Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Louis Néel và hợp tác khoa học Pháp - Việt

Louis Néel và hợp tác khoa học Pháp - Việt

- Nguyễn Khắc Nhẫn — published 03/01/2011 13:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây


Louis Néel người gieo mầm
hợp tác khoa học với Việt Nam


Nguyễn Khắc Nhẫn


Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Thầy của tôi, Giáo sư Louis Néel, Nobel Vật lý 1970, vĩnh viễn ra đi, tôi muốn bày tỏ sự kính trọng sâu sắc, sự ngưỡng mộ to lớn và lòng biết ơn nặng tình thương tiếc đối với Giáo sư. Chính ông cũng là người đã gieo mầm cho sự hợp tác giữa Đại học bách khoa Grenoble với ba trường Đại học bách khoa (ĐHBK) Việt Nam.

Chân dung “kẻ trồng cây” – Giáo sư Louis Néel


DL

Ảnh: Nobel Foundation

Louis Eugène Felix Néel, sinh ngày 22 tháng 11 năm 1904 tại Lyon, đã từ giã cuộc đời ngày 17 tháng 11 năm 2000 tại Brive-La-Gaillarde, vào năm 96 tuổi, để lại một sự nghiệp đồ sộ, trọn đời hiến dâng cho nghiên cứu, giảng dạy, và đồng thời là kiến trúc sư của các dự án lớn.

Lúc ở trường phổ thông trung học, Louis Néel đã dành giải khuyến khích Vật lý toàn quốc. Năm 20 tuổi, ông thi đậu vào Ecole Normale Supérieure nổi tiếng mà từ đó ông đỗ đầu kì thi Thạc sỹ Vật lý (Agrégation de Physique). Vào năm 1932, khi ông bảo vệ luận án tiến sỹ về Vật lý tại Đại học Strasbourg (dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Pierre Weiss, người phát minh ra lý thuyết về trường phân tử, nguồn gốc của sắt từ - ferromagnétisme), Louis Néel đã chín muồi cho việc khám phá phản sắt từ (antiferromagnétisme) bằng cách đưa ra những giải thích mới về từ tính của một số chất. Những công trình nghiên cứu của Louis Néel đã tạo ra cơ sở cho nano từ, cũng như đặt nền tảng cho những công nghệ tương lai với nhiều ứng dụng khác nhau.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Louis Néel đã thực hiện một công trình xuất sắc liên quan đến việc chống mìn từ của quân địch. Không một chiếc tàu nào trong số 640 chiếc được xử lý theo phương pháp của ông bị phá hủy! Ông được ghi nhận như anh hùng của Hải quân Pháp.

Cuốn hút bởi vẻ đẹp thiên nhiên của Grenoble qua lời ca ngợi của người bạn là Félix Esclangon, Louis Néel quyết định gắn bó mãi mãi với nơi này từ năm 1945. Bằng tài năng và sự năng động của mình, Louis Néel đã thành công trong việc dựng lên tại Grenoble các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm nổi tiếng. Trong số này có thể kể đến LEPM (Phòng thí nghiệm Tĩnh điện và Vật lý kim loại thành lập năm1946, ngày nay thuộc Viện Néel uy tín quốc tế), CENG (Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Grenoble, 1955, hiện nay là CEA Grenoble), ILL (Viện Laue Langevin, 1967), ESRF (Cơ sở về bức xạ gia tốc châu Âu, 1985).

Ở Grenoble, ông được bổ nhiệm chức giáo sư tạm thời ngày 14 tháng 7 năm 1945 (chức danh tạm thời này ông giữ suốt 31 năm, cho đến ngày nghỉ hưu !). Ông từ chối chức Giáo sư Ecole Normale Supérieure và Collège de France ở Paris vì thích cuộc sống ở tỉnh hơn. Giáo sư Louis Néel luôn chiếm được sự kính trọng của tất cả sinh viên bằng kiến thức uyên bác và đức tính giản dị. Năm 1954, Louis Néel trở thành giám đốc Viện bách khoa Grenoble (IPG). Cá nhân tôi may mắn được làm học trò của Giáo sư khi ông dạy môn vật lý nguyên tử cho sinh viên năm thứ 3. Năm 1970, INPG (Institut National Polytechnique Grenoble) được thành lập, ông giữ chức Hiệu trưởng đến năm 1976.

Trong nghiên cứu, Louis Néel đã chọn đường đi rất thực tiễn, hướng đến công nghiệp. Ông luôn biết cách lôi cuốn các nhà công nghiệp thông qua đối thoại và chuyển giao kiến thức, và từ đó chứng thực các công trình nghiên cứu bằng các ứng dụng. Dựa trên sự kết hợp đa ngành và cởi mở, chiến lược của Louis Néel: Đại học – Nghiên cứu – Công nghiệp đã tỏ ra hết sức hữu hiệu.

Ngày nay, bên cạnh các phòng thí nghiệm có tiếng, CEA – LETI và CEA – LITEN, có MINATEC (MIcro et NAnoTECchnologies) là Trung tâm hàng đầu của châu Âu và thứ ba trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ micro-nano. Grenoble cũng vừa đón nhận thêm phòng thí nghiệm châu Âu về Sinh học y tế (EMBL). Các cơ sở lừng danh trên thế giới này thu hút về Grenoble mỗi năm hơn 10.000 nhà khoa học. Tiếp bước Louis Néel, người đã đặt nền tảng vững chắc cho lĩnh vực khoa học Grenoble, 8 cơ sở nghiên cứu và trường đại học, bao gồm CEA, CNRS, EMBL, ILL, ESRF, Université Joseph Fourier, Grenoble INP, Grenoble Ecole de Management, đã xây dựng dự án GIANT (Grenoble Innovation for Advanced New Technologies) từ năm 2006. Nhờ vào MINALOGIC (công nghệ micro-nano, phần mềm nhúng thông minh), Tenerrdis (công nghệ về năng lượng mới và tái tạo), Lyonbiopôle (trung tâm chất lượng cao Lyon-Grenoble về chẩn đoán và vacxin) Grenoble được mệnh danh là «Trung tâm cạnh tranh» (Pôle de compétivité) của Pháp. Với sự thành lập gần đây của EPN Science Campus (European Photon and Neutron Science Campus), những viện nghiên cứu châu Âu này sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong sự phát triển của Cù lao khoa học (Presqu'île Scientifique) và đưa Grenoble vào trọng tâm của nghiên cứu châu Âu.

Nguồn gốc sự hợp tác giữa Grenoble INP và ba trường ĐHBK Việt Nam

Cho phép tôi nhắc lại ở đây một sự kiện có tính lịch sử đối với sự hợp tác giữa Viện bách khoa Grenoble và Việt Nam mà Cha đẻ của nó là giáo sư Louis Néel ! Vừa tốt nghiệp ở Grenoble về, năm 1957, tôi được Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Dương Đôn giao phó nhiệm vụ thành lập và điều khiển Trường Cao đẳng điện học và Trung Tâm quốc gia kỹ thuật Phú Thọ-Sài Gòn (ngày nay là Đại học bách khoa TP Hồ Chí Minh), sau khi trải qua một cuộc thi lựa chọn đề án. Đề xuất của tôi, dựa trên mô hình của Viện quốc gia về khoa học ứng dụng ở Lyon (INSA), đã được chọn vì đáp ứng được nhu cầu của xã hội lúc bấy giờ.

Tháng 4 năm 1961, khi tôi đến thăm các trường lớn (Grande Ecole) theo lời mời của Bộ ngoại giao Pháp, Louis Néel, Giám đốc Viện bách khoa Grenoble đã tổ chức buổi chiêu đãi tôi tại dinh thự Baume. Trong bữa tiệc này, với cương vị là Giám đốc Trường Cao đẳng điện học đầu tiên, tôi đã kêu gọi sự hợp tác của Louis Néel, Giám đốc IPG, và nhận được sự đáp ứng nhiệt tình.

Thành quả đạt được của sự hợp tác

Ngay từ năm 1962, được sự chấp thuận của Giám đốc Louis Néel, Giáo sư René Pauthenet đă đến trường chúng tôi ở Sài Gòn để giảng dạy và thuyết trình. Năm 1964, giáo sư Michel Poloujadoff chuẩn bị sang giảng dạy thì vừa lúc tôi trở lại Pháp, vì không muốn chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn. Chiến tranh xảy ra đã làm gián đoạn quan hệ ưu tiên của chúng tôi với Grenoble.

Chuyến thăm Grenoble năm 1977 của Trần Trí, Giám đốc quan hệ quốc tế của Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước, có ý nghĩa quyết định trong việc thiết lập lại sự hợp tác. Năm sau, Michel Poloujadoff được mời sang thăm hai Trường bách khoa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đánh dấu sự hợp tác trở lại giữa Grenoble và Việt Nam. Năm 1980, trong chuyến công tác đầu tiên của tôi về lại quê hương, tại các Trường bách khoa và các Công ty điện lực, Philippe Traynard, Hiệu trưởng INPG, đã giao cho tôi nhiệm vụ đệ trình trực tiếp hợp đồng hợp tác lên Bộ trưởng và Thứ trưởng Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Đình Tứ và Đặng Hữu.

Sau đó, thỏa thuận hợp tác được kí tại ENSIEG (truờng Điện học) vào tháng 3 năm 1982 bởi Thứ trưởng Bộ giáo dục Hoàng Xuân Tùy và tân Hiệu trưởng INPG, Daniel Bloch.

Thỏa thuận này dự định hằng năm:

# Gửi từ 4 đến 7 giáo sư INPG sang ba Trường bách khoa Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh

# Cấp 15 học bổng ngắn hạn (1 năm để nâng cao chất lượng giảng dạy) và 10 học bổng dài hạn (DEA + 3 năm tiến sĩ) cho nghiên cứu sinh Việt Nam vào 9 trường thuộc INPG.

Rất nhiều Hiệu trưởng và Giáo sư INPG đã sang công tác ở Việt Nam (đặc biệt có GS Dolmazon với 22 lần !). Hàng trăm giáo sư, kỹ sư, nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam, trong số đó có khoảng 150 tiến sĩ, từng học tập, thực tập hay tu nghiệp ở Grenoble đă trở về nước. Phần đông đã tham gia vào công tác giảng dạy ở các trường Bách khoa. Nhiều người trong số đó đã hoặc đang giữ những chức vụ quan trọng.

Năm 1997, Việt Nam và Pháp đã quyết định triển khai ở trong nước chương trình Kỹ sư chất lượng cao (PFIEV), với sự đóng góp của 7 Trường lớn ở Pháp. Các đối tác của Pháp trong chương trình này là INPG, Centrale Paris, Ponts ParisTech, INSA Lyon, Mécanique et Aéronautique Poitiers, INP Toulouse, Telécom Bretagne và Lycée Louis-Le Grand Paris. Kể từ năm 1999, khoảng 1000 kỹ sư thuộc 6 khóa đã tốt nghiệp. Từ năm 2007, Việt Nam quản lý trực tiếp chương trình này và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các trường lớn trên đây và Bộ ngoại giao Pháp.

Cả thảy12 ngành công nghệ được phân bổ trong 3 Trường ĐHBK Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Chương trình học là 5 năm, sau tú tài, và sau một kì tuyển chọn rất khó khăn. Bằng cấp được thừa nhận bởi Ủy ban bằng kỹ sư Pháp (Commission des Titres d'Ingénieurs).

Từ năm 2008, INPG đổi tên thành Grenoble INP, cùng với đó là sự kết hợp của 10 trường thành viên trước đây để tạo thành 6 trường mới: ENSE3 (năng lượng, nước, môi trường), PHELMA (vật lý, điện tử, vật liệu), ENSIMAG (tin học, toán ứng dụng, viễn thông), GI (thiết kế sản phẩm, quản lý sản xuất), ESISAR (mạng và hệ thống nhúng), và PAGORA (giấy, in ấn, vật liệu sinh học). Sinh viên Việt Nam có mặt ở tất cả các trường này.

Hiện nay có khoảng 300 sinh viên Việt Nam ở Grenoble, một phần lớn trong số đó đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Vài ý về giáo dục Việt Nam

John Rawls, Giáo sư Đại học Harvard (Mỹ) đã nói : « Giáo dục là chìa khóa của tất cả các vấn đề kinh tế và xã hội ».

Trong bài tham luận tôi gửi về Hội nghị Tư vấn chuyên đề về cải tổ giáo dục Việt Nam năm 1994 ở TP Hồ Chí Minh, có câu : « Cải tổ đại học, tất nhiên phải động chạm đến toàn bộ hệ thống giáo dục, không được loại bỏ khâu nào. Muốn có hoa trái tốt, phải tu bổ săn sóc từ gốc, mầm non. Đối với một biệt thự xây trên đất xấu, dù có sửa sang làm đẹp các tầng trên đỉnh, cũng không tránh khỏi sự sập đổ của công trình ! »

Tuy đã có nhiều kết quả đáng được khuyến khích, nhưng sự thật vấn đề giáo dục ở nước ta vẫn còn mênh mông ! Ở đây hơn ở lĩnh vực nào khác, hai yếu tố tài chính và thời gian vô cùng quan trọng. Cách ngôn Trung quốc có câu: « Trồng cỏ phải tính từng tuần, trồng cây từng tháng, trồng người hàng thế kỷ ! ». Nhà nước phải đầu tư ưu tiên vào giáo dục và nghiên cứu, và sinh viên phải là trọng tâm của hệ thống giáo dục thì mới mong tiến nhanh được. Tôi hy vọng rồi đây Giáo sư Ngô Bảo Châu, với tài năng xuất sắc và uy tín lớn lao, sẽ có rất nhiều đóng góp hết sức quan trọng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.

Việt Nam nên tránh đi theo các con đường bế tắc của các cường quốc. Cơn khủng hoảng tài chính, tiền tệ, kinh tế thế giới vừa qua vẫn còn đang tiếp diễn và đã chứng minh sự mỏng manh cúa thế giới tư bản. Theo Giáo sư Maurice Allais, Nobel Kinh tế 1988 của Pháp, toàn cầu hóa chính là nguyên nhân của sự mất việc làm và giảm tăng trưởng kinh tế. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này của ông. Có ai tiên đoán được rằng ngày nay người dân nghèo Trung quốc lại cho người Mỹ giàu vay tiền? Hạnh phúc của dân ta không thể chỉ dựa trên mức tăng trưởng PIB, nhà máy điện hạt nhân, tàu cao tốc hay biệt thự cao tầng, mà phải dựa trước hết trên trình độ văn hóa giáo dục, không bị thời gian chi phối. Khác với Ấn Độ và Trung Quốc, chúng ta chưa tìm ra được chiến lược khai thác tiềm năng dồi dào của chất xám trong cũng như ngoài nước. Không khéo ta lại dư tiến sĩ (đã có nhiều tiến sĩ thất nghiệp khi về nước !) mà không biết !

Chúng ta không cần chạy theo hai bảng xếp hạng Shanghai hay Times Higher Education (THE). Bảng Trung quốc chú trọng về nghiên cứu, bảng nước Anh về danh tiếng (réputation) và chất lượng đào tạo. Lẽ cố nhiên các Đại học Anh Mỹ chiếm hàng đầu ! Một vài Đại học như Joseph-Fourier Grenoble, Pierre et Marie-Curie, Ecole Normale Supérieure và Ecole Polytechnique Paris nổi tiếng ở Pháp, xuất hiện đã hơn một hai thế kỷ nay mà đứng xa trong nhóm 200 hay 100 trở lên. Sự thật, Pháp, và nhiều nước ở Âu châu, không đồng ý về các tiêu chuẩn và cách xếp hạng của Shanghai hay THE. Lý do chính là 90% các phòng thí nghiệm CNRS của Pháp kết hợp với các Đại học hay Trường lớn nên số điểm bị chia hai. Cũng vì thế mà Cộng đồng Âu châu sắp ra bảng xếp hạng riêng. Không phải phung phí hàng triệu đôla là có giải thưởng Nobel hay Abel, và cũng không phải cứ bốn năm là nước ta có thêm được một Giáo sư Ngô Bảo Châu !

Ở Pháp, nhiều cơ quan trách nhiệm bắt đầu lên tiếng không ủng hộ phong trào liên kết nhiều Đại học và Trường lớn để tăng cao số sinh viên với mục đích dễ cạnh tranh với các nước Anh Mỹ. Những con số sau đây cho ta thấy rõ danh tiếng tùy thuộc ở chất lượng chứ không phải số lượng : Harvard (20.000 sinh viên) ít hơn Paris 6 (30.000), Stanford (15.000) ít hơn Paris 11 (26.000), Oxford (16.000), Princeton (6.000), California Institute of Technology (2200) bằng số sinh viên của Ecole Normale Supérieure. Như vậy không phải những đại học đông sinh viên nhất nhì thế giới là giỏi. Việt Nam nên hết sức thận trọng đối với vấn đề này.

Theo nhà kinh tế Jacques Attali, ngoài việc cần phải nói lên sự thật cho dân chúng và việc tôn trọng triệt để tự do, công bằng xã hội, mỗi nước đều phải có một mô hình phát triển vững bền, dựa trên sự hiểu biết (connaissance) và ưu tiên phải dành cho sự giáo dục trẻ em ở nhà trước khi đi học (enseignement préscolaire), cho đại học và nghiên cứu. Trách nhiệm của cha mẹ trong việc dạy dỗ trẻ em rất là to lớn. Nó liên quan mật thiết đến trình độ văn hóa của đất nước.

Trong lúc GS Louis Neel (*) chú ý đến việc mở mang ở cấp đại học và sau đại học thì cũng có những người như GS Gilles de Gennes và GS Georges Charpak, hai Nobel vật lý Pháp, chủ trương nên quan tâm đặc biệt đến các em trước. Các em đừng bao giờ quên là cả ba GS được giải thưởng Nobel nêu trên, ngoài năng khiếu đáng kính phục, đều đam mê công việc nghiên cứu nên thành đạt vẻ vang như vậy.


Grenoble, 27/1/2011

Nguyễn Khắc Nhẫn

Nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris,
GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble,
GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble


(*) Tác giả đã viết một bài dài đăng trên các sites Vietsciences, UGVF, UEVF. Ở đó, độc giả có thể theo dõi từng bước chiến lược của GS Louis Néel về việc tổ chức các phòng thí nghiệm có uy tín trên thế giới của thành phố Grenoble.

Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss