Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Trung Quốc cận đại : Quốc Cộng đại chiến rồi hoà giải / Lịch sử TQ cận đại : Quốc Cộng đại chiến rồi hoà giải (1)

Lịch sử TQ cận đại : Quốc Cộng đại chiến rồi hoà giải (1)

- Hồ Bạch Thảo — published 06/05/2015 23:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 1 : Quốc Dân Đảng đánh đuổi Trung Cộng (1931-1937)





Lịch sử Trung Quốc hiện đại :
Quốc Cộng đại chiến rồi hoà giải


Hồ Bạch Thảo


Chương 1

Quốc dân đảng đánh đuổi Trung cộng

[1931-1937]

cal

Chu Ân Lai [1898-1976]
nguồn : Wikipedia


1.Tình hình Trung cộng sau khi Nhật gây hấn tại Đông Tam Tỉnh [18/9/1931] 1


Nội bộ tranh chấp là vết thương chí mệnh của Quốc dân đảng ; rồi Nhật Bản ra tay xâm lược, lại phải chịu đựng những trận đánh lớn ; nhưng đối với Trung Cộng đó là thời gian có lợi. Việc vây đánh Hồng quân tại Giang Tây, nhân quân Quảng Tây tiến lên Hồ Nam mà phải đình đốn ; sự biến tại Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh] bởi Nhật, khiến Quốc dân đảng không còn sức để đối phó riêng với Trung Cộng. Trung ương Trung cộng lấy danh nghĩa chống Nhật, ra sức cổ động ; ngày 22/9/1931 gửi điện hô hào tổ chức quần chúng đấu tranh phản kháng đế quốc chủ nghĩa Nhật Bản xâm lược, lật đổ chính phủ Quốc dân đảng, đánh đuổi quân đội Quốc dân đảng. Cùng trong ngày lệnh cho đảng viên rằng cuộc biến tại Thẩm Dương lần này là bước mở đầu chủ nghĩa đế quốc chống lại Liên Xô, nhiệm vụ giai cấp vô sản phải vũ trang bảo vệ Liên Xô, cấp tốc tổ chức lãnh đạo quần chúng trực tiếp đấu tranh cách mệnh, phản đối chính sách bạo lực của Nhật Bản, cùng tiêu diệt chính phủ Quốc dân đảng. Trong tuyên ngôn ngày 30, vẫn tiếp tục phản đối đế quốc Nhật Bản cùng Quốc dân đảng, phủ nhận hợp tác với Quốc dân đảng chống Nhật. Tháng 11, thành lập chính phủ lâm thời Trung Hoa Xô Viết cộng hoà quốc. Tháng 12 Cộng sản quốc tế ra chỉ thị rằng lật đổ Quốc dân đảng là điều kiện tiên quyết để phản đối đế quốc Nhật Bản, cùng toàn thể đế quốc chủ nghĩa nói chung ; cần phải phát triển bãi công, vận động học sinh, quân đội, dân chúng chống chủ nghĩa đế quốc và Quốc dân đảng. Cùng tháng, Trung Cộng sách động cánh quân tiền phương 2 vạn người của Tôn Liên Trung, phản biến tại huyện Ninh Đô [Ningdu, Giang Tây], để theo Hồng quân. Tôn Liên Trung vốn là bộ hạ của Phùng Ngọc Tường, sau cuộc chiến Trung Nguyên, mang bộ hạ 3 vạn người theo quân trung ương, Tưởng Giới Thạch bèn điều đến Giang Tây tiễu Cộng. Bộ hạ của Tôn đều là người miền bắc, không quen thuỷ thổ phương nam, nên sinh oán ; ngoài ra Tham mưu trưởng Triệu Bác Sinh, Lữ trưởng Đổng Chấn Đường đều là đảng viên Trung cộng, nên thừa dịp Tôn Liên Trung không ở trong quân, bèn liên hợp với Lữ trưởng Quý Chấn Đồng cùng phản biến, biên chế thành Hồng Đệ ngũ quân đoàn.


Tháng 2/1932, nhân chiến tranh Trung, Nhật tại Thượng Hải, Trung cộng ban bố cương lãnh chiến đấu, nội dung không ngoài việc tổng bãi công, quân đội và dân chúng vũ trang liên hợp chống đế quốc Nhật và Quốc dân đảng ; lại đặc biệt gửi cáo thư cho quân chính phủ lộ 19 chiến đấu tại Thượng Hải, cùng công nhân, nông dân. Sau đó chính lược, chiến lược của Trung cộng đều giữ thế công, hiệu triệu công nhân toàn quốc liên hiệp chống Nhật, tổ chức “ Kháng Nhật cứu quốc hội ” ; khuếch đại Hồng quân và khu Xô Viết ; đem các khu Xô Viết thuộc phía đông và phía tây sông Cống Giang [Ganjiang River, Giang Tây] liên hợp làm một. Tháng 3, Đệ tam quân đoàn của Bành Đức Hoài vây đánh Cống Châu [Ganzhou, Giang Tây] nhưng không hạ được. Tháng 4, Đệ nhất quân đoàn của Chu Đức vào tỉnh Phúc Kiến, chiếm lãnh Chương Châu [Zhangzhou, Phúc Kiến]. Vào ngày 26 cùng tháng chính phủ lâm thời trung ương Xô Viết ban bố tuyên ngôn chống Nhật, tái cường điệu lật đổ Quốc dân đảng thống trị, thành lập chính phủ Xô Viết, tổ chức nghĩa vụ quân kháng Nhật và công nông Hồng quân.


Lúc bấy giờ khu Xô Viết trung ương tại Giang Tây diện tích khoảng 50 000 km2, nhân khẩu 3 triệu ; Đệ nhất phương diện Hồng quân ước 7 vạn người. Đệ tứ phương diện Hồng quân tại vùng biên khu Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy, trước đó vào tháng 12/1931 chiếm Hoàng An [Huang’an, Hồ Bắc], tiêu diệt 1 sư đoàn quân Quốc dân đảng ; tháng 2/1932 chiếm lãnh huyện Thương Thành [Shangcheng] phía nam tỉnh Hà Nam, tháng 4 chiếm lãnh Tân Xuân thuộc phía đông tỉnh Hồ Bắc. Tháng 5 và tháng 6 liên tiếp phá quân Quốc dân đảng, bắt làm tù binh khoảng 15 000 người. Khu Xô Viết tại Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy lúc bấy giờ diện tích đến 40 000 km2, nhân khẩu 2 triệu, quân số Hồng quân hơn 4 vạn người. Đồng thời Hồng quân tại 3 tỉnh này, đánh phá 4 phía ; phía tây Hồ Bắc đánh phá Hồng Hồ [Honghu, Hồ Bắc], xung quanh Vũ Hán [Wuhan, Hồ Bắc] nơi nơi đều có Hồng quân.




2. Quân chính phủ đánh dẹp 3 tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy, Đệ tứ phương diện rút đến Tứ Xuyên


Trung cộng bảo “ Kháng Nhật trước hết phải đánh Tưởng 抗日必先反蒋 ”, quyết đánh tan Quốc dân đảng ; phe Quốc dân đảng lại chủ trương “ Chống ngoại xâm phải bình định trước bên trong 攘外必先安内 ”, nhắm dẹp hết “ Cộng phỉ ”. Đường sắt Bình Hán [Bắc Bình – Hán Khẩu], Tân Phố [Thiên Tân – Phố Khẩu] cùng sông Trường Giang là đường giao thông huyết mạch nam bắc, đông tây ; Hồ Bắc là vùng gan ruột, đều bị Trung cộng uy hiếp. Lúc này Tưởng Giới Thạch thay đổi chiến lược, đánh Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy trước ; rồi mới bình định tỉnh Giang Tây sau. Sau khi chiến sự tại Thượng Hải kết thúc, Tưởng đích thân đảm nhiệm Tổng tư lệnh “ Tiễu Phỉ ” tại 3 tỉnh ; dùng chính trị làm gốc, động viên 20 vạn quân, quá một nửa là quân trung ương chiến đấu giỏi.


Việc Quốc dân đảng mang đại binh đến đánh, gây yếu tố bất ngờ ngoài sự tiên liệu của Trương Quốc Đảo, lãnh đạo Xô viết tại 3 tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy. Tháng 7/1932, cánh phía đông đại bại Hồng quân tại Hoắc Khâu [Huoqiu, An Huy], gây tổn thất trên 3 000 quân, chẳng khác gì chặt một cánh tay. Tại phía tây, Hồng quân dưới quyền Từ Hướng Tiền giao chiến với Quốc quân tại châu Thất Lý Bình [Qilipingzhen] phía đông Hồ Bắc, chết hơn 2 000. Tháng 9, Quốc quân đánh phá sào huyệt chính phủ Xô Viết thuộc 3 tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam, An huy tại Tân Tập [Xinji, Hà Nam] ; lại kết hợp với đạo quân phía đông đánh phá căn cứ địa Kim Gia Trại [Jinjiazhai, Hà Nam]. Trương Quốc Đảo, Từ Hướng Tiền, cùng Uỷ viên chính trị Trần Xương Hạo quyết định di chuyển lực lượng sang phía tây tuyến đường sắt Bình Hán [Bắc Bình – Hán Khẩu], chỉ lưu lực lượng Từ Hải Đông tại vùng biên khu Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy. Cũng vào tháng này Đệ tứ phương diện quân 16 000 người từ phía nam tỉnh Hà Nam khởi hành ; tháng 10, vượt quá đường sắt Bình Hán. Vào các tháng 7, 8, lực lượng của Hạ Long bị cánh quân tây lộ Quốc quân đánh bại, phải bỏ vùng Hồng Hồ [Honghu, Hồ Bắc], chạy lên phía bắc tỉnh Hồ Bắc, rồi sang phía tây Hà Nam ; lại chạy về biên giới của 4 tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Quý Châu. Cuộc tấn công vào 3 tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy cáo chung một giai đoạn, Hồng quân bị tổn thất lớn.


Đệ tứ phương diện Hồng quân lúc đầu định lập căn cứ tại phía bắc tỉnh Hồ Bắc, nhưng bị Quốc quân truy kích, thương vong nhiều, kiệt sức tránh giao tranh. Tháng 11 băng qua phía tây tỉnh Hà Nam đến tỉnh Thiểm Tây, gần Tây An [Xian], đồ trang bị nặng mất gần hết, gặp mùa đông chỉ có y phục mùa hè. Rồi vượt Tần Lĩnh [Qinling] đến phía nam Thiểm Tây, chuẩn bị lập cơ sở, nhắm khai thông quốc tế lộ tuyến đến Nga Xô. Nhưng Quốc quân truy đến cùng không tha, bèn chuyển hướng sang tỉnh Tứ Xuyên. Bấy giờ quân phiệt Tứ Xuyên đang hăng tranh giành, phía bắc Tứ Xuyên là đất phòng thủ của Điền Tụng Nghiêu, Điền chỉ lo Quốc quân lấy danh nghĩa “ Tiễu phỉ ” đoạt mất địa bàn hoạt động, nên cự tuyệt Quốc quân nhập cảnh. Tháng 12, Hồng quân vượt qua núi Đại Ba, vào phía bắc Tứ Xuyên, cuộc hành quân dài 5 000 km, còn lại không đến 1 vạn quân. Tháng 1 năm sau [1933] chiếm lãnh huyện Thông Giang [Tongjiang, Tứ Xuyên], đây là chi thứ nhất của Hồng quân trường chinh.


Hồng quân vào tỉnh Tứ Xuyên, tuyên bố chống quyên góp nặng và thu nhiều thứ thuế, giảm tô giảm tức 2 ; lại thanh ngôn không có ý thù địch quân Tứ Xuyên, hy vọng chia đất phòng thủ ; Điền Tụng Nghiêu mang quân đánh, bi thua. Từ tháng 3 đến tháng 6/1933 Hồng quân chiếm trọn đất phía đông sông Gia Lăng [Jialingjiang], binh lực tăng đến 3 vạn. Tháng 8, Trương Quốc Đảo thành lập chính phủ Xô viết Xuyên Thiểm [Tứ Xuyên, Thiểm Tây] cùng Tây bắc cách mệnh uỷ viên hội. Chính phủ Nam Kinh sai Lưu Tương làm Tổng tư lệnh tiểu phỉ Tứ Xuyên, nhưng không làm được gì hơn. Tháng 8/1934, Hồng quân tăng đến 5 vạn, chiếm cứ hơn 10 huyện. Tháng 12, trở lại phía nam Thiểm Tây, định thông đường Tứ Xuyên – Thiểm Tây nhưng không thành công, lại trở về Tứ Xuyên. Tháng 3/1935 vượt sông Gia Lăng, mưu chiếm phía tây bắc Thành Đô [Chengdu, Tứ Xuyên]. Tháng 6 cùng Đệ nhất phương diện Hồng quân từ Giang Tây đến hội hợp tại phía tây sông Minh Giang [Minjiang].




3. Cuộc vây đánh tại Giang Tây vào giai đoạn sau


Hồng quân và khu Xô viết tại Giang Tây do Mao Trạch Đông một tay lập nên ; với chức vụ Thư ký uỷ viên hội Hồng quân tiền địch và Tổng uỷ viên chính trị, nắm quyền lớn cả đảng và quân đội. Sau khi khu Xô viết trung ương, cục trung ương thành lập, tiền địch uỷ viên hội bị triệt tiêu ; Chủ tịch cục trung ương cách mệnh uỷ viên hội, Chu Ân Lai, lại thay lảm Tổng uỷ viên chính trị. Chu và phái quốc tế từ lâu chỉ trích Mao. Tháng 8/1932, khu Xô viết trung ương cùng Trung ương cục có cuộc họp khuếch đại tại Ninh Đô [Ningdu, Giang Tây], bàn về chiến lược chống vây tiễu lần thứ 4 của Quốc quân. Trong cuộc hội, phê bình Mao Trạch Đông trong quá khứ thi thố không đúng, dùng chiến lược phòng ngự, đem Hồng quân đến chỗ hoang tịch, phạm lỗi hữu khuynh cơ hội chủ nghĩa. Từ nay trở về sau theo hướng tiến công, phát triển khu Xô viết, trước tiên chế ngự địch, chủ động đánh. Mao chê phái quốc tế chỉ lo ngồi tụng giáo điều Lenin, không căn cứ vào tình huống thực tế và kinh nghiệm cách mệnh để quyết định chính sách. Mao sau này mỗi đề cập đến, lấy làm tức giận và chỉ trích năm 1931 đến năm 1935 là đệ tam thứ tả khuynh lộ tuyến 3.


Sau hội nghị tại Ninh Đô, Hồng quân Giang Tây làm sách ứng cho Đệ tứ phương diện tại phía bắc sông Trường Giang tác chiến ; cùng chiến đấu với quân chính phủ tại miền đông, miền trung Giang Tây trong 4 tháng trời, có lúc thắng, lúc bại. Tháng 1/1933 Tưởng Uỷ viên trưởng đích thân đến Nam Xương [Nanchang, Giang Tây] đốc quân ; Tưởng áp dụng sách lược “ Phân cận hợp kích 分近合击 ” tức điều quân từ nhiều phía tiến đến gần, rồi tập trung lại đánh. Tháng 2, Quốc quân chia làm 3 lộ tiến đánh sào huyệt Trung cộng, Trần Thành chỉ huy trung lộ gồm 12 sư đoàn quân chính phủ, có 2 sư đoàn gặp phục kích tại huyện Nghi Hoàng [Yihuang, Giang Tây] bị thua, tổn thất 2 vạn quân ; tháng 3 lại có 1 sư đoàn thất lợi. Lúc bấy giờ mất Nhiệt Hà, quân Nhật đến Trường Thành ; Tưởng phải rời Nam Xương lên phía bắc, cuộc vây tiễu lần thứ tư đành phải đình chỉ.


Trung cộng chiến thắng, dựa vào chính trị không kém phần quân sự. Quân chính phủ trải qua 3 lần thất bại, đã nhận thức được điều đó. Trước khi vây đánh lần thứ tư, Tưởng cũng quy định chính trị nặng hơn quân sự, nhưng chưa thực hiện được, thì phía Trung cộng đã ra tay trước. Tháng 4/1933 Tưởng trở lại Nam Xương, chuẩn bị cho cuộc vây tiễu lần thứ 5, với phương châm “Dùng 3 phần quân sự, 7 phần chính trị采三分军事七分政治”, cùng chiến thuật “ Lớp lớp xây đồn, từng bước tiến chiếm层层筑堡、逐步推进”; nghiêm mật thi hành chính lược, cải tiến chiến lược, tổ chức yên ỗn dân chúng, phong toả kinh tế quân sự khu Xô viết. Nhắm thực hiện tốt kế hoạch, trước đó Tưởng cho huấn luyện quan quân trung, sơ cấp về quân sự, chính trị tại Lô Sơn [Lushan, Giang Tây], và mua từ ngoại quốc một số lượng lớn vũ khí mới. Quân đội đến nơi nào lập tức xây cất đồn luỹ, mở đường sá, xây đắp kiên cố, từng bước tiến bức, khẩn mật bao vây; gây khốn khó cho Hồng quân từng sở trường về du kích chiến, vận động chiến; khiến chiến thuật dụ địch, để tập trung tiêu diệt của Hồng quân không thi triển được, rồi sau đó Quốc quân tìm chủ lực đánh mạnh. Đối với khu Xô viết, giao thông ra bên ngoài thì triệt để ngăn cấm, khiến mọi loại vật tư không được đưa vào, các đặc sản không được vận chuyển ra; chân chính được gọi là “Vây tiễu” mới bắt đầu từ đó. Vào cuối năm 1933, tại phía tây và nam tỉnh Giang Tây đã xây dựng được 2.900 đồn, giữa đồn và đồn tạo thành luỹ hoả tuyến. Sách lược này tuy có kiến nghị của Cố vấn Đức, nhưng Quốc quân cũng rút kinh nghiệm qua lịch sử từ việc quan quân đánh Bạch Liên giáo thời Gia Khánh, Tăng Quốc Phiên đánh Niệm thời Đồng Trị.


Sở dĩ Hồng quân dùng chính sách tiến công, do hoạch thắng lợi trong quá khứ, niềm tự tín tăng cao, mưu đột phá bao vây. Thư ký đảng bộ Trung cộng tỉnh Phúc Kiến, La Minh, nhận thấy quân địch thế mạnh, chủ trương theo sách lược cơ động của Mao Trạch Đông, tuỳ lúc bỏ một số thành trấn, dụ địch thâm nhập rồi tiêu diệt. Trung cộng trung ương chỉ trích rằng đó là chủ trương thoái rút trốn chạy hữu khuynh, phản đối lộ tuyến La Minh, tức lộ tuyến của Mao. Sau khi thắng lợi trong đệ tứ thứ vây tiễu, trung ương Trung cộng mưu đối kháng đệ ngũ thứ vây tiễu, động viên mọi lực lượng, không tiếc hy sinh, “Đánh giặc tại cửa ngõ”, không để một thước đất khu Xô viết vào tay địch. Một mặt giữ vững trận địa, một mặt tung quân ra đánh “Dùng hai tay đánh địch một lúc”, thực hành sách lược của Cộng sản Cố vấn quân sự người Đức Braun “Toàn tuyến ngự địch, đoản xúc đột kích全线御敌, 短促突击” để chống lại “Đồn luỹ chủ nghĩa堡垒主义” của đối phương. Tháng 9/1933, Quốc quân đánh chiếm huyện Lê Xuyên [Lichuan, Giang Tây], tháng10 Hồng quân phản công, cuối cùng không đánh được đồn luỹ của Quốc quân, nên phải rút.


Ngày 21/11/1933, chính phủ Xô viết trung ương cùng Hồng quân cùng chính phủ Phúc Kiến và lộ quân 19 thiết lập hiệp định đồng minh, hai bên đình chỉ hành động chống đối quân sự, khôi phục mậu dịch, cùng hợp tác. Chính phủ Phúc Kiến cùng lộ quân 19 đồng ý cho cách mệnh tổ chức hoạt động tại Phúc Kiến. Một tuần lễ sau, “Tiêu Tức báo” tại Mạc Tư Khoa chỉ trích rằng chính phủ Phúc Kiến không có chút nào quan hệ với cách mệnh chân chính; “Chân Lý báo” cho rằng sự biến tại Phúc Kiến dẫn đến tranh chấp giữa Anh, Mỹ, Nhật. Ngày 5/12 trung ương Trung cộng cũng tuyên bố sự biến xẩy ra do tranh chấp nội bộ Quốc dân đảng, không chân chính phản đế quốc chủ nghĩa, không có hành động thực tế phản quân phiệt, quan liêu, địa chủ, cường hào, thân sĩ; tất nhiên sẽ thất bại. Ngày 20/12 Mao Trạch Đông, Chu Đức yêu cầu Lý Tế Thâm, Trần Minh Khu có hành động dứt khoát, triển khai đấu tranh quần chúng, chống Nhật, chống Tưởng, cùng Hồng quân lập hiệp định tác chiến; nhưng Lý, Trần không quyết tâm. Cho đến ngày chính phủ Phúc Kiến sụp đổ, Mao và Chu vẫn còn khuyên Trần, Lý hợp tác, nhưng không có khả năng thực hiện, đây là một thất bại của Trung cộng.


Tháng 1/1934, Trung cộng mở khoá 6 trung ương uỷ viên toàn thể hội nghị lần thứ 5, suy cử Tần Bang Hiến, Trần Thiệu Vũ, Trương Văn Thiên, Chu Ân Lai, Trương Quốc Đảo làm Uỷ viên bộ chính trị; Tần tiếp tục làm Tổng thư ký. Tháng 2 cử hành đại hội đại biểu Xô viết lần thứ 2, vẫn cử Mao Trạch Đông làm Chủ tịch ban chấp hành Xô viết toàn quốc; còn Chủ tịch nhân dân uỷ viên hội vào tay Trương Văn Thiên, như vậy quyền lực Mao bị tước giảm. Sau khi Quốc quân bình định xong cuộc biến tại Phúc Kiến, tiếp tục đem toàn lực vây đánh Hồng quân; trong quá khứ phía Phúc Kiến là khâu yếu, lúc này được tăng cường nhiều. Tháng 3, Trần Thành chỉ huy 10 vạn quân thuộc lộ phía bắc chiến thắng tại Nam Phong [Nanfeng], Hồng quân tử thương mấy ngàn người. Ngày 10/ 4, Quốc quân 11 sư đoàn, chia làm 2 cánh tiến đánh Quảng Xương [Quangchang, Giang Tây]. Phía Hồng quân liên tục tác chiến, rất mệt mõi, tổn thất rất nhiều; quân chủ lực Hồng quân gồm quân đoàn 1, Quân đoàn 3, quân đoàn 9, cùng 2 sư đoàn 13, 23 của quân đoàn 5, tổng cộng 9 sư đoàn, dưới quyền các danh tướng Lâm Bưu, Bành Đức Hoài. Hai bên quân tập trung đối chọi tập trung, đồn luỹ dối chọi đồn luỹ, trận địa đối chọi trận địa, kịch chiến. Do Quốc quân chiếm ưu thế về binh lực, hoả lực; Hồng quân xoay vần khổ chiến, khó bề ứng phó, mất các vị trí chiến lược như trấn Cam Trúc [Ganzhuzhen, Giang Tây], núi Đại La, núi Diên Phúc. Ngày 19/4 Cộng quân phản công, mưu chiếm cao điểm Diên Phúc, nhưng bị đẩy lui đến chân thành Quảng Xương. Ngày 27/4 Quốc quân tổng công kích thành Quảng Xương, Hồng quân tử thương đến 5.500 quân, nên nhân ban đêm rút ra khỏi thành.


Tháng 6/1934, khu Xô viết chỉ còn 9 huyện; tháng 7, lộ phía bắc Quốc quân tiếp tục tiến, Cộng quân không địch nỗi. Tháng 8, kịch chiến tại các huyện Quảng Xương [Guangchang, Giang Tây], Thạch Thành [Shicheng, Giang Tây]; Quốc quân dùng đại pháo, phi cơ đánh mạnh; phía Hồng quân do Chu Ân Lai đích thân đốc chiến, đây là cao trào của cuộc vây tiễu lần thứ 5, Quốc quân chiếm được vùng đất phía bắc trấn Dịch Tiền [Yiqianzhen, Quảng Xương]. Tháng 9, lộ phía đông từ Phúc Kiến tiến quân, Quốc quân chiếm được lãnh Y Dương thuộc huyện Trường Đính [Changting, Giang Tây], phía đông Thuỵ Kim [Ruijin, Giang Tây]. Ngày 6/10, lộ phía bắc, tả dực Quốc quân đánh chiếm Thạch Thành, hữu dực đánh chiếm Hưng Quốc [Xingguo, Giang Tây], Hồng quân hoàn toàn bi vây hãm. Vây tiễu lần thứ 5 thu hoạch thắng lợi, chiến dịch này Quốc quân sử dụng 50 vạn binh, 200 phi cơ; phía Cộng quân tham chiến 15 vạn. Quốc quân trang bị tốt, bổ sung tiện lợi, Hồng quân không thể so sánh được; riêng miền nam Giang Tây, phía tây Phúc Kiến nhân tài vật lực hạn chế, Quốc quân dùng đồn luỹ phong toả càng làm cho Cộng quân thêm khó khăn. Lúc này tình báo của Cộng quân ngầm đặt tại hành doanh Nam Xương báo cho Chu Ân Lai biết rằng Quốc quân sắp sửa phát động tối hậu tổng công kích, Trung cộng bèn quyết định bỏ khu Xô viết trung ương, rút ra khỏi Giang Tây.




4. Lực lượng Hồng quân trung ương làm cuộc trường chinh


Tháng 7/1934, Tiêu Khắc, Nhiệm Bật điều động quân đoàn thứ 6, khoảng 6.000, tại biên khu các tỉnh Giang Tây, Hồ Nam tiến về phía tây, mưu phối hợp với quân của Hạ Long tại vùng biên giới Quí Châu, Hồ Nam; rồi hợp với Đệ tứ phương diện quân tại tỉnh Tứ Xuyên do Trương Quốc Đảo chỉ huy. Tháng 9, Tiêu Khắc, Nhiệm Bật đến phía đông Quí Châu; tháng 10 hợp với Đệ nhị quân đoàn của Hạ Long, thành lập Đệ nhị phương diện quân, quân số ước 1 vạn 5 ngàn, do Hạ Long Tổng chỉ huy.


Hồng quân Đệ thập ngũ quân lưu tại biên khu Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy do Từ Hải Đông chỉ huy, vào tháng 10 cũng di chuyển sang phía tây. Đến tháng 6/1935 tiến vào tỉnh Thiểm Tây, xuyên qua phía đông Cam Túc. Vào tháng 9, họp với đơn vị Hồng quân phía bắc Thiểm Tây do Lưu Chí Đan chỉ huy tại vùng phụ cận Diên An [Yan’an, Thiểm Tây], thành lập Đệ thập ngũ quân đoàn, tổng cộng khoảng 7 ngàn quân, do Từ Hải Đông Tổng chỉ huy.


Tại Giang Tây, từ ngày 15/10/1934, Hồng quân tại các huyện Thuỵ Kim [Ruijin], Vu Đô [Yudu] bắt đầu rút lui sang phía tây. Các quân đoàn 1, 3 do Lâm Bưu, Bành Đức Hoài chỉ huy lãnh nhiệm vụ tiên phong; quân đoàn 5 dưới quyền Đổng Chấn Đường làm hậu vệ; quân đoàn 8,9 do Chu Côn, La Bỉnh Huy chỉ huy lo yểm hộ; nhân viên các cơ quan biên chế thành đội trung ương, trong đó những nhân vật quan trọng như Tần Bang Hiến, Trương Văn Thiên, Mao Trạch Đông; riêng Chu Ân Lai, Chu Đức giữ chức chỉ huy tối cao. Lại cử Hạng Anh làm Tư lệnh quân khu Xô viết trung ương, Trần Nghị Chủ nhiệm bộ chính trị, Cung Sở Tham mưu trưởng, với 3 vạn quân lưu tại phía nam Giang Tây và nam Phúc Kiến, nhưng sau đó bị Trần Thành chỉ huy Quốc quân đánh tan.


Nhắm ngăn cản Hồng quân phá vòng vây, đầu tháng 9 Tưởng uỷ viên trưởng mệnh tây lộ quân Hồ Nam, nam lộ quân Quảng Đông cẩn mật chuẩn bị; nhưng hai lộ quân này chưa làm xong đồn luỹ. Tưởng tiên liệu Hồng quân sẽ rút lui về phía tây nam, nên dồn binh lực, đặt sẵn 4 tuyến ngăn chặn. Cuối tháng 10, Hồng quân đột phá tuyến thứ nhất phòng thủ tại phía nam, rồi vượt sông Cống Giang theo hướng tây vào tỉnh Hồ Nam. Tháng 11 đột phá tuyến thứ hai tại biên giới Quảng Đông, Hồ Nam cùng tuyến thứ ba tại đường sắt Việt Hán [Quảng Đông-Hán Khẩu] để vào tỉnh Quảng Tây. Tưởng ra lệnh Tiết Nhạc mang 8 sư đoàn quân trung ương tiến đánh, lại ra lệnh Hà Kiện mang 7 sư đoàn quân Hồ Nam truy kích. Hồng quân mang theo số lớn cơ khí, điện đài; hành động trì trệ, lòng quân kinh hoảng, vừa đi vừa đánh, lâm vào cảnh bị động. Khi đến biên giới Quảng Tây, Hồ Nam, bị Bạch Sùng Hy mang 5 sư đoàn quân Quảng Tây cùng quân Hồ Nam đánh kẹp. Từ ngày 27/11 đến ngày 1/12, suốt 5 ngày, từ huyện Hưng Yên [Xingwen] đến huyện Kim Châu [Quanzhou] tỉnh Quảng Tây Hồng quân cố gắng vượt qua sông Tương Giang, giao tranh liên tục, sau khi đột phá được phòng tuyến thứ tư, tổn thất đến quá nữa, tổng số quân trên 8 vạn, chỉ còn lại trên 3 vạn; riêng quân đoàn 8 tổn thất rất nặng, đến nỗi bị xoá sổ. Tháng 12 qua phía nam Hồ Nam, rồi đi vào phía đông tỉnh Quí Châu, mưu hợp với quân Hạ Long không thành, bèn quyết định lập căn cứ địa tại Quí Châu. Quân Quí Châu sợ rút, tháng 1/1935 Hồng quân vượt sông Ô Giang [Wujiang] chiếm lãnh Tuân Nghĩa [Zunyi] tại phía bắc tỉnh Quí Châu; đây là giai đoạn 1 của cuộc trường chinh.


Từ ngày 6 đến ngày 8/1/1935 Trung cộng trung ương cử hành khuyếch đại hội nghị chính trị cục tại Tuân Nghĩa. Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Mao Trạch Đông đều trách trung ương lãnh đạo không đúng, chiến lược sai lầm; Chu Ân Lai cũng đồng ý, quyết cải tổ trung ương. Trương Văn Thiên thay Tần Bang Hiến làm Tổng thư ký; Mao Trạch Đông được bổ sung vào uỷ viên chính trị, thay Chu Ân Lai giữ chức Chủ tịch Quân sự uỷ viên hội trung ương cách mệnh; Chu Ân Lai và Chu Đức giữ chức Phó chủ tịch. Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình từng tham gia cuộc trường chinh, qua lời tuyên bố năm 1980, đánh giá cao hội nghị Tuân Nghĩa như sau “ Vào năm 1935, lịch sử cuộc trường chinh của chúng ta nỗi danh với hội nghị Tuân Nghĩa, xác lập được địa vị lãnh đạo trong đảng và quân đội của Đồng chí Mao Trạch Đông; đảng Cộng sản Trung Quốc thành hình sự lãnh đạo chân chính, còn lãnh đạo trước đó hoàn toàn không ỗn định, lại chưa thành thục!” Rồi từ đó chỉnh đốn lại Hồng quân, bỏ những đồ vật nặng nề, mưu vượt sông Trường Giang [Changjiang], cùng thông tri với Đệ tứ phương diện tại phía bắc Tứ Xuyên phối hợp hành động. Mao Trạch Đông bắt đầu nắm quyền lực trung ương Trung cộng, đây là đệ nhị giai đoạn của cuộc trường chinh.


Từ ngày 28/1 đến 9/2 quân Trung cộng giao tranh ác liệt với Quốc quân dưới quyền Quách Huân Kỳ, tranh dành thành Tuân Nghĩa, hai bên cùng bị tổn thất nặng. Rồi Cộng quân vượt sông Xích Thuỷ [Chishui, Quí Châu], tái chiếm Tuân Nghĩa. Ngày 21/3, lại vượt sông Xích Thuỷ 3 lần sang phía đông tại thác Nhị Lang, cửa Cửu Khê, bến Thái Bình; nên sử gọi là “Tứ độ Xích Thuỷ”. Cuối tháng 3 vượt sông Ô Giang [Wujiang, Quí Châu], ngày 25/4 tiến vào tỉnh Vân Nam. Hai lộ quân làm ra vẻ tiến chiếm Côn Minh [Kunming, Vân Nam], riêng một lộ quân khác tìm cách vượt sang hữu ngạn Kim Sa Giang [thượng du sông Trường Giang]; đây là giai đoạn 3 của cuộc trường chinh.


Đầu tháng 5, Hồng quân trải qua 7 ngày 7 đêm vượt sông Kim Sa Giang [Jinsha river] hướng Tây Khang [Xikang, Tây Tạng]. Đến hạ tuần tháng 5, chiếm lãnh Đại Độ hà [Daduhe], cầu Lô Định, vào phía bắcTứ Xuyên. Vào ngày 16/6, Mao Trạch Đông, Trương Văn Thiên, Chu Đức đốc suất Đệ nhất phương diện quân, cùng với Trương Quốc Đảo, Từ Hướng Tiền, Trần Xương Hạo và Đệ tứ phương diện quân hội sư tại Mậu Công [Xiaojin], thuộc biên giới tỉnh Tứ Xuyên. Đây là giai đoạn thứ tư của cuộc trường chinh.


Hồng Đệ tứ phương diện quân, khoảng 4 vạn người, quân dung tương đối khởi sắc; riêng Hồng đệ nhất phương diện trải qua 8 tháng bôn ba mệt nhọc, đạn dược thiếu hụt, quân trang rách rưới, chỉ còn hơn 1 vạn người; nên Đệ tứ phương diện không khỏi kiêu căng cao ngạo; Trương Quốc Đảo từng giữ chức tại trung ương cao hơn Mao Trạch Đông, nay tỏ ra bất mãn về việc Mao nắm đại quyền. Ngày 25/6 Trung Cộng tại Phủ Biên phía bắc Mậu Công mở hội nghị quân sự. Mao chủ trương lên Ninh Hạ [Ningxia] phía bắc, gần Ngoại Mông Cổ, hy vọng có thể nhận được viện trợ từ Nga Xô. Trương nêu lên 3 giải pháp, trong đó có giải pháp 2 tương tự như ý kiến của Mao Trạch Đông, nên cuối cùng hội nghị thống nhất chọn Ninh Hạ. Ngoài ra hội nghị cử Trương làm Phó chủ tịch trung ương cách mệnh quân sự uỷ viên hội; giao Đệ nhất và Đệ tứ phương diện cho trung ương cách mệnh quân sự uỷ viên hội chỉ huy, rồi tiếp tục bắc tiến. Kế hoạch điều quân, Đệ nhất phương diện làm tả lộ, do Lâm Bưu, Bành Đức Hoài chỉ huy; Đệ tứ phương diện làm hữu lộ, do Từ Hướng Tiền, Trần Xương Hạo chỉ huy, đơn vị này phụ trách kháng cự Quốc quân tại mặt phía đông, cùng yểm trợ tả lộ tiến lên phía bắc.


Sau hội nghị tại Phủ Biên, mối chia rẽ giữa Trương Quốc Đảo và Mao Trạch Đông càng thêm sâu; Đệ tứ phương diện quân cũng không thích Mao, thậm chí còn cho là bị kỳ thị. Chu Đức đứng bên điều giải, để Trương làm Tổng chính trị uỷ viên Hồng quân, cùng Chu chỉ huy toàn quân. Nhưng Mao vẫn là Chủ tịch trung ương cách mệnh quân sự uỷ viên hội, độc đoán thi hành. Trung tuần tháng 7, trung ương chính trị cục cùng quân sự uỷ viên hội cử hành liên tịch hội nghị tại Trác Khắc Cơ, phía tây bắc Phủ Biên, Mao phê bình Đệ tứ phương diện trong dĩ vãng phạm nhiều sai lầm, Trần Xương Hạo đề xuất hội nghị Tuân Nghĩa có hợp pháp hay không, trung ương lãnh đạo có chính xác hay không, chủ trương cải tổ trung ương do Trương Quốc Đảo làm Tổng thư ký. Đệ nhất phương diện quân đả kích Trương Quốc Đảo là cơ hội chủ nghĩa, làm hư hỏng trung ương. Lúc này quân tiến tiễu của Tiết Nhạc đã vào phía nam tỉnh Tứ Xuyên, Quốc quân do Hồ Tông Nam chỉ huy từ Cam Túc đã khống chế Tùng Phiên [Songpan, bắc Tứ Xuyên], quân Tứ Xuyên trên đường tiến bức, nên quyết định bắc tiến gấp, sau đó sẽ tiếp tục mở hội nghị thảo luận.


Ngày 6/8 Trung cộng trung ương lại cử hành hội nghị tại Mao Nhi Cái phía tây bắc Trác Khắc Cơ; Mao Trạch Đông, Trương Quốc Đảo lại tiếp tục tranh chấp. Do nơi này lương thực không đủ, không dám dừng lâu, quyết định tiến thẳng đến miền nam tỉnh Cam Túc. Trương Quốc Đảo, Chu Đức, Từ Hướng Tiền, Trần Xương Hạo chia nhau nắm giữ Đệ tứ phương diện quân, phụ trách tả lộ và hữu lộ. Bành Đức Hoài, Lâm Bưu chỉ huy Đệ nhất phương diện quân, giữ trung lộ và hộ vệ nhân viên trung ương; Đổng Chấn Đường, La Bỉnh Huy cầm một chi Đệ nhất phương diện quân, làm hậu vệ.


Vào ngày 23/8, ba lộ Hồng quân xuất phát, đi qua vùng lầy lội cỏ tranh, muôn phần gian khổ; Chu Đức, Trương Quốc Đảo tại tả lộ bị mưa to ngăn trở. Đầu tháng 9, Từ Hướng Tiền, Trần Xương Hạo thuộc hữu lộ thắng Quốc quân tại Bảo Toạ, phía tây bắc Tùng Phiên; Mao cùng trung lộ Bành Đức Hoài, Lâm Bưu thừa dịp tiến nhanh, cải xưng là “Chi đội điều phía trước tiến nhanh”; đây là giai đoạn 5 của cuộc trường chinh.


Trương Quốc Đảo cho rằng đã bị Mao Trạch Đông bán đứng, tả lộ quân thương vong nặng nề, Quốc quân đã chuẩn bị tiếp tục bắc tiến, có khả năng toàn quân bị sụp đổ; bèn ra lệnh hai lộ quân tả hữu tách ra, rồi quay lại phía nam, chiếm vùng tây bắc Thành Đô [Chengdu, Tứ Xuyên], Chu Đức cùng đi theo. Trương chỉ trích Mao thiếu dũng khí cách mệnh, không để ý giúp Đệ tứ phương diện quân, chỉ muốn đến vùng đất gần Nga Xô. Mao kết tội Trương giao động, phản đảng, phản trung ương, sợ hãi phi cơ đại pháo của Quốc quân; chỉ muốn tạm thời yên ỗn tại vùng Tứ Xuyên, Tây Khang. Vào trung tuần tháng 9, Mao điều động Chi đội điều phía trước khoảng 7.000 quân, tiến đến phía nam tỉnh Cam Túc, không gặp đề kháng mạnh, bèn vượt núi Mẫn Sơn [Minxian], qua miền trung Cam Túc để đến phía bắc tỉnh Thiểm Tây. Ngày 22/10 hợp với quân đoàn 15 Hồng quân của Từ Hải Đông, Lưu Chí Đan; đây là giai đoạn 6 của cuộc trường chinh.


Kể từ khi đột vây tại Giang Tây, thời gian 1 năm, quân hành 25.000 lý, từ 9 vạn quân chỉ còn lại 3.000 quân; thêm vào số Hồng quân tại phía bắc tỉnh Thiểm Tây, tổng số không quá 1 vạn người.


Trương Quốc Đảo, Chu Đức theo Đại Kim Xuyên [Jinchuan, Tứ Xuyên] xuống Trác Khắc cơ; vào trung tuần tháng 9 hội nghị với Từ Hướng Tiền, Trần Xương Hạo, không thừa nhận chính quyền trung ương cũ, lập riêng lâm thời trung ương, Trương làm Tổng thư ký, tiếp tục xuống phương nam. Tháng 11 chiếm các huyện Thiên Toàn [Tianquan, Tứ Xuyên], Lô Sơn [Lushan, Tứ Xuyên]; vùng này khí hậu hoà hoãn, lương thực không thiếu. Tháng 12, nhân bị Quốc quân dưới quyền Tiết Nhạc đánh mạnh, phi cơ oanh kích, Hồng quân tỗn thất hơn 5.000; quân Tứ Xuyên hơn 10 vạn hợp vây, người Tây Tạng tại phía tây cũng ghét người Hán, nên không dễ đặt chân. Tháng 2 năm 1936, lại bị quân của Tiết Nhạc đánh bại, bị ép chạy lên phía tây bắc; không ít chết trận và chết đói. Tháng 4, xuống vùng Cam Tư [Garze, Tây Tạng] phía tây nam, số còn lại hơn 3 vạn.


Lúc bấy giờ Hạ Long, Nhiệm Bật lãnh đạo Hồng Đệ nhị phương diện quân, vì không thể hội với Đệ nhất phương diện quân, nên nấn ná tại vùng biên giới Hồ Nam, Quí Châu. Tháng 8/1935 di chuyển sang hướng tây; qua phía đông và tây tỉnh Quí Châu đến Vân Nam. Tháng 4/1936 vượt sông Kim Sa [Jinsha river] vào Tây Tạng, tháng 6 hợp quân với Đệ tứ phương diện; nguyên quân số 1 vạn , đến lúc này chỉ còn 3.000 người.


Nói chung cuộc trường chinh có ảnh hưởng lớn đối với lịch sử cận đại Trung Quốc, phần lớn các lãnh đạo Trung Hoa nhân dân cộng hoà quốc như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, Trần Vân, Đặng Tiễu Bình đều tham gia trường chinh; trong tổng số 10 đại Nguyên soái, ngoại trừ Trần Nghị, 9 người kia đều tham gia trường chinh.




5. Hồng quân sau khi di chuyển đến miền tây bắc


Sau năm 1932, Lưu Chí Đan lãnh đạo Hồng quân tại miền bắc Thiểm Tây, đến năm 1935 thế lực mỗi ngày một khuyếch trương. Quân chính phủ gồm 14 sư đoàn dưới quyền Vu Học Trung, trước kia trú đóng tại miền đông bắc tỉnh Hà Bắc, bị quân Nhật làm áp lực, nên điều đến Thiểm Tây, Cam Túc. Vu Học Trung được cử làm Tổng tư lệnh “Tiễu phỉ” biệt khu Xuyên-Thiểm-Cam, nhưng không tỏ ra chú ý nhiều đến lực lượng Lưu Chí Đan. Sau khi quân Lưu Chí Đan hội hợp với Từ Hải Đông, vào tháng 10/1935 mấy lần đánh phá quân Vu Học Trung tại miền nam Diên An [Yan’an, Thiểm Tây], bắt sống hơn 5.000 người. Sau khi lực lượng của Mao Trạch Đông đến, tháng 11 lại chiến thắng, tiêu diệt quân của Vu 1 sư đoàn, chiếm trọn miền bắc Thiểm Tây. Trung Cộng tuy bị mất các khu Xô Viết tại hai miền nam, bắc sông Trường Giang; nhưng vùng căn cứ địa tại phía bắc Thiểm Tây đã trở nên ỗn định.


Miền bắc tỉnh Thiểm Tây nghèo lạnh, phía nam lại bị phong toả, không đủ cơm áo. Vào ngày 10/2/1936, lấy danh nghĩa “Kháng Nhật tiên phong đội”, Cộng quân vượt sông Hoàng Hà, hướng vào miền trung và nam tỉnh Sơn Tây, chiếm cứ hơn 10 huyện. Tưởng Uỷ viên trưởng mang quân tăng viện, quân Sơn Tây ra sức đánh; nên sau khi lấy được vật tư, Trung cộng bèn rút quân trở về miền bắc Thiểm Tây; trong chiến dịch này Lưu Chí Đan bị tử trận, bộ hạ do Cao Cương thay thế chỉ huy.


Vào tháng 6/1936 Lưỡng Quảng lại lấy danh nghĩa chống Nhật, mang quân đến Hồ Nam, quân trung ương từ tây bắc phải điều xuống phương Nam. Lúc này Trương Học Lương tại vùng tây bắc tỏ ra dễ dãi, nên quân chủ lực Trung cộng chuyển sang Ninh Hạ, Cam Túc.


Trương Quốc Đảo lưu tại Tây Khang, được Cộng sản quốc tế điều giải nên đổi lâm thời trung ương cục thành trung ương tây nam cục. Vì lương thực tại Tây Khang thiếu thốn, khó có thể sinh tồn, nên vào tháng 7 năm này cùng Chu Đức, Hạ Long, Từ Hướng Tiền dùng con đường biên giới thảo dã, lên phía bắc tỉnh Cam Túc. Trương muốn tây tiến, tổ chức tây lộ quân; Từ Hướng Tiền, Trần Xương Hạo cầm 2 vạn lãnh tiên phong, Trương tự cầm 1 vạn quân đi sau. Tháng 10, Từ, Trần từ Ninh Hạ [Ningxia] tiến vào Hà Tây [Jinchang, Cam Túc], Trương bị ngăn tại phía đông sông Hoàng Hà, nên bất đắc dĩ phải quay sang đông đến phía bắcThiểm Tây. Sau khi Trương Quốc Đảo đến nơi, bị Mao Trạch Đông chỉ trích, nên hết sức bất đắc chí. Ngày 12/11 Từ Hướng Tiền, Trần Xương Hạo mấy lần bị kỵ binh Hồi đánh bại; Tháng 1/1937, trong chiến dịch tại Cao Thai [Gaotai, Cam Túc] thương vong trầm trọng. Tháng 3 lại bị bại tại Túc Châu [Suzhou, Cam Túc], chỉ còn 700 tàn quân chạy sang tỉnh Tân Cương, được Nga Xô cho người dẫn qua biên giới, rồi chuyển về căn cứ tại Diên An.



Hồ Bạch Thảo




















1  Đông Tam Tỉnh : ba tỉnh phía đông bắc Trung Quốc, tức Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh.


2  Gỉảm tô giảm tức : giảm nạp lúa, tiền mướn ruộng ; giảm tiền lời vay nợ.


3  Theo Mao, thời Cù Thu Bạch [1927-1928] là đệ nhất tả khuynh lộ tuyến ; thời Lý Lập Tam [1928-1930] là đệ nhị tả khuynh lộ tuyến.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss