Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Sau điều ước Nam Kinh [1842] liệt cường tiếp tục gây hấn và giành quyền lợi tại Trung Quốc

Sau điều ước Nam Kinh [1842] liệt cường tiếp tục gây hấn và giành quyền lợi tại Trung Quốc

- Hồ Bạch Thảo — published 10/01/2014 17:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Phần 2/3 : Liên quân Anh Pháp gây hấn cùng cơ hội của Nga Mỹ [1857-1858]


HỒ BẠCH THẢO


Sau điều ước Nam Kinh [1842]
liệt cường tiếp tục gây hấn và
giành quyền lợi tại Trung Quốc




Chương hai

Liên quân Anh Pháp gây hấn
cùng cơ hội của Nga Mỹ [1857-1858]





thientan

Signing the Treaty of Tientsin
(Ký điều ước tại Thiên Tân năm 1858)
Nguồn : wikipedia



1. Anh Pháp hợp tác quân sự, Nga Mỹ ủng hộ ngoại giao



Từ năm 1854, sau khi đòi hỏi tu sửa điều ước thất bại ; báo chí tại Anh cho rằng người Hoa không thể dùng lời, phải uy hiếp. Lúc vụ Á La xẩy ra, thì chiến tranh tại vùng bán đảo Crimea 1 cũng kết thúc, nước Anh tương đối rảnh tay, vào tháng 2/1856 phê chuẩn cho Công sứ John Bowring tấn công Quảng Châu [Guangzhou]. Viên Công sứ xin quân từ trong nước và Ấn Ðộ. Quốc hội Anh không bằng lòng với chính phủ, kịch liệt phản đối ; trách cứ John Bowring dùng vụ Á La để gây vũ lực với Trung Quốc là sỉ nhục nước Anh. Kết quả Thượng viện thông qua quyết định của chính phủ, nhưng Hạ viện phủ quyết. Tháng 3/1857 Thủ tướng H.J.T. Palmerston [Ba Mạch Tôn] giải tán Hạ viện, rồi Hạ viện mới biểu quyết thuận với chính phủ. Lúc này John Bowring xin từ chức, Thủ tướng cử viên cựu Tổng đốc Gia Nã Ðại Lord Elgin [Ngạch Nhĩ Kim] làm Ðặc sứ tại Trung Quốc.

Sau khi bỏ cấm đạo, Giáo sĩ người Pháp ngầm đi vào nội địa. Tháng 2/1856 một viên Phụ giảng tên là Auguste Chapdelaine [Nhất Mã Lại] bị Tri huyện Tây Lâm [Xilin] tỉnh Quảng Tây [Guangxi] xử tử, vì liên lạc với loạn đảng. Ðại sứ Pháp Jean de Courcy [Cố Tư] đòi Tổng đốc Lưỡng Quảng Diệp Danh Sâm trừng trị, bồi thường và ngăn ngừa sự việc xẩy ra trong tương lai ; nhưng bị bác. Lúc này Napoléon 3 [Nã Phá Luân đệ tam] muốn dương oai tại phương Ðông, xác lập quyền bảo hộ Thiên Chúa giáo của nước Pháp, chuẩn bị cùng nước Anh đòi hỏi tu sửa điều ước, cùng rửa hờn cho vụ Tây Lâm.

Vào giữa thế kỷ thứ 19, địa vị của Nga, Mỹ tại Viễn Đông ngày một quan trọng, thế lực quốc tế so với 10 năm về trước đã đổi khác, quân bình liệt cường đã hình thành. Nước Anh không thể độc đoán, độc quyền ; việc thi thố tại Trung Hoa nếu không cẩn thận có thể bị liệt cường đố kỵ, dẫm vào nguy cơ ; vả lại còn muốn sự chi trì của Mỹ.

Riêng Mỹ thì chính sách đối với Trung Quốc cũng phần lớn tương đồng với Anh, trong giai đoạn vận động tu sửa điều ước Robert McLane [Mỹ] và John Bowring [Anh] hỗ tương xướng họa, rồi Peter Parker [Bá Gíá] nhiệt tâm cổ võ Mỹ, Pháp cùng hợp tác. Trong thời gian quân Anh tấn công Quảng Châu [Guangzhou. Quảng Ðông], lãnh sự Mỹ cùng theo đến thành ; riêng chiến hạm Mỹ bị pháo kích tại sông gần tỉnh thành, khiến quân Mỹ phản pháo, phá hủy pháo đài. Perter Parker tin rằng nước Anh lợi dụng cơ hội này để đạt mục đích tu sửa điều ước, Mỹ không mệt mà có thể ngồi hưởng thành công, nên kiến nghị với bộ Ngoại giao [United States Department of State] cùng Anh, Pháp tiến chiếm Ðài Loan [Taiwan], Ðan Sơn [Zhoushan, Chiết Giang] và Triều Tiên [Korea]. Nhưng bộ Ngoại giao cho rằng Peter Parker đã hành động trái với chính sách trung lập của Mỹ, nên không chấp thuận. Sau tháng 3/1857, nước Anh mấy lần xin Mỹ cùng Anh, Pháp tác chiến tại Hoa ; nhưng bộ Ngoại giao Mỹ trả lời việc này phải được Quốc hội biểu quyết chấp thuận. Bất quá đại diện Mỹ chỉ cùng Anh, Pháp đòi tu sửa điều ước và bồi thường ; nói một cách khác Mỹ không tham gia hành động quân sự, chỉ hợp tác về mặt ngoại giao mà thôi. Người kế chức Peter Parker là William B. Reed [Liệt Vệ Liêm], với chức vụ Toàn quyền công sứ, tỏ cho Trung Quốc biết Mỹ tán thành Anh, Pháp đòi hỏi tu sửa điều ước, nhưng không có ý đồ can thiệp vào lãnh thổ và nội chính ; đối với Nga thì khuyến khích tăng cường hữu nghị với Anh, Pháp. Qua sự kiện thấy được nước Mỹ không hoàn toàn đặt thân ngoài vòng, chỉ không trực tiếp tham chiến mà thôi.

Sau chiến tranh nha phiến, nước Nga lại tiếp tục tiến vào Trung Quốc, cùng Anh cạnh tranh cả hai mặt hải lục, tìm cách xâm lược. Lợi dụng sự mâu thuẫn Trung-Anh, Nga sử dụng thuật ngoại giao cùng uy hiếp vũ lực ; thừa lúc Trung quốc nguy nan, tiến hành với phương thức ít tốn sức hơn Anh, Pháp. Vào giữa thế kỷ thứ 19, Tổng đốc Nga phía đông Tây Bá lợi Á là Nikolai Muraviev [Mộc Lý Phỉ Nhạc Bức] trộm chiếm vùng hạ lưu Hắc Long Giang [HeiLongjiang]. Ðến lúc chiến tranh Trung Anh lần thứ 2 xẩy ra, Nikolai Muraviev thị ý với Mỹ rằng Nga sẽ chiếm lưu vực Hắc Long Giang để đối địch với sự khuyếch trương của Anh, tại duyên hải Trung Quốc. Nước Anh sợ Nga thao túng triều đình nhà Thanh gây khó khăn, nên mong muốn Nga cùng tham gia hành động tại Trung Hoa ; nước Nga đáp ứng, đặt điều kiện để hợp tác, nhưng không chịu dùng thủ đoạn cưỡng chế.

Tháng 2/1857 Nga gửi thư cho Bắc Kinh, nhấn mạnh Anh, Pháp xâm nhiễu Quảng Châu, sắp phạm Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], đây là mối lợi hại cho cả hai nước Trung, Nga, nên đặc sai E. V. Putiatine [Phổ Ðề Nhã Ðình] đến thương nghị “ nếu trì nghi không theo ý tốt, thì sẽ nẩy sinh sự đoan ” Triều đình Thanh biết người Nga giảo hoạt, không ngoài việc lợi dụng cơ hội hăm dọa để chiếm trọn vùng Hắc Long Giang, nên lựa lời từ chối ; E.V. Putiatine đến Thiên Tân, nhưng không vào được Bắc Kinh.

Nước Anh nghe tin E.V. Putiatine sắp đến Bắc Kinh, cảm thấy khẩn trương ; lúc biết được bị cự, thì có phần an ủi. Tháng 11, E. V. Putiatine đi xuống phía nam đến Hương Cảng, hội đàm với đại diện 3 nước Anh, Mỹ, Pháp. Viên Sứ giả Nga bàn với đại diện Mỹ rằng y có thể giúp điều giải tu sửa điều ước; riêng đối với Anh, Pháp thì bảo rằng giao thiệp với triều đình nhà Thanh cần gây áp lực, tốt nhất là mang chiến hạm đến Thiên Tân thị uy. Công sứ Anh Lord Elgin [Ngạch Nhĩ Kim] cho rằng ý kiến rất hợp, đợi khi giải quyết xong Quảng Châu sẽ mang quân lên phía bắc, hoan nghênh hợp đồng hành động, để dập tắt sự kiêu kỳ của triều Thanh. E. V. Putiatine tuy ý kiến nhất trí với Lord Elgin ; nhưng chính phủ Nga không chủ trương dùng binh, không phải có ý nương tay với Trung Quốc, mà chỉ muốn ngồi không hưởng lợi.



2. Chiếm cứ Quảng Châu



Hai nước Mỹ, Nga ủng hộ Anh về phương diện ngoại giao, nhưng chỉ riêng Anh Pháp hợp tác về mặt quân sự. Chính phủ Anh ban huấn lệnh cho Công sứ Lord Elgin phải rửa hờn cho những tổn thất của Anh, Pháp, cải sửa điều ước, vào thành Quảng Châu, đặt Sứ giả thường trực tại Bắc Kinh. Ðối với Ðặc sứ Baron Gros [Cát La], chính phủ Pháp ra huấn lệnh bắt bồi thường vụ án Tây Lâm [Xilin, Quảng Tây], bảo hộ các Giáo sĩ an toàn, còn các điều khác tương tự như đòi hỏi của nước Anh.

Vào tháng 11/1857 Lord Elgin, Baron Gros cùng Sứ gỉả Mỹ William B. Reed và Sứ gỉa Nga E. V. Putiatine tụ tập tại Hương Cảng. Nước Anh trước kia định đánh vùng Hoa bắc, nhưng sau đó đổi ý cho rằng cần đánh gục Quảng Ðông và Diệp Danh Sâm trước; nếu không triều đình nhà Thanh vẫn cho rằng dân Quảng Ðông có thể dựa khiến cho người Tây phương né sợ. Ngày 12/12 Lord Elgin, Baron Gros gửi thông điệp cho Diệp Danh Sâm hẹn trong 10 ngày phải sai người bàn về sửa điều ước, bồi thường tổn thất về vụ Á La và Tây Lâm ; chấp nhận Anh, Pháp tiến đóng phía nam sông.

Riêng Tổng đốc Diệp Danh Sâm, kể từ khi quân Anh rút ra khỏi sông không có điều gì xẩy ra, lại nghe tin bị thất bại tại Ấn Ðộ, nên tin rằng thế lực Anh cùng kiệt. Bởi vậy khi nhận được thông điệp của Anh, Pháp, vẫn coi thường như không có chuyện gì ; trả lời với người Anh rằng việc vào thành trước kia đã bãi bỏ, điều ước Nam Kinh chưa tiện sửa đổi ; về sự việc vào tháng 10 năm ngoái, quân Anh 3 lần đốt nhà của dân, nên không chấp nhận đóng quân phía nam sông, sợ phát sinh hấn khích. Ðối với Pháp thì phủ nhận việc xẩy ra tại Tây Lâm [Xilin, Quảng Tây], đòi y theo điều ước, Giáo sĩ không được vào nội địa truyền giáo, riêng việc người Pháp tổn thất tại Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Ðông] đáng do người Anh xử lý. Trong khi đang trả lời, thì liên quân Pháp Anh đổ bộ phía nam sông. Ngày 24/12 ra lệnh cho quân tại Quảng Châu phải rút ra trong 24 giờ. Diệp Danh Sâm tin lời mật báo của viên do thám Trương Ðồng Vân 2 làm việc trong sứ quán Anh, rằng sẽ không có biến cố ; nên không có phản ứng kịp thời như chiêu tập hương dõng phân tán, không chuẩn cho thân sĩ thương nghị với người Anh.

Ngày 28/12/1857 khoảng 4.000 quân Anh, Pháp tấn công thành ; quân trú phòng chống cự kịch liệt ; Pháp, Anh chết hơn 120 quân. Ngày thứ hai, thành Quảng Châu thất thủ, cướp bóc xẩy ra, ngân khố ty Bố chánh trử 22 vạn lượng bạc bị lấy hết. Tuần phủ Bách Quý sai thân sĩ là cựu Hàng thương đến xin hoà ; ngày 5/1/1858 Tổng đốc Diệp Danh Sâm bị bắt 3.

Với quân số không nhiều, lực lượng Anh, Pháp không thể kiểm soát nổi thành Quảng Châu, với dân số khoảng 1 triệu người, vốn có truyền thống hận thù chống đối quân Anh. Quân Anh, Pháp cướp phá gian dâm, hành động tàn bạo, lại càng tăng thêm lòng phẫn khích. Pháp, Anh bèn sử dụng chính sách dùng người Trung Quốc chế ngự Trung Quốc, giao cho Tuần phủ Bách Quý làm bù nhìn, binh khí của quân lính đều phải giao nạp ; do quân Anh, Pháp và người Trung Quốc tuần tiễu kê tra ; các pháo đài tại bờ sông cũng đều do quân Anh, Pháp chiếm lãnh. Lãnh sự Anh Harry Parkes [Ba Hạ Lễ] thực sự là kẻ thống trị thành Quảng Châu.

Sau khi Quảng Châu thất thủ khoảng một tháng trời, triều đình Bắc Kinh mới biết. Vua Hàm Phong cảm thấy lạ lùng, bèn cách chức Diệp Danh Sâm, sai Hoàng Tông Hán kế nhiệm ; một mặt mệnh Bạch Quý tìm đường để Anh, Pháp ra khỏi thành Quảng Châu ; một mặt mệnh thân sĩ khích lệ hương dõng đoàn luyện chuẩn bị vũ lực xua đuổi. Tháng 4/1858 có tin truyền đoàn luyện chuẩn bị tấn công, trong thành dân chúng tản cư hết, quân Anh, Pháp thường bị giết, mất tích, nên không dám ra khỏi thành. Hai vạn dân Hoa từ Áo Môn, Hương Cảng bỏ việc trở về quê ; tháng 6, quân Anh, Pháp tại ngoại thành bị phục kích đại bại, tháng 7 hương dõng tập kích mấy nơi. Anh, Pháp cố thủ trong thành ; phải tập hợp đội ngũ mới dám ra ngoài.


3. Tiến đánh Ðại Cô


Tháng 3 năm 1858, đại diện 4 nước cùng đến Thượng Hải [Shanghai, Giang Tô], lần lượt gửi chiếu hội cho Ðại học sĩ tại Bắc Kinh [Beijing] để biểu thị nhất trí. Các Công sứ Anh, Pháp, Lord Elgin [Ngạch Nhĩ Kim] và Baron Gros [Cát La] yêu cầu trước cuối tháng 3 gửi Toàn quyền đại thần đến Thượng Hải thương nghị, nếu không sẽ tiến quân. Qua chiếu hội, Ðặc sứ Mỹ William B. Reed trước hết thanh minh vẫn giữ trung lập đối với việc tranh chấp vũ lực giữa Anh Pháp và Trung Quốc ; nhưng với lời lẽ cường ngạnh trình bày những điều bất mãn giữa Trung, Mỹ trong mấy năm gần đây, cùng việc giao thiệp hữu hảo với Anh, Pháp ; đồng ý cải sửa điều ước. Ðại diện Nga E. V. Putiatine yêu cầu Sứ giả được vào kinh đô, gia tăng cửa khẩu, ngoài ra còn đề xuất vấn đề biên giới, lại nhấn mạnh nếu không theo lời yêu cầu của các nước thì Trung quốc có điều bất lợi. Triều đình Bắc Kinh mệnh Tổng đốc Lưỡng Giang Hà Quế Thanh phúc đáp rằng “ Thượng Hải không phải chỗ bàn về Di vụ, Trung Quốc sẽ có người liệu biện về Di vụ ” ; yêu cầu Anh, Pháp, Mỹ trở về Quảng Ðông [Guangdong], riêng về Nga thì theo lệ cũ mà lo liệu.

Lord Elgin và Baron Gros theo kế hoạch đã định, mang quân lên phương bắc ; E. V. Putiatine tán đồng, William B. Reed cũng góp ý không dùng võ lực khó có thể thu hiệu quả. Ðể chứng tỏ cho Thanh triều thấy sự quyết tâm, Lord Elgin không chờ đạo quân tại Hương Cảng [Hongkong] đến nơi, điều ngay quân hạm tại Thượng Hải tiến thẳng. Trung tuần tháng 4, bốn Sứ giả đến Ðại Cô [Taku, Thiên Tân] ; ngày 24/4 gửi chiếu hội cho Bắc Kinh, hẹn trong 6 ngày phái Toàn quyền đại thần đến đàm phán.

Trước khi 4 Sứ giả đến Ðại Cô, triều đình Bắc Kinh sai Thị lang Sùng Luân đến trước, dùng chính sách phân hoá, sắp xếp đàm phán riêng với Nga, Mỹ, để nhờ họ ràng buộc Anh, Pháp. E.V. Putiatine, Ðại diện Nga, cũng bằng lòng với cách này; ngõ ý với Đặc sứ Mỹ William B. Reed rằng Nga, Mỹ không tỏ thái độ kịch liệt với Trung Quốc có thể giúp Anh, Pháp thoả mãn mong muốn, lại gây cảm tình tốt với Trung Quốc, lợi ích của Nga Mỹ có thể đạt được. Trước tiên E. V. Putiatine đề xuất việc phân chia biên giới tại Hắc Long Giang [Heilongjiang] với Tổng đốc Trực Lệ Ðàm Ðình Tương, Ðàm không tin E. V. Putiatine, nên không bàn sâu việc này ; rồi quay sang tiếp kiến viên Ðặc sứ Mỹ William B. Reed. Viên Ðặc sứ biểu thị muốn giúp điều giải, nhưng qua hai lần hội nghị, cảm thấy thất vọng vì Anh, Pháp không cho là đúng. Rồi giao cho viên Phó sứ Samuel W. Williams [Vệ Tam Úy] tiếp tục đàm phán với viên Bố chánh Trực Lệ. Cuộc đàm phán đang diễn tiến thì được tin Anh, Pháp chuẩn bị tiến công, bèn cho ngừng lại để quan sát sự biến.

Ðàm Ðình Tương được lệnh triều đình báo tin cho Đại diện Anh, Pháp rằng Trung Quốc chấp thuận giảm thuế, tăng cửa khẩu buôn bán ; riêng việc Sứ giả vào kinh đô thì chờ cho sự việc tại Quảng Đông giải quyết xong sẽ bàn sau. Đàm mưu tìm cách đàm phán thêm với đại diện Anh, Pháp ; nhưng Lord Elgin và Baron Gros đều cho rằng Ðàm không phải là Toàn quyền đại thần, nên từ chối. Ðến ngày 30/4 đã mãn 6 ngày gửi chiếu hội, nhưng quân Anh chuẩn bị chưa xong, Lord Elgin và Baron Gros gặp Ðàm Kỳ Tương hứa tăng thêm 6 ngày nữa để gửi Toàn quyền đại thần tiện nghi hành sự đến ; nhưng Ðàm cho biết Trung Quốc từ trước tới nay không có chức vụ đó. E. V. Putiatine lại ra điều đình lần nữa, Ðàm biết rằng Nga, Mỹ cũng mong cho thành sự để chiếm phần tiện nghi, nên muốn cân nhắc lợi hại ước lượng nhượng bộ, nhưng triều đình Bắc Kinh không thuận.

Lord Elgin và Baron Gros dừng tại cửa khẩu Ðại Cô đã 5 tuần, mà chưa thành tựu việc gì. Tám giờ sáng ngày 20/5 đưa thông điệp cho Ðàm Ðình Tương hẹn trong 2 giờ phải giao nạp pháo đài Ðại Cô ; rồi không chờ phúc đáp, khai pháo công kích. Quân hạm Anh, Pháp 26 chiếc, quân lính hơn 2.600 người ; quân phòng thủ Trung Quốc khoảng 9.000 người, 30 cỗ pháo. Chiến tranh mở màn, Ðàm Ðình Tương lên kiệu tháo chạy, Tổng binh Thiên Tân nghe pháo cũng trốn ; quân phòng thủ chiến đấu 2 giờ, pháo đài bị hãm ; riêng Anh, Pháp thương vong không đến 30 người.


4. Minh ước tại Thiên Tân



Ðại Cô [Taku, Thiên Tân] không giữ được, cửa ngõ kinh đô mở toang, triều đình nhà Thanh kinh hãi vượt quá thời Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Ðông] thất thủ ; bèn tái yêu cầu Mỹ can thiệp dùm, hy vọng giữ được Thiên Tân trong cơn nguy cấp, rồi tiếp tục nghị hoà. Ngày 28/5 sai Ðại học sĩ Quế Lương, Thượng thư bộ Lại Hoa Sa Nạp đến Thiên Tân liệu biện. Trước cuộc chiến tại Ðại Cô, Lord Elgin và Baron Gros từ chối đàm phán với Ðàm Ðình Tương, vì Ðàm không có quyền tiện nghi hành sự. Quế Lương và Hoa Sa Nạp đều là nhất phẩm Ðại thần, nhưng không phải là “ nhất phẩm chủ trì Toàn quyền đại thần ” nên họ truyền lời rằng sẽ tiến quân vào kinh đô. Vua Hàm Phong bèn hứa cho hai người quyền tiện nghi hành sự ; cùng cử Kỳ Anh, viên quan phụ trách về điều ước Nam Kinh trước kia, hiệp đồng lo liệu. Lại lo Anh, Pháp không toại nguyện lòng tham, có thể tiến quân ; bèn sai danh tướng Tăng Cách Lâm Thấm làm Khâm sai đại thần, lo việc quân vụ cùng giới nghiêm kinh thành.

Ðối tượng chủ yếu cần giao thiệp là người Anh ; ngày 4/6 Hoa Sa Nạp gặp Lord Elgin, nhưng cuộc diện kiến chỉ xẩy ra trong vòng 15 phút rồi bị từ chối, vì Hoa không có sắc thư chứng nhận là Toàn quyền đại thần. Quế Lương và Hoa Sa Nạp kinh hãi, một mặt nhờ đại diện Nga, Mỹ đả thông, một mặt gặp viên Phiên dịch H. N. Lay [Lý Thái Quốc] xin chỉ giáo, H. N. Lay là nhân viên ty thuế vụ có quốc tịch Anh. Từ đó trở về sau cho đến khi điều ước được ký kết, Lord Elgin không ra mặt ; giao cho H. N. Lay đàm phán với Quế, Hoa. Ngày 6/6 H.N. Lay đến gặp, nói rằng phải đưa Sứ thần đến kinh đô trú trát, mới bàn điều ước tại Thiên Tân, nếu không thuận sẽ dùng binh ; lại tranh chấp kịch liệt về việc thông thương trên sông Trường Giang [Changjiang] và du lịch nội địa. Triều đình Thanh cho rằng người Anh xâm nhập vào đất gan ruột của Trung Quốc, sợ cấu kết với loạn đảng ; H. N. Lay bảo rằng nếu như không đáp ứng lời yêu cầu, thì người Anh sẽ làm theo ý muốn. Quế Lương “ mấy lần dùng lời nói khéo mở đường ”, nhưng H. N. Lay giận dữ bỏ đi. Quế Lương lại nhờ đại diện Nga, Mỹ đả thông giúp với Lord Elgin. Ngày 11/6 H. N. Lay cùng Thomas Wade [Uy Thoả Mã], một viên Phiên dịch khác, cùng đến ; với khí thế hung dữ, bảo rằng trong ngày hôm nay nếu không tuân theo “ sẽ mang quân tới kinh đô ”. Chiều hôm đó Quế Lương gửi chiếu hội cho Lord Elgin rằng thông thương trên sông Trường Giang và du lịch nội địa, đợi khi việc quân tại đó hoàn tất sẽ liệu biện ; binh phí giao cho Quảng Châu xử lý, việc Sứ thần đến kinh đô sẽ bàn sau ; riêng đại khái thừa nhận các việc không cấm truyền giáo, tầm nã giặc biển, sửa đổi điều ước, bàn định ngạch thuế.

Trong số Sứ giả 4 nước đàm phán tại Thiên Tân, E. V. Putiatine đạt được nguyện vọng, nhưng ít tốn sinh lực nhất. Ngày 6/6 Quế Lương nhờ E. V. Putiatine giúp ; viên này ngỏ lời nếu định điều ước cho Nga trước, thì sẽ thuyết phục Anh, Pháp để mọi việc xong xuôi. Trước sức ép của đại diện Anh H. N. Lay, Quế Lương không thể không nhờ ; hơn nữa những điều E. V. Putiatine yêu cầu như vãng lai chiếu hội, Sứ giả đến kinh đô thì trước kia đã có rồi. Ngày 13/6 Trung Nga điều ước ký xong, đương nhiên thuận lợi về phía Nga, trong điều ước có câu “ Từ nay trở về sau nếu nước Thanh có việc ưu đãi ngoại quốc thông thương, với những điều lợi ích ; thì không cần phải bàn thêm, sẽ biện lý thi hành cho nước Nga đúng như vậy ”. Ðược hưởng như vậy, nên đối với các chi tiết sự kiện khác, E. V. Putiatine không cần phải tranh luận nhiều.

Trong các thành viên tham dự đàm phán, Kỳ Anh không được may mắn. Trước kia y từng giữ chức Khâm sai đại thần và Tổng đốc Lưỡng Quảng, giao thiệp nhiều với người Anh, nên được dùng lại ; vì triều đình nghĩ rằng Kỳ Anh có tác dụng trong cuộc hội đàm. Không ngờ tại phòng hội, bị đại diện Anh là H. N. Lay và Thomas Wade chỉ trích trước mặt rằng căn cứ tài liệu tịch thu được tại Quảng Châu, có tờ tâu của Kỳ Anh, nội dung nhục mạ người Anh. Quế Lương và Hoa Sa Nạp thấy sự hiện diện của y trở ngại cho cuộc hoà đàm, nên khuyên trở về kinh đô. Rồi Kỳ Anh bị vua Hàm Phong kết tội vì trước kia liệu biện sai trái gây họa đến hiện tại, nên bắt phải tự tử.

Thuật lợi dụng thời cơ của Ðặc sứ Mỹ William B. Reed, cũng không thua đại diện Nga E.V. Putiatine. Ngày 7/6 cùng Quế Lương hội đàm, các khoản mục William đòi hỏi so với trước tăng lên ; Quế Lương muốn cho cuộc hội đàm với Mỹ kết thúc trước, nên không tranh luận nhiều. Ngày 18/6 điều ước ký kết, so với điều ước ký với Nga, ngoài trừ điều về biên giới, bao gồm tất cả các khoản khác, mà lại còn tường tế hơn. Về việc Sứ thần đến kinh đô, ghi rõ mỗi năm đến tạm trú một lần, nếu trong tương lai các nước đặt sứ quán thường trú, thì cũng y theo như vậy. Những tiết mục khác như vào sông Trường Giang buôn bán, du lịch, thì ghi “ đồng được hưởng đều ” với các nước khác. Ngoài ra còn kèm điều đặc thù “ Nếu nước khác tỏ ra tỏ ra bất công khinh thường, thì báo cho biết, ắt sẽ tương trợ để chứng tỏ tình hữu nghị ” ; điều này chứng tỏ Trung Quốc có cảm tình với Mỹ, và muốn phân biệt nước này với Âu Châu.

Cuộc hội đàm giữa Trung Quốc và Anh cho đến ngày 13/6, còn 1 điều chưa bàn xong là việc Sứ thần trú đóng tại kinh đô. Qua nhiều lần gây sức ép, cuối cùng triều đình Bắc Kinh chấp nhận sau khi giao hoàn Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Ðông] sẽ bàn kỹ chi tiết. Ngày 24/6 bọn H. N. Lay [Lý Thái Quốc] trao tay bản cảo điều ước cho Quế Lương, với lời rằng “ không những không thương lượng thêm, mà một chữ trong điều ước cũng không thay đổi ”. H. N. Lay vốn người gốc Hoa, thuộc châu Gia Ứng 4 tỉnh Quảng Ðông, mấy đời sinh sống tại ngoại quốc ; làm tham mưu cho Lord Elgin. Sau khi gặp Quế Lương, khiến dân Thiên Tân phẫn nộ, ẩu đả với người Anh và bắt sống H. N. Lay định giết ; Quế Lương sợ lỡ việc đàm phán, bèn sai người thả H. N. Lay ra. Bây giờ Quế Lương mới biết minh bạch rằng việc ký kết điều ước với Nga, Mỹ trước, để nhờ họ giúp là vô ích ; vì Nga, Mỹ đều một lòng với Anh.

Lúc 3 giời chiều ngày 26/6/1858 bọn H. N. Lay đến thúc dục ký điều ước không thể du di ; Quế Lương cùng các quan dưới quyền đến chùa Hải Quang chờ đón. Bọn Lord Elgin dùng 30 chiếc kiệu ; hộ tống bởi 5, 6 trăm quân, áo giáp đồng màu, vũ khí cầm tay “ âm nhạc diễn hành, chật cả khu chùa ”. Ðiều ước ký kết dưới ánh sáng của đao kiếm ; ký xong Quế Lương mời rượu. Lord Elgin cùng tuỳ tùng đứng dậy, chúc mừng “ chén thứ nhất chúc Ðại hoàng đế vạn thọ vô cương ”, “ chén thứ hai nguyện quan Khâm sai vĩnh giữ bình an”, “ chén thứ ba nguyện hai nước vạn năm hoà hảo ”. Riêng Quế Lương lúc trở về chỗ nghỉ thì “ ôm hận vạn mối, suốt đêm ngủ không yên ! ”.

Ðiều ước giữa Trung quốc và Anh, thông thường được gọi là Thiên Tân điều ước, toàn văn có 56 điều. Người Anh chủ trương độc nhất vô nhị, chỉ căn cứ duy nhất vào bản Anh văn, không thêm bớt một chữ ; điều ước có những điểm chính yếu như sau :

- Thứ nhất liên quan đến quốc gia giao thiệp : Trung Anh cùng gửi Khâm sai đại thần, phân biệt thường trú tại hai nước. Khâm sai Anh dùng lễ tiết Thái Tây yết kiến đại Thanh Hoàng đế ; cùng y theo lệ Thái Tây ưu đãi người của nước này và tùy tùng. Ðại Thanh Hoàng đế chọn một viên Ðại học sĩ, giao dịch tiếp xúc với Ðại Anh Khâm sai, nước Ðại Anh cũng tuân theo lệ trên, ưu đãi Ðại Thanh Khâm sai.

- Thứ hai liên quan đến Trung Quốc khai phóng : người Anh có thể đến nội địa du lịch thông thương. Tại sông Trường Giang từ Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] hạ nguồn, chọn 3 chỗ ; vùng duyên hải mở thêm 5 cửa khẩu Ngưu Trang [Niuzhuang] tại Phụng Thiên, Ðăng Châu [Dengzhou] thuộc Sơn Ðông, Ðài Loan [Taiwan] thuộc Phúc Kiến, Triều Châu [Chaozhou], Quỳnh Châu [Quiongzhou] thuộc Quảng Ðông.

- Thứ ba liên quan đến lãnh sự tài phán : phàm án kiện của người Anh do quan Anh xét xử.

- Thứ tư liên quan đến thuế : sẽ có thương nghị riêng tại Thượng Hải, từ nay trở về sau thuế tắc 10 năm sửa đổi một lần, thuế xuất khẩu đánh 2,5 % trên giá hàng, và chỉ chịu thuế một lần.

- Thứ năm : bảo hộ truyền giáo.

- Thứ sáu : nước Anh được đãi ngộ tối huệ quốc.

- Thứ bảy : văn thư điều ước lấy Anh văn làm chuẩn, từ nay trở về sau đối với quan dân người Anh, không được dùng chữ “ Di ”.

- Thứ tám : đặt phép tiêu trừ cướp biển.

- Thứ chín :  một năm một lần, trao đổi điều ước tại Bắc Kinh.

- Thứ mười : bồi thường tổn thất 200 vạn lượng, binh phí 200 vạn lượng ; trao xong mới giao hoàn Quảng Châu.

Sau khi Trung Anh ký điều ước một ngày, thì Pháp ký kết ; nhưng thực sự Pháp Trung đã bàn định xong trước ; ngày 15/6 chính thức đàm phán, 23/6 kết thúc. Về Sứ thần đến kinh đô và lãnh sự tài phán, giống như điều ước Trung Mỹ. Thông thương trên sông Trường Giang chọn 1 chỗ, Nam Kinh [Nanjing, Giang Tô] ; dọc theo bờ biển gồm : Ðài Loan, Quỳnh Châu, Triều Châu, Ðăng Châu, Ðạm Thủy [Danshui, Ðài Loan]. Về thuế, 7 năm sửa đổi một lần ; Giáo sĩ được tự do vào nội địa truyền giáo, “ quan địa phương hậu đãi bảo hộ ”. Riêng phần bổ túc, ngoài việc trừng trị Tri huyện Tây Lâm [Xilin, Quảng Tây], phải bồi thường cho người Pháp về tổn thất và binh phí 200 vạn lượng, nạp xong mới giao hoàn Quảng Châu.

Sau khi điều ước ký xong, Lord Elgin sợ triều đình Thanh phản đối, cẩn thận đòi hỏi phải có lời châu phê “ Y nghị ” hoặc “ Câu chiếu sở nghị biện lý ”, nếu không coi như chưa ký ; ngày 3/7 vua Hàm Phong gửi chiếu thi hành. Ngày 6/7 Lord Elgin rời Thiên Tân, các Sứ giả Nga, Mỹ, Pháp cũng đều từ giã ; ngày 17/7 liên quân Anh, Pháp nhổ neo.



5. Thương ước tại Thượng Hải


Trong thời gian đàm phán tại Thiên Tân, triều đình nhà Thanh nhận ra những điều tối di hại, gồm : trú sứ tại Bắc Kinh, thông thương trên sông Trường Giang, du lịch nội địa. Quế Lương chấp nhận thông thương, du lịch để tránh xung khắc quyết liệt ; triều đình đành miễn cưỡng chấp thuận. Riêng việc cho Sứ gỉa trú tại kinh đô thì cương quyết khước từ vì sợ ngoại quốc dòm ngó nội tình kinh đô, che chở cho gian dân, thậm chí gây nên mối họa sát nạch. Nhưng cuối cùng Quế Lương đáp ứng, với lý do “ Bọn Di muốn trú tại kinh đô, thứ nhất để khoe khoang với các nước khác, thứ hai muốn gần để tiện tâu lên, chứ không phải có âm mưu nguy hiểm… Xem về việc họ chịu trả Quảng Châu, biết rằng không có dã tâm chiếm đất… Nay bàn cho một năm mới đến, lại không mang quân, với số lượng vài chục người thì chỉ như Sứ thần Cao Ly mà thôi… Vả lại chúng mang gia đình đến, cũng giống như hồi xưa làm con tin, nếu phòng giữ nghiêm, thì câu thúc cũng dễ.” Vua Hàm Phong cho rằng việc Sứ thần đến kinh đô chỉ xẩy ra sau một năm, bây giờ tạm thời phô diễn trên giấy tờ, chờ lấy lại đất rồi sẽ tính sau.

Chiếu theo điều ước Thiên Tân, về thuế khoá, được bàn tại Thượng Hải. Vua Hàm Phong vẫn sai Quế Lương, Hoa Sa Nạp, cùng với Tổng đốc Lưỡng Giang liệu biện. Ý vua Hàm Phong muốn nhân hội đàm Thượng Hải, tìm cách thay đổi các điều : trú sứ tại Bắc Kinh, thông thương trên sông Trường Giang, du lịch nội địa, bồi thường binh phí ; đặc biệt hai điều nêu lên đầu lại càng ưu tiên. Bọn Quế Lương tâu rằng không nên như vậy ; ví đây là hội đàm về thuế, nếu lợi dụng để đòi sửa đổi điều ước mới ký, sợ bị cho là thất tín, rồi gây nên sóng gió.

Bước vào buổi họp phía Anh nêu lên việc đoàn luyện tại tỉnh Quảng Ðông chống quân Anh, Pháp không ngừng, Lord Elgin yêu cầu cách chức Tổng đốc Hoàng Tông Hán, tiêu trừ quyền lực của các thân sĩ. Quế Lương hứa thông báo Hoàng Tông Hán dừng quân, rồi không lâu Hoàng bị triệt chức.

Còn về việc buôn bán muối ăn trên sông Trường Giang, thương nhân người Anh hy vọng lãnh việc này. Tuy nhiên phía Trung Quốc nêu lên số muối từ Lưỡng Hoài 5 bán cho các tỉnh dọc hai bên bờ sông Trường Giang, hàng năm thu thuế được mấy ngàn vạn lượng, nuôi sống vô số người liên quan đến buôn bán, nếu người Anh đoạt đi, thì dân buôn điêu linh, thất nghiệp. Hai bên tranh cải hơn 10 ngày, cuối cùng phía Anh chấp nhận cấm buôn muối.

Ngày 6/11/1858 Trung Anh thống nhất đánh thuế thuốc phiện, nhưng gọi là “ Dương dược ”, cứ rương 100 cân, thuế 30 lượng bạc. Ngày 8/11 Trung Anh và Trung Mỹ ký điều ước thông thương thuế tắc, hàng nhập khẩu vẫn y theo cũ thuế 5 % ; xuất khẩu trà, tơ vẫn y theo cũ. Sau lúc ký xong, cùng ngày Lord Elgin đi ngược sông Trường Giang, chuẩn bị sớm khai thông các cửa khẩu, đến tháng giêng năm sau [1859] lại trở về Thượng Hải. Rồi từ Thượng Hải Lord đến Quảng Ðông để đối phó với đoàn luyện, sau đó từ Hồng Kông trở về nước.



6. Nước Nga tái xâm lấn phía đông


Sau điều ước Ni Bố Sở [1689], nước Nga vẫn không quên Viễn Đông. Chiến tranh với Napoléon [Nã Phá Luân] kết thúc [1813], địa vị của Nga trên trường quốc tế tăng cao, muốn bành trướng tại ngoại quốc, đặc biệt đối với Trung Quốc.

Thời Nicholas thứ nhất [1825-1855] mới lên ngôi, từng sai Giáo sĩ đến Bắc Kinh hoạt động trinh sát ; cùng sai người xuống khu vực hạ lưu sông Hắc Long Giang [Heilongjiang] thăm dò. Giai đoạn chiến tranh nha phiến tại Trung Quốc, tiến hành mạnh hơn. Năm 1847 cử Nikolai Muraviev [Mộc Lý Phỉ Nhạc Bức], một quân nhân trẻ tuổi, làm Tổng đốc Tây Bá Lợi Á, tiếp tục phát động xâm lược. Có người bảo rằng tính cách của Nikolai có hai điểm không tương dung : vừa là một người chủ trương tự do dân chủ, vừa là một nhà độc tài hung hãn. Như đối với Trung Quốc thì miệng nói là bạn tốt, nhưng hành động thì cưỡng đoạt.

Kế sách của Nikolai lúc bấy giờ là liên kết với Mỹ, phòng ngừa Anh ; bảo hộ các vùng Mãn, Mông, Hoa Bắc. Năm 1850, Nga cưỡng chiếm vùng cửa khẩu Hắc Long Giang. Năm 1853 chính thức yêu cầu hoạch định biên giới Trung Nga và chuẩn cho thuyền Nga lên vùng thượng du buôn bán. Thanh triều cự tuyệt thông thương tại cửa biển, nhưng hứa sẽ tra khám biên giới.

Cũng vào mùa đông năm 1853, chiến tranh giữa Nga và Anh Pháp bùng nổ ; Nikolai xin tăng quân tại Viễn Ðông, chiếm lãnh cửa khẩu Hắc Long Giang và vùng phụ cận. Năm 1854 khi cuộc chiến bạo phát, Nikolai một mặt thông báo với Bắc Kinh, một mặt mang hạm đội hơn 70 chiếc từ Ni Bố Sở xuôi dòng Hắc Long Giang ; tháng 6 đoàn thuyền đến thành Viện Hồn [Heihe, Hắc Long Giang] bị cản trở ; y trả lời “ Nhân các đảo phía đông bị Anh xâm chiếm, nếu không cho đi không giữ được hoà khí ” ; Phó đô thống tại Viện Hồn sợ gây tranh chấp nên cho đi. Tháng 5/1855 Nikolai lại đưa lời rằng quân Anh sắp đến vùng Thái Bình Dương, cần phải mang nhiều binh thuyền đến phương đông. Lợi dụng tâm lý chống Anh của Trung Quốc, cuối mùa hè năm đó quân Nga mang hàng trăm chiếc thuyền, chở trên 2.000 nam nữ xuôi dòng Hắc Long Giang mà không bị cản trở.

Qua những lần thuyền bè qua lại, Nga cố tình hợp pháp hoá việc hàng hành trên sông Hắc Long Giang, vùng hạ lưu dòng sông này vốn nằm trong lãnh thổ Trung Quốc. Tháng 5 /1858 Nikolai đến thành Viên Hồn [Heihe, Hắc Long Giang] đàm phán với Hầu tước Dịch Sơn vừa mới đến nơi ; bảo rằng nước Nga hàng hành xuống Hắc Long Giang [Heilongjiang river] nhắm giúp Trung Quốc chống lại Anh ; yêu cầu đem vùng đất phía bắc sông cho Nga quản lãnh ; còn phía đông sông Ðiểu Tô Lý [Ussuri river], một nửa thuộc Trung Quốc, một nửa thuộc Nga. Dịch Sơn trả lời biên giới vốn được quy định từ Hưng Yên lãnh cho đến biển ; Nikolai đáp lời rằng chưa từng nghe điều này. Ngày hôm sau Nikolai đưa một bản cảo điều ước bằng chữ Nga, mà Trung quốc cho là giả mạo, rồi trở về thuyền gấp, còn trách phía Trung Quốc vi phạm Ni Bố Sở điều ước. Ngày 26 lại tiếp tục đàm phán, Nikolai vẫn kiên trì lấy sông làm biên giới. Sau khi bị phản đối “ họ Mộc (Nikolai) đột nhiên giận dữ, cử chỉ cuồng nộ la hét, cầm bản thảo bằng chữ Di mang đi, không có lời từ giã ”. Ðêm hôm đó, quân Nga tại thuyền bắn súng liên hồi ; Dịch Sơn sợ mất mật, bèn cấp tốc sai người đề nghị khẩn bàn ; Nikolai hẹn ngày hôm sau đến ký điều ước. Ngày 28/5/1858 điều ước Viên Hồn ký kết, có thể nói từ khi có lịch sử đến nay, đây là lúc Trung Quốc bị mất đất nhiều nhất. Ðiều ước nội dung từ tả ngạn Hắc Long giang, Hỗn Ðồng giang thuộc lãnh thổ Nga, hữu ngạn Thuận Giang đến Ðiểu Tô Lý giang thuộc Trung Quốc, từ Ðiểu Tô Lý giang đến biển là đất Trung Nga cùng quản lý. Sau khi điều ước Viên Hồn ký kết được 16 ngày ; tại Thiên Tân, đại diện Nga E. V. Putiatine ký kết với Trung Quốc điều ước Thiên Tân, lại dành cho Nga thêm nhiều quyền lợi. (Còn tiếp)

Hồ Bạch Thảo









1 Chiến tranh tại vùng bán đảo Crimea giữa Nga và các nước liên minh như Anh, Pháp.

2 Trương Ðồng Vân : tên thật là Hoàng Trung Dư, người đất Tân Hội [Xinhui, Quảng Ðông] dạy học trong Sứ quán Anh và giúp soạn văn thư ; được Tổng đốc Diệp Danh Sâm dùng làm do thám.

3 Diệp Danh Sâm tin vào bói toán, việc quân cơ tiến dừng dựa vào hai tiên Lữ Ðồng Tân và Lý Thái Bạch. Trước khi Anh Pháp tấn công, Diệp tiên đoán ngày 30/12 sẽ kết liễu ; sau khi thành phá còn nói ngày 9/1 sẽ vô sự. Thân sĩ xin giảng hoá, Diệp nói điều gì cũng được nhưng không hứa cho vào thành. Lúc quân Anh áp giải ra khỏi Quảng Châu, Diệp còn mang theo sách Lữ Tổ Kinh của Lữ Ðồng Tân. Ðến tháng 4 năm sau vị Khâm sai đại thần, Tổng đốc Lưỡng Quảng, chủ trương “ không đánh, không hoà, không giữ, không chết, không hàng, không chạy ” tự cho là “ Tô Vũ trên biển ” mất tại Calcutta, Ấn Ðộ.

4 Châu Gia Ứng nay thuộc Mai Châu thị [Meizhou], tỉnh Quảng Ðông.

5 Lưỡng Hoài : vùng đất phía bắc sông Trường Giang và tỉnh Giang Tô ; đời Tống gọi là Hoài Ðông, Hoài Tây, sau hợp thành Lưỡng Hoài.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss