Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Chiến lược chống Nguyên Mông dưới thời nhà Trần

Chiến lược chống Nguyên Mông dưới thời nhà Trần

- Hồ Bạch Thảo — published 07/02/2010 23:40, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Để ba lần đánh thắng Nguyên Mông, nhà Trần đã triển khai một chiến lược bao gồm hai phương diện đối ngoại và đối nội. Ðối ngoại có hai yếu tố được thể hiện một cách rõ nét, đó là chính sách kiên trì ngoại giao với nhà Nguyên, cùng giao hảo với các lân bang còn lại như nhà Tống và Chiêm Thành. Về phương diện đối nội có thể tóm tắt như sau : đoàn kết, toàn dân kháng chiến, thanh dã, lấy đoản thắng trường, chặn đường rút lui khiến cho quân địch kinh sợ.


Chiến lược chống Nguyên Mông
dưới thời nhà Trần



Hồ Bạch Thảo



Vào thế kỷ thứ 13 thế lực Mông Cổ như một trận cuồng phong hoành hành cả hai châu Âu, Á. Tuy nhiên đoàn quân bách chiến bách thắng này đã bị thảm bại tại nước ta, trang sử kiêu hùng của đất nước mãi mãi đáng làm gương cho hậu thế soi chung. Làm cách nào ta có thể đoạt được chiến thắng ? Trả lời câu hỏi, người viết cố gắng sưu tầm tư liệu trong các bộ sử của hai nước Trung Viêt, để hình dung về chiến lược chống Nguyên Mông dưới thời nhà Trần. Qua bằng chứng, cho phép kết luận rằng chiến lược bao gồm hai phương diện đối ngoại và đối nội. Ðối ngoại có hai yếu tố được thể hiện một cách rõ nét, đó là chính sách kiên trì ngoại giao với nhà Nguyên, cùng giao hảo với các lân bang còn lại như nhà Tống và Chiêm Thành. Về phương diện đối nội có thể tóm tắt như sau : đoàn kết, toàn dân kháng chiến, thanh dã, lấy đoản thắng trường, chặn đường rút lui khiến cho quân địch kinh sợ là những chiến lược chính yếu.

Nay xin lần lượt trình bày từng điểm :


A. Ðối ngoại :



1. Kiên trì ngoại giao với nhà Nguyên :


Người xưa thường chê đường lối ngoại giao khúm núm cúi đầu xin xỏ, nên đã dùng thành ngữ không mấy đẹp là vẩy đuôi mà xin thương xót (dao vĩ khất lân 摇 尾乞憐) để miệt thị. Khác hẳn, đường lối ngoại giao dưới thời nhà Trần có mục tiêu rõ rệt, coi ngoại giao là một mặt trận chiến đấu riêng bằng ngọn bút và lời nói. Mục tiêu mà ta dựa vào để đòi hỏi lúc bấy giờ là lời hứa của Nguyên Thế tổ Hốt tất Liệt vào năm Trung Thống thứ nhất [1260], qua chiếu thư như sau :

“ Tổ tông ta lấy vũ công sáng nghiệp, chưa có dịp tu sửa văn hoá. Trẫm tuân thừa ngôi cao, sửa cũ đổi mới, hợp nhất vạn phương. Mới đây Thủ thần nước Ðại Lý là An phủ Nhiếp Chỉ Mạch Ðinh dâng biểu văn rằng nước ngươi có lòng thành hướng phong mộ nghĩa. Nghĩ rằng khanh thời triều trước từng thần phục, từ xa đến cống phương vật ; nên ban chiếu dụ quan liêu sĩ thứ nước ngươi rằng phàm y phục khăn áo điển lễ phong tục, y theo chế độ cũ tại nước ngươi. Ðã nghiêm lệnh tướng sĩ biên giới không được tự tiện hưng binh xâm lăng cương thổ, làm loạn nhân dân. Quan liêu sĩ thứ của khanh, được bình yên cai trị như cũ.” (Nguyên Sử quyển 209, trang 4634)

Chiếu thư này ra đời trong hoàn cảnh Nguyên Mông xâm lăng nước ta lần thứ nhất bị thất bại, thế lực nhà Tống vẫn còn tồn tại từ phòng tuyến Tương Dương tại phía nam sông Dương Tử đến tỉnh Quảng Ðông, nên lúc bấy giờ Nguyên Thế Tổ buộc phải dễ dãi với nước ta.

Rồi thời gian trôi qua, thế lực nhà Tống bị thu hẹp dần, thì áp lực nhà Nguyên từ từ đè nặng lên nước ta. Vào tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 7 [1270], Trung thư tỉnh gửi điệp văn cho vua Trần Thái Tông trách về việc nhận chiếu thư không chịu lạy, không chịu nạp các chuyên viên như nhà nho, thầy thuốc, thợ giỏi và đòi hỏi trong tương lai phải xét lại. Vào tháng 12 năm thứ 8 [1271] vua ta phúc đáp lại với lập luận rằng đã được phong Vương phải được đối xử như Vương Trung Quốc, không chịu thi lễ với Sứ thần Trung quốc có phẩm trật thấp hơn, lại viện dẫn chiếu chỉ năm Trung Thống thứ nhất công nhận việc y theo phong tục cũ trong nước :

“ Bản quốc khâm phụng thiên triều được phong cho tước vương, chẳng phải là vương nhân ư ! Nay sứ của thiên triều đến lại nói rằng, làm lễ ngang hàng với vương [Trung Quốc] là làm nhục triều đình ? Huống trước đây bản quốc nhận được chiếu chỉ cho y theo tục cũ trong nước. Việc phụng an tại chính điện, rồi rút lui vào nhà riêng, là điển lễ của bản quốc. Về việc chỉ dụ đòi voi, trước đây sợ trái với chiếu chỉ nên không dám nói thẳng, thực ra người quản voi không muốn rời khỏi nhà, nên rất khó sai phái. Còn việc đòi hỏi nhà nho, thầy thuốc, thợ ; thì lúc Bồi thần Lê Trung Tá bệ kiến, được chiêm ngưỡng uy quang trong thước tấc, mà không nghe chỉ dụ ; huống vào năm Trung Thống thứ 4 [1263] đã được tha ; nay lại dụ trở lại, thực rất kinh ngạc, mong các hạ niệm thứ cho.” (Nguyên Sử, quyển 209, trang 4636)

Chẳng bao lâu vào năm Chí Nguyên thứ 12 [1275] Nguyên Thế Tổ lại xuống chiếu dụ đòi 6 việc :

1. Quân trưởng [vua] phải sang chầu.
2. Ðem con em sang làm con tin.
3.Chép sổ dân số.
4. Cung cấp lính.
5.Thâu nạp thuế.
6.Vẫn đặt quan Ðạt lỗ hoa xích để thống trị.

(Nguyên Sử, quyển 209, trang 4635)

Cùng năm, vua Trần Thái Tông dâng biểu xin bãi quan Ðạt lỗ hoa xích, một chức danh nhắm kiểm soát nội bộ nước ta, văn bản với lời lẽ quyết liệt như sau :

“ Bầy tôi hèn mọn tại nơi góc biển hoang tịch, được ơn thánh hoá mở đường sống, hân hoan cỗ vũ. Nghĩ rằng thần từ ngày quy phụ thượng quốc đã hơn 10 năm nay, tuy 3 năm cống 1 lần, nhưng sứ thần qua lại mệt nhọc trong việc đi lại, nhưng chưa từng nghỉ một ngày. Còn việc thiên triều sai quan Ðạt lỗ hoa xích đến đất nước thần, đâu có thể để về không. Nhưng họ dựa thế bề trên, lăng loàn ép bách tiểu quốc, tuy Thiên tử anh minh như mặt trời mặt trăng, nhưng làm sao thấu được vật nhỏ như bị úp vào dưới đáy chậu. Vả lại quan Ðạt lỗ hoa xích có thể thi hành với các nước man di tiểu xú nơi biên giới, há lại đối với thần là nước được phong Vương làm phên dậu một phương ; nay ngược lại lập Ðạt lỗ hoa xích để đến giám sát, không đáng cười bởi các nước chư hầu ư ! Ðối với việc sợ đến hạch hỏi mà phải sửa soạn đến cống, chi bằng trong lòng vui vẻ cảm phục mà đến cống. Thần cung kính được thiên triều phong tước sách lập, ân lớn mưa móc ban ra bốn biển, mới dám kêu xin, trông mong thánh từ đặc cách ban cho sự thương xót. Từ nay trở về sau, phàm 2 lần nạp cống, 1 lần đến Thiện Xiển (1) phụng nạp, 1 lần đến Trung Nguyên bái hiến. Phàm các quan thiên triều sai khiến đến, xin làm công việc dẫn Sứ giả tiến cống, để miễn mối tệ về Ðạt lỗ hoa xích ; được như vậy không chỉ là may mắn cho kẻ bề tôi nhỏ bé này, mà cũng là may cho dân chúng một nước vậy.” (Nguyên Sử, quyển 209, trang 4637)

Năm Chí Nguyên thứ 15 [1278], vua nhà Nguyên sai Sài Xuân (2) sang nước ta đàn hạch vua Trần Thánh Tông về việc không đợi mệnh, tự tiện lên làm vua ; rồi bắt buộc phải đích thân sang chầu. Vua ta nói rằng :

-…. Trước đây đòi hỏi 6 điều, đã xin được xá miễn. Còn về việc đích thân đến triều đình làm lễ, thì tôi sinh ra và lớn lên trong thâm cung, không tập cưỡi ngựa, không quen phong thổ, sợ chết dọc đường, các em và Thái uý cũng tình trạng như vậy. Thiên sứ trở về, kính cẩn đạt lòng thành và hiến các vật lạ. (Nguyên Sử, quyển 209, trang 4637)

Năm Chí nguyên thứ 16 (1279) vua Nguyên Thế Tổ sai Sứ thần Sài Xuân đến nước ta lần thứ ba để ép buộc vua sang chầu, nhà vua lấy cớ bị tật không đi được. Bị cật vấn nhiều lần, cuối cùng nhà vua cho chú là Trần Di Ái đi thay. Cũng vào năm ấy, quân Mông Cổ đánh úp quân Tống tại Nhai Sơn, thuộc tỉnh Quảng Đông, Thừa tướng Lục Tú Phu phải cõng vua Tống nhảy xuống biển chết. Nhà Tống sụp đổ, thời cuộc lúc này rất thuận tiện để vua Nguyên dấn mạnh vào con đường xâm lược nước ta.

Năm Chí nguyên thứ 18 [1281], vua Nguyên gia phong Sài Xuân tự Trang Khanh làm An Nam Tuyên Uỷ Đô Nguyên soái, Lý Chấn Phó soái, mang khoảng 1000 quân đem Trần Di Ái về nước. Chuyến đi của Sài Xuân, có mang sẵn chiếu thư của Nguyên Thế Tổ, nội dung như một tối hậu thư buộc vua ta phải chọn lựa một trong hai con đường : hoặc chấp nhận Trần Di Ái, tức xoá bỏ mọi cơ chế hiện hữu để ngoan ngoãn đầu hàng giặc ; hoặc đuổi Sứ giả cùng tùy tùng, tức chấp nhận chiến tranh tức khắc với con bài Trần Di Ái làm bù nhìn. Chiếu thư như sau :

 

Chiếu thư vào năm Chí Nguyên thứ 18

(Chí nguyên thập bát niên chiếu)

Trước kia khi An nam Quốc vương Trần Nhật Cảnh còn sống, đã từng đem điều lệ của tổ tông ta đối với chư Man ra hiểu dụ, nhưng y không thi hành. Đến lúc mất con không xin mệnh, tự lập lên làm vua. Sai sứ đến triệu, từ chối không chịu sang chầu. Nay lại lấy cớ bị tật không chịu sang, cố tình trái mệnh, chỉ cho chú là Trần Di Ái sang mà thôi. Ta định hưng binh hỏi tội, nhưng nghĩ đến nước ngươi nội phụ triều cống đã lâu rồi, chỉ do một mình ngươi không biết điều, không nỡ để cho dân chúng phải chết uổng. Nay ngươi lấy cớ tật không thể sang chầu, thì hãy lo thuốc thang trị bệnh đi ! Ta lập chú ngươi làm An Nam Quốc vương để cai trị dân chúng. Quan lại sĩ thứ trong nước hãy an cư lạc nghiệp, đừng lo sợ. Nếu ngươi và dân chúng có mưu mô nào khác, đại binh vào sẽ sát hại tính mạng lúc đó đừng oán, vì tội các ngươi gây ra. Nay dụ các tông tộc quan lại nước An-Nam. (3)

 

Triều đình nhà Nguyên đánh giá chuyến đi này rất quan trọng và chắc chắn phải thành công ; nên lúc lâm hành sai các quan trong viện Hàn Lâm làm thơ văn tống tiễn. Viên Hàn Lâm Học sĩ Lý Khiêm, tự là Thụ Ích làm bài tự như sau :

 

Hàn lâm học sĩ Lý Khiêm tự Thụ Ích tống Thượng thư Sài Trang Khanh tự

Năm Chí Nguyên thứ 15 (1278) Quốc vương nước An Nam dâng biểu lấy cớ biên cảnh bị quấy phá nên không rảnh để tự sang chầu ; Tiên vương mất, không thỉnh mệnh mà tự lập. Triều đình sai Sứ đi hỏi tội, nhưng chưa tìm được người xứng chức. Nhân An Phủ sứ đất Kim Xỉ là Sài Trang Khanh từ Vân Nam tới, được các quan Đại thần tiến cử là người có tài, Thiên tử bèn cho vời đến. Cha anh Sài công đều là cựu thần, lời lẽ ông ta rất khẳng khái, lại quen phong thổ phương Nam, nên được Thiên tử ban cho chức Lễ bộ Thượng thư; lại ban cho bạc, cung tên, yên ngựa để tỏ sự sủng ái lúc lâm hành.

Sài Trang Khanh đến An Nam tuyên cáo ý của Thiên tử, chiêu dụ hai ba lần, nhưng Vương nước này vẫn cố chấp chưa tỉnh ngộ, không chịu sang chầu. Trang Khanh về tâu, Thiên tử không nỡ dùng binh, lại bảo đi thêm lần nữa. Ba năm, ba lần lặn lội đi về ; rồi năm đó An Nam cho Trần Di Ái, là em ruột Quốc vương, chú của Thế tử sang chầu. Thiên tử phán : “ Thế tử chống, còn dân có tội tình gì ! Hãy cho Di Ái lên thay để cai trị dân.” Bèn trao sách mệnh, ban cho Trang Khanh làm Tuyên uỷ sứ Đô Nguyên soái, mang quân hộ tống Di Ái về nước. Lúc sắp khởi hành, các quan trong viện Hàn Lâm đều làm thơ tống tiễn. Kẻ hèn này lạm dự chức Hàn Lâm, phàm các biểu chương chiếu dụ đều được nghe qua, bèn đem sự việc kể ra làm lời tống tặng.

Từ xưa đến nay không những khó có được người tài, mà biết tìm ra người tài cũng không dễ ! Nay Chúa thượng biết Trang Khanh là tay cương nghị hùng biện, có thể gánh trọng trách chốn xa xôi, đi sứ bốn phương không nhục mệnh vua, nên gửi ra ngoài cửa khổn (4) giao việc nơi tuyệt vực (5), phàm việc quân sự đều được toàn quyền chuyên chế. Lại được quí ông Lý Văn Chấn giữ chức phó, Lý Phi Nhị làm Tham mưu, sự chọn lựa nhân tài thực kỹ lưỡng. Chuyến đi của Trang Khanh sẽ không phụ công tuyển chọn của Thiên tử, không thẹn với lời khen lao kỳ vọng của quí quan, thu phục An Nam là do chuyến đi này ! Tôi mấy ngày đợi Sài công tại cửa kinh đô để chúc mừng rằng “ Từ nay trong lịch sử không phải chỉ riêng các Sứ thần Chung Quân, Lục Giả (6) được tiếng khen mà thôi ! Tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 18.(7)

 

Sự việc xảy ra trái lại với lời tiên đoán của Hàn lâm Lý Khiêm, sau chuyến đi này tên tuổi Sài Xuân bị chôn vùi hoàn toàn, không còn được nhắc thêm trong lịch sử Trung Quốc. Lực lượng đặc mệnh của Sài Xuân đến trại Vĩnh Bình tại biên giới [chỗ tiếp giáp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và tỉnh Lạng Sơn nước ta], dù đã cho người đi trước thông báo, vẫn không được tiếp đón như thường lệ. Sài Xuân cảm thấy lo sợ, nên viết thư cho triều đình ta, để mong giảm sự bớt căng thẳng, có thể đe doạ đến tính mạng y lúc này :

“ Bản ty nhận Thánh chỉ đến nước ngươi với nhiệm vụ phủ dụ biên cảnh, an ủi nhân dân, tình nghĩa như người trong một nhà, không có điều gì khác. Số quân mang theo chỉ là lính phục dịch, không phải để chinh phạt chiến đấu. Sợ nước ngươi không hiểu được ơn Thiên tử, không rõ tại sao đến nên sinh ra kinh sợ, đưa đến chỗ lo lắng nghi ngờ. Bởi vậy khi đến Tĩnh Giang (8) sai Lê Trung Tán đi trước hiểu dụ về mỹ ý khoan tuất của triều đình, lại nhắc chuẩn bị ngựa, quân lương, dân phu chiếu lệ nghênh đón tại biên giới.

Ngày 16 tháng 3 bản ty xuống ngưa đợi tại Vĩnh Bình đến ngày 20 thấy Lê Văn Tuý mang thư tới, muốn hoãn để thương nghị. Như vậy là không biết ngày hẹn đến nghênh đón, hoặc trong lòng còn nghi kỵ chưa có được chút lòng thành. Nếu vậy lời kẻ phụng sứ trước kia là giả dối cả hay sao ? Nếu cho đó là có lòng thành, thì làm sao xảy ra việc ngày hôm nay ! Đến như việc có ích hoặc vô ích cho Thế tử và trăm họ thì sau khi ban chiếu chỉ sẽ rõ. Lúc này ngoài việc ước thúc quân lính không quấy nhiễu dân chúng, còn sai viên Kinh lịch cùng Lệnh sử Vương Lương cưỡi ngựa đi trước kiểm soát số ngựa, quân lương, dân phu, hẹn trong 6 ngày phải có đầy đủ tại Vĩnh Bình ; nếu còn trái hẹn nữa thì sẽ quay xe trở về để Thiên triều có cách đối xử khác. Riêng nghĩ rằng quý quốc đã quy phụ hơn mười năm nay rồi, nay chống đối lại, điều hại sẽ đến theo, chẳng lẽ không xét tới sao ? ” (9)

 

Căn cứ vào nội dung lá thư thì đoàn quân hộ tống Trần Di Ái về nước phải đợi tại Vĩnh Bình 4 ngày, rồi lại thấy bên ta mang thư tới xin hoãn để thương nghị. Cũng tại nơi này Trần Di Ái biến mất .Theo lời vua ta kể cho viên Sứ thần Thượng thư Trương Lập Đạo (10) thì vua Nguyên kết tội bên ta giết Trần Di Ái, nhà vua phủ nhận và bảo rằng “ Quốc thúc do cha cô (11) sai sang chầu Thiên tử, Thiên tử phong Quốc thúc tước vương, Quốc thúc sợ hãi không biết đi đâu, chớ không phải do nước cô giết ”. (12) Riêng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép vào tháng 6 năm Nhâm Ngọ ( 1282 ) trị tội Trần Ải tức Trần Di Ái làm khao giáp binh Thiên Trường.

Qua những sử liệu nêu trên, đủ để suy luận một cách có hệ thống rằng thời gian yêu cầu đoàn quân hộ tống chờ đợi tại Vĩnh Bình là thời gian quan trọng, ta cố tình trì hoãn để lập mưu. Bằng thủ đoạn khéo léo cho người móc nối trực tiếp, hoặc gián tiếp qua các viên hầu cận, đã kéo được Trần Di Ái ra khỏi bàn tay Sài Xuân. Công việc này thành công là nhờ sự kết hợp khéo léo giữa ngoại giao và nội chính, đã phá vỡ được kế hoạch xâm lăng của Nguyên Thế Tổ, qua con bài Trần Di Ái từ trong trứng nước ; riêng sau đó Di Ái làm Khao giáp binh Thiên Trường [Nam Ðịnh], được bảo vệ tại đất căn bản của nhà Trần, nên không còn bị giặc lợi dụng thêm nữa.

Cho dù nhà Trần tìm mọi phương cách ngoại giao để trì hoãn chiến tranh, nhưng sự sụp đổ của nhà Tống đã mở cửa ngõ cho chiến tranh tới. Nhà Nguyên lấy cớ mượn đường sang đánh Chiêm Thành để xâm lăng nước ta. Tuy quân giặc vào đến lãnh thổ, nhưng nỗ lực ngoại giao vẫn chưa chấm dứt. Trước khi rút lui vua Trần Thánh Tông cho để lại 2 lá thư gửi cho Trấn nam vương Thoát Hoan và quan Bình chương Hàng tỉnh như sau :

“ Chiếu trước kia riêng sắc rằng “ Quân ta không vào nước ngươi ” ; nay lấy cớ Chiêm Thành phản nghịch, mang đại quân vào nước tôi, tàn hại trăm họ, đây là việc làm sai trái của Thái tử, chứ không phải là nước tôi sai trái. Kính mong tuân theo chiếu chỉ trước, cho đại quân quay trở về, nước chúng tôi đáng dâng hiến cống vật, lại khác hơn trước nữa.” (Nguyên Sử, quyển 209, trang 4643)

Nội dung thư đã vạch rõ bên nào chính nghĩa, bên nào phi nghĩa. Ðiều này rất quan trọng về tâm lý, vì “ nghĩa ” đi kèm với “ dõng ”, người xưa có câu “ thấy điều nghĩa không làm không phải là dõng ” (kiến nghĩa bất vi vô dõng dã). Minh định được điều chính nghĩa nên quân ta càng đánh càng mạnh, vì phi nghĩa nên quân địch càng tham chiến càng sa lầy. Ðây không phải là điều võ đoán, sau khi cuộc chiến kết thúc, tháng 11 năm Chí Nguyên 28 [1291], viên Trấn thủ Vĩnh Châu, Lưỡng Hoài Vạn hộ phủ Thiên hộ Thái Vinh dâng thư về những sự quan yếu lớn về quân sự như sau :

“ Triều đình thưởng phạt không công minh nên quân lính không liều mình ; tướng soái bất hoà, bỏ mất cơ hội, mối tệ kể không xiết.” (Nguyên Sử quyển 209, trang 4649]

Nội dung thư phản ảnh đúng sự kiện [fact] quân lính không liều mình, mối tệ không kể xiết ; còn lý do thì phải xét rằng nếu người lính nức lòng vì chính nghĩa thì không đợi thưởng phạt rồi mới liều mình ; ngược lại vì không có chính nghĩa nên quân lính trở nên so bì nhút nhát.

Lược qua các điều đã nêu, thấy được việc ngoại giao dưới thời nhà Trần đã gặt hái được những điều căn bản sau đây :

- Dựa vào chiếu thư của Nguyên Thái Tổ vào năm Trung Thống thứ nhất [1260] các nhà ngoại giao kiên trì tranh đấu để hạn chế sự đòi hỏi của nhà Nguyên,

- Tìm cách duy trì hoà bình.

- Vạch rõ chính nghĩa và phi nghĩa.

- Nỗ lực ngoại giao để dân biết triều đình đã làm hết sức, nên cuối cùng khi chiến tranh xảy ra người dân thấy không còn con đường nào khác nên sẵn sàng hy sinh.


2. Giao hảo với lân bang :


Dưới thời nhà Trần phương tiện giao thông còn thô sơ, thông tin hạn chế; nên cái gọi là “ thiên hạ ” bấy giờ chỉ có mấy nước lân bang. Riêng nhà Nguyên đã là cừu địch ; phía bắc còn nhà Nam Tống phía nam có Chiêm Thành, triều đình ta đã cố gắng giao hảo.


1. Ðối với nhà Nam Tống :

Thế lực nhà Nam Tống bấy giờ chỉ còn các tỉnh phía nam sông Dương Tử cho đến Quảng Ðông, Quảng Tây. Năm Ðinh Tỵ [1257] quân Mông Cổ từ Vân Nam muốn mượn đường nước ta đánh thọc vào châu Ung [Nam Ninh], nhưng đã bị quân ta chặn lại (13) ; dựa vào cái thế “môi hở răng lạnh”, nước ta đã kéo dài hoà bình được mấy chục năm. Khi nhà Tống còn tồn tại triều đình ta vẫn tiếp tục liên lạc ngoại giao ; trong bộ chính sử Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư (kế thừa Ðại Việt Sử Ký đời Trần), hàng năm niên hiệu nhà Tống vẫn ghi song song với nhà Nguyên cho đến năm Kỹ Mão [1279], khi nhà Tống bị sụp đổ tại Nhai Sơn ; ý triều đình lúc bấy giờ muốn công nhận hai nước Trung quốc. Khi nhà nam Tống mất, số quan quân chạy sang nước ta được thu dùng. Trong trận Hàm Tử quan, Chiêu văn vương Trần Nhật Duật cho đạo quân này giữ nguyên quân phục Tống tham chiến ; quân Nguyên rất kinh hãi, tưởng rằng người Tống đã phục hưng và sang giúp, vì thế nên thua chạy (14).


2. Ðối với Chiêm Thành :

Khi nhà Nguyên chuẩn bị đánh Chiêm Thành, bèn sai người sang nước ta đòi hỏi giúp quân, giúp lương và mượn đường; năm Chí Nguyên thứ 20 [1583] vua Trần Thánh Tông gửi thư cho quan Bình chương nhà Nguyên từ khước như sau :

- Về việc gửi thêm quân : Chiêm Thành phụng sự nước thần đã lâu, cha thần chỉ lấy đức vỗ về, đến đời cô tử [con cô] này chỉ muốn phụng thờ chí của thân phụ. Từ khi cha thần quy phụ thiên triều đã 30 năm nay rồi, vũ khí can qua không hề dùng lại, quân lính cho về làm dân ; chỉ lo triều cống thiên triều, không có sự tính toan nào khác, mong các hạ soi xét.

- Về việc trợ lương : tiểu quốc vị trí giáp biển, ngũ cốc sản xuất không nhiều. Kể từ khi đại quân rút, trăm họ lưu vong, hơn nữa bị thuỷ tai và hạn hán, sáng no chiều đói, lương thực không có dư để cấp. Nhưng mệnh lệnh của các hạ, cũng không dám làm trái, nên sẽ cho nạp tại châu Vĩnh An, thuộc biên giới châu Khâm.

Còn việc triều đình giúp đỡ Chiêm Thành chống quân Nguyên, tuy sử nước ta có thể giấu không chép, nhưng các bộ sử Trung Quốc đều xác nhận điều này. Nguyên Sử chép An phủ sứ Quỳnh Châu Trần trọng Ðạt nhận được báo cáo của Trịnh Thiên Hữu rằng :

“ Giao Chỉ thông mưu với Chiêm Thành, dùng quân 2 vạn cùng 500 chiếc thuyền ứng viện.” (Nguyên sử quyển 209, trang 4641)

Nguyên Sử Ký Sự Bản Mạt của Trần Bang Chiêm đời Minh cũng xác nhận “ An Nam thông mưu với Chiêm Thành ” (Quyển 5 , trang 32).

Việc giúp đỡ Chiêm Thành ngoài vấn đề giao hảo với lân bang còn đóng góp tích cực trong công cuộc chống xâm lăng ; vì đạo quân của Toa Ðô, trải qua gian nan tại Chiêm Thành, khi đánh thọc vào phía nam nước ta, không còn giữ được mãnh lực buổi ban đầu.

Ngoài ra nếu liên tưởng đến việc vua Trần Nhân Tông thăm Chiêm Thành, gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Chế Mân để được đáp lễ với món quà hồi môn gồm hai châu Ô, Lý vị trí tương đương với hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, và phủ Ðiện Bàn tỉnh Quảng Nam ngày nay. Người viết tự hỏi rằng tuy quyền lực to của vị vua, nhưng Chế Mân nói sao với trăm họ Chiêm Thành, để tự tiện trao vùng đất lớn đến 10.000 km2 ? Phải chăng ngoài việc hồi môn, Chiêm Thành còn chịu một hàm ơn khác khá lớn, đó là việc nước ta đã giúp nước này chống lại quân Nguyên.


B. Ðối nội :



1. Ðoàn kết :


Bàn về sự đoàn kết, có thể nói thời đại nhà Trần là một hình mô hình tiêu biểu. Nhà Lý nhường ngôi chưa được bao lâu [1237], nội bộ nhà Trần có cuộc khủng hoảng rất lớn, tưởng chừng có thể làm lung lay cả triều đại . Bấy giờ Chiêu Thánh Hoàng hậu [tức Lý Chiêu Hòang], chánh cung của vua Trần Thái Tông không có con. Thái sư Trần Thủ Độ bèn rắp mưu đem Công chúa Thuận Thiên họ Lý, [vợ của Hoài vương Liễu, anh ruột nhà vua] lúc bấy giờ đang có thai ba tháng, làm vợ vua Trần Thái Tông, để mong có con nối dõi. Việc làm loạn luân này, khiến Liễu tức giận họp quân trên sông cái nổi loạn. Đến hai tuần sau, Liễu tự lượng thế cô khó lòng chống được, ngầm đi thuyền độc mộc, giả làm người đánh cá đến chổ vua xin hàng :

Lúc ấy vua đang ở trong thuyền, anh em nhìn nhau khóc. Trần Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền vua , rút gươm thét lớn :

- Giết thằng giặc Liễu.

Vua giấu Liễu trong thuyền, vội vàng bảo Thủ Độ :

- Phụng Càn Vương [tước hiệu cũ của Liễu thời triều Lý ] đến hàng đấy.

Rồi lấy thân mình che cho Liễu. Thủ Độ tức lắm , ném gươm xuống sông nói :

- Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các ngươi thuận nghịch thế nào ?

Vua nói giải hoà, rồi bảo Thủ Độ rút quân về. (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 2, trang 16)

Theo luân lý xưa đạo phu phụ rất quan trọng, việc thay vợ đổi chồng thường là nguyên nhân gây nên mối thù truyền kiếp. Rất may, vua Trần Thái Tông cương quyết bảo vệ tình nghĩa anh em, lấy sự đoàn kết làm trọng, giúp cơ nghiệp nhà Trần bước đầu xây nền móng vững chắc.

Không chỉ giữa vua Trần Thái Tông và Trần Liễu, trong tôn thất nhà Trần, tình đoàn kết còn thể hiện qua việc Hưng đạo vương hàn gắn mối bất hoà với Thượng tướng Trần Quang Khải ; ngay cả việc Trần Di Ái rời khỏi bàn tay của Sứ gỉả Sài Xuân được nêu ở trên, cũng nói lên tinh thần trở về nguồn của một người lầm lỡ. Rộng hơn, trên bình diện quốc gia, thì hội nghị Diên Hồng và Bình Than, mãi mãi là tấm gương sáng về sự đoàn kết.


2. Toàn dân kháng chiến :


Trước khi quân Nguyên xâm lăng, Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu phụ lão trong nước họp ở điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế sách đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người đều hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.

Bàn về việc này, Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời như sau :

Giặc Hồ vào cướp là nạn lớn của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà đợi phải ban yến hỏi kế các phụ lão hay sao ? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, cũng để dân chúng nghe lời dụ hỏi mà cảm khích hăng hái lên thôi…(Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 2, trang 50)

Sau khi thông qua dân chúng, chiến lược toàn dân đánh giặc được ban hành và trở thành pháp lệnh. Nguyên sử chép rằng khi quân Nguyên vào nước ta, thấy bảng yết thị treo khắp nơi như sau :

“ Phàm các quận huyện trong nước, nếu có giặc đến, cần tử chiến. Nếu lực không đương nổi, được phép trốn tránh vào trong núi, đầm, không được hàng giặc.” (Nguyên sử quyển 209, trang 4644)

Lời yết thị tuy ngắn ngủi, nhưng bao gồm 2 phương cách chủ động và thụ động. Chủ động là dùng chiến thuật du kích đánh giặc, phương cách thụ động được sử dụng trong hoàn cảnh bất lợi, thì rút lui, quyết không hợp tác với giặc. Kế sách này đã thực hiện khá thành công, bằng cớ sau cuộc chiến, Sứ thần nhà Nguyên Thượng thư Trương Lập Ðạo đến thăm nước ta, qua Thư Giảng Nghĩa gửi cho nhà vua, viên Sứ thần này đã có lời đả kích kế sách này như sau :

Nếu quân của nước lớn đến, nước nhỏ cố giữ bờ cõi, thua nhưng không chịu theo hàng ; thì dân chúng phải chạy tản cư đến vùng góc biển ; sống khổ sở lầm than, tuy sống cũng như đã chết, tuy còn cũng chẳng khác gì mất. Vậy góc biển tuy hiểm, nhưng không nương dựa được, đó là lý thứ nhất. (An Nam Chí Lược quyển 5, Trương Thượng Thư hành lục)


3. Thanh dã :


Thanh dã là hình thức tiêu thổ kháng chiến hay còn gọi là vườn không nhà trống. Trước khi Hưng đạo vương mất, nhà vua đến hỏi rằng “ Nếu chẳng may giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào ”. Hưng đạo vương đã đề cập đến chiến lược thanh dã.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, thanh dã, hay vườn không nhà trống, đã được thực hiện một cách khá triệt để ; bằng cớ khi quân Nguyên vào thành Thăng Long, thấy cung điện trống không :

Ngày hôm sau Trấn nam vương vào thành, thấy cung điện trống không, chỉ còn lưu lại chiếu sắc đã gửi đến cùng điệp văn của Trung thư tỉnh, bèn cho huỷ  hết. (Minh Sử quyển 209, trang 4644)

Ở chỗ đô thị, đất hẹp người nhiều như thành Thăng Long, mà còn thi hành được kế sách thanh dã ; thì những nơi làng quê, nhiều cây cối bụi rậm đất hoang có thể cất giấu dễ dàng, ắt phải thực hiện một cách hữu hiệu hơn. Bởi vậy quân Nguyên không áp dụng được phương cách lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, không kiếm được lương thực, nên bắt buộc phải lui quân. Trước khi rút lui, các tướng nhà Nguyên bàn về mối lo hết lương như sau :

“ … Sợ lương hết quân mệt, không thể giữ lâu, làm hổ thẹn triều đình ; chi bằng bảo toàn quân trở về.” (Nguyên Sử, quyển 209, trang 4648)


4. Dùng đoản binh, thắng trường trận :


Cũng trong lời dặn dò trước khi mất, Hưng đạo vương đã nhắc nhở đến thành công trong việc chống quân Nguyên như sau :

“ Vừa rồi Toa Ðô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Ðó là trời xui vậy. Ðại khái nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản chế trường là sự thường của binh pháp.” (15)

Ðoản binh là gươm giáo, sử dụng hầm hố, phục kích, đánh cận chiến, đó là sở trường của ta ; trường trận dựa vào cung tên, trận địa chiến, đánh nhanh thắng nhanh đó là sở trường của kỵ binh Mông Cổ. Quân phương bắc không quen nóng nực, thường khởi đầu xâm lăng nước ta vào mùa đông, muốn thắng nhanh, mở những trận địa lớn để kỵ binh dễ hoành hành ; nhưng khởi đầu quân ta thường cầm cự, rồi tìm cách rút lui vào những nơi hiểm trở để bảo toàn lực lượng. Quân địch buộc phải chia nhỏ để truy kích lục soát, do đó đã bước vào những chiến trường do quân ta chọn lựa sẵn với hầm hố, phục binh, ngựa bị sụp hố sa lầy ; kỵ binh Mông Cổ không thể thi triển được kỹ năng. Do vậy trước khi rút lui, quan quân nhà Nguyên đã họp bàn, thú nhận như sau:

“ Người Giao chống lại quan quân, tuy mấy lần bị bại, nhưng tăng binh thêm lắm ; quan quân mệt nhọc, tử thương nhiều, quân kỵ của Mông Cổ không thể thi triển kỹ năng.” (Nguyên Sử quyển 209, trang 4645)

Lấy thời gian và không gian làm vũ khí chiến lược, nhắm vào mùa hè lúc quân địch bắt đầu mỏi mệt vì nóng nực, ta bắt đầu phản công ; với các trận lớn như Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết khiến quân địch buộc phải tháo lui.


5. Chặn đường rút lui.


Quân Nguyên dưới quyền chỉ huy của Trấn nam vương Thoát Hoan qua hai lần rút lui đều gặp khó khăn. Hầu như quân ta đã biết trước ý định của giặc, nên điều động đại quân chờ sẵn, đánh những đòn quyết liệt để tiêu diệt ý chí phục thù của đối phương.

Trong cuộc lui quân năm Ất Dậu [1285], khi quân Nguyên mới sang phía bắc sông Hồng đã giao tranh lớn, kế đến bị quân của Trần Quốc Toản phục kích tại sông Cầu, rồi phá hủy cầu phao, quân Nguyên bị chết rất nhiều mới rút lui được ra khỏi biên giới :

Quan quân họp các tướng lại bàn :

“ Người Giao chống lại quan quân, tuy mấy lần bị bại, nhưng tăng binh thêm lắm ; quan quân mệt nhọc, tử thương nhiều, quân kỵ của Mông Cổ không thể thi triển kỹ năng.”

Rồi bỏ kinh thành, vượt sông sang bờ phía bắc, quyết nghị rút quân về đóng tại châu Tư Minh. Trấn nam vương chấp thuận, bèn mang quân trở về. Ngày hôm đó, Lưu Thế Anh cùng quân của Hưng đạo vương, Hưng ninh vương hơn 2 vạn người, giao tranh lớn.

Rồi quan quân đến sông Như Nguyệt [sông Cầu], Nhật Huyến sai Hoài văn hầu [Trần Quốc Toản] đến đánh, khi đến sông Sách cầu phao vượt sông bị phá, Tả thừa Ðường Ngột Ðãi chưa kịp vượt sông mà trong rừng phục kích nổi lên, quan quan bị chết trôi nhiều, phải hết sức đánh mới ra khỏi biên giới..

Cuộc rút lui năm Mậu Tý [1288] lại còn thảm bại hơn. Thuỷ quân bị đánh tan tại sông Bạch Ðằng, Bạt đô [Dũng sĩ] Ô Mã Nhi bị bắt. Riêng quân bộ đụng phải chiến tuyến dải hàng trăm dặm, khiến Thoát Hoan thua bại, phải lặn lội theo đường tắt trở về Tàu. Nguyên sử chép như sau :

Trấn nam vương đến ải Nội Bàng, giặc tập trung đông, vương phá được. Sai Vạn hộ hầu Trương Quân dùng 3000 quân tinh nhuệ đi đoạn hậu ; điệp báo cho biết Nhật Huyến cùng bọn Thế tử, Hưng đạo vương mang quân 30 vạn giữ ải Nữ Nhi đến Khâu Cấp Lãnh liên hoàn hơn 100 dặm để chẹn đường về. Trấn nam vương dùng đường tắt qua huyện Ðơn Kỷ, hướng Lộc Châu rồi đến châu Tư Minh. Mệnh Ái Lỗ đưa quân về Vân Nam ; Áo Lỗ Xích mang quân về phương bắc. (Nguyên Sử quyển 209, trang 4645-4646]

*

Trang sử vinh quang thời Trần là niềm hãnh diện của dân tộc, cũng là tấm gương soi cho hậu thế. Ngày nay tuy thời thế đổi thay, vũ khí được canh tân hiện đại hoá, nên một số chiến thuật có thể thay đổi ; tuy nhiên về chiến lược giữ nước của người xưa có những yếu tố khả dụng cần được nghiên cứu kỹ để rút kinh nghiệm và học hỏi.


HỒ BẠCH THẢO


Chú thích


1. Thiện Xiển : tức Côn Minh, thuộc tỉnh Vân Nam.

2. Sài Xuân : có sách phiên âm là Sài Thung vì chữ xuân ( 春 ) và thung ( 舂 ) giống nhau.

3. An Nam Chí Lược, dẫn theo Hồ Bạch Thảo, Những Nét Ðặc Trưng Về Lịch Sử Việt Nam, trang 94-95, USA:Mr Print,2002

4. Cửa khổn tức cửa thành.

5. Tuyệt vực : nơi xa xôi.

6. Chung Quân và Lục Giả đều là sứ nhà Hán từng đến nước ta ; Lục Giả đi sứ dưới thời Hán Cao Tổ, Hán Văn đế ; Chung Quân thời Hán Vũ đế. Chung Quân giữ chức Bác sĩ năm 18 tuổi, Vũ đế ngạc nhiên về văn tài thăng đến chức Gián nghị Đại phu. Lúc ra đi Chung Quân huyênh hoang sẽ mang dây trói Vương nước Việt về, nhưng cuối cùng bị Thừa tướng Lữ Gia giết năm hai mươi tuổi. Vì y thông minh nên người đời mệnh danh là Chung Đồng.

7. An Nam Chí Lược, dẫn theo Hồ Bạch Thảo, Những Nét Ðặc Trưng Về Lịch Sử Việt Nam, sách đã dẫn trang 91-92

8. Tĩnh Giang : Nhà Nguyên lập Tĩnh Giang lộ Tổng quản tại Quảng Ðông.

9. An Nam Chí Lược, dẫn theo Những Nét Ðặc Trưng Về Lịch Sử Việt Nam, trang 93.

10. Trương Lập Ðạo : Sứ thần nhà Nguyên đến nước ta năm Chí Nguyên Thứ 28 [1291]

11. Cô : vua thường tự xưng là cô hay quả nhân.

12. An Nam Chí lược, quyển 3, Ðại Nguyên phụng sứ.

13. An Nam Chí Lược, quyển 5, Chinh thảo vận hướng.

14. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 2, trang 55.

15. Ðại Việt Sử Kỳ Toàn thư, tập 2, trang 79.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss