Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Về cuộc kháng chiến chống quân Minh (2)

Về cuộc kháng chiến chống quân Minh (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 12/07/2009 23:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Thực lục về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm
dưới thời quân Minh cai trị (2)



Hồ Bạch Thảo



Xem : Phần (1)




Năm Canh Dần [1410]


Sau khi bắt được vua Giản Ðịnh, Tổng binh Trương Phụ cùng Phó Tổng binh Vương Hữu được lệnh mang quan quân trở về Bắc Kinh :


Ngày 28 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [1/2/1410]

Triệu các quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Phó tổng binh Thanh viễn hầu Vương Hữu điều lãnh Đô đốc Chu Vinh, Thái Phúc, Lâm Thiếp Mộc Nhi, cùng các quan quân đã đưa đi trở về Bắc Kinh. ( Minh Thực Lục v. 12, tr. 1300; Thái Tông q. 99, tr. 3b)

Trước khi rút quân về, Trương Phụ làm một trận càn lớn, đánh dẹp lực lượng nổi dậy của Nguyễn Sư Cối tại châu Ðông Triều [Hải Phòng], chém giết hơn 2000 tù binh. Phụ làm một việc tàn bạo mà văn minh con người không cho phép, hành động này được sử Trung Quốc gọi là kinh quán [京 觀, quan đọc là quán], tức chồng chất thây người thành đống lớn, rồi lấy đất bùn phủ lên, để khoe khoang vũ công cùng răn đe quần chúng :


Ngày 9 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 8 [12/2/1410]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ đánh bại dư đảng giặc Nguyễn Sư Cối tại châu Đông Triều. Trước đây Sư Cối nguỵ xưng Vương cùng với bọn nguỵ Kim Ngô Thượng Tướng quân Đỗ Nguyên Thố đóng binh hơn 2 vạn tại xã Nghi Dương, huyện An Lão, châu Đông Triều ; thường đến sông Hoàng Giang, Ma Lao, cùng cửa biển Đại Toàn cướp phá để hưởng ứng theo Giản Định. Đến ngày hôm nay Trương Phụ cho vây xã Nghi Dương, bọn giặc chống cự, quan quân phấn khởi bắn tên đá như mưa, khiến giặc thua to. Chém hơn 4500 thủ cấp, chết trôi nhiều ; bắt sống nguỵ Giám Môn Tướng quân Phạm Chi, nguỵ Vũ Lâm Vệ Tướng quân Trần Nguyên Khanh, nguỵ Trấn Phủ sứ Nguyễn Nhân Trụ hơn 2000 tên bèn chém , chồng chất xác thành bãi tha ma tập thể để thị chúng. (Minh Thực Lục v. 12, tr .1303-1304; Thái Tông q. 100, tr. 1a-1b)

Lúc chuẩn bị rời khỏi nước ta, Trương Phụ và Vương Hữu tâu về triều rằng thực lực của vua Trùng Quang [Trần Quí Khoách] hiện diện từ Nghệ An trở về Nam, riêng tướng Ðặng Dung lãnh quân tiền tiêu kiểm soát các đường huyết mạch tại Thanh Hoá cùng các cửa sông tại vùng hạ lưu sông Hồng. Bởi vậy Trương Phụ xin lưu lại một số quân lớn cho Mộc Thạnh sử dụng :


Ngày 28 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 8 [3/3/1410]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Phó Tổng binh Thanh viễn bá Vương Hữu tâu :

Nhận được sắc chỉ mang quân trở về nước, bọn thần tuân mệnh lên đường. Nay đầu sỏ giặc là Trần Quí Khoách, bọn đồ đảng Nguyễn Súy, Hồ Kỳ, Đặng Cảnh Dị vẫn đóng tại Diễn Châu, Nghệ An, sát Thanh Hoá. Đặng Dung lãnh quân ngăn chặn cửa sông Thần Đầu, Phúc Thành ; chiếm cứ đường huyết mạch Thanh Hoá, ra vào vùng cửa biển Đại An cướp phá. Nếu điều động hết số quân trước đây trở về, sợ Kiềm quốc công Mộc Thạnh binh ít không địch nổi, khiến công sắp thành phải bỏ lỡ. Nay muốn lưu lại Đô đốc Giang Hạo, Đô Chỉ Huy sứ Du Nhượng, Hoa Anh, Sư Hữu lãnh 4 Đô ty Vân Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tây; 2 hành Đô ty Tứ Xuyên, Phúc Kiến ; các binh đoàn Hộ vệ cùng các đơn vị lập công chuộc tội thuộc các xứ Kinh Châu, Nam Xương, Vũ Xương, Quảng Tây dưới quyền điều động của Thạnh. Riêng thần suất lãnh quan quân tuỳ tòng, đơn vị Hổ-bôn (1), quan quân tại kinh Trực Lệ, cùng 4 Đô ty Hồ Quảng, Quí Châu, Tứ Xuyên, Chiết Giang trở về. Ngoài ra Thạnh nắm giữ đại quân một mình, xin cho Vân Dương bá Trần Húc giữ chức Phó, để cùng bàn bạc việc quân. Thiên tử xem tờ tấu, ban chỉ dụ cho bọn Phụ, chấp nhận lời xin. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1308-1309; Thái Tông q. 100, tr.3b-4a)

Mộc Thạnh tiếp tục tổ chức hành quân lớn tại 3 tỉnh gồm : hạ lưu sông Mã thuộc Thanh Hoá, cùng các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình ngày nay :


Ngày 11 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [13/6/1410]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh thống suất quan quân truy tiễu đầu sỏ giặc Trần Quí Khoách đến Ngu Giang, giặc bỏ trại trốn ; bèn truy kích đến huyện Cổ Hoằng (2) cùng cửa biển Hội Triều, Linh Trường, chém hơn 3000 thủ cấp, bắt sống Phụng thần vệ Thần Long Tướng quân Lê Lộng. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1348; Thái tông q. 104, tr. 2b)

Tuy nhiên sau đó 1 ngày Ðô đốc Giang Hạo bị thua to tại sông Lỗ Giang, thuộc tỉnh Hà Nam ; viên Chỉ huy Tô Toàn bị tử trận tại sông Tranh thuộc tỉnh Ninh Bình.


[330] Ngày 12 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [14/6/1410]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh sai Trung Quân Đô đốc Thiêm sự Giang Hạo mang binh đến Lỗ Giang (3) giao tranh với bọn giặc Đặng Cảnh Dị bất lợi ; viên Đô Chỉ-huy Tô Toàn cũng bị thua tại sông Tranh (4), trúng thương chết. (Minh Thực Lục v.12, tr .1349; Thái Tông q. 104, tr. 

Riêng các cuộc nổi dậy có tính cách tự phát thì xảy ra khắp nơi, tính từ bắc vào nam như sau :

- Tại huyện Ðổng, phủ Lạng Sơn có Vi Quảng Liêu tuy nhận chức Thổ quan của nhà Minh, nhưng mưu giết quan lại (4).

- Tại châu Hạ Văn, phủ Lạng Sơn có Hoàng Thiêm Hữu cấu kết với Vi Quàng Liêu (5).

- Tại huyện Thoát ở phía bắc Khâu Ôn [Lạng Sơn], Nguyễn Nguyên Hách từng là Thổ quan cũng nổi lên (5).

- Tại phủ Thái Nguyên lực lượng nổi dậy mang tên là “ Giặc áo đỏ ” dấy lên từ năm Vĩnh Lạc thứ 8 [1410] đánh phá các làng huyện, liên kết với Ông Lão (5).

- Tại huyện Ðộng Hỷ, Phủ Thái Nguyên Ông Lão nổi dậy vào ngày 10 tháng 5 ; bị Thổ quan Ma Bá Hổ đánh. Sau đó chiêu tập đồ đảng, ban ngày đánh phá huyện Tư Nông, ban đêm tấn công huyện Ðộng Hỷ ; quân Minh mang đại quân tiễu trừ đến 2 năm mới dẹp được (6).

- Tại phủ Trấn Man [tỉnh Thái Bình] Trần Quán nổi dậy, bị Thổ quan Trần Hy Cấp bắt (6).

- Tại phủ Kiến Bình [tỉnh Nam Ðịnh] Nguyễn Ða Cấu nổi dậy, quân Minh chưa dẹp được (6).

- Tại huyện Thanh Ðàm [Hà Nội] Lê Khang nổi dậy (7)

- Tại Thanh Oai [Hà Tây], Lê Nhị giết cha con Ðô ty Lư Vượng tại cầu Ngọc Tân, lại đánh chiếm huyện Từ Liêm khiến quân Minh rất sợ hãi (7).

- Tại Trường Yên [Ninh Bình], Ðỗ Cối, Nguyễn Hiệu họp nhau chống quân Minh.(7)

-Tại Thanh Hoá Ðồng Mậc, Nguyễn Ngân Hà nổi lên. Riêng quân của Ðồng Mặc giết giặc rất nhiều, viên Chỉ huy quân Minh là Tả Ðịch bị bắt, Vương Tuyên thế cùng phải tự tử; Mặc được vua Trùng Quang cho làm Phủ quản quận Thanh Hoá (7)

Tuy nhiên phần lớn các cuộc nổi dậy không có sự chỉ huy chung, hiệu lệnh không thống nhất nên cuối cùng bị tan rã.


Chú thích

1. Hổ Bôn : đội quân đặc biệt thiện chiến.

2. Cổ Hoằng:thuộc huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá ngày nay. (Ðào Duy Anh, Ðất Nước Việt Nam Qua Các Ðời, (Viết tắt Ð.N.V.N.Q.C.Ð.) Thuận Hoá, NXB Thuận Hoá, 1995.)

3. Lỗ Giang : thuộc huyện Nam Xang, tỉnh Hà Nội. Nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Viết tắt : Cương Mục), Hà Nội : Bản dịch của NXB Giáo dục, 1998, do Viện Việt Học lưu hành trên mạng

4. Sông Tranh : tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. (Quốc Sử quán triều Nguyễn, Ðại Nam Nhất Thống Chí (viết tắt : Thống Chí), Huế : Bản dịch NXB Thuận Hoá, tập 3, trang 301)

5. Minh Nghiên Cứu, Sđd trang 87.

6. Minh Nghiên Cứu, Sđd trang 86.

7. Toàn Thư, Sđd tập 2, trang 228.



Năm Tân Mão [1411]


Sau khi Trương Phụ rút quân vảo tháng 3/1410, quân Minh tại nước ta bị tấn công nặng nề, nên vua Thái Tông buộc phải sai Trương Phụ sang tíếp viện một lần nữa. Tuy nhiên cũng như lần viện binh sang đánh vua Giản Ðịnh kỳ trước, khi quân chưa sang kịp, nhà Minh dùng kế hoãn binh bằng cách tiếp Sứ giả của vua Trùng Quang là Hồ Ngạn Thần, và ban chức cho vua Trùng Quang làm Bố chánh sứ Giao Chỉ :

Ngày 26 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [20/1/1411]

Đầu đảng giặc là Trần Quí Khoách sai bọn Hồ Ngạn Thần dâng biểu xin hàng. Thiên tử cho rằng có thể chuyển biến chúng sang con đường thiện nên chấp thuận, ban chức Bố chánh sứ Giao Chỉ. Lại ban cho Trần Nguyên Tôn chức Tham chính ; Nguyễn Suý, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị, Đặng Dung Đô Chỉ huy ; Phan Quý Hựu Phó sứ ty Án Sát. Sai bọn Hữu Thông chính Phương Tố Dị mang sắc đến dụ rằng :

Bọn các ngươi dâng biểu xin hàng, nay chấp nhận lời xin, mỗi người được nhận chức quan, nếu quả thành thực thì một phương hưởng phúc, vĩnh viễn thái bình. Nếu ôm lòng man trá không có lòng thành, đại quân tiến đánh thì chính các ngươi để hoạ lại cho dân chúng, hối cũng không kịp.” (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1425; Thái Tông q. 111, tr. 6a)

Chỉ 20 ngày sau đó, Trương Phụ mang đại quân gồm 6 Ðô ty, 14 vệ, sang đánh nước ta :


Ngày 18 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 9 [10/2/1411]

Mệnh Anh quốc công Trương Phụ đeo ấn Chinh lỗ Phó tướng quân sung chức Tổng binh chinh phạt Giao Chỉ ; hợp lực với Kiềm quốc công Mộc Thạnh tiễu trừ phản tặc. Sắc cho 6 Đô ty Tứ Xuyên, Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Quảng, Vân Nam, Quý Châu ; cùng 14 vệ như An Khánh phát 24 000 quân theo chinh phạt.

Sắc cho Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty Giao Chỉ : phàm những kẻ phạm tội trọng nhưng tình có thể thương, đưa cho Anh quốc công Trương Phụ để được lập công chuộc tội. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1432; Thái Tông q. 112, tr.2b)

Chính sách của nhà Minh vừa đánh vừa chiêu dụ, vua Minh Thái Tông ra sắc chỉ với những lời hứa hẹn như sau :


Ngày 24 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [19/3/1411]

Chiếu dụ Giao-Chỉ rằng :

Trẫm nhận mệnh trời, cai trị muôn phương, vĩnh viễn che chở soi xét tình cảnh kẻ dưới ; lòng đầy sự thương yêu, sớm chiều canh cánh. Nghĩ rằng Giao chỉ đã được sáp nhập vào bản đồ, nhưng suốt năm chưa được yên ổn nghỉ ngơi, sau buổi khốn khó giặc giả bèn ban ân khoan hồng như sau : Kể từ ngày 24 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 9 trở về trước, những người Giao Chỉ tụ tập trong núi rừng đều được xá tội, quân cho trở lại nguyên đơn vị, dân trở lại với nghề cũ, quan lại quân dân phạm tội chưa bị phát giác cũng được tha. Ngoài thuế lương thực, các loại thuế vàng, bạc, muối, sắt, cá, hoa quả được miễn trưng thu trong vòng 3 năm ; vàng, bạc vẫn cấm không được khai thác ; nội bộ trong dân được phép giao dịch bằng vàng, bạc, tiền đồng ; nhưng không được đưa ra khỏi lãnh thổ. Những Thổ quan Giao Chỉ có tài năng rõ ràng về việc cai trị quân dân, hãy tâu lên cho biết tên để thưởng cờ biển làm bằng. ” (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1443-1444; Thái Tông q. 113, tr.4a)

Tháng 8/1411, liên quân Trương Phụ Mộc Thạnh làm cuộc hành quân lớn tại vùng hạ lưu sông Mã [Thanh Hoá], lực lượng của vua Trùng Quang bị thiệt hại nặng :


Ngày 17 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [6/8/1411]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Kiềm quốc công Mộc Thạnh đánh thắng đảng giặc bọn Nguyễn Suý tại sông Nguyệt Thường (1). Lúc bấy giờ Thạnh điều quân bộ và quân kỵ, Phụ đốc suất thuỷ quân cùng tiến. Khi Phụ đến sông Nguyệt Thường, huyện Kết Duyệt, châu Cửu Chân; giặc chôn cọc gỗ giữa sông dày đến 40 trượng, hai bên bờ tại cửa sông đặt hàng rào liên hoàn đến 2, 3 dặm ; bên trong đặt phục binh khoảng hơn 300 chiếc thuyền tại bên phải núi ; bọn đầu sỏ gồm Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị, Đặng Dung mang quân đến cự.

Bèn điều Đô đốc Đồng tri Chu Quảng, Đô đốc Chỉ huy Trương Thắng, Du Quảng sử dụng thuyền chèo ; quan quân nhổ cọc mà tiến. Phụ suất Đô chỉ huy Phương Chính dùng quân bộ đánh phục binh, phá hàng rào gỗ, truy kích đến bờ sông, thuỷ lục cùng tiến công, giặc đại bại. Bọn Nguyễn Suý chạy trốn, bắt sống bọn Kim ngô tướng quân nguỵ quản lĩnh quân Dực hổ Đặng Tông Mục, nguỵ Ninh vệ Tướng quân Lê Đức Phấn, nguỵ Vũ vệ Tướng quân quản lãnh Hùng biên quân Nguyễn Trung, nguỵ Uy vệ Tướng quân Nguyễn Hiên; chém trên 400 tên giặc, số chết trôi không kể xiết ; tịch thu hơn 120 chiếc thuyền ; bắt được ấn Nhập nội Tư Không của Đặng Cảnh Dị và Diễn Châu Trấn phủ quân đại tướng quân. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1488-89; Thái Tông q.117, tr. 2b-3a)

Tuy nhiên tháng 9, Nguyễn Suý hành quân tại vùng ven biển, bắt được viên Chỉ huy Nguyễn Chính, chém bêu đầu rồi rút lui (2).

Tại Thanh Oai [Hà Tây] đảng của Lê Nhị lợi dụng lúc quân Minh lo hành quân tại vùng ven biển đánh dẹp quân của vua Trùng Quang ; bèn mang quân tấn công vùng sông Nhuệ thuộc phía tây thành Giao Châu, nhưng bị thua :


Ngày 6 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [21/11/1411]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh Quốc công Trương Phụ dùng binh thuyền truy bắt bọn đồ đảng Trần Quí Khoách tại vùng ven biển ; nghe tin các châu huyện Thạch Thất, Phúc An và bọn thảo khấu Lê Nhị, Phạm Khang tiến đến gần thành Giao Châu. Vì lo liệu giặc có thể phá cầu nổi bắc qua sông Nhuệ, ngăn chặn tại sông Sinh Quyết, cùng làm tắc nghẽn con đường đến Hậu vệ phủ Giao Châu, nên mang quân chinh phạt. Bọn Lê Nhị và Phạm Khang tập hợp được hơn 5000 quân chống cự với quan quân, bị bại. nguỵ Long Hổ Tướng quân Đại Đô đốc Lê Nhị trúng tên chết ; giết nguỵ Dực Vệ Tướng quân Đồng Tri Đô đốc Nguyễn Thi tại trận, bắt sống nguỵ Dực Vệ Tướng quân Dương Nhữ Mai, nguỵ Phòng Ngự sứ Phùng Ông; chém bêu đầu hơn 1500 tên để làm răn, bọn giặc còn lại chạy trốn vào rừng núi đầm lạch, sau đó bị truy kích giết hết. Tướng giặc Phạm Khang, Đỗ Cá Đán, Đặng Minh, Nguyễn Tư Hàm chạy trốn xa. Rồi sau đó bọn chúng bị bắt ; từ nay các châu huyện Từ Quảng, Phúc An đều được yên ổn. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1523-1524; Thái Tông q. 121, tr. 1a)

Ngoài ra phải kể đến : Tại châu Lợi Nhân [Hà Nam], Lê Mão nổi dậy, bị Thổ quan bắt giết (3). Tại châu Khoái, phủ Kiến Xương [Hải Hưng] Ðinh Bồ nổi dậy, Bố chánh Giao Chỉ Hoàng Phúc chiêu dụ nhưng không ra đầu thú (3). Tại châu Vạn Nhai, Lạng Sơn, Dương Cao Thiêm chiếm đất hiểm chống cự, sau đó ra đầu thú (3). Tại huyện Ma Lung, phủ Quảng Oai [Hà Tây], Bạch Sư Ðiểm thừa lúc quân Minh đi đánh Giậc Áo Ðỏ tại Thái Nguyên, bèn nổi dậy (4). Tại châu Hạ Hồng phủ Tân an [Hải Hưng] Trần Tồn Nhân nổi dậy (4).

Số lượng quân Minh chết lúc này khá nhiều, một văn bản tiết lộ nhà Minh dùng tiền uỷ lạo cho 3 420 tên quân tử trận :


Ngày 8 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [23/11/1411]

Ban cho quan quân tòng chinh Giao Chỉ, cùng những kẻ tử trận gồm 3420 người, 44.164 đỉnh tiền giấy. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1524; Thái Tông q. 121, tr. 1b)

Chú thích


1. Theo Thống Chí tập 2, t. 309 ; sông Nguyệt Thường là tên riêng của sông Mã.

2. Toàn Thư, Sđd tập 2, trang 229.

3. Minh Nghiên Cứu, Sđd trang 88.

4. Minh Nghiên Cứu, Sđd trang 89



Năm Nhâm Thìn [1412]


Tháng giêng năm Nhâm Thìn [1412] viên Phụ đạo huyện Ðại Từ phủ Thái Nguyên là Nguyễn Nhuế khởi binh, hoạt động tại vùng Tam Ðảo [Vĩnh Phú] bị Trương Phụ bắt.

Tháng 9/1412 xẩy ra cuộc thuỷ chiến lớn tại cửa biển Yên Mô [Ninh Bình], mỗi bên tham dự đến mấy trăm chiếc thuyền. Trận chiến xẩy ra suốt buổi sáng ; mặc dầu chiến đấu rất hăng nhưng rốt cuộc quân nhà Hậu Trần bị đại bại phải từ bỏ chiến trường vùng hạ lưu sông Hồng :


Ngày 1 tháng 8 Năm Vĩnh Lạc thứ 10 [6/9/1412]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ đóng thuỷ quân tại cửa biển Yên Mô, nhìn đằng xa thấy thuyền giặc từ Đại An vào cửa biển Thần Đầu, bèn sai bọn Đô chỉ huy Phương Chính đánh. Thuyền giặc trên 400 chiếc ra khỏi cửa biển Thần Đầu, chia làm 3 đội. Bấy giờ gió bắc thổi, Phụ suất quân đánh vào giữa trận ; khí thế giặc rất tinh nhuệ, quan quân phấn đấu tiến thẳng, thuyền sát cạnh thuyền, gươm giáo công kích, hoả khí tấn công, giặc chống không nổi bèn chèo thuyền rút lui. Quan quân truy kích bén gót, dùng câu liêm giết chết, đánh từ giờ Mão đến giờ Tỵ (1), giặc đại bại ; bắt sống bọn Dực vệ Đại tướng quân Trần Lỗi, Long hổ Tướng quân Đặng Nhữ Hý, Lê Mục ; các Tướng quân như Kim ngô, Vũ vệ, Uy vệ, Ninh vệ ; các Sứ như Hiệu uý, An phủ, Đoàn luyện, Tuần kiểm là bọn Nguyễn Lâm gồm 75 người ; cùng tuỳ tòng khác hơn 1000 ; chém chết trôi không tính hết. Đảng giặc bọn Nguyễn Sư [Suý] chạy trốn. Phụ đốc thúc quân đuổi theo nhưng không kịp, bèn quay lại. Bọn Lỗi 40 người bị thương nặng, bèn chém để làm răn. Bỏ vào cũi, giải bọn Đặng Nhữ Hý gồm 30 người về kinh. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1615; Thái Tông q.131, tr. 1a)

Tiếp tục tiến quân, Trương Phụ mang quân đến huyện Thổ Hoàng, phủ Nghệ An [nay thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh] lùng bắt Thiếu bảo nhà Hậu Trần là Phan Quí Hữu, viên này sai con là Phan Liêu xin hàng, các vùng Thanh Hoá, Nghệ An đều vào tay giặc :


Ngày 26 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 10 [30/11/1412]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ mang quân đến sông Ác huyện Thổ Hoàng (2), phủ Nghệ An để lùng bắt bọn nguỵ Thiếu bảo Phan Quí Hữu, bọn giặc nghe tin đều trốn. Quý Hữu trốn tại núi Khả Lôi, sai con là Liêu xin hàng, bèn cấp bảng gọi đến. Cha con Quý Hữu cùng bọn Ngô Đạm 17 người cũng đến cửa quân xin hàng. Phụ nhận sắc chỉ ban cho Quí Hữu chức Phó sứ ty Án sát Giao Chỉ coi phủ Nghệ An để chiêu phủ quân dân. Rồi sau đó bọn Tướng quân nguỵ Tri phủ Quan sát An phủ Chiêu thảo sứ Trần Mẫn, Nguyễn Sĩ Cần, Trần Toàn Úc, Trần Toàn Mẫn, Trần Lập, Nguyễn Sảng, Nguyễn Yểm, Nguyễn Điệu tiếp tục xin hàng. (Minh Thực Lục v. 12, tr.1633-1634; Thái Tông q. 133, tr. 3a-4b)

Lúc này tại Lạng Sơn có Nông Văn Lịch tụ tập dân chúng chiếm lãnh đất đai, chẹn đường đi lại của quân Minh, giết bắt rất nhiều. Viên Tham chính người Việt là Mạc Thuý mang quân vào đánh, bị trúng tên thuốc độc mà chết (3). Nguyễn Liễu người Lý Nhân [Hà Nam] chiêu dụ người các huyện Lục Na [Hà Bắc], Vũ Lễ [Thái Nguyên] đánh quân Minh trong mấy năm. Tham nghị Nguyễn Huân vờ kết thông gia rồi dụ Liễu đến giết chết (3). Lưu Phụng đánh phá tại vùng Quảng Oai [Hà Tây], quân Minh tăng cường chinh tiễu nhưng chưa dẹp được (4). Giáp Giang nổi lên tại phủ Lạng Sơn, vẫn chưa chịu hàng phục (5). Phạm Khang chiếm cứ huyện Phù Lưu, phủ Giao Châu [huyện Phú Xuyên, Hà Tây], vẫn chưa hàng (5). Trần Nguyên Hiến chiếm châu Tam Ðái [Vĩnh Phú], vẫn chưa hàng (5).


Chú thích


1. Giờ Mão: từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng ; giờ Tỵ từ 9 giờ đến 11 giờ sáng.

2. Huyện Thổ Hoàng tức huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Sông Ác còn gọi là sông Sâu, hay Ngàn Sâu tại huyện Hương Khê.

3. Toàn Thư, Sđd, tập 2, trang 232.

4. Minh Nghiên Cứu, Sđd trang 89.

5. Minh Nghiên Cứu, Sđd trang 90.



Năm Quý Tỵ [1413]


Sau khi cha con Phan Quí Hữu ra đầu hàng tại Nghệ Tĩnh, thế lực vua Trùng Quang bị suy yếu rõ rệt. Ðầu năm 1413 quân nhà Minh do Ðô đốc Giang Hạo chỉ huy, mở cuộc hành quân, bắt nhiều yếu nhân nhà Hậu Trần :


Ngày 17 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 11 [19/1/1413]

Ngày hôm nay viên Đô đốc Thiêm sự Giang Hạo đánh giặc Giao Chỉ, đã bắt được cháu tên cầm đầu Trần Quí Khoách là nguỵ Hầu Trần Nguyên, cùng nguỵ Thượng thư Tưởng Bá Thuỷ, nguỵ Kim Ngô Tướng quân Nguyễn Quyên, nguỵ Dực Vệ Tướng quân Trần Khoái, nguỵ Lang trung bộ Lại Lương Duyệt, tất cả gồm 54 người. (Minh Thực Lục v. 13, tr. 1657; Thái Tông q. 136, tr.3a)

Tháng 4 năm Quý Tỵ Trương Phụ đóng quân tại thành Nghệ An (1), vua Trùng Quang rút lui về phủ Thuận Hoá [Quảng Trị, Thừa Thiên], sai Sứ giả Nguyễn Biểu (2) đến Nghệ An xin cầu phong. Trương Phụ giữ Biểu lại. Biểu tức giận mắng Phụ rằng :

Bên trong thì mưu kế đánh chiếm, bên ngoài thì rêu rao là quân nhân nghĩa, hứa lập con cháu họ Trần, lại đặt thành quận huyện, không chỉ cướp bóc của cải châu báu, lại còn tàn hại sinh dân, thực là loài giặc dữ !

Phụ nổi giận giết chết (3).

Tháng 9 bọn Trương Phụ nhà Minh đánh nhau với Nguyễn Suý tại kênh Sái Già (4). Quân hai bên đang cầm cự nhau. Ðặng Dung mai phục binh tượng, nửa đêm đánh úp doanh trại Phụ, Dung nhảy lên thuyền Phụ, định bắt sống nhưng không nhận ra hắn. Phụ vội dùng thuyền nhỏ trốn chạy. Quân Minh tan vỡ đến một nửa, thuyền bè khí giới bị đốt phá gần hết ; nhưng bọn Nguyễn Suý không chịu hợp sức đánh. Phụ thấy quân của Dung ít, quay lại đánh. Quân Dung tan chạy, từ đấy chỉ ẩn nấp trong núi rừng (5).

Rồi 3 tháng sau, một trận đánh lớn xảy ra tại sông Ái Tử tỉnh Quảng Trị ngày nay, quân chủ lực của nhà Hâu Trần hầu như bị tiêu diệt :


Ngày 7 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 11 [29/12/1413]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Kiềm quốc công Mộc Thạnh ra quân dẹp giặc, khi đến châu Thuận (6) bọn giặc Nguyễn Suý cho phục kích tại sông Ái Tử. Phụ dàn trận tiến, gặp giặc tại núi Côn Truyền, bèn cưỡi ngựa điều quân ép đội hình phía trái của giặc, rồi xâm nhập vào giữa trận, bắn quản tượng ngã xuống đất ; tiếp tục bắn vào mũi voi, voi bèn trở lui dẫm đạp, khiến trận loạn. Bọn Chỉ huy Dương Hồng hăng hái cùng tiến, dùng cung cứng bắn khiến giặc đại bại ; bọn Đô đốc Đồng tri Chu Quảng đánh mạnh vào đội hình bên phải, Phụ điều Chỉ huy Tiết Tụ tăng cường, giặc lại thua chém Thiếu uý nguỵ Nguyễn Sơn, bắt sống Tướng quân nguỵ Phan Kính, Nguyễn Từ, Nguyễn Nguyên Hùng, Hoàng Nguyên Khả, cùng bọn Hiệu uý nguỵ Nguyễn Độ gồm 56 người và bọn giặc 870 người. Truy kích đến sông Ái Mẫu tịch thu được ấn Thái truyền cùng ấn 3 trấn Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá do Nhập Nội Kiểm Hiệu Thái Truyền Phiêu Kỵ Tướng quân của Nguyễn Suý để lại ; dư đảng hoàn toàn tan rã không còn tụ lại được. Em của Đặng Dung, Hương đình hầu nguỵ Đặng Thiết, bọn Kim ngô Tướng quân các vệ Phan Mộ, Phan Cần, Tri châu nguỵ Chế Cự Triệt tiếp tục ra hàng. Các Đại tướng nguỵ Hà Lật, Phan Khê cũng sai con đến nạp lễ xin qui phục. (Minh Thực Lục v 13, tr. 1719-1720; Thái Tông q. 146, tr. 1b)

Riêng tại miền Bắc, có Trần Lỗi nổi lên tại phủ Trấn Man [Thái Bình], cậy hiểm chém giết quân Minh qua lại (7).


Chú thích

1. Thành Nghệ An : tại ngã ba sông Lam và sông La, chỗ giáp giới 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, người địa phương quen gọi là Rú Thành.

2. Nguyễn Biểu người ở Bình Hồ, La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.

3. Toàn Thư, Sđd tập 2, trang 233.

4. Người dịch Toàn Thư ghép trận đánh này với trận xảy ra tại sông Ái Tử Quảng Trị là một và cho địa danh Sái Già tại Ái Tử. Ðiều này không hợp lý vì trận này xẩy ra vào tháng 9 Âm lịch, còn trận Ái Tử xẩy ra vào tháng 12 ; ngoài ra nội dung hai trận cũng không giống nhau.

5. Toàn Thư, sđd tập 2, trang 233.

6.Theo Đ. N.V.N.Q.C. Ð., sđd, châu Thuận thuộc vùng đất tỉnh QuảngTrị từ cửa Việt trở vào.

7. Minh Nghiên Cứu, Sđd trang 90.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss