Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tưởng Giới Thạch lãnh đạo / Tưởng Giới Thạch lãnh đạo (2)

Tưởng Giới Thạch lãnh đạo (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 28/01/2015 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 2 : Quân dân cách mệnh bắc phạt [1926-1927]


Tưởng Giới Thạch lãnh đạo


Hồ Bạch Thảo


Chương 2

Quân dân cách mệnh bắc phạt
[1926-1927]


uong

Uông Triệu Minh [Tinh Vệ]

NGUỒN : wikipedia



1. Tiến công vào các tỉnh miền trung Trung Quốc


Trong khi Quốc dân đảng bình định xong Quảng Đông, Quảng Tây ; chính là lúc quân phiệt Trực hệ [Ngô Bội Phu], Phụng hệ [Trương Tác Lâm] liên kết đánh Quốc dân quân của phe Phùng Ngọc Tường. Tưởng Giới Thạch ước tính vận mệnh của phe quân phiệt không lâu, trong 3 năm có thể hoàn thành thống nhất. Sau biến cố Trung Sơn hạm, Tưởng nắm toàn quyền, Nga Xô vẫn tiếp tục chi trì ; chính có thể lợi dụng đối ngoại phát triển, để tiêu trừ mâu thuẫn bên trong ; ngoài ra tình trạng nội biến tại Hồ Nam cũng có thể thừa cơ. Lúc bấy giờ Sư đoàn trưởng Đường Sinh Trí đóng tại phía nam tỉnh Hồ Nam, muốn giành chức Tỉnh trưởng của Triệu Hằng Dịch, bèn quay sang Quảng Đông, Quảng Tây xin quân. Tưởng định chiến lược lúc đầu, một mặt liên lạc với Quốc dân quân của Phùng Ngọc Tường, và Diêm Tích Sơn tại Sơn Tây để chế ngự Phụng quân của Trương Tác Lâm ; mặt thứ hai, liên lạc với quân Quý Châu, Tứ Xuyên nhắm khiên chế Ngô Bội Phu tại Hồ Bắc và quân Vân Nam của Đường Kế Nghiêu ; mặt thứ 3 trung lập các tỉnh Giang Tây, Chiết Giang của Tôn Truyền Phương, để cho địch khỏi dùng. Mặt thứ 4, cũng là nỗ lực chính, lợi dụng lúc Quốc dân quân chưa bị tiêu diệt, thế lực của Ngô Bội Phu chưa đủ sung túc, bèn động viên binh lực 8 vạn, dự trù đủ 2 tháng quân lương với 500 vạn nguyên, hẹn trong vòng 3 tháng chiếm cho được Vũ Hán [Wuhan, Hồ Bắc].

Quốc dân đảng trung ương uỷ viên hội, sau khi chỉnh lý đảng vụ 4 ngày ; vào ngày 21/5/1926 lại thông qua đề án bắc phạt. Ngày 5/6 Quốc dân chính phủ chỉ định Tưởng Giới Thạch làm Tổng tư lệnh Quốc dân cách mệnh quân ; ngày 2/7 ban bố lệnh động viên bắc phạt. Ngày mồng 9, Tưởng làm lễ thệ sư, thanh ngôn 3 điều : thứ nhất, sẽ cùng đế quốc chủ nghĩa và quân phiệt quyết chiến, không điều hoà ; thứ hai, mưu cầu quân nhân toàn quốc nhất trí cộng đồng cách mệnh, sớm thực hiện Tam dân chủ nghĩa ; thứ ba, quân cách mệnh và nhân dân kết hợp thành quân đội của nhân dân, để nhân dân toàn quốc cùng đảm đương nhiệm vụ cách mệnh. Buổi thệ sư, khí thế rất hùng tráng, ý nghĩa mới mẻ.

Quân bắc phạt chia làm 3 lộ : Lộ thứ nhất gồm đệ nhất, đệ tứ, đệ thất quân ; mỗi đơn vị khoảng nửa số, tổng cộng 3 vạn ; phối hợp với đệ bát quân của Đường Sinh Trí mới biên chế 2 vạn người ; nhiệm vụ chủ công. Lộ thứ hai gồm đệ nhị, đệ tam, đệ lục quân, ước 3 vạn, hướng Giang Tây, nhiệm vụ yểm trợ. Lộ thứ ba, gồm một nửa đệ nhất quân, do Hà Ứng Khâm chỉ huy, phòng bị phía đông Quảng Đông, đợi thời cơ đánh Phúc Kiến. Lý Tế Thâm dùng một nữa đệ tứ quân, cùng đệ ngũ quân giữ Quảng Châu.

Các quân Quân trưởng cùng Cố vấn Nga Xô, liệt kê như sau :

– Đệ nhất quân, thành phần nòng cốt từ Giáo đạo đoàn Hoàng Phố, có 4 sư ; lúc đầu Tưởng Giới Thạch làm Quân trưởng, sau đó Hà Ứng Khâm thay thế ; Cố vấn A. Z. Cherapanov.

– Đệ nhị quân, có 3 sư, do quân Hồ Nam biên thành, Quân trưởng Đàm Diên Khải, Cố vấn Z. Y. Zenek.

– Đệ tam quân, có 3 sư, do quân Vân Nam biên thành, Quân trưởng Chu Bồi Đức, Cố vấn F. G. Matseylik.

– Đệ tứ quân, có 4 sư, do quân Quảng Đông biên thành, Quân trưởng Lý Tế Thâm, Cố vấn V. Gorev.

– Đệ ngũ quân, có 2 sư, quân Quảng Đông biên thành, Quân trưởng Lý Phúc Lâm, Cố vấn Lunev.

– Đệ Lục Quân, có 3 sư, phần lớn quân Hồ Nam biên thành, Quân trưởng Trình Tiềm, Cố vấn Z.Konchits.

– Đệ thất quân, có 6 sư, do quân Quảng Tây biên thành, Quân trưởng Lý Tông Nhân, Cố vấn Z. K. Mamaiv.

– Đệ bát quân, do quân Hồ Nam mới biên chế trước khi bắc phạt, có 4 sư, Quân trưởng Hứa Sùng Trí, Cố vấn F. L. Olshevsky.

Mục đích đầu tiên của hành quân bắc phạt là đánh chiếm Hồ Nam, Hồ Bắc. Quân của Đường Sinh Trí được sự yểm trợ của đệ nhất, đệ tứ, đệ thất quân ; ngày 11/7/1926 khắc phục Trường Sa [Changsha, Hồ Nam], rồi dừng lại để đợi quân đến tiếp. Ngày 27/7 Tưởng Giới Thạch, cùng Tham mưu trưởng Bạch Sùng Hy, Cố vấn Poliak, rời Quảng Châu lên phía bắc ; vùng giao giới hai tỉnh Quảng Đông, Hồ Nam gập ghềnh, đường hành quân gian nan vất vả. Nhưng các công nhân bãi công tại Hương Cảng sung vào đội tiếp vận, trên đường phục vụ chuyển lương thực vũ khí, dọc đường nông dân hăng hái giúp đỡ. Tưởng có nhận xét rằng sau khi tiến vào đất Hồ Nam “ Dọc đường dân chúng hoan nghênh… hiệp hội nông dân tổ chức rất chỉnh tề ; sau này cách mệnh thành công, tỉnh Hồ Nam đáng đứng vào đệ nhất ”. Vào ngày 11/8 bộ chỉ huy đến Trường Sa, lại có nhận xét thêm “ Cảm thấy lòng dân mạnh, tình thần cách mệnh nồng hậu khẩn trương ; chưa đến đất này thấy muôn vàn khó khăn, đến nơi rồi mọi khó khăn biến đi hết.” Những hiện tượng này, cố nhiên do Trung cộng hoạt động trong nông thôn mấy năm gần đây, cùng công lao tuyên truyền về chính trị ; nhưng cũng do nhân dân từ lâu bị cực khổ vì quân phiệt, nay gặp quân cách mệnh như đại hạn gặp mưa ; đây chính là nhân tố chiến thắng của quân cách mệnh ; các tỉnh khác cũng cùng chung tình trạng như vậy.

Đầu tháng 8, các Tướng lãnh tại Tứ Xuyên, Quý Châu rầm rộ đến quy phụ ; ngày 19/8 quân bắc phạt tại Hồ Nam bắt đầu tổng công kích, trong 3 ngày khắc phục Nhạc Dương [Yueyang, Hồ Nam], rồi theo hai đường thuỷ, bộ cùng tiến. Lực lượng của Ngô Bội Phu hơn 10 vạn, nhưng các trận trước đó đã chịu nhiều tổn thất, lại còn phải mệt nhọc tại chiến trận phương bắc, nên sau khi bị thua tại Nam Khẩu, phải rút về Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] 1. Sau khi quân bắc phạt đã vào phía nam tỉnh Hồ Bắc, từ ngày 26 đến ngày 30/8, đánh tan quân chủ lực của Ngô tại các cầu Đinh Tây, Hạ Thắng rồi tiến đến Vũ Hán [Wuhan], vào ngày 6/9 chiếm lãnh Hán Dương [Hanyang], ngày 7 chiếm Hán Khẩu vây Vũ Xương [Wugang]. Đến ngày 10/10 khắc phục Vũ Xương, quân Ngô Bội Phu hoàn toàn suy sụp, noi theo phía bắc chạy lên tỉnh Hà Nam. Các đơn vị lập thành tích lớn trong chiến dịch này phài kể đến 2 sư đoàn dưới quyền Trương Phát Khuê, Trần Minh Khu và một đơn vị độc lập do Diệp Đình đảng viên Trung cộng chỉ huy.

Tôn Truyền Phương làm Tổng tư lệnh 5 tỉnh : Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tô, An Huy, Giang Tây ; thực lực còn vượt quá Ngô Bội Phu. Lúc vấn đề Hồ Nam mới xẩy ra, Tôn án binh bất động ; đến lúc quân cách mệnh chiếm được Trường Sa Tôn bắt đầu tăng quân tại Giang Tây, chỉ trích quân cách mệnh là “ Nghịch đỏ ”, nếu xâm phạm vào một trong năm tỉnh sẽ đem toàn lực chống cự. Vào ngày 23/8 Tôn gửi thư cho Tưởng Giới Thạch yêu cầu đuổi người Nga và Trung cộng, nếu không sẽ mang quân đánh Nghịch đỏ ; cùng lúc tập trung quân 8 vạn tại vùng phía tây và bắc tỉnh Giang Tây. Sau khi điều binh đánh tan quân Ngô Bội Phu tại Hán Dương, Hán Khẩu, Tưởng Giới Thạch quyết định đánh Giang Tây, dùng binh lực khoảng 5 vạn. Ngày 19/9 quân cách mệnh đánh Nam Xương [Nanchang, Giang Tây], bị quân Tôn Truyền Phương đánh lui, tổn thất tương đối lớn. Tưởng điều thêm viện quân 2 vạn, ngày 20/10 lấy được Nam Xương, lại bị quân Tôn chiếm lại. Bấy giờ Tôn gặp khó khăn nội bộ, như Tỉnh trưởng Chiết Giang đòi độc lập, quân tại Nam Kinh [Nanjing, Giang Tô] chống mệnh, nên xin hoà, nhưng Tưởng không chấp nhận. Ngày 2/11 quân cách mệnh tấn công lần thứ ba, ngày 4 khắc phục Cửu Giang [Jiujiang, Giang Tây], ngày 7 lấy Nam Xương, quân Tôn thua to, thành phần tinh nhuệ suy sụp ; đây là chiến dịch quy mô nhất trong chiến tranh bắc phạt. Bộ tư lệnh quân cách mệnh bèn dời đến Nam Xương.

Các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây là chiến trường chính của quân bắc phạt. Thượng tuần tháng 10, Tổng tư lệnh Phúc Kiến Chu Ấm Nhân mang quân đánh miền đông tỉnh Quảng Đông, bị Quân trưởng đệ nhất quân Hà Ứng Khâm đánh bại ; tháng 12, quân Hà Ứng Khâm tiến vào Phúc Châu [Fuzhou, Phúc Kiến].

Kể từ khi bắc phạt xuất sư, trong vòng nửa năm quân cách mệnh đánh bại hai trùm quân phiệt lớn : Ngô Bội Phu và Tôn Truyền Phương ; khu vực thống trị từ Lưỡng Quảng khuếch đại đến 4 tỉnh : Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây và Phúc Kiến; trên danh nghĩa còn có cả Quý Châu và Tứ Xuyên.



2. Hoạt động chống Tưởng phản Anh của Borodin,
cùng việc Tưởng chiếm miền Hoa đông


Sau biến cố Trung Sơn hạm xảy ra tại Quảng Châu, thì vấn đề chia tay giữa Tưởng và Cộng sản chỉ là chuyện sớm hoặc muộn ; việc Tưởng quyết thực hiện bắc phạt, ý muốn tranh thủ thời gian.

Riêng Trung cộng thì cho rằng bắc phạt chỉ có lợi cho lãnh tụ quân nhân gia tăng quyền vị, không mang ý nghĩa cách mệnh ; nếu có thắng lợi cũng không phải là thắng lợi của cách mệnh. Bởi vậy trước hết cần củng cố lực lượng cách mệnh tại Quảng Châu, đừng để cho đám quân chống cộng tiến vào Hồ Nam. Đến lúc bắc phạt trên đường thuận lợi, Trung cộng lại bảo rằng đó không phải là hành động của quần chúng cách mệnh, chỉ có tác dụng bởi vài lãnh tụ quân sự ; từ nay trở về sau quyền uy của đảng cần nằm tại lãnh tụ quân sự, để chi phối mọi mặt. Lại cho rằng hiện tại Quốc dân chính phủ có tên, nhưng không có thực quyền, cần yêu cầu Uông Triệu Minh chấm dứt nghỉ phép trở về nắm quyền, để việc chính trị có riềng mối, xuất phát từ trung tâm lãnh đạo.

Về mặt quốc tế Cộng sản, Trung Quốc là đầu đề tranh chấp giữa Stalin và Trotsky. Trosky chủ trương Trung Cộng rút ra khỏi Quốc dân đảng, tự lập chính quyền Xô Viết. Riêng Stalin chủ trương Trung cộng kiên trì liên hợp cùng Quốc dân đảng. Từ tháng 11-12, thông qua hội nghị lần thứ 7 của ban chấp hành uỷ viên quốc tế cộng sản, quyết định 2 điều về Trung Quốc : Thứ nhất, hiện tại cần vận động giai cấp vô sản lãnh đạo tại Trung Quốc, kết hợp nông dân, các từng lớp khác bị bóc lột, cùng giai cấp tiểu tư sản thành thị, quyền lãnh đạo đưa vào giai cấp vô sản. Trung cộng không chỉ lưu lại trong nội bộ Quốc dân đảng, mà cần phải gia nhập Quốc dân chính phủ, thực hành chính phủ phản đế quốc chủ nghĩa, cương quyết phản đối phái hữu trong Quốc dân đảng, thân mật hợp tác với tả phái, phê bình trung phái bị dao động. Tăng cường tổ chức và huấn luyện giai cấp vô sản, công tác chính trị trong quân ngũ và vũ trang công nhân, nông dân. Thứ hai, đả kích thế lực đế quốc chủ nghĩa tại Trung Quốc, không chỉ riêng đòi hỏi thủ tiêu bất bình đẳng điều ước, thu hồi tô giới, cần phải đánh gục cơ sở thế lực kinh tế của chủ nghĩa đế quốc.

Ngoài đảng viên tả phái Quốc dân đảng, cộng sản còn muốn lợi dụng cả phái quân nhân. Lúc bấy giờ Quân trưởng đệ bát quân, kiêm chỉ huy tiền tuyến Đường Sinh Trí tham vọng rất lớn, không muốn đứng dưới Tưởng ; sau khi khắc phục Vũ Hán, muốn mượn sức Nga Xô để chống lại Tưởng, một mình chiếm Hồ Nam, Hồ Bắc, cấu kết với Tôn Truyền Phương, chia phần thượng lưu, hạ lưu sông Trường Giang. Tưởng Giới Thạch đối với Đường không yên tâm, lúc đang tiến quân đánh Giang Tây, bèn đem đảng bộ Quốc dân đảng cùng Quốc dân chính phủ từ Quảng Châu dời đến Vũ Hán để tiện bề kiểm soát. Vào ngày 9/2 Borodin đến Vũ Hán, vào ngày 13, y tập hợp uỷ viên trung ương thành lập trung ương liên tịch hội nghị, hành sử tối cao quyền lực, bầu Từ Khiêm mới từ Mạc Tư Khoa trở về làm Chủ tịch, để khống chế Tưởng.

Từ tháng 5/1926 Phùng Ngọc Tường từ Tuy Viễn qua Mông Cổ đến Mạc Tư Khoa, lưu lại 3 tháng, nhận được Nga Xô viện trợ, rồi trở về. Ngày 16/9 tại Tuy Viễn giữ chức Tổng tư lệnh Quốc dân liên quân, binh lực khoảng 5 vạn. Tháng 10, tiến xuống phương nam theo đường Ninh Hạ, Cam Túc ; tháng 12 đánh bại quân Lưu Trấn Hoa, thuộc hệ Ngô Bội Phu, lực lượng này từng bao vây Tây An [Xian, Thiểm Tây] trong vòng 7 tháng. Phùng chiếm được vùng tây bắc, Borodin có thêm lực lượng ủng hộ.

Cuộc bãi công tại Hương Cảng là đấu tranh chính trị với nước Anh ; về mặt kinh tế cả Quảng Châu, Hương Cảng đều bị tổn thất. Trước khi bắc phạt, Tưởng Giới Thạch mưu quan hệ hoà hoãn với Anh, nhà đương cục Hương Cảng cũng muốn liên lạc tốt đẹp với Quảng Châu, nên tháng 7 hai bên bắt đầu đàm phán. Tháng 8 Tưởng phát biểu tuyên ngôn tại Trường Sa rằng không kể nước nào, nếu không có hành động phương hại đến Quốc dân cách mệnh thì sinh mệnh tài sản đều được bảo hộ. Tháng 9, Quảng Châu đình chỉ bài Anh, tháng 10 đạt được hiệp nghị, chấm dứt cuộc bãi công dài 1 năm 4 tháng tại các cảng khẩu trong tỉnh.

Tháng 11/1926 địa vị quân cách mệnh tại sông Trường Giang tương đối ổn định, nước Anh không thể không trực tiếp tiếp xúc. Tháng 12 viên tân Công sứ Anh Miles Lampson [Lam Phố Sinh] đến Vũ Hán hội đàm với Trần Hữu Nhân, quyền Bộ trưởng ngoại giao Quốc dân chính phủ. Trần Hữu Nhân yêu cầu phế trừ bất bình đẳng điều ước, thừa nhận Quốc dân chính phủ; Lampson đề nghị chờ đất nước thống nhất rồi sẽ bàn tiếp việc này. Ngày 16 cùng tháng, nước Anh tuyên bố 16 điều đối Trung Quốc, đồng tình cuộc vận động dân tộc của Trung Quốc, cùng chuẩn bị tu chỉnh điều ước. Trong thời gian chính phủ thống nhất Trung Quốc chưa thành lập, các nước cần chọn lựa những điều phù hợp với hội nghị Hoa Thịnh Đốn [1921], thích hợp với chính sách tích cực hiện tại, phê chuẩn thuế phụ thu cho hải quan. Quốc dân chính phủ đối với những điều biểu thị này, không cảm thấy hứng thú ; thuế phụ thu cho hải quan nếu như được thi hành, thì có lợi cho chính phủ Bắc Kinh hơn là chính phủ phương nam.

Nga Xô tối kỵ việc Quốc dân đảng thoả hiệp với Anh. Sau ngày thứ 2 Lampson hội nghị với Trần Hữu Nhân [11/12], cuộc vận động chống Anh tại Vũ Hán bắt đầu. Sau khi nước Anh tuyên bố 16 điều, ngày hôm sau Borodin diễn thuyết phản đối. Lại 2 ngày sau, hội nghị liên tịch trung ương chính thức phản đối Anh. Ngày 2/1/1927 dân chúng tại phụ cận tô giới Hán Khẩu tuyên truyền, xung đột với thuỷ quân Anh ; ngày hôm sau vào chiếm tô giới, quân Anh buộc phải rút lui, tô giới do Trung Quốc tiếp quản ; ngày 6/1 Trung quốc cũng theo phương thức trên thu hồi tô giới Cửu Giang. Lampson chủ trương dùng vũ lực để lấy lại tô giới Hán Khẩu, chính phủ Anh cho rằng quân tại Trung Quốc không đủ, nên quyết định một mặt tăng quân tại Thượng Hải, một mặt đàm phán với Trần Hữu Nhân.

Sau hội nghị liên tịch trung ương tại Vũ Hán, Borodin tin ở thế lực phe mình, hành động độc đoán. Tưởng Giới Thạch định đưa trung ương đảng bộ cùng Quốc dân chính phủ tạm về Nam Xương, yêu cầu đình chỉ trung ương liên tịch hội nghị, đợi cho cuộc hội nghị đệ tam thứ trung ương toàn thể chấp hành giải quyết. Nhưng phe Vũ Hán cự tuyệt, cao giọng hô hào “ đề cao đảng quyền ”, “ phản đối quân sự độc tài ”, “ đả đảo tân quân phiệt ” ; công khai chống lại Tưởng Giới Thạch. Tháng 2/1927, kinh qua Chủ tịch Quốc dân chính phủ điều đình, cuối cùng trung ương đảng bộ cùng Quốc dân chính phủ di chuyển đến Hồ Bắc, cuộc vận động phản Tưởng trở nên kịch liệt, Chủ tịch bộ chính trị cách mệnh quân Đặng Diễn Đạt là người chủ yếu lãnh đạo. Tháng 3, cử hành hội nghị Quốc dân đảng kỳ thứ 2 Tam trung toàn hội tại Hán Khẩu, ban hành quyết nghị trọng yếu : Thứ nhất, thống nhất sự lãnh đạo duy nhất của đảng, tước doạt chức vụ của Tưởng Giới Thạch tại đảng, tước giảm quyền lực Tổng tư lệnh. Thứ hai, thống nhất thế lực cách mệnh, do hai đảng Quốc, Cộng liên tịch hội nghị giải quyết, cùng chỉ đạo chung vận động quần chúng, phụ trách chính trị ; Quốc dân đảng phái đại biểu tham gia hội nghị Cộng sản quốc tế, chính thức thừa nhận địa vị Trung cộng tương đương với Quốc dân đảng và tuân theo quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản quốc tế. Từ đó quyền lực nằm trong tay phái tả và Trung Cộng, mọi việc đều nghe lệnh Borodin.

Trong giai đoạn đấu tranh này, Tưởng đứng vào thế yếu, nhân vì phe Vũ Hán được Nga Xô viện trợ ; do đó Tưởng không thể không tìm ngoại viện chi trì, mục tiêu chính là Nhật Bản. Tháng 1/1927, những người hiểu rõ tình hình Nhật Bản, lại thân cận với Tưởng như Hoàng Phu, Đái Truyền Hiền tìm cách tiến hành. Hoàng Phu thay mặt Tưởng đến gặp Lãnh sự Nhật tại Hán Khẩu dò ý, mong hai bên tránh được xung đột. Đái Truyền Hiền đến Đông Kinh hơn một tháng, mấy lần giao thiệp với các quan chức ngoại giao Nhật, nhưng nước này tỏ thái độ thận trọng chần chừ.

Tài chính là vấn đề tối quan trọng, ngày ra quân lương hướng khó khăn ; từng phát hành 1.000 vạn đồng công trái, nhưng số người mua rất ít. Sau khi khắc phục Giang Tây, được ngân hàng Trung Quốc Trương Gia Ngao tại Thượng Hải giúp đỡ cho mượn 50 vạn nguyên, Tưởng lập tức hạ lệnh tiến binh hạ lưu sông Trường Giang. Bạch Sùng Hy, Hà Ứng Khâm chia đường từ Giang Tây, Phúc Kiến, tấn công Chiết Giang, Thượng Hải. Trình Tiềm, Lý Tông Nhân, cất quân xuống phía đông sông Trường Giang chiếm Nam Kinh.

Lúc bấy giờ lực lượng quân phiệt mạnh nhất đóng tại Bắc Kinh, xưng là Tổng tư lệnh An quốc quân Trương Tác Lâm ; thành phần phụ thuộc có Trương Tông Xương, cùng bại binh của Tôn Truyền Phương từ Giang Tô rút về, đóng tại Sơn Đông, Trực Lệ. Ngô Bội Phu tuy không chịu cúi đầu, nhưng thực lực không đáng kể.

Trước đó Trương Tác Lâm mệnh Trương Tông Xương phòng thủ tại An Huy, Giang Tô, Tôn Truyền Phương phòng thủ Chiết Giang. Ngày 18/2/1927 quân cách mệnh tiến chiếm Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], trên đường đến Thượng Hải ; công nhân dấy lên hưởng ứng, Trương Tông Xương thua rút. Ngày 22/3, Bạch Sùng Hy chiếm lãnh Thượng Hải, ngày 23 Trình Tiềm chiếm Nam Kinh.

Sau khi những sự kiện phát sinh tại tô giới Anh, Hán Khẩu, Cửu Giang ; quân hạm ngoại quốc tập trung tại sông Trường Giang và dọc theo cửa biển có đến hơn 170 chiếc, quá nửa số thuộc nước Anh. Các ngoại kiều dọc theo sông rầm rộ rút về Thượng Hải, hơn 1 vạn lục quân Anh tập trung tại Thượng Hải, thái độ rất mực khẩn trương. Sau khi quân cách mệnh chiếm được Nam Kinh [Nanjing, Giang Tô] 1 ngày [24/3/1927] ; các lãnh sự quán Anh, Mỹ, Nhật, cùng giáo đường, trường học, y viện, tiệm buôn, nhà ở ngoại quốc bị cướp phá ; người Mỹ, Phó hiệu trưởng đại học Kim Lăng John E. Williams, cùng Giáo sĩ gồm 2 người Anh, 1 người Pháp, 1 người Ý bị giết, Lãnh sự Anh bị thương. Quân hạm Anh, Mỹ từ sông Trường Giang pháo kích vào thành, dân Trung Quốc chết hơn 30 người. Có thuyết cho rằng người chủ trương cướp giết người ngoại quốc là Borodin và Lâm Tổ Hàm, đảng viên Trung cộng Chủ nhiệm bộ chính trị Đệ lục quân, đơn vị này vào chiếm Nam Kinh trước tiên ; mục đích khuếch đại sự xung đột giữa quân cách mệnh và ngoại quốc, phá hoại thanh danh của Tưởng Giới Thạch, khiến không còn đường để ứng phó. Bằng chứng là huấn lệnh của Nga Xô trước đó cho các võ quan trú tại Bắc Kinh có đoạn rằng “ …Khuếch đại lợi dụng các sự kiện như tại Hán Khẩu, cùng thái độ nước Anh đối với các sự kiện này, đặt ra phương pháp, khích động quần chúng trong nước bài xích ngoại quốc… Dẫn dụ ngoại quốc can thiệp, cần phải quán triệt nhiệm vụ, không tiếc sử dụng phương pháp nào, thậm chí bắn cướp hoặc giết, cũng có thể thi hành….”



3. Thanh đảng và tình trạng đối lập giữa Nam Kinh và Vũ Hán



Nguyên nhân gần thanh đảng là việc tranh giành quyết liệt quyền khống chế Thượng Hải giữa Tưởng Giới Thạch và Borodin cùng Trung Cộng. Ngày 26/3 Tưởng đến Thượng Hải, dùng Bạch Sùng Hy làm Vệ nhung tư lệnh. Trung cộng tự tổ chức chính phủ thị dân Thượng Hải ; chính quyền Vũ Hán [Quốc dân chính phủ tả phái] không cho phép Tưởng lấn sang địa hạt ngoại giao và tài chánh. Có tin truyền rằng Công nhân củ sát đội chuẩn bị xông vào tô giới, Đệ nhất quân nhận được tin tức bất ổn ; chính quyền Vũ Hán doạ rằng nếu tự ý giải tán Công nhân củ sát đội, sẽ bị coi như là phản đảng. Tưởng thanh minh cùng ký giả báo chí rằng đối với vấn đề Nam Kinh nguyện chịu trách nhiệm, sẽ điều tra xử lý, bảo đảm không để cho quần chúng hoặc lực lượng bạo động làm thay đổi địa vị tô giới. Quốc dân chính phủ sẽ dùng phương pháp hiệp thương hoà bình, đặt địa vị bình đẳng trên trường quốc tế ; phàm các nước đối xử tốt với Trung Quốc, nguyện cùng hợp tác. Quốc tế đối với lời tuyên bố của Tưởng, có phản ứng tốt ; Ngoại trưởng Nhật Bản Tệ Nguyên gặp mặt Đại sứ Mỹ tại Nhật tỏ ý tin rằng Tưởng cương quyết phản đối hành động bài ngoại ; phiến động tại Nam Kinh là do phần tử quá khích gây nên. Giới tài chính tại Thượng Hải ủng hộ phe Tưởng là một điều quan trọng, trước sau cho vay và mua công trái số tiền tổng cộng 130 triệu ; những nhân vật chính là Trương Gia Ngao, Trung Quốc ngân hàng ; Trần Huy Đức, Thượng Hải thương nghiệp trử súc ngân hàng ; Tiền Vĩnh Minh, Tứ hàng liên hợp trử bị khố ; Lý Minh, Chiết Giang thực nghiệp ngân hàng ; Trương, Trần người gốc Giang Tô, Tiền, Lý gốc Chiết Giang ; người đời thường gọi là Giang, Chiết tài phiệt.æ

Ngày 28/3 Giám sát uỷ viên Quốc dân đảng Ngô Cảnh Hoàn, Thái Nguyên Bồi, Trương Nhân Kiệt, Lý Dục Doanh tại Thượng Hải đề xuất bảo hộ đảng cứu nước ; ngày 2/4 chính thức nghị quyết thực hành thanh trừ phần tử cộng sản trong đảng. Bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái [1926], Trung cộng và thành phần tả phái Quốc dân đảng, triển khai việc “ nghênh Uông [Triệu Minh] phục chức ” ; ngày 1/4 Uông từ Pháp ghé qua Mạc Tư Khoa rồi trở về Thượng Hải. Ngày mồng 3 hội đàm với Tưởng, ngày 5 liên danh với Trần Độc Tú phát hành thư cho các đảng viên Quốc dân đảng, Cộng sản, khuyên lập tức bỏ sự nghi ngờ lẫn nhau, mọi việc với lòng thành tiến hành bàn luận liệu biện. Rồi Uông lại họp với Tưởng, định ngày 15/4 khai mạc hội nghị chấp hành trung ương, Giám sát uỷ viên tại Nam Kinh. Trước đó Uông thông tri cho Trần Độc Tú đình chỉ hoạt động của Trung cộng, tạm không thừa nhận mệnh lệnh từ Vũ Hán, Công nhân củ sát đội Thượng Hải cần giao cho Tưởng chỉ huy. Chính phủ Vũ Hán thì ra lệnh Tưởng Giới Thạch phải đến Nam Kinh trong ngày, nếu không nhận mệnh lệnh của chính phủ không được phát biểu ý kiến về ngoại giao, giải trừ chức Tổng tư lệnh Quốc dân cách mệnh quân, chỉ giữ chức Tư lệnh đệ nhất tập đoàn quân, riêng đệ nhị tập đoàn quân do Phùng Ngọc Tường chỉ huy. Uông muốn thừa cơ hội khống chế Tưởng, trong ngày bí mật đến Vũ Hán. Ngày 9/4 Giám sát uỷ viên trung ương truyền điện đả kích những sai lầm của hội nghị trung ương liên tịch tại Vũ Hán. Tưởng cũng trách Chủ nhiệm bộ tổng chính trị Đặng Diễn Đạt phá hoại trận tuyến cách mệnh, trong ngày vào đóng tại Nam Kinh, khởi đầu bắt đảng viên đảng bộ Trung Cộng tại tỉnh Giang Tô.

Ngày 12/4, quân trú phòng tại Thượng Hải cưỡng bách tịch thu vũ khí của công nhân củ sát đội, khiến hơn 300 công nhân tử thương ; các địa phương khác cũng có hành động tương tự, nhưng Quảng Đông rất nghiêm trọng. Ngày 18, Quốc dân chính phủ Nam Kinh [hữu phái] thành lập, Hồ Hán Dân giữ chức Chủ tịch; ra lệnh bắt Cố vấn Nga Xô cùng các yếu nhân Trung Cộng hơn 190 người ; trong đó có Borodin, Trần Độc Tú, Lâm Tổ Hàm, Cù Thu Bạch, Mao Trạch Đông, Uẩn Đại Anh, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Trương Quốc Trù, Đặng Dĩnh Siêu, Thái Hoà Sâm, Phương Chí Mẫn ; nhưng vẫn biểu thị cư xử hữu hảo, tỏ chút dư tình, sau đó thả ra. Thái độ của Nga Xô và Vũ Hán tỏ ra quyết liệt, cộng sản quốc tế chỉ trích Tưởng phản bội, là giặc thông đồng với đế quốc, kẻ địch của cách mệnh Quốc đân đảng và giai cấp công nhân. Chính phủ Vũ Hán khai trừ Tưởng Giới Thạch ra khỏi đảng, cách trừ các chức, ra lệnh đánh dẹp.

Bàn về khu vực kiểm soát và tuân theo mệnh lệnh, phe Nam Kinh có các tỉnh An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên, Vân Nam. Phe Vũ Hán chỉ có 3 tỉnh, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây ; bị bao vây bởi thế lực phe Nam Kinh. Về binh lực phe Nam Kinh có Đệ nhất, Đệ thất quân đóng tại hạ lưu sông Trường Giang ; Đệ ngũ quân, và một nửa Đệ tứ quân đóng tại Quảng Đông ; Đệ thập ngũ quân tại Quảng Tây, cùng số quân mới theo, tổng cộng khoảng 15 vạn ; đó là chưa kể quân tại các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam. Ủng hộ phe Vũ Hán có các quân Đệ nhị, Đệ tam, một nửa Đệ tứ, Đệ lục, Đệ bát ; hợp lại khoảng 12 vạn. Về phương diện vật lực thì Vũ Hán không bằng Nam Kinh ; Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông đều là những tỉnh giàu có, Thượng Hải, Quảng Châu đều là khu vực buôn bán quốc tế; riêng vị trí Vũ Hán tại nội địa, dễ bị phong toả. Hơn nữa thanh vọng của Tưởng lên cao, có sức hiệu triệu ; tâm lý số đông bấy giờ cho rằng Tưởng ở đâu là Quốc dân chính phủ ở đó, họ coi Nam Kinh là chính thống.

Tình hình quốc tế đối với chính phủ Vũ Hán cũng rất bất lợi ; Trần Hữu Nhân lưu tâm liên lạc với Nhật Bản, nhưng ngày 4/3 thuỷ binh Nhật tại Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] xung đột, khiến 10 người Hoa bị giết, bị thương 80, phía Nhật 2 người chết ; quân Nhật đổ bộ, kiều dân rút đi, tình hình trở nên nguy hiểm. Ngày 11, đối với sự kiện tại Nam Kinh, các nước Anh, Mỹ, Pháp, Nhật, Ý, yêu cầu xử phạt các quan chịu trách nhiệm ; nên Tổng tư lệnh đích thân xin lỗi, bồi thường tổn thất ; nếu chưa mãn ý sẽ tìm cách xử sự thích đáng. Uông Triệu Minh cảm thấy khủng hoảng, cho rằng vận động phản đế quốc thái quá, khiến các nước liên hợp phản đối. Ngày 14, Trần Hữu Nhân phúc đáp Nhật, yêu cầu hai bên cùng điều tra ; mong Nhật Bản không cùng các nước tham gia hành động. Ngày 22, tân Thủ tướng Nhật, Điền Trung Nghĩa Nhất, tuyên bố đối với sự việc Trung Cộng dấy lên, không thể không hỏi đến. Ngày 9/5 Đại thần ngoại vụ nước Anh Arthur Neville Chamberlain [Trương Bá Luân] diễn thuyết rằng cộng sản gây biến đã bị Trung Quốc xử phạt [thanh đảng], chính phủ Vũ Hán đánh mất địa vị thống trị ; nước Anh đối với chính phủ Nam Kinh sẽ thi hành chính sách hoà hoãn. Ngày 17 Lãnh sự Anh tại Vũ Hán trách Quốc dân chính phủ Vũ Hán không thực sự hoà hoãn, dung túng tổ chức vận động phản Anh, sau đó rời Vũ Hán đến Bắc Kinh. Ngày 20, Sứ thần Nhật tại Trung Quốc, Điền Trung Lãnh, tuyên bố ủng hộ chính phủ Nam Kinh có hành động chống Cộng, tin tưởng Tưởng Giới Thạch là nhân vật duy nhất được tín nhiệm.

Sau hội nghị Tây Sơn, Quốc dân đảng bị chia làm hai ; sau khi thanh đảng lại chia làm ba. Đồng thời cục diện Trung Quốc cũng tạo thành thế đỉnh vạc ; ngoài Nam Kinh, Vũ Hán, còn có Trương Tác Lâm khống chế chính phủ Bắc Kinh. Tháng 3/1927 Trương nhắm ngăn trở quân cách mệnh bắc tiến, nhân Ngô Bội Phu nguy ngập bèn mang quân kéo xuống tỉnh Hà Nam chiếm cứ Khai Phong [Kaifeng], Trịnh Châu [Zhengzhou] ; Ngô chạy xuống phương nam, trốn vào tỉnh Tứ Xuyên. Đối với Nga Xô, Trương hận thấu xương ; tháng 9/1926 Trương bức bách xua đuổi Sứ thần Leo Karakhan ; ngày 6/4/1927 được Công sứ đoàn ngầm hứa, bèn sưu tra đại sứ quán Nga Xô thu thập được văn thư liên lạc giữa Nga Xô cùng Quốc dân quân, Quốc dân đảng và Trung Cộng, cùng bắt giữ đảng viên Trung Cộng trốn trong sứ quán gồm bọn Lý Đại Sao hơn 60 người. Nga Xô chỉ trích nước Anh đứng đầu xui biểu, chính phủ Bắc Kinh là công cụ của đế quốc ; chính phủ Vũ Hán cũng cùng lên tiếng đả kích.

Nhắm xung kích phá bao vây, phòng ngự Phụng quân Trương Tác Lâm tấn công, cùng tiếp xúc liên hệ được với lực lượng Phùng Ngọc Tường ở miền tây bắc để tiện liên lạc với Nga Xô, tiến có thể chiếm Bắc Kinh, lại có thể phản bao vây từ Nam Kinh ; nên chính phủ Vũ Hán quyết bắc phạt, tiến công Hồ Nam. Phía chính phủ Nam Kinh cũng hiểu ý đồ của Vũ Hán, tuy sẵn sàng phòng ngừa, nhưng cũng chia đường bắc phạt, tảo thanh phía bắc sông Trường Giang. Tháng 5/1927 quân bắc phạt của Đường Sinh Trí, Trương Phát Khuê đánh phá Phụng quân ; phía Phụng quân lại bị quân Diêm Tích Sơn tại Sơn Tây uy hiếp, nên phải rút về phía bắc sông Hoàng Hà. Đầu tháng 6, quân bắc phạt của Vũ Hán họp được với quân Phùng Ngọc Tường tại Trịnh Châu [Zhengzhou, Hà Nam], đồng thời quân chính phủ Nam Kinh đánh bại lực lượng Trương Tông Xương, Tôn Truyền Phương, chiếm lãnh Từ Châu [Xuzhou, Giang Tô].

Hồ Bạch Thảo




1 Hán Khẩu : vị trí 3 thành phố Hán Khẩu, Hán Dương, Vũ Xương chỉ cách nhau bởi những con sông ; Vũ Hán là tên chung của 3 thành phố này.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss