Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Cung Tiến

Cung Tiến

- Bùi Đức Hào — published 13/09/2008 10:12, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17


 CUNG TIẾN
qua Camille Huyền và Walther Giger



Bùi Đức Hào



Cái đập vào mắt khách thơ thẩn dạo văn hóa phẩm giữa Sài Gòn như tôi, trước tiên là một cái tên từ lâu hằng ngưỡng mộ : Cung Tiến.

Rồi đến sự bất ngờ thấy một người nước ngoài làm hòa âm cho « Cung Tiến Art Songs » - cái tên nghe hay hay -, cùng với  sự trang nhã trong cách trình bày CD. Tất cả như bắt giọng, dọn chỗ cho một cuộc giao duyên nghe chừng thật đắc ý giữa thi, họa và nhạc, trên nền giao lưu văn nghệ mang ít nhiều màu sắc quốc tế.


Một lời tựa xuất sắc


Lần vào ngay trang đầu Album, nét đặc trưng tâm hồn người hát như đã bộc lộ qua những dòng phi lộ dễ gây sức thu hút : một hành trình độc đáo được kể lại bằng một giọng tự nhiên, trong sáng, lãng mạn mà đậm đà, nhiều say mê nhưng cũng không kém phần tinh tế, cho thấy một ý đồ, một cách tiếp cận vừa khôn khéo, táo bạo vừa mang nhiều tính chuyên nghiệp trong cách thực hiện.

Chả thế mà Cung Tiến cũng đã nhìn nhận “ một dự án đầy công phu và suy nghĩ ” trong trang cảm tưởng ở cuối tập Album.

Về sức khơi gợi của Lời Tựa, Nguyễn Tường Giang - tác giả một bài thơ được phổ nhạc trong CD - đã thổ lộ : “ Camille Huyền, tôi chắc phải là một thiếu phụ trẻ, đẹp và rất có tâm hồn để có thể viết những cảm nhận về nhạc Cung Tiến một cách mê say và sâu sắc đến thế. Tiến trình học nhạc để được hát những bản nhạc mình thích thật là cảm động.


Nhờ nhạc mới nói đến thơ


Đi vào nội dung tác phẩm,  có thể nói điều thích thú nhất cho kẻ viết bài này, cũng giống như phát biểu của Trần Thùy Mai ở phần ghi cảm tưởng trong Album, là “ khám phá ” ra những tác phẩm hậu “ Thu Vàng - Hoài Cảm - Hương Xưa ”. Cũng nhờ Album này mới hay là Cung Tiến đã nhiều lần được vinh danh ở Mỹ. Là nhà soạn nhạc tài hoa, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm tầm cỡ. Đối với nhạc nhẹ Việt Nam, sự kiện Cung Tiến được gợi hứng từ nhiều bài thơ đủ thể loại và thời đại (1), tự nó đã phong phú và quý báu.

Đối với những sáng tác của các thi sĩ có mặt ở Miền Nam trước đây, thì không có vấn đề phiên bản. Ngược lại, hai bài thơ nổi tiếng mang tựa đề Đôi bờKẻ ở, mà Cung Tiến đã phổ nhạc, thì chắc hẳn là cần được xem lại vì có chỗ không đúng hoặc không khớp với bản gốc.

Thật thế, về trường hợp bài Kẻ ở, Nam Chi đã có lần phân tích trên măt báo Đoàn Kết (2) : tên bài thơ là Dặm về, và tác giả là Nguyễn đình Tiên chứ không phải Quang Dũng ( trong Album có để dấu hỏi).

Trường hợp bài Đôi bờ, ta có thể dừng lại đôi chút để so sánh phiên bản được dùng trong CD với phiên bản lưu hành tại Việt nam hiện nay (3).

Bài thơ bắt đầu bằng bốn câu :

1.  Thương nhớ ơ hờ , thương nhớ ai ?
2.  Sông xa từng lớp lớp mưa dài
3.  Mắt kia em có sầu cô quạnh
4.  Khi chớm heo về một sớm mai

Ở Sài Gòn, người ta vẫn quen đọc “Khi chớm thu về một sớm mai”; chắc vì ai đó ( không biết gió heo may? ) đã sửa lại và cho rằng như vậy sẽ “ thơ ” hơn chăng.

Phiên bản Cung Tiến dùng cũng kế thừa điều ấy.

Bài thơ đi tiếp :

5. Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
6. Bên này em có nhớ bên kia
7. Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
8. Quạnh vắng chiều sông lạnh bến tề

Phiên bản Cung Tiến rất trung thành với trí nhớ của những người quen nghe Tao Đàn thời trước, cho nên :

-   Câu 6 đổi thành câu 6’ :  Kinh thành em có nhớ bên kia

-   Câu 7’:  Giăng giăng mưa bụi quanh  phòng tuyến

-   Câu 8 : Hiu hắt chiều sông lạnh đất Tề

Vấn đề trở nên trầm trọng hơn chuyện thay đổi vài từ. Chữ kinh thành quá đặc thù , khó lòng có thể “ châm chước” việc đổi lời thơ của tác giả. Mà tệ hại nhất có lẽ là chữ đất Tề ( đã đất rồi, lại còn Tề viết hoa, tưởng chừng như muốn cho Quang Dũng lạc vào một mê hồn trận điển tích Trung Hoa nào đó, trong khi tác giả chỉ muốn nói đến bến sông vùng giặc tạm chiếm !).

  9. Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
10. Ðêm đêm sông Ðáy lạnh đôi bờ
11. Thoáng hiện em về trong đáy cốc
12. Nói cười như chuyện một đêm mơ

Ở đọạn này, may thay, hoàn toàn không có chuyện dị bản. Thế nhưng, đến bốn câu cuối cùng của nguyên tác dưới đây thì phiên bản Album lại bị đưa đi… xa lắc:

13. Xa quá rồi em người mỗi ngả
14. Bên này đất nước nhớ thương nhau
15. Em đi áo mỏng buông hờn tủi
16. Dòng lệ thơ ngây có dạt dào

Trong CD, ta đọc (Câu 13’ ) : Xa lắc rồi em người mỗi ngả.

Và chuyện lạ nhất là ( Câu 16’) : Là hết, thôi rồi chuyện trước sau.

Sự khác biệt với nguyên tác đã vượt quá vòng lý giải “ du di” có thể cho qua được.

Tóm lại, đây là một điều rất đáng lưu ý, nhưng chỉ về mặt văn học, chứ hoàn toàn không dính dáng gì đến âm nhạc. Chắc Cung Tiến chỉ là “nạn nhân” của một tình trạng “tam sao thất bổn”, thay đổi tùy tiện câu chữ trong văn chương nói chung và thi phẩm nói riêng của Việt Nam. Cũng có thể  phần nào do tình hình Đất Nước bị chia cắt, thơ Quang Dũng bị “nhiễu” quá nhiều, trải qua một thời kỳ lịch sử nhất định.

Vì thế, bây giờ chính là lúc (muộn còn hơn không) để nêu vấn đề “hiệu đính” cần thiết. Điều đáng ngại và sẽ khó xử cho Cung Tiến là dòng nhạc sẽ khó lòng giống nhau giữa câu 16’( đã phổ rồi) và câu 16 của bản gốc nay cần khôi phục lại !


Về giá trị nghệ thuật âm nhạc


Phê bình về các sáng tác mới sau Hương Xưa ( 1955) của Cung Tiến cũng như về giá trị âm nhạc của CD  không phải là mục đích của bài viết ngắn ngủi này. Xin nhường cho những nhà phê bình có thẩm quyền cũng như giới thưởng ngoạn nghệ thuật.

Riêng tôi, chỉ cảm thấy thèm cái nhạc tính, tiết tấu và âm điệu – có thể là ít bác học hơn nhưng biết bao tự nhiên thanh thoát và ru hồn – của những tác phẩm Cung Tiến “thời trước”. Cái mạch nhạc thần diệu đã tuôn ra trong Thu Vàng, Hoài Cảm, khi tác giả chỉ mới 14, 15 tuổi (hình như là trường hợp duy nhất của nền văn nghệ Việt Nam) đúng là khó tìm lại được.

Mặt khác, cái đắt giá của một bài hát phổ thơ – theo thiển ý – là làm sao cho người ta không còn nhận ra là nó đã được làm từ một bài thơ. Nói cho cùng, điều này nằm trong quy luật chung của sáng tạo nghệ thuật : tác phẩm thành công là tác phẩm có cá tính và “kiếp sống” riêng, độc lập với cái duyên cớ gây cảm hứng ban đầu đã khai sinh ra nó.

Đứng về mặt thuần túy âm nhạc, ta có thể kể nhiều ví dụ kiệt tác thơ phổ nhạc trong đó bài thơ gốc không bị “lộ chân tướng”, câu nhạc không lệ thuộc vào âm điệu và khổ thơ, như Thuyền và biển , Thơ tình cuối mùa thu ( Phan Huỳnh Điểu / Xuân Quỳnh), Kiếp nào có yêu nhau ( Pham Duy / Minh Đức Hoài Trinh), Ngậm ngùi ( Phạm Duy / Huy Cận)…

Nếu phải phát biểu một chút cảm tưởng không trốn tránh ở đây về những nhạc phẩm trong CD thì xin mạo muội thưa rằng các bài hát (mới) của Cung Tiến rất khó thể hiện về mặt kỹ thuật : nó đòi hỏi người hát phải có giọng thiên phú, nghĩa là đầy, đừng quá mỏng, và biên độ ( amplitude) phải rộng.

Chỉ lấy cảm xúc để hát thôi thì rất quý nhưng vẫn chưa đủ, nghĩa là chưa lột tả đươc hết tác phẩm. Điều này càng cần đặc biệt lưu ý khi phải trình bày trước công chúng không hiểu tiếng Việt.

 Về phần hòa âm, xin ngả mũ tán dương Walther Giger, trong cách anh tiếp cận cái hồn nhạc Cung Tiến và thể hiện, mà đỉnh cao có lẽ là phần đàn trong bài Hoàng Hạc Lâu.

Như thế, tuy là người không chuyên nghiệp, Camille Huyền đã đi tới cùng dự án của mình và đã thành công trên nhiều mặt, dù chưa phải là không còn chỗ cho sự hoàn thiện. Đưa thơ và tác phẩm Cung Tiến đến mọi người, kể cả ca từ, – tôi nghĩ tới phần dịch ra tiếng Anh toàn bộ lời các bài hát – là một nỗ lực đáng trân trọng.

Một dự án hoàn thành tốt đẹp, khởi từ những rung động mãnh liệt và lâu bền, đủ để gây cảm xúc ngay cho những người như Nguyễn Tường Giang: “ tôi đã từ lâu xa lánh sách vở, âm nhạc và văn chương, nhưng rất vui là trên " cõi nhân gian " này vẫn có những say mê về cái Đẹp ”.

Mong rằng cái Đẹp sẽ giúp ta dễ lắng nghe, thăng hoa và sáng tạo.


Bùi Đức Hào

Vũng Tàu, hè 2008


 


(1)  Trần Dạ Từ, Quang Dũng, Thanh Tâm Tuyền, Thôi Hiệu (Vũ Hoàng Chương), Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Đình Tiên, Phạm Thiên Thư

(2)  Đã được sự xác nhận của tác giả Nam Chi (Đặng Tiến) qua liên lạc riêng, mặc dù rất tiếc chưa tìm ra được chính xác xuất xứ bài báo đã xuất bản.

(3)  Thơ Quang Dũng, Thi Ca Việt Nam chọn lọc, NXB Đồng Nai

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss