Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Con Mèo trong thơ Nguyễn Trãi

Con Mèo trong thơ Nguyễn Trãi

- Đặng Tiến — published 14/01/2011 17:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Con Mèo
trong thơ Nguyễn Trãi



Đặng Tiến


qiu-jie

Qiu Jie, chân dung

Từ buổi bình minh của văn học quốc âm, con Mèo đã xuất hiện trong bản văn nôm xưa nhất, là bài phú Cư trần lạc đạo của vua Trần Nhân Tông (1258-1308) nhắc lại một công án thiền : “Vương lão chém mèo”. Nhưng hình dạng và hành trạng mèo cụ thể và đầy đủ nhất phải đợi đến Nguyễn Trãi (1374-1442) mới hiện lên rõ nét.

Một câu thơ được truyền tụng trong Quốc âm thi tập, vì đặc sắc và hiện đại :

Phơ phơ đầu bạc ông câu cá
Lẻ
o lẻo duềnh xanh con mắt mèo

Nhà thơ đã nắm vững một thi pháp già dặn và sáng tạo. Tác giả, trong mỗi câu, đã hai lần dùng đảo ngữ, một kỹ thuật đặc biệt của ngôn ngữ thi ca, như sau này ta sẽ thấy nơi Bà huyện Thanh Quan, Gác mái ngư ông về viễn phố, hay tân kỳ hơn nữa nơi Tản Đà: Vàng nhẹ bước lung lay tóc mái. Về từ vựng, Nguyễn Trãi dùng toàn chữ nôm na nhất là những cảm từ phơ phơ, lẻo lẻo đặc biệt gợi cảm và gợi cảnh trong tiếng Việt, mà sau này ta sẽ gặp lại trong thơ Hồ Xuân Hương..

Riêng câu sau có hai cách hiểu : hoặc là tác giả so sánh vũng nước trong xanh với đôi mắt mèo ; con mèo như vậy là không có thật, chỉ là một hình tượng. Cách hiểu khác, dựa theo phép đối ngẫu : ông câu cá có thật, thì con mắt mèo cũng có thật, như vậy người đi câu, hay nhà thơ, mang con mèo theo trên thuyền ? Phải chăng mèo từ ngày xưa không phải chỉ là thú vật nuôi để bắt chuột mà còn là gia súc gần gũi, bầu bạn với con người ? Và cùng chia sớt với người những món ăn ngon, như lời thơ trong Hồng Đức quốc âm thi tập, nửa sau thế kỷ XV : mèo thèm chi dỗi miếng nem thừa ?

Ngay công án Vương Lão chém mèo trong Cư trần lạc đạo, cũng chứng tỏ từ xa xưa các chùa chiền có nuôi mèo; và hai cánh tăng ni tranh nhau con mèo, phải chăng vì con mèo đẹp và quý ?


mailan

Tranh Thanh Trí


*

Nguyễn Trãi trong loạt bài thơ vịnh cầm thú, có bài thất ngôn , toàn bộ tám câu vẽ lên bức chân dung mèo xem như là đủ nét và hiện thực, mà chúng tôi sẽ phải giải thích từng câu cổ văn, ngày ngay khó hiểu :

Lọ vằn sinh lạ mãi phương Tây,
Phụng sự Như Lai trộm phép thầy.
Hơn chó được ngồi khi mặt bếp,
Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây.
Đi : nào kẻ cấm buồng the kín,
Ăn : đợi ai làm bàn soạn đầy.
Khó liễn sang: chăng nỡ phụ,
Nhân chưng giận chuột phải nuôi mày.

1. Lọ vằn : lọ lem và vằn vện, là màu lông của mèo mướp, thường gặp nhất. Sau này, ngày nay, mèo nhiều sắc lông lộng lẫy hơn, như mèo nhị thể, tam thể, là do lai giống, và người nuôi chọn lựa. Nhưng trong màu lông cơ bản, mèo mướp lẫn vào bóng đêm, đồ vật, cây cối dễ dàng hơn, và bắt mồi hiệu lực hơn. Mèo cùng họ với cọp, beo, sư tử... và bộ lông là một phương tiện sinh tồn và lợi khí săn bắt.

Lạ” là lạ mắt, đẹp mắt; dáng dấp ngoại hình là ưu thế của loài mèo, được truyền thuyết gán cho nguồn gốc “phương Tây” là Tây Trúc, xứ Phật, có tên “mèo mặt ngọc” (Ngọc diện miêu). Mèo này có khả năng bắt được loài chuột tu luyện thành tinh, sách Thánh Tông di thảo, tương truyền của vua Lê Thánh Tông, có nhắc lại chuyện Bao Công, đời Tống, phải mượn đến con mèo này của Thiên đình để xử án loài chuột yêu tinh.

2. Câu thừa đề chuyển mạch tài tình, viện dẫn Phật Như Lai và cảnh chùa : khi “thầy” tu, “thầy” chùa đi vắng, chú mèo nhảy ngay lên bàn thờ Phật, một nhận xét chính xác của Nguyễn Trãi. Con mèo, khi nhập vào một không gian nào đó, thường nhảy tót lên chỗ cao để quan sát địa hình và tình hình, ngõ hầu chọn đường đi nước bước và những vị trí chiến lược, trong bản năng kẻ săn mồi. Ngoài ra, câu thơ Nguyễn Trãi dẫn nhập một văn bản dí dỏm, mở đầu cho dòng thơ hóm hỉnh, “uy mua” của các nhà thơ nho sĩ Việt Nam.

3. Mặt bếp : một nhận xét cụ thể : mèo ưa nằm, ngồi cạnh bếp là chỗ ấm, mà không bị chủ nhà xua đuổi như chó. Mèo ưa chỗ ấm và chịu nóng giỏi, vì gốc gác từ các vùng nhiệt đới; mèo nổi tiếng là động vật sợ lạnh. Câu thơ ý nhị ở chỗ đối lập mèo với chó, hai gia súc gần gũi nhất với con người, mà thường là kình địch. Ca dao :

Mèo ngao cắn cổ con cầy
Con cầy vật chết một bầy mèo ngao.

( Ngoài đề : theo Claude Levi-Strauss, trong Chuyện Mèo hoang, Hístoire de Lynx, Plon1991, Pleiade2008, chương 1 và 2,thì trong những huyền thoại Bắc Mỹ, sự tranh chấp mèo chó, giữa Mèo hoang Lynx canadensis, và Chó hoang, Coyote, Canis latran có nguồn gốc lâu đời)

4. Tiếc hùm : theo truyền thuyết, mèo là dì của cọp, dạy cọp đủ nghề săn bắt, nhưng dấu nghề leo cây, nhờ đó mà cọp bớt nguy hiểm. Tại Tây nguyên, dân tộc Jorai kể : xưa kia, cọp không biết săn mồi và không vồ người ; không ăn được thịt sống, phải đến nhờ người nướng giúp. Mèo gần người, thạo nghề săn bắt, và biết ăn thịt sống nhờ quan sát, học tập loài nhện. Sau đó, mèo dạy cọp tự lập và ăn thịt sống (theo Jacques Dournes, Forêt, Femme, Folie, Rừng, phụ nữ, cơn điên, nxb Aubier, 1978, tr 113).

Mèo leo trèo giỏi, như trong ca dao : Con mèo mày trèo cây cau…

Con mèo kêu mẻo kêu meo
Ai d
ạy mày trèo, mày chẳng dạy tao

5. Buồng the : khi mèo di chuyển thì không kẻ nào ngăn cấm được buồng the kín. Câu thơ vừa dí dỏm vừa chính xác : không ai cấm cửa được mèo. Mèo luôn luôn muốn làm chủ mọi ngõ ngách trong không gian mình sống, cho nên không chấp nhận những cánh cửa đóng, thường kêu gào, cào cấu phản đối. Trong vở kịch nổi tiếng Hoàng thượng băng hà, Le Roi se meurt, 1963, Ionesco có đoạn độc đáo tả cảnh chú mèo quyết liệt phản đối một cánh cửa đóng.

Câu thơ Ức Trai hóm hỉnh, nghịch ngợm, thêm chất lẳng lơ với buồng the kín là nét đặc sắc của bậc danh nho.

6. Khi mèo ăn, thì không cần đợi ai làm mâm cao cỗ đầy. Nghĩa là mèo sẵn sàng… ăn trước. Trong truyện ngắn Con Mèo, 1942, Nam Cao tả cảnh hai vợ chồng bất hòa khi người chồng phá giấc ngủ của con vì to tiếng đuổi mèo : « Lúc ấy chú mèo mới ở đâu lò dò đến. Chú lại gần mâm. Chú kêu meo meo, chú lượn vòng quanh mâm một lát. Rồi chú trèo lên mâm… »

Trong tập truyện Phấn thông vàng, 1939, Xuân Diệu tả mèo rất hay, có vài lần tả mèo ăn vụng.

7. Khó liễn sang… Chữ liễn, từ cổ, có nghĩa : hoặc là, hay là, câu thơ dựa trên tục ngữ : mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang. Dù sang hay khó, con người cũng không phụ mèo. Câu thơ chứng minh gốc gác xa xưa của một câu tục ngữ vần vè, đối ngẫu chỉnh chu. Có người cho là điều mê tín, có người giải thích : nhà khó, chuột đói chạy tứ tung để kiếm ăn, thu hút mèo. Nhà sang thì chó có miếng ăn thừa, và cần chó để phòng ngừa trộm cắp.

8. Cuối cùng, sau những lý do nọ kia, người vẫn phải nuôi mèo vì giận chuột. Kết luận đơn giản và nêu lên chân lý lịch sử : loài người, thoạt tiên, tại các nước Trung Đông, nuôi mèo là để bắt chuột. Dường như ở Á Đông, lúc đầu người Tàu hay người Nhật nhập khẩu mèo để trừ chuột, để bảo vệ công nghệ tầm tang.


ntnghiem

Tranh Nguyễn Tử Nghiêm


Dù sau này có người nuôi mèo để làm bầu bạn, thì mèo vẫn bắt chuột, để ăn thịt hay chỉ để… chơi, như trong truyện ngắn O chuột, 1941, của Tô Hoài.

Từ thời thượng cổ, cả vạn năm trước chúng ta, khi nông nghiệp phát triển, khi loài người bắt đầu tích trữ ngũ cốc thì phải lo trừ chuột bằng cách rủ rê mèo rừng, « o mèo » về chung sống chung quanh bếp lửa.

Nguồn cơn hò hẹn, cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, giữa Người và Mèo : hạt thóc và bếp lửa.

Bài thơ Nguyễn Trãi chứng tỏ nghệ thuật của thơ nôm từ thế kỷ XV, óc quan sát tinh tường , hành văn hiện thực của Ưc Trai, óc độc lập so với tư tưởng nho gia chính thống thời đó và sau này. Trong văn thơ cổ điển - Ta cũng như Tàu - và cả trong hội họa, không mấy khi chú mèo ló dạng. Họa hoằn lắm mới thấy nó thấp thoáng trong một bài phú của Nguyễn Công Trứ - nhà nho khoáng đạt: « Hạt mưa xoi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó ».

Sau này, Phan văn Trị và Á Nam Trần Tuấn Khải có thơ vịnh mèo, nhưng không sắc sảo.

Có lẽ xã hội phong kiến, mà nhà nho vừa là phó phẩm vừa là kẻ vun đắp, nghi kỵ loài mèo bản chất tự do, độc lập, phóng túng. Mèo chỉ chấp nhận hành trạng thuần hóa đến mức nào đó, mà không chấp nhận toàn bộ chính sách « gia huấn ». Và sẵn sàng bỏ cuộc sống gia thuộc êm ấm để đi hoang.

Từ chỗ này ta có thể suy rộng ra : người Việt Nam tâm hồn phóng khoáng và tình nghĩa, đã thừa nhận người bạn thân cận, và sắc phong Mèo làm biểu tượng cho cung Mão (Mẹo) trong âm lịch thay cho con Thỏ của người phương Bắc và toàn bộ các nước lân bang. Từ điển Alexandre de Rhodes, 1651, dựa trên ngôn ngữ và phong tục dân gian, đã ghi giờ Mẹo (Mão) là giờ Mèo, trong khi sách kinh điển của nho gia, như Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, hơn 100 năm sau, còn theo lịch phương Bắc, gọi cung Mão là cung Thỏ. Nguyễn đình Chiểu trong Lục vân Tiên, cũng vậy.

Những dữ kiện văn hóa, tâm lý khác nhau như vậy giúp chúng ta nhận chân giá trị bài thơ Mèo mà Nguyễn Trãi dành toàn văn cho một loài gia súc không cao giá, không mấy khi được miêu tả đầy đủ trong truyền thống văn thơ Á Đông.

Do đó năm Mão, nói chuyện Mèo là cơ hội đọc lại một bài thơ hay, và trân quý tài năng, phong cách, tâm hồn nhà thơ dân tộc Nguyễn Trãi.


Đặng Tiến

Paris, xuân Tân Mão 2011


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss