Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Cấm biển tại Trung Quốc

Cấm biển tại Trung Quốc

- Hồ Bạch Thảo — published 01/10/2016 00:53, cập nhật lần cuối 01/10/2016 00:53


Cấm biển tại Trung Quốc


Hồ Bạch Thảo


Trung Quốc ban hành chính sách cấm biển từ giữa triều Minh cho đến triều Thanh. Chính sách này được trân trọng ghi trong Khâm Định Đại Thanh Hội Điển [欽定大清會典] như sau :

Cấm biển : Phàm những đất canh tác ngoài biển bị cấm; những cư dân gần biển không được vụng trộm đến các đảo tụ tập canh tác, rồi chứa chấp bọn gian.” (Khâm Định Đại Thanh Hội Điển quyển thứ 65)

(海禁 凡海外耕種之禁海濱居民不得潛住島嶼招聚耕墾致藏姦匪 – 欽定大清會典/卷六十五)

Minh Sử, trong phần Chí quyển 5 về Thực Hoá, trình bày sự giao dịch buôn bán không sòng phẳng giữa quan lại Trung Quốc với dân buôn Nhật, dẫn đến việc người Nhật cướp phá tại vùng tỉnh Chiết Giang, khiến viên Tuần phủ phải ra lệnh cấm biển:

Vào năm Gia Tĩnh thứ 2 [1523] Sứ giả các phe phái Nhật Bản gồm Tông Thiết, Tống Tố Khanh chia đường đến cống, hai bên tranh chấp về chánh, nguỵ. Viên hoạn quan Lại Ân coi về Thị bạc (1) nhận hối lộ của Tố Khanh, nên công nhận viên này; Tông Thiết bèn mang quân đến cướp phá lớn tại Ninh Ba [Ningbo, Chiết Giang]. Cấp sự trung Hạ Ngôn tâu rằng mối lo vì bọn Nuỵ [Nhật] do Thị bạc gây ra, nên bãi cơ quan này. Sau khi Thị bạc bãi, dân buôn Nhật qua lại buôn bán tự do, cấu kết với bọn cường hào gian tham; phép cấm không thi hành được, trở thành đạo tặc. Năm thứ 26 [1547], hàng trăm thuyền Nuỵ đến cướp phá, đóng lâu tại Ninh Ba, Đài ; mấy ngàn quân đổ bộ cướp đốt. Tuần phủ Chiết Giang Chu Hoàn điều tra biết rằng những chủ thuyền đều là những quan to, hoặc thuộc dòng họ lớn, buôn bán với Phiên [Nuỵ] qua lời nói trung gian để kiếm lời to, nhưng hàng không giao đúng lúc, do vậy gây nên loạn. Bèn cấm biển nghiêm khắc, cho huỷ thuyền, tâu xin giáng chức những người thuộc họ lớn.” (嘉靖二年,日本使宗設、宋素卿分道入貢,互爭真偽。市舶中官賴恩納素卿賄,右素卿,宗設遂大掠寧波。給事中夏言言倭患起於市舶。遂罷之。市舶既罷,日本 海賈往來自如,海上奸豪與之交通,法禁無所施,轉為寇賊。二十六年,倭寇百艘久泊寧、臺,數千人登岸焚劫。浙江巡撫硃紈訪知舶主皆貴官大姓,市番貨皆以虛 直,轉鬻牟利,而直不時給,以是構亂。乃嚴海禁,毀餘皇,奏請鐫諭戒大姓 – 卷八十一 志第57 食貨五)

Sang đến thời nhà Thanh, việc cấm biển thực hiện một các khá quy mô, bằng cách hoạch định giới tuyến dọc ven biển, rồi cưỡng bách di cư tất cả dân chúng thuộc phía ngoài giới tuyến vào trong nội địa. Khang Hy Thực Lục ghi lại sự việc như sau:

Tháng 3 năm Khang Hy thứ 17[1678]… Dụ các Vương, Đại thần họp bàn việc chính trị : “ Giặc biển bàn cứ tại các xứ như Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến], cấu kết với giặc trong núi, phiến động mê hoặc địa phương, nguyên do dựa vào dân ven biển tại vùng tỉnh Phúc Kiến. Đáng theo lệ vào năm Thuận Trị thứ 18 [1661] lập ranh giới, đem dân chúng ngoài ranh giới đồng loạt di cư vào nội địa; thân sức cấm biển nghiêm, tuyệt đường giao thông. Nhưng dân nghèo khổ, một lần dời chỗ ở, phải bỏ ruộng vườn, khó mà mưu sinh, riêng đem lòng trắc ẩn. Nay cho miễn hết các ngạch thuế, dao dịch, tạp dịch; các viên Tổng đốc, Tuần phủ giao cho viên chức có khả năng liệu lý, để định cư vào đúng chỗ, khiến không bị khổ luỵ.” (康熙十七年。戊午三月. 諭議政王大臣等、海寇盤踞廈門諸處、勾連山賊、煽惑地方、皆由閩地瀕海居民為之藉也。應如順治十八年立界之例、將界外百姓、遷移內地。仍申嚴海禁、絕其交 通。但窮苦之民、一旦遷徙、必棄其田舍、難以為生、殊可憫惻。可將本年地丁額賦、差徭雜項、盡行豁除。該督撫揀委能員料理、俾安輯得所、勿致苦累)


Biện pháp cấm biển khiến lòng dân sinh oán, các quan thi hành rất khó khăn, nên đành tâu lên ; khiến vua Khang Hy phải ban chiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cấm biển, và khẳng định chính sách này không thể bỏ:

Tháng 9, năm Khang Hy thứ 17 [1687] Trước đây nhân Bình nam vương Thượng Chi Tín tâu rằng Việt đông [Quảng Đông] tuy đã bình định, nhưng nghịch tặc họ Trịnh [Trịnh Thành Công] vẫn còn chiếm Hạ Môn ; nên ra lệnh cấm biển, để tuyệt mầm loạn. Bởi vậy chuẩn từ giới tuyến cũ, thi hành nghiêm cấm. Nay nếu lại bỏ việc cấm biển, cho thương dân buôn bán tự nhiên, sợ bọn gian thừa cơ hội cùng giặc giao thông, xâm nhiễu dân ven biển cũng không chừng. Vậy cấm biển không thể khinh suất bỏ; ” (Khang Hy Thực Lục quyển 76) (康熙十七年。戊午。九月向因平南王尚之信言、粵東雖已底定、鄭逆仍踞廈門、宜申海禁、以絕亂萌、故准舊界嚴行禁戢。今若復開海禁、令商民貿易自便、恐奸 徒乘此、與賊交通、侵擾邊海人民、亦未可定。海禁不可輕開 – 康熙朝實錄/ 卷之76)

Mục Nghiêm dương cấm trong Quảng Đông Thông Chí quyển 9 ghi lại lời Thông chính Ðường Thuận [唐順] thời Minh trình bày về biện pháp cấm biển. Viên chức này nhấn mạnh việc cấm biển không chỉ đuổi dân từ hải đảo vào vùng an toàn, mà phải kê tra dân chúng, điều tra kẻ khả nghi giúp đỡ bọn cướp biển, khiến người dân trong nội địa không còn có thể liên lạc tiếp tế cho bọn cướp biển ẩn trốn tại các hải đảo bên ngoài :

Việc cấm biển nghiêm, điều tra người lén ra đi, cần tìm tòi âm mưu từ bên trong. Chỉ kê tra kẻ dùng mái chèo ra biển, mà không điều tra âm mưu bên trong thì chưa tuyệt được nguồn gốc. Cần ra lệnh cho quân vệ, quan chức địa phương lập sổ sách theo thứ tự 1,2,3 kê tra dân tại duyên hải, cùng nghề nghiệp sinh nhai, rồi tùy lúc kềm cặp ràng buộc. Nếu như có những kẻ du đãng bỏ nghề nghiệp, hành tung bí mật, đi về chè chén, có vẻ khả nghi; thì ra lệnh cho người trong làng đến quan để tố cáo. Lấy 30 lượng bạc của phạm nhân, thưởng cho người tố cáo, cùng điều tra sự tình của phạm nhân rồi trị tội nặng. Những người biết chuyện mà cố tình giấu diếm, thì cũng phạt tội, nhưng giảm nhẹ hơn tội nhân. Thi hành phép Bảo giáp (2)  nghiêm là phương cách giảm thiểu đạo tặc, bởi vậy nơi ven biển dân bôn đào tụ tập thì việc kiểm soát không thể không nghiêm.”

Thời Gia Khánh viên Tổng đốc đốc Lưỡng Quảng Ngô Hùng Quang xin chế tạo nhiều thuyền để ra biển bắt cướp. Quan điểm của vua Gia Khánh cũng giống như Thông chính Đường Thuận nêu trên, bác lời tâu của Hùng Quang, khẳng định quốc sách là phòng thủ tại cảng và truy lùng những người trên bờ ngầm mua bán hợp tác với bọn cướp. Xin trích dịch chiếu thư của vua Gia Khánh như sau :

Ngày 2 Kỷ Tỵ tháng 12 năm Gia Khánh thứ 12 [30/12/1807]

“... Còn trong tấu triệp Ngô Hùng Quang trình bày rằng Thuyền cướp qua lại đợi chờ mới liên lạc được với bọn gian trên bờ, nếu thuyền binh khẩn trương theo tung tích truy nã, thì bọn chúng không thi thố được thủ đoạn. Vậy muốn ngăn tiếp tế, nên tu tạo nhiều thuyền, xuất dương truy bắt.”

Ðiều này không đúng, về bọn cướp biển, gạo, nước, thuốc súng đều nhờ vào trên bộ. Bọn giặc trên bờ và dưới nước vốn quen nhau, ngầm giao dịch, cũng không phải chờ bọn cướp biển lên bờ tìm kiếm mới được tiếp tế. Tổng chi, đáng ra lệnh các quan văn võ tại cửa biển mật cho tuần tra, nghiêm bắt, trừng trị nặng; bọn phỉ trên bờ co rút lại, thì mới đoạn tuyệt việc tiếp tế.

…Ðiều đó khẳng định rằng việc cấm bọn phỉ tiếp tế tất phải nghiêm tra trên bờ, làm vững rào dậu là biện pháp chính. Phúc Kiến nghiêm cấm tiếp tế tại cửa biển, thực hiện hữu hiệu, tỉnh Quảng Ðông cần nhất luật thực hiện...” (Nhân Tông Thực Lục quyển 189, trang 7)

Cùng đề cao sách lược phòng thủ thụ động nơi ven biển, tại quyển 9, mục Hải Phòng, trong Quảng Ðông Thông Chí 廣東通志, Tổng đốc Hác Ngọc Lân tóm tắt :

Phàm thuyền đến không cho đậu, đi không tiếp tế ; thì dân chúng duyên hải đều được yên gối mà ngủ.”

Với chính sách cấm biển, phòng biển ngay tại bờ, tỉnh Quảng Đông đã lập sẵn 62 vị trí xung yếu làm giới tuyến cho các vệ, sở phòng thủ. Quân lính chỉ chịu trách nhiệm phòng thủ phía trong giới tuyến, riêng phía ngoài, coi như vùng biển quốc tế không thèm biết đến. Riêng từ huyện Lạc Hội [nay thuộc huyện Văn Xương] được ghi là điểm khởi đầu ranh giới tiếp giáp với biển An Nam, nên chúng tôi trích ra 26 điểm trong 62 điểm xung yếu ; kể từ huyện Lạc Hội đến biên giới Việt Trung, tiếp giáp với An Nam. Văn kiện về các điểm xung yếu ghi trong Quảng Đông Thông Chí quyển 9, riêng những chữ trong [] được thêm vào cho rõ nghĩa :


“ Xung yếu :

Từ huyện Lạc Hội [樂會 Wenchang, Hải Nam], phủ Quỳnh Châu, khởi đầu tiếp giáp với biên giới An Nam :

- [1]Vũng Hải Ðiều [Wenchang, Hải Nam]: giới hạn của huyện Văn Xương [với biển An Nam].

- [2] Cảng Phố Tiền [鋪鋪 Puqianzhen, Hải Nam]: giới hạn huyện Hội Ðồng [với biển An Nam]

- [3] Cảng Thần Ứng [Quiongzhou, Hải Nam]: giới hạn phủ Quỳnh Châu [với biển An Nam]

- [4] Phố Phong Doanh [Quiongzhou, Hải Nam]: giới hạn phủ Quỳnh Châu [với biển An Nam]

- [5] Phố Ma Ðầu [Lincao, Hải Nam]: giới hạn huyện Lâm Cao [với biển An Nam.

- [6] Phố Cung Loan [Lincao, Hải Nam]: giới hạn huyện Lâm Cao [với biển An Nam].

- [7] Loan Ðiền Hòa [Danzhou, Hải Nam]: Giới hạn châu Ðam [với biển An Nam ].

- [8] Núi Nga Trá [Changhua, Hải Nam]: giới hạn huyện Xương Hóa [với biển An Nam].

- [9] Doanh Bạch Sa [Dongfang, Hải Nam]: giới hạn huyện Cảm Ân感恩 [với biển An Nam].

- [10] Ðại Ðộng Thiên [Yazhou bay, Hải Nam]: giới hạn châu Nhai [với biển An Nam].

- [11] Tiểu Ðộng Thiên [Yazhou bay, Hải Nam]: giới hạn châu Nhai [với An Nam.]

- [12] Vũng Nha Lang [Lingshui, Hải Nam]: giới hạn huyện Lăng Thủy [với An Nam.]

- [13] Cửa Song Châu [Lingshui, Hải Nam]: giới hạn huyện Lăng Thủy [với An Nam].

- [14] Thất Thập Nhị kính [Qinzhou, Quảng Tây]: giới hạn châu Khâm [với An Nam].

- [15] Nha Sơn [Qinzhou, Quảng Tây]: giới hạn châu Khâm [với An Nam].

- [16] Ðạm Thủy Loan [Qinzhou, Quảng Tây]: giới hạn châu Khâm [với An Nam].

- [17] Doanh Cách Mộc [Lingshan, Quảng Tây]: giới hạn huyện Linh Sơn [với An Nam]

- [18] Núi Ô Lôi [Lingshan, Quảng Tây]: giới hạn huyện Linh Sơn [với An Nam].

- [19]Ao Thanh Anh [Lingshan, Quảng Tây] : giới hạn huyện Linh Sơn [với An Nam].

- [20] Ao Dương Mai [Beihai, Quảng Tây]: giới hạn phủ Liêm Châu [với An Nam]

- [21]Ao Bình Giang [Beihai, Quảng Tây]: giới hạn phủ Liêm Châu [với An Nam]

- [22]Thiệu Châu [Beihai, Quảng Tây]: giới hạn sở Vĩnh An [với An Nam]

- [23] Mão Châu [Beihai, Quảng Tây]: giới hạn sở Hải An [với An Nam]

- [24] Vi Châu [Weizhou island, Quảng Đông]: giới hạn sở Cẩm Nang [với An Nam]

- [25] Điều Châu [Waning, Hải Nam], giới hạn của Thiên hộ sở Thạch Thành [với An Nam.]

- [26] Độc Trư Châu 獨豬山 [Wanning, Hải Nam] giới hạn của Thiên hộ sở Thạch Thành [với An Nam].

*


Với chính sách cấm biển từ đời Minh, Thanh, Trung Quốc đã từng bỏ các đảo như Châu Sơn [Zhoushan], trấn Kim Đường [Jintang Island], đảo Ngọc Hoàn [Yuhoan] thuộc tỉnh Chiết Giang ; Hạ Môn [Xiamen] thuộc tỉnh Phúc Kiến; còn vùng biển xung quanh đảo Hải Nam thì thuộc Việt Nam. Từ sử, chí, Trung Quốc ; có thể chứng minh rằng sách lược nước này  không đoái hoài đến biển cả. Nhưng rồi thời thế đổi thay, vào đầu thế kỷ thứ 20, sau khi ngửi thấy tiềm năng lớn của biển cả, nhà cầm quyền Trung Quốc bắt đầu gióng trống khua chiêng nêu  chủ quyền tại đảo Hoàng Sa, Trường Sa của ta ; để đến gần đây trong cuộc gặp mặt Tổng thống Mỹ Obama, Chủ tịch Tập Cận Bình lớn tiếng nói rằng Trung Quốc đã có chủ quyền từ thời xa xưa, không thể tranh cãi !

Hồ Bạch Thảo



Chú thích :

(1)   Thị bạc : cơ quan giao dịch buôn bán với thương thuyền nước ngoài.

(2)   Bảo giáp : phép tổ chức dân binh của Vương An Thạch đời Tống, lấy dân làm lính địa phương.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss