Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / thanh thảo, đường thơ

thanh thảo, đường thơ

- thanh thảo — published 04/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Tản mạn về thơ

 
 
ĐƯỜNG THƠ, ĐƯỜNG NÀO ?

   

thanh thảo

Ảnh: Giản Thanh Sơn, Tuổi Trẻ 8.12.2007

Có một đoạn thơ của cố thi sĩ Trần Quốc Thực cứ ám ảnh tôi:

con ơi, bố biết mọi cuộc chia tay Trời đều định trước

bố tự nguyện lùi ra rất xa để mẹ được toàn quyền về con

bố lặng lẽ đến trường con học để được nhìn con từ rất xa, nhìn con rất gần, rồi bố gọi

con ào đến bố một lúc rồi chạy ra chơi với bạn bè

con chơi với sân trường. Cái sân trường cứ nghiêng nghiêng thế nào ấy trong mắt bố

sân trường cứ nghiêng nghiêng mà bố không dám hỏi vì sao

Đây có lẽ là đoạn thơ mà ta tuyệt đối không nên bình luận gì cả. Những gì cần nói, có thể nói, đoạn thơ ấy và những con chữ ấy đã nói cả. Thơ chính là số phận người làm thơ, không thể khác. Những “bài thơ số phận” như thế thường rất khủng khiếp. Và cũng rất ít nhà thơ có can đảm viết những bài thơ như vậy, dù tài năng đủ cho họ có thể viết. Vì những bài thơ như thế rất hệ lụy đến chính người làm thơ. Tôi lại nhớ đến bài thơ tuyệt tác của Chu Thần Cao Bá Quát, bài “ Sa hành đoản ca”:

Bãi cát, bãi cát dài

Mỗi bước lại như lùi

Mặt trời đã lặn đi không nghỉ

Khách bộ hành nước mắt tuôn rơi

Không học được tiên ông phép ngủ

Trèo non lội suối giận khôn nguôi!


……….

Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”

Phía bắc núi Bắc núi muôn trùng

Phía nam núi Nam sóng muôn đợt

Sao mình ta còn trơ trên bãi cát ?”( trích)

Cái ấy gọi là “hết đường”, là “vô phương”! Khi con người bị dồn vào bãi cát mênh mông của thân phận mình, và khi bãi cát ấy không chỉ siêu hình, thì “mỗi bước lại như lùi”, mà lùi cũng không được, tiến càng không xong, còn đứng trơ trên bãi cát lúc “sóng đã cài then đêm sập cửa” (Huy Cận) thì càng chết! Đó là “bài thơ số phận” của Cao Bá Quát, một bài thơ tiên báo chủ nghĩa hiện sinh, với nỗi cô đơn tuyệt đối mà những nhà hiện sinh thế kỷ 20 cũng phải “gọi bằng cụ”! Vậy, thơ Việt hôm nay đã và sẽ đi thế nào trên “con đường không đường”, đi thế nào trên “bãi cát” của thời hiện đại này ?


THƠ ĐI ĐƯỜNG LÀNG


Tôi vẫn thích Thơ đi trên đường làng. Không phải đường làng dễ chịu. Vì trừ những đường làng đã được “bê tông hoá”, “nhựa hoá” hay vàng hoá gì đó, còn đường làng hiện nay của chúng ta nói chung vẫn khá bùn lầy nước đọng vào mùa mưa, và mù bụi vào mùa khô. Nếu ví thơ Việt Nam hiện đại như chiếc xe máy (chưa dám ví với ô tô, vì ô tô càng xịn thì càng… khó vận hành trên đường làng), thì những con đường làng dù đầy ổ gà hay khuất khúc, xe máy vẫn tìm được cách chinh phục với tốc độ rất vừa phải. Tôi vừa đọc lại tập thơ “Cõi lặng” của Nguyễn Khoa Điềm. Nhiều bài trong tập thơ này tôi đã đọc rải rác trước đó, và khi tập thơ được chọn qua vòng sơ khảo của Hội đồng thơ cho một giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn, tôi đã được đọc để… bỏ phiếu. Khỏi nói, khi anh đọc một tập thơ chỉ với mục đích “bỏ phiếu”, thì những ràng buộc trách nhiệm khiến anh khó thấy thoải mái như thế nào! Mà đọc thơ lại rất cần thoải mái, cần sự thư thái vô mục đích, như thể tiện tay cầm tập thơ thì đọc, thế thôi! Đọc như thế, thơ dễ vào mình, mình cũng dễ nhập vào thơ, nếu thơ ấy hút được mình, hơn chút nữa là vò xé hay đảo lộn được mình. Nói thật, thứ thơ có thể vò xé hay đảo lộn được người đọc thơ chuyên nghiệp hay nghiệp dư bây giờ là rất hiếm trên cả thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam. Trong khi, ngay ở quê xứ mình, hàng ngày đọc báo hay ra ngoài đường lại tai nghe mắt thấy biết bao điều khiến phải bứt rứt, khiến như bị vò xé hay bất an. Đó hoàn toàn là những trạng thái của thơ, của người làm thơ khi sáng tác, nhưng nó chỉ trở thành “trạng thái nội tại” một khi nhà thơ “nhập khẩu” với thuế suất 0% cái trạng thái ngoại cảnh ấy vào trong mình. Thử đọc một đoạn trong bài thơ ngắn “ Cánh đồng buổi chiều”:

Chúng ta vẫn bưng bát cơm trắng mỗi ngày

Thật đơn giản, hiển nhiên, như hơi thở

Không còn nhớ có bao giọt mồ hôi trên mặt ruộng

Bao nhiêu bùn, bao nhiêu khổ đau

Khi mồ hôi trở nên quá rẻ

Kẻ ranh ma trở nên quá giàu

( tríchCõi lặng”- NKĐ)

Tôi không dám nói những câu thơ này là xuất thần hay hiện đại, cũng không nói đó là những câu thơ lạ. Nó đơn giản quá để ta có thể ngợi khen. Nó chỉ là những nỗ lực hì hụi vượt đoạn đường làng đầy ổ gà của một chiếc xe máy cũ. Nhưng giữa những cú xốc nảy, đoạn thơ chợt lay ta nhớ lại một điều gì, như khi bưng bát cơm “hiển nhiên” với những động tác nhai nuốt hiển nhiên chợt nhai phải…hòn sạn. Bấy giờ, thơ chính là hòn sạn trong bát cơm ấy, hòn sạn lay tỉnh ta khỏi sự lãng quên “hiển nhiên” đã quá dài. Ít nhất, thơ cần có những lúc buộc ta phải “nghĩ lại” như vậy. Tôi đọc tiếp một bài thơ ngắn nữa, bài “Trong những buổi chiều”:

Trong những buổi chiều buồn bã

Tôi nói thầm với hàng cây trước nhà

Hãy dịu dàng hơn, hãy dịu dàng nữa

Trong những buổi chiều buồn bã

Đá cứng hơn, chân mềm hơn

Tôi trèo lên hừng hực ngọn bê-tông núi lửa

Mãi khi vầng trăng treo trước cửa

Chợt nhớ khuôn mặt hiền xót xa

Nghiêng xuống cánh đồng ngày xưa

Vì sao không thể yêu mến hơn ?

Vì sao không xanh tươi hơn ?

Vì sao không trong sạch hơn ?”

( tríchCõi lặng”- NKĐ)

Một trong những nhu cầu lớn của thơ, là nhu cầu được ân hận. Bài thơ này nhằm giải toả nhu cầu bình dị ấy. Nhưng ai là người có nhu cầu ân hận đây ? “ Con người sẽ thế nào nếu không biết ân hận?”, hình như cách đây hơn hai chục năm tôi đã viết câu thơ đó trong một bài thơ nào của mình. Nhà thơ luôn có nhu cầu đi ngược, thậm chí đi lùi. Điều này thì cái xe máy không làm được. Tập thơ “ Cõi lặng” đã không nhận được giải thưởng, một chuyện khá bình thường. Nhưng ngay khikhông được nhận giải thưởng, thì thơ vẫn có thể cứ là thơ. Bởi nhà thơ, nói chung, vẫn chỉ làm thơ vì những nhu cầu riêng tư của mình, và làm thơ cho mình trước khi thơ đó có thể cho ai.

dtnt

Nhà thơ Đinh thị Như Thuý

Tôi lại đọc tập thơ “ Phía bên kia cây cầu” của Đinh Thị Như Thúy, một nhà thơ nữ còn trẻ (xét về “tuổi xuất hiện” trên thi đàn). Cách đây ba năm, khi lần đầu được đọc thơ Như Thúy, tôi đã ngạc nhiên, nhất là khi được biết Thúy đang là cô giáo ở một huyện vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Đaklak. Cô lặng lẽ như ngôi trường làng cô đang dạy học, như vùng quê khuất lấp cô đang sống. Và thơ cô cũng vậy. Nhưng lại không chỉ vậy.

Tôi lật giở bất chợt một trang trong “ Phía bên kia…”và gặp “Chỉ có mưa không cần nghi ngại”:

rồi sẽ phải chết trong từng giây

khi gặm nhấm nỗi khánh kiệt

những tưởng tượng về ngày mưa phố huyện

vệt bùn đỏ hoe

những bông cỏ đĩ rập rờn

lướt thướt mang mưa trên năm cánh trắng


mưa kéo dài từ núi nọ

mưa kéo dài từ ngày nọ

mưa nhẫn nại

chờ những con đường xuyên qua rẫy thành sông


một mùa một ngày một người

bao giờ cũng nhỏ bé

bao giờ cũng chẳng có gì đáng nói


một ngày xòe tay hứng từng giọt

rồi một ngày thu mình co ro

một ngày dằn dỗi bất cần

rồi một ngày chết vì mong đợi


chỉ có mưa không cần nghi ngại

(trích “ Phia bên kia cây cầu”- ĐTNT)

Hiện lên qua từng câu thơ hình ảnh một số phận, một độc thoại cay đắng nhưng không căng thẳng, một nỗi khắc khoải khó gọi tên, một “giọng mưa không cần nghi ngại”. Tôi có thể trích nhiều bài thơ trong tập thơ này với chất giọng không lẫn được của Đinh Thị Như Thúy. Đây là tập thơ cùng với tập “ Cõi lặng” của Nguyễn Khoa Điềm đã vượt qua vòng chung khảo của Hội đồng thơ, nhưng cuối cùng đã “out” khỏi giải thưởng của Hội nhà văn. Cũng không có vấn đề gì! Hay là đọc thêm một bài thơ nữa của Thúy, bài “Trôi ngược cua đường gấp khúc”:

trôi ngược cua đường gấp khúc

trôi ngược mặt trời trôi ngược núi xa

ngày của cuộc đi trôi ngược


lại ẩn mình trong khu vườn im lặng

im lặng ngắm nhìn loài giây leo bò quấn trên bậu cửa

nỗi buồn cũng không nhiều lời

nỗi buồn có mùi hương kỳ lạ của hoài niệm


không còn ai tìm hoa để hái nơi này

những nhợt nhạt xanh

giữa những bất động trì trệ

những ngược ngạo chạy đường ranh chia cắt


không còn ai tin vào sự đổi thay

như tin vào ngọn gió

không còn ai tiếp tục lời tụng ca

cua đường

núi xa

mặt trời trôi ngược

(trích “ Phía bên kia cây cầu”-ĐTNT)

Nếu thơ được phép ân hận thì thơ cũng giành cho mình quyền được tuyệt vọng, nói như nhà thơ Chilê vĩ đại Pablo Neruda. Trong giọng thơ thì thầm nhỏ bé kia, cứ ngỡ sự khuất lấp sẽ lớn hơn, nào ngờ, cáinhỏ nhẻ không có gì che chở, không đặc quyền đặc lợi lại đến với ta nhiều hơn, lại thuyết phục ta hơn những gì cao giọng. Và chính Neruda, khi viết kiệt tác “Trên đỉnh Macchu Picchu”-một trường ca đưa tên tuổi ông vào bất tử, Neruda đã cùng thơ ông “leo núi” bằng chân bằng tay chứ không chỉ chạy trên “đường làng” bằng xe máy. Xem ra, thơ leo núi hay đi đường làng, bằng chân bằng xe máy hay phóng trên đường cao tốc bằng ô tô Lexus thì cũng thế. Cốt ở người chứ không cốt ở phương tiện.


TRƯỜNG CA CHẠY ĐƯỜNG NÚI


Có một thế hệ những nhà thơ chống Mỹ, sau chiến tranh đã viết những trường ca. Những trường ca của họ, mức độ thành công có thể khác nhau, nhưng lại giống nhau ở nhân vật trường ca: đó chính là cuộc chiến tranh, là nhân dân Việt Nam trong chiến tranh, là người lính và hậu phương của họ, gia đình của họ trong chiến tranh. Một cuộc chiến tranh dai dẳng như vậy, khủng khiếp như vậy đòi hỏi phải có những tác phẩm thơ không dễ dãi viết về nó. Cứ ngỡ, sau hàng loạt trường ca chiến tranh như thế, sau khi người đọc cần và yêu cầu những bài thơ thời bình, những tình ca, du ca, mơ mộng ca như thế, sẽ không còn nhà thơ nào viết trường ca chiến tranh nữa. Vậy mà có. 

htc

Nhà thơ Hoàng Trần Cương

Bắt đầu là Hoàng Trần Cương, với trường ca “ Trầm tích”- một trường ca chiến tranh đúng nghĩa. Xem lại lý lịch, thì Cương là bộ đội chống Mỹ, tuổi cũng không còn ít. Sau đó mấy năm, xuất hiện Trần Anh Thái có độ tuổi nhỏ hơn Hoàng Trần Cương, cũng là lính chống Mỹ, với liên tiếp mấy trường ca đều viết về chiến tranh, đều định vị tại một vùng chiến sự ác liệt nhất cuối cuộc chiến: vùng núi Định Cương (Nghĩa Hành-Quảng Ngãi). Và phải nói, từ “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương, tới “Đổ bóng xuống mặt trời” và nhất là “Ngày đang mở sáng” của Trần Anh Thái, người ta được đọc chiến tranh ở cự ly gần hơn, thấy rõ khuôn mặt tàn khốc của chiến tranh hơn, và hiểu được tâm trạng, tâm tình người lính trận sau mỗi trận đánh hơn. Đơn giản, vì hai nhà thơ này đều là lính chiến, đều xung trận khi chỉ là lính lác, và đều cảm nhận chiến tranh ở mức không thể sát sạt hơn. Điều đó khác với lớp nhà thơ, cũng là lính chống Mỹ như Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh..v..v…và tôi, những người không hề viết về Hoà Vang khi ở miền Bắc, nhưng do nhiều điều kiện khác nhau, ít khi được là lính trận thứ thiệt. Chính cái xáp mặt với chiến tranh, cái bi thảm nơi hoàn cảnh gia đình người lính lúc ra trận, cái nhìn và cách nghĩ trầm tĩnh hơn sau khi đã ra khỏi cuộc chiến một thời gian dài, có độ lùi sâu hơn, đã khiến trường ca Hoàng Trần Cương và Trần Anh Thái mang một dáng vẻ riêng đóng góp vào kho tàng những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam:

Mẹ ơi

Lẽ ra thay cho tấm huân chương trên ngực

Tấm huân chương

Không hiểu sao bây giờ lại có người len lén nhét vào ngăn ký ức

Là phiến đá xanh

Lạnh cứng bìa rừng

Đồng đội dựng lên trên nấm mồ con ngày thất trận

Như đã bao lần

Hàng dãy ba lô được gửi về hậu tuyến

Ôi! Những chiếc ba lô

Còn nhưng nhức xanh thơm lựng mùi hồ

Thôi quàng vào vai

Mà quàng tên của làng của phố

Trên những tấm bìa

Đẫm máu các anh

(“Vốn và lãi” trích trường ca “Trầm tích”)

Hoàng Trần Cương ít thể hiện trực diện những trận đánh, nhưng trong trường ca này, sự đối đầu quyết liệt với chiến tranh, với lịch sử, với số phận của làng quê mình đã khiến nhà thơ luôn tung những con chữ trong tình trạng “ lê bật giương, đạn lên nòng” sẵn sàng xáp chiến. “Xáp mặt” và “lùi xa”-đó là hai điều kiện cần cho những trường ca viết về chiến tranh. Còn điều kiện đủ, dĩ nhiên nằm ở tài năng nhà thơ, tâm huyết nhà thơ, và số phận của nhà thơ. Dù hoàn cảnh sống của họ hôm nay đã khác trước, nhưng mãi mãi, họ không thể đưa cuộc chiến tranh “ra khỏi” số phận mình:

Hoảng hốt nhìn những sân trường sạch bóng trẻ con

Hoảng hốt nhìn vào lòng mình thấy ruột gan nóng rần như lửa đốt

Bói đâu ra bóng dáng của ngày thường

Bói đâu ra tiếng gà trưa đảo trứng

Tiếng mõ trâu chùng cả dáng chiều

(“Hoàng hôn màu cỏ” trích trường ca “Trầm tích”)

Chuyện đó rất bình thường đối với tất cả những người lính chiến trên thế giới này, nhất là với những người lính Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam. Tôi đã từng gặp và chuyện trò (dĩ nhiên qua phiên dịch) với một nhà văn Mỹ nổi tiếng - người từng được giải thưởng văn học Quốc gia Mỹ. Ông than phiền là có lẽ suốt đời mình, ông chỉ có thể viết về đề tài chiến tranh, cuộc chiến tranh Việt Nam mà ông bị đẩy vào tham chiến năm 20 tuổi, và ra khỏi nó năm 23 tuổi. Chỉ 3 năm thôi, nhưng chừng đó thời gian ở Việt Nam đủ ám ảnh ông suốt đời, và ông chỉ có thể viết về một đề tài: chiến tranh, một trải nghiệm lớn nhất: trải nghiệm bản thân mình trong chiến tranh. Thú thật, khi nghe ông nhà văn Mỹ này thổ lộ như thế, tôi đã rất ngạc nhiên. Phần mình, tôi chỉ muốn thoát khỏi những đề tài chiến tranh cho xong, để có thể viết những đề tài khác. Nhưng rồi, sau nhiều năm ngẫm lại, và sau khi đã viết qua rất nhiều đề tài khác nhau, thì rốt cuộc, cứ như xui ám thế nào, những cái tôi viết đều ít nhiều dây dính với chiến tranh, giăng mắc với số phận con người trong chiến tranh và sau chiến tranh. Xem ra, ông nhà văn Mỹ này có lý. Tôi nghĩ, Hoàng Trần Cương và Trần Anh Thái cũng vậy. 

trananhthai

Nhà thơ Trần Anh Thái

Nhất là Trần Anh Thái. Anh đã tới mức không còn muốn chiến tranh - cuộc chiến thảm khốc mà anh trực tiếp tham dự - ra khỏi con người mình, cuộc đời mình nữa:

Chúng tôi gom nhau về hậu cứ

Sông Vệ hai dòng cát trắng chảy vòng tang

Những tia nắng cuối ngày mỏi rũ


Không tiếng người vang lên

Im lặng

Những bước chân thập thễnh hoàng hôn


Và:

Bạn tôi chết không ngày không tên đất

Vô vàn tấm bia trên mộ không tên

Nhì nhằng hàng chữ rối ý nghĩa


Bó hoa sim tôi hái

Héo rũ trên mồ

Chân nhang ai vừa qua

Khói bay côi cút


Không tìm được bạn tôi

Những cái chết lãng quên

Bạn như chưa từng có…

(trích trường ca “ Ngày đang mở sáng”)

Dù viết về cái gì, dù thao thức ở đâu, thì chiến tranh vẫn chen ngang vào những trang thơ của Hoàng Trần Cương, của Trần Anh Thái, vẫn lầm lì nằm lại ở đó và không chịu ra khỏi. Thế thì, trong lúc người đọc thơ ngày càng ít đi, người đọc trường ca, lại là trường ca viết về chiến tranh lại càng ít, thì những nhà thơ từng mặc áo lính cứ lầm lũi với đề tài “ruột” của mình như thế, liệu họ có làm chuyện “xách xe tăng chạy đường núi” ? Tôi không nghĩ như vậy. Thơ hay bao giờ cũng kén người đọc. Vấn đề không phải là viết về chiến tranh, mà chính trong chiến tranh, những phẩm chất người, những số phận người hiện ra khắc nghiệt nhất, ít khả năng lựa chọn nhất:

Đôi khi giật mình tiếng gió kẹt cửa

Lẩn thẩn hai tay sờ soạng phên thưa

Đôi khi vắng quá

Mở đài thật to

Nhớ một tiếng người một giọng nói

(trích trường ca “Ngày đang mở sáng”)

Và khi nhà thơ đã lựa chọn, thì đó là sự lựa chọn “chung thân”.

Cứ thảng thốt như thế trong gần suốt bản trường ca, thì chiến tranh làm sao ra khỏi anh cho được ?

Nhưng những nhà thơ lính này chấp nhận. Họ không thể sống khác với vong hồn những đồng đội cũ của mình, không thể viết khác với chính họ. Điều đó không ngăn cản gì sự tìm tòi, cách tân hay sáng tạo. Nó chỉ nói lên rằng: Mỗi nhà thơ khi đứng lên được, đều đứng lên trên chính mảnh đất của mình, đứng lên trên chính số phận mình.

Xe tăng chạy đường núi thì vất vả rồi, nhưng cơ may tới đích vẫn rất nhiều.


THƠ BON ĐƯỜNG CAO TỐC


Xem ra, bây giờ làm thơ “tân hình thức” thơ “hậu hiện đại” hay “siêu thơ” lại có vẻ an toàn và dễ dàng hơn, ít nhất là dễ hơn xưa rất nhiều. Cùng lắm, thì với những bài thơ nhiều tục ít thanh, những bài thơ sex trực diện một cách trắng phớ và trắng trợn, người ta chỉ phẩy tay nói: thơ thẩn gì lạ thế này! Vậy thôi! Nếu như ngày xưa, thì tác giả của nó nếu không phải đi lao động tập trung cũng khốn khổ khốn nạn với đủ tầng nấc quan quyền. Rồi kiểm điểm, rồi hạ lương, rồi xuống “công dân hạng hai”… thôi thì đủ đường ngao ngán. Nếu chỉ qua thơ mà tính, thì dù bây giờ “tường lửa” còn rừng rực cháy đó đây, nhưng dân chủ trong sáng tác văn nghệ đã có bước tiến khá dài. Mình chưa nên so với thế giới vội, mà hãy so với chính mình cách đây vài chục, ba chục năm, thì sẽ thấy rõ dân chủ dù chưa đi xe Lexus trên đường cao tốc, nhưng ít nhất cũng ngự xe… công nông, và vẫn hành tiến. Mà tôi nghĩ, dân chủ trong sáng tác cũng chỉ nên đi xe công nông, chậm mà chắc. Chứ nếu khi chưa chuẩn bị cho tâm thế dân chủ, mà vụt cưỡi xe “ba nghìn trâu” thì có khi gây tai nạn cho chính mình. Đó là dân chủ. Còn tự do trong sáng tạo ? Thì ngay từ thời Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, sự tự do tuyệt đối trong tâm hồn nhà thơ đã có rồi. Nếu không thì làm sao viết được thơ để đời ? Bây giờ càng như vậy. Sự tự do thật sự trong tâm hồn khi sáng tạo, coi vậy mà không dễ có và không dễ giữ ở tình trạng thường trực đâu. Bây giờ nhiều cái tác động vào “vương quốc của tự do” ấy lắm, và có những cám dỗ rất khó chối từ, trong đó không trừ danh vọng và tiền bạc. Những nhà thơ xưa coi vậy mà dễ xử lý hơn chúng ta về khoản này. Tôi ủng hộ thơ ngự trên những con xe xịn và chạy đường cao tốc. Vì đó là xu hướng của thế giới hiện đại. Nhưng tôi càng khâm phục hơn những nhà thơ hiện đại nào vẫn đi xe công nông hay xe ba bánh tự chế ngay trên đường cao tốc, dù loại xe này sắp bị cấm, và có thể bị phạt. Không phải đi xe công nông hay xe ba bánh để làm dáng, để ra vẻ độc đáo, mà đơn giản, xe tốc độ chậm dễ đi hơn. Tốc độ thơ thường chậm, nhiều lúc còn rề rà lẩn thẩn nữa.


Quảng Ngãi sau mùa mưa lụt 2008

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss