Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đối ngoại và ứng phó với tình trạng Nhật Bản từng bước xâm lăng / Trung Quốc : Đối ngoại và ứng phó với tình trạng Nhật Bản từng bước xâm lăng

Trung Quốc : Đối ngoại và ứng phó với tình trạng Nhật Bản từng bước xâm lăng

- Hồ Bạch Thảo — published 14/04/2015 12:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 3 (và hết) : Nhật bản mưu đồ Hoa Bắc [1933-1936]


Lịch sử Trung Quốc thế kỉ XX


Trung Quốc : Đối ngoại và ứng phó với tình trạng
Nhật Bản từng bước xâm lăng


Hồ Bạch Thảo



Chương 3

Nhật bản mưu đồ Hoa Bắc
[1933-1936]


tong

Tống Triết Nguyên [1885-1940]

http://zh.wikipedia.org/wiki/File:宋哲元1.jpg




1. Trung Nhật thử nghiệm mối quan hệ hoà hoãn


Đối với Nhật Bản mà nói, hiệp ước Đường Cô chỉ mới là sơ khởi cắt đất, miền Hoa Bắc trong tương lai từng bước sẽ không thoát khỏi tay họ. Riêng Trung Quốc muốn kéo dài thời gian tạm yên, để tiếp tục làm công tác bình định nội địa, cầu viện ngoại quốc nhắm canh tân. Khoảng tháng 6, tháng 7/1933 phó Viện trưởng Tống Tử Văn làm chuyến hành trình dài đến các nước Anh, Mỹ, Pháp, Ý, Đức vv…, cùng dự các cuộc hội nghị về kinh tế ; quan trọng hơn cả là ký hiệp ước “ Miên Mạch tá khoản ” [Agreement of American Loan for Cotton and Wheat to China] với Mỹ, giá trị 50 triệu Mỹ kim. Nước Anh chấp nhận dùng tiền bồi khoản năm Canh Tý [1900] 475 vạn bảng Anh để xây dựng đường sắt Việt Hán [Quảng Châu – Hán Khẩu]. Ý, Đức quan hệ với Trung Quốc dần dần mật thiết ; liên minh quốc tế thành lập Kỹ thuật uỷ viên hội, phái chuyên viên làm việc tại Trung Quốc. Từ ngày 20 đến ngày 23/7, Nhật Bản hai ba lần chỉ trích liên minh quốc tế hợp tác tại Trung Quốc, Miên Mạch Tá Khoản, chuyến đi của Tống Tử Văn, trợ trưởng cho chính sách Dĩ Di Chinh Di 1 của Âu, Mỹ ; nhen nhúm cuộc biến như đã xẩy ra tại Thượng Hải [Shanghai, Giang Tô], Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh]. Lại kết án liệt cường viện trợ cho Trung Quốc tai hại đến hoà bình Đông Á ; nếu như không cải biến, Nhật Bản sẽ có thủ đoạn ứng phó.


Quốc dân chính phủ tỏ thái độ ôn hoà với Nhật Bản, ngày 28/7 Tưởng Giới Thạch, Uông Triệu Minh liên danh tuyên bố muốn đem hết sức giữ hoà bình trong nước, quốc tế yên n, tiêu trừ Trung cộng, làm vững quốc lực, không ký điều ước cắt nhường hoặc thừa nhận, muốn quốc tế đồng tình giúp đỡ, nhưng không liên minh với nước nào. Tháng 8, Uông kiêm nhiệm Bộ trưởng ngoại giao ; dùng Đường Hữu Nhiệm, chuyên viên hiểu biết sâu về Nhật Bản, làm Thứ trưởng. Ngoại vụ tỉnh Nhật Bản phát biểu rằng nếu Trung Quốc thực ý thu nạp chủ trương của Nhật Bản, muốn thân thiện với Nhật ; Nhật sẽ cứu xét. Nhật Bản yêu cầu vùng Hoa bắc và đông bắc thông xe qua đường sắt Bắc Ninh [Bắc Bình –Thẩm Dương], cùng thông thương, thông bưu điện, hàng không ; lúc này từ Trường Thành [The Great Wall] sang miền đông bắc là nước Mãn Châu do Nhật khai sinh được thông thương, tạo ra thực trạng Trung Quốc công nhận nước Mãn Châu. Đầu tháng 9, Tưởng, Uông lại quyết định rằng ngoại trừ việc thừa nhận nước Mãn Châu tại miền đông bắc, các điều khác có thể thương lượng, cùng loại bỏ những hành vi, lời nói gây sự khích động với Nhật. Cuối cùng vào tháng 11, cũng phải chấp nhân thông thương qua các cửa khẩu tại Trường Thành, nhưng Nhật Bản lại muốn vươn tay ra dài hơn, giành vùng Hoa bắc thoát khỏi ảnh hưởng của chính phủ Nam Kinh.


Ngày 7/11/1933 nước Mỹ trở lại bang giao với Nga Xô ; năm 1934 Thủ tướng Ý, Benito Mussolini, bình luận rằng : Mỹ, Nga hoà giải với nhau là sự cảnh báo cho Nhật và trong nửa thế kỷ tới Trung Quốc sẽ làm thay đổi tiền đồ Á Châu. Tháng 2, Tổng tư lệnh Hồng quân, Bạch Lỗ Kiệt, diễn thuyết rằng nếu có xung đột quân sự tại Viễn Đông, Hồng quân sẽ tham gia đánh mạnh ; cùng tháng, Anh, Nga ký thương ước với nhau. Tháng 3, đoàn khảo sát quân sự Trung Quốc đến Nga Xô, hai nước có triển vọng hợp tác. Trong năm 1934, cựu Bộ trưởng quốc phòng Đức, H. von Seeckt , đến Trung Quốc làm Đoàn trưởng cố vấn quân sự ; Cố vấn hải, không quân Ý cũng đến vào lúc này. Do đó ngày 17/4, người phát ngôn của ngoại vụ tỉnh Nhật Bản, Amau Eiji, đưa lời thanh minh rằng : Nhật Bản đối Trung Quốc có quan hệ đặc thù, duy trì hoà bình và trật tự đông Á là sứ mệnh của Nhật ; nếu Trung Quốc lợi dụng thế lực nước khác để bài xích Nhật, sẽ bị Nhật chống lại. Nếu như các nước đối với Trung Quốc có hành động chung, viện trợ tài chánh và kỹ thuật, Nhật Bản cũng biểu thị phản đối. Mới gần đây bán máy bay cho Trung Quốc, kiến trúc phi trường, huấn luyện kỹ thuật phi hành, phái Cố vấn quân sự đến, cung cấp tài khoản, Nhật Bản nhất định phản đối. Đại sứ Nhật Bản trú tại Washington cũng tuyên bố rằng thương nhân Trung Quốc ký bất cứ điều ước nào với thương nhân ngoại quốc nên thương lượng trước với Nhật, việc Trung Quốc mua máy bay cần đình chỉ.


Lời thanh minh của Amau Eiji nhắm cảnh cáo Trung Quốc, mà cũng cảnh cáo đối với các cường quốc ; nói lên dã tâm chiếm Trung Quốc. Qua người phát ngôn, bộ ngoại giao Trung Quốc thanh minh rằng : không thừa nhận một quốc gia nào một mình duy trì hoà bình. Trung Quốc có nghĩa vụ đề xướng hợp tác quốc tế, không làm tổn thương nước khác, cùng nhiễu loạn hoà bình đông Á. Nước khác nếu không có dã tâm với Trung Quốc, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác, lực mưu kiến thiết và an toàn, không có điều gì nghi ngại. Mưu chân chính vĩnh cửu hoà bình giữa Trung Nhật, cần kiến tạo trên cơ sở thiện ý và cởi mở, cùng sửa đổi thái độ bất bình trong hiện tại. Vài ngày sau, lại có thanh minh lần thứ hai rằng : chủ quyền và nền độc lập của Trung Quốc không làm tổn hại đến quốc gia nào ; Trung Quốc và nước khác quan hệ, không muốn cho quốc gia nào can thiệp ; đối nội nỗ lực thanh trừ Trung cộng, chú tâm vào việc phát triển kiến thiết ; đối ngoại ra sức bảo vệ quốc tế an toàn, bảo hộ Quốc liên minh ước, và Công ước của 9 nước.


Dư luận tại các nước Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Ý rầm rộ phản đối Nhật Bản ; nước Anh chính thức thông báo rằng ủng hộ Công ước 9 nước, không chấp nhận quốc gia nào có quyền phá hoại. Nước Mỹ cũng công bố rằng căn cứ vào điều ước quy định ; ngoại trừ thủ tục hợp pháp không thể tu chính hoặc phế bỏ ; bất cứ quốc gia nào, chưa qua nước liên hệ đồng ý, không thể độc đoán can thiệp vào quyền lợi chính đáng của nước này ; mong Nhật Bản tôn trọng quyền lợi của nước Mỹ.


Tưởng Giới Thạch phản ứng đối với lời thanh minh của người phát ngôn ngoại vụ tỉnh Nhật Bản, Amau Eiji, qua 2 bài diễn giảng, nhưng đương thời không truyền bá ra. Một bài vào ngày 23/4 cho các Tướng sĩ tiền tuyến tiễu Cộng tại Phủ Châu [Fuzhou, Giang Tây], hẹn trong 10 năm sẽ đuổi Nhật ra khỏi 4 tỉnh đông bắc, thu phục Đài Loan, Triều Tiên. Một bài vào ngày 24/7 tại Lô Sơn [Lushan, Giang Tây] cho đoàn quan quân huấn luyện, ra lệnh nơi nơi đều phòng bị, tuỳ thời tuỳ đất chuẩn bị đề kháng ; nhưng phương châm căn bản trước hết cần trong nước đạt được hoà bình, an định, thống nhất, tập trung. Chẳng bao lâu tại Giang Tây vấn đề quân sự khá hơn trước, Hồng quân tuy còn đợi tảo thanh xong, nhưng cách xử trí của chính phủ có phần cải thiện.


Ngày 27/11 Tưởng trò chuyện với ký giả Nhật, chủ trương Trung, Nhật lấy đạo đức, tín nghĩa làm cơ sở, để giải quyết mọi sự phân cách. Vào ngày 22/1/1935 Ngoại tướng Nhật, Quảng Điền, trình bày trước quốc hội rằng vấn đề thông xe lửa, thông bưu điện đã tạm giải quyết, mong rằng Trung quốc giác ngộ cải tiến thêm. Ngày 29, Tưởng tiếp kiến Trung tướng lục quân Nhật, Chinh Mộc Mỹ Thông ; ngày 30, tiếp kiến Đặc sứ Hữu Cát Minh ; trong cuộc hội đàm ngày 1/2 Tưởng phát biểu rằng Trung, Nhật cần tiếp xúc với lòng thành, Trung Quốc cần sửa chữa tình cảm chống Nhật, Nhật Bản nên sửa chữa thái độ tự cho là ưu việt hơn Trung Quốc. Cùng ngày, trong bài phát biểu “ Địch ư ! Bạn ư ! ” nội dung mong Trung Nhật nên vì đại cuộc, cùng đề huề. Trung Quốc cần hết sức tiêu trừ mầm chiến tranh, không để cho sự bế tắc kéo dài ; Nhật Bản cần công nhận sự thực rằng không có khả năng khống chế hoặc tiêu diệt Trung Quốc. Dĩ vãng Trung Quốc lầm vào sự kiêu căng, nay không kể đến một thời vinh nhục, chỉ mong Nhật Bản trả lại 4 tỉnh miền đông bắc, những vấn đề quá khứ qua đàm phán, để được giải quyết hai bên cùng có lợi. Ngày 13/2 Quốc dân chính phủ ra lệnh cải thiện bang giao với tinh thần thân thiện hoà mục. Ngày hôm sau Tưởng nói với Ký giả Nhật Bản rằng muốn đả phá mọi sự bế tắc, cần khôi phục quan hệ bình thường. Tại Hoa bắc, Uỷ viên trưởng chính vụ Hoàng Phu nói với Đại tá Quan Đông, Thổ Phì Nguyên, rằng trước khi vấn đề Mãn Châu được giải quyết ; Nhật Bản cần biểu thị bất xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ Trung Quốc. Ngày 20/2 Uông Triệu Minh báo cáo tại trung ương chính uỷ hội, nguyện đem lòng thành và phương pháp hoà bình, giải quyết vấn đề tranh chấp Trung Nhật. Ngày 1/3 Ngoại tướng Quảng Điền tuyên bố tại quốc hội Nhật rằng những vấn đề trước đây đương cục địa phương Trung Nhật giao thiệp vẫn còn xung khắc, chuyển lên trung ương đàm phán. Tháng 5, Quốc dân chính phủ hạ lệnh không cho phép tẩy chay hàng hoá Nhật, phía Nhật biểu thị bằng lòng. Ngày 7/5 Công sứ Trung Nhật được thăng lên bực Đại sứ. Sự kiện nêu trên là những thành tựu cuối cùng trong việc hoà giải Trung Nhật.




2. Nhật chia cắt Hà Bắc, Sát Cáp Nhĩ 2



Sau khi nước Mãn Châu thành lập được 5 tháng, tháng 8/1932 chính phủ Nhật Bản đặt ra chính sách đối với Trung Quốc. cổ suý chia để trị, khuyến khích các tỉnh chống Tưởng, thân Nhật. Tháng 5/1933. hiệp định Đường Cô thành lập, hoạch định vùng đất giáp giới phi vũ trang ; Nhật lấy đó làm chỗ mở đầu, mưu đồ cấp tốc, nhắm tiêu diệt quyền lực chính phủ tại Hoa bắc. Tháng 12, nội các Nhật bàn định phương pháp chia để trị tại Hoa, nhắm đem 5 tỉnh Hoa Bắc (Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, Sát Cáp Nhĩ, Tuy Viễn ) thoát ly Quốc dân chính phủ. Trên 1 năm, Hoàng Phu bị các thế lực trong ngoài bức bách, tâm lực suy vi, Nhật Bản với dã tâm xâm lăng không ngừng, nên từ lâu đã muốn rút lui khỏi chức vụ. Tháng 1/1935 quân Quan Đông lại hướng Sát Cáp Nhĩ [Chahar youhi] gây hấn ; Hoàng thấy không làm gì được, bèn rút lui về Nam Kinh. Chính vụ uỷ viên hội tại Bắc Bình tuy có tên, nhưng không có người chủ trì ; Nhật Bản nhận thấy đã đến lúc có thể tiêu diệt quyền lực của chính phủ Nam Kinh tại Hoa Bắc, nên sự kiện Hà Bắc xẩy ra.


Ngày 11/5/1935, võ quan Nhật tại sứ quán Bắc Bình, Cao Kiều Thản, đưa lời rằng mới đây hai Chủ nhiệm báo tại Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc] bị ám sát. Hai người gồm Bạch Du Hằng, Chủ nhiệm Chấn Báo ; Hồ Ân Phổ, Chủ nhiệm Quốc Quyền Báo ; cả hai đều thân Nhật chống Quốc dân đảng, bị giết vào ngày 3/5. Cao Kiều Thản gặp quyền Uỷ viên trưởng Bắc Bình quân sự uỷ viên hội Hà Ứng Khâm kháng nghị, bảo rằng đây là bằng chứng sắt đá Tưởng Giới Thạch dùng “ Nhị trùng ngoại giao ” 3. Ngày 21, Tư lệnh quân Nhật tại Thiên Tân, Mai Tân Mỹ Trị Lang, sai quân náo động trụ sở chính phủ tỉnh Hà Bắc, trụ sở thành phố Thiên Tân và đảng bộ Quốc dân đảng ; lại chỉ trích Chủ tịch tỉnh Vu Học Trung, Thị trưởng Trương Diên Ngạc chủ mưu ám sát. Ngày 29, Tư lệnh Mai Tân, Tham mưu trưởng quân đồn trú Tửu Tỉnh Long, cùng Cao Kiều Thản gặp Hà Ứng Khâm, bảo rằng 2 viên Chủ nhiệm bị ám sát, Chủ tịch huyện Tuân Hoá [Zunhua, Tuân Hoá] yểm trợ quân nổi dậy tại Nhiệt Hà [Chengde], đều là những hành động khiêu khích Nhật và Mãn Châu, phá hoại hiệp định Đường Cô. Lại bảo rằng Tưởng đối Nhật ngoài mặt tỏ ra thân thiện, nhưng bên trong chuẩn bị chính sách kháng Nhật ; điều này cần phải cải biến. Cùng yêu cầu bãi miễn Vu Học Trung, Trương Diên Ngạc, triệt thoái Tuyển binh đoàn Bắc Bình, tỉnh đảng bộ Hà Bắc, quân sự uỷ viên hội, chính trị huấn luyện xứ, Lam y xã 4, cùng quân trung ương đồn trú trong tỉnh Hà Bắc ; nếu không sẽ quyết liệt xử lý.


Đến ngày 10/6, mọi điều đòi hỏi của Nhật, Trung Quốc đều đồng ý ; quân của Vu Học Trung bị điều ra khỏi Hà Bắc ; Hà Ứng Khâm hứa bằng miệng với Mai Tân, nên được gọi là “ Hà, Mai hiệp định ”. Sau đó Cao Kiều Thản đòi viết lại những điều đã chấp nhận trên giấy, nhưng phía Trung Quốc không làm. Mọi việc liệu biện xong vào tháng 7, Hà Ứng Khâm rời Bắc Kinh, từ đó Quân sự uỷ viên hội, phân hội Bắc Bình coi như chấm dứt ; Quốc dân chính phủ mất quyền thống trị tại tỉnh Hà Bắc, rồi kế tiếp đến sự kiện Sát Cáp Nhĩ.


Sau khi ký kết hiệp định Đường Cô, quân Quan Đông quyết tiến chiếm Sát Cáp Nhĩ ; âm mưu tương thông với Minh trưởng Tích Lâm Quả Lặc 5 Đức Vương. Tháng 8/1933 quân Mông Cổ tại Nhiệt Hà tiến chiếm Đa Luân [Duolun, Nội Mông] thành lập khu tự trị đông Sát Cáp Nhĩ. Tháng 2/1934, Quốc dân chính phủ đặt Mông Cổ địa phương tự trị Chính vụ uỷ viên hội tại trấn Bách Linh Miếu [Bailingmiaozhen, Nội Mông], dùng Đức Vương làm Bí thư trưởng. Tháng 1/1935 quân Quan Đông đưa một số đất Sát Cáp Nhĩ vào Nhiệt Hà, cưỡng bách Chủ tịch Sát Cáp Nhĩ, Tống Triết Nguyên, triệt hồi quân đồn trú. Chính phủ Nam Kinh bãi chức Tống Triết Nguyên, quân Quan Đông lại tiếp tục gây áp lực với quyền Chủ tịch Tần Đức Thuần. Ngày 27/6 Tần Đức Thuần tiếp nhận điều kiện của viên lãnh đạo đặc vụ Thổ Phì Nguyên, gồm triệt thoái quân đồn trú và đảng bộ Quốc dân đảng tại Trương Gia Khẩu [Zhangjiakou], giải tán tổ chức bài Nhật, hợp tác với người Nhật hoạt động tại Nội Mông, hứa không di dân đến tỉnh Sát Cáp Nhĩ ; những điều kiện nêu trên được gọi là “ Tần, Thổ hiệp định ”. Tháng 12, quân Mông Cổ tự trị của Đức Vương tiến chiếm 6 huyện, phần lớn Sáp Cáp Nhĩ bị luân hãm. Đức Vương thừa thế vào ngày 2/6/1936 thành lập chính phủ Nội Mông tại Gia Bộc Tự thuộc Sát Cáp Nhĩ, tự xưng là Tổng tài.




3. Ba nguyên tắc của Quảng Điền, cùng cuộc vận động Hà Bắc tự trị



Sau khi Hà Ứng Khâm rời khỏi Bắc Kinh, tình trạng Hoa bắc như rắn không đầu, nhân tâm bàng hoàng. Rồi sau khi “ Tần, Phổ hiệp định ” tại Sát Cáp Nhĩ ký kết được 2 ngày, một kẻ tên là Bạch Kiên Vũ tụ tập khoảng 300 người Hoa và Nhật, đoạt xe thiết giáp tại Phong Đài [Fengtai, Hà Bắc], mưu tiến chiếm Bắc Bình lập “ Hoa Bắc quốc ”, nhưng bị quân phòng thủ đánh tan. Quốc dân chính phủ vẫn không từ bỏ cải tiến quan hệ với Nhật, mệnh Tưởng Tác Tân, Đại sứ tại Nhật y theo những điều sau đây để đàm phán :


– Trung Quốc đối với vấn đề đông bắc tạm gác, không hỏi đến.


– Quan hệ hai nước cần xây dựng trên cơ sở bình đẳng, trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, xúc tiến kinh tế đề huề 6.


– Tại cơ sở kinh tế đề huề, thiết lập hiệp định quân sự.


Ngoại tướng Nhật, Quảng Điền, cùng với Quân bộ định ra 3 nguyên tắc như sau :


– Thứ nhất, trước tiên Trung Quốc triệt để cấm chỉ bài Nhật, bỏ việc dựa vào chính sách của Âu Mỹ, chọn chính sách thân Nhật.


– Thứ hai, Trung Quốc đối với nước Mãn Châu, tạm mặc nhận đó là thực tế.


– Thứ ba, nhắm bài trừ xích hoá 7 trong tương lai tại Ngoại Mông, tại biên giới Ngoại Mông, Trung quốc hiệp lực với Nhật để khống chế.


Chờ cho Trung Quốc thành ý thực hành 3 điểm nêu trên, sẽ cùng Trung Quốc thực hiện thân thiện đề huề. Những điều nêu trên là Ba nguyên tắc của Quảng Điền ; nói một cách tóm tắt không ngoài Trung Nhật thân thiện, công nhận nước Mãn Châu tồn tại, và cùng chung đề phòng Cộng sản.


Tháng 9/1935, Tưởng Tác Tân bắt đầu hội đàm với Quảng Điền, hy vọng thủ tiêu một số đặc quyền của Nhật tại Hoa, hai nước duy trì chân chính hữu nghị ; phế bỏ hiệp định đình chiến tại Thượng Hải, hiệp định Đường Cô, cùng các hiệp định liên quan đến Hoa bắc ; Trung Quốc nguyện đình chỉ bài Nhật, không đàm phán vấn đề Mãn Châu. Phàm điều gì có lợi cho hai nước Trung Nhật thì đáng làm, phàm đối Nhật Bản có lợi, đối Trung Quốc bất lợi thì thương lượng. Tháng 10, Quảng Điền yêu cầu đồng ý 3 nguyên tắc đã nêu. Tưởng Tác Tân đáp rằng việc Trung Quốc giao thiệp với các quốc gia khác, hoàn toàn không ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung Nhật ; hoàn toàn không bài trừ hoặc phương hại đến Nhật Bản, Nhật nên chấp nhận như vậy, Trung Quốc đối với vấn đề Mãn Châu, ngoài phương cách hoà bình không làm điều gì khác để thay đổi hiện trạng, lại đặc biệt sắp xếp để nhân dân trong ngoài quan ải [Sơn Hải quan] giao dịch kinh tế. Với nguyên tắc không vi phạm độc lập chủ quyền, Trung Quốc nguyện hợp tác với Nhật để phòng bị biên giới phía bắc một cách hữu hiệu. Quảng Điền chỉ trích là bông lông, không đáp ứng yêu cầu.


Phái quân nhân Nhật Bản trước sau không buông bỏ những hoạt động chia cắt miền Hoa bắc. Tống Triết Nguyên, trước kia là Tướng dưới quyền Phùng Ngọc Tường, không trực thuộc Nam Kinh, từng dùng người Nhật làm cố vấn. Sau Tần, Thổ hiệp định, lực lượng của Tống rời biên giới đông bắc Sát Cáp Nhĩ, di chuyển đến phía nam Trương Gia Khẩu, rồi được điều về Bắc Bình. Tháng 8/1935, Quốc dân chính phủ chính thức triệt thoái Chính vụ uỷ viên hội ra khỏi Bắc Bình, dùng Tống Triết Nguyên làm Bình Tân [Bắc Bình, Thiên Tân] vệ nhung Tư lệnh. Đồng thời võ quan Nhật chia nhau gặp Diêm Tích Sơn tại Sơn Tây, và các Chủ tịch Thương Chấn tại Hà Bắc, Hàn Phục Củ tại Sơn Đông, Truyền Tác Nghĩa tại Tuy Viễn để dụ dỗ gây phiến động. Viên Tư lệnh Nhật Bản đồn trú tại Thiên Tân, Đa Điền Tuấn, ngang nhiên truyền bá văn thư hăm doạ rằng quyết không đội trời chung với nhà đương cục Quốc dân đảng, mong 5 tỉnh tại Hoa Bắc tự trị, nhân dân tự cứu. Nội các Nhật Bản chính thức thông qua chương trình cổ vũ Hoa bắc tự trị của Lục quân đại thần. Tháng 10, khu đình chiến tại huyện Hương Hà [Xianghe] phía đông tỉnh Hà Bắc xuất hiện tổ chức “ Quốc dân tự cứu hội ” hô hào “ Phản Tưởng, đảo đảng ” [Quốc dân đảng]. Tháng 11, Thổ Phì Nguyên, Đa Điền chia nhau gặp Tống Triết Nguyên, Hàn Phục Củ khuyên lập chính phủ tự trị. Tống, Hàn xin chính phủ trung ương cho lập chính quyền khai phóng, cũng tương tự như tự trị. Ngày 11/11 Thổ Phì Nguyên hạn Tống trong 10 ngày để biểu thị thái độ, nếu không đáp ứng quân Nhật sẽ đánh chiếm Hà Bắc, Sơn Đông.


Tưởng Giới Thạch biết rõ Ngoại tướng Quảng Điền và đám quân nhân Nhật, kẻ mềm, người rắn, để âm mưu thực hiện ý đồ. Lúc bấy giờ việc đánh dẹp Trung cộng tại tỉnh Tứ Xuyên đã vào giai đoạn cuối, quyền uy của chính phủ tại 3 tỉnh tây nam được xác lập, nên quyết định cường ngạnh, đánh một trận để Nhật thấy khó mà rút. Tháng 10, tập kết lực lượng lớn tại vùng giao giới Hà Nam, Sơn Đông, Giang Tô ; giữa Nam Kinh và Thượng Hải. Lại cử người đến Thái Nguyên [Taiyuan, Sơn Tây], Thái An [Tai’an, Sơn Đông] mời Diêm Tích Sơn, Phùng Ngọc Tường đến Nam Kinh để tham gia hội nghị Quốc dân đảng uỷ viên, cùng toàn quốc đại biểu đại hội. Lại cử Viện trưởng viện khảo thí Đái Truyền Hiền bàn bạc với Trần Tế Đường, Lý Tông Nhân tại Quảng Đông ; Trần, Lý cử Trâu Lỗ, người trước đây cực lực phản Tưởng, cùng Chủ tịch tỉnh Quảng Tây Hoàng Húc Sơ đến họp tại Nam Kinh. Ngày 8/11, Tưởng Giới Thạch mệnh Tham mưu bản bộ Hùng Bân đáp máy bay lên Bắc Bình gặp Tống Triết Nguyên truyền đạt kế hoạch trung ương, và răn đừng tự đề ra chủ trương. Nhật Bản tỏ ra lo sợ, nên quyết định lúc này chưa nên bức bách Hoa bắc tự trị. Ngày 19/11, Tưởng đứng trước Đại biểu toàn quốc Quốc dân đại hội thuyết giảng kế sách ngoại giao, nội dung “ Chưa tuyệt vọng về hoà bình, quyết không bỏ hoà bình, hy sinh chưa đến giai đoạn tối hậu, quyết không dễ dãi nói hy sinh 和平未到绝望时,决不放弃和平 ;牺牲未到最后关头,亦不轻言牺牲  ”; nói một cách khác chủ trương hoà bình với Nhật Bản nhưng không thể nhượng bộ thêm ; hoà hay chiến do Nhật Bản tự chọn.


Đại sứ Nhật Bản Hữu Cát Minh yêu cầu Tưởng đối với vấn đề tự trị Hoa Bắc đừng dùng vũ lực áp chế, nếu muốn quân Quan Đông ngồi yên ; cùng lưu ý việc quân trung ương tập trung tại Hà Nam, Sơn Đông có thể gây rắc rối, và tuân theo 3 nguyên tắc của Quảng Điền. Tưởng bảo rằng phàm vi phạm hoàn toàn chủ quyền Trung Quốc, phương hại đến chế độ thống nhất của Trung quốc, tuyệt đối không thể bao dung nhẫn nhục. Tại Hoa bắc nếu nhân dân có chút dao động, quân nhân địa phương tất sẽ phục tùng mệnh lệnh, thi hành trấn áp nếu cần, trung ương không phải dùng binh. Quân sự uỷ viên hội, phân hội Bắc Bình tuy đã triệt tiêu, nhưng vẫn gửi một viên chức lớn trấn nhậm để thương thảo với quân Nhật. Còn về việc 3 nguyên tắc Quảng Điền đề ra, nói chung Tưởng không phản đối, nhưng cần thương lượng cụ thể biện pháp thực thi. Nhưng 3 nguyên tắc của Quảng Điền liên quan mật thiết đến vấn đề Hoa bắc ; nếu như Hoa bắc phát sinh sự biến, thì một, hai điều trong nguyên tắc không thể thương lượng thi hành. Người Nhật sách động Hoa bắc tự trị, thực chất mâu thuẫn với 3 nguyên tắc.


Lúc này Nhật Bản chưa quyết tâm dùng binh, Tưởng tuy biểu thị cương quyết nhưng cũng có phần uyển chuyển ; do đó chính phủ Đông Kinh cải biến sách lược sai Thổ Phì Nguyên, Hữu Cát Minh trước tiên xúc tiến tự trị với cấp độ nhẹ tại hai tỉnh Hà Bắc và Sát Cáp Nhĩ. Thổ Phì Nguyên một mặt thúc dục Tống Triết Nguyên cùng Thương Chấn tuyên bố tự trị ; một mặt sai Ân Nhữ Canh vào ngày 25/11 thành lập “ Ký 8 đông phòng Cộng tự trị uỷ viên hội ” tại Thông Châu [Tongzhou, Bắc Kinh], gồm 25 huyện. Với địa vị Uỷ viên trưởng Ký, Sát chính vụ uỷ viên hội, Tống Triết Nguyên tự mình hoạch định phần đất dưới quyền, khiến trung ương khó bề khống chế ; Tống chủ trương điều hợp Quốc dân đảng, Trung cộng và Nhật Bản, ngăn chặn chống Nhật, để Trung Nhật thoả hiệp. Lúc bấy giờ tại Thiên Tân có một số ít phần tử hô hào Hoa bắc bảo trì tự trị ; tuy nhiên các trường đại học tại Bắc Bình, Thiên Tân ; Hiệu trưởng, Giáo sư như Tưởng Mộng Lân, Hồ Thích tuyên ngôn phản đối hành động thoát ly trung ương, tự trị.


Ngày 26/11, chính phủ tuyên bố cách bố trí mới tại Hoa bắc gồm triệt bỏ Quân sự uỷ viên hội phân hội Bắc Bình, phái Hà Ứng Khâm làm Trưởng quan Hành chánh viện trú Bắc Bình, Tống Triết Nguyên làm Ký, Sát tuy tĩnh Chủ nhiệm, bắt giữ Ân Nhữ Canh, nhưng chưa được phía Nhật đồng ý. Ngày hôm sau quân Nhật chiếm Phong Đài [Fengtai, Hà Bắc], giữ xe cộ, Thổ Phì Nguyên bức bách Tống Triết Nguyên trong tháng phải tỏ rõ lập trường thái độ. Tưởng xem thường lời phản đối của Nhật, mệnh Hà Ứng Khâm lên Hà Bắc tựu chức. Thiên Tân đại công báo khuyến cáo Tống Triết Nguyên đừng để cho đất nước phân chia, đừng từ bỏ nguyện vọng của dân tạo ra chính phủ tự trị ; hy vọng Tống và Hà Ứng Khâm thu được thắng lợi trong hoà bình, giữ lập trường tối hậu của quốc gia và nỗ lực hoà mục với lân quốc. Ngày 5/12, Đại biểu cùa Hà, Tống là Tiêu Chấn Doanh, Tần Đức Thuần bàn định thành lập Ký, Sát chính vụ uỷ viên hội.


Hơn 10 ngày trước đó, Anh Mỹ đã trao đổi ý kiến về vấn đề Hoa bắc ; ngày 5/12 Ngoại tướng Anh, Hoare, trình bày tại quốc hội rằng Nhật Bản sử dụng lực lượng quân đội chi phối Trung Quốc phát triển nội chính và hệ thống hành chánh, nước Anh cho đó là điều bất hạnh. Quốc vụ khanh Mỹ, Hull, thanh minh rằng : Chính tình Hoa bắc hiện phát sinh những điều quan trọng phi thường có ảnh hưởng lớn gây nên tranh chấp chính trị. Việc này không những quan hệ đến nhân dân Trung Quốc mà còn quan hệ đến toàn thế giới. Nước Mỹ hiện đang chú ý đến việc phát triển bất thường này, hy vọng chính phủ các nước cùng nhân dân giữ những điều đã hứa, tôn trọng điều ước qui định. Chính phủ Đông Kinh cảm thấy áp lực của Anh, Mỹ tăng mạnh, thái độ của Trung Quốc cương quyết, nên chấp nhận thiết lập Ký, Sát chính vụ uỷ viên hội, cho Hà Bắc và Sát Cáp Nhĩ tự trị với cấp độ nhẹ. Việc tuyển chọn các uỷ viên do Trung, Nhật bàn bạc quyết định ; dùng Tống Triết Nguyên làm Uỷ viên trưởng kiêm Chủ tịch tỉnh Hà Bắc, Hà Ứng Khâm trở về Nam Kinh. Phía Trung Quốc cho rằng Ký, Sát chính vụ uỷ viên hội do chính phủ trung ương thiết lập cho địa phương ; phía Nhật cho rằng đó là cơ cấu tự trị với cấp độ nhẹ ; riêng chính quyền của Ân Nhữ Canh tại Thông Châu vẫn được tồn tại như cũ.




4. Các cuộc đàm phán Trung Nhật



Đồng thời với việc thiết lập Ký, Sát chính vụ uỷ viên hội, Tưởng Uỷ viên trưởng tự kiêm Viện trưởng hành chánh, dùng Trương Quần làm Bộ trưởng ngoại giao, Tưởng Tác Tân, Ngô Đỉnh Xương, Trương Gia Ngao, giữ chức bộ trưởng các bộ nội chính, thực nghiệp, thiết đạo ; Hà Ứng Khâm vẫn giữ Bộ trưởng quân chính. Trương Quần phát biểu phương châm ngoại giao : Lấy bất xâm phạm chủ quyền làm giới hạn, dựa nguyên tắc hai bên bình đẳng cùng có lợi, mưu Trung Nhật chính trị hợp điều, kinh tế hợp tác, dùng con đường hợp pháp để giải quyết bất bình đẳng điều ước. Ngoại tướng Quảng Điền công nhận tình thế có biến chuyển tốt, Trung Quốc đã hiểu rõ đại cương 3 nguyên tắc, từ nay trở về sau sẽ đi vào chi tiết.


Ngày 26/2/1936, nhóm quân nhân trẻ tại Đông Kinh [Nhật] bạo động, giết viên tài chính Đại thần Tàng Tương Cao Kiều, rồi xông vào dinh Thủ tướng Cương Điền Khải Giới, khống chế chính phủ trung ương. Tháng 3, Quảng Điền kế tục giữ chức Thủ tướng, nhưng chỉ là bù nhìn. Tân Đại sứ Nhật Bản tại Hoa, Hữu Điền Bát Lang, hội đàm với Trương Quần 4 lần, yêu cầu lấy 3 nguyên tắc của Quảng Điền làm cơ sở để điều chỉnh ; Trương Quần chủ trương bàn vấn đề đông bắc Trung Quốc trước. Chẳng bao lâu Hữu Điền trở về nước, đảm nhiệm chức Ngoại tướng; bàn định với quân Quan Đông về tương lai ngoại giao, ngoài chính phủ Nam Kinh còn phát triển riêng với Bắc Bình và Quảng Châu ; đặt trung tâm vào việc đề phòng Cộng sản và xác lập quan hệ chính thức giữa Trung Quốc và nước Mãn Châu.


Đầu năm 1936, Hồng quân tại tỉnh Thiểm Tây xâm nhập vào tỉnh Sơn Tây tại phía đông, Tư lệnh quân Nhật đồn trú tại Thiên Tân, Đa Điền Tuấn, cùng trưởng cơ quan đặc vụ Tùng Thất Hiếu Lương mấy lần bàn việc phòng Cộng sản với Tống Triết Nguyên. Tùng Thất tại Bắc Bình thiết lập Tư lệnh bộ trú quân, nhiệm vụ điều động nhanh, đáp ứng thời cuộc tại Hoa Bắc. Tháng 5, Nhật bắt đầu tăng quân, có ý muốn bức bách thay đổi Tống Triết Nguyên bằng một nhân vật thân Nhật, khiến cho Hoa bắc trở thành thế lực thứ ba, ngoài Nam Kinh và Quảng Châu ; lúc bấy giờ Quảng Châu mượn tiếng kháng Nhật, mang quân đến Hồ Nam.


Tháng 7, tại hội nghị toàn quốc Quốc dân đảng trung ương chấp hành uỷ viên, Tưởng Giới Thạch thuyết minh hạn định cuối cùng về ngoại giao với Nhật là bảo trì lãnh thổ chủ quyền hoàn chỉnh ; “ Giả như có người cưỡng bách chúng ta ký hiệp định thừa nhận nước nguỵ Mãn Châu, làm tổn hại chủ quyền lãnh thổ ; đó là lúc chúng ta không thể nhẫn nhục được, là giai đoạn cuối cùng ta phải hy sinh ”. Tháng 9, Đại sứ Nhật Bản Xuyên Việt Mậu đàm phán với Trương Quần 3 lần ; ngoại trừ vấn đề phòng Cộng, 5 tỉnh Hoa bắc tự trị, Quốc dân chính phủ nên dùng Cố vấn Nhật Bản, toàn nước thực hành kinh tế đề huề với Nhật, giảm thấp quan thuế, ngăn cấm bài Nhật ; tầm mức nghiêm trọng vượt quá 21 điều trong quá khứ, cùng Trung Nhật quân sự hiệp định. Trương Quần cự tuyệt đàm phán vấn đề phòng Cộng, yêu cầu phế bỏ hiệp ước Thượng Hải và Đường Cô, Trung Quốc có quyền tiễu phỉ tại Tuy Viễn, Sát Cáp Nhĩ, thủ tiêu chính phủ tự trị tại phía đông Hà Bắc, bỏ xuất nhập hàng hoá bất hợp pháp tại miền Hoa bắc, quân Nhật gồm cả không quân không được tự ý hành động tại vùng này. Lúc bấy giờ vấn đề Lưỡng Quảng đã giải quyết xong, ngày 25/9 Tưởng thông tri Hà Ứng Khâm rằng Nhật Bản quyết tâm đánh Trung Quốc, cần trù tính phương án cụ thể. Quảng Điền mệnh Xuyên Việt giao thiệp trực tiếp với Tưởng, thử dò tìm thực ý. Ngày 8/10 Tưởng báo cho Xuyên Việt biết rằng mọi vấn đề cần cư xử bình đẳng, cùng theo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ hoàn chỉnh, thung dung hiệp thương. Trương Quần, Xuyên Việt lại tiếp tục đàm phán 3 lần, vẫn bế tắc 2 việc : phòng Cộng, cùng đặc thù hoá vùng Hoa bắc. Tưởng phát biểu rằng khôi phục Hà Bắc hành chính hoàn chỉnh,và ngăn chặn quân phỉ tại phía bắc Sát Cáp Nhĩ là tất yếu, còn phương châm tiễu Cộng thì đã quán triệt. Sau đó Trương Quần, Xuyên Việt tiếp tục đàm phán, nhưng vẫn bế tắc như cũ.


Từ tháng 5/1936, Nhật Bản đối với Tống Triết Nguyên từng bước bức bách, ngoài việc tăng binh ra, bọn buôn lậu ra vào lũng đoạn, máy bay tự ý phi hành. Tướng lãnh của Tống Triết Nguyên không thể chịu nhẫn thêm, chuẩn bị cường ngạnh đối phó, Tống cũng biểu thị chủ quyền phải được bảo toàn ; Sinh viên tại Bắc Bình yêu cầu Tống Triết Nguyên giữ lại quân đoàn 29, đừng cho rời Bắc Bình. Tháng 7 quân Nhật và quân đoàn 29 xung đột ; chính phủ Đông Kinh tuyên bố nếu như Trung Quốc xem thường địa vị đặc biệt của Nhật Bản thì tình hình Hoa bắc trở nên nghiêm trọng. Tiếp đó quân Nhật tại vùng phụ cận Bắc Bình, Thiên Tân liên tục diễn tập. Ngày 23/9, viên Tư lệnh Nhật Bản Điền Đại Hoán Nhất Lang đưa cho Tống Triết Nguyên thông điệp tối hậu nội dung ngoài tự trị vùng Hoa bắc, còn yêu cầu Trung Nhật kinh tế đề huề ; chính phủ Nam Kinh cương quyết phản đối. Từ tháng 10 đến tháng 11, quân Nhật tổ chức diễn tập lớn, thậm chí xuyên qua khu thị tứ Bắc Bình, các trường đại học bãi khoá phản đối; đáp lại Tống cũng đưa quân đoàn 29 diễn tập, các sinh viên hăng hái mang quà ủy lạo. Tống công khai tuyên bố, quyết không cam tâm làm kẻ nô lệ mất nước, Trung Nhật kinh tế hợp tác phải thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi.


Đức Vương sau khi tổ chức quân chính phủ tại Nội Mông Cổ, lại tái xâm lược Tuy Viễn. Tháng 11/1936 được quân Quan Đông giúp, tiếp tục xâm phạm ; Trung Quốc tuyên bố không nhượng bộ chút nào, sẽ mang quân tiêu diệt. Ngày 26/11 Chủ tịch tỉnh Tuy Viễn Truyền Tác Nghĩa điều binh khắc phục quân Mông Cổ tại Bạch Linh Miếu [Bailingmiaozhen, Nội Mông] ; đây là lần đầu tiên trong 5 năm Trung Quốc khởi thế công. Quân Quan Đông thanh minh rằng Nội Mông tiến quân Tuy Viễn để tự vệ phòng Cộng sản ; nếu vạn nhất liên luỵ đến nước Mãn Châu, hoặc lãnh thổ Trung Quốc gặp nguy vì xích hoá thì quân Quan Đông sẽ xử trí thích đáng. Trung Quốc lại tuyên bố rằng quân nguỵ Mông xâm phạm Tuy Viễn, không cần biết chúng dựa vào lý do nào, quyết đánh mạnh ; ngoài ra lãnh thổ chủ quyền Trung Quốc không hứa cho nước thứ ba mượn bất cứ danh nghĩa nào để xâm phạm hoặc can thiệp. Tưởng Uỷ viên trưởng biểu thị rằng nếu như quân phỉ tiếp tục xâm nhiễu, Trung Quốc sẽ đem toàn lực đánh, không tiếc hy sinh, không chịu bất cứ phương diện nào uy hiếp. Trần Thành, Thứ trưởng bộ quân chính mang quân cứu viện tuyên bố “ Họ đợi chúng ta không đánh mà chịu khuất, từ nay trở về sau ta quyết đánh, bất khuất ! ”. Ngoại vụ tỉnh Nhật Bản tuyên bố rằng nếu như người Nhật tại Hoa bị nguy hại về sinh mệnh tài sản, sẽ chọn biện pháp thích ứng ra tay ; đáp lại bộ ngoại giao Trung Quốc phát biểu nội dung bất cứ người ngoại quốc nào có hành động phi pháp tại Trung Quốc, quyết không tha, sẽ trừng phạt theo luật pháp.




Hồ Bạch Thảo



(Tham khảo từ : Cận Đại Trung Quốc Sử Cương, Quách Đình Dĩ ; Xô Nga Tại Trung Quốc, Tưởng Trung Chính ; Wikipedia Anh văn, Trung văn ; Bản đồ Google)




1 Dĩ Di chinh Di : lấy dân Di Địch đánh dân Di Địch, tại đây ý chỉ chính sách Âu Mỹ dùng người châu Á, đánh người châu Á ; hay người Trung Quốc và Nhật Bản đánh nhau.


2 Sát Cáp Nhĩ : một tỉnh được thành lập từ năm 1928-1952 ; hiện nay nằm trong lãnh thổ Nội Mông.


3 Nhị trùng ngoại giao : ý chỉ ngoại giao hai mặt, mặt nổi thì thân thiện, nhưng mặt chìm thì chống đối.


4 Lam y xã : tên một tổ chức trung kiên ủng hộ Tưởng Giới Thạch.


5 Tích Lâm Quả Lặc : một lực lượng vũ trang tại Sát Cáp Nhĩ.


6 Đề huề : dìu đắt nâng đỡ lẫn nhau.


7 Xích hoá : theo đỏ, tức Cộng sản.


8 Ký : tên xưa dùng chỉ tỉnh Hà Bắc.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss