Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đón Tết

Đón Tết

- Lê Minh Hà — published 06/02/2008 16:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Vâng, thưa chị. Tôi sẽ đi bán hoa cùng chị. Cho những người yêu nhau và muốn yêu nhau. Chị có nhớ không ? Ngày tình yêu của người ta là hai bảy tết ở quê nhà. Chúng ta sẽ cùng nhau đón tết.

Đón Tết

Tản văn

Lê Minh Hà

 

Hôm trước tuyết trắng phố phường, lạnh muốn rụng tai, hôm sau trời đã lại ấm lên, lại mưa phùn lây phây, lại ngỡ chỉ một hai đêm nữa thôi sáng ra cành khô ngang cửa sổ sẽ dồn nhựa đâm lộc mới. Hơi xuân lãng đãng mà phơi phới. Hơi xuân rất quê nhà. Thương, có lẽ người ở quê nhà lại không được cảm.

Áp tết mà Hà Nội, cứ như thư bè bạn thông báo, còn nóng lắm. Nóng vì thời tiết, khô hạn đến mức sông Cái trơ đáy từng đoạn, chả còn đâu dòng nước đỏ phù sa như người đi xa cứ lăm lăm nhớ. Bạn kể, và lại nhắc những ngày cuối năm xưa cả lũ đạp xe ngược dốc Yên Phụ ra với Rặng Tre gần chân cầu Thăng Long, nơi gặp gỡ của tình yêu một thời, nhìn sông nước đỏ chênh chao một cánh buồm vá, ngắm dáng tre pheo, và ngông cuồng con trai con gái chộp vội tay nhau… Ấy chết! Nhưng không có cơn liều tuyệt diệu này thì sức đâu mà nhớ những sông những nước những gió mây cây cối quanh mình. Đoạn đường tình yêu xưa biến mất tăm rồi, chẳng còn ai giật mình. Bạn cũ, rõ ràng nhìn thấy trên mạng mà gõ mỏi cả tay mới thò mặt ra toe toét cười nhắc chuyện ngày xưa, kể chuyện ngày nay. Xưa, là ở xa đừng có mà lởm cởm, đang nóng phát rồ làm gì có hơi xuân, bánh chưng à ăn quanh năm mà, chờ ba mươi thỉnh về vài cặp là đủ cho ông bà ông vải đi mây về gió mời mọc nhau trên bàn thờ… Nay, ừ chứng khoán vẫn đang sốt âm ỉ thế vợ chồng thằng… nhớ không vừa bán hai cái nhà, chả biết có đủ để dứt cơn cấp tính này không hay tết này đi trại…

Cứ như lạc vào thế giới khác khi chat hay thư từ với bạn. Tỉnh ra, tiếng chim lích tích ngoài khung cửa, bãi  phân chó bốc hơi trên tuyết trắng bên hè phố, lo toan hàng ngày… lại là cuộc sống thực của mình. Lạ thế, đất nước này cũng chỉ mới sống cùng có một phần tư đời mình cho đến hôm nay, cũng đủ chuyện khổ lòng lên bờ xuống ruộng, thế mà loay hoay giờ lại như một quê hương, đến nỗi nghĩ chuyện con cái dăm ba năm nữa có khi lại nhào sang Mỹ sang Tây như mình ngày xưa đã ra đi, đâm tiếc.

Nhưng bây giờ các đấng con vẫn còn như gà con dưới cánh mái mẹ, vẫn còn thích tụng niệm thật to câu mẹ này là mẹ của con, dẫu cũng công nhận là mẹ xấu trai hơn bố, mẹ già hơn cô Nụ cô Hồng chủ quán ăn nhanh đầu phố, mẹ ngốc hơn… cô giáo con. Vậy thì vẫn phải ôn luyện tiếng Việt cho các đấng con bằng cách mang cả bố lẫn con nhà ấy ra mà chỉnh ròn rã bằng tiếng Việt, nấu cơm Việt, ăn tết Việt.

Có bà chị người Nam vốn quen ăn bánh tét mà lại sống bằng nghề gói bánh chưng đi bán rao cho bà con người mình gần phố tôi ở. Đã dặn rồi, kiểu gì cũng phải có cho em hai cặp đại tướng đúng chiều thứ sáu này. Dạ, nhớ, mà cô chú thích ăn bánh chưng thịt mỡ hay thịt nạc. Ái chà, đến đoạn này là lại phải nhớ mình ăn tết ở trời tây, ở cái xứ thịt nhiều như rau, ăn cốt để mong manh đi chứ không mong bụ bẫm. Hành muối? Măng khô, giò chả, rau thơm rau mùi và các thứ khác, thôi vào chợ Đồng Xuân cái gì cũng có. „Chồng ơi, nhắc vợ vào đó thỉnh về một thùng đậu phụ.“

Tôi cũng chả hiểu sao mình lại cứ thích đày mình bằng việc sắm sanh tết nhất cứ y như đang sống thời bao cấp. Chả biết để ai ăn. Ai, là nói người sống. Chứ dại miệng cúng bái xong thấy hao hụt bánh trái trên bàn thờ, nghĩa là người âm thương người dương về thăm thật, chắc vợ chồng con cái bỏ nhà kéo nhau chạy hết ra đường. Phần tôi, ở Việt Nam chả bao giờ động đũa vào của nếp, trừ đôi ba miếng cốm cháy ân tình, thế mà tết ở đây thì lại thích được tự tay bóc bánh ăn dăm ba miếng. Cái ý thích này thật ra mới chỉ có mấy năm nay, có lẽ từ cái tết nhận được tấm bánh chưng ông Phong Quang nhà Diễn đàn gửi. Tấm bánh nhảy từ nồi luộc vào thẳng bưu điện, băng tuyết rét mướt là thế mà từ Pháp qua Đức vẫn không bị lại gạo, ngon rùng mình. Thắp một nén hương đen, ngồi trước mâm cơm tết y như mâm cơm cúng ở quê nhà một thời đói khó, thằng con ra lệnh mở băng ông bà ăn tết ở Việt Nam xem bao nhiêu lần đã nhão ra, thế là đủ lệ bộ thủ tục để đi qua năm cũ.

Nhưng bây giờ vẫn chưa là tết. Táo quân có lẽ vẫn còn đang ở trên trời, có lẽ còn chưa tìm được cá chép để hạ cánh an toàn về bếp nhà. Lạnh thế này, mang cá chép nuôi trong hồ béo đần ra thả xuống sông tiễn ông Công ông Táo lên trời như mấy bậc doanh nhân Việt ở đất này làm thì coi như là hóa kiếp luôn cho cá mà không cần dao thớt, Táo Công về trông bếp núc cho chậm là cái chắc.

Nhà không buôn bán, và cái gì cũng chỉ tin bằng một nửa đầu nửa bụng, nên thủ tục cúng bái nào tôi cũng tinh giảm vài ba phần. Cái tinh thần này của tôi mà ông nhà nước áp dụng triệt để vào việc tinh giảm biên chế thì đảm bảo bộ máy nhà nước sẽ thập phần nhẹ nhõm. Tận bảy giờ tối hôm tiễn ông Công ông Táo về trời, tôi mới cuống cuồng nhớ ra rằng phải thắp hương. Đoạn này lại phải hết lời cảm ơn công khai hóa của bác Phong Quang, nhờ thế mà tôi không cần đến nồi đến chõ đồ, có thể có trong mươi phút một đĩa xôi chuẩn, nấu bằng lò vi sóng để đặt lên bàn thờ, trước thắp hương sau xin lộc. Tám giờ tối, ở nhà thì đã sắp qua ngày mới, Táo Công nhà tôi mới được chầu giời. Cuống cuồng, là vì còn có một cuộc nghe nói chuyện đầy hứa hẹn về Việt Nam tổ chức vào - trời ơi là trời – chín giờ tối.

Đêm khô và buốt, chọc ngón tay vào không khí đã biết thế nào cũng tuyết rơi. Lòng bâng khuâng về những gì vừa được hưởng thụ bằng mắt, bằng tai. Riêng phần dành cho cái mũi (là khói thuốc) thì tôi khiếp. Dân bản xứ cười rầm rầm khi tác giả, một giảng viên mĩ thuật người Đức làm việc ở đại học Mỹ thuật Yết Kiêu cả mười hai năm nay đọc các trích đoạn tác phẩm của bà. Về đất, về người Việt. Nhìn nụ cười ơ hờ của vị khách người Việt khá là tăm tiếng, Phạm Thị Hoài, bất giác tôi tự hỏi chị nghĩ gì về những tiếng cười dậy lên từng chập trong phòng. Từ đó có thể diễn dịch nhiều nghĩa : 1. Thiện cảm nồng hậu mà người nước ngoài dành cho nước Việt mình. (Nếu là phóng viên từ trong nước qua, tôi chắc tôi thế nào cũng mô tả, nhận định như thế). 2. Toàn chuyện tào lao dưới con mắt của dân mình. 3. Tình yêu mến đầy xúc phạm của người nước ngoài đối với nước Việt mình. 4. Sự quan tâm mang tính hưởng thụ của thính giả. 5. Thái độ tiếp nhận cầu thị cần có từ người Việt. 6 và vân vân…

Ông chồng tôi hay lang thang chụp ảnh với một nhiếp ảnh gia người Đức từng nhiều lần tới nước mình. Cứ vài hôm ông nhiếp ảnh gia lại lục lọi Album gửi cho chúng tôi dăm ba bức chụp ở Việt Nam. Màn hình lúc thì nghiêm trang một hàng người đủ đàn ông lẫn đàn bà cứng ngắc trong quân phục, kèm câu hỏi họ là công an hay là bộ đội, lúc nghẹt cứng xe máy phố chiều, lúc đầy ắp nụ cười của một cô gái Dao tiền thời buổi này vẫn giữ thói quen se mặt se lông mày bằng sợi chỉ, lúc lại rực rỡ màu đào mới hái trong lù cở trĩu trên vai một đứa bé H’mông. Mấy hôm trước ông gửi chúng tôi một vườn mai và một rừng đào. Tóm lại là đầy hình ảnh đất nước mình dân tộc mình mà lại không dân tộc mình chút nào, vì được ngắm nghía qua con mắt khát khao cái lạ của một người sẵn lòng yêu nhưng ngoài cuộc. Cái ý nghĩ này chợt đến với tôi khi lắng nghe diễn giả kể về kinh nghiệm của bà tại Việt Nam. Vậy đấy, có những lúc không nói yêu nhưng người ta hiểu đến độ sâu thẳm nhất về một đất nước, về những con người. Và lại có những tình yêu giữ được suốt đời chính vì không hiểu. Đất nước chúng ta cần tất cả lúc này chăng?

Suốt buổi nói chuyện, tôi cứ nhìn đi nhìn lại màn hình trên sân khấu. Một khuôn hình chạy đi chạy lại: người đàn bà lam lũ cong người kéo cái xe cải tiến chất đầy ự hàng. Khuôn hình đó cắt từ một cuốn phim video ngắn do học trò của diễn giả thực hiện. Không có gì đặc biệt lắm về mặt kĩ thuật, nhưng mà ý tưởng… Trở đi trở lại là những gương mặt, những thân dáng đàn bà Việt. Lam lũ. Nhọc nhằn. Cam chịu. Nanh nọc. Dịu dàng. Nhanh nhảu. Nếu đẹp là nhất dáng nhì da thứ ba đến nét thì những người đàn bà trong phim chả ai đẹp cả. Nhưng cuốn phim tác động thật mạnh vào tôi. Và lời bình, cũng do một người trẻ tuổi viết qua biên tập của X-Men Dương Tường, lúc đầu nghe cứ y như ăn lạc sống trộn nước mắm, mà càng về cuối càng đặc biệt, càng thấm thía. „Hỡi mẹ của loài người, hỡi mẹ của chúng con, hỡi các mẹ cái gì cũng buồn… hỡi các mẹ bán chuối đầu phố, hỡi các mẹ bị công an đuổi… các mẹ thân là phụ nữ, các mẹ phận là đàn bà… Lời bình đó vang suốt chiều dài của cuốn phim, iu ấp những thân dáng khó nhọc như là định mệnh của người đàn bà Việt làm khán phòng yên lặng trở lại như tôi mong thế, làm lòng tôi buốt kim đâm.

Những thân là phụ nữ phận là đàn bà đó sao đi đâu tôi cũng gặp. Đầu phố tôi có hàng hoa của người Việt. Bán hoa nhưng từ chủ tới người làm lúc nào cũng y như vừa bốc vác cái gì nặng lắm, không có lấy một mảy sạch sẽ sang trọng kiểu của người buôn bán thứ hàng sang trọng thanh cảnh là hoa. Người đàn bà chủ tiệm còn giữ nguyên dáng đi của người vùng gió Lào cát trắng, bậm bà bậm bịch, đầu chúi về phía trước hai cánh tay vung thật mạnh sau lưng, nói tiếng Đức ngữ điệu Quảng Bình quê ta ơi, tây vào mua hàng chịu chết cứ hai tay ôm hoa đớ mặt ra nghe. Người đàn bà ấy, mấy tháng trước thôi hết Xangsan lại Chanchu bão táp quê nhà, chốc chốc vắng khách là nhặt vội mấy đồng tiền kim loại chạy ra cabin điện thoại đầu phố. Tôi đã phải quay mặt đi khi nhìn chị đon đả chào khách mà nước mắt dấp dính hai bên má, vì nỗi gọi mãi gọi mãi mà không gặp được con, không làm cách nào biết tin nhà trong bão.

Thứ tư tới là ngày làm ăn của chị. Ngày Valentin. Sẽ đông khách lắm, và chị vừa nhờ tôi ra giúp. Tôi thì vô tích sự, biết gì bó hoa gói hoa đâu. « Cô đứng nghe giùm thu tiền giùm tôi thôi ». Vâng, thưa chị. Tôi sẽ đi bán hoa cùng chị. Cho những người yêu nhau và muốn yêu nhau. Chị có nhớ không ? Ngày tình yêu của người ta là hai bảy tết ở quê nhà. Chúng ta sẽ cùng nhau đón tết.

Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Mậu Tý 2
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss