là L. phát biểu, thực tế là chỉ mong đậu và bằng nào cũng được.

Trong vài giờ, giai đoạn tìm hiểu được cô đọng, một kiểu Speeddating như ở Mỹ tổ chức vào giờ ăn trưa. Tìm hiểu một hai tháng, một hai năm là một sang trọng mà cả cô dâu lẫn chú rể đều không có điều kiện. Chú rể không có du thuyền để thả rong ở vịnh nào Caríb, gặp người mẫu nào bắt mắt để đính hôn với quà cưới hột xoàn đặt mẫu ở Chopard New York hay Boucheron công trường Vendôme. Cái này thì tôi không thấy có ai phê bình hay chê trách mà ngược lại báo chí trầm trồ. Cô ảo thuật người mẫu quốc tế gặp ông đầu tư địa ốc Ý trong một cuộc thi chó đẹp ở Cali là tình sử. Họ có nhà villa ở quận 1 Thành phố và cô có mặc nội y Victoria’s Secret leo lên quầy bar riêng trong nhà mà nhún nhẩy coyote dancing trước khi ông điền tên vào giấy đăng ký kết hôn thì tôi không đuợc biết, không muốn biết, không cần biết vì đây là chuyện của họ. Không ai thấy đây là mất thể diện quốc gia mà còn hãnh diện, kiểu ca sĩ nào nổi tiếng kết hôn cùng với triệu phú nào Israel. Họ có thì giờ đi chơi biển chơi núi để suy nghĩ chin chắn, nhưng gái quê lấy chồng Hàn, chồng Đài sau một hai lần gặp là nhục quốc thể. Chú rể nước ngoài tất nhiên tại nơi sinh sống vào tạng ế vợ, không được hàng địa vị hay giàu sang phú quý, có khi cao tuổi hay là mang tật. Cao tuổi thì không được hưởng hạnh phúc gia đình hay sao và mang tật thì không được lấy vợ ? Cô dâu Việt thì đầu tháng đã đong hết gạo, mẹ già em dại nên cả hai bên đều gấp gáp, thật ra là xã hội chỉ trách nhà trai lẫn nhà gái có cái tội nghèo. L. có gặp một nông dân Đài Loan mắt lé ở một quán bẩn tỉnh lẻ thì là thiếu nhân cách. Đây chẳng là thiếu nhân cách, chưa chắc là ai nhân cách đã nhiều hơn ai, mà đây chỉ là thiếu tiền.

Hỏi sao cô không tìm chồng Việt thì L. bảo Đài Loan mắt lé vẫn còn hơn trai làng ngực nở. Trước thời đổi mới đã có câu “ Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ ” ( đây là xe đạp Peugeot tức là Lexus của dạo ấy). Các tiểu thư Hà Nội thời Pháp thuộc thì có câu “ Phi cao đẳng bất thành phu phụ ”, nếu thiếu nữ lam lũ ở Bình Dương giờ có đổi thành “ Phi Kao…Hsiung (Cao Hùng)” thì đã sao ? Những kẻ không lớn lên dưới một tấm bạt làm mái, giải trí chỉ có mỗi chiều khi nhìn bố đến cút rượu thứ ba là cầm cây đuổi mẹ chạy quanh nhà thì đừng nói đến nhân cách của người phụ nữ Việt Nam. Đó là chưa nói đến quan điểm đạo đức của các ông, ngồi rung đùi ở quán mà phê bình bọn con gái giờ đi lấy Đại Hàn sau khi bức xúc vì hoa hậu không có bằng phổ thông ! Tinh thần công dân của ta nên có những quan ngại khác, như là chẳng hạn, sinh thái ở Tây Nguyên. Người phụ nữ muốn lấy ai (ở đây là lấy, tự nguyện lấy, không phải là bán) thì kệ họ chứ. Họ đủ lớn khôn để quyết định số phận một đời và một đời của họ mà không cần các cha chú này bình phẩm, nghị quyết, ngăn cản. Gật đầu với một người lạ nước ngoài sau một tối e lệ ngồi ở một bàn nước thì vẫn là đồng thuận, theo lời bố mẹ leo lên một con Mẹc kết hoa về nhà con trai ông Phó Giám đốc mà nước mắt lã chã về chàng nghệ sĩ dép rách thì vẫn là gả ép.

Đầu thập niên 70 tôi có một cô bạn gái người Thuỵ Điển. Đây là một quốc gia có tinh thần công dân cao độ, chẳng thế mà Transparency International xếp nước này là số một đồng hạng với New Zealand và Đan Mạch (2008) về mức độ không tham nhũng và minh bạch. New Zealand thì tôi không biết nhưng tôi có hỏi cô bạn là Thuỵ Điển và Đan Mạch nói gần giống một thứ tiếng, ngoại hình cũng chẳng khác, nếu không bắt chuyện thì làm sao phân biệt các thiếu nữ là người nước nào ? G. bảo, cô nào mặc quần áo mô đen thì là Thuỵ Điển, còn ăn mặc nhà quê luộm thuộm thì là Đan Mạch. Chứ còn so Corruption Perception Index hay là cởi truồng thì cả hai như nhau.

Chuyện cởi truồng Bắc Âu, không phải là chuyện nhỏ ở đầu thập niên 70. Đối với phần còn lại của thế giới Tây phương lúc đó vẫn là một taboo, nếu không trong phòng tắm phòng ngủ thì là taboo ngoài bãi biển, nơi công viên, bờ hồ. Xin nhớ lại là quảng cáo nịt vú ở Hoa Kỳ đầu thập niên 80 vẫn không dùng người thật mà chỉ dùng người nhựa làm mẫu ! Sau đợt thuyền nhân sang đây, có một quyển sách Việt ở hải ngoại quảng cáo bên trong bằng câu hỏi “ Có bao nhiêu phụ nữ Mỹ không mặc quần áo khi đi ngủ ? ”. Đi ngủ thì tôi không biết vì tôi không mua cuốn sách nhưng đi tắm thì tôi nghĩ là cũng có lắm người phải khỏa thân. Giờ hỏi có bao nhiêu cô dâu Việt về Đài Loan đến tối tụt quần (quần lót, nói cho rành mạch) ? Có bao nhiêu cô dâu Việt lấy chồng Việt kiều đến tối tụt quần ? Có bao nhiêu cô dâu Việt không đi đâu hết ra ngoài nước mà đến tối cũng tụt quần ? Tôi nghĩ là xác suất ngang nhau và vậy là trong chuyện cởi truồng này Đài-Việt đề huề.

Tôi quen G. không phải qua một tổ chức mai mối, đưa tôi đến một quán nước trong một tối, cho nên sĩ diện quốc gia của Thuỵ Điển không bị lăng nhục. Sĩ diện của quốc gia này theo tôi nghĩ, là khi nhà vua Carl 16 Gustav xin thành phố Stockholm dành cho ông một chỗ đậu xe ở trung tâm khi ông đi shopping. Ông vua này coi thường nền dân chủ của nước ông đến như vậy và thành phố trả lời, trung tâm không có cấm đậu xe để mua bán, chỉ giới hạn là nửa tiếng và nếu muốn dừng lại, thì vua cũng được nửa tiếng như là mọi người, xin Bệ Hạ an tâm. Có lẽ bạn đọc cho là tư duy của tôi lắt léo nhưng ở đâu con người có tự do cá nhân, tự do kết hôn hay là tự do chửa hoang, tự do cởi áo tự do tụt quần, ở đâu mà xã hội phóng khoáng thì y như rằng, đến nhà vua cũng không có chỗ đậu xe. Ngược lại, người dân phải có ý thức, đó là tinh thần công dân của câu chuyện.

Vào dịp quan hệ bất chánh với một người nước ngoài này, tức là vào dịp tôi với G. làm bạn, tôi có qua nhà cô sống chung một thời gian. Cô ở miền Nam, Malmoe và bố mẹ cô thì ở trung phần Thuỵ Điển. Một hôm cô hốt hoảng báo là ông bà cuối tuần đến thăm. Chuyện này inte bra tức là “ không tốt ” (từ vựng Thuỵ Điển của tôi chỉ bấy nhiêu mà sót lại). Thứ nhất có thể ông bà chẳng thích thú gì khi thấy một thằng trắng không ra trắng đen chẳng ra đen mở cửa mời ông bà vào nhà con gái. Thứ nhì, tế nhị hơn và chẳng nói ra, là quan hệ giữa tôi và G. không đến mức để cô giới thiệu tôi với bố mẹ. Biết đâu cô chỉ muốn lợi dụng thân xác tôi trong những đêm dài giá lạnh vùng ôn đới thôi. Biết đâu G. không có ý gắn bó ở mức bắt tôi ngồi cười duyên với lại mẫu thân để khen bà trẻ như con gái “ cứ tưởng là hai chị em ” mà bà là em và G. là chị. Biết phận, tôi bảo, nào việc gì, thì cuối tuần này tôi tạm vắng mặt vậy (tôi đang hớn hở định điện cho một cô bạn khác là K. để xin tỵ nạn song thân).

Nhưng không phải thế, G. suy nghĩ đăm chiêu một lúc và bắt tôi phải hứa một điều. Nếu gặp bố mẹ cô thì tôi phải nói dối. Tôi đồng ý sẽ nói dối. G. bắt tôi thề không được tiết lộ, tôi cũng thề. Không phải là nói dối tôi và G. không có quan hệ, nói dối là tôi sẽ mang trầu cau gì đó, thong thả chọn ngày lành trong tương lai v.v… Tôi phải nói dối là tuần trước, vào chủ nhật có kỳ bầu cử Quốc hội, G. đã không nằm lì ra mà ngủ nướng ở nhà và có dậy sớm thi hành bổn phận công dân là đi bỏ phiếu.

Ở Thuỵ Điển, tinh thần công dân được thể hiện thứ nhất là đóng thuế. Thủa chưa có mạng, bạn có thể đến cơ quan nhà nước xem là mỗi cá nhân ông A hàng xóm, bà B đồng nghiệp đóng là bao nhiêu. Nếu ông A đóng nhiều hơn bạn thì bạn buồn nỗi buồn lép vế và ông A đương nhiên hãnh diện. Bà B thua kém cái phần đóng góp với xã hội thì bà B gầm mặt trong bàn giấy, nhất định là sang năm cho mày biết tao sẽ đóng nhiều hơn. Thể hiện thứ nhì, là đi bỏ phiếu, khiến cô bạn của tôi mặt mày tái mét, sợ bố mẹ biết là cô là một công dân xấu chứ không phải là vì như tôi nghĩ, biết cô mang trai về nhà để nó nằm gác chân lên bàn ngủ. Thuỵ Điển rạch ròi, ái tình lăng nhăng là chuyện riêng của từng người, bỏ phiếu là chuyện của xã hội vì nếu không đi bỏ phiếu thì lấy ai làm đại biểu, thủ tướng, chẳng lẽ lại có Đảng nào ở đâu đề cử hộ mình và gánh hộ bổn phận của người dân ?

Thành ra, mỗi nơi một tục, và xứ nào của nấy. Ta có những bức xúc cô dâu Việt thì có những bức xúc cử tri Việt. Lần chót mà tôi trao đổi, L. vẫn chưa lăng nhục được đất nước, cô vẫn chưa có chồng, nói gì Đài Loan. Khách ở chỗ hớt tóc cô làm thì đều đã có vợ và là vợ lười nên mới phải nhờ cô gội đầu. Còn anh thợ hớt làm chung một tiệm thì mỗi lần anh tán tỉnh, cô chỉ cần nhìn anh gãi cái mụt ruồi bằng móng ngón tay út để dài là cô đã phản cảm, và như thế L. vẫn còn độc thân.

Đỗ Kh.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss