Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Mừng anh Lê Thành Khôi 90 tuổi

Mừng anh Lê Thành Khôi 90 tuổi

- Nguyễn Tùng — published 16/01/2013 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

Mừng anh Lê Thành Khôi 90 tuổi


Nguyễn Tùng


Thời xưa ở nhiều làng Việt Nam, đàn ông khi đến tuổi 49 (tức là lắm khi chỉ khoảng 47 « tuổi tây », nếu sinh vào cuối năm âm lịch!) thì được quyền « lên lão » với điều kiện là phải khao vọng tốn kém (lắm khi đến mức bị nợ nần) để khỏi đi tuần và làm phu phen, tạp dịch… Sống đến 60 thì đã xem là « thượng thọ ». Và đúng như thi hào Đỗ Phủ đã từng nói : « nhân sinh thất thập cổ lai hy », sống đến tuổi 70 là chuyện hiếm có ! Cho dù hiện nay tuổi thọ của cả nhân loại tăng nhanh và ngày càng nhiều người vượt qua giới hạn 100 tuổi (nhân sinh bách tuế vi kỳ), sự kiện anh Lê Thành Khôi sẽ được đúng chín mươi tuổi vào ngày 3.5 sắp tới, đối với nhiều bằng hữu của anh, là đáng chào mừng. Để đánh dấu sự kiện này, ban biên tập Diễn Đàn đã quyết định đăng lại một số bài trích từ cuốn Từ Đông sang Tây1 mà tôi đã tham gia thực hiện để vinh danh anh Khôi. Nhân dịp này, ban biên tập cũng nhờ tôi giới thiệu anh và cuốn sách nói trên.


Vài nét về anh Lê Thành Khôi


LTK

Sinh ra trong một gia đình sĩ phu có truyền thống Nho giáo và Phật giáo, anh Khôi đã theo học chương trình cổ điển Pháp ở lycée Albert Sarrault (Hà Nội). Sang Pháp năm 1947, anh đã học luật, kinh tế học ở Den Haag (Hà Lan), « văn » (lettres) ở Sorbonne (Paris), tiếng Việt và tiếng Trung Quốc ở Trường ngôn ngữ Ðông Phương (Paris). Chính nhờ thế mà không những anh đã sớm thấm nhuần sâu sắc cả hai nền văn hoá Ðông Tây, mà còn có được một sự đào tạo đa ngành rất vững chắc. Năm 1968, anh bảo vệ luận án tiến sĩ quốc gia ở Sorbonne, được xuất bản với tên sách là L’industrie de l’enseignement2 [Công nghệ giáo dục]. Sau đó, anh được bầu làm giáo sư trường đại học Renée Descartes (Paris V).

Do từng làm tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế3, anh Khôi đã từng đi nghiên cứu, giảng dạy ở hơn 40 nước trên thế giới. Anh đã xuất bản 42 cuốn sách về rất nhiều lãnh vực (giáo dục, lịch sử, văn hoá, văn học, mỹ học, kinh tế...), như Le Việt Nam, histoire et civilisation [Việt Nam, lịch sử và văn hoá] (1955), L’économie de l’Asie du Sud-Est [Kinh tế Đông Nam Á] (1958), L’histoire de l’Asie du Sud-Est [Lịch sử Đông Nam Á], Il Sud-Est asiatico contemporaneo [Đông Nam Á đương đại], La pierre d’amour [Khối tình] (1959), L’éducation comparée [Giáo dục so sánh] (1981), Histoire du Việt Nam des origines à 1858 [Lịch sử Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1858 ] (1982), l’éducation : cultures et sociétés [Giáo dục : văn hoá và xã hội] (1991), Culture, créativité et développement (1992)... Trong số các tác phẩm của anh, có lẽ cuốn Le Viêt Nam, histoire et civilisation, do Minuit xuất bản năm 1955, đã có ảnh hưởng lớn nhất, đặc biệt về mặt chính trị: trong khoảng hai thập niên, quyển sách này đã đem lại cho nhiều trí thức, sinh viên và ngay cả chính giới phương Tây, đặc biệt ở Pháp và ở Mỹ, các dữ kiện và nhận định chính xác và nghiêm túc về lịch sử và văn hoá Việt Nam.

Ngoài ra anh còn là tác giả của hàng mấy trăm bài viết đăng trên các báo và các tạp chí khoa học quốc tế như Le Monde, La Pensée, Critique, Synthèses, Eastern World, Tiers-Monde, Communità, Revue économique, Le Courrier de l’Unesco, Revue internationale des Sciences sociales, Comparative Education Review...

Ðiều đáng ngạc nhiên là sau ngày về hưu, anh Khôi vẫn không ngừng viết và xuất bản sách, thậm chí còn nhiều và còn đa dạng hơn trước đó: Culture, créativité et développement [Văn hoá, sáng tạo và phát triển] (1982), Education et civilisation, I. Société d’hier [Giáo dục và văn minh, I. Xã hội ngày xưa] (1995), Aigrettes sur la rizière - chants et poèmes classiques du Viêt Nam [Cò bay trên đồng ruộng, ca dao và thơ cổ điển Việt Nam] (1995), Un désir de beauté [Ham muốn cái đẹp] (2000), Éducation et civilisation, II : Genèse du monde contemporain [Giáo dục và văn hoá, II. Sự hình thành của thế giới đương đại] (2001), Voyage dans les cultures du Viêt Nam [Du hành trong các nền văn hoá Việt Nam] (2001), Cinquante poèmes des Tang [Năm mươi bài thơ Đường] (2004), Quelques pas au sud des nuages [Vài bước ở Vân Nam] (2005), Histoire et anthologie de la littérature viêtnamienne des origines à nos jours [Lịch sử và tuyển tập văn học Việt Nam từ khởi nguyên đến ngày nay] (2009) …

Trong những lần về thăm đất nước, anh đã bày tỏ với các cơ quan nhà nưóc có thẩm quyền ý muốn tặng cho một viện bảo tàng ở Hà Nội khoảng 800 hiện vật mỹ thuật quý giá mà anh đã dày công sưu tầm ở Pháp và trong các chuyến công tác ở nhiều nước châu Á, châu Phi . Rất tiếc là cho đến nay, dự định đẹp đẽ này dường như vẫn chưa thực hiện được.

Ngoài sự tâm phục đối với sự nghiệp nghiên cứu và trước tác đồ sộ của anh, nhiều người cũng rất quý trọng nhân cách cao quý của anh : sống trong một giai đoạn khốc liệt và nhiều xáo trộn của  lịch sử Việt Nam, anh Khôi là  một nhà trí thức dấn thân  với một lập trường  chính trị tiến bộ rõ ràng và kiên định nhưng bao giờ cũng mực thước, ôn hoà. 


Về cuốn Từ Đông sang Tây


Ở phương Tây, nhất là ở Pháp, trong giới đại học có tập tục rất đẹp sau đây : để bày tỏ sự cảm phục và sự quý trọng đối với một vị giáo sư và đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu kiệt xuất, đôi khi các đồng nghiệp, môn đệ và bằng hữu của ông cùng nhau thực hiện một cuốn sách để tặng ông. Ở Pháp, một cuốn sách như thế thường được gọi là « mélanges » (tạp văn) vì gồm những bài viết - chủ yếu có tính cách nghiên cứu hơn là ca ngợi - rất đa dạng (lắm khi có cả thi ca) về các chuyên đề vốn được vị giáo sư đặc biệt quan tâm.

Cách đây hơn ba mươi năm, ở Pháp vài người bạn và tôi đã có ý định thực hiện một cuốn « mélanges » như thế để tặng bác Hoàng Xuân Hãn. Rất tiếc là chuyện đó đã không thành, nhưng nó cũng đã giúp chúng tôi rút ra được vài kinh nghiệm có ích cho việc thực hiện cuốn sách tặng anh Khôi. Chính nhờ thế mà chỉ trong vòng một năm sau khi gửi thư đề nghị, cuốn Từ Đông sang Tây đã ra mắt bạn đọc, với sự tham gia của gần ba mươi tác giả trong số đó đặc biệt có năm nhà nghiên cứu, văn hoá nổi tiếng ở trong nước (Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Đình Diệu và Phan Huy Lê) và bảy nhà nghiên cứu người nước ngoài (Mỹ : John Balaban ; Pháp : Pierre Brocheux, Georges Condominas, Charles Fourniau, Daniel Hémery, Philippe Langlet và Alain Ruscio).

DL

Khi đặt tên sách là Từ Đông sang Tây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự tổng hợp hài hoà hai nền văn hoá Đông Tây ở nơi anh.

Do anh Lê Thành Khôi quan tâm đến nhiều lãnh vực, tập sách được chia thành 4 phần :

I. Phần I (sử học) gồm các bài :

- Phan Huy Lê : Vài ấn tượng về Giáo sư Lê Thành Khôi, nhà sử học và văn hoá lớn của đất nước

- Charles Fourniau, Vị trí quan trọng của tác phẩm Lê Thành Khôi trong việc nghiên cứu thời kỳ thuộc địa ở Việt Nam của một sử gia Pháp (do Bửu Ý dịch từ tiếng Pháp)

- Alain Russio, 1947 : Người Pháp, Việt Nam và Lê Thành Khôi (do Nguyễn Ngọc Giao dịch từ tiếng Pháp)

- Trịnh văn Thảo, Đôi nét về đoạn đường đi vào dân tộc. Trao đổi với Giáo sư Lê Thành Khôi

- Pierre Brocheux, Quản lý tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam thời thuộc địa và hậu thuộc địa : kế tục hay đứt đoạn ? (do Nguyễn Ngọc Giao dịch từ tiếng Pháp)

- Daniel Hemery, Sài Gòn thập niên 1930 : « La Lutte » (1933-1937), tờ báo chiến đấu (do Nguyễn Ngọc Giao dịch từ tiếng Pháp)

- Philippe Langlet, Nho giáo có tính tôn giáo không ? (do Bửu Ý dịch từ tiếng Pháp)

-Vĩnh Sính, Thử tìm hiểu ý nghĩa tác phẩm « Pháp việt liên hợp » của Phan Châu Trinh

- Nguyên Ngọc, Quảng Nam, đôi suy nghĩ về một bước đi độc đáo trên hành trình dân tộc


II. Phần II (ngôn ngữ, văn học) :

- Nguyễn Tài Cẩn, Xin trở lại vấn đề Song Viết

- Nguyễn Phú Phong, Quốc ngữ trong chương trình tiểu học thời Pháp thuộc

- Nguyễn Huệ Chi, Trần Tung - người thầy của phái Trúc lâm Yên tử, một gương mặt lạ trong làng thơ thiền thời Lý-Trần

- John Balaban, Hồ Xuân Hương (do Ngô Trung Việt dịch từ tiếng Anh)

- Đào Hữu Dũng, Dòng nhật ký và tùy bút trong văn học Nhật Bản

III. Phần III (kinh tế học):

-Vũ Quang Việt, Khái quát về lịch sử phát triển kinh tế thế giới: những yếu tố kìm hãm và thúc đẩy phát triển

-Lê Thị Nam Trân, Viện trợ công của nước ngoài cho việc phát triển đô thị Hà Nội : đánh giá và đề nghị (do Đào Hùng dịch từ tiếng Pháp)

-Trần Văn Thọ, Du nhập, chuyển giao công nghệ và năng lực xã hội : vài khảo sát về kinh nghiệm ở Đông Á

-Trần Hữu Dũng, Văn hoá và toàn cầu hoá : vài phân tích kinh tế

-Trần Hải Hạc, Chuyển sang kinh tế thị trường và chuyên chế chính trị : đọc lại học thuyết trọng nông


IV. Phần IV (các nghành khoa học xã hội khác) :

-Trần Văn Khê, Căn bịnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam

-Phan Đình Diệu, « Khoa học mới » và vài suy nghĩ về kinh tế, xã hội

-Bùi Văn Nam Sơn, Tương lai của khai sáng

-Nguyễn Tùng, Đo lường ở Việt Nam

-Cao Huy Thuần, Sức mạnh và tính chính đáng

-Georges Condominas, Một khía cạnh của sự nghiệp trước thuật của Lê Thành Khôi.

Ngoài ra còn có tranh của Hồng Anh (tức chị Lê Thành Khôi), Lê Bá Đảng và Phạm Ngọc Tuấn ; thư pháp của Thích Thiện Niệm. Nhân tiện đây, tôi xin nhắc đến vai trò quan trọng của anh Nguyễn Chí Thành : không những tham gia đọc lại hầu hết các bài, anh còn đảm nhận toàn bộ khâu kỹ thuật.

Vì hầu hết các bài đều có tính cách nghiên cứu nên khó giới thiệu qua vài câu, chúng tôi chỉ xin trích vài nhận định về sự nghiệp trước tác và nhân cách của anh Khôi.

Trong một chứng từ ngắn, nhà dân tộc học Pháp Georges Condominas, chuyên gia nổi tiếng về người Mơ Nông, đã tâm sự : "Cũng như nhiều người nghiên cứu Việt Nam, tôi đã sử dụng, trong gần ba mươi năm, quyển Le Việt-Nam, histoire et civilisation của Lê Thành Khôi do Editions de Minuit xuất bản năm 1955. Nhưng sau đó tôi gần như hoàn toàn lệ thuộc vào kiệt tác của anh mà nhiều người đã ca ngợi: L’histoire du Việt-Nam des origines à 1858 do Sud-Est Asie xuất bản năm 1982. » Ca ngợi Lê Thành Khôi-nhà thơ-nhà văn, ông nói đến « nỗi xúc động » của ông « khi đọc – và mỗi lần đọc lại - cuốn La pierre d’amour [Khối tình] do lối tự sự tinh tế của nó : luôn luôn gắn liền các nhân vật và tình cảm, tín ngưỡng của họ với thiên nhiên (muông thú, cây cỏ, khoáng vật…). Ở Lê Thành Khôi, tôi tìm thấy một phẩm chất mà ít nhà bác học có được : đó là sự nhạy cảm vô cùng tinh tế với chất thơ, hiện rõ trong tất cả các truyện của tác phẩm này »

Còn sử gia Pháp Charles Fourniau thì nghĩ rằng hai cuốn sử Việt Nam của GS Lê Thành Khôi đã có ảnh hưởng quan trọng đến việc nghiên cứu của ông về thời kỳ thuộc địa ở Việt Nam. Theo ông, "Lê Thành Khôi không chỉ  thuần tuý là nhà sử học theo nghĩa hẹp. Ông có cái nhìn  về Việt Nam của một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, dịch giả, tóm lại của một nhà nho trong ý nghĩa cao đẹp nhất của  từ này ở Việt Nam thời xưa." 

Nhìn từ Việt Nam, GS Phan Huy Lê nhận định : « Giáo sư Lê Thành Khôi là một nhà sử học, một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực, một nhà văn hoá lớn của đất nước. Những công trình nghiên cứu của anh vừa mang tính chuyên ngành sâu, vừa mang tính liên ngành cao. Trong 60 năm sống trên đất Paris, thủ đô nước Pháp, anh tiếp thu được biết bao nhiêu kiến thức hiện đại tại một trung tâm sôi động của văn minh phương Tây, nhưng trước sau anh vẫn là một con người Việt Nam với tấm lòng luôn luôn hướng về Việt Nam,với tâm hồn và phong cách thấm đượm cốt cách Việt Nam kết hợp với những giá trị văn hoá - khoa học Đông – Tây ».

Ngay sau khi được phát hành và bày bán tại các nhà sách lớn ở Việt Nam vào cuối tháng 7. 2005, cuốn Từ Đông sang Tây đã gây ngay tiếng vang. Nó được giới thiệu trang trọng trong chương trình truyền hình Mỗi ngày một quyển sách của đài VTV1 và trên các báo giấy và báo mạng : Thể Thao Văn Hóa, Văn Nghệ, Talawas, Lao Động, Tuổi Trẻ Online, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Diễn Đàn-Forum, Người Viễn Xứ, Xưa và Nay, Văn Nghệ... Chương trình phát thanh tiếng Việt của các đài BBCRFI cũng đã có giới thiệu.

Trong thư cảm ơn những người đã tham gia thực hiện cuốn Từ Đông sang Tây, anh Khôi viết : « Sách hay và đẹp nhưng không đẹp bằng tấm lòng ! »

Mừng anh Khôi 90 tuổi, tuy hơi « nhà quê » và cổ lổ sĩ một chút (nhưng chân thành !), xin chúc anh chị « vạn niên giai lão ! »

Nguyễn Tùng 

     

1 Do Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc và Vĩnh Sính chủ biên và do nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2005, 464 trang khổ lớn. Xem hai chứng từ về Lê Thành Khôi trong số báo Xuân này.

2 Do Éditions de Minuit xuất bản năm 1967.

3 Như UNESCO, ILO (Phòng quốc tế lao động, Genève), Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP)…

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss