Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Quân phiệt tranh giành tại Trung Quốc / Quân phiệt tranh giành tại Trung Quốc (3)

Quân phiệt tranh giành tại Trung Quốc (3)

- Hồ Bạch Thảo — published 15/12/2014 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 3 : Nội chiến khắp hai miền nam bắc [1919-1924]



Quân phiệt tranh giành tại Trung Quốc


Hồ Bạch Thảo

 

 

Chương 3

Nội chiến khắp hai miền nam bắc

[1919-1924]


taocon

Tào Côn [1862-1938]
Nguồn : zh.wikipedia.org/zh/曹錕

 

 

1. Hoán hệ, Trực hệ, Phụng hệ tại phương bắc


Từ Thế Xương lên làm Tổng thống đã không làm giảm sự tranh chấp giữa Trực, Hoán hệ ; mà lại còn có khuynh hướng nặng nề thêm. Thế lực Trực hệ tại trung ương không bằng Hoán hệ, nhưng chiếm Trực Lệ và 3 tỉnh giàu có vùng lưu vực sông Trường Giang, có thể liên minh với Quế hệ tại phương nam, lại có nhân vật chiến đấu giỏi, dám ăn nói như Ngô Bội Phu, thực không thể coi thường. Khi Phùng Quốc Chương không còn được tiếp tục làm Tổng thống, Trực hệ công khai tấn công Hoán hệ, dùng sách lược đối nội kế tục chủ hoà, đả kích chính sách dùng vũ lực thống nhất của Đoàn Kỳ Thuỵ. Ngô Bội Phu sau khi thoả hiệp đình chiến với phương nam, lại tiến thêm phản đối bầu cử Tổng thống ; Đoàn chê trách bàn luận sai quấy về việc chính trị, Ngô phản đối mạnh, coi thường sự uy hiếp của Đoàn ; lại khuyên Từ Thế Xương đừng nhận chức Tổng thống bù nhìn. Từ Thế Xương đưa ra nhiều nguyên nhân để cùng phương nam nghị hoà ; không thể không cho rằng Trực hệ có nhiều thắng lợi ; rồi nghị hoà không thành, Ngô Bội Phu mấy lần chỉ trích hệ An Phúc. Ngoài ra Ngô thẳng thắn phản đối về đối ngoại, cách xử trí của hoà hội Ba Lê đối với vấn đề Sơn Đông ; cùng phản dối chính phủ Bắc Kinh truy bắt học sinh, tàn bạo với thanh niên yêu nước. Tháng 1/1920 toàn nước phản đối việc giao thiệp với Nhật Bản về vấn đề Sơn Đông, Ngô liên tiếp đánh điện tranh luận, lập trường cũng nhất trí với cả nước, nên được tán dương với tiếng khen là quân nhân yêu nước. Ngô còn liên lạc với các phái mâu thuẫn với Hoán hệ, trong đó có Phụng hệ. Lãnh tụ phái này, Trương Tác Lâm, nhân ghét Từ Thụ Tranh rồi ghét luôn cả Đoàn Kỳ Thuỵ, chuyển sang chi trì Tào Côn, lúc này Phùng Quốc Chương mất nên đã trở thành lãnh tụ Trực hệ ; lại giúp cho người không hoà mục với An Phúc hệ là Cận Vân Bằng tổ chức nội các. Ngô Bội Phu yêu cầu triệt binh tại Hồ Nam, Đoàn Kỳ Thuỵ định bãi miễn Đốc quân Hà Nam Triệu Thích, thay bởi Ngô Quang Tân để chặn đường về của Ngô Bội Phu, nhắm ngăn trở sự liên lạc 3 tỉnh tại sông Trường Giang với Trực hệ Tào Côn tại phương bắc, nên Ngô, Tào cực lực chi trì cho Triệu Thích. Xét tình hình bấy giờ Trực hệ có 8 tỉnh đồng minh, gồm : Trực Lệ, Giang Tô, Hồ Bắc, Giang Tây, Hà Nam, Phụng Thiên, Cát Lâm, Hắc Long Giang. Hoán hệ có 11 tỉnh đồng minh : Sơn Đông, An Huy, Chiết Giang, Phúc Kiến, Hồ Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam Túc, Nhiệt Hà [nay thuộc Hà Bắc], Sát Cáp Nhĩ [nay thuộc Nội Mông và Hà Bắc], Tuy Viễn [nay thuộc Nội Mông].


Lực lượng phương nam của Lục Vinh Đình và Đàm Diên Khải tại Hồ Nam thì liên kết với Trực hệ. Đốc quân Hồ Nam Trương Kính Nghiêu thuộc Hoán hệ, rất bạo ngược, người dân Hồ Nam giận dữ khắc sâu, vận động “ đuổi Trương ” gấp như lửa cháy. Ngô Bội Phu cùng Lục, Đàm bàn bạc, Ngô sẽ mang quân lên phía bắc cùng với Hoán hệ quyết sống mái, để cho nam quân đánh Hồ Nam. Tháng 3/1920 Ngô được Quân chính phủ Quảng Châu trợ giúp 6 vạn nguyên, bèn bắt đầu chuyển quân, không đếm xỉa đến sự ngăn cấm của chính phủ Bắc Kinh. Tháng 5 Ngô rời Hoành Châu [Hengyang, Hồ Nam] xuôi dòng sông Tương, quân uy phấn chấn, Trương Kinh Nghiêu tại Trường Sa [Changsha, Hồ Nam] chỉ biết nhìn theo, chứ không dám ngăn chặn. Quân Đàm Diên Khải theo gót, liên tiếp đánh chiếm Trường Sa, Nhạc Dương [Yueyang, Hồ Nam], quân Trương Kính Nghiêu tan vỡ, đi đến đâu đều bị dân đánh, trở thành cái thế người phương nam đánh phương Bắc ; từ đó trở về sau tại Hồ Nam không còn quân phương bắc. Đây là bước mở đầu chiến tranh giữa hai phe Trực, Hoán.


Sau khi Ngô Bội Phu đến Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] tuyên bố rằng “ Thuận theo lòng dân, chủ trương chính nghĩa, tiêu diệt gian ác, xúc tiến hoà bình, ra sức đấu tranh ngoại giao ; đợi cho quân đội di chuyển hoàn tất, sẽ dương cờ lên phía bắc ” ; đây chẳng khác gì lời tuyên chiến với Đoàn Kỳ Thuỵ. Trương Tác Lâm theo lời triệu tập của Từ Thế Xương, đưa lời rằng vào kinh đô để điều đình, thực chất là phối hợp với Trực hệ để đánh đổ Hoán hệ. Đoàn Kỳ Thuỵ chuẩn bị quân để đánh dẹp Tào Côn và Ngô Bội Phu ; Tào cùng Trương Tác Lâm, Lý Thuần gửi điện các nơi nhắm thảo phạt An Phúc hệ. Binh lực của Đoàn khoảng 7 vạn, Tào Côn ước 3 vạn, Phụng quân của Trương Tác Lâm khoảng 2 vạn ; chủ lực tập kích khu tam giác Bắc Kinh, Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Bảo Định [Baoding, Hà Bắc]. Nhật giúp Đoàn Kỳ Thuỵ, Tào Côn yêu cầu ngoại giao đoàn ngăn ngừa ; Nhật biết Anh, Mỹ đồng tình với Trực hệ, nên có phần kiêng dè. Ngô Bội Phu chỉ trích Đoàn “ Thờ giặc làm cha,….thực trung thần của giặc, nhưng là Hán gian của Trung quốc… chiến đấu hôm nay vì Trung Quốc mà đánh, vì quốc gia dân tộc mà đánh.” Lời lẽ khích ngang khẳng khái, lòng người mong theo để quét sạch phái thân Nhật; đây là nguyên nhân chính khiến Trực hệ thắng Hoán hệ.


Ngày 14/7/1920 cuộc chiến bắt đầu, chia thành đông, tây, hai tuyến. Sau 3 ngày Hoán quân thua bại tại vùng giữa Bắc Kinh và Bảo Định [Baoding, Hà Bắc] ; tại tuyến phía đông, Trực hệ được Phụng hệ tương trợ cũng thu hoạch thắng lợi. Hai năm nay Đoàn Kỳ Thuỵ được Nhật Bản phù trợ, huấn luyện được mấy vạn quân, nay quá nửa bị sụp đổ. Đoàn bị bãi chức, Từ Thụ Tranh bị tầm nã, An Phúc hệ, tân quốc hội tiêu trầm ; phái Đoàn Kỳ Thuỵ thất thế trong việc nắm giữ chính phủ, Tào Côn, Trương Tác Lâm dấy lên thay thế.


Quân và súng là huyết mạch vận mệnh của quân phiệt, quyền lợi và địa bàn hoạt động cũng là mục tiêu tranh đoạt. Sau khi Đoàn Kỳ Thuỵ bị bại, Trực hệ, Phụng hệ tranh nhau đoạt quân, đoạt súng. Chiến thắng Đoàn, công lớn thuộc Trực hệ, Phụng hệ chỉ hùa theo, nhưng lại mang khí giới chở đi, Trực quân rất bất bình, đó là nguyên nhân đầu tiên gây ác cảm giữa hai phái. Đối với toàn thời cuộc, Ngô Bội Phu chủ trương mở Quốc dân đại hội ; tổ chức này do nông hội, công hội, học sinh liên hợp cấu thành ; với nhiệm vụ chế định hiến pháp, thẩm tra điều ước mật ước giữa Trung quốc và nước ngoài, cùng việc chính phủ mượn tiền ; quyết định Tổng thống, nội các ; ý kiến này được xã hội xưng tụng ; Ngô tự coi là có công đầu, một lời có thể ổn định nước. Nhưng Trương Tác Lâm phản đối, bài xích Ngô bất quá chỉ là một Sư đoàn trưởng, không có tư cách nói bừa sang việc quốc sự, khiến Ngô rất phẫn hận. Tổng lý nội các Cận Vân Bằng trước cuộc chiến giữa Trực, Hoán, bị An Phúc hệ ép từ chức ; sau cuộc chiến được Tào Côn, Trương Tác Lâm ủng hộ phục chức.


Sau khi chiến thắng Hoán hệ, đương nhiên có việc phân phối lại địa bàn, gia tăng quân đội, thăng chức tước. Tào Côn giữ chức Tuần duyệt sứ 3 tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam, kiêm Đốc quân Trực Lệ. Ngô Bội Phu giữ chức Phó sứ Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam, trú đóng tại Lạc Dương [Luoyang, Hà Nam]. Lý Thuần giữ chức Tuần duyệt sứ Giang Tô, An Huy, Giang Tây ; kiêm Đốc quân Giang Tô. Bộ hạ của Tào, Ngô tăng thêm 6 vạn, kể cả quân cũ có hơn 10 vạn. Trương Tác Lâm trước kia là Tuần duyệt sứ Đông tam tỉnh 1, nay được thêm Sát Cáp Nhĩ, Nhiệt Hà ; quân lính xưng là có trên 20 vạn. Chẳng bao lâu Lý Thuần bị bạo bệnh chết, Trương Tác Lâm tiến cử Trương Huân thay thế, Trực hệ ra sức tranh giành ; cuối cùng bộ hạ của Lý Thuần là Sư đoàn trưởng Tề Biến Nguyên lên thay. Từ đó Trực hệ, Phụng hệ đối chọi với nhau ; thành phần nội các dùng hay bỏ đều nằm trong tay hai phái này. Tổng thống Từ Thế Xương miễn cưỡng duy trì để mong kéo dài chút hơi tàn.


 


2. Tình hình các hệ phái tại phương nam

 


Trong khi quân phiệt tại phương bắc không ngừng thôn tính nhau, thì các hệ phái tại phương nam cũng đấu tranh không ngừng ; một phe là Quế hệ và Chính học hệ 2, một phe là Điền hệ và Quốc dân đảng. Sau khi Tôn Trung Sơn rời Quảng Đông, Quân chính phủ do Quế hệ và Chính học hệ nắm. Tháng 2/1920, nhân vấn đề quân Vân Nam đóng tại Quảng Đông, Điền hệ Đường Kế Nghiêu liên lạc với Quốc dân đảng tranh chấp với Quế hệ và Chính học hệ. Nguyên do quân Vân Nam đóng tại Quảng Đông do Lý Liệt Quân thủ lãnh, bị Chính học hệ vận động để Lý Căn Nguyên thay thế ; Đường Kế Nghiêu mệnh Lý Liệt Quân tiết chế, Quế hệ ủng hộ Lý Căn Nguyên, sau đó Lý Liệt quân thua. Tổng tài Quân chính phủ Ngũ Đình Phương, cùng Nghị trưởng hai viện Tham, Chúng là Lâm Sâm, Ngô Cảnh Liêm tiếp tục bỏ đi. Hùng Khắc Vũ tại Tứ Xuyên trước đây hợp lực với Đường Kế Nghiêu để đánh lại Đốc quân Lưu Tồn Hậu, tay chân của Đoàn Kỳ Thuỵ. Hùng từng bị Đường Kế Nghiêu áp bách, bèn liên kết với Chính học hội nên bị Đường và lực lượng thân Quốc dân đảng tại Tứ Xuyên, Quý Châu đánh bại. Hùng nêu khẩu hiệu dùng người Tứ Xuyên chỉ huy người Tứ Xuyên, liên hợp tướng Tứ Xuyên từng theo Đường là Lưu Tương, cùng giảng hoà với Lưu Tồn Hậu, nên chuyển bại thành thắng ; quân Quý Châu, Vân Nam phải rút ra khỏi tỉnh Tứ Xuyên.


Cùng thời kỳ Quảng Châu cũng có nhiều sự biến đổi, Quân chính phủ bị lật đổ, sau đó tại phương nam tranh chấp không ngừng, Tứ Xuyên đánh nhau không có ngày nghỉ. Khi Tôn Trung Sơn chủ trì Quân chính phủ, đưa 20 doanh quân vào trực hạt Quảng Đông, do Trần Quýnh Minh đốc suất, trú đóng tại phía đông tỉnh. Đến lúc Tôn Trung Sơn từ bỏ chức, Trần sợ Quế hệ thừa cơ, tích cực tiến công phía nam Phúc Kiến, chiếm được các đất như Chương Châu [Zhangzhou, Phúc Kiến], thực lực tăng dần, trở thành lực lượng duy nhất của Quốc dân đảng. Quế hệ nhất trí với Trực hệ ; Quốc dân đảng với Hoán hệ giao thiệp. Tôn Trung Sơn thừa lúc Trực, Hoán tranh chấp, thúc dục Trần Quýnh Minh đánh Quảng Châu, được Hoán hệ tại Chiết Giang, Phúc Kiến giúp cho lương hướng. Tháng 8/1920 Trần Quýnh Minh, cùng thủ hạ của Tôn Trung Sơn là Hứa Sùng Trí ra sức đánh, Quế quân đóng tại Quảng Đông bị dân căm ghét, nên Trần Quýnh Minh chiến thắng dễ dàng. Tháng 11 quân Quốc dân đảng vào Quảng Châu, Tôn Trung Sơn tuyên bố Quân chính phủ vẫn tồn tại như cũ, Trần Quýnh Minh giữ chức Tỉnh trưởng Quảng Đông. Ba tháng trước đó Quế hệ giúp Trực hệ lật đổ Hoán hệ ; hiện tại Hoán hệ tại miền đông nam giúp Quốc dân đảng lật Quế hệ ; nam bắc vẫn kế tục đối lập.


Đầu năm 1921 Cựu quốc hội lại mở tại Quảng Đông, Tôn Trung Sơn nghĩ đổi Quân chính phủ thành Chính thức chính phủ, để mong thống ngự nội bộ, bên ngoài thì đối phó liệt cường ; nhưng Trần Quýnh Minh thì muốn tự thủ đất Quảng Đông, không có tầm nhìn xa, tìm cách cản trở nhưng không thành. Ngoài ra quân phiệt phía bắc cùng Công sứ đoàn cũng phản đối ; quân Quảng Tây của Lục Vinh Đình tại biên giới tỉnh chuẩn bị đánh. Tháng 6 cuộc chiến tranh giữa Quảng Đông, Quảng Tây lại xẩy ra ; quân Quảng Đông chiếm được Ngô Châu [Wuzhou, Quảng Tây], tháng 8 đánh chiếm Nam Ninh [Nanning, Quảng Tây] ; Lý Liệt Quân thống lãnh liên quân Vân Nam, Quý Châu, Giang Tây cũng chiếm được Quế Lâm [Guilin, Quảng Tây] ; nhưng các tỉnh phía tây nam không theo hiệu lệnh của Tôn.


Vào thời gian cách mệnh Tân Hợi, đã có lời bàn nên phỏng theo chính thể liên bang của Mỹ, nhưng chính phủ Dân quốc vẫn dùng chế độ trung ương tập quyền. Sau 2 lần chính biến, Viên Thế Khải thực hành độc tài, thuyết địa phương phân quyền lại dấy lên. Rồi nam bắc phân tranh, số đông chủ trương liên bang chế, nhưng dùng tên “ Liên tỉnh tự trị ”. Trước tiên do các tỉnh thiết lập hiến pháp tỉnh, tổ chức tỉnh chính phủ, thực hành tỉnh tự trị. Rồi liên tỉnh hội nghị, chế định liên tỉnh hiến pháp, tổ chức chính phủ trung ương. Thực tế đường hướng này chiều theo quân phiệt cát cứ, để mặt nổi tỏ ra thống nhất. Quân phiệt phía nam, đất hẹp sức yếu, chỉ mong tự tồn ; các Đốc quân tàn dư của Hoán hệ cũng sợ thôn tính, nên đều tán đồng giải pháp này. Quân phiệt Trực hệ đất rộng, quân mạnh, Ngô Bội Phu nối gót theo chính sách của Đoàn Kỳ Thuỵ trước kia, mong cuốn cả sơn hà, nên hết sức phản đối. Tôn Trung Sơn nhận thấy Trung Quốc sở dĩ loạn, do quân phiệt không có pháp luật kỷ cương ; quân phiệt lớn tự thị bạo lực, tranh đoạt quyền lợi, cố nhiên nên huỷ diệt ; riêng tỉnh tự trị thì khác nào bảo hộ tiểu quân phiệt, mỗi nơi chiếm một tỉnh, làm suy yếu trung ương, cản trở thống nhất.


Hồ Nam phải chịu đựng nam bắc quân phiệt giao tranh mãnh liệt, nên chính khách Hùng Hy Linh đề xuất thuyết liên tỉnh tự trị. Sau khi quân phương Bắc bị xua đuổi, dân Hồ Nam mưu trung lập, đứng ngoài vòng tranh chấp nam bắc. Chiến tranh giữa Trực hệ, Hoán hệ kết liễu ; tháng 7/1920 Tỉnh trưởng Hồ Nam kiêm Tổng tư lệnh Đàm Diên Khải tuyên bố tự trị, sáng lập hiến pháp tỉnh “ Căn bản người Hồ Nam cứu người Hồ Nam, trị người Hồ Nam ; dùng dân tuyển tỉnh trưởng để duy trì cục diện tại Hồ Nam.” Nhưng rồi các công đoàn phản đối nghị hội tỉnh bao biện, quân nhân tranh quyền, biến loạn xẩy ra. Vào tháng 11 Đàm Diên Khải từ chức, Sư đoàn trưởng Triệu Hằng Dịch kế chức, lo bài trừ những người khác mình ; tháng 4/1921 hoàn thành thảo án hiến pháp tỉnh Hồ Nam.


Sau khi Đường Kế Nghiêu dùng binh tại Tứ Xuyên thất bại, tuyên bố đóng quan ải tự trị. Năm 1920 Lô Đào mang quân từ Tứ Xuyên trở về Quý Châu xua đuổi Đốc quân Lưu Hiển Thế cũng dựng cờ tự trị. Cùng năm Hùng Khắc Vũ, Lưu Tương tuyên bố Tứ Xuyên tự trị. Năm 1921 Sư đoàn trưởng Phẩm Trân, từ Tứ Xuyên mang quân về Vân Nam khu trục Đường Kế Nghiêu, vẫn chủ trương tự trị. Nhân nghị hội tại Bắc Kinh cùng vận động cho tự trị, Hoán hệ Đốc quân Chiết Giang Lô Vĩnh Tường gửi điện rằng “ Các tỉnh tự lập tỉnh hiến, thực hiện địa phương tự trị ”, được các tỉnh Hồ Nam, Tứ Xuyên, Quí Châu, Vân Nam hưởng ứng ; đây là cao trào liên tỉnh tự trị.


Đốc quân Hồ Bắc kiêm Lưỡng Hồ Tuần duyệt sứ Vương Chiêm Nguyên tuy bất tài nhưng tham vọng cao. Vào đầu năm 1921 triệu tập đại biểu các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây dự hội nghị, tự đóng vai chủ tịch. Vào tháng 4 cùng năm, Tổng lý chính phủ Bắc Kinh Cận Vân Bằng mời Tào Côn, Trương Tác Lâm hội tại Thiên Tân, Vương cũng tham dự ; bàn về phân phối địa bàn cùng cải tổ nội các. Phạm vi thế lực của Phụng hệ, ngoài Đông Tam Tỉnh còn có Mông Cổ, Nhiệt Hà, Sát Cáp Nhĩ, Tuy Viễn ; thế lực của Trực hệ ngoài các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam còn có Thiểm Tây, Cam Túc, Tân Cương ; lưu vực sông Trường Giang cùng các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam thuộc thế lực của Vương Chiêm Nguyên.


Vương Chiêm Nguyên làm Đốc quân trong 6 năm chuyên lo vơ vét, họp tại Thiên Tân ký này, lãnh được được binh phí thì bỏ vào túi riêng, khiến quân sĩ thiếu lương ; nên vào tháng 6 binh biến tại Nghi Xương [Yichang, Hồ Bắc] ; rồi Vũ Xương [Wugang, Hồ Bắc], Sa Thị [Sashi, Hồ Bắc] tiếp theo. Dân Hồ Bắc yêu cầu Hồ Nam mang quân giúp tự trị, cũng lúc tỉnh Hồ Nam khổ vì cảnh quân nhiều tướng kiêu, muốn hướng ra ngoài phát triển để tiêu diệt mối lo bên trong, nên chủ trương khuyếch đại liên tỉnh tự trị. Tỉnh Tứ Xuyên cũng không chịu kém, muốn biến Hồ Bắc thành phủ ngoài, chiếm vùng Nghi Xương trồng nhiều thuốc phiện. Ngày 29/7 Tư lệnh quân Hồ Nam Triệu Hằng Dịch được Hoán hệ chi trì về tài lực, lại được Tưởng Tác Tân, thuộc thành phần Quốc dân đảng người gốc Hồ Bắc hợp tác, lấy danh nghĩa viện trợ, tiến quân đánh Hồ Bắc. Vương Chiêm Nguyên càng đánh càng thua, Trực hệ sai Tiêu Diệu Nam thay chức Đốc quân Hồ Bắc, Ngô Bội Phu thay làm Lưỡng Hồ Tuần duyệt sứ.


Tương quân biết rằng không địch nổi quân mạnh, nhân Triệu Hằng Dịch vốn có quen biết với Ngô Bội Phu, hy vọng Ngô tán thành liên tỉnh tự trị, chính phủ nam bắc cùng thủ tiêu, tổ chức thống nhất, triệu tập quốc dân đại hội. Lương Khải Siêu cũng muốn giải nguy cho Hồ Nam, khuyên Ngô thoả thuận đề huề với Triệu. Ngô không nghe, mang quân thuỷ bộ cùng tiến, đánh bại quân Hồ Nam. Vì Ngô cũng có mối lo, Trương Tác Lâm dòm ngó phía bắc, Tôn Trung Sơn bình định xong Quảng Tây đang chuẩn bị bắc phạt, quân Hồ Nam có khả năng cùng hợp tác. Hơn nữa quân Tứ Xuyên đã tiến đến phía tây Hồ Bắc, cần phải chuyển quân nghênh địch ; do vậy sau khi chiếm được Nhạc Dương [Yueyang, Hồ Nam], Ngô không tiếp tục tiến. Do binh bại sức tàn, qua sự trung gian của Anh, Triệu Hằng Dịch bèn họp với Ngô Bội Phu tại quân hạm Anh đậu tại Nhạc Dương, để đính lập điều ước. Cùng lúc quân Tứ Xuyên tiến công vào Nghi Xương, bị Lãnh sự Anh, Pháp, Mỹ, Nhật can thiệp ; sau đó bị quân Ngô Bội Phu đánh lui.


Ngô Bội Phu tuy chiến thắng, nhưng trái với nhân tâm địa phương muốn tự trị, nên uy tín xuống thấp. Ngô cũng muốn dùng quốc dân đại hội để cải tạo chính cuộc, nhưng bị Trương Tác Lâm phản đối nên không thành. Người dân Hồ Nam lo địa phương sẽ trở thành chiến trường nam bắc, nên cấp tốc thành lập hiến pháp tỉnh, tháng 1/1922 thực thi. Tỉnh trưởng vẫn do Triệu Hằng Dịch, Viện trưởng Quốc vụ viện do Lý Kiếm Nông, người đề xướng liên tỉnh tự trị nắm giữ. Hồ Nam là tỉnh đầu tiên có hình thức tổ chức tự trị, nhưng cũng chỉ hư danh mà thôi.


 


3. Hội nghị Hoa Thịnh Đốn liên quan đến Trung Quốc

 


Từ Thế chiến thứ nhất đền nay, Nhật Bản độc quyền Đông Á ; đối với vấn đề Sơn Đông Tổng thống Mỹ W. Wilson không khỏi nhượng bộ. Dư luận trong nước Mỹ rất bất mãn, Tham nghị viện cự phê chuẩn điều ước, không tham gia liên minh quốc tế ; xung đột Mỹ, Nhật trở nên kịch liệt, tình thế quốc tế khẩn trương. Nước Anh và Nhật Bản có đồng minh điều ước, nên Anh cũng sợ bị sa vào vòng xoáy ; hơn nữa Nhật Bản khuếch trương tại Đông Á đối với Anh cũng có điều bất lợi. Do đó Anh, Mỹ đồng ý để Tổng thống W. G. Harding [nhiệm kỳ Tổng thống sau W. Wilson] mời các nước có liên quan, đến Hoa Thịnh Đốn thảo luận hạn chế quân bị cùng các vấn đề tại Thái Bình Dương và Viễn Đông, nhắm ràng buộc Nhật Bản cùng bổ cứu những điều không thoả đáng tại cuộc hội đàm Ba Lê. Có 9 nước tham dự hội nghị, gồm : Mỹ, Anh, Nhật, Pháp, Ý, Hà Lan, Tỷ Lợi Thì, Bồ Đào Nha, cùng Trung Quốc.


Tại Trung Quốc từ trong triều đến ngoài thôn dã, cảm thấy hứng thú đối với cuộc hội này hơn là hoà đàm Ba Lê ; vì cho rằng đây là dịp tốt tố cáo sự xâm hại xẩy ra từ lâu, hơn nữa sự áp bách của Nhật Bản có cơ hội để chế tài. Chính phủ Bắc Kinh phái Công sứ tại Mỹ Thi Triệu Cơ, Công sứ tại Anh Cố Duy Quân, Viện trưởng Đại lý viện Vương Sủng Huệ, Thứ trưởng ngoại giao chính phủ Quảng Châu Ngũ Triều Khu làm đại biểu. Vì Tôn Trung Sơn không công nhận chính phủ Bắc Kinh, yêu cầu tự cử người đi nhưng không được chấp nhận, nên Ngũ Triều Khu không phó hội. Thương hội, Liên hiệp hội, Giáo dục liên hiệp hội toàn quốc, suy cử Dư Nhật Chương, Tưởng Mộng Lân làm đại biểu quốc dân với ý đồ giám thị đại biểu chính phủ ; học sinh Trung Quốc lưu học tại Mỹ cũng tích cực hoạt động.


Ngày 12/11/1921 hội nghị khai mạc ; phân thành Quân bị uỷ viên hội và Thái Bình Dương Viễn Đông uỷ viên hội ; tổ chức trước gồm Anh, Mỹ, Nhật, Pháp, Ý, 5 nước ; tổ chức sau gồm tất cả 9 nước. Ngày 13/12 Anh, Mỹ, Pháp, Nhật ký công ước 4 nước, cùng tôn trọng chủ quyền khu vực Thái Bình Dương, thủ tiêu Anh, Nhật đồng minh điều ước. Ngày 1/2/1922 Anh, Mỹ, Nhật, Pháp, Ý ký điều ước về hải quân, quy định tỷ suất về chiến hạm.


Ý hướng quốc tế có nhiều điều bất lợi đối với Trung Quốc ; Nhật Bản chủ trương điều thảo luận không đề cập đến những việc đã thành sự. Nước Anh cho rằng Mãn Châu không nằm trong Trung Quốc, nước Pháp bảo rằng Trung Quốc không có đại biểu của nhân dân toàn quốc. Đại biểu Trung quốc đề xuất 10 nguyên tắc, với những điểm quan trọng như sau : Tôn trọng Trung Quốc lãnh thổ hoàn chỉnh, hành chính độc lập ; Trung Quốc tán thành chủ quyền môn hộ khai phóng, nếu không có Trung Quốc tham dự các nước không được đính lập điều ước liên quan đến Trung Quốc ; hội nghị sẽ thẩm tra những điều ước ngoại quốc tuyên bố đặc quyền tại Trung Quốc, những điều chưa tuyên bố coi như không có hiệu lực ; đối với những sự hạn chế Trung Quốc về chính trị, pháp quyền, hảnh chính, tự do cần được phế bỏ ; nhưng thành ước không có hạn kỳ phải sửa lại thành có hạn kỳ ; nếu chiến tranh xẩy ra phải tôn trọng quyền trung lập của Trung Quốc. Đại biểu nước Mỹ E. Root [Lỗ Đặc] nêu lên 4 nguyên tắc, được gọi tắt là nguyên tắc E. Root : thứ nhất, tôn trọng Trung Quốc chủ quyền và độc lập, cùng lãnh thổ, chính thể hoàn chỉnh ; thứ hai, cho Trung Quốc cơ hội phát triển, cùng duy trì chính phủ ổn định năng lực ; thứ ba, dùng quyền lực các nước bảo vệ thực nghiệp, thương vụ tại Hoa bình đẳng ; thứ tư, không được lợi dụng tình trạng hiện thời của Trung Quốc để chiếm đặc biệt quyền lợi làm suy giảm quyền của nước bạn.


Ngày 6/2/1922, 9 nước đính lập công ước, chấp thuận tuân thủ 4 nguyên tắc nêu trên, xử trí các việc cụ thể như sau :


- Thứ nhất về quan thuế, Trung Quốc yêu cầu từng bước thực hành tự chủ ; kết quả mở cuộc họp tu cải thuế tắc, theo thực giá đánh thuế 5 % ; lại mở cuộc họp đặc biệt quan thuế, thảo luận tăng thuế ly kim 3, sau khi đóng thuế nhập khẩu thì đóng thêm 2,5 %.


- Thứ hai về lãnh sự tài phán 4, Trung quốc yêu cầu thủ tiêu ; kết quả là do uỷ viên các nước khảo sát lãnh sự tài phán cùng tình huống hiện tại về nền tư pháp tại Trung Quốc, rồi các nước sẽ từ từ, hoặc dùng phương pháp khác để bỏ lãnh sự tài phán.


- Thứ ba về quân cảnh ngoại quốc tại Hoa, Trung Quốc đòi hỏi triệt thoái quân cảnh ngoại quốc tại Hoa đặt ra một cách vô pháp luật, cũng không can thiệp đến quyền trú quân trong điều ước năm Tân Sửu [1901] cùng cảnh sát tại tô giới ; kết quả rằng nếu như Trung Quốc có thể bảo hộ được người ngoại quốc an toàn, đối với quân cảnh ngoại quốc trú tại nước này trong trường hợp không có điều ước cho phép, sẽ được Trung Quốc và ngoại quốc cộng đồng điều tra để quyết định có hay không nên triệt tiêu.


Thứ tư về đất tô giới không nằm trong điều ước, Trung quốc muốn lấy về hết ; Nhật Bản bảo vấn đề đất Giao Châu Loan [Jiaozhou bay, Sơn Đông] hiện đang đàm phán với Trung Quốc, riêng Lữ Thuận [Lushun, Liêu Ninh], Đại Liên [Dalian, Liêu Ninh] thì không trả lại được. Nước Anh tuyên bố rằng nếu như Nhật Bản chịu bỏ Giao Châu Loan thì Anh cũng bỏ Uy Hải Vệ [Weihaiwei, Sơn Đông], nhưng vẫn giữ lấy Cửu Long [Kowloon, Hương Cảng]. Nước Pháp đối với Quảng Châu Loan [Guangzhou bay, Quảng Đông] thì còn trông chờ các nước khác mà hành động.


Thứ năm về bưu cục, vô tuyến điện đài ngoại quốc, Trung Quốc yêu cầu triệt bỏ. Các nước cho rằng các bưu cục không có điều ước ràng buộc tuy đáng bỏ, nhưng Trung Quốc cần bảo đảm rằng không thay đổi một cách triệt để, mướn một số người Nhật Bản làm quan chức bưu cục. Đối với vô tuyến điện đài ; trường hợp có điều ước căn cứ, cho phép thu phát quan điện ; không có điều ước căn cứ, Trung Quốc có quyền thu mua.


Thứ sáu, các nước không được tự tiện ký điều ước với nhau, nếu đã ký thì đem ra hội nghị thẩm tra ; Nhật Bản kịch liệt phản đối. Kết quả giải quyết về các điều ước trong trường hợp này, tạm giao cho Bí thư hội nghị lưu tồn án, sau này giải quyết sẽ thông tri cho các nước.


Nói tóm lại 9 nước đính lập công ước không truy tố quá khứ, những việc đã thành vẫn duy trì hiện trạng ; nhưng trong tương lai không tái diễn như vậy. Quan thuế căn cứ vào thực giá thu 5 %, thực thi vào tháng 12/1922. Hội nghị đặc biệt về quan thuế vào tháng 10/1925 và tháng 9/1926 chấp nhận tháng 1/1929 thực hành tự chủ ; trước khi phế trừ thuế ly kim, thì ngoài thuế chính, cho thu thêm 2,5 %, hàng xa xỉ thu 5 % ; sau khi phế trừ ly kim thì nhất loạt thu 12,5 %. Về vấn đề Lãnh sự tài phán, vào năm 1926 Đại biểu các nước soạn thành báo cáo, chờ khi nền tư pháp Trung Quốc được cải thiện, sẽ từng bước phế trừ. Về việc triệt thoái quân cảnh các nước, thì không nước nào chịu giải quyết. Về việc trả lại đất tô giới, Giao Châu Loan liệu biện xong ; Uy Hải Vệ kéo dài đến năm 1930 mới trao trả lại ; riêng Lữ Thuận, Đại Liên mãi cho đến sau đệ nhị thế chiến mới giao hoàn. Về bưu cục, ngoại quốc chính thức triệt bỏ vào tháng 1/1923.


Sau cuộc hội đàm Ba Lê, vụ án Sơn Đông vẫn còn treo lên chưa giải quyết ; Trung Quốc không muốn trực tiếp giao thiệp với Nhật. Nguyên nhân chính vấn đề này do bởi Thế chiến thứ nhất, cần do các nước tham chiến xử lý ; ngoài ra cũng sợ khó có thể chống lại áp lực của Nhật, nếu thông qua quốc tế hội nghị hy vọng có lợi hơn. Nhưng Anh, Mỹ không muốn thảo luận vấn đề này tại hội nghị ; đề nghị Trung, Nhật thương lượng riêng, Anh, Mỹ ở bên cạnh hiệp trợ. Ngày 4/2/1922 Trung, Nhật ký xong điều ước về Sơn Đông Trung Quốc thu hồi Giao Châu Loan cùng quyền về hải quan, đường sắt Giao Châu Loan - Tế Nam sẽ mượn tiền chuộc về trong vòng 15 năm, dọc tuyến đường quân Nhật định kỳ hạn triệt hồi ; riêng tiền mượn cho các đường sắt Tế Thuận, Cao Từ thì nhường cho ngân hàng đoàn quốc tế. Tháng 12/1922 thu hồi Giao Châu Loan, bồi thường cho Nhật Bản 1 600 vạn nguyên. Tháng 1/1923 thu hồi đường sắt Giao Châu Loan -Tế Nam, tiền chuộc 4 000 vạn Nhật nguyên.


Liên quan đến văn thư trao đổi cùng Trung Nhật điều ước năm 1915, Trung Quốc yêu cầu phế bỏ, Nhật Bản cự tuyệt thảo luận. Sau khi vấn đề Sơn Đông được giải quyết Nhật Bản tuyên bố nguyện đem những điều liên quan đến điều ước nêu trên như quyền vay mượn về đường sắt  nam Mãn đông Mông Cổ giao cho ngân hàng đoàn Quốc tế, từ bỏ quyền cố vấn tài chính, quân sự, cảnh sát tại nam Mãn ; triệt bỏ quyền bảo lưu tại hiệu thứ nhất trong 21 điều. Cuối cùng đem những điều yêu cầu của Trung Quốc, tuyên ngôn của Nhật Bản, thanh minh của Mỹ cho vào phần ký lục của hội nghị.


Trung Quốc không phải không thu hoạch được quyền lợi trong hội nghị Hoa Thịnh Đốn, vấn đề Sơn Đông được giải quyết, quan thuế có phần cải tiến, công ước 9 nước cũng được đối xử tương đối công bằng ; nhưng Trung Quốc không biết thừa cơ hội để chấn tác, quân phiệt vẫn vùi đầu vào nội chiến, liệt cường dựa vào đó để làm công cụ tranh giành.


 


4. Ngô Bội Phu mưu bá quyền

 


Viên Thế Khải là thuỷ tổ quân phiệt Bắc dương, kế đến Đoàn Kỳ Thuỵ. Sau khi Đoàn đổ, Ngô Bội Phu quật khởi và cùng người đối địch Trương Tác Lâm, từ từ trở thành đại quân phiệt Bắc dương. Sau khi Ngô đánh bại quân Hồ Nam, kiêm chức Tuần duyệt sứ Lưỡng Hồ, cùng Tuần duyệt phó sứ các tỉnh Hà Nam, Sơn Đông, Trực Lệ ; các quân phiệt tại lưu vực Hoàng Hà, Trường Giang  đều dưới quyền chỉ huy, uy lực khiến Phụng hệ Trương Tác Lâm phải đố kỵ ; hai đại quân phiệt tranh nhau khống chế chính phủ trung ương. Lúc bấy giờ các nhân vật trong nội các thuộc Giao thông hệ, gồm Tổng trưởng tài chánh Chu Tự Tế, Tổng trưởng giao thông Diệp Cung Xước không hoà mục với Tổng lý Cận Vân Bằng nên từ chức; thay vào đó các Tổng trưởng thuộc Trực hệ là  Cao Lăng Uý, Trương Chí Đàm, nhưng không giải quyết nỗi khó khăn về tài chính, không mượn được tiền ngoại quốc, đến kỳ hạn tiền nợ không có mà giao, trong nước công trái lên đến 3 vạn vạn nguyên ; quân đội viên chức thiếu lương tiền, việc công phải đình chỉ. Thủ lãnh Giao thông hệ Lương Sĩ Di vận động Trương Tác Lâm liên lạc với Hoán hệ và Quốc dân đảng đánh đổ Cận Vân Bằng để khống chế Trực hệ.


Hội nghị Hoa Thịnh Đốn chấp thuận tiền thuế tại Trung Quốc theo thực giá thu 5 %, khi hàng đến cửa khẩu lại phụ thu thêm 2,5 % ; khiến hai phái quân phiệt không khỏi thèm muốn, mưu giành giật. Trương Tác Lâm muốn đưa Lương Sĩ Di lên tổ chức nội các, Từ Thế Xương cũng muốn bỏ Cận Vân Bằng. Truyện kể rằng Trương Chí Đàm hiến kế cho Ngô Bội Phu tạm chấp nhận cho Lương tổ chức nội các, rồi đòi cho được nhiều quân lương, nếu không tuân sẽ đánh đổ đi. Vào tháng 12/1921 Lương thay Cận chức Tổng lý quốc vụ, Ngô đòi giao số lương thiếu, Lương không đáp ứng. Ngô bèn đem vấn đề Sơn Đông ra chỉ trích Lương tự tiện mượn tiền Nhật để chuộc đường sắt  Giao Châu Loan - Tế Nam, kết tội “ cấu kết đảng, chiều mị ngoại quốc, bán nước ” ; sau đó qua điện báo tuyên bố “ Như kẻ nào dám công nhận việc Lương Sĩ Di mượn tiền Nhật, cho Nhật cùng quản lý đường sắt là đúng ; kẻ đó chính là chủ mưu sai khiến Lương Sĩ Di, là kẻ thù của cả nước ” ; rõ ràng chỉ rõ Trương Tác Lâm ; rồi hẹn trong 7 ngày Lương phải từ chức. Các Đốc quân thuộc Trực hệ cũng liên tiếp đòi Lương phải từ chức ; lúc này ngoại giao trở thành lý do các quân phiệt dùng để công kích đối phương, với khẩu hiệu : thân Nhật bán, tội không thể tha chết ; ái quốc cứu quốc được tôn vinh. Từ Thế Xương biết rằng không thể giữ Lương được, tìm cách thu xếp cho rút lui ; ngày 23/1/1922, Lương xin nghỉ ra khỏi kinh đô nhưng không từ chức, tại vị chưa đến một tháng.


Trương Tác Lâm yêu cầu Từ Thế Xương tuyên bố về Lương Sĩ Di có hành động phản quốc hay không và đòi hỏi chỉnh đốn kỷ cương. Vào tháng 2 Tôn Trung Sơn hạ lệnh bắc phạt, Phụng hệ động viên, tăng quân tại vùng Sơn Hải Quan [Shanhaiguan, Hà Bắc]. Ngô Bội Phu tuy quyết chiến, Tào Côn vẫn chưa có ý giao tranh với Trương Tác Lâm. Nhưng Trương tỏ ra cương ngạnh, yêu cầu Ngô Bội Phu từ Lạc Dương quay trở về nhiệm sở tại Lưỡng Hồ, chấp nhận Lương Sĩ Di nghỉ xong sẽ trở lại làm việc, thanh xưng rằng “ Sẽ dùng vũ lực hậu thuẫn cho sự thống nhất, phàm nhưng kẻ can thiệp vào việc chính trị làm loạn kỷ cương, coi như trở ngại cho hoà bình thống nhất, nguyện dùng binh lực xua đuổi ”. Trực hệ rất giận, nhất trí chủ chiến ; Ngô Bội Phu bài xích Trương Tác Lâm nắm giữ chính phủ trung ương, hậu thuẫn cho Lương Sĩ Di. Lúc này Tôn Trung Sơn và Trần Quýnh Minh bất hoà, việc đánh phương bắc phải dừng lại ; tình hình bất lợi cho Phụng hệ và Hoán hệ. Lô Vĩnh Tường kiến nghị Trương Tác Lâm và Tào Côn gặp nhau, Trương đồng ý, nhưng Tào phản đối. Ngô Bội Phu đả kích Trương là “ quân phiệt trộm cướp”, Lương Sĩ Di là “ tài phiệt ” tội ác giống nhau; tuyên bố 10 tội lớn của Trương. Các tướng lãnh thuộc Phụng hệ cũng dùng lời lẽ xấu đối lại, Trương thanh xưng “ sẽ mang quân thanh toán với Ngô, Tào ”.


Ngày 28/4/1922 chiến tranh Trực, Phụng bắt đầu ; Trực quân khoảng 8 vạn, Phụng quân khoảng 10 vạn ; chiến trường cũng giống như chiến tranh Trực, Hoán trước kia, chủ yếu tại phía tây nam Bắc Kinh. Ngày 4/5 Phụng quân chiến bại, Đốc quân Hà Nam Triệu Thích ngầm thông đồng với Phụng hệ, nhận tin sai rằng Phụng quân chiến thắng, nên mang quân tập kích Trịnh Châu [Zhengzhou, Hà Nam] bị Phùng Ngọc Tường thuộc  Trực hệ đánh bại. Lô Vĩnh Tường bị khống chế bởi Đốc quân Giang Tô Tề Biến Nguyên, Tôn Trung Sơn bị Trần Quýnh Minh khiên chế. Tại Đông Kinh, tuy có “ Trương Tác Lâm hậu viện hội ”, nhưng lúc này hội nghị Hoa Thịnh Đốn vừa xong, tình hình quốc tế không cho phép Nhật Bản ngang nhiên chi trì. Hải lục quân của Công sứ đoàn cảnh bị cho khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, Đường Cô, đảo Tần Hoàng [Qinhoangdao, Hà Bắc] không cho quân Trung Quốc trú đóng dọc đường sắt Bắc Kinh - Phụng Thiên, gây bất lợi cho Phụng hệ điều quân ; sự việc sau khi xẩy ra Trương Tác Lâm trách quân Anh giúp đỡ cho Ngô Bội Phu. Bàn về nhân tâm trong nước, đối với Ngô Bội Phu tuy không sáng giá như trước, nhưng đối với Trương thì rất căm ghét. Những điện văn chống Nhật của Ngô còn có sức hiệu triệu, riêng chính sách dùng vũ lực thống nhất của Trương Tác Lâm khiến nhân dân ác cảm ; riêng Lương Sĩ Di thì ai ai cũng chỉ trích về việc phò Viên Thế Khải lên ngôi vua thời Hồng Hiến, dùng Giao thông hệ lũng đoạn nước, quần chúng cho là phái thân Nhật đáng khinh ghét ; tâm lý này đóng góp không nhỏ vào việc thắng bại giữa hai phe Trực, Phụng.


Thắng thua đã định, chính phủ Bắc Kinh theo lệ trừng phạt kẻ thua ; Lương Sĩ Di bị tầm nã, Trương Tác Lâm bị cách chức tra biện ; Lương trốn vào tô giới ngoại quốc, Trương tuyên bố Đông Tam Tỉnh độc lập. Ngô Bội Phu tuy thắng nhưng binh lực tài lực suy vi ; lại sợ tiến quân ra ngoài quan ải sẽ bị người Nhật can thiệp, vấn đề tại phương nam cũng cần ứng phó ; nên do người Anh điều đình để cho Phụng quân trở về đông bắc, Trực quân không truy kích. Tháng 6, lại qua Giáo sĩ Anh Mỹ làm trung gian, hai bên họp tại quân hạm Anh tại đảo Tần Hoàng ký hoà ước ; sự việc cũng giống như năm ngoái hai phe Hồ Nam, Hồ Bắc ký trên chiến hạm Anh tại Nhạc Dương. Qua trận chiến này, Phụng hệ mất vài vạn quân ; phải từ bỏ các tỉnh Nhiệt Hà, Sát Cáp Nhĩ, thế lực thu về Đông Tam Tỉnh, lo mài dũa nanh vuốt để chuẩn bị cùng Trực hệ làm cuộc chiến khác, riêng uy thế của Ngô Bội Phu như ánh mặt trời dương cao, chuẩn bị thống nhất toàn quốc.


Từ Thế Xương dựa vào âm mưu thủ đoạn, lợi dụng sự mâu thuẫn như nước lửa giữa Đoàn Kỳ Thuỵ, Phùng Quốc Chương chiếm được chức Tổng thống ; dương bảng hoà bình thống nhất, nhưng trong 3 năm nội chiến ngày một kịch liệt, chia cắt như cũ. Cả hai miền nam bắc đều tranh giành tự cho mình thuộc chính thống. Riêng Ngô Bội Phu từ trước tới nay vẫn coi chức Tổng thống của Từ là bất hợp pháp ; sau khi chiến thắng Hoán hệ từng chủ trương mở quốc dân đại hội để quyết định vấn đề Tổng thống ; đến khi chiến thắng quân Hồ Nam cũng lại đòi mở quốc dân đại hội, tuy đều không thành, nhưng tâm lòng muốn dẹp bỏ Từ thì vẫn còn. Mùa đông năm 1921, các phái Phụng, Hoán và Quảng Đông liên hợp chống Trực hệ ; mưu đem Tôn Trung Sơn làm Tổng thống, Đoàn Kỳ Thuỵ Phó tổng thống, Lương sĩ Di Tổng lý quốc vụ viện, tổ chức riêng quốc hội. Ngô Bội Phu tuyên ngôn chủ trương mở lại quốc hội cũ, hoàn thành hiến pháp ; không những muốn đả phá ý đồ của phái Phụng, Hoán, Quảng Đông, lại còn dẹp chức Tổng thống của Từ, tự coi là sách lược chống được nhiều phía. Trước khi cuộc chiến Trực, Phụng xẩy ra, Ngô Bội Phu xui Trương Thiệu Tăng gửi điện khắp nơi đòi hành sử chức quyền quốc hội. Sau khi đánh bại Phụng hệ, cựu quốc hội tại Thiên Tân bàn định khôi phục hiến pháp chính thống. Ngày 14/5/1922 Ngô Bội Phu gửi điện trưng cầu khôi phục cựu quốc hội, Tổng tư lệnh Trường Giang Tôn Truyền Phương tán thành trước tiên, xin Lê Nguyên Hồng trở lại chức.


Đồng thời với Ngô Bội Phu hô hào khôi phục cựu quốc hội, Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh Thái Nguyên Bồi phát biểu “ Chủ trương chính trị của chúng tôi ” hy vọng “ người tốt ” thực hiện “ chính trị tốt ”. Tám ngày sau, Ngô lại nêu lên thông điện trong đó có tên Lương Khải Siêu, tán thành khôi phục cựu quốc hội. Tôn Truyền Phương điện yêu cầu Từ Thế Xương, Tôn Trung Sơn rút lui. Đầu tháng 6, Từ Thế Xương rời Bắc Kinh ; Tào Côn, Ngô Bội Phu cùng Đốc quân Trực hệ xin Lê Nguyên Hồng trở lại chức, Thái Nguyên Bồi cùng học giới Bắc Kinh khuyên Tôn Trung Sơn rút lui ; Lê đòi điều kiện phế bỏ Đốc quân độc tài, việc này chẳng khác gì hỏi cọp mượn da, không thể nào thực hiện được !


Ngày 11/6/1922 Lê Nguyên Hồng tái giữ chức Tổng thống, dùng Nhan Huệ Khánh làm Tổng lý nội các, triệu tập cựu quốc hội. Nhan Huệ Khánh không ứng phó được với tài chính khó khăn, nên hơn một tháng sau từ chức ; dùng Vương Sủng Huệ thay thế. Vương là đồng chí của Tôn Trung Sơn, từng giữ chức Tổng trưởng tư pháp trong nội các đầu tiên của chính phủ dân quốc ; ý định dùng Vương để tăng mối quan hệ với Quốc dân đảng, mong hoà giải với phía nam. Tôn Trung Sơn thất thế tại Quảng Đông, bèn lên Thượng Hải, phát biểu tuyên ngôn rằng quốc hội cần hành sử chức quyền, thực thi kế hoạch cho binh công, phát triển thực nghiệp ; lại nói với ký giả Mỹ rằng nếu như ngân hàng đoàn quốc tế viện trợ chính phủ Trung Quốc để kiến thiết, sẽ đi lên Bắc Kinh đẩy mạnh việc thống nhất. Bọn Vương Sủng Huệ nhân Ngô Bội Phu mời Tôn Trung Sơn lên Bắc Kinh bèn tìm cách vun bồi. Vương Sủng Huệ chủ trương “ hảo nhân ” [người tốt] hỏi han việc chính trị, nên người đương thời gọi nội các của Vương là nội các “ hảo nhân ”. Thành viên nội các tiếp xúc các bên, bảo rằng Tôn Trung Sơn, Ngô Bội Phu đều tán thành tài giảm binh bị, phản đối ngoại quốc xâm lược. Trung Quốc Cộng Sản đảng cũng tuyên bố Tôn, Ngô hợp tác là hiện tượng tốt. Tôn, Ngô từng phái đại biểu gặp nhau, có khả năng hợp tác ; nhưng hai bên lập trường còn xa, cuối cùng không thành.


Tỉnh trưởng Trực hệ tại Thiên Tân Vương Thừa Bân ghét Ngô Bội Phu chuyên quyền, bèn âm mưu với Tào Côn tại Bảo Định [Baoding, Hà Bắc] nên được gọi là Tân Bảo phái ; đối chọi với Ngô Bội Phu tại Lạc Dương, được gọi là Lạc phái. Tân Bảo phái nghi Ngô Bội Phu định ủng lập Tôn Trung Sơn lên làm Tổng thống, bèn quyết định đánh đổ Vương Sủng Huệ trước, rồi lật đổ Lê Nguyên Hồng, sau đó đưa Tào Côn lên làm Tổng thống. Phái này xúi dục Viện trưởng Chúng nghị viện Ngô Cảnh Liêm ra tay, hứa xong việc sẽ được trao chức Tổng lý. Tháng 11, Ngô Cảnh Liêm vu cho Tổng trưởng tài chánh La Văn Can hối lộ ; Tổng thống Lê Nguyên Hồng cũng không muốn Ngô Bội Phu và Tôn Trung Sơn hợp tác, bèn ra lệnh bắt La Văn Can. Tào Côn hùa theo kết tội La Văn Can, Vương Thừa Bân thì đả kích Ngô Bội Phu đỡ đầu cho nội các Vương Sủng Huệ, khiến nội các Vương bị đánh đổ.


Trước khi Lê Nguyên Hồng trở lại chức, Trương Tác Lâm chính thức tuyên bố Đông Tam Tỉnh tự trị. Đốc quân Chiết Giang Lô Vĩnh Tường cho rằng nhiệm kỳ của Lê Nguyên Hồng trước kia đã được Phùng Ngọc Chương thay thế hoàn tất, nay trở lại chức Tổng thống là bất hợp pháp ; nên Lô không thần phục chính phủ Bắc Kinh, tự xưng là Quân vụ thiện hậu đốc biện, gọi tắt là Đốc biện. Đốc quân Giang Tây Trần Quang Viễn bị quân phía nam đánh bại, Lê Nguyên Hồng bèn đổi chức Đốc quân Giang Tây thành Đốc lý quân vụ thiện hậu sự nghi, gọi tắt là Đốc lý. Cho dù là “ Đốc biện ”, hay “ Đốc lý ” thì mọi việc vẫn như cũ ; đổi tên thuốc, nhưng thuốc thì không đổi. Các tỉnh phía nam thường đánh lẫn nhau, dành cơ hội cho Ngô Bội Phu xâm nhập can thiệp, từ năm 1922 đến 1924 là thời kỳ thịnh của Ngô, khống chế đến 15 tỉnh. Năm 1923 vào dịp mừng thọ 50 tuổi của Ngô Bội Phu, có hàng trăm nhân vật đến Lạc Dương chúc mừng, Khang Hữu Vi từ nước ngoài, cũng gửi câu đối đến như sau :


Mục Dã ưng dương, bách tuế công danh tài bán kỷ,


,百


Lạc Dương hổ thị, bát phương phong vũ hội trung châu.


视,八



Tạm dịch :


Chim ưng dương cánh vẫy vùng nơi Mục Dã 5, công danh trăm năm mới đạt được một nửa.


Cọp ngồi nhìn tại đất Lạc Dương 6, gió mưa tám hương tụ hội đất trung châu.


 


5. Chiến loạn tại phương nam không ngừng

 


Năm 1921 lúc quân Quảng Đông bình định Quảng Tây, quân Tứ Xuyên, Hồ Nam trên đường tiến đến Hồ Bắc ; rồi Trực hệ, Phụng hệ xung đột mạnh. Tôn Trung Sơn mưu đồ bắc phạt, mục tiêu chính là lật đổ Ngô Bội Phu ; nhưng Trần Quýnh Minh chỉ muốn cát cứ, không cho việc bắc phạt là phải. Vào tháng 12, Tôn dời quân đến đóng Quế Lâm [Guilin, Quảng Tây], chuẩn bị bắc tiến lên Hồ Nam. Đầu năm 1922 chiến tranh Trực Phụng, việc gấp như mũi tên lắp trên cung, Trương Tác Lâm, Đoàn Kỳ Thuỵ hẹn Tôn Trung Sơn cùng hành động gấp. Tại Vân Nam, Cố Phẩm Trân cũng thực hiện việc xuất quân ; Đường Kế Nghiêu muốn nhân cơ hội chiếm lại Vân Nam, nên không tuân theo sự ngăn ngừa của Tôn Trung Sơn từ Quảng Tây, tiến đánh, khiến Cố Phẩm Trân thua chết. Quân Quý Châu, Viên Tổ Minh nhận lệnh Ngô Bội Phu, từ phía tây Hồ Nam đánh chiếm Quý Châu, riêng Tứ Xuyên nội chiến, không rảnh để nhìn ngó bên ngoài. Triệu Hằng Dịch tại Hồ Nam cự tuyệt không cho Tôn Trung Sơn mượn đường, Trần Quýnh Minh tâm xa lìa khiến Tôn không thể làm theo ý muốn ; nên Tôn không thể không thay đổi kế hoạch, từ Quảng Tây ngầm trở về Quảng Đông, bãi truất Trần Quýnh Minh. Lúc bấy giờ bộ hạ của Trần hành quân xa tại Quảng Tây, nên Trần không đủ sức chống lại, bèn rút về Huệ Châu [Huizhou, Quảng Đông] tại phía đông. Tôn muốn kịp thời phối hợp với Phụng hệ, đến Thiều Quan [Shaoguan, Quảng Đông] đốc quân theo hướng Giang Tây.


Sau khi Trần Quýnh Minh bị mất chức, bộ hạ từ Quảng Tây trở về đóng tại Quảng Châu [Quangzhou, Quảng Đông] ; yêu cầu khôi phục chức Tỉnh trưởng và Tư lệnh Quảng Đông của Trần ; Tôn Trung Sơn bèn trở về Quảng Châu trấn áp. Ngày 16/6 quân của Trần yêu cầu Tôn Trung Sơn cùng từ chức với Trần Thế Xương ; rồi vây đánh Tổng thống phủ ; tính mệnh bị hăm doạ, khiến Tôn cùng vợ là Tống Khánh Linh phải cải trang đến chiến hạm Vĩnh Phong đậu tại sông Châu Giang. Tôn lưu trên chiến hạm khoảng 2 tháng ; chiến hạm này sau được gọi là Trung Sơn hạm, dài 65 m. trọng tải 780 tấn. Quân bắc phạt dưới quyền Hứa Sùng Trí quay trở về đánh Quảng Châu, pháo từ chiến hạm Trung Sơn yểm trợ, nhưng bị thua bèn rút lui về Quảng Tây. Ngày 9/8 Tôn lên Thượng Hải, Quảng Châu lại do Trần Quýnh Minh chiếm.


Sau khi quân Hoán hệ tại phía đông thất bại, Đốc quân Phúc Kiến Lý Hậu Cơ quay sang theo Trực hệ. Tháng 10/1922 Tôn Trung Sơn cùng Từ Thụ Tranh sách động quân bắc Phúc Kiến phối hợp với quân Hứa Sùng Trí đuổi Lý Hậu Cơ. Nhắm thu phục Quảng Đông, Tôn liên lạc với quân Vân Nam dưới quyền Dương Hy Mẫn trú tại Quảng Tây, Tướng lãnh quân Quảng Tây Lưu Chấn Hoàn, quân Quảng Đông trú tại Giang Tây, để cùng đánh Quảng Châu ; bộ hạ cũ của Lục Vinh Đình là Thẩm Hồng Anh cùng hành động chung. Tháng 1/1923 chiếm được Quảng Châu. Quân Hứa Sùng Trí rút về Quảng Đông, tỉnh Phúc Kiến bị Tôn Truyền Phương thuộc Trực hệ chiếm. Ngày 21/2 Tôn Trung Sơn lại đặt bản doanh tại Quảng Châu, xưng là Đại nguyên soái, nhưng không tái đề cập hộ pháp. Tháng 4 Ngô Bội Phu xui Thẩm Hồng Anh làm phản gây biến, nhưng bị đánh bại. Tháng 5, quân Trần Quýnh Minh chiếm Triều Châu [Chaozhou, Quảng Đông], Sán Đầu [Shantou, Quảng Đông] rồi xâm phạm Quảng Châu, mãnh liệt nhất vào tháng 11, khiến Quảng Châu cơ hồ không giữ được. Từ đó thành thế tương trì, Tôn Trung Sơn chiếm một nửa tỉnh Quảng Đông, một nửa do Trần Quýnh Minh chiếm.


Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Hồ Nam, 5 tỉnh nội chiến không ngừng ; riêng Tứ Xuyên lại càng mãnh liệt. Tại tỉnh này vào năm 1922 Dương Sâm thuộc hệ Lưu Tương tranh chấp với hệ Hùng Khắc Vũ về đất phòng thủ ; Đặng Tích Hầu bộ hạ cũ của Lưu Tồn Hữu giúp cho Hùng, khiến Dương Sâm phải thua chạy đến phía tây tỉnh Hồ Bắc. Năm 1923 hai quân Hùng và Đặng đánh nhau, Dương Sâm được Ngô Bội Phu yểm trợ, trở về Tứ Xuyên giúp cho Đặng. Lúc bấy giờ Đường Kế Nghiêu lại chú ý hướng ngoại, giúp cho Lưu Hiển Thế tại Quý Châu xua đuổi Viên Tổ Minh. Ngô Bội Phu chủ trương bình định Tứ Xuyên trước, mệnh Viên vào Tứ Xuyên trợ giúp cho Dương Sâm, Đặng Tích Hầu. Đường Kế Nghiêu và Quốc dân đảng giúp cho Hùng Khắc Vũ, Tứ Xuyên trở thành nơi tranh chấp của hai phe nam bắc. Ngô Bội Phu quân nhiều, khí giới tốt ; năm 1924 quân Hùng Khắc Vũ thua bại rút ra khỏi Tứ Xuyên, quân Vân Nam cũng phải rút về. Ngô Bội Phu giao cho Dương Sâm làm Đốc lý Tứ Xuyên ; Viên Tổ Minh lại quay về Quý Châu, đánh bại Lưu Hiển Thế.


Sự biến đổi tại Hồ Nam và Quảng Tây ảnh hưởng đến tương lai đại cuộc tương đối lớn. Với chủ trương tự trị cũng không dẹp tan được sự tranh chấp tại tỉnh Hồ Nam ; Quốc Dân Đảng chi trì Đàm Diên Khải, Ngô Bội Phu chi trì Triệu Hằng Dịch. Năm 1923, Đàm Diên Khải tuân mệnh Tôn Trung Sơn từ Quảng Tây trở về Hồ Nam, các tướng lãnh cùng hưởng ứng ; Triệu Hằng Dịch được Ngô Bội Phu và quân hạm ngoại quốc yểm trợ nên chuyển bại thành thắng, quân Đàm phải quay trở về Quảng Châu.


Năm 1922 bộ hạ của Lục Vinh Đình thừa lúc Tôn Trung Sơn tranh chấp với Trần Quýnh Minh bèn nổi lên xưng là quân tự trị, Lý Tông Nhân là một trong nhóm này. Bọn Hoàng Thiệu Hoằng, Bạch Sùng Hy phụng mệnh Tôn Trung Sơn ; được quân Quảng Đông của  Lý Tế Thâm tại Tây Giang [Xi river, Quảng Đông] yểm trợ chiếm Ngô Châu, tiếp tục tranh chấp với Thẩm Hồng Anh đóng tại Quế Lâm và Lục Vinh Đình tại Nam Ninh. Năm 1924 bọn Lý Tông Nhân, Hoàng Thiệu Hoằng, Bạch Sùng Hy trước tiên đánh bại Lục Vinh Đình, sau đánh bại Thẩm Hồng Anh, trở thành thế lực mới tại tỉnh Quảng Tây.


 


6. Thổ phỉ làm loạn

 


Nguyên nhân nội chiến do quân phiệt, thổ phỉ cũng là sản phẩm của nội chiến. Vơ vét và gọi lính là thủ đoạn chính của quân phiệt, vơ vét khiến dân không còn con đường sống, chỉ còn hai lối thoát là đăng lính hay theo giặc phỉ. Quân phiệt vơ vét được, phần lớn vào túi riêng, lính không được no đủ cũng nổi loạn biến thành phỉ. Xét về nội chiến không bàn đến kẻ thắng người bại, cướp bóc sẽ xẩy ra, lính thua bại mang súng đi bán, giao vào tay phỉ. Quân phiệt chiêu an, thu phỉ thành quân là chuyện thường ; đây là con đường làm quan nhanh ; đầu sỏ phỉ, nhỏ có thể thảnh Doanh trưởng, Đoàn trưởng, lớn có thể thành Lữ trưởng. Trong nước những vùng lắm thiên tai như khu vực sông Hoàng, sông Hoài đều sản xuất nhiều binh, cũng sản xuất nhiều phỉ. Quân phiệt lớn như Viên Thế Khải, Đoàn Kỳ Thuỵ xuất thân từ lưu vực sông Hoài ; Phùng Quốc Chương, Tào Côn, Lý Thuần, Vương Chiêm Nguyên, Ngô Bội Phu đều xuất thân từ lưu vực sông Hoàng Hà. Ngay như Trương Tác Lâm cũng xuất thân từ đám giặc phỉ tại Đông Tam Tỉnh. Các loại phỉ lớn mà cả nước ai cũng biết như Bạch Lang, Lão Tây Dương Trương Khánh, Tôn Mỹ Dao đều dấy lên tại lưu vực sông Hoàng Hà.


Trước thời Bạch Lang, có giặc phỉ lớn tại núi Tung Sơn tỉnh Hà Nam do bọn Vương Đại Túng cầm đầu ; thời cách mệnh Tân Hợi [1911] Lưu Trấn Hoa thu phục ; Lưu giữ chức Tỉnh trưởng, Đốc quân ; đầu sỏ phỉ được giao chức quan đến Tư lệnh, Sư đoàn trưởng. Sau khi Bạch Lang chết, dư đảng do Đốc quân Hà Nam Triệu Thích thu phục ; năm 1922 Triệu Thích binh bại, bộ hạ phần lớn lại trở về nghề cũ cướp phá tại Quy Đức phía đông tỉnh Hà Nam, Tào Châu phía tây tỉnh Sơn Đông, hoặc Thiểm Châu, Linh Bảo tại phía tây tỉnh Hà Nam. Trong vùng trú quân của Ngô Bội Phu tại Lạc Dương [Luoyang, Hà Nam], Lão Tây Dương Trương Khánh bắt cóc Giáo viên, học sinh có đến chục người, lại gửi thư khiêu chiến với Ngô Bội Phu. Nhân vì quan lại sợ người Tây Dương, Trương Khánh tự cho uy danh hơn hẳn, nên đặt danh hiệu là Lão Tây Dương. Vào tháng 10 năm này, Lão Tây Dương mang quân hơn 2 vạn từ phía tây Hà Nam hướng đông nam, tiến chiếm vùng phía bắc tỉnh An Huy, rồi quay về tỉnh Hà Nam, 2 lần băng qua đường sắt Kinh-Hán, cướp phá trên 10 thành, bắt Giáo sĩ ngoại quốc. Các nước Anh, Mỹ, Pháp nghiêm khắc phản đối, rồi do Ngô Bội Phu chiêu phủ. Sau đó Lão Tây Dương bị Trương Tác Lâm xui làm phản, mang quân đi cướp phá, cuối cùng bị bộ hạ giết.


Sau khi Đốc quân tỉnh Hồ Nam Trương Kính Nghiêu thất bại, số phỉ do viên Đốc quân này chiêu phủ trở về quê tại tỉnh Sơn Đông, đứng đầu là Tôn Mỹ Dao, đóng tại Bao Đặc Cương. Vào ngày 6/5/1923 Tôn thực hiện cướp xe lửa bằng cách phá đường rày, khiến cho chuyến xe chạy theo hướng bắc Phố Khẩu - Thiên Tân phải dừng lại tại Lâm Thành. Ngoài số trăm người Trung Quốc, còn có 19 người ngoại quốc bị bắt, trong đó có 8 người thuộc ban biên tập báo China Weekly Review kể cả Chủ bút người Mỹ J. B. Powell ; vụ án làm chấn động trong và ngoài nước. Công sứ đoàn lập tức kháng nghị, quân hạm các nước chuẩn bị thị uy tại Đại Cô [Dagu, Thiên Tân], nước Mỹ chủ trương dùng vũ lực can thiệp, tầm mức nghiêm trọng như thời Bát quốc liên quân [1900] chuẩn bị đánh Bắc Kinh. Tổng trưởng giao thông, Đốc quân Sơn Đông, Lãnh sự các nước tụ tập tại Lâm Thành. Cố vấn phủ Tổng thống người Mỹ, Roy Anderson, Trấn thủ Từ Châu [Xuzhou, Giang Tô], đích thân vào sào huyệt phỉ đàm phán. Ngày 24/6 những người bị bắt được thả, bọn phỉ được biên chế thành quan quân. Sau đó không lâu, viên Trấn thủ Duyện Châu [Yanzhou, Sơn Đông] Trương Bồi Vinh dụ đầu đảng Tôn Mỹ Giao đến công ty mỏ than Trung Hưng, rồi giết.


Vụ giặc phỉ bắt người, nếu nạn nhân không phải là người ngoại quốc, thì hệ quả cũng không đến nỗi trầm trọng như vậy. Mỹ kiều tại Thượng Hải chủ trương tạm đình hội nghị Hoa Thịnh Đốn thảo luận về quyền lợi Trung Quốc, giám sát tài chánh nước này, cho quân nước ngoài đóng tại các vùng đất quan trọng. Nước Anh đề nghị cảnh sát Tây dương quản lý đường sắt, gia tăng quân ngoại quốc tại vùng Hoa bắc ; nếu như Trung Quốc phản đối, liệt cường cần khảo xét điều ước trú quân tại cửa khẩu, chiếm lãnh đường sắt Bắc Kinh - Thiên Tân, thực hành chế độ cộng quản 7. Ngày 10/6, 16 nước đưa ra thông điệp yêu cầu bồi thường tổn thất, biên chế tổ chức cảnh sát đường sắt do người Tây dương làm Giám đốc, cách chức Đốc quân Sơn Đông Điền Hưng Bảo. Tuy Trung Quốc tiếp nhận, nhưng Công sứ đoàn cho rằng chưa đề cập đầy đủ về biện pháp bảo vệ đường sắt nên ngày 4/10, 16 nước lại đưa tiếp thông điệp thứ hai ; nội dung trách Trung Quốc dẹp phỉ bất lực, yêu cầu xác quyết bảo đảm tính mệnh, quyền lợi, tài sản của người nước ngoài ; khôi phục Trung Quốc pháp luật trật tự. Lúc bấy giờ Tào Côn làm Tổng thống, 15 ngày sau chấp nhận toàn bộ điều kiện.


 


7. Tào Côn giành chính quyền

 


Trong giai đoạn quốc tế hô hào cộng quản, chính là lúc Tào Côn giành được chính quyền. Sau khi lật đổ Từ Thế Xương, phái Tân Bảo thuộc Trực hệ định đưa Tào Côn lên Tổng thống ; nhưng Ngô Bội Phu chủ trương trước hết phải thi hành hiến pháp thống nhất, nên dùng Lê Nguyên Hồng làm Tổng thống trong giai đoạn quá độ ; đợi khi cả nước thống nhất Tào Côn sẽ lên chức. Sau khi Lê Nguyên Hồng trở lại chức Tổng thống, phái Tân Bảo tìm cách lật đổ nội các mấy lần, khiến Lê thấy khó khăn phải tự rút. Tào Côn muốn sớm thành giấc mộng Tổng thống, cùng lúc lo lật đổ Lê và tìm cách mua chuộc Nghị viên quốc hội, chủ trì kế hoạch lả Tỉnh trưởng Trực Lệ Vương Thừa Bân. Lê cũng cùng chung thủ đoạn, phát cho Nghị viên quốc hội tiền, với danh nghĩa Hiến pháp xuất tịch phí. Phái Tân Bảo nhận thấy Lê muốn lấy lòng Nghị viên để kéo dài nhiệm kỳ, thậm chí còn muốn được bầu thêm kỳ khác, nên quyết lật đổ nội các Đường Thiệu Tăng, rồi đến Lê Nguyên Hồng. Ngày 6/6 Đường Thiệu Tăng cho rằng các Nghị viên thuộc phái Tân Bảo gây muôn vàn khó khăn nên từ chức ; Kiểm duyệt sứ lục quân Phùng Ngọc Tường, Vệ nhung tư lệnh Bắc Kinh Vương Hoài Khánh dựa vào việc không có người phụ trách nội các, bèn quay sang Tổng thống Lê đòi lương, cảnh sát bãi công triệt bỏ người canh gác tại nhà Lê Nguyên Hồng, cắt điện thoại vv… Rồi cái gọi là “ Quốc dân đại hội ”, “ Thị dân thỉnh nguyện đoàn ” la hét, hô lớn đòi Tổng thống thoái vị. Phùng Ngọc Tường, Vương Hoài Khánh lên tiếng đòi từ chức, tin đồn sắp có binh biến ; nhưng Ngô Bội Phu, Tào Côn tảng lờ, coi như không nghe không biết.


Tào Côn bèn sai người hăm doạ, nên ngày 13/6 Lê Nguyên Hồng phải rời kinh đô. Khi xe lửa tới trạm Dương Thôn, Thiên Tân ; Vương Thừa Bân bắt xe dừng lại, đòi Lê Nguyên Hồng nạp ấn tỷ Tổng thống, ký giấy từ chức, cùng tuyên bố do Quốc vụ viện nhiếp chính, rồi mới cho đi. Lê tái nhiệm chức Tổng thống trong vòng 1 năm, bị lăng nhục gấp bội Từ Thế Xương, dưới tay quân phiệt pháp luật không còn, chính khách thiếu liêm sỉ. Không dừng tại chỗ đó, Tổng lý nội các thuộc phái Tân Bảo, Cao Lăng Uý, và Nghị trưởng Ngô Cảnh Liêm vừa mua chuộc bằng tiền vừa hăm doạ các Nghị viên, đặt giá một phiếu bầu từ 5 000 đến 10 000 nguyên ; nên ngày 6/10/1923 Tào Côn được bầu làm Đại tổng thống. Người đương thời gọi y là “ Trư tử Tổng thống ” (Tổng thống heo), vì y là kẻ dâm dật có 4 vợ, hoặc “ Hối tuyển Tổng Thống ” (Tổng thống được bầu vì hối lộ). Dư luận toàn quốc rất bực đối với trò hề chính trị này, Thượng Hải tổng thương hội không thừa nhận những hành động đối nội, đối ngoại của Tào Côn và Cao Lăng Uý. Ngày 10/10 Tào Côn nhậm chức, Tôn Trung Sơn ra lệnh đánh dẹp, dân chúng các nơi diễn hành phản đối. Nhưng Công sứ các nước thì vẫn ngang nhiên hội kiến, chúc mừng ; thoả hiệp trao đổi, bởi Tào Côn chấp nhận mọi điều kiện về vụ án cướp xe lửa tại Lâm Thành.


Tào Côn lên làm Tổng thống được một năm, hai phái Tân Bảo và Lạc Dương không ngừng tranh giành chức Tổng lý Quốc vụ viện, nội các 4 lần thay đổi ; cuối cùng là Nhan Huệ Khánh, do Ngô Bội Phu chi trì. Tranh đoạt về địa bàn cũng kịch liệt, kết quả Ngô Bội Phu làm Tuần duyệt sứ Trực Lệ, Sơn Đông và Hà Nam; Vương Thừa Bân làm Phó sứ và Đốc lý Trực Lệ ; Tuần duyệt sứ Lưỡng Hồ do Đốc quân Hồ Bắc Tiêu Diệu Nam kiêm nhiệm ; Đốc quân Giang Tô Tề Biến Nguyên kiêm Tuần duyệt sứ Giang Tô, An Huy, Giang Tây. Vương Thừa Bân không được làm Tuần duyệt sứ Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam nên tỏ ra bất mãn với Ngô Bội Phu. Trong chiến tranh Trực, Phụng, Phùng Ngọc Tường từng giữ chức Đốc quân Hà Nam, sau bị Ngô Bội Phu bãi chức ; đối với việc xua đuổi Lê Nguyên Hồng, Phùng tỏ ra có công, nhưng không nhận được gì, nên oán giận lên cao. Vào đầu năm1924, Phùng liên kết với Vương Thừa Bân, Tề Biến Nguyên để tìm cách khống chế Ngô Bội Phu ; nội bộ quân phiệt Trực hệ mâu thuẫn rất sâu sắc.


Hồ Bạch Thảo

 







(Tham khảo từ : Cận Đại Trung Quốc Sử Cương, Quách Đình Dĩ ; Xô Nga Tại Trung Quốc, Tưởng Trung Chính ; Wikipedia Anh văn, Trung văn ; Bản đồ Google)


 






1  Đông Tam Tỉnh : ba tỉnh phía đông bắc, tức Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh (Phụng Thiên).


2  Chính học hệ : gồm một số thành viên Quốc dân đảng chống Tôn Trung Sơn, ủng hộ Sầm Xuân Huyên.


3  Ly kim : một loại thuế phụ thu thêm, ngoài chính thuế.


4  Lãnh sự tài phán quyền [consular jurisdiction] : quyền này ban cho người ngoại quốc tại quốc gia phạm tội, không do quốc gia đó xử, mà do Lãnh sự phán xử.


5  Mục Dã : tên đất tại tỉnh Hà Nam, nơi Chu Vũ vương diệt hôn quân Trụ.


6  Lạc Dương : nơi Ngô Bội Phu trú đóng cũng từng là kinh đô xưa.


7  Cộng quản : chính quyền nước ngoài và Trung Quốc cùng quản lý.






Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss