Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / BÀ HUYỆN THANH QUAN và 3 Thi Phẩm Trác Tuyệt!

BÀ HUYỆN THANH QUAN và 3 Thi Phẩm Trác Tuyệt!

- Lê Xuân Quang — published 13/03/2009 00:43, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Phụ nữ việt nam với văn thơ:



BÀ HUYỆN THANH QUAN
và 3 Thi Phẩm Trác Tuyệt!



Lê Xuân Quang



Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm và Bà Huyện Thanh Quan (BHTQ) là 3 nữ thi sĩ tài năng, tác phẩm của các bà góp phần làm phong phú kho tàng văn học Việt Nam cận đại.

Đáng chú ý: Nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan - người có số trang tác phẩm ít nhất nhưng lại chiếm vị trí khá sâu đậm trong lòng người đọc Việt.

Theo sử sách ghi lại, lưu truyền: BHTQ chỉ còn để lại 7 bài thơ Nôm, viết theo thể Đường luật (Thất ngôn, Bát cú). Bách khoa toàn thư Việt Nam đã liệt kê tên 7 bài thơ đó: "Qua Đèo Ngang", "Thăng Long hoài cổ", "Chiều hôm nhớ nhà", "Chùa Trấn Bắc", "Chơi đài Khán Xuân’’, ’’Trấn Võ", "Tức cảnh chiều thu".

Từ điển Wikipedia cũng ghi tương tự, nhưng cho rằng có bài Cảnh Thu mà không có Chơi Đài Khán Xuân. Một số ý kiến khác lại cho rằng, thực chất BHTQ chỉ để lại 3 bài : Thăng Long Hoài Cổ; Chiều Hôm Nhớ Nhà; Qua Đèo Ngang. còn những bài khác được xếp vào diện tồn nghi, trong đó có 2 bài nằm trong nhóm tác phẩm của Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương.

Đến nay, hậu thế vẫn không biết chính xác bà sinh và mất năm nào? Một số sách cũng chỉ ghi: Bà tên thật Nguyễn Thị Hinh, quê Hà Nội, là con của vị danh nho Nguyễn Lý (1755-1837) vốn là một cựu thần nhà Lê, sống ở thế kỉ 19, (khoảng cuối triều Lê, đầu Nguyễn). Bà Huyện Thanh Quan kết duyên cùng ông Lưu Nguyên Ôn bút hiệu Lưu Ái Lan (có sách còn chép là Lưu Nghi hay Lưu Nguyên Uẩn), đỗ cử nhân khoa Mậu Tí triều Minh Mệnh, và được bổ làm tri huyện Thanh Quan, nay là Huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Vì là phu nhân của Huyện quan, người đời gọi là Bà Huyện Thanh Quan. Tên đó trở thành bút danh của bà. Biết tài năng của bà, năm 1849 vua Minh Mạng triệu Nguyễn Thị Hinh vào kinh phong chức Cung Trung Giáo Tập để dạy các công chúa, phi tần và cung nữ.

 
 

Thời bà sinh sống ở kinh thành Thăng Long, kinh đô của nhiều triều đại, trải qua những đổi thay lớn lao. Gần 900 năm trước, Thái tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về lập đô mới Thăng Long - Hà Nội ngày nay. Các triều đại: LÝ - TRẦN - LÊ (hậu Lê) nối nhau lấy Thăng Long làm kinh đô. Thời Lê mạt, nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị – Tổng đốc lưỡng Quảng – mang quân tràn vào chiếm đóng Thăng Long, Nguyễn Huệ (Quang Trung) mang đại binh từ miền Trung ra tiêu diệt 20 vạn quân Thanh rồi lên ngôi hoàng đế. Mới chỉ tại vị dăm năm. Quang Trung bị đột tử. Lợi dụng thời cơ anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ bất hoà, Nguyễn Ánh – hậu duệ của Nguyễn Hoàng, tổ phụ của nhà Nguyễn – nhờ người Pháp giúp đỡ nổi dậy tiêu diệt anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, thống lĩnh sơn hà, về phủ Thừa Thiên lập đô mới – Thành Phú Xuân – Huế ngày nay. Từ đó, Thăng long mất vị thế kinh đô của quốc gia... Trải qua những cơn binh lửa, tiếp tục bị thời gian hủy hoại. Dù biết bao đổi thay nhưng quá khứ vẫn còn in đậm dấu vết rực rỡ của một thời vàng son. Nữ sĩ BHTQ đúng trước khung cảnh tang thương của cố đô, xúc động viết bài Thăng Long Hoài Cổ.

Bài thơ diễn tả sâu sắc hoài niệm nhớ thương về kinh thành xưa. Những con đường từng nhộn nhịp chân người, chân ngựa, tiếng bánh xe lăn, giờ chỉ còn là lối đi vắng lặng, rêu phong từng lớp phủ dầy. Nhìn cảnh, lòng người xao động trăn trở về một thời, về cội nguồn, quá khứ... Nhà thơ mủi lòng, tâm hồn trào dâng nỗi niềm thương tiếc, kết thúc giòng tâm sự: Cảnh đấy, Người đây luống đoạn trường.

Ở bài Chiều Hôm Nhớ Nhà, tác giả thể hiện cảm xúc khác. Nghĩa đen giãi bầy niềm cô quạnh của con người – như lữ khách, chiều về vẫn lang thang chưa tìm được mái nhà ấm êm. Nhưng nghĩa bóng là tâm sự của tác giả trước thời cuộc xoay vần không nhìn thấy tương lai... Đọc lại 2 bài thơ Chiều Hôm Nhớ Nhà, và Qua Đèo Ngang, gợi lại cho tôi một kỉ niệm sâu đậm:

Mùa hè năm 1978, cơ quan Tổng Công Ty Than Việt Nam cử một đoàn cán bộ đi từ Bắc vào Nam khảo sát các địa danh nằm dọc đường quốc lộ 1A – nhằm xây dựng kho chứa để mang than từ Quảng Ninh vào phục vụ công nghiệp địa phương, sau khi đất nước vừa thống nhất. Đoàn gồm 7 người đi trên chiếc xe dép quân sự (Comangca) đít vuông (1). Khi đến gần chân đèo Ngang trời đã xế chiều. Đột nhiên: Mọi người ngồi trên xe phát hiện ở giữa đường, phía trước, có một người đang quỳ, vái lạy hướng đối diện với chiếc xe đang chạy tới. Lái xe giảm tốc độ, dừng ngay trước người đang quỳ – dăm mét.

Tất cả trên xe bước xuống tiến đến, nhận ra: Đó là một cụ già khoảng trên 70 tuổi, gầy gò, ốm yếu, rách rưới. Mọi người đến, cụ vẫn quỳ tiếp tục vái. Kĩ sư, trưởng phòng Xây dựng cơ bản cúi xuống nâng cụ già lên, cụ chống gậy gượng đứng, ngẩng nhìn đoàn người, chụm hai bàn tay trước ngực vái... vái, nói phều phào: Xin các ông cho vợ chồng lão ít tiền, ít cơm ăn. Từ sáng đến giờ chỉ xin được chút ít...

– Con chắu cụ đâu, nhà các cụ ở chỗ nào mà lại ra giữa đường ô tô xin ăn thế này? – Tổng giám đốc hỏi.

Cụ già chỉ về ngôi làng nằm sát bờ biển, mếu máo: Nhà chúng tôi ở kia. 2 con tôi đi bộ đội vào Nam, hi sinh cả rồi. Vợ con chúng nó cũng đói quá dẫn nhau phiêu bạt nơi nào không biết. Dân làng cũng chẳng còn gì, tôi phải cùng bà lão ra đây kiếm ăn không thì chết – vừa nói, cụ vừa xoay ngưòi chỉ vào bên đường.

Chúng tôi ngoảnh nhìn: Dưới gốc cây xanh, một bà lão tóc bạc phơ, gầy, ốm, ngồi co ro, tựa lưng vào gốc cậy, một tay chìa trước mặt hướng ra phía đoàn người. Ông TGĐ bảo An – kĩ sư cơ khí – dìu ông lão vào chỗ bà già, quay sang nói nhỏ với người lái xe rồi lục túi tìm... mọi người làm theo. Gom được mấy chục tiền lẻ, anh lái xe mang túi gạo đóng sẵn cỡ 10 kg lôi từ lòng xe gói xôi lạc, đem tới cho ông bà cụ, TGĐ bảo tôi và An đưa họ về nhà đoạn giao hẹn: Hai cụ không được ra ngồi giữa đường xin ăn nữa.

Hai ông bà già vui mừng, cám ơn, hứa...

Tôi xách túi gạo, An cầm bị quần áo, chăn, chiếu rách, dìu ông bà già , họ tấp tểnh đi xuống mái ta luy đường dốc chân đèo hướng ra phía bãi biển. TGĐ dặn với: Các cậu gặp ai trong xóm thì nhắc mọi người coi chừng, đừng để ông bà lão ra đường ăn xin, nguy hiểm quá.

Đây là một làng nhỏ nằm dưới chân Đèo Ngang.

Lúc đó vùng này còn hoang vu. Đường quốc lộ 1 được người Pháp làm, nâng cấp từ đầu thế kỉ nên đã hư hỏng nhiều. Chiến tranh, nghèo, khu vực này lại nằm trong tầm kiểm soát của không quân Mĩ đánh phá nhiều đoạn hỏng rất nặng, vừa ra khỏi cuộc chiến, chưa kịp tu sửa. Những đoạn rải nhựa bong hỏng hết, chỉ còn vá víu bằng sỏi, đá dăm, đất; hẹp đến độ 2 xe ô tô tránh nhau, người đi bộ, xe đạp, không có chỗ đứng tránh phải tạt vào vệ cỏ. Mặt đường đầy ổ gà, ’’ổ voi’’, sống trâu. Chúng tôi phải khá lâu mới đưa được hai người già ốm yếu về đến làng.

Khung cảnh làng xóm nghèo nhưng có những nét đặc trưng, gợi ngay cho tôi nhớ đến bài Chiều Hôm Nhớ Nhà: Ở đây cũng có con sông nhỏ uốn lượn quanh làng, trên dòng đó đây vài ba con thuyền nan, mui cong bằng phên tre, nứa, có ông già ngồi buông cần câu cá.

Cạnh bến sông – chiếc chợ nằm trên khu đất rộng, mấy túp lều tranh ngiêng ngả, xơ xác ... Trong trảng có ven bờ sông có đàn trâu mươi lăm con thả rông, trên cổ một con to nhất đeo cái mõ, mỗi khi gặm cỏ, chiếc mõ đung đưa, phát ra những tiếng lóc cốc...

Cảnh vật trong bài thơ Chiều Hôm Nhớ Nhà y trang cảnh vật ngôi làng dưới chân Đèo Ngang lúc chiều tà. An cũng là người yêu thích văn chương và cũng thuộc bài thơ. Hai chúng tôi vừa đi trở lại xe, vừa đọc CHNN một cách say sưa. Phải chăng, trên con đường thiên lí từ cổ thành Thăng Long vào kinh đô Huế nhận lệnh vua, đường xa vời vợi nghìn trùng, Bà Huyện Thanh Quan đã dừng chân nghỉ ở đây lấy sức leo đèo, cảnh vật đã gợi cho bà viết bài thơ tuyệt tác kia, chăng?

Khi trở lại chỗ xe đậu, mọi người đang chuẩn bị vượt đèo.

TGĐ muốn chúng tôi nghỉ ăn uống, nhưng tôi và An đề nghị cùng lên đường ngay để đến đỉnh đèo Ngang được dừng lại, ngắm ’’Trời, Non, Nước’’ – dù đã tà dương. Bởi vì từ bé đã đọc. Lớn lên chiến tranh khốc liệt không đi đến đây, giờ được đi qua, cả hai đều háo hức. Tôi bầy tỏ nguyện vọng, TGĐ gật đầu nhưng giao hẹn: Các cậu chỉ được đứng trên đỉnh đèo ngắm nhìn 15 phút rồi đi ngay, không được cà kê...

Chúng tôi tới đỉnh đèo Ngang không phải lúc ’’... bóng xế tà’’, mà đã chiều tà.

Mặt trời đang dần khuất sau rặng Trường sơn nhưng vẫn hắt lên ánh sáng vàng rực. Không nhìn thấy ’’cỏ cây chen đá, lá chen hoa’’, mà chỉ nhìn thấy mầu cỏ cây đang đổi dần từ xanh tươi sang xanh thâm... Ở những chỗ không còn ánh nắng chiếu, khuất che, cỏ cây đang chuyển sang tím nhạt rồi xanh thẫm, ngả đen. Hoa – hoàn toàn không thấy, chắc có nhưng bị bóng chiều nhuộm nhòa đi, ẩn dần vào mầu xanh, đang chuyển sang đen... Cũng không còn nhìn thấy ’’Tiều vài chú’’ – những người gánh, vác củi từ trên rừng – về thôn. Chắc giờ này đã muộn, họ tới nhà từ trước rồi.

Đâu đó tiếng chim kêu xao xác...

Tiếng bìm bịp, tiếng cuốc kêu nghe mệt mỏi, não nề...

Bỗng vang lên tiếng kêu leng keng... leng keng.

Tôi nhận ra đó là âm thanh của dùi sắt gỏ vào vỏ quả bom – Dụng cụ tạo âm thanh báo động thông dụng của làng quê thời chiến tranh chống không quân Mĩ.

Tiếp tục lia mắt nhìn từ chân đèo – ngôi làng – ra phía Biển: Mặt biển đã chuyển từ xanh lam sang tối. Phía sau dẫy Trường sơn chỉ còn hắt lên ánh mặt trời đỏ mầu mắu, dần biến sang vàng rồi tím thẫm... khoảnh khắc đó chuyển rất nhanh: Màn đêm ập đến!

– Thôi đủ rồi! lên xe tìm chỗ nghỉ kẻo quá muộn – TGĐ nói to, giục mọi người.

Chiếc xe lại lăn bánh xuống đèo trong màn đêm bao phủ...

 
 

Khung cảnh đèo Ngang đã gieo vào lòng tôi ấn tượng sâu sắc vì được đứng ngay nơi hơn thế kỉ trước ... có thể nữ sĩ trứ danh của nền văn chương cận đại Việt Nam đã đứng, ngắm : Trời - Non - Nước để một mình với nỗi niềm cô đơn, gửi tâm tình vào không gian rồi ghi lại cảm xúc xuất thần ... viết ra thi phẩm Qua Đèo Ngang?

Có điều: Nữ sĩ đến Đèo Ngang trời mới ’’xế tà’’ chứ không như chúng tôi hôm nay đầy luyến tiếc: Nếu như không phải dừng lại vài giờ giúp ông bà lão ăn xin, chúng tôi đã có thể chiêm ngưỡng cảnh quan Đèo Ngang đúng xế tà, thưởng thức thoả mãn, trọn vẹn, hoàn hảo 2 thi phẩm trác tuyệt của nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan!

Nhưng, ở đời luôn có rất nhiều cặp phạm trù: ’’Nếu như... Thì... sẽ...’’ – diễn ra trong khoảnh khắc định mệnh. Sự xuất hiện cặp phạm trù này hay khác đã làm thay đổi số mệnh của từng cá thể, từng dân tộc thậm chí cả nhân loại. Tôi đưa mắt nhìn lên rừng Trường sơn, lia ra bãi biển – ngôi làng dưới chân đèo Ngang, tiếp nối phía xa là mặt biển. Chợt trong đầu vang lên: ’’Rừng xanh - Đèo Ngang - Biển trời còn đây, lo gì không có dịp thưởng thức Qua Đèo Ngang đúng ’’xế tà’’, để nhìn thấy cỏ cây, hoa lá chen nhau và nhìn các Tiều phu ’’lom khon dưới núi’’ – tìm củi đốt...

 

 

 

THĂNG LONG HOÀI CỔ

Tạo hóa gây chi cuộc hí truờng
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn chau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy, ngưòi đây luống đoạn trường.

 
 

CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẽ chốn chương đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

 
 

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại: Trời, Non, Nước
Một mảnh tình riêng ta với ta!


 
 


Lê Xuân Quang

Kỉ niệm Quốc tế Phụ Nữ
Berlin 08.03.2009



(1) Xe dép quân sự do Liên xô (cũ) chế tạo phục vụ chiến tranh. Có 2 loại Com măng ca: Đít tròn là cấu tạo khung bạt che, chéo góc (chứa được 4 người) - dành cho các sĩ quan. Đít vuông - cấu tạo khung bạt che vuông góc (chứa được 9 người) - dành chuyên trở lính tráng.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss