Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Chuyện lạ xứ Mường

Chuyện lạ xứ Mường

- Phạm Quang Đẩu — published 07/12/2011 11:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Họ như mạch nước ngầm trong rừng, âm thầm nhẫn nại truyền từ đời này qua đời khác cái tập tục cổ sơ, tín ngưỡng độc đáo cùng một đức tin không gì lay chuyển để mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho đồng loại, khó mà lý giải được ngọn ngành việc làm của họ theo cách hiểu của khoa học thông thường.


Chuyện lạ xứ Mường


Phạm Quang Đẩu



Hòa Bình chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đầy 80 km, song ngày nay nhiều người vẫn nghĩ tỉnh miền núi này xa cách lắm, tâm trí họ còn ám ảnh đây là nơi “ma thiêng nước độc”. Các nhà khảo cổ học thì từ lâu đã khẳng định: Hòa Bình là cái nôi của người Việt cổ, với Văn hóa Hòa Bình thời đại Đồ đá mới. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về người Mường Hòa Bình, mà cố học giả Nguyễn Từ Chi (1925-1995) là người nổi tiếng nhất. Song đi tiên phong và để lại những dấu ấn sâu đậm về địa lý nhân văn - xã hội học lại thuộc về các học giả Pháp từ những năm đầu của thế kỷ trước, nổi bật là cuốn sách đồ sộ Les Mường Géographie humaine et Sociologie của nữ tiến sĩ Jeanne Cuisinier xuất bản ở Paris năm 1948. Dù sao việc tìm hiểu và giới thiệu về người Mường Hòa bình vẫn còn ít ỏi và đến hôm nay Xứ Mường là một tỉnh nghèo trong cả nước, dường như vẫn sống khép kín ngay trước cửa ngõ thủ đô. Riêng với người viết bài này, đời sống văn hóa tâm linh phong phú và độc đáo của họ, đã in đậm vào tâm khảm suốt thời thơ ấu. Gia đình tôi ngày đó luôn phải tản cư theo cơ quan “Ủy ban kháng chiến” của bố tôi, từ tấm bé tôi thường sống trong các xóm Mường heo hút.

Và giờ đây trong ngày xuân, có những kỷ niệm xưa bỗng chốc ùa về…


BÙA ẾM


Ngày ấy nhà tôi ở xóm Cầu Bục, thuộc huyện Lạc Sơn, có Mế Thật (mế tiếng Mường là mẹ, bà) được tiếng là biết nhiều thuật “ếm” (ếm tiếng Mường là chài, cũng có nghĩa như sắc bùa). Năm đó tôi 6-7 tuổi (1953), đã được tận mắt chứng kiến cái tài ếm của Mế Thật. Có con trâu mộng của ông hàng xóm húc nhau ngoài đồng bị vết thương khá nặng, máu đỏ lòm bả vai trước, ruồi nhặng bu kín, chỉ vài ngày sau chỗ đó đã mưng mủ có dòi. Mấy buổi sáng tôi sang rủ cậu hàng xóm đi học, đều thấy cậu một tay bịt mũi, tay kia lấy que khều những con dòi trắng lổm ngổm trên vai trâu. Vết thương ngày càng xưng to, nặng mùi, con trâu đã yếu hẳn, nằm bệt, mắt lờ đờ biếng ăn, nhãi nhớt nhểu ra. Rồi không biết ai mách, ông hàng xóm mời được Mế Thật. Mế tuổi trạc sáu mươi, lưng còng, mặt nhăn nhúm, mắt kèm nhèm, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Người Mường thường nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà. Mế đến cạnh con trâu lấy trong cạp váy ra một cuộn dây thừng, bảo cậu con chủ nhà trèo lên buộc vào sàn cho rủ xuống, đầu dây chạm đúng giữa vết thương của trâu. Trước đó Mế đã làm “động tác” gì với sợi dây không ai biết, chỉ thấy Mế cúi đầu, lẩm bẩm một lúc. Mế bảo với chủ nhà, ngày mai dòi bắt đầu chui ra, nội trong ba ngày là sạch, trâu có thể đi cày. Tôi và cậu bạn hồi hộp lắm. Sáng hôm sau mới bảnh mắt cậu ta đã chạy sang nhà tôi nhấm nháy bảo sang ngay. Không thể tin vào mắt mình: dòi đang lũ lượt bò từ vết thương leo ngược sợi dây, rồi rơi lả tả xuống đất. Chỉ ba, bốn ngày vết thương se miệng, đỡ hôi hám và chú trâu đứng dậy, bắt đầu nhai rơm soàm soạp. Mãi đến gần đây, tôi còn được biết thêm chuyện của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, sinh năm 1938, vốn là trưởng phòng của Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ, hiện ở TP.Việt Trì, từng có nhiều năm sống với người Mường Thanh Sơn (Phú Thọ). Ông cũng kể đã được chứng kiến thuật “nèm” của người Mường ở xóm Trào, xã Mỹ Thuận lấy dòi trong vết thương trâu bò; còn biết cách “nhốt” muỗi để ngủ không phải mắc màn cũng bằng một sợi dây thừng treo ở góc nhà sàn.

Với Mế Thật ngày đó, tôi còn biết không chỉ có tài ếm cho gia súc, Mế còn ếm được cả người để xe duyên. Chuyện là, ở xóm Cầu Bục có anh chị như... đôi đũa lệch. Anh chuyên đi nương kiếm củi, đen đúa, bé nhỏ, còn chị tên Mái (tiếng Mường: Mái là Gái) cao ráo, mặt trái xoan, da trắng hồng. Bình thường chị đâu để ý đến anh, còn anh chỉ là thầm yêu trộm nhớ thôi. Rồi anh trở nên ngơ ngẩn, nằm thở dài thườn thượt ở nhà, chẳng muốn lên rừng nữa. Bố mẹ dò hỏi mới biết con mình phải lòng cô Mái ở cuối xóm. Hết cách, họ phải nhờ đến Mế Thật. Lần này không phải sợi dây mà là cái khăn nhỏ, bên trong bọc một nắm lá tươi. Gió đã đổi chiều, sau đó hoa hậu xóm tôi say như điếu đổ anh kiếm củi xấu trai nọ. Khi anh chị đã có một mặt con, lần ấy gặp tôi hỏi sao anh “tài” thế? Anh cười hết cỡ, bảo là theo lời Mế, đã bí mật tập kích vào nhà chị, để gói bùa ếm xuống dưới gối đầu giường chị (Thời đó ở các xóm Mường, khi mọi người ra đồng cả, không nhà nào phải khép cửa hay khóa cửa). Giữa năm 1972 tôi nhập ngũ, tình cờ đơn vị đóng quân gần Cầu Bục, đã về thăm lại nơi ở cũ. Anh chị Mái đều đã ngoài năm mươi tuổi, con cháu đầy nhà. Mế Thật thì mất đã lâu, trên bàn thờ nhà anh chị có một bát hương thờ Mế (Mế góa chồng từ hồi trẻ, ở vậy không con cái). Anh còn dẫn tôi ra vườn, chỉ một đám cây bụi có lá mảnh dài và nhọn, bảo đó chính là thứ lá bọc trong khăn ếm dạo nào đấy. Mế Thật sau này có truyền bí quyết ếm cho anh, đôi lần thực thi đều hiệu nghiệm. Tôi hỏi: Bùa ếm chỉ có một loại lá ấy thôi ư? Anh bảo, Mế cũng truyền cho vài cách khác, là nắm gạo, nắm muối hà hơi vào, đọc lời chú kể tên người định ếm rồi lặng lẽ bỏ giữa cổng, người ấy vô tình dẵm phải là ốm tương tư liền. Rồi anh bảo tôi: Xóm có một ún (em) xinh lắm, không kém chị Mái ngày xưa, em thích anh ếm cho…


THẦY MO THẾ TRUYỀN


Cuốn sách của J. Cuisinier có đoạn khá tỉ mỉ về chức danh thầy mo: “Các thầy phù thủy được gọi bằng tên khác nhau, tùy theo lúc họ làm các lễ nghi khác nhau. Gọi là thầy mo lúc làm ma chay, gọi là thầy Thương(ở vùng Mường Bi), hoặc thầy Khương(ở vùng Mường Vang) đối với các lễ nghi khác… Ở Kim Bôi, thầy mo của thổ lang không được làm nghi lễ ma chay cho các gia đình nông dân, song các buổi lễ khác thì có thể. Chức vụ của ông ta là thế truyền, giống như ở Mường Bi, ông ta coi mình là người đứng đầu tất cả các thầy mo và thầy Thương trong vùng…”


xom-lam

Xóm Lầm ở Tân Lạc, Hòa bình



tui-phep

Thầy mo Lựng và túi Khoát

Hiện ở xóm Lầm (thuộc xã Phong Phú, huyện Kim Bôi) có một “thầy mo thế truyền” tên là Bùi Văn Lựng. Đến ông là đời thứ 7 của họ Bùi xứ Mường Bi (tỉnh Hòa Bình xưa có 4 xứ Mường lớn: nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động) làm nghề này. Người Mường thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng đa thần giáo, thầy mo rất được trọng vọng, coi là sứ giả giữa chốn thần tiên và cõi trần ai.

Mộ tiếng thầy mo thế truyền nọ, trong một ngày xuân thong thả, tôi đã rủ một số bạn bè lặn lội tìm đến xóm Lầm. Đường vào nhà thầy hết lội suối lại leo dốc khá vất. Xóm Lầm hiện ra bên sườn đồi với khoảng vài chục nóc nhà quần tụ trong nắng sớm trải vàng nom thật thanh bình, hút mắt. Ngôi nhà sàn của mo Lựng chính giữa xóm, mái lợp tranh, khung sườn đều bằng gỗ tốt. Người đàn ông đã bước sang tuổi 55 ấy có dáng vóc chắc nịch, cân đối, khuôn mặt vuông vức, miệng cười tươi và hiếu khách. Ông mời chúng tôi đến ngồi uống nước trước ban thờ ở chính diện. Trên cùng thờ thần Tản Viên (Sơn Tinh con rể Vua Hùng), có treo đôi gươm cổ, dưới thờ gia tiên, hai cột đỡ ban thờ phía trước treo cặp sừng trâu. Trước khi đến đây, chúng tôi đã được dân địa phương kể, ông mo gia truyền này có hai điều hơn các mo khác: thuộc làu sử thi Đẻ đất đẻ nước gồm năm vạn câu thơ và sở hữu nhiều thứ bùa ếm linh lắm. Đẻ đất đẻ nước thực sự là một bộ “kinh Co-ran” thâu tóm toàn bộ đời sống văn hóa tâm linh của người Mường từ ngàn xưa. Thầy mo hát sử thi trong cúng giỗ để linh hồn người chết sớm được siêu thoát; trước ban thờ để giải tà ma, người ốm trở nên khỏe mạnh. Khi được hỏi về mức độ đồ sộ của bộ “kinh” Mường, chủ nhà cười bảo, từng có lần mo Đẻ đất đẻ nước năm ngày đêm liền mới hết từ câu đầu đến câu cuối. Và theo yêu cầu của khách, ông hát trích đoạn: mo con người sinh ra, mo làm nhà, mo cấy lúa, mo lễ hội…với giọng trầm bổng điêu luyện. Có người còn muốn ông mo thử đám tang. Ông lắc đầu bảo là hát đám tang trong nhà thì hồn ma kéo về quấy nhiễu, nhà mo sẽ gặp họa, muốn nghe phải đi chỗ khác. Trong khi ngồi nói chuyện, thấy ông vẫn kè kè bên mình cái túi vải thô căng phồng, tôi tò mò hỏi túi gì? Mo Lựng bảo túi Khoát đấy, nhưng không phải ai cũng được biết thứ đồ gia bảo trong đó. Thế rồi chúng tôi mỗi người một câu, đều nài mo mở túi để có duyên được chiêm ngưỡng vật thiêng. Hóa ra ông là người cả nể, sau ít phút chần chừ liền dốc túi, đổ mọi thứ ra cái mâm đồng. Toàn những thứ đồ cổ mòn tay người, bóng màu thời gian: các miếng đá thạch anh, cẩm thạch, lưỡi rìu đá, lưỡi xéo đồng, trống đồng Đông Sơn, răng cửa hà mã, răng lợn lòi, nanh sói, sừng sơn dương…đặc biệt bộ hàm tinh tinh hóa thạch mà chủ nhà cho là cả Mường Bi không đâu có. Thật thú vị, J. Cuisinier gần 70 năm trước, trong tiểu mục “Những viên đá tầm sét” bà cũng có đoạn miêu tả về xuất xứ những thứ bùa ếm của thầy mo: “Mọi đồ vật bằng đá cuội, bằng đồng hun, bằng sắt hoặc bằng gang nhặt được trong đất đều coi như đuổi được tà ma, phòng ngừa bệnh tật. Vì vậy mà các thầy phù thủy người Mường bao giờ cũng có bộ đồ thu thập nhiều hay ít các viên đá tầm sét.” Theo cách lý giải của mo Lựng thì túi Khoát của ông ta để dùng vào việc giúp người đau ốm, mỗi vật trong đó tượng trưng cho một mệnh. Khi hành lễ, thứ trong túi được đổ ra một chậu nước sạch hoặc ngâm vào rượu sau đó bôi lên đầu người bệnh để lấy vía. Đồ vật ếm vào người bệnh khoảng thời gian nhất định và thầy mo hát một đoạn sử thi, đó như là một cách truyền cho người bệnh niềm tin vào sự diệu huyền của đất trời, cùng tiếng trống đồng bùng bục khi cúng sẽ giúp đưa luồng sinh khí mới vào cơ thể. Mo Lựng có gần 10 năm trong quân ngũ, sau khi phục viên chỉ chuyên chú vào việc làm thầy theo nghề gia truyền tổ tiên để lại. Ông với bảo bối “túi Khoát” đã có những giúp đỡ cụ thể về tâm linh, chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người bằng cúng lễ, bùa ếm… rất khó mà đo đếm, chính ông cũng không nhớ rõ, chỉ biết ông luôn được dân địa phương trong vùng tín nhiệm, tôn trọng. Có thể gọi ông là một phần không thể thiếu của văn hóa tâm linh Mường Bi hôm nay.


trong tui

Vài thứ bùa ếm trong túi Khoát


Tạm biệt Mường Bi. Tạm biệt cái xóm nhỏ hệt như cái xóm nhỏ tôi đã sống mấy chục năm về trước. Và nhớ đến Mế Thật tốt bụng chỉ ếm giúp người. Mo Lựng ở đây thuộc hàng cháu chắt Mế, đang là một trong nhiều truyền nhân về văn hóa tâm linh của dân tộc này. Họ như mạch nước ngầm trong rừng, âm thầm nhẫn nại truyền từ đời này qua đời khác cái tập tục cổ sơ, tín ngưỡng độc đáo cùng một đức tin không gì lay chuyển để mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho đồng loại, khó mà lý giải được ngọn ngành việc làm của họ theo cách hiểu của khoa học thông thường.


Phạm Quang Đẩu


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss