Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ

Bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ

- Lưu Quang Vũ / Diễn Đàn giới thiệu — published 06/07/2016 13:55, cập nhật lần cuối 06/07/2016 16:36


"Bùn" hay "đất cày" ?


Bài thơ TIẾNG VIỆT của LƯU QUANG VŨ


Vài lời dẫn nhập. 

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay (mà kết quả cũng được sử dụng cho việc tuyển sinh vào các trường đại học), bài thi ngữ văn đã sử dụng một số đoạn trong bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ (LQV) trong phần "đọc, hiểu" (trả lời 4 câu hỏi liên quan đến nội dung trích đoạn - các khổ thư từ 5 đến 9 trong toàn bài). 

Một xì-căng-đan nhỏ đã nổ ra trên báo chí ngay sau ngày thi. Một số phụ huynh cho rằng đề thi "sai", vì một câu thơ trong trích đoạn ("Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa ") không đúng như trong một số tập thơ hiện lưu hành của LQV (trong đó, câu này được in là "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa".). Có nhà báo, nhà văn còn lên tiếng cho rằng dùng chữ "bùn" là hạ thấp giá trị bài thơ, là “phản cảm, đen tối, bôi xấu, hạ nhục tiếng Việt của cha ông” (trích theo bài viết rất hay của Tịnh Sơn, "Như bùn..." trên báo Tiền Phong 5.7.2016)... Bộ Giáo dục đã phải mau chóng lên tiếng khẳng định đề thi không sai, với bản chụp bìa cuốn Tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-1985, cuốn sách đầu tiên có in bài thơ. Người em gái của LQV, PGS-TS Lưu Khánh Thơ cũng đã phải lên tiếng nói rằng đề thi là đúng, và việc có hai bản được lưu hành là do bài thơ khi được công bố đầu tiên trên báo Văn Nghệ và được lấy lại trong một số tuyển tập sau này vốn là bài đã được biên tập (bản "đất cày"), còn bản gốc ("như bùn và như lụa ") thì chỉ được công bố sau đó (trả lời báo Dân Việt ngày 3.7.2016). Theo TS Lưu Khánh Thơ, thời ấy (những năm cuối 1970, đầu 1980), LQV chỉ tạm chấp nhận bị biên tập sau nhiều lần nhà thơ Xuân Quỳnh, người bạn đời của ông và gia đình ông cố thuyết phục, rằng "cứ in đi rồi khi nào có điều kiện mình sẽ khôi phục lại bản gốc sau". Việc khôi phục này đã được thực hiện (một phần) khi Lưu Quang Vũ còn sống, trong Tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-1985 mà các nhà giáo phụ trách ra đề thi năm nay đã sử dụng - dù một số tập thơ của Lưu Quang Vũ in sau  khi ông mất vẫn dùng bản đã bị biên tập, khiến nhiều người nhầm tưởng. Đó là nguyên nhân của những phản đối đề thi.

Mặt khác, cũng phải nói rằng một ngày trước khi có bài trên Dân Việt, trong bài trả lời báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Thơ tuy cho biết rằng gia đình còn giữ được bản thảo viết tay của nhà thơ chứng minh đề thi không sai nhưng lại nhầm lẫn khi nói rằng chính LQV dùng "đất cày" còn "bùn" là đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật biên tập lại, trái với bản chụp bút tích bài thơ mà bà cung cấp cho Dân Việt. Sai lầm này, bà cũng đã đính chính trong bài "nói rõ hơn" trên báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 5.7 cũng như cung cấp cho báo này bài thơ chép tay mà Dân Việt đã đăng.

Sự việc thế là rõ, tuy nhiên câu chuyện "biên tập" không chỉ xảy ra với câu thơ "như bùn và như lụa ". Qua những tranh cãi trên mặt báo, và những lời bàn ("comments" hay "còm") trên Faceboook, nhiều người đã nhắc lại tình trạng biên tập chính trị rất phổ biến, thậm chí thô bạo trong một thời gian dài - và còn lâu mới hết ! Riêng đối với bài thơ Tiếng Việt của LQV,  hai câu thơ khác cũng đã bị "biên tập".

Một là, câu cuối "Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình " bị đổi thành " Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình" (từ "xót xa" chắc là "nhạy cảm"!), và phải tới lần in thứ 3, năm 2013, thì tuyển thơ Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi của Lưu Quang Vũ (nxb Hội Nhà Văn) mới khôi phục lại được từ "xót xa" trong câu thơ này..

Còn câu "Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận" (câu đầu, khổ thơ thứ 8) đã bị đổi thành " Một đảo nhỏ xa khơi ngoài biển rộng", và sự "biên tập" này LQV cũng đã bó buộc phải tạm nhận để bài thơ được in trong Tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-1985. Theo bà Lưu Khánh Thơ, "hồi đó dứt khoát không cho in" câu "Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận" này (dù lúc đó chưa có cuộc gặp Thành Đô, và "trận chiến" Gạc Ma cũng chưa xảy ra). Và cho tới lần in năm 2013 thì câu thơ mà Lưu Quang Vũ  "rất đau đáu" này vẫn chưa được phục hồi như sinh thời ông mong muốn.

Kết cục tốt đẹp mà có lẽ bộ Giáo dục không lường trước, là bản gốc bài thơ, với bút tích của tác giả, lần đầu tiên được ra mắt bạn đọc kể cả trên một số mặt báo "có môn bài" ! Diễn Đàn trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài thơ "xót xa", "vằng vặc nỗi thương đời" và tràn đầy yêu thương với Tiếng Việt này. Xin cảm ơn nhà báo Kiều Mai Sơn (Nông nghiệp Việt Nam) đã vui lòng cung cấp bản chụp ba trang thủ bút của nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng như bản đánh máy lại, dưới đây (chúng tôi đã nhấn mạnh - in nghiêng - ba câu thơ được nói tới).

Diễn Đàn

 

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm 
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về 
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm 
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng 
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya 
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng 
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa 
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi 
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ 
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

“Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt...” 
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương 
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót 
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói 
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ 
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa 
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát 
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh 
Như gió nước không thể nào nắm bắt 
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy 
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn 
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối 
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận 
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta 
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất 
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng 
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi 
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán 
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng 
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi 
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người 
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ 
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay 
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay 
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết 
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi 
Như vị muối chung lòng biển mặn 
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất 
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu 
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt 
Ai người sau nói tiếp những lời yêu? (*)

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển 
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya? 
Ai ở phía bên kia cầm súng khác 
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ 
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn 
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá 
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình.


Lưu Quang Vũ

(*) Câu thơ Xuân Quỳnh:
Tiếng yêu của những ngày xưa
Vượt qua năm tháng bây giờ đến ta

lqv_TV1
lqv_TV2
lqv_TV3

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss