Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nguyễn Khánh Hội, "camarade Hugues"

Nguyễn Khánh Hội, "camarade Hugues"

- Nguyễn Ngọc Giao — published 02/03/2012 18:51, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22




Nguyễn Khánh Hội, "camarade Hugues"



Nguyễn Ngọc Giao



Tại đám tang anh Nguyễn Khánh Hội ngày 23.2.2012 ở Đài hỏa táng Mont Valérien (Nanterre), bạn bè thầm hỏi nhau : "Hội mất đi, không biết các hồ sơ lưu trữ Hồi ức Việt Nam rồi sẽ ra sao ?". Hồi ức Việt Nam (Vietnam Mémoires) là một hội do anh chủ xướng, với sự bảo trợ của nhiều nhân sĩ Pháp như Raymond Aubrac, Laurent Schwartz..., có mục đích là sưu tập, ghi chép chứng từ của những người Việt Nam, hay có liên quan tới lịch sử Việt Nam hiện đại. Đó là một công việc hữu ích, nhưng vượt quá khả năng của một vài người, bất kể thiện chí, và đòi hỏi có chuyên môn, bảo quản, và thời gian. Theo tôi hiểu, thì đến nay, cũng chưa ai lập được danh sách "kho báu" mà anh Nguyễn Khánh Hội đã sưu tập được suốt hai thập niên vừa qua. Rất mong rằng người thân và bạn bè của anh sẽ tiếp tục được sự nghiệp này và nhất là tìm ra một giải pháp lâu dài cho việc bảo quản và tham khảo kho lưu trữ quý báu này.

hoi

Anh Hội mất đi, mà nói tới "kho báu" này, rất có thể gây ra hiểu lầm về ý đồ người viết. Sự thật, tôi chỉ muốn dẫn tới nhận xét rất ý vị của Dominique Foulon, biên tập viên nguyệt san Carnets du Vietnam, cũng là người bạn chiến đấu, tuy hậu sinh, của anh. Có lần Dominique nói với anh Hội : "Nhờ Vietnam Mémoires, hậu thế sẽ biết đến nhiều người Việt Nam, nhưng vẫn không biết gì về Nguyễn Khánh Hội cả !". Cười xòa, anh chỉ nói : "Để sau, để sau...".

Thế là anh ra đi, không để lại chứng từ về cuộc đời tám chục năm của mình cho Vietnam Mémoires. Hoạt động của anh trong tổ chức trốt-kít mà anh tham gia trong suốt 60 năm, với bí danh "camarade Hugues", chắc các đồng chí của anh trong LCR (Liên đoàn Cộng sản Cách mạng, nay trở thành NPA, Đảng mới chống chủ nghĩa tư bản) còn chưa muốn tiết lộ.

Viết mấy dòng này để tưởng nhớ người đã khuất, tôi chỉ có thể dựa vào những thông tin hiếm hoi do gia đình và nhà báo Dominique Foulon (1) cung cấp.

Nguyễn Khánh Hội sinh ngày 21.7.1931 tại Sài Gòn, trong một gia đình thanh bạch. Theo anh kể, thì nhà anh không xa trụ sở báo La Lutte (Tranh Đấu), ở đường La Grandière (tức là đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng). Một người chú của anh tham gia tờ báo này, một thử nghiệm độc đáo, có một không hai trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế : hợp tác giữa những người "đệ tam" (Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai..) và "đệ tứ" (Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm...).

Không biết cậu thiếu niên Nguyễn Khánh Hội đã sống những ngày sôi động 1945 ra sao, chỉ biết năm 1948, ở tuổi 17, anh được gia đình gửi sang Pháp du học. Thời ấy, cho đến đầu những năm 1950, sinh viên phải đi tàu thủy cả tháng trời mới cặp bến Marseille. 1947-48 là thời điểm phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn bị đàn áp mạnh mẽ. Đợt sau, năm 1950-51, với vụ "trò Ơn", còn nặng hơn. Sau mỗi đợt đàn áp như vậy, những gia đình có khả năng đều tìm cách gửi con sang Pháp. Đó cũng là nguồn phát triển của phong trào học sinh sinh viên Việt Nam tại Pháp, tiếp sức với phong trào công nhân, thủy thủ thành hình từ năm 1944 với hàng ngàn "lính thợ" (ONS).

cc
"Phòng Trung Hoa" trong một kĩ viện Paris (nguồn : internet).

Khi vui miệng kể lại thời kỳ này, anh Hội không quên nói tới căn phòng sinh viên đầu tiên của anh ở Paris, gần quảng trường La Bastille. Thời đó, nước Pháp vừa ra khỏi cuộc chiến tranh. Tuy Paris không bị tàn phá, nhưng không có đủ phòng cho sinh viên "lục tỉnh" và tứ xứ. Cũng với những bạn sinh viên "Đông Dương" (năm ấy, hầu như không mấy người Pháp biết đến hai tiếng Việt Nam), Hội được xếp ở trong những nhà cư trú khá đặc biệt. Họ không khỏi ngạc nhiên thấy các căn phòng dành cho sinh viên lại được trang trí khá cầu kỳ, phòng nào trên trần cũng là những tấm gương. Có người được xếp trong một căn phòng bốn bề màu đen, nằm giữa những roi, còng, dây da, ngủ mơ trong khung cảnh Liêu Trai. Phải một thời gian, các cậu thư sinh trong trắng mới biết cư xá của họ, mâý năm về trước, còn là những "kĩ viện", nôm na là nhà chứa, đã bị đóng cửa từ ngày quốc hội thông qua đạo luật Marthe Richard ! (căn phòng đặc biệt kia dành cho những khách làng chơi quen thói "khổ dâm").

Trong những năm người Pháp phải sống bằng "tem phiếu", Hội xoay sở bằng cách tới khu Marais mua bật lửa, đồng hồ Mỹ để bán chui trên đường phố, làm mặt "nhà quê" lớ ngớ để lên xe buýt mà không mua vé.

Tôi không có dịp hỏi anh học hành ra sao. Chỉ biết khi gặp anh lần đầu, vào khoảng năm 1964, anh có cho tôi một tấm danh thiếp, mới biết anh là giám đốc thương mãi chi nhánh IBM ở Pháp (anh sẽ tiếp tục làm việc công ti này trong những năm chiến tranh chống Mĩ, ngày đi làm IBM, tối hoạt động trong các "Ủy ban Việt Nam" và FSI / Mặt trận Đoàn kết với Đông Dương).

Nguyễn Khánh Hội tham gia sinh hoạt chính trị ở Pháp rất sớm. Ngay từ khi đặt chân tới cảng Marseille, anh được một ông chú ONS đưa vào thăm trại lính thợ ở vùng này. Lên Paris, anh gặp nhóm trốt-kít (Đặng Văn Long, Hoàng Khoa Khôi, Nguyễn Văn Liên...) và gia nhập Tổ chức Đệ tứ quốc tế. Nhóm người Việt trong Đệ tứ thời đó còn khá mạnh : theo D. Foulon, họ có 450 đảng viên đóng nguyệt liễm, gần gấp đôi số đảng viên người Pháp ! Trừ một vài trí thức như Nguyễn Được (sau này về Sài Gòn), Hoàng Đôn Trí... hầu hết các thành viên là lính thợ, hơn anh Hội khoảng 10 tuổi. Các anh Đặng Văn Long, Hoàng Khoa Khôi... đã lần lượt ra đi, Nguyễn Khánh Hội gần như là người cuối cùng của nhóm trốt-kít Việt Nam tại Pháp những năm 50.

tre

Hoạt động về Việt Nam của nhóm này, có thể tìm đọc trong cuốn sách của Đặng Văn Long và những bài viết của Hoàng Khoa Khôi. Điều ít được biết là hoạt động của các anh để ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Algérie. Tháng 4 năm 1954, Đệ tứ quốc tế bỏ ra 2 triệu Franc thành lập nhà in Typo-Lino Service (phố Vide Gousset, quận 2, Paris), Nguyễn Khánh Hội được cử làm quản lí. Nhà in này sẽ tích cực yểm trợ cuộc đấu tranh bí mật của Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN) Algérie. Hội kể cho D. Foulon : "Ban ngày thì chúng tôi in báo, in những tài liệu "truyền bá niềm tin" (2), ban đêm thì làm thêm giờ, in giấy tờ giả mạo cho các bạn Algérie, in truyền đơn, báo chí mà họ phát hành trong cuộc đấu tranh bí mật. Chúng tôi không phải là những người duy nhất làm công việc này, nhưng công an (Pháp) không hề phát hiện ra chúng tôi cả, vì vậy mà Hervé Hamon và Patrick Rotman không kể tên nhà in của chúng tôi trong cuốn Les porteurs de valises (3) của họ. Khác với nhóm của Pablo (4), chúng tôi không in tiền giả !".

Trong những năm 60 và 70, song song với tờ Quan Sát của nhóm trốt-kít Việt Nam do các anh Hoàng Khoa Khôi và Đặng Văn Long đứng tên, Nguyễn Khánh Hội xuất bản tạp chí Trường Sơn, một dạng thức biến tướng. Sau năm 1975, anh tham gia nhiều hội đoàn, như Hội Khoa học Xã hội (trong Hội người Việt Nam tại Pháp), Hội tin học, Vietnam Les enfants de la Dioxine, AREPCO (Hội những chuyên gia về hưu) và đóng góp vào những dự án giúp Việt Nam (nạn nhân chiến tranh, người nghèo, sách báo). Anh là người quảng giao, sẵn sàng giúp đỡ những anh chị em ở trong nước qua, mặc dầu trong những năm gần đây, sức khỏe của anh đã suy yếu nhiều, không đi xa được, luôn luôn phải có máy hỗ trợ hô hấp đi kèm.

Nguyễn Khánh Hội từ trần ngày 16.2.2012, một thời gian ngắn sau khi bác sĩ chẩn bệnh ung thư túi mật, thọ 80 tuổi.

N. N. G.







(1) Dominique Foulon : "Nguyên Khanh Hôi, camarade Hugues, un "Lutteur", Hôi mon tonton vietnamien" (điếu văn đọc tại đài hỏa táng Mont Valérien, Nanterre, ngày 23.2.2012).

(2) "Propagation de la Foi" : rao giảng lòng tin (ngôn ngữ Công giáo), không rõ nhà in này có in tài liệu Công giáo, hay đây là cách nói đùa để gọi tài liệu tuyên truyền của Đệ tứ quốc tế.

(3) Những người mang va li : chỉ những người (Pháp) giúp các chiến sĩ Algérie ở Pháp, mang tiền nong, tài liệu của FLN, để tránh sự truy lùng của công an và mật thám Pháp.

(4) Michel Pablo, tên thật là Michalis N. Raptis (1911-1996), người Hi Lạp, lãnh tụ (một xu hướng) trốt-kít. Chủ trương về danh nghĩa thì duy trì Đệ tứ quốc tế, nhưng thực chất thì đưa người vào "nằm vùng" (entrisme) trong các đảng cộng sản hay dân chủ xã hội Tây Âu. Dùng những biện pháp mạnh mẽ, nhân danh "dân chủ tập trung", để áp đặt đường lối của mình lên các nhóm đệ tứ, Pablo gặp sự phản đối quyết liệt và bị khai trừ khỏi Quốc tế đệ tứ. Pablo chuyển hướng hoạt động từ Tây Âu sang Thế giới thứ ba. Trong thời kì chiến tranh Algérie, ông in bạc giả giúp mặt trận FLN và bị kết án tù 15 tháng ở Hà Lan.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss