Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nhân đám tang bà Renée Nguyễn Mạnh Hà

Nhân đám tang bà Renée Nguyễn Mạnh Hà

- Bùi Trọng Liễu — published 08/05/2007 15:16, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Thông qua mối quan hệ giữa gia đình ông bà Nguyễn Mạnh Hà và gia đình tác giả, hồi tưởng về một thời kì lịch sử.


Tưởng niệm ông bà Nguyễn Mạnh Hà

Thuở ấy

Bùi Trọng Liễu



Trong bài này, tôi kể lại quan hệ giữa gia đình ông Nguyễn Mạnh Hà và gia đình tôi, mục đích không phải là viết về chuyện riêng tư, mà mong rằng qua một số sự việc, góp phần làm sáng tỏ thêm một giai đoạn của lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, tôi viết theo trí nhớ lời kể của bố mẹ tôi và của ông bà Hà, cộng với những điều chính tôi được thấy. Nếu có chỗ nào khiếm khuyết hay đôi chút lầm lẫn, thì không do chủ ý, và tôi mong được sự thông cảm và khoan dung của người đọc. Một phần nội dung đã được kể trong cuốn sách của tôi Chuyện gia đình và ngoài đời, tái bản dưới đầu đề  Tự sự của người xa quê hương, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, nhưng cuốn sách in ra chủ yếu để biếu tặng, nên ít ai biết.

Ông ngoại tôi, thuở đầu lúc mới ra làm quan, có lúc làm giáo thụ ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, rồi làm tri huyện Kim Sơn, cũng thuộc tỉnh Ninh Bình. Làng Nhuận Ốc quê bố tôi (tên gọi thuở xưa), thuộc huyện Yên Khánh. Ông nội tôi, tuy có đi thi Hán học nhưng chỉ vào được đến « nhị trường », vốn là « phú » nông, nhưng lại muốn làm dâu gia với nhà quan. Thời đó, do việc trên huyện, trên tỉnh, hai ông nội ngoại tôi đều quen một người, gọi là cụ ký Năng, họ Nguyễn, lúc đó làm chức thông ngôn (phiên dịch), mà thời đó chức thông ngôn lại quan trọng vì quan lại Nam triều phần đông không biết tiếng Pháp. Do tình cờ quen biết, mà cụ ký Năng làm mối giao ước đôi bên. (Thuở ấy, hôn nhân đều qua việc làm mối, chưa có tự do yêu đương như thời nay). Lúc đó bố mẹ tôi đều còn nhỏ tuổi. Bố tôi kể là khi được gọi lại gặp mặt, còn thấy mẹ tôi đang ngậm kẹo mạch nha. Trong đám các anh em bố tôi còn đang trọ học ở tỉnh lỵ Ninh Bình thuở đó, cũng không hiểu sao mà cụ ký Năng lại có cảm tình riêng với bố tôi mà từ đó cụ coi như một người con nuôi, và gửi gắm việc gia đình sau này. Mẹ tôi thì kể lại là ông ngoại tôi, gặp buổi giao thời, cũng ngán chuyện lố lăng đương thời, nên thuận gả con gái nhớn cho con nhà nông (hay là cũng đã nhận xét thấy ở bố tôi, lúc đó còn nhỏ, một vài cá tính nào đó ?). Hai nhà giao ước với nhau, nhưng đến năm mẹ tôi 14 tuổi, và bố tôi 16 tuổi, mới cưới. Nhưng cũng là cưới hình thức, cưới xong thì mẹ tôi vẫn ở nhà ông bà ngoại, và bố tôi lại về đi học, cho mãi năm mẹ tôi 18 tuổi mới thực sự chung sống. Cuộc sống của bố mẹ gắn liền kể từ ngày ấy.

Cụ ký Năng và cụ bà là người Công giáo, rất mộ đạo, quê ở Hưng Yên. Kỷ niệm mà thuở nhỏ tôi giữ về hai cụ là cái bánh « cake » mà hai cụ thường gửi cho gia đình, cái bánh quá « tây » mà lúc đó tôi chưa biết ăn, khác thời sau này sang Pháp. Hai cụ có người con duy nhất là ông Mai, sang Pháp du học đỗ bác sĩ y khoa, cho nên gọi là ông đốc Mai – « đốc » đây là « đốc tờ » (docteur) theo kiểu gọi nửa đầu thế kỉ 20. Hai cụ coi bố tôi như con, ông Mai cũng quí bố tôi coi như là em, tuy bố tôi không phải là người Công giáo. Thuở trẻ, hai cụ có cưới cho ông Mai một người vợ ở quê, nhưng ông không thuận ; các cụ là người ngoan đạo, không cho bỏ, cho nên trong gia đình có sự bất hoà. Trong đại chiến thế giới lần thứ nhất 1914-1918, ông Mai bỏ đi đầu quân sang Pháp, bị quân Đức bỏ khí độc, trúng bệnh về Việt Nam ít lâu thì chết. Trước khi chết, có điện cho bố tôi từ địa phương lên Hà Nội gặp để gửi gắm việc gia đình.

Cũng xin kể thêm « dây mơ rễ má » linh tinh bên lề, cũng là một cách ghi lại một số sự việc của một thời đã qua : Như đã nói trên, hai cụ ký Năng không chấp thuận việc ông Mai ly dị bà vợ ở quê, nhưng ông vẫn bỏ, và cưới một bà vợ khác, là con ông Hoàng Trọng Phu, thời đó gọi là cụ Võ, vì ông Hoàng Trọng Phu được phong là Võ Hiển điện đại học sĩ, làm tổng đốc Hà Đông trong 30 năm, lại là con thứ của ông Hoàng Cao Khải, kinh lược Bắc Kỳ khoảng những năm 1889, tước Diên Mậu quận công, trước kia giúp Pháp dẹp phong trào Cần vương. (Xin xem thêm chi tiết về gia đình họ Hoàng và quan hệ thông gia với họ hàng ông Phan Đình Phùng trong mấy bài báo « Cố Điện » của ông Hoàng Xuân Hãn đăng trong báo Diễn Đàn số 28,29,30 (1994) : vợ cả ông Hoàng Cao Khải là chị con bác ông Phan Đình Phùng, vợ cả ông Hoàng Trọng Phu ở quê là con em giai ông Phan Đình Phùng, lại là người cùng quê, nhưng vì « việc nước », họ đã đi hai con đường khác nhau, mà sử còn ghi ... )

Trở lại chuyện ông Mai : ông lấy bà con gái ông Hoàng Trọng Phu, nhưng chỉ ít lâu hai ông bà bỏ nhau. Rồi một lần ông Mai « đi xa » về, mang theo một người con giai nhỏ, người con duy nhất của ông, để lại cho hai cụ ký Năng. Người con trai đó là ông Nguyễn Mạnh Hà. Ông Hà đi Pháp học, đỗ tiến sĩ luật, lấy vợ Pháp là con gái ông nghị sĩ cộng sản Marrane. Sau này, ông Hà kể lại với tôi rằng: khi ông ở Pháp về, Thống sứ Bắc Kỳ là Chatel , vốn là bạn cũ của ông Mai, hỏi ông muốn làm việc ở đâu, và chiểu theo nguyện vọng của ông, bổ ông làm thanh tra lao động ở Hải Phòng. Khi về Việt Nam, bà Hà thời đó có tiếng là người cháu thảo đối với hai cụ ký Năng, nói tiếng Việt Nam thạo và theo phong tục lễ nghi Việt Nam. Bà kể có một lần bà đang ngồi nhổ cỏ ở quê, thì cụ Vi Văn Định lúc ấy còn đang là tổng đốc Thái Bình, tình cờ đến thăm cụ ký Năng, đã ngạc nhiên sao lại có « bà đầm » ngồi nhổ cỏ.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1945-46, cụ Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết dân tộc, không câu nệ quá khứ, cho nên mới có việc mời cựu hoàng Bảo Đại làm cố vấn tối cao, mời sự cộng tác của cựu thượng thư Bùi Bằng Đoàn, cựu ngự tiền văn phòng tổng lý Phạm Khắc Hoè, cựu khâm sai Phan Kế Toại, cựu tổng đốc Hồ Đắc Điềm và là rể của Hoàng Trọng Phu, của cựu bộ trưởng Phan Anh của chính phủ Trần Trọng Kim, của con rể và cháu rể của cựu tổng đốc An Phước Nam Vi Văn Định là tiến sĩ  Nguyễn Văn Huyên, bác sĩ Hồ Đắc Di và bác sĩ Tôn Thất Tùng, vv. Lúc ấy ông Hà được cử làm bộ trưởng kinh tế của Chính phủ Lâm thời thành lập ngày 23/8/1945 do cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch kiêm bộ trưởng ngoại giao. Ông Hà kể là thuở ấy, các bộ trưởng của chính phủ đầu tiên này của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà làm việc không có lương, ai có phương tiện thì tự xoay sở, ai thiếu thì được trao cho một số tiền để sống. Thời đó, chính phủ rất gần người thường dân, ít nhất là ở Hà Nội, ai xin gặp nhà cầm quyền cũng dễ, không như sau này. Nhà ông bà Hà ở gần Bắc Bộ phủ (lúc đó dùng làm phủ Chủ tịch Chính phủ), cụ Hồ thỉnh thoảng lại thăm. Ông bà nhắc lại câu chuyện một lần gia đình sắp ăn cơm, thì cụ Hồ và ông Giáp (lúc ấy là bộ trưởng nội vụ) chợt đến thăm ; sau khi thăm hỏi, cụ ngó bàn ăn thấy chỉ có đĩa rau và đĩa tép, cụ nói đùa, bảo ông Giáp : thôi ta đi « du kích cơm » nơi khác vậy. Lại một lần, có lẽ là vào dịp lễ giáng sinh, ông Hà kể với cụ là ông đi lễ ở Nhà thờ lớn ; cụ bảo : « Vậy thì tôi đi với chú », rồi cụ tới dự buổi lễ, ngồi cạnh ông, không câu nệ gì. (Ông Hà kể chuyện này, không liên quan gì đến bài báo « Tăng Tuyết Minh, người vợ Trung Quốc [mộ đạo Công giáo] của Nguyễn Ái Quốc » của tác giả Hoàng Tranh (Huang Zheng), sử gia, viện phó Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, đăng trong tạp chí Đông Nam Á tung hoành, số tháng 11/2001, xuất bản tại Nam Ninh, Trung Quốc ; Diễn Đàn số 121, tháng 9/2002 đăng lại bản dịch tiếng Việt).

Chính phủ Lâm thời tồn tại đến ngày 2/3/1946 thì được thay thế bằng một Chính phủ Liên hiệp, do Quốc hội (do Tổng tuyển cử 6/1/1946) cử ra. Vì phải nhường 4 bộ cho Việt Quốc và Việt Cách (tuy hai đảng này không chịu tham gia tổng tuyển cử và được dành 50 ghế cho Việt Quốc và 20 ghế cho Việt Cách trong Quốc hội – lúc đó quân Tàu Tưởng còn đang đóng từ vĩ tuyến 16 trở lên), ông Hà thôi làm bộ trưởng. Sau Hiệp định Sơ bộ Việt-Pháp 6/3/1946, quân đội viễn chinh Pháp đổ bộ vào miền Bắc, và sau khi quân đội Tàu Tưởng rút đi, quan hệ Việt Pháp càng ngày càng căng thẳng. Phía Việt Nam cố sức điều đình : Hội nghị Đà Lạt (17/4/1946- 12/5/1946) thất bại ; 27/5/1946 Hồ Chủ tịch lên đường sang Pháp để mở cuộc đàm phán với Pháp. Vì ông Hà là người Công giáo, lại có quan hệ về phía bố vợ, nên cụ Hồ cử ông tham dự hội nghị Fontainebleau (khai mạc ngày 6/7/1946), bà cũng đi cùng. Theo ông Hà kể, cụ Hồ bảo ông liên lạc với Bidault, (một trong những thủ lãnh đảng M.R.P. cũng là phái Công giáo, có lúc làm Thủ tướng Pháp) thuyết phục ông ta chấp nhận nguyện vọng độc lập thống nhất của Việt Nam, nhưng việc không thành. Tôi còn nhớ ông bà Hà đi Pháp về có lại thăm và biếu bố mẹ tôi một lọ nước hoa.

Khi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), ông bà Hà ở lại Hà Nội trong vùng Pháp tạm chiếm, nhưng vẫn ủng hộ cụ Hồ và Kháng chiến. Năm 1950/1951, tướng De Lattre de Tassigny sang làm cao uỷ kiêm tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp, « trục xuất » ông bà Hà về Pháp .Vì ông Hà có quốc tịch Pháp và vì bà Hà là người Pháp, con gái ông nghị sĩ Pháp, lại có thế lực Công giáo, cho nên chính quyền Pháp trong vùng tạm chiếm cũng không dám hành hung.

Về Pháp, ông bà Hà và bố mẹ tôi có một thời góp vốn làm ăn chung để có nguồn sinh sống : mua một hiệu giặt ở phố Roquette ở quận 11, Paris, làm việc chân tay để mưu sống. Cũng có lúc, có người quen ông bà Hà đến tạm làm công ở đó, đặc biệt là anh Trần Th. (hình như nay đã mất), vừa làm vừa đi học, sau này là giáo sư ở Đại học Paris X. Cũng có một lúc ông Hà đi Lào để lo việc chính trị.

Nhân nói đến ông Hà có lẽ cũng nhắc thêm đến một câu chuyện : trong một khoảng thời gian sau năm 1954, một số nguời thắc mắc về việc tại sao ông lại « đi với Trần Văn Hữu » để tìm một giải pháp « trung lập », trong lúc đất nước có khả năng bị chia đôi lâu dài.

Có lẽ cần nhắc tóm tắt lại ông Trần Văn Hữu là ai, qua một số sự việc : Sau khi Pháp muốn lập lại chủ quyền ở Việt Nam và chiến tranh bùng nổ, khi Pháp bắt đầu điều đình với cựu hoàng Bảo Đại, và lập ra một chính quyền « quốc gia » trong vùng họ tạm chiếm, thì ông Trần Văn Hữu tham gia « chánh phủ lâm thời » quốc gia này (tháng 6/1948) với tư cách là phó chủ tịch Hội đồng Tổng trưởng, kiêm tổng trấn « Nam phần ». Khi Thoả ước Elysée giữa Pháp và cựu hoàng Bảo Đại được ký ngày 8/3/1949, thì có sự tham dự của ông Trần Văn Hữu. Ngày 9/1/1950, khi học sinh biểu tình ở Sài Gòn trong vùng tạm chiếm, và học sinh Trần Văn Ơn bị cảnh binh bắn chết, thì ông Trần Văn Hữu đang làm Thủ hiến « Nam Việt ». Từ tháng 5/1950 cho đến tháng 6/1952, ông Trần Văn Hữu làm Thủ tướng « chánh phủ quốc gia » trong vùng tạm chiếm.

Cho đến lúc ông Hà mất, tôi không nghe thấy ông Hà kể chi tiết gì khác về việc ông « đi » với ông Trần Văn Hữu, ngoài lòng mong muốn của ông thuở ấy là có một giải pháp làm sao chóng thấy nước nhà độc lập thống nhất. Khi ông Hoàng Xuân Hãn mất (tháng 3/1996), trong  bài báo  « Hoàng Xuân Hãn, con người và chính trị » đăng trên Diễn Đàn, số 53 và số 54, 1/6/1996 và 1/7/1996, tác giả Nguyễn Ngọc Giao có viết lại sự việc sau đây xảy ra khi quân đội Pháp đã thua ở Điện Biên Phủ, và khi hội nghị Genève đã nhóm họp. Anh Giao dẫn lời chứng của bác Hãn, theo các chi tiết đã thu vào băng cát-xét nghe-nhìn, trong một phần cuộc phỏng vấn bác Hãn kéo dài hai ngày, do đạo diễn Trần Văn Thuỷ quay ; hai người đặt câu hỏi là anh Nguyễn Tùng và anh Giao. (Tôi trích) :

[...] Ở đây, có thể kể lại một sự việc không mấy người biết, liên quan tới một phương án rốt cuộc đã không thành (nên không có gì phải biện minh). [...] Miền Nam sẽ ra sao? Thống nhất thế nào? [...] Tháng 7/1954 tại Genève, trưởng đoàn chính phủ kháng chiến Phạm Văn Đồng đề nghị hai ông Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Mạnh Hà tham gia một nội các Trần Văn Hữu ở miền Nam nếu chính phủ Pháp Mendès-France thực hiện được ý đồ này, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ (lúc đó viện trợ Mỹ đã lên tới 80% ngân sách chiến tranh Pháp ở Đông Dương, và Mỹ đã ép được Pháp đưa ông Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng một tháng trước)...(Gặp riêng hai ông Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Mạnh Hà, trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đề nghị: « Nếu Trần Văn Hữu lập nội các, tôi nghĩ hai anh phải tham gia. Giữa mình với nhau, thượng lượng sẽ dễ »). Hai ông Hãn và Hà đã nhận lời. [...] Câu chuyện (chú thích: thành lập chính phủ Trần Văn Hữu 1954), như mọi người đều biết, không thành. [...]

Cũng nhân nói về ông Trần Văn Hữu, tôi xin trích lại đây vài dòng của bài « Vài kỷ niệm về lễ truy điệu Bác Hồ ỏ Pa-ri » của ông Hồ Nam, lúc đó là cán bộ ngoại giao của Cơ quan Tổng Đại Diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp, đăng trong tạp chí Sông Hương số 3 (42), 1990, trang 4-9, để thấy sự phức tạp của tình cảm:

[...] Giữa lúc tang gia bối rối như vậy thì khoảng xế chiều [...], có ba tiếng chuông dè dặt gọi cổng. Đ/c thường trực mở cửa đón khách. Trước mắt chúng tôi lúc bấy giờ là một ông cụ già chừng 70 tuổi, mái tóc bạc phơ [...]. Sau vài lời chào hỏi xã giao, ông chủ động xin phép tự giới thiệu: « Tôi là Trần Văn Hữu, cựu Thủ tướng chính phủ quốc gia ». [...], ông Hữu nói rõ mục đích của mình: « Trước hết xin cáo lỗi cùng các ông về việc tôi đường đột đến mà không lấy giờ hẹn trước. Sau nữa, tôi xin được chính thức xác nhận tin cụ Chủ tịch qua đời mà tôi vừa nghe một cách đột ngột. Nếu là sự thật thì xin phép tôi được chia buồn cùng quý Toà và xin trân trọng được phép kính viếng Cụ ». [... Hôm sau] Đúng 9 giờ, cơ quan Tổng Đại Diện mở cửa đón khách. Cánh cửa vừa mở, một đoàn người cả Việt lẫn Pháp đã xếp thành hàng dài trên vệ đường từ bao giờ. Người đứng ở hàng đầu chính là ông khách đã đến hôm trước: ông Trần Văn Hữu. Hôm nay, ông đến trong bộ Âu phục màu đen, thái độ trầm mặc hơn, dáng vẻ buồn rầu hơn. Ông nghiêm nghị, từ tốn đến trước bàn thờ tưởng niệm Bác lạy bốn lạy, mỗi lạy ông đều phủ phục sát đất trong giây lát. Lễ xong, ông đi lùi mấy bước rồi đến chiếc bàn ghi cảm tưởng vào sổ tang. Ông ghi đại ý là: « Xin nghiêng mình trước anh linh của Cụ, người Việt Nam yêu nước, yêu hoà bình, yêu chuộng công lý thế giới ».

Đến năm 1977, nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mới có sự « chính thức » nối lại quan hệ của chính quyền trong nước với ông Hà, qua buổi Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp riêng ông, trong buổi chiêu đãi chung tại Sứ quán Việt Nam.

Vào những năm cuối thập kỉ 80, đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước, do công tác hội đoàn, vận động đóng góp và hợp tác với Việt Nam, hoặc ở các buổi hội họp, chiêu đãi, ông bà Hà và vợ chồng tôi có dịp gặp nhau luôn. Lúc này, bố mẹ tôi đã mất, ông bà thường nhắc lại mối quan hệ thuở xưa giữa hai gia đình, mà điểm chính là sự thân ái giữa những người đã mất.

Lại nhớ đến hai buổi cuối cùng gặp lại ông bà, cách đây có lẽ đã 16 năm, một thời gian trước khi ông Hà mất. Vợ chồng tôi mời ông bà lại nhà dùng cơm, bữa đó có anh Nguyễn Ngọc Giao, và ông Gaston Phạm Ngọc Thuần, nguyên đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Cộng hòa Dân chủ Đức, (ông Thuần là anh ruột của đại tá « nằm vùng » Albert Phạm Ngọc Thảo trong quân lực Cộng hòa Việt Nam, sau bị chính quyền Thiệu-Kỳ giết chết vào tháng 7/1965 – ông Thảo được coi là một trong mấy tình báo viên xuất sắc nhất, tác giả của hai vụ đảo chính hụt năm 1963 và 1965 ; năm 1987, ông Thảo được truy tặng danh hiệu Anh hùng lục lượng vũ trang Nhân Dân). Bữa đó trong tình thân mật ông bà Hà còn rủ một bạn Công giáo của ông, luật sư Dương Văn Đàm, mới từ Hà Nội sang thăm con (ông Đàm, sau ngày đổi mới, là người đầu tỉên mở lại văn phòng luật sư tư nhân ở Hà Nội), cùng đến. Chủ yếu để nghe ông Hà kể chuyện về chuyến trở về thăm Hà Nội của ông.  Ít ngày sau, đến lượt ông bà Hà rủ vợ chồng tôi đến nhà ông bà ăn « bữa cơm gia đình », lần này để nhắc chuyện ngày xưa. Ông bảo là tôi [Liễu] chỉ nuối tiếc « thời hoàng kim » của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm 1945-1946. Tôi thì nghĩ : ông cũng vậy, khác gì đâu ! Nếu như nhà cầm quyền Pháp đừng gây chiến tranh « thuở ấy »…

Bùi Trọng Liễu

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss