Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Phát huy bảo tồn di sản

Phát huy bảo tồn di sản

- Nguyễn Đức Hiệp — published 01/05/2014 22:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


Phát huy bảo tồn di sản văn hóa
và di sản thiên nhiên
– Hiến chương Burra


Nguyễn Đức Hiệp



Saigon và Chợ Lớn còn có nhiều dấu tích văn hóa và lịch sử. Có những con đường, tòa nhà, cảnh quan phố xá mà ta thấy thường ngày đã thay đổi theo thời gian (và tùy địa điểm tốc độ thay đổi nhanh hay chậm), và nếu ta không để ý thì không thấy hết được toàn cảnh giá trị lịch sử văn hóa hay định được đúng mức tiềm năng mà chúng ta có thể dùng trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa hay du lịch.

Mỗi một con đường, một góc phố đều có một câu chuyện vì chúng đều có quá khứ. Câu chuyện đó có thể không có tầm quan trọng về phương diện lịch sử văn hóa, chính trị, ở địa bàn tỉnh thành hay bình diện quốc gia nhưng chúng có thể có giá trị ở địa bàn cộng đồng địa phương hay trong một lãnh vực khác như kinh tế, xã hội. Điều này tôi đã học và ý thức được sau khi trải qua hơn nửa ngày đi một tour hướng dẫn về di sản ở Chợ Lớn do anh Tim Doling hướng dẫn. Ngoài tour du lịch mà anh gọi là tham quan di sản (heritage tour) cho Chợ Lớn, anh cũng có hướng dẫn tham quan di sản cho khu Saigon.

Anh Tim Doling là một người Anh đang sống ở Saigon. Anh đã từng làm việc nhiều nơi về di sản văn hóa như ở Hà Nội, Afghanistan cho Unesco. Anh định cư ở Saigon và đam mê nghiên cứu về lịch sử vùng Saigon-Chợ Lớn và các di sản văn hóa trong vùng này. Anh vừa viết xong quyển sách “Walking tour of Saigon and Cho Lon” mà nhà xuất bản Thế Giới sắp in.

Ở Chợ Lớn anh đã dẫn chúng tôi (tôi và hai người nước ngoài) đi tham quan các hội quán, chùa đình, đường phố và chỉ cho biết từng nhà, từng con đường với những dữ liệu lý thú mà nhiều người không biết đến. Trên đường Hải Thượng Lãn Ông, ngày xưa là một con rạch, anh chỉ ra một số nhà cổ còn sót lại, trong đó có tòa nhà Thông Hiệp trụ sở công ty của ông Quách Đàm (người xây chợ Bình Tây), nhà của vua bột ngọt Trần Thành. Từ Minh Hương Gia Thạnh, đi trên đường Nguyễn An và Phú Định nơi mà nét cổ kính còn chút ít phảng phất giống như các nhà phố nổi tiếng lịch lãm đầy du khách tham quan được bảo tồn trên Boat Quay ở Singapore, anh Doling chỉ cho chúng tôi tòa nhà xưa được dùng trong phim “L’amant” (Người Tình). Mặt tiền tòa nhà này đã bị sửa đổi từ một cổng có mái hiên và của sổ thời Pháp thành mái bê tông, hiên trước nhà biến mất và có cửa sắt tân thời đóng kín. Nhưng cách nhà này vài căn, có một ngôi nhà khác cùng kiến trúc vẫn còn nét cổ kính và thanh lịch vì mặt tiền chưa bị sửa. Anh Doling bảo chúng tôi nên chụp hình lưu niệm vì chẳng bao lâu nữa căn nhà này cũng sẽ biến dạng mặt tiền như các nhà bên cạnh hay bị sửa bỏ hoàn toàn.

Đi trên con đường gần kênh Tàu Hủ, đường Phan Huy Chú, mà xưa kia gọi là “Cité Wang Tai” vì đường này ngày xưa các dân nhập cư người Hoa cư ngụ sống khi mới đến Saigon-Chợ Lớn, anh Doling đọc cho chúng tôi một đoạn rất sống động trích từ trong sách hồi ký của bà Louise Bourbonnaud viết vào cuối thế kỷ 19 về sinh hoạt đời sống của người dân trên con đường này, khi bà Bourbonnaud có ghé đến đây trong chuyến du hành thế giới vào năm 1889. Cité Wang Tai được ông Wang Tai (Vương Thái) (người trúng thầu xây nhà thờ Đức bà, Bưu Điện Saigon) lập ra và xây khu dân cư cho người dân di cư nghèo đến từ nam Trung Hoa.

Một căn nhà trên đường Châu Văn Liêm, đối diện với bưu điện Chợ Lớn, là nhà mà xưa kia Nguyễn Tất Thành từ Phan Thiết đã đến trú ngụ trong thời gian ở Saigon trước khi ông qua Pháp. Nhà này (nay là nhà lưu niệm) thời đó là của một công ty làm nước mắm. Sở dĩ công ty này có nhà ở đây là vì xưa kia bưu điện Chợ Lớn thật ra là một chợ buôn bán chính sầm uất trong cả vùng Chợ Lớn và ngay trước chợ (đường Châu Văn Liêm) là con rạch mà tàu từ Phan Thiết dùng để chở nước mắm đến. Nhà là nơi thuận tiện để nghỉ và chứa hàng trước khi mang ra chợ bán.

Cũng chính trước nhà lưu niệm và Bưu điện Chợ Lớn, trên một cầu bắc ngang rạch Chợ Lớn (nay là đường Châu Văn Liêm), vào năm 1876, có một buổi hành hình 5 tử tù người Hoa đã đánh cướp và giết hành khách trên tàu hơi nước Pelican đi từ Chợ Lớn đến Phnom Penh. Đây là vụ cướp chấn động Chợ Lớn và Nam Kỳ, ngay cả báo chí nước ngoài như ở Singapore, Anh và Úc cũng có đăng về vụ cướp tàu Pelican.

Và rất nhiều câu chuyện lịch sử về các đình, các hội quán, các nhân vật, các lễ hội, các kiểu kiến trúc khác nhau của các hội quán, phố xưa… được anh Doling kể trong chuyến thăm quan di sản ở Chợ Lớn.

Anh Tim Doling cho chúng tôi biết sở dĩ anh lập ra tour di sản là vì anh muốn nhiều người thấy được những giá trị di sản văn hóa của vùng Saigon-Chợ Lớn, khuếch trương tiềm năng phát triển kỹ nghệ dịch vụ trong quá trình phát triển hài hòa giữa cái mới mà vẫn giữ được ký ức quá khứ; và qua đó anh hy vọng sẽ có nhiều người dân ý thức được về giá trị của sự bảo tồn di sản và cảnh quan văn hóa.

Tôi có hỏi anh có biết chính sách, tiêu chuẩn, bảo tồn và nơi tiếp cận các thông tin và kế hoạch của cơ quan quận hay thành phố ra sao hay không. Anh cho biết anh không được biết hay có được quan hệ qua các kênh thông tin đại chúng hay cá nhân vì các chính sách, thông tin về di sản hay bảo tồn từ chính quyền không có nhiều hay chúng không nằm ở lãnh vực công khai hay công cộng để tiếp cận được.

Điều này làm tôi suy nghĩ về triết lý và nguyên lý cơ bản của sự phát huy và bảo tồn di sản sản văn hóa, lịch sử mà trong nhiều thập niên qua các chuyên gia thế giới đã trải nghiệm và đã thống nhất đặt ra nền tảng, nguyên lý và tiêu chuẩn chung qua hai hiến chương (hiến chương Venice và hiến chương Burra) để áp dụng một cách thành công trong sự hài hòa giữa hai phương diện có vẻ như đối nghịch trong xã hội: công tác bảo tồn và xu hướng phát triển.

Bài học quan trọng, qua các kinh nghiệm được áp dụng thành công ở nhiều nước, là: ý thức về di sản văn hóa lịch sử chỉ có thể phát triển và được bảo tồn tốt đẹp, và giá trị thực của di sản được đánh giá đúng, khi có sự tham gia của người dân và cộng đồng. Giá trị của một di sản không chỉ dựa vào kinh tế mà còn văn hóa và tâm linh. Sự tham gia của cộng đồng địa phương cho phép họ có tiếng nói phản ảnh sự quan tâm của họ và qua đó có cơ hội được đóng góp trong quá trình hoạch định chính sách hay kế hoạch quản lý đô thị.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy là khi có sự tham dự của cộng đồng thì công tác xếp loại, bảo tồn di sản văn hóa lịch sử, cảnh quan, sẽ đạt được hữu hiệu nhất. Trước hết ta hãy nhìn lại lịch sử cận đại và chiều hướng chung trên thế giới về công tác bảo tồn di sản văn hóa lịch sử ở các nước.


*


Hiến chương Venice (Venice Charter)
và hiến chương Burra (The Burra Charter)


Bảo tồn di tích văn hóa và lịch sử đã được nhiều nước quan tâm và các di tích nổi tiếng như Acropolis, Angkor, Kim Tự Tháp, Borobodur, Bagan, Ajanta... là những di tích mà nước sở tại đã có những công tác bảo vệ từ lâu. Ở mỗi nơi có những phương pháp và tiêu chuẩn khác nhau để xếp loại di tích cần được bảo tồn, các định nghĩa về di tích, về cách thức bảo tồn (conservation), phúc hồi (restoration), phục chế (renovation) hay phục dựng (replacement hay reconstruction) đều khác nhau. Nhưng các cách thức bảo tồn nhiều khi cũng có thể phá đi cảnh trí tổng thể của di tích nếu không nghiên cứu cẩn thận dựa theo nguyên lý vững vàng, hay phục chế những nơi bị hư hại lại có thể làm mất đi mỹ thuật của di tích. Ở mỗi địa phương đều có những kinh nghiệm và cách nhìn đánh giá khác nhau do hoàn cảnh lịch sử và văn hóa ở mỗi vùng.

Năm 1964, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 2 ở Venice, các nhà kiến trúc, chuyên viên bảo tồn các di sản văn hóa lịch sử đã thành lập một tổ chức phi chính phủ gọi là Hội đồng Quốc tế về các kiến trúc và địa danh (International Council of Monuments and Sites, ICOMOS) mà sự cần thiết đã được nêu ra trước đó ở Hội nghị lần thứ 1 (1957, Athens).

Và sau nhiều buổi thảo luận, Hiến chương Venice đã được công bố trong đó về cơ bản xem tất cả các di sản văn hóa, lịch sử là di sản chung của con người (như điện Acropolis ở Hy Lạp, Colosseum ở Rome). Hiến chương nới rộng ý niệm về bảo tồn và mở rộng phạm trù trong đó bao gồm cả các kiến trúc đang được xử dụng thường ngày và cảnh quang môi trường chung quanh. Hiến chương vạch rõ sự khác biệt và ranh giới giữa bảo tồn và phục chế được phép, sự lựa chọn vật thể kiến trúc vào danh sách bảo tồn dựa vào tiêu chuẩn mỹ thuật hay lịch sử, cũng như chú trọng vào những nguyên tắc có thể được áp dụng trong công tác bảo tồn. Thí dụ như sự thêm vào hay phục chế di tích chỉ được phép trong những trường hợp đặc biệt như nguy cơ đổ vỡ. Phục chế phải liên hệ với kích thước tổng thể và vật liệu dùng phải giống ban đầu hay hòa hợp theo phong cách của kiến trúc với tất cả các chi tiết phục chế được báo cáo viết ra thành văn bản làm tư liệu. Tư liệu phải cho thấy rõ quá trình lịch sử liên tục của di tích, với thông tin cho hai đối tượng: cho chuyên gia và cho người dân tham quan.

Một số những nguyên tắc của hiến chương Venice sau đó đã được mang vào các bộ luật di sản ở nhiều quốc gia và được áp dụng trong sự điều hành và quản lý qui hoạch đô thị. Tuy nhiên vì ban đầu hiến chương được soạn qua kinh nghiệm của các nhà chuyên môn, khoa học, kiến trúc, hoạch định đô thị... hầu hết từ các nước ở Âu châu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Bắc Phi nên một số các góc cạnh văn hóa và kinh nghiệm ở các nước Á châu hay Phi châu có thể chưa được thâu nghiệm. Vì thế các hội thảo sau này đã được ICOMOS tổ chức ở Indonesia (Jakarta 1973) và Kenya (Nairobi, 1976) với các nhà quản lý đô thị, bảo tồn di sản từ Á châu và Phi châu để bổ sung vào hiến chương Venice.

Hiến chương Venice cho một khung tổng quan tối thiểu về triết lý và nguyên tắc chung cho công tác bảo tồn di sản, nhưng để áp dụng vào thực tế ở mỗi địa phương thì cần có những hướng dẫn cụ thể hơn cho những nhà chuyên môn trong công tác xếp loại và bảo tồn di sản. Hiến chương Burra (Burra Charter) đã đáp ứng được nhu cầu này.

Năm 1979 ở Burra, một thành phố mỏ thuộc tiểu bang Nam Australia, trong hội nghị của chi nhánh ICOMOS ở Australia, các nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn, kiến trúc, kế hoạch đô thị ở Australia đã đề ra và chấp nhận hiến chương Burra (Burra Charter). Hiến chương Burra về cơ bản bổ sung những thiếu sót của Venice Charter và đưa ra thêm những nguyên tắc, tiêu chuẩn chi tiết hơn trong công tác bảo tồn di sản thích hợp với địa phương. Burra Charter bổ sung hai nguyên tắc quan trọng là

  • Đặt cộng đồng địa phương làm nền tảng của công tác bảo tồn

  • Đưa ra những qui trình thực tiễn cần thiết để đánh giá, bảo quản di tích; trong đó quan trọng là hồ sơ, tư liệu đầy đủ được lưu trữ, vật liệu và phương pháp trùng tu như lúc di tích được xây dựng...

  • Các qui trình đều áp dụng cho tất cả các di tích văn hóa chứ không chỉ giới hạn những di tích to lớn quan trọng (monument) mà Hiến chương Venice đặt trọng tâm.

  • Không phải chỉ là di vật mà cảnh quan và thiên nhiên cũng có thể là di sản văn hóa cần được bảo tồn

Người thổ dân ở Australia với lịch sử hơn 40000 năm định cư ở lục địa Australia đã coi thiên nhiên, rừng, núi, hang động, sông, rạch là một phần không thể tách rời trong đời sống tâm linh văn hóa của họ.

Hiện nay Hiến chương Burra sau đó đã được nhiều nước như Anh, các nước ở Âu châu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Phi châu, Á Châu kể cả Trung Quốc mang vào áp dụng.


*


Để có thể hiểu được mức độ thực tiễn mà hiến chương Burra đã được áp dụng, một thí dụ ta có thể mang ra xem xét là sự áp dụng hiến chương Burra vào nguyên tắc bảo tồn di sản văn hóa và di sản thiên nhiên ở bang New South Wales (Úc).


1. Khuôn khổ xem xét và quản lý di sản văn hóa hay di sản thiên nhiên


Đầu tiên là cơ sở luật pháp qua đạo luật Di Sản (Heritage Act). Mỗi tiểu bang đều có luật Di sản. Dựa vào Luật Di Sản (Heritage Act) thì Hội đồng Di sản (Heritage Council) là nơi quyết định quan trọng nhất. Ở bang New South Wales, Hội Đồng Di sản có 9 thành viên, với nhiệm kỳ là 3 năm, được chọn lựa từ những nhà chuyên môn, nhà văn hóa có tiếng, hay các người dân bản xứ, dân tộc có liên hệ trực tiếp đến di sản văn hóa trong xã hội. Sau khi xem xét các đơn xin làm thành viên, Văn phòng Môi trường và Di sản (Office of Environment & Heritages), một cơ quan chính phủ, sẽ tuyển chọn với sự tham khảo các hội chuyên nghiệp, 9 thành viên mới vào Hội đồng. Bất cứ công dân nào trong xã hội đều có quyền nộp đơn làm thành viên vào Hội đồng Di sản.

Các thành viên tuyển chọn sau đó được bộ trưởng (Môi trường và Di sản) bổ nhiệm chính thức vào Hội đồng Di sản và đóng vai trò cố vấn cho bộ trưởng về các vấn đề liên quan đến di sản văn hóa và thiên nhiên.

Các di sản văn hóa và thiên nhiên hiện có đều được công bố trên Danh sách Di sản (Heritage Register) và trên mạng để công chúng có thể tra khảo.


2. Phương thức mang di vật vào danh sách di sản văn hóa hay thiên nhiên


- Người dân địa phương hay các tổ chức dân sự hay chính phủ khi cần đều có quyền nộp hồ sơ đến Hội đồng Di sản xin đặt một di vật văn hóa hay thiên nhiên được xếp loại là di sản văn hóa hay thiên nhiên vào danh sách được bảo tồn và mang vào Danh sách Di sản. Tất cả công dân trong xã hội đều có thể bình luận là hiện vật đó có nên được xem xét hay không. Một khi hiện vật được đề nghị xem xét, thì Hội đồng Di sản thông báo qua báo chí và mời chủ nhân (hay người cư ngụ nếu là nhà ở) của hiện vật, ủy ban nhân dân địa phương (Council) hay bất cứ ai trong xã hội cho ý kiến qua các hồ sơ nộp đến Hội đồng Di sản.

Nếu chủ nhân không đồng ý để hiện vật được xem xét hay có bất đồng trong quá trình hiện vật được mang lên xem xét thì bộ trưởng sẽ đưa vấn đề này ra Hội thẩm tái xét (Minister Review Panel) để bộ trưởng được cố vấn một cách độc lập về hiện vật. Hội thẩm này phải báo cáo cho bộ trưởng trong vòng một tháng sau khi hội thẩm được thành lập

Hội đồng Di sản sẽ xem xét hồ sơ mang hiện vật vào danh sách di sản và xét đoán kỹ lưỡng dựa vào các tiêu chuẩn được công bố trong luật (xem dưới đây về các tiêu chuẩn di sản)


3. Thẩm định đánh giá đề án phát triển có thể ảnh hưởng
đến di sản văn hóa hay di sản thiên nhiên


- Tất cả các đơn xin phát triển (development application) trong các công trình dù lớn hay nhỏ đều phải được đánh giá tác động qua Luật Môi trường (Environment Protection Act) và Luật Di sản (Heritage Act) nếu chúng có thể có khả năng ảnh hưởng đến di sản văn hóa, lịch sử hay di sản thiên nhiên được liệt kê trong danh sách di sản đã được công bố (Heritage Register). Hồ sơ các đơn phát triển được sẽ được trưng bày trong tòa thị sảnh (cấp thành phố) hay nhà hội đồng nhân dân (cấp quận hay huyện) để lấy ý kiến từ dân địa phương

Sau khi được cơ quan chính phủ (như Bộ Môi trường và bảo tồn, Office of Environment & Heritages) đánh giá đơn qua hồ sơ và từ các ý kiến của dân địa phương hay các tổ chức dân sự gởi đến, kết quả đánh giá được đưa cho Hội đồng di sản xem xét để duyệt các đơn (xin xây cất, công trình phát triển của bất cứ công trình nào). Nếu thấy có ảnh hưởng đến các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thì Hội đồng sẽ đề nghị bộ trưởng bác đơn. Hội đồng có thể đưa ra quyết định khác với cơ quan chính phủ đã thẩm định và để tùy bộ trưởng quyết định (đa số thường thì cơ quan chính phủ phải xem xét và thẩm định lại trong các trường hợp này, bổ sung các ý kiến từ Hội đồng).

Trong trường hợp khi công trình được chấp thuận và đang hoạt động, nhưng trong lúc xây dựng có phát hiện các di tích văn hóa đáng quan tâm thì Hội đồng sẽ đưa ra trát di sản tạm thời (Interim Heritage Order) để ngừng công trình và xem xét lại.


4. Tiêu chuẩn đánh giá để được đưa lên danh sách di sản (Heritage register)


Tiêu chuẩn a - Một hiện vật quan trọng đã được biết và ghi trong quá trình, hay loại hinh (pattern), lịch sử văn hóa và thiên nhiên (cultural, natural history) của tiểu bang

Tiêu chuẩn b - Một hiện vật có liên hệ chặt chẽ và đặc biệt đến cuộc đời hay tác phẩm của một người, hay một nhóm người, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử văn hóa hay thiên nhiên của tiểu bang (hay của một dịa phương)

Tiêu chuẩn c - Một hiện vật quan trọng có đặc tính mỹ thuật và/hay có độ sáng tạo hay kỹ thuật cao

Tiêu chuẩn d - Một hiện vật có liên hệ chặt chẽ và đặc biệt với một cộng đồng hay một nhóm văn hóa ở tiểu bang (hay địa phương) về phương diện xã hội, văn hóa hay tâm linh

Tiêu chuẩn e - Một hiện vật có khả năng cho biết nhiều thông tin đóng góp vào sự hiểu biết lịch sử văn hóa hay thiên nhiên

Tiêu chuẩn f - Một hiện vật có đặc tính quí hiếm hay nguy cơ biến mất trong lịch sử văn hóa hay thiên nhiên

Tiêu chuẩn g - Một hiện vật quan trọng cho thấy những đặc tính chính của các loại

- Địa điểm văn hóa hay thiên nhiên

- Môi trường văn hóa hay thiên nhiên (cảnh quan văn hóa hay thiên nhiên)

Một hiện vật có thể trong quá trình đánh giá đạt được một hay nhiều tiêu chuẩn trên. Chỉ cần đạt được một trong các tiêu chuẩn đánh giá trên thì được coi là di sản văn hóa

Ngoài những tiêu chuẩn này, hiện vật cũng được đánh giá qua mức độ hay tầm cấp quan trọng trên phạm trù không gian địa lý. Hiện có 4 mức độ (tầm) quan trọng của hiện vật

- Địa phương

- Tiểu bang

- Quốc gia

- Thế giới

Những thông tin trên cho thấy sơ lược về qui trình thiết lập và bảo tồn di sản văn hóa hay thiên nhiên ở New South Wales (Úc). Sự vận hành của nó có hiệu quả hay không chủ yếu là qua sự hiểu biết và tham gia của người dân. Sự thành công bảo tồn di sản được thể hiện qua rất nhiều người dân địa phương tình nguyện làm hướng dẫn viên, giúp việc, tham dự các cuộc họp, hội thảo về mỗi di tích ở địa phương, v.v...

Luật Di Sản ở NSW đặt người dân, qua Hội Đồng Di sản, là trung tâm của công tác bảo tồn Di sản. Theo tôi nghĩ đó là bài học quan trọng nhất mà chúng ta nên học hỏi và áp dụng vì theo kinh nghiệm tôi thấy thì nó rất thành công trong công tác bảo tồn di sản và trong sự gia tăng ý thức, hiểu biết lịch sử văn hóa và tham gia của người dân nơi tôi sống. Thí dụ như khu di tích The Rock ở gần trung tâm thành phố Sydney nơi có nhiều phố cổ từ thế kỷ 18 khi thành phố mới được thành lập. Vào đầu thập niên 1970 chính quyền đã có kế hoạch phá bỏ dần các khu phố cổ nơi có nhiều dân có thu nhập thấp đang sống để phát triển kinh tế với nhiều tòa nhà cao ốc thương mại, nhưng qua sự tham gia tích cực của cộng đồng, các phố này được đánh giá lại với nhiều tư liệu được các nhà nghiên cứu bỏ công tham gia và công bố cho thấy các khu phố này có những giá trị văn hóa lịch sử dính liền với cá tính thành phố. Chính quyền sau đó đã thấy sự lợi ích vô giá về văn hóa và kinh tế khi khu The Roch trở thành nơi thu hút du khách và là nơi có cảnh quan đặc thù lịch sử của thành phố ngay cạnh các khu thương mại tân thời. Khu the Rock đã làm khu trung tâm có thêm cá tính và đa dạng.

*

Trở lại những địa điểm, cảnh quan, hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử kinh tế mà chúng tôi được tiếp thu trong chuyến tham quan di sản ở Chợ Lớn. Trên đại lộ Đông Tây ngày nay vẫn còn một số rất ít nhà ở đã có từ lâu đời với kiến trúc đông tây. Các nhà này giống như kiến trúc nhà cổ ở Singapore vì xưa kia các thương gia, nhà thầu Singapore đã có mặt nơi đây. Họ cùng các thương gia Chợ Lớn xây dựng các cơ sở vật chất, nhà cửa, kho hàng… Hiện nay các khu phố cổ Chinatown, Boat Quay và Clark Quay ở Singapore được bảo tồn và trở thành một nơi du lịch có giá trị văn hóa nổi tiếng ở xứ này với đông đảo du khách.

Khu Boat Quay và Clark Quay kế bờ sông, xưa kia là nơi buôn bán, có nhiều nhà kho chứa hàng và nhà ở san sát từ các tàu buôn (giống như bến Lê Quang Liêm, bến Bình Đông dọc kênh Tàu Hủ), ngày nay là khu thanh lịch có nhiều nhà cổ đầy cá tính đặc biệt của kiến trúc đầu thế kỷ 20 và được người dân và du khách đông đảo ưa chuộng viếng thăm.

Ngày nay tốc độ phát triển đô thị ở Saigon-Chợ Lớn rất cao, bộ mặt thành phố đổi thay rất nhiều. Điều quan trọng là các di sản, kiến trúc văn hóa lịch sử, nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa nên được bảo tồn, gìn giữ để chúng trở thành cảnh quan có giá trị kinh tế và tinh thần vô giá cho thành phố và các thế hệ sau nối tiếp.

Điều này có thể thực hiện được tốt đẹp nếu chúng ta áp dụng và đưa vào trong công tác bảo tồn các nguyên lý và qui trình của Hiến chương Burra nhất là khi có công đồng địa phương tham gia. Đây là trào lưu mà các nước trên thế giới đã và đang đưa vào áp dụng thành công trong công tác đánh giá, bảo quản các di tích văn hóa lịch sử hữu hiệu và ít tốn kém nhất.

Nguyễn Đức Hiệp


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss