Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Quan hệ giữa Trung Quốc và Tây phương từ thế kỷ 18 trở về trước

Quan hệ giữa Trung Quốc và Tây phương từ thế kỷ 18 trở về trước

- Hồ Bạch Thảo — published 29/01/2013 22:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18



Quan hệ giữa Trung Quốc và Tây phương
từ thế kỷ 18 trở về trước

(Biết mình, biết người. Hãy tìm hiểu kỹ “người” mình cần biết.)


Hồ Bạch Thảo



Ngược dòng lịch sự từ thế kỷ từ thế kỷ thứ 18 trở về trước, hãy tìm hiểu những cơ duyên các nước Tây Phương dòm ngó lãnh thổ Trung Quốc :


1. Bồ Ðào Nha


Vào thế kỷ thứ 15, hai nước Tây phương, Bồ Ðào Nha [Portugal] và Tây Ban Nha [Spain], ra sức tìm đường hàng hải đến Á Đông để buôn bán. Người Tây Ban Nha đi vòng qua Ðại Tây Dươn
g, tìm ra châu Mỹ. Bồ Ðào Nha theo hướng từ phía tây nam châu Phi [Africa], kết quả tìm ra được hải đạo chính thức Âu, Á. Ðối với việc buôn bán của người Tây phương qua Á Đông thời đó, và sự nghiệp hàng hải Âu Á sau này ; công trạng của người Bồ vượt quá Tây Ban Nha.


Việc kinh doanh buôn bán trên biển của người Bồ Ðào Nha, lúc đầu do Quốc vương chủ trì, cung cấp tiền vốn và quy định về hàng hóa. Ðợi đến lúc thương gia càng ngày càng đông, tầm mức thương vụ càng lớn, những tay mạo hiểm buôn bán muốn tăng lợi ích cho bản thân, thì ảnh hưởng của Quốc vương càng ngày càng yếu ; đó là một nguyên nhân tại sao người Bồ không thể bảo vệ quyền lợi mạnh mẽ lâu dài tại Ðông phương.


Sau khi Bồ Ðào Nha chiếm được Mãn Lạt Gia [Malacca, thuộc Mã Lai], nơi này có nhiều người Hoa buôn bán ; nên người Bồ biết được tình hình Trung Quốc. Ðến năm Chính Ðức thứ 9 đời Minh [1514], lần đầu tiên thương thuyền Bồ Ðào Nha ghé cửa sông thuộc tỉnh lỵ Quảng Ðông [Guangdong] (1) ; năm 1516 lại có chuyến thứ hai. Nhưng chuyến đi thứ ba vào năm 1517 quy mô hơn, do Fernao Perez Andrade [An Ðức Lỗ Ðức] chỉ huy, có Sứ giả Thome Pieres [Bì Lợi] tháp tùng. Người nhà Minh gọi người Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha là Phật Lăng Cơ, và mô tả “ Dân này mũi cao, mắt sâu ; tiếng súng lớn như sấm, làm chấn động xa gần ”.


Sứ giả Bồ Ðào Nha xin được triều cống. Theo lối ứng xử bấy giờ, các nước phiên tại phương nam thường mệnh danh là triều cống, nhưng mang thuyền đến buôn bán là chính. Quan lại địa phương có người chủ trương chấp thuận, có người bác bỏ. Theo luật triều Minh đối với các nước phương nam, nếu không phải là nước triều cống, không được ghé thuyền vào Quảng Châu [Guangzhou] ; nếu đến không đúng kỳ hạn chỉ được đậu bên ngoài. Viên Tổng đốc Lưỡng Quảng tra “ Ðại Minh Hội điển không thấy nước này từng đến cống ” nên tâu về triều để xin chỉ thị. Viên chỉ huy Fernao Perez Andrade [An Ðức Lỗ Ðức] cho thuyền ghé đậu tại Nam Ðầu [thuộc huyện Ðông Hoàn / Dongguan, Quảng Ðông ], riêng Sứ giả Thome Pieres [Bỉ Lợi] thì vẫn ở Quảng Châu [Guangzhou] chờ tin tức. Triều đình tại Bắc Kinh [Beijing] lúc đầu chỉ chấp thuận cho bán “ phương vật ” (2), riêng Sứ giả trở về ; nhưng Thome Pieres [Bỉ Lợi] vẫn cố nấn ná, không chịu đi. Qua sự đút lót vận động ngoại giao của viên Thông sự [Thông dịch] người Hồi, Sứ giả được vào kinh năm 1520.


Rồi người Bồ tính ở lâu, bèn cho dựng nhà lập trại tại Nam Ðầu và Ðồn Môn [huyện Ðông Hoàn / Dongguan] ; Ðồn Môn cách Nam Ðầu không xa. Chúng lộng hành cướp bóc thương lữ, khiến nhà Minh không thể khoan nhượng được. Hơn nữa Mãn Lạt Gia là nước nhận sắc phong của Trung Quốc, lại tố cáo việc người Bồ cướp nước, vua Minh bèn ra lệnh người Bồ trả đất, nhưng họ không tuân. Trước đó nhà Minh đã chuẩn bị cho người học cách người Bồ tạo thuyền, đúc súng, rồi theo kiểu mẫu chế tạo. Trải qua các cuộc chiến vào năm 1521, 1522, hai lần vây đánh, thu được thắng lợi lớn, tịch thu được 20 khẩu pháo. Ðó là lần thứ nhất Trung Quốc sử dụng vũ khí Tây phương, giao chiến với người Tây phương.


Ngoài Quảng Ðông, người Bồ Ðào Nha từng đến các tỉnh Phúc Kiến [Fujian], Chiết Giang [Zhejiang]. Sau khi bị đuổi ra khỏi Nam Ðầu, Ðồn Môn, việc buôn bán tại Quảng Ðông đình chỉ ; người Bồ hàng hải ngược lên phía bắc càng đông, cấu kết với giặc cướp và quân Nụy [Nhật Bản / Japan], lập căn cứ tại đảo Song Dự, thuộc Ninh Ba [Ningbo], tỉnh Chiết Giang. Khởi đầu cư xử không đến nỗi trái luật, nhưng đến năm 1546 người Bồ lấy cớ đòi nợ, bắt đầu cướp bóc. Trung Quốc và Bồ Ðào Nha lại xẩy ra chiến tranh, người Bồ liên kết với quân Nụy, khiến mối họa giặc Nụy kéo dài 18 năm bắt đầu xẩy ra từ đó. Năm 1548 quân Minh đánh phá Song Dự, chiến tranh lan đến phía nam Phúc Kiến ; rồi qua 2 lần kịch chiến vào năm 1548-1549, vùng biển Phúc Kiến trở nên yên tĩnh. Ðiều đáng chú ý lúc bấy giờ là quan điểm của dân chúng và chính phủ đối với ngoại bang hoàn toàn tương phản : chính phủ nghiêm cấm giao dịch, nhưng dân chúng thì ham thông đồng buôn bán.


Từ khi người Bồ Ðào Nha bị đuổi ra khỏi vùng duyên hải tỉnh Quảng Ðông, thương thuyền các nước khác cũng xa lánh, khiến kinh tế tỉnh này bị ảnh hưởng, công tư đều túng quẫn. Vào năm 1529 do lời tâu vủa viên Tuần phủ ; chiếu chỉ nhà vua chấp thuận các nước từng đến cống, theo lệ cũ được ghé thuyền đến, ngoại trừ nước Phật Lăng Cơ [Bồ Ðào Nha] không được chấp nhận. Tuy bị cấm nhưng người Bồ vẫn len lỏi ghé đậu với người các nước khác tại các đảo Lãng Bạch, Thượng Xuyên, Hạ Xuyên phía tây nam Áo Môn [Macau, Quảng Ðông / Guangdong]. Mối tệ này bị viên Cấp sự trung Vương Hy Văn vạch trần, qua văn bản trong Minh Thực Lục như sau :


Ngày 5 tháng 10 năm Gia Tĩnh thứ 9 [25/10/1530]


Cấp sự trung Vương Hy Văn tâu rằng :


“ Vào năm Chính Đức [1506-1521] người Phật Lang Cơ nặc danh, dâng đồ cống làm ảnh hưởng xấu trong tỉnh thành, đã bị Phó sứ Uông Hoằng phối hợp các lực lượng đuổi đi, mới tuyệt được. Nay chưa được mấy năm ; Phủ, Án phải cắt lương, hàng hóa thiếu, lại bàn cho mở lại. Mấy năm trước, tổ tiên bị bọn Di làm khó khăn, may mắn tảo trừ được là nhờ thủ thần phải chiến đấu trăm lần mới thành công ; bây giờ buông bỏ không đáng tiếc hay sao ! Không kể đến việc di hại đến địa phương, mà đường đường Thiên triều nhận triều cống những vật khinh bạc, trừng trị thì nhỏ nhen, không trị thì tổn uy danh, không có giải pháp nào tốt…” (Minh Thực Lục v.77, tr. 2792-2793 ; Thế Tông q.118, tr. 2b-3a)


Tuy bị cấm nhưng người Bồ vẫn len lỏi ghé đậu với người các nước khác tại các đảo Lãng Bạch, Thượng Xuyên, Hạ Xuyên phía tây nam Áo Môn. Vào năm 1535 [Gia Tĩnh 14], các thuyền ghé đến , hối lộ với quan lại hứa mỗi năm nạp 2 vạn lượng ; sau đó dần dần dựng nhà cửa, thành nơi tụ tập. Năm 1559, người Bồ dựa vào tiền bạc, và có công giúp đánh giặc cướp, nên được đãi ngộ như những nước khác. Trong vòng mấy năm đến càng đông, các nước phiên khác không đối địch nổi, nên người Bồ trở thành độc quyền tại Áo Môn.


Áo Môn là một bán đảo, thuộc huyện Hương Sơn ; nếu như người Bồ tụ tập đông, xông thẳng đến tỉnh lỵ Quảng Châu, thì khó có thể thu xếp. Có lời kiến nghị bắt triệt hạ nhà cửa, chỉ cho lui tới ghé thuyền buôn bán mà thôi thì dễ tiễu trừ, nhưng chưa thấy thi hành. Ðến năm 1574 tại chân núi tại Áo Môn cho xây ải luỹ, rồi đặt Huyện thừa trước núi, để phân xử kiện tụng giữa dân chúng và người nước ngoài. Năm 1614, lại cùng với Bồ Ðào Nha lập ước 5 điều ; có thể nói đây là điều ước đầu tiên giữa Trung Quốc và người Tây phương. Từ đó đến cuối triều Minh, việc giao thiệp giữa người Bồ và Trung Quốc tương đối yên ổn. Vào cuối thế kỷ thứ 16, nước Bồ Ðào Nha bị Tây Ban Nha thôn tính ; đến thế kỷ thứ 17 một số đất thuộc địa của người Bồ tại Ðông phương bị người Hà Lan [Netherlands] và Anh [England] chiếm đoạt, nên người Bồ cũng không còn sức để gây sự tại Trung Quốc.


Ðến đầu triều Thanh, Áo Môn bị coi là vùng đất ngoài vòng giáo hóa, bị cấm chỉ hàng hải mậu dịch, thương vụ ảnh hưởng rất nhiều. Năm 1670 [Khang Hy thứ 9], viên Tổng đốc Ngạo Á [Goa, tiểu bang Ấn Ðộ / India] nhân danh Bồ Ðào Nha sai sứ thỉnh cầu, triều đình chấp thuận cho nhập cống, việc buôn bán bắt đầu. Năm 1720 nhà Thanh cấm thương thuyền nội địa đến Nam Dương, nhưng vẫn cho các nước Tây Dương như Bồ Ðào Nha đến buôn bán. Năm 1727 [Ung Chính thứ 5], lần đầu tiên Quốc vương Bồ Ðào Nha sai Sứ thần đến Bắc Kinh, được tiếp đãi chu đáo. Thời Càn Long việc đối ngoại phòng bị có phần nghiêm, năm 1744 [Càn Long thứ 9] cho lập Hải phòng đồng tri, kiểm tra tàu thuyền, cùng đặt chương trình tại Áo Môn, người Bồ cho là rất bất tiện. Năm 1754, Sứ gỉa đến Bắc Kinh trình bày, nhưng không được chấp thuận.


Nói tóm lại Bồ Ðào Nha là nước Tây phương đầu tiên đến buôn bán tại Trung Quốc, nước này một thời xưng hùng tại biển Ấn Ðộ và biển đông, nhưng kể từ sau thế kỷ thứ 17 thế lực của họ bị lu mờ.





2. Tây Ban Nha



Tây Ban Nha hướng ra hải ngoại hoạt động cùng một thời với Bồ Ðào Nha. Columbus [Kha luân Bố] người gốc Ý ; năm 1492 thám hiểm về phía tây Ðại Tây Dương [Atlantic Ocean] cho Quốc vương Tây Ban Nha, tình cờ tìm ra châu Mỹ. Nhưng mục tiêu chính của chuyến đi là Trung Quốc, vì có mang thư của nhà đương cục Tây Ban Nha gửi cho “ Khiết Ðan Ðại Khả Hãn ” [chỉ Hoàng đế Trung Quốc]. Năm 1521, qua sự chi trì của Vương quốc Tây Ban Nha, Ferdinand Magellan [Mạch Triết Luân] hàng hải vòng quanh thế giới, phát hiện quần đảo Phi Luật Tân [Philippines]. Sau đó 44 năm, thương gia người Tây Ban Nha đến kinh doanh đất này, rồi 6 năm sau [1571] mang quân chiếm Lữ Tống [Luzon]. Lữ Tống là đảo lớn tại Phi Luật Tân, vốn là nơi tụ tập buôn bán của người Trung Quốc, người Trung Quốc xưa gọi người Tây Ban Nha là Phật Lăng Cơ, hay còn gọi là Lữ Tống.


Tây Ban Nha chiếm được Lữ Tống 3 năm ; lúc này giặc biển Trung Quốc cầm đầu là Phạm Phượng giao tranh với quan quân, thế không giữ được vùng biển Phúc Kiến, bèn kéo 4000 đồ đảng đến Lữ Tống. Tại Lữ Tống bọn Phạm Phượng tranh giành với quân Tây Ban Nha không nổi, nên năm sau đành phải rút đi. Lúc bấy giờ quân lính tỉnh Phúc Kiến theo dấu vết bọn Phạm Phượng đến nơi, nhân dịp Tổng đốc Tây Ban Nha sai sứ đến Phúc Châu [Fuzhou, tỉnh lỵ Phúc Kiến] xin buôn bán, được chấp nhận. Năm 1598 Tây Ban Nha xin buôn bán tại Quảng Châu, vì trái lệ nên bị cự tuyệt, nhưng tại Phi Luật Tân thiếu hàng hóa, nên thương thuyền người Hoa đua nhau từ Phúc Kiến đến buôn bán tại Lữ Tống.


Những người Hoa buôn bán tại Lữ Tống thường định cư không trở về, nơi này kinh tế phát triển, nên số người đến càng đông. Bị người Tây Ban Nha nghi kỵ ngược đãi, năm 1593 người Hoa phẫn nộ giết viên Tổng đốc, người Tây Ban Nha gây cuộc giết chóc lớn trả thù. Tuy nhiên Hoa thương thấy lợi thì hùa đến, nên số người tích tụ ngày càng đông. Lúc bấy giờ kinh tế nhà Minh túng quẫn, lại có tin báo rằng tại Phi Luật Tân khoáng sản vàng bạc rất nhiều, bèn cho người đến tìm tòi để khai thác. Người Tây Ban Nha biết được, nghĩ rằng dân Hoa tại đây làm nội ứng ; vào năm 1603 [Minh Vạn lịch thứ 31] mang quân vây đành tàn sát, giết chết 25.000 người. Tiếp đến vào năm 1639 [Sùng Trinh thứ 12] và 1686 [Khang Hy thứ 25] lại có 3 lần tàn sát tại đây, số người Hoa bị giết cũng vào khoảng 25.000 người.




3. Hà Lan



Năm 1601, người Hà Lan [Holland] lần đầu tiên đến Quảng Châu xin buôn bán, không được chấp thuận ; người Bồ Ðào Nha cũng chống, không cho vào Áo Môn ; “ Dân này áo màu hồng, mày và râu đều đỏ ”, người Minh gọi là Hồng Mao. Năm sau công ty Hà Lan Ðông Ấn Ðộ thành lập, tích cực cạnh tranh với Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha.


Vì bị cản trở tại Quảng Châu, lại nhờ dân buôn Phúc Kiến chỉ đường, năm 1604 mang binh thuyền đến chiếm cứ đảo Bành Hồ [Magong]. Rồi bị nhà Minh nghiêm cấm đi lại, tuyệt đường tiếp tế, nên đành phải dương buồm bỏ đi. Ba năm sau, quyết dùng vũ lực chiếm đoạt Áo Môn ; gây nên cuộc chiến đầu tiên giữa 2 nước Tây phương tại ven biển Trung Quốc ; kết quả người Bồ hoạch thắng. Năm 1619, Hà Lan chiếm Batavia thuộc Nam Dương. Năm 1622, hai lần tấn công Áo Môn bị thất bại, lại mang quân lên phía bắc tái chiếm Bành Hồ, cùng xâm phạm các vùng Kim Môn [Jinmen], Hạ Môn [Xiamen] thuộc tỉnh Phúc Kiến. Quan lại Phúc Kiến khuyên nên đi nơi khác, người Hà không nghe, tiếp tục cướp phá thuyền đánh cá, khách thương, cùng toa rập với bọn cướp biển quấy nhiễu. Năm 1624 nhà Minh mang quân đánh Bành Hồ, người Hà Lan không chống nổi, xin bỏ thành rút về phía đông đến Ðài Loan [Taiwan].


Lúc mới đến Ðài Loan ; tại đảo An Bình phía nam Hà Lan cho xây Xích Khảm thành [Zeelandia], cùng với người Phúc Kiến buôn bán ; đó là một trong những điều kiện để rút lui khỏi Bành Hồ. Sau đó Hà Lan chiếm luôn vùng Cơ Long [Keelung], Ðạm Thuỷ tại phía bắc Ðài Loan.


Lúc bấy giờ quân khởi nghĩa phản Thanh phục Minh của Trịnh Thành Công đóng tại Kim Môn, Hạ Môn và phía nam Phúc Kiến ; sau khi tấn công vùng phía nam sông Dương Tử không thành công, bèn nghe lời dân Phúc Kiến chiếm cứ Ðài Loan làm căn bản. Trải qua 9 tháng trời vây đánh, vào mùa đông năm 1662 người Hà Lan xin hàng. Ðây là cuộc thất bại đầu tiên của người Tây phương kinh doanh tại phương đông.


Lúc người Hà Lan chiếm Ðài Loan, từng xin nhà Thanh buôn bán, được chấp thuận 8 năm một lần cống. Lúc bị đuổi ra khỏi Ðài Loan, từng giúp nhà Thanh đánh quân họ Trịnh tại Hạ Môn, Kim Môn. Ðến khi nhà Thanh chiếm được Ðài Loan, cho rằng người Hà cung thuận, chấp nhận 5 năm một lần cống. Năm 1729, công ty Ðông Ấn Ðộ của Hà Lan có chi nhánh tại Quảng Châu.


Thanh thế của người Hà Lan tại Ðông phương lớn mạnh vào thế kỷ thứ 17, nhưng quan hệ thương vụ tại Trung Quốc không lớn ; họ chú trọng buôn bán với Nhật Bản, và khuyếch trương tại Nam Dương. Tại Nam Dương, Hà Lan cạnh tranh với người Bồ và Anh ; người Hoa tại đây bị các thế lực kềm kẹp, như cá trong ao. Sau khi nhà Minh mất ngôi, dân Phúc Kiến, Quảng Ðông đến Nam Dương không ít, họ bị người Hà ngược đãi ; năm 1740 có cuộc tàn sát tại Trảo Oa [Java] chết không dưới 1 vạn người, sự tàn độc không kém gì người Tây Ban Nha tại Lữ Tống.




4. Người Anh



Ước lượng đồng thời với Hà Lan đến Ðông phương và cũng bị người Minh gọi là Hồng Mao, đó là người Anh. Vào năm 1588, sau khi đánh bại Tây Ban Nha, người Anh bắt đầu hàng hải theo hướng Hảo Vọng Giác [Cape of good hope], Ấn Ðộ Dương [Indian Ocean] đến Ðông phương. Năm 1596 [Vạn Lịch thứ 24] Anh từng gửi thư cho Hoàng đế Trung Quốc, nhưng thuyền bị chìm nên không tới nơi. Bốn năm sau, công ty Ðông Ấn Ðộ được thành lập tại Luân Ðôn [London], liên tục phái thuyền đến Ấn Ðộ và Nam Dương. Lúc đầu cùng với Hà Lan phân đánh Tây Ban Nha, sau đó lại tương tranh với Hà Lan. Năm 1636 Bồ Ðào Nha bị Hà Lan làm khó khăn, việc giao thông giữa Ấn Ðộ, Áo Môn cản trở ; Tổng đốc Bồ tại Goa (3), hợp tác với công ty Ðông Ấn Ðộ nhờ thuyền Anh thay Bồ chở hàng đến Áo Môn ; đó là năm đầu tiên thuyền nước Anh đến Quảng Ðông. Năm 1637 [Sùng Trinh thứ 10], John Weddell [Uy Ðại Nhĩ] đại biểu cho một công ty khác của Anh, lại mang thuyền đến Quảng Ðông, nhưng người Bồ tại đây sợ người Anh tranh giành quyền lợi của mình, lại còn muốn làm vừa lòng Trung Quốc nên tìm cách ngăn cản. John Weddell bèn cho thuyền xông thẳng vào sông Châu Giang, dẫn đến cuộc chiến Trung-Anh ; pháo đài Hổ Môn [Humenzheng, huyện Ðông Hoàn, Quảng Ðông] thất thủ, 3 chiếc thuyền của Trung Quốc bị chìm. Qua người Bồ điều giải, Trung Quốc chuẩn cho đến tỉnh Quảng Ðông buôn bán, riêng John Weddell ngỏ lời xin lỗi. Ðó là lần đầu tiên Trung Anh tiếp xúc, chuyện xẩy ra khiến đôi bên không được thoải mái trong sự giao thiệp.


Sau khi John Weddell bỏ đi, nội bộ nước Anh có lắm việc, người Bồ tiếp tục gây khó khăn, Hà Lan lại đối địch, nên trong vòng 30 năm thuyền nước Anh chỉ đến Quảng Ðông 3 lần. Người Anh cho rằng Quảng Ðông không ổn, hạch sách lắm thứ, hàng cần dùng không mua được, nên quay lên buôn bán với Ðài Loan. Vào năm 1670 [Khang Hy thứ 9], lực lượng của Trịnh Kinh, con của Trịnh Thành Công tại Ðài Loan bị quân Thanh và Hà Lan phối hợp gây hấn ; nên tỏ ra hữu hảo với người Anh, miễn quan thuế để tạo điều kiện trao đổi súng đạn vải vóc. Năm 1675 Trịnh Kinh tái chiếm phía nam Phúc Kiến, người Anh theo đến buôn bán tại Hạ Môn. Sau khi quân Thanh chiếm được Ðài Loan, hoạt động của người Anh tại Hạ Môn và Ðài Loan chấm dứt. Năm 1688 người Anh bèn trở lại Quảng Châu, có lẽ lúc bấy giờ vua Khang Hy có thiện cảm với người Tây phương, nên không những không bị gây khó khăn về việc từng giúp họ Trịnh, ngược lại sự buôn bán càng thêm mở mang, rồi nhảy lên địa vị một trong những nước đứng hàng đầu về mậu dịch.





5. Pháp, Mỹ và các nước Tây dương khác :



Ngoài các nước Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh lần lượt được đề cập ở trên ; vào thế kỷ 17-18, Pháp, Mỹ là 2 nước trọng yếu đến buôn bán với Trung Quốc.


Năm 1660 thương thuyền Pháp đến Quảng Châu. Năm 1698 đặt được Thương vụ kinh lý. Lúc bấy giờ vua Khang Hy có cảm tình với Giáo sĩ người Pháp, Giáo sĩ lại có mặt trong chuyến đi này, nên việc buôn bán được ưu đãi. Khoảng 20 năm sau, công ty Ấn Ðộ của Pháp đặt chi nhánh tại Quảng Châu. Nhưng việc buôn bán của Pháp cũng hạn chế, thương thuyền mỗi lần đến chỉ từ 1 đến 4 chiếc, và không phải luôn luôn đến hàng năm.


Nước Mỹ trước ngày độc lập chỉ quan hệ gián tiếp với Trung Quốc. Sau khi độc lập, bắt đầu từ năm 1784 [Càn Long thứ 49] phái thuyền đến Quảng Ðông. Lúc đầu hàng hải theo hướng Ðại Tây Dương, sau theo hướng Thái Bình Dương [Pacific Ocean] ; người Trung Quốc gọi là nước Hoa Kỳ. “ Ghé thuyền so với nước khác ít hơn, đến bất thường ; không bằng các nước khác cứ 7, 8 tháng 1 chuyến, nên ghé thuyền đông hơn ” ; lúc này địa vị của Mỹ dưới nước Anh.


Ngoài ra còn có các nước Tây phương theo đường thủy đến thông thương tại Quảng Châu gồm : Áo Ðịa Lợi [Song Ưng quốc / Austria], Tỷ Lợi Thì [Belgium], Phổ Lỗ Sĩ [Ðơn Ưng quốc], Ðan Mạch [Hoàng Kỳ quốc / Danmark], Thụy Ðiển [Lam Kỳ Quốc / Sweden], Ý Ðại Lợi [Italia] ; các nước này đều đến vào thế kỷ thứ 18.




6. Trung Nga tranh chấp biên giới



Trong khi các nước Tây phương khác dòm ngó Trung Quốc bằng đường biển, riêng nước Nga gây rắc rối biên giới qua đường bộ. Nước này từ khi đế quốc Mông Cổ bị sụp đổ, bắt đầu khuyếch trương về đông, chiếm lấn vùng phía bắc Á châu. Vào thời quân Thanh nhập quan ải [1644], Nga tiến vào lưu vực Hắc Long Giang [Heilongjiang], chiếm cứ đất đai ; do đó phát sinh 4 lần chiến đấu từ 1652-1660 tại vùng hạ lưu sông Tùng Hoa (4), cuối cùng bị quân Thanh đẩy lui. Năm 1666, tù trưởng bộ tộc Gantimur [Căn Thắc Mộc Nhĩ] (5) đầu hàng Nga, khiến địa vị Trung Quốc tại thượng du Hắc Long Giang bị ảnh hưởng nhiều.Vào năm 1676, Sứ gỉả nước Nga là Nicholas G. Spatary Milescu [Tiến Vi Ni Quả Lại] đến Bắc Kinh đưa ra 12 điều thỉnh cầu, nội dung hai nước dùng chung một ngôn ngữ để giao dịch, Trung Quốc cử Sứ giả đến ngước Nga, tự do mậu dịch, phóng thích những người Nga bị bắt. Vua Khang Hy sai thuộc hạ đề ra 3 điều tiên quyết : trả lại bộ tộc Gantimur, Sứ thần phải tuân theo lễ chế của Trung Quốc, không được tái tục xâm lấn đất đai ; nếu không đáp ứng sẽ đoạn tuyệt.


Sau khi khắc phục được các cuộc nổi dậy của Tam Phiên (6) tại phương nam, đất nước ổn định thịnh vượng, Khang Hy quyết tâm giải quyết phía đông bắc. Năm 1683 [Khang Hy thứ 22] quân Thanh đến thành Nhã Khắc Tát (7), sai Sứ giả đến đòi hỏi giao lại bộ tộc Gantimur, trả lại người trốn tránh, hai bên tự do buôn bán an sinh lạc nghiệp ; nhưng không được đáp ứng nên bắt đầu tấn công. Lực lượng quân Thanh gồm 4000, tấn công chưa đầy 1 ngày, quân Nga xin hàng. Sau khi lấy được thành Nhã Khắc Tát, do tiếp tế khó khăn, nên quân Thanh phá thành rồi rút lui. Năm sau quân Thanh đến đánh thành 2 lần, nhưng không lấy lại được.


Nhân dịp Sứ thần nước Hà Lan đến kinh đô, vua Khang Hy nhờ chuyển đề nghị lập hòa hảo điều ước gửi cho Nga Hoàng. Năm 1689, hai phái đoàn Nga, Hoa, hội đàm tại Ni Bố Sở (8) ; mỗi bên mang vệ sĩ đến 760 người, có thể gọi đây là cuộc vũ trang đàm phán. Vào ngày 7 tháng 9, điều ước ký kết với những điểm chính như sau : hai bên dùng sông Cách Nhĩ Tất Tế, chi lưu của Hắc Long Giang, làm biên giới ; những dân bôn đào trước không bị bắt trở về, tuy nhiên về sau hai bên không thu nạp dân bôn đào ; chấp nhận tự do mậu dịch. Ðến đời Ung Chính, Càn Long lại đặt trung tâm mậu dịch hai nước, tại Kháp Khắc Ðồ, vị trí gần biên giới Nga, Mông Cổ.


Hồ Bạch Thảo







(1) Lịch sử dệt bởi hai sợi ngang, dọc ; thời gian và không gian. Nhắm hình dung rõ ràng thời gian, năm tháng Dương lịch được đính kèm ; riêng các địa danh Trung Quốc, để tiện tìm trên Google maps, xin dùng phiên âm Pinyin. Ví dụ tại đây độc gỉả chỉ cần chép âm “Guangdong” vào ô chữ nhật trên bản đồ, rồi gõ vào bên phải, thì vị trí tỉnh Quảng Ðông sẽ hiện ra.


(2) Phương vật : sản vật địa phương, ở đây chỉ hàng hóa trên thuyền.


(3) Goa : một tiểu bang nhỏ tại phía tây Ấn Ðộ.


(4) Sông Tùng Hoa : chi lưu lớn của sông Hắc Long Giang, sông này cũng có nhánh phía tây chảy qua tỉnh Cát Lâm.


(5) Căn Thắc Mộc Nhĩ : một bộ tộc trú tại thượng lưu sông Hắc Long Giang, trước đó thần thuộc Mãn Thanh.


(6) Tam Phiên chỉ Bình tây vương Ngô Tam Quế, Bình nam vương Thượng Chi Tín và Tĩnh nam vương Cảnh Tinh Trung.


(7) Nhã Khắc Tát : nay thuộc đất Nga, cách thành Hắc Long Giang 1300 dặm về phía tây bắc.


(8) Ni Bố Sở : đất Nga, gần biên giới Trung Nga, thượng lưu Hắc Long giang.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss