Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Con rồng trong thế giới Tây phương

Con rồng trong thế giới Tây phương

- Đỗ Tuyết Khanh — published 03/12/2011 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Rồng thường được miêu tả như một sinh vật loài rắn nhưng có chân có cánh, mắt sáng quắc, miệng khạc lửa, có sức mạnh phi thường, là địch thủ hung dữ mà các thần linh hay anh hùng phải chiến thắng để thế giới được an bình. Sinh vật của đất và lửa, rồng tượng trưng cho các vũ lực của thiên nhiên con người phải chế ngự để tồn tại.


Con rồng trong
thế giới Tây phương


Đỗ  Tuyết Khanh



Có những điều tưởng như thuần Á Đông, thậm chí là đặc tính riêng của châu Á, thật ra cũng phổ biến ở nhiều nơi khác trên trái đất và thuộc về di sản văn hoá của cả loài người. Con rồng quen thuộc của chúng ta chẳng hạn, có mặt ở rất nhiều nước và đã từ rất lâu chứ không chỉ trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay.

Khó xác định con rồng nguồn gốc ở đâu, có từ bao giờ, và đó là đề tài của nhiều tranh cãi. Rồng xuất hiện từ những thuở sơ khai nhưng khó có thể nói nó dính dáng gì với con khủng long vì loài vật này đã bị diệt chủng hàng chục triệu năm trước những người tiền sử đầu tiên. Hình tượng rồng cổ xưa nhất là một con rồng làm bằng vỏ ốc đặt cạnh hài cốt trong một ngôi mộ thời đồ đá mới, cách đây 6000 năm, được khai quật trong những năm 1980 tại Tây Thuỷ Pha, tỉnh Hà Nam, ở Trung Quốc. Gần với thời kỳ chúng ta hơn là những con rồng bằng gạch đỏ, tên là Sirrush hay Mušhuššu (có nghĩa là rồng hay rắn đỏ) được đắp cách đây 2500 năm lên những bức tường quanh cổng Ishtar đồ sộ của thành Babylone miền Lưỡng Hà ngày xưa, bây giờ là một di tích khảo cổ cách thủ đô Bagdad của Iraq 160 cây số.

Theo đa số định nghĩa, rồng là một sinh vật tưởng tượng, được lai ghép từ những con vật có thật, bên cạnh những sinh vật hư cấu khác như người sư tử (sphinx), nữ thần mình người đuôi cá (sirène), hay thần đầu người mình ngựa (centaure), v.v. Điều đáng để ý là những hình tượng này chỉ giới hạn trong những vùng văn hoá và thời điểm nhất định trong khi con rồng có mặt trong hầu hết các nền văn hoá cổ xưa, những truyền thuyết nơi này lan sang nơi kia, tác động qua lại, đúc kết rồng thành một hình tượng phổ cập, tồn tại mạnh mẽ cho đến ngày nay.

Rồng thường được miêu tả như một sinh vật loài rắn nhưng có chân có cánh, mắt sáng quắc, miệng khạc lửa, có sức mạnh phi thường, là địch thủ hung dữ mà các thần linh hay anh hùng phải chiến thắng để thế giới được an bình. Sinh vật của đất và lửa, rồng tượng trưng cho các vũ lực của thiên nhiên con người phải chế ngự để tồn tại. Trong các truyền thuyết Tây phương, rồng cũng hay xuất hiện như một thế lực canh giữ cái gì quí giá mà nhân vật anh hùng phải chiếm đoạt hay giải cứu: một báu vật, một kho tàng, một nàng công chúa bị giam hãm, một liều thuốc tiên, v.v. Vai trò này thể hiện qua chính tên của rồng trong nhiều ngôn ngữ: các từ dragon, drago, dragón, drake, Drache trong các tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Đức đều xuất phát từ chữ Hy Lạp drákōn (δράκων), phái sinh từ drakeîn (δρακεĩν), là thể quá khứ bất định (aoriste) của động từ dérkomai (δέρκομαι) có nghĩa là “nhìn bằng cặp mắt sắc”. Đôi mắt sáng quắc là đặc điểm thường có của con rồng từ Đông sang Tây.

Hình tượng con rồng canh gác rất phổ biến trong các thần thoại Tây phương. Trong thần thoại Hy Lạp, con rồng Ladon cùng với các nàng Hespérides canh gác vườn của các thần linh bị Héraclès tiêu diệt để chiếm đoạt các quả táo bằng vàng. Python bảo vệ miếu thánh ở Delphes bị thần Apollon đâm chết để làm chủ nơi thánh truyền. Cadmos giết con rồng canh giữ một con suối, thiết lập nền văn minh Thèbes sau khi ném răng rồng hoá thành những người dân cư đầu tiên, nên thành phố Thèbes còn được gọi là “dracogenina” (từ rồng sinh ra). Trong vùng văn hoá Đức, truyền thuyết Fafnir, một người lùn hoá thành rồng để canh giữ kho tàng của mình và bị Sigurd giết, là chủ đề của vở Siegfried, thuộc bộ tác phẩm opera nổi tiếng Der Ring der Nibelungen của nhà soạn nhạc Richard Wagner.

Rồng cũng tượng trưng cho sức mạnh của trí óc, sự thông minh, và được gán ghép những đặc tính thần diệu. Trong vở “Siegfried” của Wagner, sau khi giết con rồng Fafner và tắm trong máu rồng, Siegfried trở thành mình đồng da sắt, gươm giáo đâm không chết và nghe hiểu được tiếng của chim muông. Và những chiến thuyền của người Vikings ở Bắc Âu trong thời Trung Cổ được thiết kế theo hình một con rồng, mũi thuyền tạc thành đầu rồng, để được sức mạnh thần linh này che chở trong các chuyến đi xa. Những thuyền rồng này tên là drakkar, từ chữ Bắc Âu cổ dreki, có nghĩa là rồng.

drakkar

Thuyền drakkar

Người Vikings của những thế kỷ VIII đến XI ở Bắc Âu thực ra là những dân tộc đi biển chủ yếu để buôn bán, nhưng hình ảnh phổ biến để lại cho hậu thế, nhất là trong văn chương và phim ảnh, là những hải tặc hay chiến sĩ hung dữ từ miền Scandinavie đến cướp bóc các vùng ven biển những nước phía Nam. Một chiếc drakkar xuất hiện ngoài khơi gieo rắc khiếp sợ trong dân chúng, từ đó con rồng trở thành biểu tượng của kẻ xâm lăng: người Saxons và Vikings trong thời Trung Cổ, và các đoàn quân Mông Cổ sau đó với những lá cờ mang hình rồng của họ.


Con rồng trong Kinh Thánh


michael

Tổng lãnh thiên thần Michael, với chiếc khiên mang dòng chữ Quis ut Deus, diệt Satan dưới hình hài con rồng. Bức tượng đặt tại Đại học Bonn (Đức)

Sự kinh hãi ấy “du nhập” vào Kitô giáo biến con rồng thành biểu tượng của quỷ dữ, Satan, điều ác, và tà đạo. Trong Kinh Thánh có rất nhiều đoạn nhắc đến rồng và các chiến công giết rồng của nhiều ông thánh (và bà thánh), trong đó hai huyền thoại được nhắc nhở nhiều nhất là Thánh Georges giết rồng cứu một nàng công chúa khỏi bị dâng tế và Tổng lãnh thiên thần Michael (Archange Michel) giết rồng để trị Satan. Hai vị thánh này thực ra là những nhân vật huyền thoại được phong thánh để tượng trưng cho sự chiến thắng của Kitô giáo trên tà đạo. Michael, từ tiếng Do Thái Mîkhā'ēl ( מִיכָאֵל‎) có nghĩa là “Ai giống như Chúa”, tức “Quis ut Deus” trong tiếng la tinh, thuật ngữ này vừa là câu hỏi mỉa mai cho Satan vừa là tiếng hô của các thiên thần khi lâm chiến với quỷ tà.

Sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ (Apocalypse de Jean) miêu tả sự giao chiến của Michael và các thiên thần với con Rồng như sau:

Đã xảy ra đại chiến trên trời: Michael và các thiên thần của Ngài giao chiến với con Rồng. Con Rồng và các thiên thần phe nó nghinh chiến. Nhưng nó không có sức cự lại; chỗ của chúng không còn ở trên trời. Và nó bị xô nhào xuống, con Rồng lớn, con Rắn thái sơ, gọi là quỷ hay Satan, kẻ mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó đã bị xô nhào xuống đất, và các thiên thần phe nó cũng bị xô nhào xuống làm một với nó.”

Và: “Người bắt con rồng, tức là con rắn đời xưa, là ma quỉ, là Sa-tan, mà xiềng nó lại đến ngàn năm”.


Con rồng trong văn chương và nghệ thuật


dragon de Dali

Thánh Georges và con Rồng, Salvador Dali
(khoảng 1977–1984)

Kỳ công giết rồng của các vị thánh hay nhân vật anh hùng là đề tài của vô số tác phẩm văn chương, thi ca, hội hoạ và điêu khắc, từ cổ đến kim. Những hoạ sĩ lớn như Paolo Uccello, Raphael, Tintoretto, Rubens, v.v. đều có tranh vẽ Thánh Georges và con Rồng. William Shakespeare cũng nhắc đến điển tích này trong hai vở Richard IIIKing Lear. Trong Beowulf, tác phẩm kinh điển của cổ văn Anh, một bài trường thi dài hơn 3000 câu của một nhà thơ vô danh sáng tác giữa thế kỷ VIII và đầu thế kỷ XI, nhân vật Beowulf là một anh hùng tay không diệt quái vật nhưng ngã xuống sau khi giết được một con rồng tác oai tác quái trong cả một vùng. Tác phẩm La Vouivre (1943) của nhà văn Pháp Marcel Aymé pha trộn một truyền thuyết của vùng Franche-Comté với những tình tiết của đời sống thực được quay thành phim năm 1989 với diễn viên Lambert Wilson trong vai chính.

Gần với chúng ta hơn, con rồng là nhân vật quan trọng của những tác phẩm nổi tiếng và rất được hâm mộ như The Hobbit, The Lord of the RingsThe Silmarillion của J.R.R.Tolkien, Harry Potter của J.K. Rowling, The Inheritance Cycle của Christopher Paolini, The Sword of Truth của Terry Goodkind, Tara Duncan của Sophie Audouin-Mamikonian, v.v.

Và tất nhiên, con rồng là hình tượng rất hấp dẫn, kích thích óc tưởng tượng không chỉ của trẻ em, nên là chủ đề của rất nhiều bộ phim, trò chơi điện tử, trò chơi trực tuyến, với những hình ảnh huyền diệu của các cuộc phiêu lưu hào hứng. Ở thời đại Internet, không còn ranh giới giữa các hình thức tiêu thụ sản phẩm văn hoá. Một trò chơi video ưa chuộng được quay thành phim và ngược lại một bộ phim ăn khách sản sinh ngay những trò chơi điện tử cùng tên, biến một tác phẩm thành công thành cả một phong trào. Những màn đấu rồng trong các trò chơi video và trực tuyến Drakkhen, Prophecy Universe, Warhammer Fantasy, Fire Emblem Universe, v.v., và nhất là Dungeons & DragonsWorld of Warcraft Universe thu hút hàng trăm ngàn người. Dragonheart (1996), Dungeons & Dragons (2000), Reign of Fire (2003), v.v. đều là những bộ phim đứng đầu box-office. Phim Avatar với những màn cưỡi rồng bay lượn ngoạn mục được hạ tải từ Internet hơn 15 triệu lần.


St Georges - Uccello

Thánh Georges giết rồng giải cứu công chúa, Paolo Uccello
(khoảng 1470). National Gallery, Luân Đôn.



Những bà con họ hàng nhà rồng


Thế giới của rồng phong phú vì con rồng có nhiều hình dạng khác nhau với những tên gọi khác nhau trong mỗi nước, tuỳ theo có cánh hay không, và bao nhiêu chân. Rồng rất gần với rắn, người Việt nói “xếp hàng rồng rắn”, “rồng rắn theo nhau” và năm Tỵ đi liền sau năm Thìn. Trong thần thoại cũng thế, những Ladon và Python của Hy Lạp thường gọi là rồng nhưng mang hình dáng con rắn trên các di tích, hiện vật cổ. Cạnh con rồng “truyền thống”, có cánh và bốn chân, họ hàng nhà rồng, theo nghĩa rộng, còn có đủ loại rắn có một đầu hay nhiều đầu, không chân hoặc có hai chân.


Vouivre, guivre, vibria, wyvern, vipera hay biscione

Trong nhiều địa phương, con vouivre, còn gọi là guivre, trong tiếng Pháp, hay vibria trong tiếng catalan (Đông Bắc Tây Ban Nha), wyvern trong tiếng Anh và vipera, biscione trong tiếng Ý, là một loại rồng trông gần với rắn hơn. Vouivre, guivre, vipera, vibriawyvern đều xuất phát từ chữ la tinh vipera, có nghĩa là rắn. Loại rồng này có cánh nhưng chỉ có hai chân trước và thường có viên ngọc sáng gắn trên trán. Theo truyền thuyết, con vouivre khi xuống tắm trong suối hoặc giếng, thường gỡ viên ngọc để lại trên bờ, do đó là hình tượng của ánh sáng xuất phát từ lòng đất. Người catalan còn phân biệt rồng đực (drac), có khi được miêu tả với đầu sư tử hay đầu con bò tót, và rồng cái (vibria), có vú nhọn, móng sắc và mỏ chim đại bàng. Thánh bảo hộ của Cataluña là Thánh Georges (Sant Jordi) nên con rồng drac hay vibria đều có mặt trong các dịp lễ hội. Trong các truyện cổ tích bên Anh, wyvern là một con rắn có hai chân, hai cánh và đuôi lởm chởm đầy vẩy nhọn.

Trên nhiều huy hiệu, phù hiệu ở Ý, vipera là một con rắn uốn lượn, miệng há nuốt một đứa trẻ. Ở vùng Milano, hình tượng này mang tên biscione (con rắn to, từ chữ địa phương bissa có nghĩa là rắn) và là biểu tượng của gia đình Visconti từ hơn một ngàn năm. Biscione cũng là biểu tượng của thành phố Milano và xuất hiện trên huy hiệu của hãng xe hơi Alfa Romeo, áo maillot của đội bóng đá Inter của Milano, và cả trên logo công ty Fininvest của đại gia và cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Trên logo ấy, đứa bé được thay thế bằng một đoá hoa và đó là điều duy nhất liên quan đến ông này có thể gây thiện cảm được!


vibria

Vibria diễu hành trong thành phố Reus, Cataluña

bricione

Biscione tại nhà ga chính của Milano

alfaromeo

Biscione trên huy hiệu của Alfa Romeo.



Lindworm, lindorm, lindwurm, và linorm

Trong các thần thoại Đức và Bắc Âu, các lindworm, lindorm, lindwurm, linorm là những sinh vật nửa rồng nửa rắn, thường có chân nhưng ít khi có cánh, sống trong nghĩa trang, ăn xác chết, hoặc quanh quẩn gần các làng mạc để tìm cách tấn công gia súc. Những con vật này thường bị coi như độc hại và kinh tởm. Song ở nơi khác, lindworm lại tượng trưng cho sự hồi sinh, như con rắn mỗi lần thay da. Theo một huyền thoại thế kỷ XIII, một con lindwurm sống gần thành phố Klagenfurt ở Áo, bị diệt sau khi bị qui tội làm ngập lụt ruộng đồng. Con lindwurm này vẫn có mặt trên huy hiệu thành phố Klagenfurt ngày nay và trên bức tượng đá đặt ở Neuer Platz miêu tả cảnh Heraclès giết rồng.


lindwurm

Lindwurm ở Klagenfurt


Các họ hàng nhà rồng khác


queitzal

Quetzalcóatl,
trong Códice Borbónico

Hình tượng rồng cũng phổ biến trong các thần thoại ở Trung và Đông Âu : zmej trong tiếng Nga và bulgare, zmij trong tiếng slave cổ và ukrainien, zmaj trong các tiếng serbe, croate, bosniaque và slovène, và żmij trong tiếng Ba lan đều có nghĩa là một con rắn có chân và cánh chuyên phá phách làng mạc và đòi hỏi dân chúng phải cúng vàng hoặc trinh nữ. Đi xa hơn, cả về địa lý lẫn nhân chủng học, con rồng cũng có mặt trong các thần thoại châu Mỹ La tinh với hình tượng rắn có lông cánh, bay trong không khí, gọi là cóatl trong các tiếng thổ dân: Ehécóatl, rắn gió, tương tự như rồng làm mưa của Á Đông, Xiuhcóatl, rắn lửa, và nhất là Quetzalcóatl, rắn quí với bộ lộng sắc sỡ, biểu tượng của một vị thần trong nhiều văn hoá thổ dân.

Con rồng như thế hiện hữu ở nhiều mặt của thế giới Tây phương : trực tiếp qua những huyền thoại, tác phẩm văn học nghệ thuật hay gián tiếp qua những ẩn dụ. Chẳng hạn trong đệ nhị Thế chiến, Winston Churchill đã đặt tên máy bay riêng của mình là Ascalon, là tên cây kiếm Thánh Georges dùng để giết rồng theo truyền thuyết. Thánh Georges là thánh bảo hộ của nhiều thành phố, như Genova và Venezia ở Ý, Barcelona ở Tây Ban Nha, Moskova ở Nga, và của cả nước Anh, được biểu thị trên các huy hiệu của Moskova và Luân Đôn. Con rồng tượng trưng cho sức mạnh uy quyền cũng có mặt trên những công trình kiến trúc ở nhiều nơi. Ở Việt Nam, sau thời kỳ quân chủ phong kiến, con rồng không còn được (hay chưa được trở lại?) là biểu tượng của quyền lực cai trị nhưng có thể tự an ủi là ít ra Bác Hồ khi ra đi tìm đường cứu nước, cũng là từ bến Nhà Rồng.


moscou

Huy hiệu thành phố Moskova

slovenia

Tượng rồng ở Ljubljana, Slovénie.

munchen

Rồng bò trên Toà Thị chính thành phố München, Đức.

puerte del dragon

Cầu Rồng trên xa lộ (Puente del Dragón) ở Alcalá de Guadaira, Tây Ban Nha.

Londre

Huy hiệu thành phố Luân Đôn

templebar

Tượng rồng ở Temple Bar, ranh giới
London City và City of Westminster




Con rồng trong ngôn ngữ


Ngôn ngữ cũng cho thấy nhiều điều lý thú về con rồng trong thế giới Tây phương. Ngoài con vật huyền thoại, từ “dragon” của Pháp chẳng hạn cũng chỉ một người canh giữ hay bảo vệ rất cứng rắn, khó chịu. Một “dragon de vertu” là một phụ nữ khăng khăng bảo vệ tiết hạnh. Và có thể vì ai đó cay cú mà từ đó “dragon” cũng có nghĩa một người đàn bà khắt khe, quạu cọ, gắt gỏng. Một trong những nghĩa của từ tiếng Đức « Drachen » cũng là cái tính khó ưa ấy, và cũng chỉ nhắm phụ nữ mà thôi. Bất công thật.

Trong nhiều thứ tiếng, tên của hai vị thánh giết rồng nằm trong số những tên phổ biến nhất. Không thể đếm hết những Michel, Michael, Miguel, Mikhail, Miquel, Michele, v.v. hoặc George, Georges, Jorge, Georg, Jordi, Giorgio v.v. Ngay cả tên họ cũng đáng nói. Chắc là không có ai, hoặc rất hiếm, có họ là Trâu, Bò, Lợn, Tôm. Nhưng họ Rồng thì có, và không ít. Ở Pháp, có 1 158 người tên là Monsieur hay Madame Dragon. Tuy không có thống kê chính xác nhưng họ Drake của người Anh Mỹ rất đông, nổi tiếng nhất là nhà thám hiểm và chính khách Anh Sir Francis Drake (1540–1596). Nhưng đáng kể nhất là họ Rồng ở Ý với rất nhiều những Drago, Draga, De Drago, Dragho, Draghi, Dragomani, Dragonetti, Dragoni, Dragotti, Dragotto, v.v.

Con rồng như thế vẫn đáng nể lắm trong thế giới ngày nay. Như trong một truyện thần thoại hiện đại, để giải cứu nàng công chúa Euro khỏi nanh vuốt của con rồng Thị Trường Tài Chính, các quân vương châu Âu liên tục châu đầu họp hành, tìm người tài giỏi để trao bảo kiếm. Sứ mệnh này tất nhiên phải trao cho chuyên gia và để lấy độc trị độc, để trị rồng, còn ai hơn một chuyên gia cũng họ hàng nhà rồng? Ông Mario Draghi, cựu giám đốc Ngân hàng nhà nước Ý, được bổ nhiệm làm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Âu châu tháng 11.2011 thay thế ông Jean-Claude Trichet mãn nhiệm kỳ, tất nhiên được chọn lựa không phải vì thế nhưng biết đâu đấy lại là điềm lành. Năm Nhâm Thìn, điều chúng ta cần chúc ông ta nhất là hoàn thành sứ mệnh, ổn định tiền tệ để kinh tế đi lên không chỉ trong các vương quốc Euro mà cho mọi thần dân được nhờ. Thế giới hoà bình, mọi nước thịnh vượng, mọi nhà an vui, đó cũng là lời chúc cho tất cả chúng ta.


Đỗ Tuyết Khanh

02.01.2012


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss