Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Trung Quốc hiện đại : Chiến tranh kháng Nhật (giai đoạn TQ tham gia Chiến tranh Thế giới) / Lịch sử Trung Quốc hiện đại : Chiến tranh kháng Nhật (giai đoạn TQ tham gia Chiến tranh Thế giới)

Lịch sử Trung Quốc hiện đại : Chiến tranh kháng Nhật (giai đoạn TQ tham gia Chiến tranh Thế giới)

- Hồ Bạch Thảo — published 28/06/2015 22:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 2 : Trung Quốc đối diện tình trạng gay go nguy hiểm trong năm 1944



Chiến tranh toàn bộ kháng Nhật

(Giai đoạn Trung Quốc tham gia Đệ nhị thế chiến)



Hồ Bạch Thảo


Chương hai


Trung Quốc đối diện tình trạng
gay go nguy hiểm trong năm 1944


js

Tướng 4 sao Joseph Stilwell [1883-1946]
Nguồn : wikipedia


Nhìn qua bề ngoài, sau hội nghị Cairo [Ai Cập] vào tháng 11/1943 tiền đồ Trung Quốc đầy hy vọng ; nhưng thực tế sau đó là một năm ảm đạm gian hiểm khó khăn nhất. Quan hệ Trung, Nga tiếp tục xấu đi, đòi hỏi của Trung cộng không ngừng gia tăng ; Nhật Bản đại tấn công, nội bộ Quốc dân đảng dao động, áp lực của nước Mỹ nặng nề, vật giá lại tăng lên dữ dội. Đầu năm 1943 nhân Tổng thống Mỹ Roosevelt, Thủ tướng Anh Churchill tuyên bố Nhật, Đức, Ý, cần đầu hàng vô điều kiện ; Thủ tướng Nhật Bản Đông Điều diễn thuyết cho biết chiến tranh năm nay sẽ quyết định thắng bại. Stalin sợ Nhật sẽ tấn công Nga Xô, nên đem xưởng chế tạo máy bay và xưởng khai mỏ khoáng tại Tân Cương rút về nước ; đoàn khảo sát mỏ bạc, cùng Hồng quân trú tại Cáp Mật [Hami, Tân Cương] cũng triệt thoái. Tháng 6, Đại sứ Nga xô A .S. Panuyaskkin gửi văn thư cho bộ ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Thịnh Thế Tài có hành vi phi pháp và cừu địch đối với Nga Xô. Tháng 9, quân trung ương bắt đầu tiến vào Tân Cương, bộ tộc A Nhĩ Thái Cáp Tát làm loạn, do Ngoại Mông cung cấp vũ khí. Tháng 3/1944 không quân Nga Xô trợ giúp đám nội loạn, lại bảo rằng quân Trung Quốc xâm nhập Ngoại Mông, có ý gây hấn Nga xô. Tháng 5, Đại sứ A .S. Panuyaskkin trở về nước, đoàn Cố vấn Nga Xô cũng trở về theo. Tháng 6, Phó tổng thống Mỹ Wallace [Hoa Lai Sĩ] đến Trùng Khánh [Chongqing, Tứ Xuyên] khuyên Tưởng Uỷ viên trưởng nhường Nga Xô, Tưởng chấp nhận điều động Thịnh Thế Tài rời Tân Cương. Nhưng Nga Xô không chịu dừng tay, tháng 11 sách động biến cố tại Tân Cương, thành lập nước cộng hoà Đông Thổ Nhĩ Kỳ Tư Thản 1. Tháng 1/1945, Hồng quân giúp tổ chức này chiếm toàn xứ Y Lê [Yili, Tân Cương], hơn 4.000 quân Trung Quốc tử trận, thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề [Urumqi, Tân Cương] chấn động.


1. Trung Mỹ mâu thuẫn


Trung, Mỹ ý kiến mâu thuẫn, chủ yếu do vấn đề tấn công Miến Điện. Nhật Bản mưu đề phòng quân Trung Quốc tại Ấn Độ tiến sang phía đông, vào tháng 9/1943 tăng quân tại miền bắc Miến, khiến quân tại Ấn Độ bị cản trở. Tướng Joseph Stilwell Tổng tư lệnh quân Mỹ tại chiến khu Trung, Miến, Ấn, yêu cầu quân Hoa tại Vân Nam đánh kẹp lại, nhưng Tưởng cho rằng không có khả năng nên từ chối ; chờ cho lục quân Anh xuất phát mới chấp nhận cho Stilwell điều quân Hoa tiến từ vùng bắc Miến. Vào hạ tuần tháng 12, do sự yêu cầu của Stilwell và Thủ tướng Anh Churchill, Tổng thống Roosevelt liên tiếp yêu cầu quân viễn chinh tại Vân Nam tiến công, nhưng tiền mượn thì hạn chế không cho ; ngày 14/1/1944 lại cắt vật tư để chèn ép. Tưởng giận dữ vì bị xem thường, bèn đối phó một cách cường ngạnh. Ngày 16, gửi thư phúc đáp, cho rằng việc vay mượn tiền bị đối xử theo hành vi mua bán, trái với đạo hai nước đồng minh giao thiệp với nhau ; chính phủ Trung Quốc đối với phí dụng của quân Mỹ tại Hoa, sẽ không tiếp tục gánh vác. Chính phủ Hoa Thịnh Đốn rất khích động, quan hệ Mỹ, Hoa hầu như phá liệt. Ngày 20, Roosevelt chấp nhận mỗi tháng cấp cho quân Hoa và quân Mỹ tại Hoa 25 triệu Đô la, lại tăng cao giá trị của đồng Đô la và đồng Pháp tệ.


Tháng 2, quân Long Vân tại tỉnh Vân Nam giả mạo làm thổ phỉ, cướp khí giới của Mỹ ; nên một độ người Mỹ không phát vũ khí cho Trung Quốc. Cùng tháng quân Mỹ đổ bộ Vân Nam ; Trung, Mỹ lần đầu tiên chung vai tác chiến. Tháng 3, nước Mỹ đem vật tư viện trợ cho Trung Quốc, chuyển sang Âu Châu ; Tưởng bảo Stilwell rằng trước khi quân Anh xuất phát, tạm đình chỉ tấn công. Tháng 4 Roosevelt dục tiến binh, bảo rằng nước Mỹ trang bị cho quân viễn chinh, chính để dùng cho tác chiến hiện nay, nếu không thì mất hết ý nghĩa. Tham mưu tổng trưởng George Marshall [Mã Yết Nhĩ] lại đình chỉ việc phát vật tư để làm áp lực. Ngày 11/5 quân viễn chinh vượt qua phía tây sông Nộ Giang, tháng 6 chiếm Long Lăng [Longling, Vân Nam], rồi bị quân Nhật đánh lui. Tưởng gọi tướng Stilwell đến, yêu cầu tăng máy bay và dầu. Tướng Marshall cho biết quân đồng minh đã vào La Mã, cuộc đổ bộ Normandy thành công, phải toàn lực chú trọng vào Tây phương. Huống gì tại Thái Bình Dương đã chiếm được Saipan [bắc Mariana Islands], không cần dùng phi trường lục địa Trung Quốc để oanh tạc Nhật, nên vị trí quan trọng của Trung Quốc giảm thiểu.


Năm 1943 Trung cộng đánh lực lượng càn quét Nhật tại Hoa bắc rút, nước Mỹ đối với Trung cộng có hảo ý, còn đối với Quốc dân chính phủ thì mâu thuẫn, xét về thời cơ có lợi cho Trung cộng. Tháng 1/1944 Mao Trạch Đông đề nghị mở lại đàm phán Quốc, Cộng ; tháng 2, Tổng thống Roosevelt chính thức yêu cầu Tưởng cho phái viên Mỹ đến vùng Trung cộng kiểm soát tại phía bắc Thiểm Tây, cuộc vận động chính phủ liên hiệp mở ra từ từ thể theo lời kiến nghị lên Tổng thống của John P. Davis [Đái Duy Tư]. Tưởng biết rõ Trung cộng bước sang thế công, Mỹ hợp tác với Trung cộng, muốn Trung cộng có địa vị bình đẳng với chính phủ ; tuy nhận thức tình hình trở nên nghiêm trọng, nhưng Tưởng chủ trương kéo dài thì giờ, với quyền lực trong tay có thể xoay chuyển được. Nhưng ban tham mưu cao cấp khuyên Tưởng nên giải quyết vấn đề Trung cộng trong thời kỳ chiến tranh, không nên kéo dài đến sau cuộc chiến.


Vào tháng 5, đại biểu chính phủ uỷ viên hội Trương Trị Trung, Bộ trưởng tuyên truyền Vương Thế Kiệt, cùng đại biểu Trung cộng Chủ tịch biên khu Thiểm Cam Ninh, Lâm Tổ Hoàng, bắt đầu hội họp ; lập trường hai bên so với quá khứ không khác nhau mấy. Đầu tháng 6, Trung cộng đề xuất điều kiện mới, trừ những điểm vào tháng 5 năm ngoái Mao Trạch Đông đã nêu lên như thực hành dân chủ chính trị, khai phóng đảng cấm, thừa nhận Trung cộng lãnh đạo chính phủ địa phương cùng Cộng quân phòng thủ, lại yêu cầu biên chế Cộng quân thành 16 sư đoàn, chia đều vũ khí, thuốc men do đồng minh viện trợ. Chính phủ chấp nhận biên chế Cộng quân thành 10 sư đoàn, biên khu Thiểm Cam Ninh cần thi hành pháp lệnh của trung ương, Trung cộng và các đảng khác được hưởng thụ đãi ngộ như nhau.


Trong những ngày Quốc, Cộng tái đàm phán thì cũng chính là lúc quân viễn chinh dưới sự áp lực của Mỹ xuất phát tại vùng biên giới tỉnh Vân Nam, Miến Điện và việc quân chính phủ thất bại nặng tại tỉnh Hà Nam. Nhật Bản quyết định phát động thế công tại các tỉnh Hà Nam, Hồ Nam ; nhắm kiểm soát đường sắt tại Trung Quốc từ nam chí bắc để thực hiện giao thông vận chuyển từ Nam Dương lên đến miền Đông Tam Tỉnh 2 tại đông bắc, thay cho đường thuỷ lúc này đã bị hải quân Mỹ khống chế ; chiến dịch này được gọi là hành quân Ichi-Go [Operation Number One]. Ngoài ra Nhật còn có ý đồ uy hiếp vủng hậu phương Tứ Xuyên, không cho liên lạc với hạ lưu sông Trường Giang ; phá huỷ các phi trường của Mỹ dùng để oanh tạc quân Nhật tại các tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây ; cùng ngăn trở liên quân Trung, Mỹ hành quân tại Miến Điện, làm suy sụp ý chí kháng Nhật của Quốc quân.


Vào ngày 18/4/1944 quân Nhật từ Hà Bắc tiến xuống Hà Nam, lực lượng Nhật tại tỉnh Hồ Bắc theo đường sắt Bình Hán [Hán Khẩu – Bắc Bình] tiến lên đánh kẹp ; tổng cộng 15 vạn. Lúc này chính sách trưng binh của Trung Quốc tàn tệ, bắt dân nghèo làm lính, huấn luyện sơ sài, thực phẩm ăn không đủ no, lại bị hạch sách ngược đãi ; quan quân lo tham ô buôn bán, không có ý chí chiến đấu. Quân trú đóng tại Hà Nam gồm 30 vạn, chủ lực thuộc Đệ nhất chiến khu dưới quyền Phó tư lệnh Thang Ân Bá, kỹ luật yếu kém, hà khắc, nhũng nhiễu địa phương. Khi quân Nhật tới, bộ hạ Thang tan vỡ chạy trốn, bị dân đón đánh ; trong vòng 30 ngày khoảng 30 thành trì tại các vùng Trịnh Châu [Zhengzhou, Hà Nam], Hứa Xương [Xuchang, Hà Nam], Lạc Dương [Luoyang, Hà Nam] đều bị mất. Đồng Quan [Tongguan, Thiểm Tây] chấn động, nhờ quân dưới quyền Hồ Tông Nam tại Thiểm Tây ra sức đánh, nên quân Nhật không tiếp tục tây tiến. Ngày 24/5, quân Nhật 20 vạn từ vùng giáp giới Hồ Bắc, Hồ Nam theo đường sắt Việt Hán [Quảng Đông – Hán Khẩu] tiến xuống phương nam. Quân Trung Quốc 40 vạn và không quân Mỹ không ngăn cản niổ ; ngày 18/6 mất Trường Sa [Changsha, Hồ Nam] ; tại Hoành Dương [Hengyang] chống cự hơn một tháng trời, cuối cùng cũng không giữ được.


Phó tổng thống Wallace đến Trung quốc có hai nhiệm vụ, thứ nhất khuyên Tưởng Uỷ viên trưởng nhượng bộ Nga Xô, thứ hai nhượng bộ Trung cộng. Wallace đến Trung Quốc theo ngã đường Nga, nên có dịp gặp Stalin tại Mạc Tư Khoa, sau đó bay đến Ô Lỗ Mộc Tề [Urumqi, Tân Cương] rồi mới đến Trùng Khánh [Chongquing, Tứ Xuyên]. Ông ta nói với Tưởng rằng Stalin tuy bất mãn với chính phủ Trung Quốc, nhưng Trung cộng không có tiền đồ, quốc tế cộng sản đã giải tán, Nga Xô sẽ không chi trì. Nếu như nước Mỹ có thể lo liệu vấn đề Quốc, Cộng, Stalin đồng ý dùng vũ lực Trung cộng đối phó với Nhật. Tưởng Uỷ viên trưởng biểu thị hoan nghênh, đồng ý cho nhân viên Mỹ với danh nghĩa khảo sát đi vào khu vực Cộng sản. Vào ngày 24/6, khi Wallace rời khỏi Trùng Khánh ; John S. Service [Tạ Vĩ Hiệp], cố vấn của tướng 4 sao Stilwell, báo cáo với Quốc vụ viện rằng Quốc dân đảng đã làm mất lòng dân, Tưởng cố chấp thiên kiến, nước Mỹ cần đình chỉ chi trì cho chính phủ Tưởng, gây tình hữu nghị với phái tự do tiến bộ, trang bị cho lực lượng địa phương kháng Nhật. Wallace chịu ảnh hưởng của Tuỳ viên J. C. Vincent [Phạm Tuyên Đức], cùng viên Cố vấn chính trị Owen Lattimore, gửi thư báo cáo Tổng thống Roosevelt rằng Tưởng không đủ trí thức lãnh đạo hậu chiến, Trung Quốc cần thành lập chính phủ liên hiệp ; lại viết thư cho Tưởng khuyên đem sức sống mới và hành động mới.


Tháng 7, John S. Service cùng David D. Barret [Ba Lôi Đặc] đến Diên An thiết lập đài quan sát ; có dịp bàn bạc với Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai. Bọn họ cho rằng Quốc dân đảng đã chết, Trung cộng là chính quyền mới, Cộng quân tinh nhuệ hơn quân chính phủ ; bèn kiến nghị Quốc vụ viện liên hiệp với phái tự do trong Quốc dân đảng, cùng Cộng sản đảng để cải tổ chính phủ. Từ đó thường khen thành tựu cùng tinh thần dân chủ của Trung cộng, ngoài ra Trung cộng cũng không phản đối lợi ích Mỹ tại Hoa. Mỹ không cần lưỡng lự đến thái dộ Quốc dân đảng, hãy trực tiếp trang bi huấn luyện Cộng quân, Quốc dân đảng nhờ nước Mỹ để sống còn nên phải dựa vào ; vậy cần chú ý đến lực lượng Cộng sản, phần tử tự do và thành phần địa phương.


Từ năm 1943, cán bộ cao cấp của Quốc dân đảng, trong chốn riêng tư luận bàn thời sự, tâm tư khắc khoải cảm khái. Có kẻ cho rằng các yếu nhân phụ trách văn võ, hôn nhược không chấn tác, bản thân chỉ lo khuếch trương thế lực. Có kẻ cho rằng chính phủ dùng người không chú trọng chức trách, cơ quan không trọng chế độ, thiếu tổ chức hiệu lực. Có kẻ cho rằng thái độ Tưởng đầy chủ quan, áp chế lời nói thẳng, trên dưới xa lìa, khiến nhân tâm giao động, thanh niên bất mãn. Có kẻ nói rằng thế nguy không phải tại ngoài, mà tại trong nội bộ, đảng chính trị hủ bại do bởi tự tư tự lợi. Những người có luận điệu như vậy phần lớn thuộc hệ chính học, cùng với số đông đả kích hệ C. C. 3 khống chế đảng và giáo dục, Khổng Tường Hy [anh rể Tưởng] nắm tài chánh kinh tế, cùng Hà Ứng Khâm chủ quản về quân sự.


Tháng 5/1944, trong nhật ký Tưởng Uỷ viên trưởng chỉ trích Tôn Khoa [con Tôn Trung Sơn] cấu kết với Trung cộng, người Mỹ lại hùa theo để trợ giúp, mưu lật đổ chính phủ. Ngày 14, Tôn Khoa diễn giảng tại hội Hiến chính toạ đàm, đề cao 3 loại tự do : dân tộc, chính trị, kinh tế ; cùng có nhiều chỉ trích về chính trị hiện thời. Tưởng cho là vu khống chính phủ, hợp tác với Trung cộng, được người Nga hậu thuẫn, ý đồ đoạt chức Chủ tịch Quốc dân chính phủ. Ngày 27, cảnh cáo cán bộ Quốc dân đảng, bảo rằng từ nay đến 6 tháng sau, hết sức gian khổ ; cần phải ra sức chuẩn bị. Ngày 26/7 lại hội nghị chỉnh quân, chỉ trích mạnh quân chính bại hoại, quốc tế có ấn tượng ác liệt đối với Trung Quốc. Lúc bấy giờ Diêm Tích Sơn tại tỉnh Sơn Tây ngầm ký hiệp định với Nhật, để mong cho phần đất còn lại tại phía tây nam tỉnh được tạm an toàn. Nguyên Chủ nhiệm hành doanh Quế Lâm [Guilin, Quảng Tây], Lý Tế Thâm, thừa lúc chiến tranh với Nhật tại Hồ Nam nguy cấp, ngầm liên lạc với tướng Stilwell, chuẩn bị thiết lập chính phủ, đòi Tưởng xuống chức.


Ngoài Trung cộng ra, các đảng phái nhỏ cùng phần tử trí thức đa số không có cảm tình với Quốc dân đảng. Phần tử trí thức bất mãn do sinh hoạt đắt đỏ, nhưng về học thuật không được tự do cũng là một nguyên nhân. Các đảng phái nhỏ bất mãn, lý do gần bởi hội nghị Quốc gia tham chính khoá thứ hai vào tháng 12/1940, không được đưa vào ban chấp hành. Vào tháng 1/1941 nhân vụ Tân tứ quân bị đánh, Quốc Cộng tranh chấp thêm mạnh ; các đảng Quốc gia xã hội, Trung quốc thanh niên, Nông công, cùng hội Hương thôn tự trị, Trung Quốc chức nghiệp giáo dục xã, thành lập một lực lượng trái đệm mang tên “ Trung Quốc dân chủ chính đoàn đồng minh ” yêu cầu Quốc dân đảng công khai chính quyền ; sau đó Cứu quốc hội gia nhập, dần dần gần gũi với Trung cộng. Tháng 9 năm 1944, cải tổ thành “ Trung Quốc dân chủ đồng minh ”, các thành viên lấy tư cách cá nhân tham gia, cùng Trung cộng đòi hỏi kết thúc đảng chuyên chính, các đại học tại Côn Minh hoạt động về phong trào này rất mạnh.

Mỹ chủ yếu hy vọng Trung Quốc gia tăng quân lực chống lại Nhật. Riêng Tưởng nhân chiến trường Hồ Nam nguy cấp, muốn điều quân từ biên giới Vân Nam trở về tiếp ứng. Riêng tướng Stilwell muốn thu phục Miến Điện gấp, nên ngày 3/7 kiến nghị với chính phủ Hoa Thịnh Đốn rằng nếu Tưởng Giới Thạch giao cho toàn quyền chỉ huy quân đội Trung Quốc, trong đó có cả quân Trung cộng, thì viên này sẽ điều quân từ Thiểm Tây đánh khu vực phía nam sông Hoàng Hà như Lạc Dương [Luoyang, Hà Nam], Trịnh Châu [Zhengzhou, Hà Nam] ; chứ tuyệt đối không nên điều quân viễn chinh về. Cùng ngày, Tôn Khoa cũng xui dục nhân viên sứ quán Mỹ rằng nếu áp lực mạnh, bắt phải sử dụng hai quân Quốc, Cộng vào việc kháng Nhật ; Tưởng sẽ khuất phục sửa đổi.


Ngày 7/7 Tổng thống Roosevelt đề xuất kiến nghị của Stilwell với Tưởng, cùng chủ trương tiếp tế quân viện vật tư cho Cộng quân. Tưởng vốn từ lâu không tín nhiệm Stilwell, nên đối với yêu cầu của Roosevelt không hứa chắc ; nhưng với thái độ hoãn hoà không cự tuyệt hẳn, bảo rằng trên nguyên tắc tán thành, xin phái một đại biểu có tầm nhìn xa rộng đến trực tiếp bàn bạc. Roosevelt tuy tiếp thu, nhưng vẫn đòi lập tức giao cho Stilwell thống suất toàn quân. Ngày 22/7, Tưởng đồng ý cho Stilwell chi huy quân tại tiền tuyến, còn Cộng quân có nằm trong đó hay không, thì tuỳ thuộc có phục tùng mệnh lệnh hay không mới quyết định. Còn vật tư viện trợ cần do chính phủ Trung Quốc phân phối, chức quyền thống suất của Stilwell cần bàn định trước. Ngày 23/8, Roosevelt gửi điện phúc đáp rằng đối với chức quyền của Stilwell không nên hạn chế, đáng ra mệnh lệnh, nếu trì trệ Trung Quốc sẽ không còn thời cơ cứu vãn, Trung cộng cũng không có mối nguy hiểm lớn ; còn về tiền vật tư cho mượn, nên quản lý như thế nào sẽ thông tri sau. Tưởng rất lấy làm phẫn nộ, chuẩn bị từ chức Thống soái tối cao chiến khu Trung Quốc, kháng cự áp lực của Mỹ. Tưởng dự liệu Roosevelt có thể nhượng bộ, nếu không thì nước Mỹ phải phái thêm hàng trăm vạn quân hy sinh tại Á châu !


Sau khi Wallace rời khỏi Trung Quốc, đầu tháng 7/1944, Quốc, Cộng tiếp tục đàm phán, hai bên đi lại biện luận phản bác ; đến lúc Stilwell bắt đầu đòi quyền chỉ huy, thái độ của Trung cộng lại càng thêm ương ngạnh. Ngày 30/8, Đại biểu Trung cộng Lâm Tổ Hàm trách chính phủ trước sau không chịu thực hành chế độ dân chủ. Tưởng Uỷ viên trưởng triệu kiến Đại sứ Mỹ Clarence Edward Gauss [Cao Tư] bảo rằng chính phủ Mỹ không hiểu rõ vấn đề Trung cộng, bọn này thiếu tín nghĩa ; nước Mỹ khuyên chính phủ Trung Quốc thoả hiệp với Trung cộng, càng làm cho chúng trở nên ngoan ngạnh ; nay điều kiện Trung cộng đề ra chẳng khác gì bắt chính phủ đầu hàng. Gauss kiến nghị để các đảng phái tham gia chính phủ cùng quyết định và thực thi kế hoạch tác chiến. Ngày 10/9 Đại biểu chính phủ Trương Trị Trung phúc đáp Lâm Tổ Hàm rằng ý kiến hai bên xa cách nhiều, thực do yêu cầu của Trung cộng lúc này tăng. Ngày 15, Lâm trình bày với Tham chính hội về đầu đuôi cuộc đàm phán trải qua, kết luận yêu cầu cơ cấu, nhân sự, chính sách của chính phủ phải hoàn toàn thay đổi, kết thúc Quốc dân đảng độc tôn thống trị, tổ chức chính phủ liên hiệp. Ngày 21 tại Diên An thanh minh rằng Trung cộng không thể phục tùng chính phủ chuyên chính của Quốc dân đảng, cần đàm phán quân lệnh, chính lệnh thống nhất ; cần cải biến tình trạng Quốc dân đảng hiện tại thi hành chính sách quân sự, chính trị, văn hoá, kinh tế ; triệt để cải tạo phủ thống soái, do người của đại biểu nhân dân nắm chính lệnh, quân lệnh. Ngày 3/10 Lâm Tổ Hàm gửi thư cho Trương Trị Trung kiên trì đòi tổ chức chính phủ liên hiệp, yêu cầu triệu tập hội nghị quốc thị 4. Lúc này cuộc đàm phán Quốc, Cộng kéo dài trên 4 tháng trời, lại trở nên đình đốn.


Năm 1944 Tổng thống Roosevelt sai Đại diện Patrick J. Hurley [Hách Nhĩ Lợi] đến Trùng Khánh phụ trách điều giải mối quan hệ giữa Tưởng và Stilwell. Tổng thống đích thân ghi mệnh lệnh, có đoạn như sau : “ You are hereby designated as my personal representative with the Generalissimo Chiang Kai-shek, reporting directly to me. Your principal mission is to promote efficient and harmonious relations between the Generalissimo and General [Joseph] Stilwell to facilitate General Stilwell's exercise of command over the Chinese armies placed under his direction.” [Anh được chỉ định làm Đại diện riêng tiếp xúc với Thống soái Tưởng Giới Thạch và phúc trình thẳng cho ta. Sứ mệnh chính của anh là tăng cường mối liên lạc hoà hợp, hiệu quả giữa Thống soái Tưởng và Tướng Stilwell, giúp cho Stilwell làm tốt việc chỉ huy quân đội Trung Quốc theo sự hướng dẫn của viên này]. Roosevelt cho biết chính sách của Mỹ vẫn tiếp tục chi trì cho Tưởng Uỷ viên trưởng ; trừ phi Trung cộng thừa nhận Quốc dân chính phủ và Tưởng lãnh đạo, thì không thể nhận được vật tư trang bị viện trợ.


Ngày 6/9 Hurley cùng Cục trưởng sinh sản Donald Nelson [Nạp Nhĩ Tốn] từ Ấn Độ đến Trùng Khánh, Stilwell cùng đồng hành. Lúc này chính là lúc quân Nhật từ tỉnh Hồ Nam tiến đến Quảng Tây, Stilwell chỉ huy quân Trung Quốc đã đánh chiếm được vùng Mật Chi Na tại bắc Miến Điện. Tưởng ra lệnh cho đạo quân này tiến chiếm Bát Mạc [Bhamo] tại vùng biên giới Miến Điện, Vân Nam, nhắm làm giảm thiểu áp lực quân Nhật tại tỉnh Quảng Tây và phía tây Vân Nam, nhưng tướng Stilwell cự tuyệt, không tuân lệnh. Tâm tình Tưởng rất bực bội, tự coi như sa xuống giếng bị Mỹ ném đá đè lên trên. Ngày 20/9, Bộ trưởng ngoại giao Tống Tử Văn, Bộ trưởng quân chính kiêm tham mưu Hà Ứng Khâm bàn định với Đại diện Hurley được 2 việc : thứ nhất, cử tướng Stilwell làm Tổng tư lệnh tiền quân, nếu sừ dụng quân Trung cộng phải được sự chấp nhận trước của Tưởng Uỷ viên trưởng ; thứ hai, tại Trùng Khánh thành lập Mỹ quốc uỷ viên hội để quản lý vật tư viện trợ và cho mượn, Đại biểu Trung Quốc cũng được tham gia.


Riêng Stilwell từ khi chiến thắng quân Nhật tại Mật Chi Na, ý khí dương cao ; Trung cộng lại mời lên thăm Diên An, y cho rằng đây là cơ hội tốt để khuất phục Tưởng. Ngày 15, Stilwell lại chống việc tấn công Bát Mạc, đòi điều quân dưới quyền Hồ Tông Nam từ Thiểm Tây xuống phương nam, tranh luận kịch liệt với Tưởng, lại kiên trì quản lý toàn bộ vật tư viện trợ, đòi điều động toàn quân mà Tưởng không được hỏi đến ; nếu không được như vậy thì không nhận chức, sẽ kiến nghị chính phủ Mỹ rút quân ra khỏi Trung Quốc. Stilwell lại báo cáo với Tham mưu tổng trưởng Marshall rằng Tưởng muốn triệt hồi quân viễn chinh tại phía tây tỉnh Vân Nam, ý muốn bảo toàn thực lực, ngồi đợi nước Mỹ đánh bại Nhật Bản ; lúc này quân viễn chinh chiếm được Đằng Xung [Tengchong, Vân Nam], Long Lăng [Longling, Vân Nam], do vậy việc rút quân về không đúng sự thực.


Ngày 16/9, Roosevelt không đoái đến thể diện của Tưởng, đánh điện nghiêm khắc chỉ trích Tưởng, hẹn trong 2 ngày phải giao quyền cho Stilwell, điện có đoạn tóm lược như sau “ Nếu như quân viễn chinh tại phía tây Vân Nam không tiến hoặc triệt hồi, việc đả thông công lộ Miến Điện Vân Nam bị thất bại, Tưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Mấy tháng gần đây đã yêu cầu Tưởng hành động, nhưng không làm, khiến trước mặt gặp nguy cấp, có thể gây nên hậu quả bi thảm. Kế hoạch duy nhất chống quân Nhật phá hoại Trung Quốc là phải tấn công mạnh tại phía tây Vân Nam, hãy lập tức giao cho Stilwell toàn quyền chỉ huy quân đội ”. Ngày 18, lại có điện yêu cầu hai bên gặp mặt trao quyền. Tưởng cho rằng thái độ của Roosevelt ác liệt, gửi điện dùng lời lỗ mãng, sau khi xem xong không thèm trả lời ; ngày hôm sau Đại diện Hurley xin gặp cũng từ chối. Ngày 20, trong buổi họp tiễn biệt Patrick J. Hurley và Donald Nelson, Tưởng bảo rằng việc làm của Roosevelt trái với lịch sử dân chủ của nước Mỹ từ thời lập quốc đến nay, là vết nhơ cho tinh tinh thần truyền thống nước Mỹ, xin ông Donald Nelson chuyển lời rằng “ Có 3 điều sau đây tuyệt đối không thể thương lượng : thứ nhất, phàm những việc không hợp với Tam dân chủ nghĩa ; thứ hai, tổn hại đến chủ quyền Trung Quốc ; thứ ba, tổn hại đến quốc thể và tư cách cá nhân của tôi. Nhân dân Trung Quốc nguyện bằng hữu với Mỹ, nguyện khuynh tâm học tập, nhưng tuyệt đối không thể là nô lệ của Mỹ ”.


Vào tháng 10 năm ngoái, Tưởng đã định yêu cầu Tổng thống Mỹ điều Stilwell trở về nước. Đến tháng 7 năm nay, khi Tổng thống Roosevelt yêu cầu giao toàn quyền cho Stilwell, viên này nói với Tưởng rằng vấn đề Trung cộng chỉ cần ông ta đến Diên An là có thể giải quyết, bằng cách trang bị 6, 7 sư đoàn, cấp phát vũ khí mới. Tưởng nghiêm mặt trả lời “ Nếu ông làm như vậy, tôi sẽ triệt chức Tham mưu trưởng của ông ” ; đến nay thì quyết tâm yêu cầu Roosevelt bãi chức. Ngày 24/9, Tưởng báo cho viên Đại diện Patrick J. Hurley biết rằng ông ta không còn hy vọng và lòng tin, nên tướng Stilwell không thể đảm nhiệm chức thống suất chiến khu Trung quốc và liên quân Trung Mỹ. Ngày hôm sau gửi bị vong lục [Memorandum] rằng nếu như nước Mỹ gửi một tướng lãnh có tinh thần hữu nghị hợp tác làm Tổng tư lệnh liên quân tại tiền địch, đảm nhiệm cải tổ, chủ trì cần vụ tại hậu phương, để thay thế cho tướng Stiwell thì sẽ được hoan nghênh hết sức chân thành. Tưởng chuẩn bị nếu như Roosevelt không nghe, sẽ công khai điện thư để thiên hạ cùng nhân dân nước Mỹ biết được tác phong của Roosevelt, ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của vị này. Lại ra lệnh cho Bộ trưởng tài chánh Khổng Tường Hy, trở về Trung quốc gấp, không tiếp tục cầu xin tiếp tế viện trợ. Ngày 27/9, gặp cán bộ Quốc dân đảng, tuyên bố “ Quyết không để thế lực nào dao động, tuyệt không để người ngoài can thiệp ; phàm dùng lời người nước ngoài quấy nhiễu, tội ngang với Hán gian.”


Tướng Stilwell gửi điện báo cáo Tham mưu trưởng Marshall rằng Tưởng không muốn nỗ lực tiến hành chiến tranh, tiếp tục vận dụng ngón đòn cũ không hợp tác, để đòi thêm tiền và vũ khí. Tưởng cũng không muốn tiến hành dân chủ, cùng trận tuyến hợp tác với đảng Cộng sản, thực trở ngại cho việc thống nhất Trung Quốc cùng kháng Nhật. Sau khi khảo lự, vào ngày 5/10 Roosevelt định giải chức Tham mưu trưởng chiến khu Trung Quốc của Stilwell, nhưng vẫn bảo lưu quyền chỉ huy quân Trung Quốc tại Miến Điện cùng quân viễn chinh tại Vân Nam. Ngày 9, Tưởng gửi điện trình bày rõ thêm những điều Stilwell sai trái ; bảo rằng sự thắng lợi tại bắc Miến Điện không đáng để cho chiến trường miền đông Trung quốc tổn thất, rồi cho rằng Stilwell không xứng giữ trọng trách.


Stilwell cũng gửi điện Tham mưu trưởng Marshall, cho rằng nếu chấp nhận sự giải chức do Tưởng đề ra, sẽ làm tiêu trầm tiềm lực tác chiến tại Trung Quốc. Nhưng Đại diện Tổng thống là Patrick J. Hurley không cho là đúng, bảo rằng Stilwell cơ bản sai lầm, làm áp lực một lãnh tụ cách mệnh đã có 7 năm chỉ huy cuộc kháng chiến ; vả lại Tưởng không phải không chịu hợp tác, vấn đề Trung Quốc hy vọng có thể giải quyết được. Nếu như chi trì Stilwell, sẽ mất sự ủng hộ của Tưởng và Trung Quốc ; chiến tranh tất phải kéo dài, tăng gia tổn thất nhân lực, vật lực nước Mỹ ; cần theo lời đề nghị của Tưởng, phái một tướng lãnh Mỹ dưới quyền lãnh đạo của Tưởng, chỉ huy quân đội Trung Quốc. Ngày 10/10, Tổng thống Roosevelt quyết định triệu Stilwell trở về nước, chia Trung Quốc, Miến Điện – Ấn Độ thành 2 khu vực ; cử A. C. Wedemeyer [Uy Đức Mại] làm Tổng tư lệnh quân Mỹ và Tham mưu trưởng chiến khu Trung Quốc ; cử D. Z. Sultan [Tố Nhĩ Đăng] làm Tổng tư lệnh chiến khu Miến-Ấn.


Trong lúc quan hệ Mỹ, Trung nguy hiểm như ngàn cân treo sợi tóc, lại kèm theo quân sự thất lợi, Trung cộng yêu sách đâm ngang hông, cả nước bị khinh chê, đảng bị lăng nhục ; thậm chí cán bộ cao cấp dao động bảo Tưởng ương ngạnh như vậy sẽ khiến quốc gia nguy vong. Trong hoàn cảnh bốn bề bao vây, Tưởng cho rằng từ khi chào đời đến nay, chưa lúc nào gặp cùng quẫn như vậy !


Sự kiện Stilwell khiến quan hệ Trung Mỹ xuống thấp nhất, cơ hồ đến giai đoạn bị cắt đứt. Tưởng vốn cá tính ương ngạnh, lại có sẵn lập trường ; nguyên nhân chính không muốn đem vũ lực vào tay người ngoài, lại không muốn Stilwell nắm Cộng quân ; nếu không vậy Stilwell sẽ đem vật tư vũ khí trang bị cho Cộng quân, Trung cộng như cọp thêm cánh, càng không chế ngự được. Nước Mỹ sở dĩ nhượng bộ vì sợ rằng quá quyết liệt với Tưởng, chiến cuộc tại Trung quốc sẽ sụp đổ ; nếu nước Mỹ có thể đánh chiếm cả nước Nhật, quân Nhật sẽ tiếp tục chống cự trong lãnh thổ Trung Quốc ; lại còn có khả năng Trung cộng được lợi, cả nước Trung Quốc sẽ trở thành phụ thuộc Nga Xô.


Ký giả Mỹ tại Hoa vốn từ lâu bất mãn với Tưởng, sau khi Stilwell bị điều về nước thì luận điệu lại càng mạnh thêm, như ký giả B. Atkinson của tờ New York Times cho rằng Stilwell bị triệu về nước, biểu hiệu cho mối nguy hiểm chính quyền phản dân chủ thắng lợi ; những bài của Theodore White trong tạp chí Time càng làm cho Tưởng bất lợi, các báo khác cũng phụ hoạ thêm ; John P. Davis, cố vấn tướng Stilwell, không ngớt khen Trung cộng và cho rằng không thể dựa vào Tưởng trong công cuộc kháng Nhật. Riêng Đại sứ Gauss cũng có thái độ bi quan, khiến Tổng thống Roosevelt tuy đã có quyết định, nhưng không khỏi phiền muộn.


2. Chiến dịch Ichi-Go, quân Nhật gây áp lực


Đầu năm 1944 hải quân Mỹ khống chế Thái Bình dương, Nhật sử dụng đại quân mở chiến dịch Ichi-Go [Operation Number One] nhắm kiểm soát đường xe lửa từ Đông Tam Tỉnh đến Quảng Tây, để vận chuyển nguyên liệu từ Đông Nam Á lên phía bắc. Sau khi chiếm được Hoành Dương [Hengyang, Hồ Nam], nghỉ ngơi bổ sung, đến đầu tháng 9/1944 Nhật noi theo đường sắt Hồ Nam – Quảng Tây đánh phía nam để chiếm Quảng Tây. Lại có một đạo quân từ Quảng Đông tiến sang phía tây, chiếm Ngô Châu [Wuzhou, Quảng Tây]. Vào tháng 11, Nhật chỉ cần giao tranh nhẹ đã chiếm được Quế Lâm [Guilin] thủ phủ tỉnh Quảng Tây, và Liễu Châu [Liuzhou, Quảng Tây] ; rồi đánh chiếm luôn các xứ như Nam Ninh [Nanning, Quảng Tây]. Tất cả các phi trường tại 2 tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây đều mất, tổng số là 36 vị trí ; quan trọng phải kể đến các phi trường tại Hoành Dương [Hengyang, Hồ Nam], Bảo Khánh [Baoqing, Hồ Nam], Linh Lăng [Lingling, Hồ Nam] thuộc tỉnh Hồ Nam ; Quế Lâm, Liễu Châu, Bình Nam [Pingnan, Quảng Tây], Nam Ninh [Nanning] tại tỉnh Quảng Tây.


Chiến dịch này khiến rất nhiều quân dân bị tử thương, của cải tài vật công tư tổn thất lớn. Quân Nhật đuổi dài, vào tháng 2/12 chiếm Độc Sơn [Dushan, Quý Châu], chỉ còn cách Quý Dương [Guiyang] thủ phủ tỉnh Quý Châu hơn 60 km. Miền hậu phương Tứ Xuyên, Vân Nam tại phía tây kinh hoảng, kể từ đầu cuộc chiến đến nay chưa có lúc nào hiểm ác như vậy. Tưởng uỷ viên trưởng một mặt điều quân tại Thiểm Tây trở về cứu viện Quý Châu, rút quân viễn chinh tại biên giới Miến Điện về Côn Minh [Kunming, Vân Nam] ; một mặt cùng tướng Mỹ mới đến nhậm chức, A. C. Wedemeyer, bàn định kế hoạch chung. Wedemeyer đề nghị nếu Quý Dương mất, cần chuẩn bị dời đô ; các sứ quán Pháp, Anh đã chuẩn bị dời, nhưng Tưởng không bằng lòng, mang quân bố phòng tại phía bắc Quý Châu và quyết giữ thủ đô Trùng Khánh.


Quân Nhật vốn có ý định tấn công tỉnh Tứ Xuyên, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Hải quân Nhật tại Thái Bình Dương nhiều lần thất bại, không quân Mỹ tại các căn cứ trên đảo như Saipan [bắc Mariana Islands] có thể oanh kích nội địa Nhật. Quân Nhật chỉ chiếm được đường giao thông huyết mạch, nhưng chưa chiếm hết vùng quê ; hơn nữa vùng chiếm lãnh quá lớn, phải dàn mỏng ra nên thường bị quân địa phương đánh du kích. Với chiến dịch Ichi-Go, Nhật có tham vọng chiếm trọn đường sắt từ Đông Tam Tỉnh phía bắc Trung Quốc xuống tận miền nam nối đường xe lửa xuyên Việt 5, để vận chuyển nguyên liệu từ vùng Đông Nam Á lên phía bắc, thay cho đường biển đã bị hải quân Mỹ khống chế. Nhưng ý đồ này không thành, vì đường sắt thường bị du kích đánh phá, nhất là quân Trung cộng thường xuyên phá hoại các tuyến đường sắt như Bình-Hán [Bắc Bình, Hán Khẩu] ; không quân Mỹ lại oanh kích ác liệt. Tháng 12, Tưởng điều viện quân từ Thiểm Tây trở về, chiếm lại Độc Sơn, rồi trên đường tiến đến Quảng Tây, tình thế trở nên ổn định.


3. Vật giá gia tăng nghiêm trọng


Trong cuộc chiến vật giá dao động là lẽ tự nhiên ; nhưng khi cuộc chiến chống Nhật mới bắt đầu, hiện tượng xảy ra chưa rõ nét. Có thể giải thích vì những lý do sau đây : thứ nhất, còn một số hoá vật tích trữ trước chiến tranh chưa dùng hết ; thứ hai, Thượng Hải, Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Thanh Đảo [Qingdao, Sơn Đông] tuy bị chiếm, nhưng các hải khẩu tại tây nam, đông nam vẫn còn hoạt động ; thứ ba, tại Thượng Hải, Hương Cảng, Nhật bản muốn thu mua ngoại tệ, cùng các nông sản và nguyên liệu, và bán lại những sản phẩm dư thừa không liên quan đến chiến tranh. Từ năm 1939, tình hình biến đổi rất nhiều ; hàng hoá tích trữ đã tiêu dùng hết, Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông], Vũ Hán [Wuhan, Hồ Bắc] không giữ được ; đường sắt Việt Hán [Quảng Đông – Hán Khẩu], Điền Việt [Vân Nam – Việt Nam] không còn lưu thông, hàng hoá nước ngoài khó mà du nhập vào. Từ năm 1942, Nhật Bản đem toàn lực vào chiến tranh Thái Bình Dương, hàng hoá thặng dư không còn mấy ; tô giới Thượng Hải và Hương Cảng đều do Nhật chiếm, không còn việc thu mua ngoại hối, hàng hoá Nhật du nhập cũng giảm.


Trước chiến tranh 90 % số tiền nhập ngân khố lấy từ quan thuế, thuế muối, và thống thuế [thuế đánh trên hàng hoá]. Thời chiến, những khu vực công nghiệp trọng yếu phần lớn bị Nhật chiếm ; quan thuế, thống thuế cũng theo đó tiêu vong ; khu vực khai thác muối giảm, thuế muối do đó cũng giảm. Năm 1938 tiền vào ngân khố nhà nước chỉ bằng ¼ tiền chi, quân phí lại tăng ; tuy bán công trái, tăng thuế cũng không thể bổ cứu. Sau khi cải cách tiền tệ, giá hàng hoá lên cao, đến lúc này thì quá lắm. Năm 1937 tiền tệ phát hành là là 1.600 triệu nguyên, năm 1938 tăng gấp đôi, vật giá tăng lên 64 %. Năm 1939 số phát hành tăng lên 3.5, vật giá cũng tăng lên gần như vậy. Năm 1940 số phát hành tăng lên 5.5, vật giá tăng lên 12 lần. Năm 1941 số lượng phát hành tăng 10 lần, vật giá tăng 27 lần. Năm 1942 phát hành tăng lên 21 lần, vật giá tăng lên 77 lần. Năm 1943 phát hành tăng lên 47 lần, vật giá tăng lên 200 lần. Năm 1944 phát hành tăng lên 180 lần, vật giá tăng lên 2.100 lần.


Bản tóm tắt về đồng Nguyên phát hành và vật giá gia tăng tại Trung Quốc trong thời chiến tranh Trung Nhật


Năm

Đồng Nguyên phát hành

Giá sinh hoạt

1937

1.600 triệu


1938

tăng 2 lần

tăng 1.64 lần

1939

tăng 3.5

tăng 3.5

1940

tăng 5.5

tăng 12

1941

tăng 10

tăng 27

1942

tăng 21

tăng 77

1943

tăng 47

tăng 200

1944

tăng 180

tăng 2100


Khi vật giá tăng, chính phủ phải chi ra nhiều, thì đồng Nguyên buộc phải in thêm ; vật giá tăng thường vượt quá lượng phát hành 2, 3 lần. Các tiệm buôn chỉ lo tích trữ đầu cơ, hãng xưởng tích trữ nguyên liệu, không những giữ được vốn mà còn thu hoạch nhiều lời ; hậu quả hàng hoá không luân lưu, kinh tế trở nên đình trệ. Lúc bấy giờ trong dân gian có câu nói “ Công nhân không bằng thương nhân, thương nhân không bằng tích trữ ”. Các ngân hàng như Trung ương, Trung Quốc, Giao thông, Nông dân, Trung ương tín dụng, Bưu chính trữ kim chỉ lo đầu cơ ; tự lập ra các thương hiệu, công ty để lũng đoạn. Các quan chức nắm về kinh tế, tài chánh, chính trị cũng có các xí nghiệp riêng ; bị nhân dân chỉ trích nhiều. Quân đội trấn giữ tiền phương cả gan buôn lậu, bán các nhu yếu phẩm ra vùng quân Nhật chiếm, mua lại các hàng không cần thiết để kiếm lời ; vùng biên khu Hồ Bắc – Hà Nam, Giang Tô – Chiết Giang, An Huy – Giang Tây xảy ra rất nặng nề.


Sản phẩm nông nghiệp tăng giá, lương thực chịu nặng nhất. Từ năm 1940, dân cư tụ tập tại Trùng Khánh [Chongqing, Tứ Xuyên] đông, lương thực thiếu hụt đặc biệt nghiêm trọng. Năm đó tỉnh Tứ Xuyên thu hoạch kém, sau khi Nghi Xương [Yichang, Hồ Bắc] thất thủ, thực phẩm từ tỉnh Hồ Nam chuyển lên không dễ, nên giá gạo tăng lên vùn vụt. Nếu lấy năm 1937 làm chuẩn, thì năm 1941 tăng lên 7 lần, năm 1943 tăng lên 30 lần ; tại Thành Đô [Chengdu, Tứ Xuyên] mấy lần bạo động vì lương thực. Năm 1942, tại Hà Nam có nạn đói, số người chết lên đến trên 2 triệu. Chính phủ đề ra chính sách bình giá [bình nghị giá cả], tỏ ra vô hiệu, thương nhân không hợp tác, tại Trùng Khánh thực phẩm hầu như biến mất trên thị trường. Rồi đến năm 1943, đề ra chính sách hạn chế giá, cũng không hiệu quả, giá gạo so với trước lúc chiến tranh tăng lên đến 100 lần. Năm 1944, giá gạo tăng đến hơn 400 lần, mỗi thạch lên đến 4.000 đồng Nguyên ; lúc quân sự thua bại tại Hồ Nam chính là lúc giá gạo tăng lên mau.


Năm 1941, chính phủ định thuế ruộng đất, quy ra lấy bằng thực phẩm, như tiểu mạch, lúa gạo vv… Nhưng vì thi hành không công bằng nên trăm mối tệ xảy ra ; thiểu số bỏ vào túi riêng, thành phần trung nông, bần nông không chịu nổi thống khổ. Chính phủ thi thố những biện pháp kinh tế như bán ngoại tệ và vàng, với dụng ý chống lạm phát và bình ổn giá cả. Năm 1942 tung ra 100 triệu Mỹ kim công trái, 1 Mỹ kim định giá 200 nguyên ; nhưng chỉ là muối đổ biển, những kẻ quyền quý và thân cận ngân hàng mua trước, khiến giá chợ đen lên đến trên 450 nguyên 1 Đô la. Năm 1943-1944, bán vàng ra, cũng chỉ vào tay đại gia.


Vật giá không ngừng gia tăng, đồng Nguyên không ngừng lạm phát ; chỉ thiểu số hưởng lợi, nhưng đại đa số chịu khổ hại, đặc biệt là giới ăn lương. Tiền lương tuy tăng, nhưng so với vật giá gia tăng chỉ bằng 1/10 ! Nói chung không cung cấp nổi ngày 3 bữa ăn, còn những kẻ đương quyền ra tay thao túng, làm những điều nghịch lý, khiến quân binh và thành phần trí thức không khỏi oán hận bất mãn. Đó là lý do tại sao Trung cộng đả kích, người Mỹ chê bai, và cũng là nguyên nhân lớn cho việc thất bại tại chiến trường trong năm 1944.


Hồ Bạch Thảo




1 Đông Thổ Nhĩ Kỳ Tư Thản còn được gọi là Đông Đột Quyết Tư Thản, nay thuộc khu tự trị Duy Ngô Nhĩ tại tỉnh Tân Cương.

2 Đông Tam Tỉnh : ba tỉnh phía đông bắc Trung Quốc, tức Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh.

3 Hệ C. C. : tiếng tắt cho Central Club, chỉ nhóm thuộc hai anh em Trần Lập Phu, Trần Quả Phu, là cháu Trần Kỳ Mỹ, đồng chí của Tưởng ; nhóm này nắm trung ương đảng.

4 Quốc thị : chính sách trọng đại của quốc gia.

5 Xe lửa xuyên Việt : xe lửa từ bắc chí nam Việt Nam.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss