Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Thái bình Thiên quốc (2)

Lịch sử Thái bình Thiên quốc (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 03/10/2013 17:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 2 : Những nét đặc trưng về Thái bình Thiên quốc



Lịch sử Thái Bình Thiên Quốc


Chương hai


Những nét đặc trưng về Thái bình thiên quốc




1. Ngự trị bởi tín ngưỡng


Ðối với Thái bình thiên quốc, tôn giáo ảnh hưởng không gì lớn bằng. Hồng Tú Toàn tự xưng được Thiên phụ thượng đế phong làm chân chúa, địa vị và quyền lực do trời ban. Nhưng tôn giáo của Hồng không phải chân chính Cơ Ðốc Tây phương, có thể gọi đây là một loại Thượng đế giáo, hoặc “ Hồng giáo ”. Từ năm 24 tuổi trở về trước, sách đọc của Hồng chỉ là kinh, sử, những tín ngưỡng nghe biết là Phật, Ðạo, Thần tiên ; kiến thức sơ đẳng về Cơ Ðốc giáo cùng quan niệm về Thượng đế chỉ lấy từ quyển sách Khuyến thế lương ngôn cạn hẹp. Từ những điều lượm lặt được, Hồng tự lý luận ; lợi dụng tôn giáo để đạt mục đích chính trị. Nói tóm lại Hồng không phải là tín đồ của tôn giáo nào, Hồng là Giáo chủ.


Lúc đầu Hồng cho rằng Thiên phụ Thượng đế có hai con, con trưởng là Thiên huynh Gia Tô, con thứ là Hồng Tú Toàn. Thiên huynh Gia Tô tại Tây phương, xả thân cứu đời, nối theo đại đạo. Tại Trung quốc sau đời Tần, mở đường cho thần tiên quỷ quái ; Mãn Thanh vào chiếm cứ “ dụ người tin quỷ thần càng sâu, thì yêu ma tác quái càng dữ ”, nên Thiên phụ sai con thứ, Hồng Tú Toàn, xuống trần, cứu vớt kẻ trầm luân. Từ năm 1848 trở về sau lại xưng Thiên phụ có con thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6 là Phùng Vân Sơn, Dương Tú Thanh, Vi Chính, Thạch Ðạt Khai ; riêng Tiêu Triều Quý lấy em gái Hồng Tú Toàn, thì được gọi là Thiên tế, tức con rể trời. Dương Tú Thanh được cho là hóa thân của Thiên phụ xuống thế gian để chuộc bệnh, nên còn gọi là “ Thục bệnh vương ”. Hồng còn có sáng kiến dùng các hiện tượng của tạo hóa : gió, mưa, mây, sấm, chớp, sương v v… để ban phong ; như : Dương là Phong sư, Tiêu là Vũ sư, Phùng là Vân sư, Vi là Lôi sư, Thạch là Ðiện sư, Tần Nhật Cương là Sương sư, Hồ Dĩ Quang là Lộ sư.


Thượng đế giáo quy điều nghiêm khắc dị thường, nghi thức chi tiết vụn vặt. Kẻ bái Thượng đế phải hướng Thượng đế hối tội, học thuộc Thập thiên điều ; vi phạm bị xử tội chết. Ngày thường sáng tối tụng niệm, mỗi bữa ăn cảm tạ Thượng đế ; gặp tai nạn, bệnh tật, sinh nhật, cuối tháng, cưới xin, xây bếp, làm nhà, động thổ, đều cầu đảo tế cáo. Cứ 7 ngày lễ bái một lần, trước đó 1 ngày đánh phèng la cao hô “ Ngày mai lễ bái, mọi người tuân kính, không được lười chậm ”. Lần đầu không đến bị đóng gông, đánh 1.000 roi ; lần thứ 2 bị xử chém. Trong khi lễ bái, tụng Thượng đế ân đức, đọc thơ xưng tán Thiên vương, Ðông vương, cho đến Dực vương ; sau đó đọc Thánh kinh, Thiên điều, một lời xướng trăm lời họa ; lại tụng tấu chương hối tội, sau đó cao hô “ tận giết ma quỷ ”. Cứ 25 nhà có một lễ bái đường, khi hành quân, chọn phòng ốc khoáng đãng làm chỗ lễ bái. Các nơi thờ thần, các bài vị, thần chủ đều bị thiêu hủy. Việc giáo dục hoàn toàn tôn giáo hóa, các sách cho sĩ tử học như Tam thiên tự, Ấu học thi, Cựu ước, Tân ước đều nặng màu tôn giáo, văn nghĩa thông tục ; khi quân Thanh tịch thu được, phải dùng xe bò chở, chất hàng đống, chứng tỏ đã in ra rất nhiều.


Tư tưởng Nho gia đối với giáo lý của Thượng đế giáo không tương dung. Giáo lý kể rằng Hồng Tú Toàn lúc lên trời, Thượng đế từng bảo “ Khổng tử di truyền sách thư, phần lớn sai lầm… dạy người việc hồ đồ ”. Gia Tô cũng bảo sách này làm hỏng người. Khổng Khâu chạy trốn, bị Thiên sứ bắt về trói, dùng roi đánh đau, không cho phép xuống trần.


Năm 1853 tuyên bố “ Phàm các sách Khổng, Mạnh, Bách gia, yêu thư tà thuyết, phải đốt sạch, không được buôn bán tàng trữ ”. Các sách có đóng dấu ấn “ cái tỷ ” của Thái bình thiên quốc mới được lưu hành “ Thế gian có sách không tâu lên, sách không đóng dấu cái tỷ mà đọc, đều bị tội ”. Lại thiết lập “ San thư nha ”, đem những lời “ yêu thoại ” trong Tứ thư, Ngũ Kinh, để Thiên vương ngự phê cải chính.


Ðối với phần tử trí thức, Thái bình thiên quốc ra sức tranh thủ ; quân đến nơi, dán bảng chiêu hiền “ Tự cống sở trường… Lượng tài lục dụng ”. Năm 1853 mở khoa thi, cũng có Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ ; đề thi thuộc loại như, soạn “ Thiên mệnh chiếu chỉ thư ”. Nhưng đối với quan lại, Nho sinh bị bắt thì đối xử lăng nhục ngược đãi “ Hoặc giam cấm đến chết, hoặc chia cho các quán để chép các tấu chương, cáo dụ, cáo thị, hoặc soạn sách riêng cho các nhà.”




2. Binh dân hợp nhất



Lúc mới cử sự, Thái bình thiên quốc định quân chế, được ghi lại trong sách Thái bình quân mục. Ðơn vị lớn nhất là quân, đặt Quân soái ; dưới Quân soái có Sư soái, Lữ soái, Tốt trưởng, Lưỡng tư mã, Ngũ trưởng. Sau khi vào tỉnh Hồ Nam, đặt thêm Thổ doanh, Thủy doanh ; Thổ doanh là đơn vị đặc biệt chuyên đào địa đạo đánh thành, Thủy doanh đảm đang thủy chiến cùng chuyên chở hàng hóa. Lại có các doanh lo về kỹ năng chế tạo hậu cần, không trực tiếp tác chiến như Mộc doanh, Kim doanh, Chức doanh, Hài doanh ; gọi chung là Tượng doanh. Lúc đầu đặt Nữ doanh, mỗi doanh 2500 người, nữ binh vào khoảng ¼ số quân ; sau khi hành quân đến sông Trường Giang, vì phụ nữ vùng này yếu đuối không tòng quân tác chiến được, nên lập Nữ quán. Lại còn lập quân thiếu niên gọi là Ðồng tử quân, lâm trận dõng cảm, tín ngưỡng một chiều, trở thành cán bộ trung kiên.


Sau khi chiếm Nam Kinh, tổng kê toàn thể quân binh nam, nữ hơn 30 vạn. Phân chia thành các quân, do Quân soái chỉ huy, phụ tá có Tổng chế và Giám quân ; mỗi quân 12.500 người, gồm 5 sư. Mỗi sư gồm 2.500 người, đứng đầu là Sư soái, chia thành 5 lữ ; mỗi lữ 500 người, đứng đầu là Lữ soái, chia thành 5 tốt ; mỗi tốt 100 người, đứng đầu là Tốt trưởng, chia thành 4 Lưỡng tư mã ; mỗi Lưỡng tư mã chia thành 5 ngũ, mỗi ngũ 5 người, đứng đầu là Ngũ trưởng.


Về trận pháp có 4, gồm : Khiên chế pháp, chủ tiến thoái có trật tự, không loạn trận ; Bàng giải trận, chủ biến hóa như chân cua, xòe ra nhiều ít do nhu cầu ; Bách điểu trận, trận này ứng dụng tại đất bằng, chủ tụ tán như chim bầy, lúc chia nhỏ ra để dụ địch, lúc tập trung lại để đánh ; Phục địa trận, chủ chuyển bại thành thắng, bằng cách giả thua rút đến nơi có địa hình thích hợp để phục kích, rồi theo hiệu lệnh cờ mai phục, đợi địch đến thì xông ra.


Về quân luật, huấn luyện, được ôn tập thường xuyên ; điểm chính là nghiêm đội ngũ, thưởng phạt phân minh, không xâm phạm cho đến các vật nhỏ, không được tao nhiễu dân chúng. Trời tạnh thao luyện binh sĩ, trời mưa thì học tập Thiên thư “ Người người đều hiểu lòng trời, vĩnh tuân chân đạo ; nếu gặp yêu ma đến, một tiếng trống cất lên, tập trung nghe lệnh, hăng hái hướng tiền, một lòng một dạ ”.


Sách Tặc tình hối toản cũng khen quy chế quân Thái bình, chiến thuật tốt, quân kỷ nghiêm “ Nghịch tặc hoang đản bạo ngược, duy quân chế có phép tắc ”. Lại có nhận xét “ Giặc lớn mạnh mau, nhờ vào hành quân có phép tắc, kỷ luật nghiêm. Kẻ chiến trận thất lợi đi đến chỗ bại, trái lệnh, tiêu dùng riêng tài vật ; nặng tức xử chém, nhẹ thì trách giáng, chứ không tha thứ. Có công thì phá lệ thăng nhanh ; mới buổi sáng là tên lính, buổi chiều đã thăng làm tướng ngụy.”


Thái bình thiên quốc chủ trương binh dân hợp nhất “ Mỗi nhà trang bị nhung phục, người người cầm khí giới ”. “ Có báo động thì Thủ lãnh dùng làm lính, giết địch bắt giặc ; vô sự thì Thủ lãnh điều đi làm nông, cày ruộng sản xuất ”. Trên lý thuyết theo quy chế “ 5 người thành 1 ngũ, 4 ngũ 1 lưỡng, 5 lưỡng 1 tốt, 5 tốt 1 lữ, 5 lữ 1 sư, 5 sư 1 quân ; tạo nên quân lữ, hoặc dùng canh tác ruộng đất…”, nhưng thực tế thì chưa thi hành được triệt để, phần lớn nguồn binh lực đều cung cấp bởi cưỡng bách uy hiếp.




3. Chế độ quan lại và chính sự



Chính thể của Thái bình thiên quốc được quân sự hóa, đại lược chia thành : triều nội quan, quân trung quan, thủ thổ quan, hương quan ; từ trung ương đến địa phương đều theo quân hàm. Triều nội quan tại trung ương, trong đó có Thiên vương cung, Ðông điện tức Ðông vương phủ, Bắc điện tức Bắc vương phủ, Dực điện tức Dực vương phủ ; Ðông điện quy mô lớn hơn cả Thiên vương cung. Quân trung quan có Tổng chế, Giám quân, Quân soái trở xuống. Thủ thổ quan tức địa phương quân, cũng có riêng Tổng chế, Giám quân ; mỗi quận đặt Tổng chế, các châu đặt Giám quân. Hương quan đặt viên chức từ Quân soái cho đến Lưỡng tư mã, căn cứ nhân khẩu nhiều ít, phần lớn dùng người địa phương. Ngoài việc quân sự Hương quan còn phụ trách các vấn đề tôn giáo, giáo dục, tư pháp, chính trị, kinh tế. Mỗi ngày Lưỡng tư mã phụ trách dạy học các trẻ em trong 25 nhà, vào ngày Chủ nhật trai gái đến học giáo lý, tụng niệm Thượng đế. Cứ 7 tuần có Sư soái, Lữ soái, Tốt trưởng thay phiên đến giảng thánh kinh, và kiểm soát mọi việc ; nếu địa phương không giải quyết được thì đào đạt lên trên.


Sau khi định đô tại Nam Kinh, Thiên vương Hồng Tú Toàn sống kiêu xa trong cung, ít xuất hiện, gặp đại khánh mới thiết triều hội ; Ðông vương thường đến triều kiến lãnh chiếu chỉ. Việc chính trị do các Hầu, Thừa tướng bàn định ổn thỏa bẩm lên Dực vương, Dực vương xét có thể thi hành được bèn thay mặt Ðông vương soạn cáo dụ, rồi gửi sang Ðông vương xin dấu ấn, gửi sang Bắc vương ghi vào sổ bạ. Ðiều gì cũng sử dụng giấy tờ, nên bị ứ đọng “ Lệnh cấm thì lập khoa điều, quân vụ đều dựa vào văn cáo, khí mạch không thông, trở thành tê liệt ”.


Ngoài ra lãnh tụ cao cấp của Thái bình thiên quốc sống xa hoa. Thiên vương dùng dinh cũ của Tổng đốc Lưỡng Giang làm cung điện, cho phá các nhà nhỏ xung quanh, dùng hàng vạn nhân công trai, gái xây cất trong vòng nửa năm trời, chu vi hơn chục dặm, tường cao mấy trượng, trong ngoài hai lớp, trang sức bằng màu vàng, kim thạch huy hoàng ; tại các cửa trang sức bằng lụa đoạn màu vàng, thay đổi hàng tháng. Các phủ từ Ðông vương trở xuống đều tranh nhau trang hoàng tráng lệ, y phục xa hoa, đẳng cấp nghiêm nhặt. Cấp thấp như Lưỡng tư mã cũng có 4 phu kiệu ; riêng Ðông vương mỗi lần ra ngoài, hộ tống có hàng trăm người, các quan viên to nhỏ đều tránh ra khỏi đường đi, nếu không kịp phải quỳ bái.


Thái bình thiên quốc dùng tôn giáo để trị nước, nên địa vị của Ðông vương Dương Tú Thanh, là hóa thân của Thiên phụ, lại cao hơn một bực. Bởi vậy những tấu chương khẩn yếu chưa có dấu ấn của Ðông vương thì Thiên vương không duyệt ; tuy Dực vương, Bắc vương cũng không được gửi thẳng đến Thiên vương ; ngoại trừ Ðông vương không ai được gặp Thiên vương.




4. Thánh khố và điền mẫu chế độ



Cùng hưởng chung là chính sách căn bản của Thái bình thiên quốc ; “ nhắm cho thiên hạ cùng hưởng đại phúc của Thiên phụ Hoàng đế, không có ai không được no ấm ”. Nhu cầu hàng ngày của quân dân đều do chính phủ trù tính cung cấp, với lý tưởng một xã hội giàu không có tài sản riêng, khống chế được bè đảng, ngăn tuyệt tham ô. Ðể thực hiện lý tưởng này, Thánh khố và điền mẫu chế độ được đặt ra.


Thánh khố là kho quản lý mọi tài vật, kể từ thời khởi sự tại Kim Ðiền [Jintianzhen] Quảng Tây, đã được đặt ra. Sau đó đánh chiếm các nơi, tịch thu được vàng, bạc, y phục đều nạp vào Thánh khố. Trên đường hành quân, nông dân các nơi giao nạp lúa gạo, chỉ để lại mỗi năm 1 thạch cho người lớn, 5 đấu cho trẻ nhỏ. Sau khi đến Nam Kinh, chia ra Thánh khố quán, và Thánh lương quán ; đặt Tổng điển Thánh khố quán và Tổng điển Thánh lương quán ; Thánh khố quán chủ yếu giữ tiền, Thánh lương quán chủ yếu giữ gạo. Lại còn có kho cho các nhu yếu phẩm đặc biệt như dầu, muối ; hoặc kho cho các nghề chuyên môn như “ tượng doanh ”. Các quan chức lớn nhỏ không có lương hàng tháng, được phát gạo, dầu, muối, tiền mua rau theo quy chế ; cứ 7 ngày do Ðiển quan cấp ; riêng thịt thì chỉ phát cho từng lớp trên, từ Thiên vương đến Tổng chế. Còn đối với nhân gian thì nguyên tắc tương đồng, nhưng phải phối hợp với điền mẫu chế độ.


Sách Thiên triều điền mẫu chế độ ban hành, bao quát kinh tế, giáo dục, tiến cử, khảo hạch ; nhưng chỉ mới hình thành trên lý thuyết, chưa kịp thực thi. Nguyên tắc của điền mẫu chế độ gồm : Thứ nhất, đất đai của công, chiếu theo sản lượng chia ruộng đất thành 9 hạng. Thứ hai, không luận trai gái, căn cứ nhân khẩu mà nhận ruộng đất ; trong 9 hạng, nhận một nửa tốt một nửa xấu. Thứ ba, lấy chỗ được mùa bù cho chỗ mất mùa “ Rưộng đất trong thiên hạ, người trong thiên hạ cùng cày ; nơi này không no đủ thì mang nơi khác đến…”. Thứ tư, cứ 25 nhà đặt một quốc khố, trừ số lúa gạo ăn đủ đến mùa sau, kỳ dư sung vào quốc khố. Lễ cưới, lễ đầy tháng, đều theo quy chế lấy từ quốc khố. Thứ năm, tự cung tự cấp ; mỗi nhà lo trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, nuôi gà, hết mùa lúa thì làm thêm đồ gốm, đồ gỗ.


Thánh khố chế độ từng được nghiêm khắc thi hành. Thời gian tiến quân từ Quảng Tây đến Hồ Nam, thì đối tượng phải nạp là những phú hộ tại nông thôn ; lúc đến sông Trường Giang thì đối tượng chính là nhà giàu tại thành thị ; sau khi đến Nam Kinh phạm vi kiểm soát rộng, thì chú ý đến toàn cõi “ lấy nhà giàu trong thiên hạ làm kho, lấy những nhà chứa lúa làm kho lương, tùy nơi mà thu cấp ”. Chính sách “ tát cạn ao để bắt cá ” được thi thố, chứng tỏ hữu hiệu trong đoản kỳ, nhưng quyết không thể là đường lối kinh tế tốt đẹp có thể tồn tại lâu dài.


Thực thi chế độ điền mẫu cần có thời gian ổn định để điều tra hộ khẩu, điền địa ; không thể thực hiện cấp tốc trong thời binh đao. Bởi vậy quan chức địa phương đành theo cách thu tô, chỉ khác trước là người nông dân thay vì nạp lúa cho chủ ruộng, thì nạp vào Thánh khố.




5. Ðịa vị phụ nữ



Thái bình thiên quốc đối xử với phụ nữ khác xưa. Ðứng về phương diện tôn giáo quan niệm nam đều anh em, nữ đều chị em. Về phương diện chính trị phụ nữ cũng có thể làm quan, phần lớn làm việc tại Thiên vương cung hoặc các Vương phủ “ đều mặc áo gấm, ăn đồ ngon, ra vào rung chiêng trống cưỡi ngựa, che lọng vàng, thị tỳ theo hầu mấy người.” Về kinh tế, được cấp ruộng đất như nam giới. Về phương diện tục lễ, hôn nhân không luận tiền bạc, cấm đa thê, không phải bó chân, không được phép làm con hát, cấm tà dâm ; trai gái không hỗn tạp, phụ nữ đều ở riêng trong nữ quán.


Tuy nhiên đem thực tế so sánh với những lý thuyết nêu trên thì có những chỗ mâu thuẫn ; phụ nữ vẫn chưa được chân chính giải phóng bình đẳng. Thứ nhất, tuy nam nữ phân biệt, nhưng đối với các Vương thì vợ chồng sống chung, còn có nhiều tỳ thiếp ; Chấp sự, Nữ quan có hàng trăm, hàng ngàn. Thứ hai, phụ nữ đối với nam giới vẫn phải phục tòng ; nam lo việc bên ngoài, nữ lo việc trong nhà, kính chồng như kính trời, kính chúa, như vậy mới được hưởng vinh hoa phú quý, được lên trời ; quan niệm này đối với luân lý truyền thống cũng không khác mấy.


Nói một cách tổng quát, ý thức phong kiến của Thái bình thiên quốc còn nặng hơn các Vương triều trước. Cũng giống như lệ cũ, tước Vương con được thế tập ; nhưng ngoài ra con các chức Thừa tướng, Kiểm điểm, Chỉ huy, Tướng quân cũng đều được thế tập. Các cấp phân biệt phục sức, dân gian không được dùng màu hồng, màu vàng. Chức vị cao thấp, trên dưới xưng hô một cách rõ ràng chi tiết ; đối với kẻ địch khắc chữ “ yêu ” vào nón ; các vua chúa đời trước trong lịch sử đổi thành Hầu, riêng Hồng Tú Toàn thì xưng là Thiên vương. Một số chữ viết, tên người, tên đất cũng thay đổi. Các tục bất lương như đánh bạc, đồng bóng nhất luật cấm chỉ. Không được hút ngửi mua bán thuốc phiện, yên thảo ; không tuân bị xử chém “ Thuốc phiện Tây phương là thứ yêu ma di hại người đời, hút vào thành nghiện, bệnh vào xương cốt, không có thuốc cứu…”


Hồng Tú Toàn thi hành thay đổi lớn tại Trung Quốc, muốn cải tạo Trung Quốc và thậm chí cả lịch sử thế giới. Hồng muốn phá trừ mọi tín ngưỡng có sẵn, thiết lập tín ngưỡng riêng ; khống chế để sử dụng mọi tài nguyên nhân lực vật lực. Hồng ôm tư tưởng đại đồng không tưởng, tự cho mình độc quyền, “ bất cận nhân tình ”, chỉ cầu cho được việc.


Hồ Bạch Thảo



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss