Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ba bức thư

Ba bức thư

- Nguyên Ngọc — published 04/09/2014 19:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20



BA BỨC THƯ


PHÁC HỌA của NGUYÊN NGỌC

(một anh bộ đội miền Nam kể)

bia

Một bạn đọc từ Hà Nội gửi cho Diễn Đàn truyện ngắn
của nhà văn Nguyên Ngọc (sinh ngày 5.9.1932) nhân dịp anh 82 tuổi.
Truyện BA BỨC THƯ xuất hiện lần đầu trên tạp chí
VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI số tháng 1.1957 (tr. 48-51);
Chúng tôi giữ nguyên cách viết tên riêng (có gạch nối) của thời đó.

TÔI đứng lại và cảm thấy hình như có ai đi theo mình. Nhưng không phải, chỉ là tiếng nước sông chảy rì rào, sóng con vỗ vào bờ, mệt mỏi, như dỗ dành, như an ủi. Con sông màu vàng đục – sao lại gọi là sông Hồng – rộng và lạnh lẽo vô cùng...

Không, con sông Thu-bồn không giống như thế này. Ngang khoảng Bến-Đền, nước nó trong và xanh, xanh đến nỗi trong đêm tối cánh mũi của những anh bộ đội vượt sông sang công tác bên vùng tạm chiếm hình như bỗng phập phồng vì đánh hơi thấy mùi xanh đậm đà, kỳ lạ của nước nguồn đổ về. Đúng, đêm đó là một đêm tối trời, không trăng, không sao. Mây bay thấp, như không phải rằng quả đất quay nữa, mà cả bầu trời rách nát đang hấp tấp quay quanh quả đất. Thỉnh thoảng lắm mới có một ánh sao lọt xuống đáy sóng xanh thẫm, sâu không biết chừng nào. Tiểu đội chúng tôi ngồi đầy một thuyền. Thuyền bỏ bến. Những cành dâu cuối cùng sát bợt nước, vướng vào lái thuyển kêu rào rào, rồi bật tung lên, rải lên trời một loạt những hạt mưa đen và mịn. Sông đã bắt đâu sâu rồi. Và tất cả phía bên này bờ, tất cả phía vùng tự do, chỉ còn là mấy ngọn dâu đã tuốt gần hết lá lơ thơ trong gió sông.

Tôi kẹp súng, ngồi co hai chân lại cho đỡ lạnh. Tay trái đút vào túi quần bỗng chạm phải một mảnh giấy : một bức thư.

Bức thư “ kỳ lạ ” đó vẫn còn nằm trong túi tôi. Bức thư đó đến một ngày trước khi đơn vị bỏ cái xóm nhỏ dưới chân dốc Tam-quan, đi chiến dịch Quảng-nam. Quảng-nam... Quê tôi ở Quảng-nam. Nhưng từ ngày vào bộ đội, tôi chỉ được đi đánh nhau trên chiến trường Khánh-hòa. Lần này là lần đầu tiên được trở về Quảng-nam, quê mẹ. Ở thao trường thực tập tiêu diệt đồn Y 52, một cái đồn đầy giây thép gai và hố đại bác nào đó đóng trên quê mẹ của tôi, tôi thấy mồ hôi chảy dài xuống trên má, mặn và chát, vừa tức vừa vui, – nghĩ rằng:

– Chà lần này mới được trở về giải phóng quê hương đây.

Đêm ngủ không được. Ngủ sao được ? Nhớ cái xứ Quảng-nam quen biết mà lạ lùng đó. Từ kháng chiến đến giờ Quảng-nam đổi thay ra sao ?

Cứ nghĩ rằng trên núi Sùng-công mà chúng nó đóng một hệ thống đồn thì cũng khó tưởng tượng thật. Hừ, đóng như thế thì chúng đến chết khát mất. Cái xứ Quảng-nam của mình đối với con cháu thì màu mỡ, tốt vô cùng. Mà đối với thằng địch thì thật là khô nẻ như đất núi Sùng-công…

Đêm này qua đêm khác, sau khi tập tiềm hành đêm về, làm biếng không thay áo quần, cứ nằm nghe những sợi vải áo xi-ta chỉ đánh quện mồ hôi cọ xót vào người, mà nghĩ đến những chuyện như thế thao thức, không bao giờ hết... Chính là sau một đêm thao thức, có lẽ là đêm thao thức nhất, vì chỉ còn hai ngày nữa là lên đường đi Quảng-nam, thì tôi nhận được “ lá thứ đó ”. Bì thư giấy ngoại hóa, có gạch ca-rô. Biết ngay là thư từ vùng tạm chiếm gửi vào. Vùng tự do không có thứ giấy trắng này. Ai xé vở làm bì thư gửi cho mình thế này ? Không có tên địa chỉ người gửi. Chỉ có mầy giòng :

“ Gửi anh Nguyễn-văn-Hưng

Trung đoàn A.B.C.”

Đúng là thư của mình rổi. Nhưng chữ ai viết đây ?

Anh chính trị viên vừa có vẻ mỉm cười vừa có vẻ nghiêm nghị đưa bức thư cho tôi :

– Cậu có thư nhà.

Không, tôi không còn có nhà... Nhưng... một câu chuyện kháng chiến... nghĩa là tôi không có nhà, không còn có ai để viết thư cho mình nữa. Nét chữ trên bì thư không nguệch ngoạc nhưng đúng là một người viết cũng chưa thạo, nắn nót lắm mới được thế này. Thôi được cứ mở thử xem sao đã.

Bên trong, cũng một thứ giấy ca-rô đó, tôi đọc bức thư này :

Điện Tiến ngày tháng... năm 1952 ... “ sao hơn một năm nay anh không viết thư về thăm mẹ, em và Hà. Mẹ trông tin anh lắm nghe nói bộ đội anh đánh đâu ở Khánh- hòa, đã về nghỉ ở vùng tự do rồi, mà anh không viết thư về... Em Hà lối rày đã lớn lắm. Mẹ nói anh về lần này thì lo liệu cho nó. Con trâu bị Tây bắn chết rồi... Em đi chợ Ngũ giáp mua một đôi gà, đẻ được ba lứa rồi đợi anh về nấu cháo anh ăn.”

Bằng một giọng bình tĩnh, đơn giản như thế, cô em gái ở Điện Tiến kể cho ông anh ở bộ đội nghe chuyện nhà chuyện cửa ; chuyện con trâu, con gà, chuyện thằng Tây và du kích... cô ta cũng là du kích rồi, đã đi phá rối đường 100 mỗi tháng 5, 6 lần, chán đại bác lắm rồi v.v...

Thế là ... thư gửi nhầm !

Tôi hơi buồn, xếp thư trả lại vào phong bì tử tế rồi, tôi chống súng ngồi nghĩ lung tung. Một lúc tôi đứng dậy, phủi quần, hắt một tiếng :

– Mệt !

Rồi bỏ đi ra thao trường.

Trưa hôm đó về tôi ra gốc mít sau hè đọc lại bức thư một lần nữa, rồi dán phong bì thật kỹ, đem trả cho anh chính trị viên. Anh chính trị viên bỏ cây bút xuống bàn, ngửng lên hỏi :

– Cậu dỡn a ?

Lần này thì tôi nghiêm nét mặt :

– Báo cáo không !

Đôi co một lúc. Anh chính trị viên ngồi nghe tôi kể chuyện gia đình tôi. Sau cùng, anh cầm bút lên, lắc đầu, quyết định :

– Thôi được cậu cứ giữ đó, sau hẵng hay.

Ngay sau là ngày đơn vị lên đường. Anh chính trị viên đã quên mất chuyện đó.

Và cho đến hôm nay, ngồi trên con đò của du kích Thu-bồn đưa sang sông đi đánh trận mở màn chiến dịch, tôi đút tay vào túi lại gặp bức thư gửi lầm này.

Bên kia sông là Điện Tiến rồi. Đồn Xuân-đài, cái Y52 của chúng tôi mở một con mắt đỏ bét nhìn vào trong đêm. Mùi xanh của nước sông bay lên quấn quít lấy người. Hình như mây bay thấp đến nỗi chỉ với tay cũng nắm được chúng nó lại. Bốn bề cái gi cũng thấp là là sát mặt nước. Những đầu ruồi súng của chúng tôi cũng chĩa ngang sang phía bên kia sông. Chỉ bóng chị nữ du kích Điện Tiến và bóng bà mẹ chèo đò, nhất là bóng chị du kích cao dong dỏng. Hai tay chị nắm mái chèo rất chắc, đưa về phía trước, nghiêng cả người về trước ; rồi hai tay lại rút về phía ngực, người lại ngả về sau. Thuyền rẽ nước rào rào, đi nhanh trông thấy. Trong bóng tối, không ai nói chuyện. Tôi thấy rõ chị cố nhìn chúng tôi.

Đến bờ sông rồi. Tôi bước chân lên mảnh đất quê hương mảnh đất tạm chiếm, như con về nhà mẹ, vừa tần ngần, vừa vội vã. Tiếng đằng trước chuyển lại :

– Nhanh lên tập hợp ở miếng ruộng bên tay trái !

Tôi sửa lại bao đạn, bước lên.

– Anh !

Chị du kích gọi.

– Cho em hỏi.

Trong một thoáng, tôi bỗng nhớ ra bức thư. Ừ, biết đâu cô Khung đây rồi. Tôi thúc cho anh em lên trước, còn tôi quay trở lại, một tay giữ súng, một tay giữ lấy mũi thuyền. Nước Thu-bồn thân mật xoa xoa lên chân.

Chị du kích gác con sào lên bè thuyền cúi xuống nói :

– Em hỏi khí không phải,… các anh có phải bộ đội anh Hưng về đây không?

Không hiểu nghĩ thế nào, tôi bỗng thấy lạnh toát người.

Tôi nói vội :

– Phải… chị Khung phải không ?

Hai chấm sáng trên mắt chị mở to !

– Răng anh biết ?

Đã lâu lắm, đã lâu lắm, bây giờ tôi mới được nghe lại tiếng “ răng ” Quảng-nam. Sao một tiếng nói lại có thể có mùi thơm của cái đất quê hương đến như thế ? Nghe tiếng đó, tự nhiên tôi thấy con sông, bờ dâu, gió lạnh, con thuyền, trời mây và cả bà mẹ, và cả chị Khung nữa, cái gì cũng quen thuộc lắm rồi, như người làng, như chính làng tôi rồi.

Tôi nói vội :

– Anh Hưng có kể cho tôi nghe chuyện gia đình. Nhưng lần này anh Hưng đi chiến trường khác, không về đây…

Tôi quay vội lại, chạy theo anh em hối hả lên tập họp trên kia, không kịp nghe chị Khung nói gì với bà mẹ già.

Anh ạ, thế là chiến dịch Quảng-nam năm đó, tôi trở thành em rể của đồng chí Hưng chưa quen biết bao giờ.


*


Con sông Hồng rộng quá.

Sông Thu-bồn hẹp hơn, nhưng có cái gì đậm đà hơn. Tôi nhớ đêm tôi và Khung đứng rửa chân lần cuối cùng ở bờ sông. Khung chèo thuyền đưa tôi sang sông đi tập kết.

Bóng cô du kích cao dong dỏng lại in trên nền trời đêm nay đầy sao. Sao hình như càng khuya càng mọc nhiều lên, đầy cả bầu trời, đầy cả dòng sông dài. Khung chèo vẫn mạnh, vẫn chắc tay như năm xưa, khi hai tay rút lại phía ngực, con thuyền lại rướn mình tới, xua một bầy sao rối lên loạn xạ và rẽ sóng rào rào. Khung đã là đồng chí và phụ trách du kích xã. Tôi đã thành chính trị viên đại đội. Khung được ở trong tiêu chuẩn đi tập kết. Tôi định lần này về thăm nhà đưa Khung đi luôn một thể.

Trên chiếc giường tre nhỏ, trong căn nhà còn thơm rạ thơm tre, Khung nằm sát vào tôi, nắm chặt lấy hai vai tôi, tóc thơm nắng phủ xuống trên má tôi, Khung nói :

– Em ở lại, anh ạ.

Khung nói với tôi rằng Khung phải ở lại để đấu tranh. Khung ở lại thật...

Tôi bước lên khỏi dãy dâu cuối cùng trên bờ sông Thu-bồn, quay lại không còn thấy bóng Khung đâu cả. Chỉ còn con sông dài và bên kia sông, làng tôi đang chớp hàng trăm con mắt sáng nhìn sang.


*



II


Tôi dở nắp hòm thư ở đầu phố Tràng Thi, Hà-nội, bỏ một lá thư vào hòm. Lá thư cọ vào vành sắt xanh soạt một tiếng, rồi rơi vào giữa những lá thư của những người đã bỏ trước tôi. Thế là tôi đã bỏ thư vào thùng rồi... không còn lấy ra được nữa. Tôi đứng trước hòm thư, bất lực. Không còn cách gì khác, tôi quay đi, lẩn vào giữa phố chen chúc. Thế là tôi đã gửi bức thư đó đi rồi. Tôi đã mua một phong bì màu xanh rất đẹp và một con tem 100 đồng, và đã gửi bức thư đó !

Bức thư tôi viết cho một cô gái miền Bắc mới quen biết. Đêm hôm qua, tôi ngồi đến hơn mười một giờ đêm, đóng chặt cửa phòng lại, và viết bức thư đó. Tôi viết :

“ Lan thân mến,

Tôi định viết thư cho Lan nhiều lần nhưng rồi lại thôi. Lần này mới quyết định viết cho Lan đây. Tôi sống ở miền Bắc, không có gia đình, không có bạn thân. Gặp Lan tôi thấy muốn làm quen. Hôm nay tôi viết thư hỏi Lan rằng từ nay tôi có nên viết thư cho Lan nữa hay không ? có nên tìm gặp Lan nữa hay không ? ”

Viết xong, không đọc lại, tôi tắt đèn đi ngủ. Một đêm ngủ yên. Sáng nay, chủ nhật, tôi đã bỏ bức thư đó vào một hòm thư ở cuối phố Tràng Thi.

Tôi đi xen vào giữa đám người chen chúc quanh Bờ Hồ và tự nhiên, tôi bỗng thấy sợ gặp Lan ? Tôi không hiểu vì sao cả. Tôi đi thẳng ra phía sau Nhà hát Lớn và chọn một con đường vắng nhất. Bóng cây rậm rạp, đường Hà-nội đẹp và đáng yêu. Nhưng... tại sao tôi lại viết thư cho Lan ? đùa chăng ? hay là thật rồi ? Tôi cảm thấy tôi hơi xa lạ với miền Nam rồi. Nghe những tiếng “ ri, mô, răng, rứa ” ở Bờ Hồ, tôi thấy nhoi nhói trong người và bỏ đi xa, đi sang phía vỉa hè ít người. Phía bên kia phần nhiều là người Hà-nội đi. Hình như họ muốn nhường phía vỉa hè bên này cho đồng bào miền Nam…

Tôi không suy nghĩ. Tôi về nhà. Lại ngồi vào bàn, định viết.

Bỗng, thấy một bức thư của đồng chí liên lạc để trên bàn.

Anh ạ, trước tiên là tôi nghĩ rằng tôi hoa mắt. Nhưng lá thư vẫn cứ có thật. Bì thư làm bằng giấy trắng có gạch ca-rô, xé trong một quyển vở học trò. Không có tên người gửi và địa chỉ. Chỉ chừng này chữ :

“ anh Nguyễn-văn-Hưng

trung đoàn A.B.C ”

Tôi ngần ngừ đến mười phút mới xé thư. Nét chữ của một người viết chưa thạo, nắn nót lắm mới được như thế này. Vẫn không đề ngày, không ghi chỗ ở. Khung viết cho tôi :

“… … …

Mẹ và em vẫn khoẻ. Răng, anh có gửi bưu thiếp về nhà không ? Em chờ anh … …

ký tên : em Khung ”

Cuối thư, bằng một thứ mực khác, màu tím, Khung viết :

“ T.B. Hiện giờ em công tác ở mậu dịch Bắc-giang. Anh có rảnh thì lên thăm em.”

Tôi bước vào cửa hàng mậu dịch Bắc-giang, như cách đây bốn năm tôi bước chân đầu tiên lên đất Điện Tiến, đêm tiêu diệt đồn Xuân-đài. Người ta vào mua hàng đông quá. Tôi đứng thở một lát, rồi chen vào đám người, lấy hai cùi tay rẽ một lối đi.

– Ô hay, cái anh bộ đội này !

Tôi quay lại cười với chị con gái Bắc-giang, rồi tiếp tục “ tiến lên ”, theo lối đó.

Khung ngồi ở chỗ nào ? Hàng vải, một cô Quảng-nam đang đo vải rối rít. Cô nói giọng Tam-kỳ. Tôi định hỏi, nhưng thấy cô ta bận quá, với lại cũng muốn gặp Khung một cách đột ngột thích hơn. Cô hàng bán quần áo rét lại cũng là một cô Quảng-nam, cũng bận như cô hàng vải. Tôi dừng lại và nảy ra một sáng kiến : A, bây giờ tôi thử đoán Khung phụ trách bán hàng gì xem thử có đúng không nào !

Có lẽ Khung phụ trách bán thuốc. Tôi mỉm cười với ý nghĩ của mình. Khung đọc thế nào được chữ Pháp mà bán thuốc Tây. Thế nhưng không hiểu sao, tôi lại đinh ninh như vậy. Tôi nhắm thẳng chỗ hàng thuốc, dùng hai cùi tay “ tiến tới ”.

– Anh Hưng !

Một tiếng thét. Tất cả mọi người quay lại sửng sốt. Một cô gái mặc áo choàng trắng nhảy tới, ôm chầm lấy tôi. Một chai thuốc ký ninh vàng đổ xòa xuống mặt đất. Tôi gỡ tay cô ta ra.

– Em Hà !

Thì ra là Hà, em Khung...

Một chị mậu dịch vừa cười vừa nhặt hộ thuốc rơi, và ngồi bán hộ hàng để Hà nói chuyện với tôi. Hà đưa tôi vào nhà trong. Vẫn như xưa, Hà xoắn xít :

– Anh lên khi mô ? anh lên làm chi, hả anh ?

Tôi bình tĩnh cười :

– Anh lên thăm chị.

Hà nhảy lên :

– Ô, chị ra rồi à ? Chị ra khi mô ? Ở đâu rồi ?

Tôi lại càng tỏ ra bình tĩnh hơn :

– Chị ở Bắc-giang đây. Công tác mậu dịch... chắc là mậu dịch... lâm thổ sản.

... Chị mới gửi thư cho anh đây...

Hà cầm lá thư. Im lặng. Tôi vừa nhìn thấy trên mặt Hà, cô em gái lúc nào cũng vui và nghịch ấy, một thoáng buồn. Hà đặt thư xuống bàn vụt chạy vào nhà trong. Tôi sửng sốt, đứng dậy, Hà vội nói :

– Để em đi rót nước.

Nhưng tôi biết không phải. Tôi bước theo : Hà gục đầu vào một cây cột, đứng khóc.

Mười lăm phút sau.

Hà kể :

– Anh đi tập kết tháng 8. Đến tháng 5 thì em được vào vùng tự do để ra Bắc học. Trước khi đi, chị Khung viết thư này gửi em mang ra cho anh... Còn dòng chữ mực tím ở cuối thư là của em viết thêm vào để báo cho anh biết để anh lên thăm em...

Tôi uống hết một cốc nước rất nóng.

Xe lửa hú dài và bắt đầu qua cầu Phủ-lạng-Thương. Gió thổi phần phật vào cửa sổ. Con sông Thương xanh và dịu. Bên cạnh tôi có một đồng chí bộ đội miền Bắc. Tôi kể cho đồng chí ấy nghe :

– Ở quê tôi có một con sông cũng đẹp như con sông này, rộng hơn một chút, hai bên có dâu. Trong kháng chiến, bên này sông là vùng tự do, bên kia sông là vùng tạm chiếm. Đêm đến các chị nữ du kích thường đưa đón bộ đội sang sông vào hoạt động trong lòng địch. Các chị ấy chèo rất khỏe và rất khéo. Nắm chắc tay chèo như thế này, ngã người tới đằng trước một chút, rồi kéo hai tay lại trước ngực, hơi nghiêng người về phía sau. Thuyền đi rất nhanh...

Tôi đang nói về con sông Thu-Bồn… …

NGUYÊN-NGỌC

27-11-1956

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss