Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Thế Lữ Và Tự Lực Văn Đoàn

Thế Lữ Và Tự Lực Văn Đoàn

- Phạm Thảo Nguyên — published 24/07/2013 09:45, cập nhật lần cuối 09/07/2017 10:34


Thế Lữ Và Tự Lực Văn Đoàn


Phạm Thảo Nguyên



Thế Lữ tên thật là Nguyễn Đình Lễ, cũng là Nguyễn Thứ Lễ.

Thứ Lễ nói lái thành Thế Lữ: Người khách phiêu du trên trần thế.

Ông cũng dùng bút hiệu Lê Ta, vì Lễ = Lê ngã, Ngã chữ nho là “ta”.

Đôi khi ông lấy tên Lê Tây để đùa.

Có một câu thách đối dùng bốn tên của ông, chưa ai đối được, đó là:

Thế Lữ mừng xuân hai thứ lễ
Một quả lê tây, một quả lê ta.

Thế Lữ sinh ngày 6-10-1907, ở Thái Hà Ấp, Hà Nội. Lớn lên ở Lạng Sơn với bà nội và u, vợ chính thức của bố. Trong khi mẹ ở xa, bố cũng đi xa làm việc, nên lúc nào cũng nhớ mong. Tỉnh Lạng Sơn là nơi rừng núi âm u, nhiều sắc dân miền núi, nhiều chuyện ma rùng rợn, người lớn hay kể doạ trẻ con. Khi còn nhỏ gia đình cho đi học chữ Nho, chú bé Lễ sợ đòn của thầy đồ nên trốn học, bị thầy cho người đi tìm về, hoảng hốt cưỡng lại, bị trói treo lên đòn gánh, gánh về, nên càng sợ. Vì vậy suốt thời thơ ấu, Thế Lữ luôn cảm thấy rất mãnh liệt Nhớ Thương và Sợ.

Năm 10 tuổi, được về Hải Phòng sống với mẹ. Bắt đầu đi học trường Pháp Việt.

17 tuổi, mẹ lấy vợ cho, đó là cô Nguyễn thị Khương, 19 tuổi người Hà Nam.

1929 xin thôi học, lên Hà Nội lần thứ nhất, vào học trường Mỹ Thuật, được một năm rồi bỏ, vì không chịu được ông thầy Pháp thực dân, và nhất là ý muốn viết văn. Hồi này Thế Lữ viết Một cuộc báo thù ghê gớm, Tiếng hú hồn của mụ Ké, Tiếng nói thầm của người chết do những xúc động khi ở Lạng Sơn. Ông dịch Những người khốn khổ (Les Miserables) của Victor Hugo, … có nhiều bạn thân như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc, Vũ Đình Liên, Ngô Bích San,... Cùng các bạn, đọc thơ văn mới làm, như một “salon văn chương” nhỏ, được các bạn nể trọng. Ra cuốn sách đầu tiên Một chuyện báo thù, ký tên Nguyễn Thế Lữ, rồi cuốn truyện ngắn thứ hai Tiếng Hú Hồn.

1930 về Hải Phòng luyện chí. Chuyên chú làm thơ, viết văn. Những bài thơ đầu tiên là: Lời than thở của nàng Mỹ thuật, Lựa tiếng đàn,.. Ông bị bệnh lao, ra Đồ Sơn ở chữa bệnh hai năm. Về Hải Phòng, nhớ lại chuyến đi thăm chùa Hang ở Đồ Sơn, viết Vàng và Máu.

1932 khỏi bệnh, trở lại Hà Nội lần thứ hai, Thế Lữ làm việc sửa bản in cho một nhà in tư. Ông sống cùng các bạn, chia sớt công việc, truyền cho nhau những sách hay, những sáng tác mới.

Cũng năm đó, Phong Hoá của nhóm Nguyễn Tường Tam ra đời, Thế Lữ có cảm tình ngay với tờ báo có chất lượng, có giá trị và phương hướng rõ ràng này, muốn hợp tác.


Những tiếp xúc ban đầu của Thế Lữ với báo Phong Hoá :


Thoạt đầu ngay từ khi còn ở Hải Phòng, như có nhân duyên từ trước với Phong Hoá, Thế Lữ dự cuộc thi vui cười, gửi bài có tiêu đề Cải Chính cho Phong Hoá số #23, ngày 25/11/1932 : ký tên N.Đ.L (Nguyễn đình Lễ) (1). Bài này được giải nhất. Câu chuyện vui nhỏ này phô bầy, chế giễu cái ác, có ẩn ý để sửa đổi. Sau đó Thế Lữ gửi tiếp các bài viết. Bài đầu tiên là: Thây Ma Xuống Thang Gác, đăng trên Phong Hoá số #27, 23/12/1932, ký tên Thế Lữ. Từ đó bài nào gửi tới cũng được Phong Hoá đăng ngay. Bài thơ đầu tiên lên báo là : Con Người Vơ Vẩn. Phong Hoá số Tết 1933.

Về phía báo Phong Hoá, ngay từ 1932, Nhất Linh đã « rất quan tâm đến 2 truyệnMột Đêm Trăng và Vàng và Máu (đăng trên Ngọ Báo) cũng như tác giả của hai tuyện này », đã « đặc biệt chú ý đến ý tưởng và ngòi bút mới mẻ ». Và dự định « muốn kết nạp cho được, chắc chắn không khó khăn » (2) (theo Phạm Thế Ngữ, Saigon, 1965).

Thế rồi, Thế Lữ đến gặp Tú Mỡ tại nhà riêng ở phố Hàng Hòm. Đó là « một cuộc gập gỡ rất lý thú »(pittoresque). Việc này làm ông không ngần ngại tới thăm toà báo.

Một lần, Thế Lữ đến Phong Hoá, số 80 Quan Thánh gập Nhất Linh, Thạch Lam, rồi Khái Hưng từ trên gác xuống và Hoàng Đạo đi làm về ghé qua. Thế Lữ mang bốn bài thơ mới làm ở Đồ Sơn ra đọc, đó là: Tiếng sáo thiên thai, Tiếng gọi bên sông, Lời than thở của nàng Mỹ Thuật Lựa tiếng đàn. Vừa đọc xong, người đầu tiên reo lên là Khái Hưng: « Lamartine của Việt Nam! ». Còn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam thì thấy: « Xúc cảm còn mạnh hơn đọc bản tiếng Pháp của Lamartine »(3). Cuộc nói chuyện tiếp theo giữa những người có cùng quan niệm văn học, cùng lý tưởng, như cá gập nước. Không lâu, Thế Lữ gia nhập ban biên tập báo Phong Hoá, với khả năng đa dạng, niềm say mê văn chương, sức làm việc hăng hái, ông mau chóng trở thành một trong những thành viên trụ cột.


Chúng ta không biết ngày nào Thế Lữ gia nhập Phong Hoá, tuy nhiên ngày đó phải:

1/ Sau Phong Hoá số #54 (7/7/1933). Tại Sao ? Vì tờ Phong hoá số 54 có đăng bài « Nguyễn Thế Lữ một nhân vật mới trong làng thơ mới » của Nhất Linh, rất khen ngợi thơ Thế Lữ. Bài phê bình này, bị các báo thời đó cáo buộc là Nhất Linh khen « người nhà ». Nhưng cáo buộc sai, vì sự thực, lúc đó Thế Lữ chưa là thành viên của Phong Hoá, tuy đã có nhiều bài đăng trên Phong Hoá rồi.

Với bài viết này, đúng là Nhất Linh đang chờ đón kết nạp Thế Lữ. Và Khái Hưng cũng tỏ ý đó trong bài Tựa Vàng Và Máu, như sau:

Tôi vẫn mong mỏi sẽ có một nhà văn dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông để gây một lối văn viết theo óc khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn Tàu. Nhà văn đó ngày nay đã có, chính là bạn Nguyễn Thế Lữ, thi sĩ trong Tự Lực Văn Đoàn.”

2/ Ngày Thế Lữ gia nhập Phong Hoá phải trước khi Tự Lực Văn Đoàn thành lập, dĩ nhiên, Thế Lữ là một trong 6 người sáng lập.

Nhưng ngày thành lập văn đoàn cũng là một ẩn số, hiện nay không ai biết đích xác. Vì Tự Lực Văn Đoàn không bao giờ tuyên bố ngày thành lập.Tuy nhiên chúng ta có thể căn cứ trên sự kiện tiếp theo rất gần đó, là ngày nhóm chữ « Tự Lực Văn Đoàn » xuất hiện trên báo.

May thay, anh Hà Dương Tuấn, ở Pháp, đã tìm ra nhóm chữ này trong hai khung quảng cáo tiểu thuyết đầu tiên của văn đoàn Tự Lực: Hồn Bướm Mơ Tiên và Vàng Và Máu trong tờ PH số #56, ra ngày 21/7/1933.


hinh-1

hinh-2


Tóm lại, khoảng thời gian 14 ngày từ 7/7/33, tới 21/7/33, có 2 sự kiện xảy ra : Thế Lữ gia nhập toà soạn báo Phong Hoá và Tự Lực Văn Đoàn thành lập.

Từ đó ta có thể kết thúc gọn mà không sợ sai: 

Tự Lực Văn Đoàn được thành lập vào trung tuần tháng 7 năm 1933.

Với sáu thành viên Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam,Tú Mỡ và Thế Lữ. Năm 1938, văn đoàn nhận thêm người thứ bẩy là Thi sĩ Xuân Diệu.


Các danh sĩ Tự Lực Văn Đoàn và những người cộng sự đầy tài năng đã làm việc hết sức mình, hết lòng mình cho văn học, cho văn hoá Việt Nam trong suốt 8 năm trời. Đã tạo nên một cuộc cách mạng chữ nghĩa, một kho tàng văn hoá vô tiền khoáng hậu. Hậu thế chúng ta mãi mãi ghi ơn:

« Cái thuở ban đầu Phong Hoá ấy »
« Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên ».


Phạm Thảo Nguyên,
2013



Thư mục


(1) Thế Lữ, Đề cương hồi ký, báo Văn Nghệ,số 22, 1992. Lại Nguyên Ân sưu tầm

(2) Phạm Thế Ngữ , Việt Nam văn-học-sử, Giản ước tân biên, Saigon, 1965.

(3) Nguyễn thị Minh Thái, Đối thoại mới với văn chương, HN 1999.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss