Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Dinh Tân xá

Dinh Tân xá

- Chu Sơn — published 31/03/2012 10:16, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
...nếu chúng ta cứ bảo đây là một trong rất ít công trình kiến trúc xưa cũ nhất hiếm hoi còn sót lại trong cái thành phố đang thay da đổi thịt từng ngày thì chẳng còn ai bàn cãi gì nữa cả...


Dinh Tân Xá, ngôi nhà rường
kiểu Huế xưa nhất ở Sài Gòn?


>

Chu Sơn


Dinh Tân xá



Nhiều người hỏi đây có phải là ngôi nhà cổ nhất ở Sài Gòn? Chưa có tài liệu dứt khoát trả lời câu hỏi này. Nếu có ai đó khẳng định rằng đây là ngôi nhà cổ xưa nhất thì chắc chắn có nhiều người phản đối. Vậy mà chưa có nhà nghiên cứu nào giới thiệu cho công chúng thành phố và du khách về một ngôi nhà nào đó là tối thượng thọ của Sài Gòn 300 năm. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ bảo đây là một trong rất ít công trình kiến trúc xưa cũ nhất hiếm hoi còn sót lại trong cái thành phố đang thay da đổi thịt từng ngày thì chẳng còn ai bàn cãi gì nữa cả.

Phần đông du khách ghé thăm tòa Tổng Giám Mục thành phố đều tò mò muốn biết tại làm sao mà trong khuôn viên tòa Tổng Giám Mục, bên cạnh những dãy nhà cao tầng, những cây cổ thụ ngoại nhập to cao lại có một ngôi nhà già nua, cũ kỹ, thấp bé trông có vẻ lạc lõng, khiêm tốn và chịu đựng đến như vậy? Bác Nguyễn Văn Quí người giúp việc tại tòa Tổng Giám Mục thành phố, có thể giải đáp đôi điều qua tập tài liệu bác đã sưu tầm về những công trình kiến trúc Thiên Chúa đầu tiên tại Nam Bộ.

“... Năm 1790 đức cha Pigneau de Bechaine (Bá Đa Lộc) qua đời tại Qui Nhơn, thi hài của ngài đưa về quàng tại dinh Tân Xá...


Giám mục Bá Đa Lộc

Vậy dinh TÂN XÁ là tên khai sinh của một khu nhà, là cơ ngơi mà Nguyễn Ánh cho làm để giám mục Bá Đa Lộc có chỗ ở sau khi ông đưa hoàng tử Cảnh đi cầu viện Pháp quốc trở về (1789). Từ lâu Bá Đa Lộc vừa là ân nhân vừa là thượng khách của Nguyễn Ánh trong cuộc trường chinh tranh bá đồ vương với nhà Nguyễn Tây Sơn.

Dinh Tân xá là chỗ để Bá Đa Lộc dạy hoàng tử Cảnh học tập, vừa là bản doanh của một nhân vật có vai trò là vị khâm sứ đầu tiên của tòa thánh La Mã, đồng thời cũng là đặc sứ đầu tiên của nước Pháp xa xôi đang khát khao tranh tìm thuộc địa.

“... Bấy giờ Tân xá tọa lạc bên bờ kinh – sau này gọi là kinh Thị Nghè – trên mảnh đất rộng nay là sở thú. Bá Đa Lộc đã bố trí thêm nhiều bót gác và thuê khoảng 100 người Miên làm lực lượng bảo vệ Tân Xá”.

“...Sau khi Bá Đa Lộc qua đời (1790) Nguyễn Ánh giao Tân xá lại cho linh mục Liot – bề trên của địa phận – quản lý. Hoàng tử Cảnh còn lui tới nơi đây nhiều lần để hương khói trong thời gian chịu tang thầy của mình. Năm 1811, linh mục Liot chết, Tân xá đóng cửa...”

“... Năm 1864, khi cử phái bộ đi Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, vua Tự Đức lại giao Tân xá cho cha Ngãi (?) làm tòa giám mục.”

“...Khi vườn Bách Thảo (Sở thú) khởi công xây dựng, ngôi nhà chính của Tân xá dời về trụ sở các linh mục thừa sai”.

“...Năm 1900, đức cha Mossard xây dựng tòa Tổng Giám Mục ở số 180 đường Richad (sau này là Phan Đình Phùng rồi Nguyễn Đình Chiểu) ngôi nhà được dời về địa chỉ này và từ đó trở thành nhà nguyện của tòa Tổng Giám Mục cho đến ngày nay”.

Tập tài liệu của bác Quí không nói Tân Xá được xây dựng năm nào. Chúng tôi cũng chưa thấy có tài liệu nào cho biết thời điểm khởi công và hoàn tất khu nhà. Như chúng tôi đã biết là cuối năm 1789 Bá Đa Lộc cùng hoàng tử Cảnh từ Pháp trở về. Như vậy ngôi nhà có thể xây dựng trước đó không lâu, hoặc cũng có thể Nguyễn Ánh dùng một ngôi nhà cũ chữa lại làm chỗ ở cho Bá Đa Lộc. Nếu tính từ 1789 đến nay (1999) thì công trình kiến trúc này đã trải qua 210 năm và tuổi thọ của nó là 210 cộng với khoảng thời gian từ khi nó được làm xong cho đến 1789. Việc tìm ra tuổi thọ của ngôi nhà này thuộc về các nhà nghiên cứu Sài Gòn học.

Ngôi nhà có kết cấu theo kiểu nhà rường Huế, ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, diềm lợp ngói âm dương, sườn và vách đố, cửa bằng gỗ, các dãy liên ba, thành vọng, các đầu kèo, đầu các xuyên trếnh, các dây đòn tay trước đều chạm khắc công phu. Hình chạm khắc là hoa, lá, chim, thú, hoa văn, các biểu tượng của tư tưởng và đạo lý của học thuật âm dương, ngũ hành, tứ thư, ngũ kinh. Nét chạm khắc mạnh mẽ, có phần thô cứng, chưa tinh tế mềm mại như các ngôi nhà rường ở miền Trung, miền Bắc. Tuy vậy vào thời điểm đó tại miền Nam với tình thế khó khăn của Nguyễn Ánh lúc bây giờ (chiến tranh với Tây Sơn) mà tạo dựng một ngôi nhà như thế cũng đã là một sự kiện. Và qua sự kiện này cho chúng ta thấy hoài vọng của Nguyễn Ánh vào vai trò của Bá Đa Lộc đối với việc cầu viện Pháp để chống lại Tây Sơn.

Theo tập tài liệu của bác Quí thì ngôi nhà được dời chuyển hai lần: Lần đầu để lấy đất làm sở thú, lần thứ hai khi xây dựng tòa Tổng Giám Mục (1900) và tu sửa một lần vào năm 1980. Hiện ngôi nhà không còn nguyên trạng. Hầu hết các cửa đều được thay thế. Vách đố các mặt bên, mặt sau và đố ngăn phòng ở mặt cắt theo chiều ngang từ hàng cột nhất phía trong hồi đông qua hết hồi tây cũng đã được thay bằng tường gạch. Phần hậu của ngôi nhà (chính đường) và các căn nhà phụ không còn nữa. Việc tu sửa có tính cách vá víu, cốt giữ lại những gì có thể được. Và ngôi nhà – phần nội thất – chỉ còn lại là ngôi nhà nguyện chật hẹp, nhỏ bé với những dãy ghế đơn giản, mộc mạc, cũ kỷ của tòa Tổng Giám Mục, chứ không phải là những vật dụng trang trí nội thất của một cơ ngơi mà một thời được gọi là Tân xá.

Điều thú vị thu hút du khách khi đến thăm ngôi nhà này là khu vực thờ tự. Bàn thờ đặt trên bục thờ ở căn giữa. Các vật thờ đơn giản, bình dị, cũ kỹ. Hai bên khung thờ có treo hai câu đối chữ Hán được chạm khắc trên gỗ quí, một câu lấy từ sách Trung Dung của đạo Nho (Đức Kỳ Thịnh Hỹ) và một câu lấy từ Kinh Thi (Thần Chư Cách Tư). Nếu trên nóc nhà không có mô hình “Lưỡng long chầu Thánh giá” và trên bàn thờ không có tượng và tranh thánh thì toàn bộ ngôi nhà chẳng khác gì tư thất của một quan lại xưa hay từ đường của một họ tộc nào đó ở làng quê: thân thuộc, gần gũi nhưng không kém phần trang nghiêm.

“Lưỡng long chầu thánh giá”, tôi băn khoăn mãi về chi tiết này. Tại sao lại lưỡng long chầu thánh giá? Trên nóc những công trình kiến trúc xưa như đình chùa, công thự, phủ đệ hay từ đường các họ tộc thường có mô hình lưỡng long chầu nhật nguyệt hay lưỡng long tranh châu chứ đâu có hình tượng mới lạ này? Phải chăng Nguyễn Ánh vì lý do sâu xa nào đó mà chủ động sai đắp mô hình nầy để lấy lòng Bá Đa Lộc? Chắc là không phải rồi. Bởi vì một người như Gia Long khi phong quan chức cho các linh mục Công giáo tại triều đình Huế đã buộc họ mặc triều phục và hành lễ như các quan lại bản xứ thì có đâu lại làm một việc thiếu chín chắn như thế?

Vậy thì ai đã làm việc ấy. Làm từ bao giờ. Làm vì chú ý gì? Những câu hỏi này cứ ám ảnh tôi không thôi. Xin các nhà Sài Gòn học, các sử gia Thiên Chúa giáo Việt Nam giải đáp giùm.

Chẳng biết tôi có lầm không khi nghĩ rằng những người chủ của ngôi nhà này (Tòa Tổng Giám Mục) trìu mến gìn giữ nó như một vật thiêng liêng, một kỷ niệm xưa cũ, riêng tư hơn là một di tích lịch sử, một công trình kiến trúc quý hiếm, một di chỉ, một khía cạnh văn minh tại một vùng đất mới mọc lên từ đầm lầy, kinh rạch cần được phục chế, bảo tồn với những yêu cầu khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật cần thiết.

Một ngôi nhà đẹp, đặc biệt là biệt thự hay công thự, nhất thiết không thể thiếu không gian và cảnh quan của chính nó. Không gian và cảnh quan tại tòa giám mục thành phố là không gian của những dãy nhà cao tầng, kiểu Tây, do vậy mà khách tham quan có cảm tưởng rằng ngôi nhà “cựu xá” đã bị bứng ra khỏi cái nơi chỉ dành riêng cho nó: một khu vườn Việt Nam với bối cảnh truyền thống.

" Năm mười năm sau, vài ba chục năm sau hay lâu hơn thế nữa, du khách khi đến thăm thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm một địa chỉ thú vị: Đó là khu nhà vườn hoàn chỉnh (gồm nhà chính, các nhà phụ, sân trước, hiên sau, vườn hoa, vườn rau trái, giếng nước, các phòng chức năng với các vật dụng nội thất thích ứng...) được bảo tồn, tái hiện, phục chế đầy đủ nhắc nhở lịch sử khác thường của ngôi Tân xá. “Đây là ngôi nhà do một người có chân mạng đế vương tại một nước phương Đông sáng lập để làm tư thất, làm nhà khách cho một sứ giả phương Tây vào cái thời điểm mà sự giao tiếp Đông Tây mới bắt đầu trong một tình thế khắc nghiệt giữa một vùng đất còn hoang sơ tăm tối...

Biết đâu điều ước nhỏ bé này sẽ thành hiện thực không xa!


Chu Sơn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss