Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Hỗ thị tại Quảng Châu, cùng hoạt động của thương gia Anh vào đầu thế kỷ 19

Hỗ thị tại Quảng Châu, cùng hoạt động của thương gia Anh vào đầu thế kỷ 19

- Hồ Bạch Thảo — published 12/04/2013 22:32, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18



Hỗ thị tại Quảng Châu, cùng hoạt động
của thương gia Anh vào đầu thế kỷ 19


(Sử liệu tham khảo từ Cận Ðại Trung Quốc Sử Cương
của Quách Ðình Dĩ, Thanh Thực Lục, Thanh Sử Cảo)


Hồ Bạch Thảo


1. Hỗ thị tại Quảng Châu



Quảng Châu là cảng khẩu buôn bán sớm nhất với các nước Tây phương. Từ đầu thế kỷ thứ 19 trở về trước, mỗi nước đến buôn bán có công ty riêng, đặc biệt nước Anh có công ty Ðông Ấn Ðộ. Riêng tại Trung Quốc ngoài chính quyền kiểm soát, còn có tổ chức tư nhân gọi là Dương hàng làm trung gian, giúp các thuyền nước ngoài bán hàng, mua hàng, tìm chỗ ở tại nơi bán hàng, nạp thuế, và giao thiệp với các quan chức ; thành viên của Dương hàng là Hàng thương. Dương hàng không phải do nhà nước đặt ra, nó là một tổ chức tự phát để kiếm lời, làm trung gian giữa chính quyền Trung Quốc và công ty ngoại quốc ; mà cả hai bên đều cần đến nó. Sau này các các tổ chức Dương hàng cạnh tranh bất chính, cấu kết nghênh đón thuyền nước ngoài, phát sinh hàng trăm tệ đoan, không những thuyền nước ngoài bị thiệt hại, mà sự thành tín trong thương trường cũng liên lụy. Trước tình trạng đó, năm 1720 các Hàng thương được sự chấp thuận của quan Tuần phủ lập một tổ chức chung gọi là Công hàng, lo liệu chung các việc mậu dịch. Thuyền nước ngoài cho rằng tổ chức này lũng đoạn khống chế họ, một số Hàng thương cũng phản đối, nên qua hai năm thì Công hàng bị bãi bỏ, rồi lại lập trở lại mấy lần.


Ảnh hưởng bởi gíó mùa, thuyền buôn Tây phương thường vào cửa biển vào tháng 6, tháng 7 ; do quan Ðồng tri tại Áo Môn [Macau, Quảng Ðông] phát cấp hướng dẫn viên, mướn dùm Thông sự [Thông dịch viên]. Thuyền ghé tại Hoàng Phố [Huangpu, Quảng Ðông], thương gia ngoại quốc chia hàng thành cổ phần, tự chọn Hàng thương để ủy thác việc bán hàng, cùng mua dùm hàng hóa. Năm 1745, nhà nước thấy rằng một số Hàng thương vốn ít, không nạp đủ thuế, nên chọn trong số đó những người giàu, có thể bảo hiểm các dịch vụ, gọi là Bảo thương. Ðể bảo đảm Hàng thương bán dùm hàng nước ngoài phải nạp thuế đúng hạn, Bảo thương giữ lại một số hàng hóa thế chấp nếu cần.


Thuyền nước ngoài đến chỗ bán hàng, các công ty được Hàng thương mướn cho chi điếm [factory]. Hàng thương còn xây nhà cho thương nhân ngoại quốc mướn gọi là Di quán ; thương nhân không được đưa quyến thuộc vào Di quán, giao dịch hoàn tất phải rút về Áo Môn. Năm 1751, cấm đoán càng nghiêm, nếu như có phụ nữ ngoại quốc vào cửa khẩu, cả thuyền phải nhổ neo trở về ; ý muốn đề phòng người ngoại quốc nấn ná lâu không chịu đi.


Trước kia Trung Quốc thông thương với ngoại quốc, đánh thuế bách phân gọi là “Trừu phân”. Từ thế kỷ thứ 16 trở về sau, cải sang thu bạc nén ; gồm hai loại thuế : thứ nhất là thuyền sao, căn cứ vào thuyền to nhỏ, rộng hẹp mà đánh thuế ; thứ hai là hóa thuế, căn cứ vào hàng hóa nhiều ít, tinh thô mà đánh thuế. Thuyền chia làm 3 hạng : hạng nhất đóng 1120 lượng, hạng nhì đóng 880 lượng, hạng ba đóng 480 lượng. Hóa thuế căn cứ từ hàng hóa, thu từ 2, 3, hoặc 4 phần trăm ; cả hai thứ thuế gộp lại cũng không quá nặng. Thuế nêu trên gọi là chính ngạch ; vì thu không đủ cho chỉ tiêu, còn phải nộp thứ thuế khác gọi là doanh dư. Vào đầu thế kỷ thứ 18, số thuế chính ngạch tại hải quan tỉnh Quảng Ðông thu hơn 4 vạn lượng, nhưng doanh dư có lúc lên đến trên 20 lần !


Lại còn một loại tiền khác phải đóng mà thương nhân ngoại quốc ghét nhất, gọi là “quy lễ” ; đây là thứ tiền linh tinh do quan chức, lại dịch ép lấy. Vào năm 1727 mỗi thuyền phải đóng hơn 3000 ngàn lượng.


Tiền nợ, án mạng, thuyền binh xâm phạm là những điều rắc rối đã xẩy ra trong việc buôn bán tại Quảng Châu. Năm 1758 Hàng thương thiếu nợ thương thuyền Pháp tiền bán hàng, Tổng đốc ra lệnh thu xếp trả lại. Năm 1689, thủy thủ thuyền Anh giết người Trung Hoa rồi bỏ đi, nên không cho thuyền ngoại quốc vào cửa khẩu. Năm 1842, thuyền binh nước Anh đưa thuyền Tây Ban Nha bị bắt, tự tiện ghé vào Hổ Môn [Humen, Quảng Ðông], gây nên cuộc chạm súng.




2. Thương gia Anh phản ứng việc hỗ thị tại Quảng Châu



Thương nhân người Anh muốn trốn tránh chính sách hà khắc và lối thu tiền bừa bãi, bèn thử lên Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến], Ninh Ba [Ningbo, Chiết Giang] buôn bán, nhưng không được như ý. Công ty Ðông Ấn Ðộ muốn khai thông các cửa biển phía bắc, rất chú ý đến Ninh Ba ; năm 1755 dùng James Flint [Hồng Nhiệm Huy], thông thạo tiếng Hoa, phụng mệnh đi. Quan địa phương nhận thấy trong 10 năm thuyền Tây phương không đến, nên ân cần tiếp đãi, mọi việc đều thuận lợi. Năm sau lại tiếp tục đến, bị triều đình Bắc Kinh [Beijing] gây khó khăn ; tỉnh Quảng Ðông không muốn mất mối lợi, càng không muốn thuyền nước Anh rời đất này. Năm 1757 thuyền Anh đến Chiết Giang [Zhejiang] bị đánh thuế cao, nhưng vẫn không chịu từ bỏ. Vua Càn Long bèn chính thức tuyên bố từ nay trở về sau chỉ cho thuyền Tây phương buôn bán tại Quảng Ðông mà thôi ; lý do dân duyên hải tỉnh Quảng Ðông từ lâu nhờ vào thuyền nước ngoài mưu sinh, vả lại tại Hổ Môn, Hoàng Phố có quan binh canh phòng nghiêm nhặt, khác với Ninh Ba thuyền ngoại quốc tự tiện dương buồm đến hoặc đi.


Tuy biết lệnh cấm này, James Flint [Hồng Nhiệm Huy] vẫn cho thuyền ghé Ðịnh Hải [Dinghai, Chiết Giang] ; sau khi bị phản đối, bèn hàng hải ngược lên Ðại Cô [Taku,Thiên Tân], để gửi văn thư tố cáo đến Bắc Kinh [Beijing]. Văn thư có những điều như hải quan tỉnh Quảng Ðông [Guangdong] hạch sách bĩ lậu, Hàng thương thường thiếu tiền hàng, chế độ Hàng thương có nhiều mối tệ. Vua Càn Long cho rằng việc này liên quan đến quốc thể bèn sai 2 Khâm sai đại thần đến xét, bắt Giám đốc hải quan cách chức, tịch thu tài sản. Nhưng kết tội Hồng Nhiệm Huy cấu kết với gian thương, tự tiện thông thương cửa khẩu khác ; bắt quản chế tại Áo Môn [Macau] 3 năm, mặc cho người Anh mang thuyền binh đến nạp đơn phản đối, cũng bị bác bỏ.


Vào năm 1759, Quảng Châu thành nơi duy nhất được phép buôn bán với Tây Dương ; quản chế càng nghiêm, hạch sách càng nặng, thương nhân Tây Dương bất bình càng nhiều. Trước đây Quảng Châu đã có “Kê tra quản thúc Di nhân điều ước”, nay lại đặt ra “ Phòng phạm ngoại Di quy điều” gồm 5 khoản, chủ yếu cấm người ngoại quốc liên lạc với dân địa phương :


* Cấm tuyệt người ngoại quốc trú qua mùa đông tại Quảng Châu, nếu cần thiết thì đến trú tại Áo Môn.


* Người ngoại quốc chỉ trú tại Di quán, không được mang vũ khí, ra vào do Thông sự tháp tùng, mua bán hàng hóa do Hàng thương đảm trách.


* Cấm Hàng thương mượn vốn nước ngoài, nhà buôn nước ngoài không được mướn người Hán phục dịch.


* Cấm dân nội địa chuyển thư tín cho người nước ngoài.


* Chỗ thuyền nước ngoài ghé, phái thêm nhân viên quan trọng kê tra.


Hàng thương độc quyền việc mua bán hàng hóa Trung Tây, độc quyền quản lý thương nhân ngoại quốc, lại độc quyền hưởng lời về thương vụ ; nên có người rất giàu ; tuy nhiên vì gánh vác quá nặng, cũng có kẻ khuynh gia bại sản. Mỗi năm Tổng đốc, Tuần phủ Quảng Ðông cùng Giám đốc hải quan mang đồ trân quý dâng hiến triều đình, Tôn thất, các trọng thần ; như đồng hồ chuông, kính Tây Dương, châu ngọc cho vua Càn Long ; số lượng lớn đồ trân tàng cho Hòa Khôn ; riêng về tiền mặt, khoảng trên 5 vạn lượng. Ngoài ra còn đóng góp trong các dịp lễ lớn, như lễ khánh thọ, lo quân nhu cho các chiến dịch, như đánh Kim Xuyên [Tứ Xuyên], Ðài Loan [Taiwan] ; các Hàng thương quyên góp số tiền lên đến 20 vạn lượng đến 30 vạn lượng ; tất cả những thứ đó cuối cùng đều do thương nhân ngoại quốc phải hứng chịu.


Việc rắc rối khác là tiền nợ ; mặc dù chính phủ cấm chỉ việc thiếu nợ thương gia ngoại quốc, nhưng vẫn không giải quyết được. Phần lớn do mỗi năm trước khi thuyền ngoại quốc rời Quảng Châu, có một số hàng chưa bán kịp, bèn giao cho các Hàng thương bán dùm ; rồi số tiền tích lũy lớn, đến lúc Hàng thương trả không nỗi, sinh ra vỡ nợ. Lại còn do thương nhân trên tàu Cảng Cước [Country Ship] ham lợi, cho thiếu, nên nảy sinh sự việc. Năm 1779 có 2 Hàng thương mượn tiền của Cảng Cước để nạp thuế, lên đến trên 380 vạn, trong đó 2/3 là tiền lời ; người Anh mang binh thuyền đến đòi ; chính quyền Trung Quốc bắt 2 Hàng thương trị tội, ngoài ra giao các Hàng thương khác chia nhau trả hết số tiền nợ. Từ đó chinh thu thêm một khoản thuế khác gọi là “Hàng dụng”, hàng hóa cứ mỗi lượng bạc lấy 3 phân, để dùng cho các trường hợp nêu trên.


Về các vụ án chết người, năm 1773 một người Hoa tại Áo Môn bị giết, hung phạm là người Anh, do áp lực phải giao nạp rồi bị xử tử. Năm 1784 thuyền Anh bắn pháo chết 2 người Hoa, người phụ trách coi hàng hóa bị bắt, quân Anh vũ trang thị uy, Trung quốc cho bao vây Di quán, thực hành đóng thuyền hàng ; cuối cùng pháo thủ bị xử thắt cổ ; từ đó người Anh không giao nạp phạm nhân nữa.




3. George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni] đi sứ không thành công



Sau sự kiện về James Flint [Hồng Nhiệm Huy], thương nhân Tây Dương tại Quảng Châu bị áp bức càng nặng, việc rắc rối xẩy ra càng nhiều. Năm 1874, khi viên pháo thủ người Anh bị xử tử, họ cảm thấy không an toàn ; trầm trọng hơn còn việc mậu dịch giữa Hoa, Anh. Cuối thế kỷ thứ 18, việc nhập khẩu nha phiến và xuất khẩu trà gia tăng, lợi nhuận lớn ; đồng thời hy vọng sau cách mạng công nghiệp thị trưòng hàng dệt vải sẽ khuếch trương. Năm 1787, chính phủ Anh quyết định theo lệ nước Nga trước kia, phái Charles Cathcart [Tạp Thứ Khách Ðặc] giao thiệp trực tiếp với Bắc Kinh ; hy vọng hủy bỏ hạn chế hỗ thị, giúp cho nước Anh buôn bán tiện lợi, hai nước cùng trao đổi Sứ thần, người Anh có được một nơi tại ven biển hoặc đảo để trữ hàng hóa. Chẳng may Charles Cathcart [Tạp Thứ Khách Ðặc] trên đường đi thì mất.


Năm 1792, lại phái viên cựu Sứ thần tại Nga, George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni], làm đặc mệnh toàn quyền Ðại sứ, Sir George Leonard Staunton [Ty Ðang Ðông] làm Phó sứ ; mang 80 tùy viên gồm thiên văn, số học gia, nghệ thuật gia, y sĩ, cùng 95 vệ binh, có binh thuyền hộ tống, phí dụng do công ty Ðông Ấn Ðộ đảm trách. Những đồ “cống phẩm” giá trị khoảng 15.000 bảng Anh, chứa trong 600 rương ; trong có các quý vật như khí dụng thiên văn địa lý, thư tịch, sản phẩm dệt len, quân dụng, xe, các mẫu thuyền ; nhắm mua chuộc và biểu thị văn minh nước Anh. Quốc vương Anh George 3 [Kiều Trị 1738-1820], gửi quốc thư cho đại Hoàng đế Trung Quốc ; nội dung trước tiên khen Trung Quốc là nước lớn, Hoàng đế nhân từ, tiếp đến trình bày rằng nước Anh hoạt động tại hải ngoại, không muốn mở cương vực chiếm đất, cũng không phải tham lợi ích về thương nghiệp, mà chỉ muốn mở rộng kiến văn, giao hoán trí thức, đem chỗ có bù chỗ không. Lại theo lệ cũ 1 phái người đến, những nhân viên này “ Như đại Hoàng đế dùng học vấn của họ, muốn chế tác các vật kỹ thuật tinh xảo, thì hãy giao cho họ.” ; những người Anh tại Trung Quốc “cũng cầu đại Hoàng đế gia ơn ”.


Trước khi Sứ đoàn tới nơi, công ty Ðông Ấn Ðộ báo cho Tổng đốc Lưỡng Quảng biết rằng nhân năm ngoái thượng thọ bát tuần của Hoàng đế, chưa kịp đến chúc, nay đặc cách sai Sứ đến tiến cống. Càn Long biểu thị hoan nghênh, mệnh các quan tại duyên hải lo liệu, lại sai Ðại thần đến Thiên Tân tiếp đón. Tháng 8 năm 1793 [Càn Long thứ 57] George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni] đến Bắc Kinh, rồi tiếp tục đến chỗ vua Càn Long trú tất 2 tại Nhiệt Hà 3. Về lễ tiết yết kiến, hai bên xẩy ra tranh luận ; vua Càn Long muốn quì bái, nhưng George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni] chỉ chịu hành lễ truyền thống theo người Anh, điều này khiến Càn Long không vui. Ðến khi xem quốc thư, thì nội dung chính không phải là mừng thọ, thực chất là yêu cầu về việc buôn bán, nên quyết định tìm cách cho họ về sớm. Sau khi trở lại Bắc Kinh, Quân cơ đại thần Hòa Khôn gửi lễ vật và sắc dụ cho Anh vương, cùng ban tặng bọn George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni], biểu lộ ý đuổi khéo khách. Các đồ biếu có châu ngọc, đồ sứ, trà, mực, quạt phiến ; nhiều có thể so sánh với cống vật của Anh. Sắc dụ đều dùng lời bề trên kiểu thượng quốc, một mặt mừng Anh vương cung thuận, một mặt không chấp nhận cho người ở lại kinh đô vì không hợp thể chế. George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni] diện trình thư với 6 điều thỉnh cầu, bèn gửi sắc riêng bác đi, trong đó có những lời như “ Thiên triều sản vật phong phú, không gì mà không có, nên không cần hàng hóa của nước Di để khai thông chỗ có chỗ không. Nhân Thiên triều sản xuất trà, đồ sứ, hàng tơ lụa, mà các nước Tây Dương cùng nước ngươi cần đến ,nên gia ơn thể tuất,lập dương hàng tại Áo Môn, để các nơi có đủ đồ nhật dụng, thấm nhuần ơn mưa móc.Nay Sứ thần các ngươi ngoài những định lệ có sẵn,lại còn trình bày xin thêm nhiều điều, thực trái với sự ngưỡng vọng Thiên triều ban ơn huệ cho nước xa xôi và phủ dục các nướcDi bốn phương.” Về việc thiết lập các nơi bán hàng như Chiết Giang [Zhejiang], Thiên Tân [Tianjin], kinh thành ; cấp cho các đảo nhỏ để thuyền ghé đậu, đặt chỗ riêng tại Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Tây] cư trú, giảm miễn các loại thuế tại Áo Môn [Macau, Quảng Ðông], Quảng Châu, đều không chuẩn cho thi hành. Cuối cùng cảnh cáo Anh vương, nếu như thuyền Anh đến Thiên Tân, Chiết Giang sẽ bị xua đuổi.


George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni ] thất vọng, đầu tháng 10 được Quân cơ đại thần Tùng Quân noi theo Ðại Vận Hà hộ tống xuống Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang] phía nam ; rồi được viên Tổng đốc tân nhiệm Trường Lân bạn tiễn đưa đến Quảng Châu, để trở về nước vào tháng 9 năm 1794. Viên Sứ thần này đến, tuy liên quan về thương vụ và Trung Anh quan hệ, nhưng cũng muốn xúc tiến sự hiểu biết văn hóa Tây phương. Nhưng Càn Long kiêu ngạo tự phụ, còn Hòa Khôn thì tham lam ngu dốt, không đủ dể đề cập đến vấn đề này. Qua hơn 5 tháng trời tại Trung Quốc, tiếp xúc với không ít quan chức trung ương, địa phương ; mắt thấy tai nghe việc chính trị, quân sự, xã hội, cảm nhận sâu sắc người Trung Quốc thiển lậu, quan lại tham ô, nhân dân khốn khó, vũ lực phế bỏ ; nếu một ngày nước Anh gây xung đột, thế tất đi đến chỗ đổ vỡ. George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni ] từng bàn với Tổng đốc Trường Lân về thương vụ tại Quảng Châu, Trường Lân hứa chỉnh đốn thêm. Công ty Ðông Ấn đem những điều bất mãn bẩm trình, chỉ chấp nhận mấy điều nhỏ như người Anh mỗi tháng 2 lần được tản bộ tại hoa viên gần Di quán, khi thương thuyền mở cửa người Anh có thể ở liên tục tại Quảng Châu 20 ngày, người Anh phạm pháp chỉ riêng bản thân phải chịu tội, nhưng ban liên hệ có trách nhiệm giao phạm nhân ; còn những thuế khóa vô lý vẫn giữ như cũ. George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni ] báo cho Trường Lân biết tương lai Anh vương lại hiến quốc thư ; qua 2 năm sau quả nhiên George 3 [Kiều Trị] lại gửi thư đến hy vọng “ tương y tương giao, đối đãi công bình” Càn Long hồi đáp “Cố gắng tận lòng thành, để được ân quyến”, quan niệm hai bên xa cách, kẻ nam người bắc, thái độ không ưa thích nhau mỗi ngày một nhiều.




4. Quan hệ Trung Anh rắc rối không ngớt.



George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni] đến phương Ðông chính là thời cách mạng Pháp, hai nước Anh Pháp đối địch nhau. Vào năm 1799 [Gia Khánh thứ 4] có tin đồn chiến hạm Pháp xuất hiện tại vùng biển Quảng Ðông, quân Anh mang binh thuyền đến đóng tại Hổ Môn [Humen,Quảng Ðông], Tổng đốc Lưỡng Quảng phải ra lệnh đình chỉ mậu dịch mới rời khỏi. Năm 1802, quân Pháp đánh Bồ Ðào Nha, quân Anh lại đến Quảng Ðông, chuẩn bị đổ bộ Áo Môn, triều đình nhà Thanh ra lệnh Tổng đốc nghiêm trận để đợi, nhưng rồi Anh Pháp nghị hòa, quân Anh rút đi. Năm 1808 quân Anh chiếm Áo Môn, Tổng đốc Lưỡng Quảng ra lệnh đóng cửa các thuyền bè, đình chỉ buôn bán ; viên Ðề đốc hải quân Anh ngang ngạnh chuẩn bị đối phó, kinh qua Ðại ban 4 điều giải, quân Anh mới rút. Vua Gia Khánh giận dữ người Anh, trừng trị viên Tổng đốc, Tuần phủ, Tướng quân tại Quảng Ðông ; tu chỉnh lại chương trình phòng Di. Năm năm sau xẩy ra việc quân Anh săn bắt thương thuyền Mỹ ngoài cửa khẩu Hổ Môn, Tổng đốc Quảng Ðông điều động thủy sư ngăn chặn, đem việc trách cứ Ðại ban, cùng ra lệnh đóng cửa các thuyền ; Ðại ban phản ứng bằng cách dọa triệt thoái thuyền buôn để yêu sách, sau đó dẫn đến sự thỏa thuận. Từ năm 1800 đến 1810, án mạng người Anh giết người Hoa xẩy ra trên 3 lần, sinh việc đòi hỏi giao nạp hung phạm, nhưng sự việc không giải quyết rõ ràng. Về tiền nợ, năm 1815, ba nhà Hàng thương thiếu người Anh 175 vạn lượng, vẫn do Hàng dụng bồi thường. Năm 1815, có 7 nhà Hàng thương nợ khoảng 100 vạn lượng ; thương gia Anh cho rằng sự việc liên quan đến nhiều người, sợ Hàng thương phá sản, nên cho miễn trả tiền lời.


Ðiều nêu trên là những sự kiện không vui trong vòng 20 năm, kể từ khi phái đoàn George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni] rời khỏi Trung Quốc. Chính phủ Anh lại theo lời xin của công ty Ðông Ấn Ðộ, quyết định lại sai khiến một phái đoàn sang Trung Quốc, dùng William Pitt, lord Amherst [Ha Mỹ Sĩ Ðức] làm Ðại sứ. Chủ yếu xác định quyền lợi công ty tại Quảng Ðông, Trung Quốc không được tự ý đình chỉ mậu dịch, người Anh được tự do mua bán với Hoa thương, mở rộng cảng khẩu. Qui mô của phái đoàn này không bằng phái đoàn năm 1793 trước kia, ngay cả đồ cống phẩm cũng không bằng.


Vào tháng 8 năm 1816 [Gia Khánh thứ 21] phái đoàn William Pitt, lord Amherst [Ha Mỹ Sĩ Ðức] đến Thiên Tân, triều đình nhà Thanh cử 2 Ðại thần lo liệu đón tiếp. Ðịnh thời gian chiêm cận vào buổi sáng, phái đoàn bôn ba trong đêm, rồi được đưa đến cung môn gần vườn Viên Minh. Bọn William Pitt, lord Amherst [Ha Mỹ Sĩ Ðức] vẫn từ chối nghi lễ quý bái ; viên Ðại thần lo liệu tâu Chánh phó sứ “ bị bệnh không thể hành lễ ” , Gia Khánh cho rằng “Trung Quốc là cộng chủ của thiên hạ, há dám kiêu ngạo khinh mạn như vậy.” rồi tìm cách đuổi đi. Ngày rời Bắc Kinh phái đoàn William Pitt, lord Amherst [Ha Mỹ Sĩ Ðức] còn bị thất bại hơn cả phái đoàn George Lord Macartney [Mã Kiết Nỉ Ni] trước kia ; sau đó sự mâu thuẩn giữa Trung Anh gia tăng không ngừng.


Những vụ tương đối lớn như việc đòi giao hung thủ năm 1820, thuyền Anh rút ra khỏi Quảng Châu để phản đối. Vụ đòi tiền nợ năm 1829, thuyền Anh yêu sách không chịu vào cửa khẩu, Trung Quốc cũng dự định đoạn tuyệt thông thương với người Anh, hai bên căng thẳng đến 3 tháng trời. Tiền nợ 200 vạn, theo thông lệ do Hàng dụng bồi thường, nhưng rồi lại nảy ra nợ mới xấp xỉ tương đồng.


Còn một vụ tranh chấp nghiêm trọng, liên quan đến phụ nữ người Anh. Vào năm 1830, viên Ðại ban công ty Ấn Ðộ cho quyến thuộc ngồi kiệu vào Di quán ; viên Tổng đốc hẹn ngày phải rời khỏi, nếu không bị xua đuổi. Ðại ban lập tức gọi thủy thủ vũ trang chống lại, công nhiên chỉ trích quan lại Trung Quốc quyền thế ngang ngược, hậu quả khó lường. Qua sự điều giải của Hàng thương, phụ nữ người Anh rút về Áo Môn. Viên Tổng đốc Lưỡng Quảng lại nghiêm lệnh không cho phép phụ nữ ngoại quốc trú tại Di quán, người ngoại quốc không được ngồi kiệu, thương nhân ngoại quốc có điều bẩm cáo lên nha môn Tổng đốc cần đưa qua Hàng thương chuyển đệ.


Nửa thế kỷ thứ 17 trở về sau, có từ 30 đến 40 thương thuyền Âu châu đến Quảng Ðông, phần lớn của người Anh. Nửa đầu thế kỷ thứ 18, tăng đến 8,9 chục chiếc ; trong đó 20 chiếc đại thuyền thuộc công ty Ðông Ấn Ðộ ; Cảng Cước thuyền [Country Ship] 30 chiếc, trong đó có 15 chiếc loại lớn. Ðầu thế kỷ thứ 19, thuyền Mỹ đến Trung Quốc buôn bán gia tăng nhanh chóng, mỗi năm 30 chiếc ; 8/10 là thuyền hạng 2, hạng 3. Thuyền Anh mở rộng buôn bán đến Phúc Kiến, Ðài Loan. Năm 1832 công ty Ðông Ấn cử Hugh Hamilton Lindsay [Hồ Hạ Mễ] đưa thương thuyền lên vùng duyên hải phía bắc như Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến], Phúc Châu [Fuzhou, Phúc Kiến], Ninh Ba [Ningbo, Chiết Giang], Thượng Hải [Shanghai, Giang Tô], Ðăng Châu [Dengzhou,Sơn Ðông]. Ðồng hành có nhà truyền giáo Charles Gützlaff [Quách Sĩ Lập] điều tra tình hình duyên hải, yêu cầu mậu dịch, phát tán cáo văn kể lại việc chính quyền Quảng Ðông khinh nhờn, thế lực nước Anh mạnh không thể đối địch. Quan địa phương chiếu lệ không cho vào cửa khẩu, nhưng dân chúng ngầm buôn bán rất đông. Quách Sĩ Lập cho rằng dân phương bắc thích buôn bán với người nước ngoài, quan Tuần phủ không có thực lực, nên không cấm được ; vũ bị Trung Quốc phế bỏ đến cực độ, nếu cần phát triển buôn bán, không thể dùng miệng lưỡi, mà phải dùng vũ lực.


Hồ Bạch Thảo













1 Lệ cũ : ý chỉ thời Khang Hy trở về trước.


2 Trú tất : nơi Hoàng đế và cung phi tạm trú ngoài kinh đô.


3 Nhiệt Hà : vị trí khoảng 150 km phía đông bắc thủ đô Bắc Kinh, là nơi các vua nhà Thanh tránh nóng vào mùa hè.


4 Ðại ban : ban lãnh đạo công ty Ðông Ấn Ðộ của nước Anh.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss