Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chòm lá tinh khôi

Chòm lá tinh khôi

- Hoa Liên — published 05/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn


CHÒM LÁ TINH KHÔI


Hoa Liên



– Số 12 ra lấy thư.

Tiếng người đưa thư vang lên khiến cô giật mình. Con đường này đã thay bưu tá bốn lần rồi, anh ta là người thứ tư, là người bưu tá mẫu mực và đúng giờ nhất. Trước đây những người đưa thư đi xe đạp, thường bỏ thư lộn nhà hay làm mất thư hay vì lí do lụt lội thư không đến tận nơi. Cô không còn đợi thư ai nữa kể từ khi anh ấy vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời cô sau một tai nạn xe. Họ không có con, chỉ có học trò.

Nhà cô biến thành nhà trẻ, cô làm bảo mẫu cho học sinh cấp một và chỉ nhận một số nhất định do nhà chật. Cô không có ý định mở rộng thêm nhà. Cửa lòng khép lại rồi; mở rộng nhà lấy ai chùi dọn. Có người tình nguyện đến lau chùi nhà cửa giúp cô giáo nhưng cô chỉ mỉm cười. Ân tình, một khi nào đó, chỉ làm mình buồn thôi.

Thế mà lá thư ấy của một người xa lạ gởi cho cô, một cái tên con gái, lại đi lộn nhà hay lộn người, cô mở ra đọc rồi xếp lại để đó. Một câu chuyện tình được kể lại khá hay và sau đó là lời ước muốn làm quen. Lá thư này là lá thứ tư. Chiều nay con Hạt Châu lại đến muộn, những muốn phạt nó nhưng thôi. Nó đã chạy ra nhận thư, lần nào có thư nó cũng đi muộn mới lạ. Trông cái đầu bù như tổ qụa, áo quần tuy sạch sẽ nhưng lôi thôi. Nó không mặc đúng kích cỡ của mình mà mặc kích của người lớn. Chiếc áo rộng thùng thình, chiếc quần ngắn có khi trên cả đầu gối. Ngược với con người, thật sự chưa bao giờ con bé có một bộ đồ mặc cho ra hồn; toàn là những chiếc áo đáng vứt đi. Con bé hình như không hề biết đến cái đẹp là gì. Móng tay và móng chân nó được cô cắt ngắn. Tóc thì nó có một cái lược trong cặp. Thường con bé liếng thoắng.

– Em quên, dạ em quên. Dạ để em chải.

Nó nói vậy rồi đưa lược lên cào mái tóc. Tóc con bé dài, đen và mịn. Tuy nhiên làm sao mịn màng óng ả được nếu không chịu khó gội đầu và chải gỡ chứ? Thành ra cái nhà tình thương ấy kiêm luôn nhà tắm cho trẻ em nữa. Cô giáo rất bực mình, cố nén không hỏi nó. Ở nhà nó có bồng em không? Có chạy rong ngoài đường không? Không ít đứa bị mẹ sai vặt; còn lạ gì cái xóm lao động này, tình thương con thể hiện qua những tiếng la hét, tiếng roi quất. Không thiếu lần cô giáo đến tận nhà nói chuyện, có bớt đi chút ít rồi đâu lại vào đấy.

Chiều nay nó đem thư vào cho cô giáo sau đó yên lặng ngồi vào bàn với cuốn vở tập viết. Nó đến học được một năm nay rồi, học rồi đi về. Mới hôm qua thôi, nó rụt rè hỏi xin cô giáo nếu như nó ở lại trưa có được không? Cô giáo ngạc nhiên nhìn nó một lúc, sao lại không được hả em. Bây giờ Hạt Châu đang ngồi nắn nót viết. Bài tập ra từ hôm qua. Các bạn kia đã sang bài mới rồi; chỉ còn mình nó đang nắn nót bài cũ. Con bé va vấp rất nhiều khuyết điểm, đi học trễ ngay cả lớp chính khoá do cô chủ nhiệm. Có lần cô phải phạt đòn nó vì làm bài bê trễ, có khi nó còn không làm. Chữ viết con bé có thể nói đẹp nhất trường, dù vậy Hạt Châu không mất phần thưởng danh dự. Năm nào nhà trường cũng tuyên dương nó dưới cờ. Thành tích học tập đứng đầu lớp chỉ có một điểm đi trễ, bài tập nộp chậm, toán luôn luôn nhất. Văn nghệ thì nó hát cũng khá.. Cô giáo luôn dành cho nó một tình cảm đặc biệt hơn các đứa khác mà không bị các bạn ganh tị vì thứ tình cảm đó rất kín đáo. Trong khi Miên đứng nhìn nó viết, thầm nhủ tại sao tài hoa phát tiết ra ngoài sớm thế. Mỗi nét chữ vuông vức mà tròn trịa như một bông hoa chẳng khác nào phượng múa. Con bé vốn tên Hạc. Miên gọi nó là Lọ Lem. Các bạn đồng tình với cái tên ấy lắm, trêu chọc con bé hoài. Lọ Lem thành một hình ảnh thân quen của cái lớp bán trú này. Có một lớp dạy kèm riêng cho lớp năm a; nhưng Lọ Lem mới lớp bốn thôi.

Tiếng thước gõ đánh đét vào cạnh bàn khiến học sinh giật mình, Hạt Châu giật nảy vì cây thước còn khẻ lên tay nó. Nó suýt soa mặc dù cô chỉ đánh nhẹ.

– Sao tôi dặn trò như không vậy? Móng tay cắt ngắn thứ hai là soát rồi. Cái cổ đầy đất thế ni mà không chịu tắm hả? Rồi còn bàn tay, bẩn ơi là bẩn! Rứa mà cũng đi học, đồ cứng đầu!

Miên ngắm bộ quần áo con bé đang mặc, người mẹ nào mà đoảng quá, hay là bà ta nghèo qúa. Bây giờ áo quần bán đồ bành thiếu gì, thứ quần áo từ các chuyến bay mang về hầu như cho không bán đầy các chợ. Xưa nay Miên không phải là người dữ đòn. Ở trường, có người hay khẻ thước lên đầu học sinh nữa kia. Hạt Châu hơi rưng rưng nhưng nó không khóc. Nó chỉ ân hận không kịp rửa tay trước khi đi học mà thôi, ở góc vở có một vết nhoè, có lẽ do bàn tay mình.

– Ra sau ảng nước rửa tay đi! 

Miên nghiêm giọng. Chỉ đợi có thế con bé chạy vụt đi. Lát sau nó trở lại, các bạn đã viết xong bài mới nộp vở cho cô chấm. Sau tiết tập viết sẽ đến tiết làm bài tập toán. Cuốn tập của Châu được điểm 10 mặc dù hơi bẩn.

Cuối giờ, Hạt Châu nấn ná ở lại, nó dọn dẹp đồ dùng dạy học giúp cô giáo. Miên nói, thôi về bồng em hay giúp mẹ nấu cơm đi. Nó rụt rè một lúc.

– Cô đọc thư đi cô.

– Cái con bé này! 

Miên kêu lên nhưng không cười. Cô chỉ nhắc nó về đi, giọng nghiêm nghị. Con bé ra về, dáng đi nhanh như chạy trong bóng chiều. Bóng chiều bảng lảng xuống rất nhanh trong mảnh sân hẹp hướng tây. Anh nắng hoe cuối cùng còn đọng lại trên giàn lá thuộc bài chồng Miên trồng lúc anh còn sống để đem bóng râm cho căn phòng hẹp, dài bốn mét rộng hai mét rưỡi. Giàn lá ấy mỗi tết lại bị vặt trụi vì bán cho người bán hoa ở chợ Đông ba. Họ sẽ bán kèm với hoa hồng các loại. Từ ngày đó đến bây giờ không ai vào mua lá vì cô từ chối không bán nữa, coi như là một kỉ niệm. Có biết bao kỉ niệm chứ? Nếu người ta chỉ hoài niệm như hoài niệm một cung đàn thì làm thế nào sống nổi? Mà nếu không có chút trông chờ gì về tương lai thì sao? Cũng vậy. Người ta đi bên đời nhau; mỗi năm tết đến, ai nấy lật đật về nhà để kịp đón giao thừa, sau những ngày mưu toan và tất bật với công việc. Người nào cũng có một tổ ấm để về. Từ lâu Miên chỉ nghĩ đến những việc thật gần gũi: ngày mai sẽ đi chợ mua thức ăn gì cho các em, ngày mai sẽ chuấn bị bài vở thế nào và dạy cho tốt. Chỉ nghĩ và lo cái gần thôi.

Như thế tốt hơn là nghĩ về tương lai cho dù đó là khát vọng duy nhất của người đàn bà. Miên không muốn nghĩ đến nữa. Anh đi mất đem theo tất cả niềm vui lẫn hạnh phúc. Bây giờ chỉ còn cô trong căn nhà trống lạnh mỗi năm tết đến, đêm ba mươi heo hút làm sao! Nhưng cô đã quen rồi. Còn có bầy chim bé bỏng của cô. Chúng dễ thương dù đôi khi lem luốc, chúng hồn nhiên dù đôi khi cứng đầu. Như cỏ cây, chúng lớn tự bao giờ.

Thở dài một tiếng cô quay vào. Mọi khi con Hạt ở lại đến 6g có khi nó ăn cơm luôn với cô giáo. Hạt có nét mặt dài hơi bầu, đôi mắt to của nó chữa được khuyết điểm ấy. Khuôn mặt con bé sáng bừng lên mỗi khi cười, đôi mắt là hai hạt trai đen trong trẻo và thông minh, vậy mà mình đánh nó. Miên thường chẩy nước mắt khi đêm xuống. Nhất là sau mỗi lần buộc phải trừng phạt học trò, chúng bé nhỏ và chúng cần được yêu thương. Vậy mà không hiểu sao có người tiểu tâm đến độ bắt một đứa nhỏ ngồi một mình một bàn sau cuối vì tức phụ huynh đến khiếu kiện chuyện gì đó. Miên hạn chế việc khẻ tay học sinh vì cô coi chúng như con và em mình, đánh chúng đau mình càng đau, chỉ khi nào bắt buộc cô mới miễn cưỡng thi hành hình phạt. Hỡi ôi! Sao con người ngày càng thiếu vắng tình cảm yêu thương, con người ngày càng trở nên ích kỉ thế. Không ít cô giáo mới ra trường hoặc dạy học đã lâu, quá sợ hãi thanh tra? hay quá háo danh. Đến mức bắt học trò mua cùng một loại gồm giấy bao, nhãn vở, vở, vở phần thưởng không được xử dụng vì cô giáo cần loại khác kia. Con Hạt không có tiền mua giấy bao, nó bao bằng giấy báo cũ có khi bằng giấy gói hàng, cũng may là nó học lớp Miên. Cô không bắt buộc học trò vì thông cảm với hoàn cảnh từng đứa. Có đứa mẹ bán bắp, có đứa mẹ bán chè, có đứa mẹ bán xôi. Thành ra lớp cô giáo Miên là lớp giấy bao đủ loại, chỉ cần sạch là được. Cô chỉ khuyên chúng đừng làm vở cong góc, em nào không có tiền, cha mẹ mua giấy báo bao, không sao cả. Thanh tra không hẳn toàn là những người ưa hình thức, nhưng họ cũng chuộng cái hào nhoáng bên ngoài. Biết nói sao! Nền giáo dục các em nhỏ đang hấp thu cũng thế.

*

Sáng chủ nhật học sinh vào vườn cô giáo xin lá thuộc bài. Miên vui vẻ cho mỗi đứa một lá. Chúng tin rằng ép lá thuộc bài học bài mau thuộc. Miên chỉ dạy thêm một giờ toán rồi đi chợ. Người Hạt mảnh mai, chủ nhật cũng ăn bận lôi thôi trừ con mắt to linh hoạt là nổi bật mà thôi. Nó là đứa học trò nghèo nhất, mùa đông chiếc áo len dài rộng thùng thình. Nó không có gì cả, nhưng lại rất giàu. Vở nó không cong góc, chữ viết vuông vức như phượng múa. Mỗi nét chữ là một đoá hoa tròn trong một hình vuông. Mỗi chữ là một đài hoa nở chưa hết cánh hứa hẹn một tài năng phi thường. Chữ viết ấy lồng trong một cuốn vở tầm thường khiến thanh tra về phải kinh ngạc. Miên chỉ sợ vu vơ, anh hoa phát tiết ra ngoài sớm quá. Ai cũng tưởng nó con nhà giàu có, chỉ nhà giàu mới hội đủ điều kiện cho con học giỏi. Miên vội đính chính, con nhà giàu đã không ăn bận như thế. Chữ đẹp như thế, vở có trang bị vấy bẩn. Đôi khi con bé đi học trễ, đến lớp là lao vào viết; không hiểu nó làm chi ở nhà, tới trường không kịp rửa tay. Đầu tóc bù xù, có bữa khuôn mặt không khác chi mèo quào. Thật là đồ quỷ nhỏ, Miên nghĩ.

Chủ nhật nắng vàng hanh rực rỡ. Con Hạt bước ra khỏi nhà sau cùng, nó mới làm toán và tập viết xong. Cô giáo đi chợ rồi. Thấy các bạn xúm quanh giàn lá thuộc bài nó nói:

– Mỗi bạn một lá, các bạn làm cho giàn lá của cô xấu đi đó.

– Ê, cô mô có bán lá nữa, các bạn hí?

– Thôi tưới cây cho cô hè. Hạt nói

– Ừ, tưới thì tưới. 

Cả lũ như đàn ong vỡ tổ. À o ào chạy ra sau giếng, đứa múc nước, đứa đi kiếm xô. Nhà cô giáo nhỏ, khoảng vườn hẹp trồng một số rau ngắn ngày như rau thơm, rau húng, rau bồ ngót; phía trước dăm ba chậu cây kiểng; tưới một chốc đã hết. Một đứa sau khi đi cất xô nước chạy vào kêu lên.

– Hạt! Tụi tao tưới rồi, phần mi quét sân vườn cho sạch.

– Sợ chi mà không quét. 

Hạt đã cầm sẵn cây chổi quét nãy giờ, nó không bao giò chịu về ngay mà thường nấn ná lại để làm việc. Con bé Châu quen từng bụi cây ngọn cỏ trong vườn, cái sân hẹp với cây khế ngọt trước sân nhà. Nó có thể lau nhà và dọn dẹp thậm chí vo gạo nấu cơm nữa. Không ai sai nó, nó thích làm vậy. Có thể Hạt tìm thấy dưới mái nhà của cô chút tình cảm mẹ con ấm cúng mà nó thiếu chăng.

– Thôi tụi mình về đây. Bạn làm toán rồi hả Hạt?

– Các bạn thấy rồi đó, hỏi chi.

Khu vườn trở lại vắng vẻ. Vừa lúc cô giáo đi chợ về. Miên làm cá, rửa rau xong mới gọi con bé vào. Có nó cô cũng đỡ buồn. Tuy đôi khi bực mình vì con bé chứng nào tật nấy.

Một lát sau Hạt trở vô, để hai bàn tay mũm mĩm lên bàn cho cô thấy. Miên nói:

– Chủ nhật sao không ở nhà giúp mẹ?

– Dạ mẹ em biểu tới coi cô cần chi không?

– Tôi không cần. 

Miên im lặng một lúc. Cô hiểu thứ tình cảm đó. Đó là sự chân thật chứ không phải nịnh hót. Cô đặt tay lên đầu Hạt. Đứng yên, để tôi đo thử.

– Cô. Cô may áo cho em hả? 

Hạt buột miệng, nó không thể dấu tình cảm của mình như người lớn được. Vả chăng, nó từng thấy nhiều lần cô ngồi may bên bàn máy may rồi. Có khi lũ học sinh lớp 1 cũng nhờ cô mạng áo giùm cho nữa. Nó không thể hiểu ở một thời đại kim tiền như bây giờ việc cô giáo may và mạng áo cho học trò là một chuyện không bình thường. Miên muốn cốc lên đầu nó một cái, thay vì thế cô quạu cọ.

– Đồ lanh chanh lúa chúa, im đi.

Sáng nay Miên lấy bì thư tiền để dành, nhẩm tính số vải sẽ mua cắt may cho con bé hai bộ đồ mặc ở nhà và một bộ đồ tây mặc đi học. Vải mua rồi tự cắt lấy không tốn hao bao nhiêu so với tiền nàng kiếm được. Nó phải có một bộ đồ mặc ở nhà chứ, nhất là bộ mặc đi học. Từ lâu Miên rất muốn nhận con Hạt làm con nuôi. Ngại vì nó có mẹ rồi; thành ra cô bỏ ý định ấy. Không thiếu đàn ông đề nghị Miên tái hôn, nhưng làm sao quên người cũ bây giờ. Chiếc máy may của mẹ cho cô ngày hai vợ chồng còn khó khăn, ở nhà tranh. Khi họ làm được ngôi nhà lợp tôn hai căn thì anh ấy không còn. Những ngày ấy qua rồi, cô không thấy hay chưa thấy lòng mình rung động trước một ai. Người phụ huynh gây ấn tượng mạnh nhất là một người đàn ông bốn mươi tuổi, anh ta đem tới cho cô ngày 20/11 những chậu cây kiểng trước nhà. Hai năm qua cô vẫn hứa sẽ suy nghĩ lại, cô hứa như thế thôi và cô vẫn biết như thế.

– Thôi em về đi. 

Miên nói sau khi lấy xong số đo. Chỉ trong ngày chủ nhật cô may xong hai bộ quần áo mặc ở nhà rất đẹp. Điều này còn phải không cho nó hay mới được. Phải dặn nó kín miệng nếu không các bạn đồng nghiệp biết sẽ có người tị nạnh. Không thiếu người coi việc đổi chữ lấy tiền là thường rồi làm tình làm tội phụ huynh lẫn học sinh trong thời đại ngày nay! Cứ mỗi nhập học lại có cảnh cười ra nước mắt. Người ta không ngại dùng bất cứ phương sách nào; không cần biết mồ hôi nước mắt của cha mẹ đổ ra cho con đi học. Nhiều người háo danh ham lợi đến bán rẻ lương tâm. Miên không làm thế được.

*

20/11 sắp đến. Hàng năm vào ngày này thành phố nhỏ bé lại rộn rã xôn xao với từng đoàn học sinh đạp xe đi chật đường đến thăm thầy cô giáo. Ngày hôm trước chúng lại lội mưa đi mua quà tặng. Có đứa mua vị tinh, đường, lịch...Hỡi ơi, chúng học khôn hay thời đại biến những đứa trẻ chóng già từ bao giờ thế? Ngay cả con Hạt, nó không làm tổ trưởng bao giờ – ai lại bầu cái con bé ăn mặc lôi thôi lếch thếch ấy làm tổ trưởng – cũng công khai hội họp các bạn, (ngay từ hồi mới học lớp ba cơ nó đã có óc lãnh đạo). Nó chia lại các món quà theo tình trạng kinh tế của từng giáo viên. Nó làm thế chỉ tổ bị ghét thôi, trong trường có một đồng nghiệp tánh tình nhỏ nhen, ai cũng biết cả. Miên lo thầm cho nó. Báo chí đã lên tiếng rồi đâu lại vào đấy. Những học sinh đáng lẽ phải ở lại lớp thì được lên lớp cho đủ chỉ tiêu. Có đứa lên lớp ba chưa đọc được. Tệ nạn này không biết sẽ kéo đến bao giờ. Con Hạt có mấy hôm đi học với vẻ ngơ ngác, trông nó như người không còn hồn. Ban đầu nó có đơn xin nghỉ với lí do bận việc sau đó nghỉ kéo dài ba ngày liên tiếp. Vẻ ngơ ngác không qua được mắt Miên. Rồi sáng hôm nay chính ông Hiệu trưởng, chận cô lại nơi hành lang.

– Lớp cô có một trò mới xin nghỉ,

Miên ngơ ngác, phải, bây giờ chính cô mới mất hồn vì một linh cảm kì lạ.

– Con Hạt Châu với nét chữ phượng múa chớ ai. Đáng tiếc, không hiểu tại sao con bé ấy lại nghỉ, nhà nó nghèo quá chăng? 

– Dạ. 

Miên trả lời như cái máy. Sáng nay những đám mây nặng màu chì như báo trước một cơn giông. 20/11 bao giờ cũng có mưa, có năm không mưa thì lạnh. Sự sửng sốt ban đầu nhường chỗ cho một cái gì nhọn, bén, đâm sâu vào trái tim đa cảm.

– Nó là nhân tố tích cực của phong trào đội viên. Đang tập cho nó hát để hát ở nhà hát trung tâm, tôi đang phấn đấu vô trường điểm quốc gia nên phải lo bây giờ. Cô đi thăm con bé chút nhé?

– Thầy khỏi lo, 

Miên đáp. Suốt buổi sáng Miên cảm nghe lòng trống vắng, tâm tư xúc động cô dạy thật dở, sau cùng đành ra bài cho học trò làm để mình ngồi nghĩ mông lung. Hạt ơi Hạt, cái cây không được chăm bón tốt vẫn đâm chồi theo quy luật tự nhiên. Cơn bão số 8 qua rồi, chẳng lẽ không còn hi vọng nào cho một mùa xuân cuộc đời sao em, con chim bé bỏng vô ưu? Có lần Miên nghe mấy đứa nói, Hạt Châu sẽ vô Saigòn với bà ngoại. Miên khẻ thước lên bàn, những cái đầu bé nhỏ giật mình ngẩng lên.

– Có em nào biết nhà bạn Hạt và biết tại sao bạn ấy nghỉ không?

– Dạ thưa cô, – thằng Ngầu nhanh nhẩu nói như sợ đứa khác tranh mất. – Bạn ấy vô Saigòn với cậu ạ. Nhà bạn ấy ở Xã tắc ạ.

Tiếng lòng mình đang thổn thức vì một con bé ư. Vô lí, nhưng cái vô lí nhất đang xảy ra. Thế là không ai cắt hoa dại cắm trong chiếc bình bằng vỏ đạn do anh làm, không còn cái dáng nhỏ bé lanh chao đến nhà cô nữa, chiếc áo sơ mi rộng thùng thình của ba nó thì phải, nó hay mặc những khi trời nổi gió heo may. Lại còn những trang viết; những trang viết như phượng múa của nó. Mình sẽ xin nó cuốn tập để giữ lại làm vở mẫu. Cái con nhỏ lanh chanh đó, nó là một đứa thông minh.

Những lá thư gởi cho Miên cô chỉ đọc có một lá, sực nhớ ra có lần con Hạt hỏi tại sao cô giáo không đọc, đụng lỡ người ta gới cho cô thiệt thì sao. Miên đã cốc đầu nó, dầu vậy con bé vẫn chờ thư đến là chạy ra lấy mang vào cho cô. Thở dài cô mở lá thư ra đọc lại. Câu chuyện của một cô gái có học, vì hoàn cảnh phải đi làm công nhân cho một hãng xây dựng… Hai người quan hệ với nhau, cô có thai. Giám đốc bây giờ phủ nhận đứa con trong bụng cô, lấy cớ anh ta là con gia đình có danh tiếng, không thể kết hôn với cô được, anh ta khuyên cô nên lấy một người làm cùng chỗ, một công nhân trẻ và có tính cảm sâu đậm với cô từ lâu. Không làm sao được cô đành chấp nhận lối giải quyết đó. Chẳng ngờ sau nửa năm lấy nhau, M, tên người chồng – nghe tin đồn trong chỗ mình làm – nổi cơn ghen, từ đó cuộc sống chung đôi của họ trở thành địa ngục. Chịu không nổi cô bỏ đi, mang theo đứa con trong bụng. Người giám đốc cho cô một số tiền lớn để sinh con, sau đó anh ta đi làm chỗ khác.

Tất cả câu chuyện được kể hết trong hai lá thư đầu, các lá thư khác tâm sự chuyện đứa con, chuyện làm ăn, chuyện cuộc sống. Phải khách quan công nhận người viết có một văn phong đặc biệt, lối kể chuyện rất hay, không những không làm cho người đọc chán mà thích đọc thêm bởi tính cách dũng cảm của chính nhân vật xưng tôi. Dám kể chuyện đời mình và dám là mình.

Miên đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cô chưa có và không hề có ý định trả lời bức thư này. Tuy thế hôm ấy cô đã có một quyết định chính mình cũng không ngờ đến. Cô sẽ đến thăm chủ nhân năm lá thư gởi cho cô. Hơn nữa dịa chỉ ấy cùng khu vực với con Hạt.Trong cô cũng vừa dấy lên một nỗi nghi ngờ, nói khác đi là một linh cảm. Cái điều đã dấy lên từ lâu mà vì bận rộn cô chỉ cố tình không muốn nghĩ đến.

*

Chị ngồi trong gian phòng hẹp, mái lợp tôn, căn phòng rộng chừng năm mét vuông. Chị ngồi đó, bình thản, tuồng như từ ngày bị mất đôi chân cuộc đời chị chỉ còn là những búp len đủ màu với chiếc xe lăn. Chiếc xe lăn một hội từ thiện từ bên Mỹ gởi về tặng chị. Những búp len đủ màu lăn lóc trong chiếc chiếu hoa trải trên nền xi măng. Không biết nên gọi thứ đồ vật bằng mây tre ấy là cái rổ hay cái giỏ. Một cái tay áo trẻ con, hai chiếc tấc màu lam dành cho trẻ sơ sinh. Cạnh đó là những mụn vải, những miếng vuông có, hình chữ nhật có, đủ các màu sắc sặc sỡ. Màu xanh, màu tìm hoa cà và hoa hồng đỏ. Nổi lên giữa khung cảnh bề bộn đó là một đống búp bê và thú nhồì bông đang làm dở dang. Búp bê nhồi bông thiếu một tay, gấu nhồi bông thiếu một chân, chim cánh cụt thiếu cái đuôi... Ngổn ngang: gối ôm, gối chiếc, với một cái nôi đan bằng tre khá đẹp, dạng đồ chơi. Trong cái nôi là một con búp bê chắc hẳn trước kia là sở hữu của một đứa trẻ con nhà giàu, bây giờ sang tay chủ khác không còn tay chân. Bộ tóc vàng xơ xác như rơm, chứng tỏ cô chủ cũ ngán nó lắm rồi mới quăng đi. Ai đó đã khéo làm hai cái chân hai cánh tay nhồi bông gắn vào một cách vụng về, có còn hơn không! Quả đúng như Miên đoán, một cái mền được chắp nối bằng các miếng vải xanh đỏ đủ màu đắp ngang nửa mình con bébé, trông thật ngộ.

Chị ngồi trong khung cảnh đó, khuôn mặt trắng xanh có lẽ một thời đẹp lắm, giờ đây mái tóc bờm xơm trên đầu như người vừa qua cơn bạo bịnh rụng hết tóc. Chị đang đan dở chiếc tay áo, có lẽ chiếc tay áo và tấm áo len hồng trong cái giỏ kia là một. Những búp len lăn long lóc dưới chân chị có thể từ trong cái giỏ kia mới chui ra, có lẽ tác giả muốn làm giúp mẹ một cái ngù len gắn vào cổ áo như người ta thường làm đối với áo len trẻ con.

Mà tác giả của những công trình dang dở ấy – những con thú được may bằng các mụn vải một cách khéo léo hoặc vụng về đều đẹp nhờ khéo hoà hợp màu sắc – đang đứng trước mặt cô kia. Hai tay thõng buông xuống, nét mặt ngơ ngác tội nghiệp. Sự bất ngờ làm cho nó quên phép lịch sự, trở nên bướng bỉnh.

Sau 15 phút cô trò ngó nhau trong câm lặng sửng sốt lẫn bẽ bàng. Không, chính cô mới bẽ bàng. Cô bước tới nâng cằm con bé Hạt:

– Chiều nào cũng xin lá thuộc bài, thì ra là như thế này đây?

– Cháu học bài thuộc lắm ạ.

Bây giờ người phụ nữ trẻ mới lên tiếng; giong chị thanh thanh và khi ngước lên, cô đoán không sai đôi mắt ấy là đôi mắt của bé Hạt Châu. Chỉ có điều, nó là một giếng nước sâu không nhìn thấy đáy, một cái giếng sâu thăm thẳm, không lời.

Có thể hình dung hòn sỏi rụng vào giếng, không nghe một tiếng vang.

– Chị có gởi nhầm địa chỉ không?

– Không lộn, – thiếu phụ dịu dàng. – Con bé kia, – chị hất cằm về phía Hạt – nó đi gởi đấy.

– Tại sao?

– Cô là cô giáo của nó, không gởi cho cô thì gởi cho ai?

– ?!

Đầu óc rối mù lên và kêu ong ong, mãi cô mới nhận ra được chỗ mình đứng là đâu khi những ngón tay nhỏ bé của Hạt chạm vào tay cô giáo. Thật hồn nhiên, nó tới đứng tựa người vào cô. Âm áp tình cô trò chợt nhường chỗ cho một khoảng trống mênh mông. Tại sao mình không nhận thức được điều đó sớm hơn? Cái khoảng trống mênh mông từ ngày anh ấy ra đi không gì bù đắp nổi. Đáng lẽ mình nên đem tới căn phòng này một bó hoa tươi cho ngày 20 tháng 11. Nó cũng đáng được thưởng cho những gì nó làm. Đối với người tật nguyền, kết bạn qua thư là thắp lửa lên cho trái tim còn thèm khát tình người. Vậy mình nên tha thứ và tự trách mình đã vô tình không hiểu, làm sao hiểu được tâm hồn con trẻ nều ta chỉ có thi hành kỉ luật, bắt chúng phải vào khuôn phép, phải làm thế này, không được làm thế kia! Ngay cả mẫu giáo cũng vậy, biết bao giờ người lớn mới thôi kiểu áp đặt cho những tâm hồn còn ngây thơ trong trắng? Em nào có bé ngoan. Em nào không. Đúng ra không cần như thế. Làm như thế là vô tình phân biệt, gieo vào đầu óc chúng khái niệm tốt, xấu, mà chưa chắc đứa hoang nghịch đã là xấu. Nhưng mình trót quay trong cái vòng tròn này, dễ gì một sớm một chiều thoát được.

Người đàn bà này còn hơn mình, dù sao cô ta cũng can đảm nói lên sự thực, trong khi mình tự bít kín tâm hồn, bít kín mọi nẻo đi về với cảm thông.

– Cô. Cô tha thứ cho em. 

Con Hạt nói mà căp mắt nó ráo hoảnh. Giọng nói nó ngọt ngào dễ nghe. Thư mẹ em viết thật mà.

– Hừ, tại sao mi lại...dấu ta?

Một người đàn ông, một người tầm thước có khuôn mặt hao hao giống chị vừa xuất hiện ở ngưỡng cửa. Cô giật mình.

– Cô bỏ lỗi cho. Em tôi trước đây nó có đi học, nghèo quá mà bỏ về làm công nhân. Tưởng làm tạm một thời gian ngắn thôi ai dè. Bị lao xương đấy, phải cưa chân. Bây giờ cô ấy có niềm vui nào khác đâu ngoài chuyện đan thuê vá mướn, con Hạt làm thú nhồi bông đấy, nó làm chơi mà cũng bán được cho mấy đứa con nít có tiền. Chỉ có chuyện viết bày tỏ nỗi lòng mới bớt những cơn kích động. Thỉnh thoảng bị lên cơn, từ khi nói hết ra với cô có bớt nhiều. Tôi là anh của Đông.

– Cám ơn cô đã đến đây, cảnh nhà nghèo hèn quá cô hỉ.

– Tôi không biết có nghèo không khi chị đã viết ra những giòng thư thật hay mà thấm đượm tình người. Tôi cảm động lắm khi đọc nó. Nó là một áng văn chương tuyệt tác. Miên nói hết sức thành thật.

Miên chỉ không hỏi câu cuối tại sao lại viết cho tôi mà không viết cho ai khác. Người đàn ông chừng như thấy được ý nghĩ của cô.

– Con Hạt hay kể chuyện về cô lắm.

Anh ta nói và đẩy một chiếc ghế nhựa, thứ ghế dành cho con nít về phía Miên. Cô ngồi xuống, kéo con Hạt Châu ngã vào lòng mình. Một phút im lặng không ai nói gì thêm nữa. Tại sao em nghỉ học mà không báo trước? Bao nhiêu câu hỏi chừ đã rõ ràng lắm rồi trước cái thực tế đau lòng kia. Thì ra lâu nay, à mà không, nó muốn xin ở lại buổi trưa là vì thế. Có thể ông cậu sẽ lo cho mẹ, còn nó đi để bớt một khẩu phần ăn chăng, tránh được bà mợ nào đó, có thể lắm điều? Cái điệu này thì nó ở với cậu mợ, ngoài giờ học gián tiếp làm một thứ ô xin dễ sai vặt bởi bà mợ gần như người dưng theo quan niệm dân gian. Lại vẫn giọng người cậu.

– Lâu nay nó vẫn ở với tôi, mẹ nó làm cho khuây khoả qua ngày thôi cô ạ. Cô tính, làm thế nào trả nổi học phí, tôi làm anh tôi thương em tôi lắm. Vừa qua bà ngoại ra Huế, định đem hai mẹ con vô trong kia.

– Anh tính cũng phải, – Miên trả lời mà như không trả lời gì cả.

– Ra tết mới vô. Hoặc là học cho đến hè.

– Học cho đến hè luôn! – Hạt Châu la lên, nó rúc đầu vào ngực cô giáo.

Thật đã rõ ràng quá lắm.

Ba mươi tết, mọi năm Miên vẫn một mình. Có thể đóng cửa về quê ăn tết với bà chị nhưng cô thích tự do hơn. Bà chị còn có ông anh rể. Hôm qua cô ở cả ngày bên nhà Đông. Giúp họ gói bánh, cô cột lạt còn ông anh gói, lạt do Đông chẻ. Tuy ngồi trên xe lăn chị vẫn làm việc vui vẻ như thường. Bây giờ đêm ba mươi chỉ còn một mình cô. Cô mang cho hai anh em Đông Thắng mỗi người một thẩu mứt quật do cô làm, mọi khi con bé Hạt vẫn hảo ngọt. Tưởng tượng nó sẽ ăn từng trái quật và mút tay thòm thèm. Tưởng tượng nó sẽ ngồi canh nồi bánh chưng với cậu mà mơ đến bánh ú chấm đường vào sáng hôm sau khi vớt bánh. Lần đầu tiên sau mười năm sống cô đơn Miên thấy lòng mình đỡ lạnh. Còn chị, chị sẽ cười tươi khi nhìn thấy con bé xúng xính trong bộ đồ mới. Miên đã may cho bé Hạt cái áo đầm mới, vải cô mua từ lâu chưa biết sẽ may cái gì. Cuộc đời toàn màu hồng chăng. Có thể, năm hết tết đến rồi. Thắng cũng trân trọng dành cho cô hai chậu hoa kiểng, hoa cúc đại đoá anh ta trồng.

Đã thành lệ, tối ba mươi Miên thường đốt lửa, và cúng giao thừa như mọi người. Đang ngồi bó gối một mình chợt tiếng kẹt cửa khiến cô giật mình. Người bước vào là Thắng.

– Sao ngồi một mình thế cô? Tôi mang bánh chưng đến cho cô, bánh chín đẹp lắm.

– Anh khéo bày vẽ chưa. Tôi có ăn mấy mô. Con Hạt đã ngủ chưa?

– Chưa, vào đi, Hạt!

Chưa khi nào nỗi vui lại lớn bằng lúc ấy. Con bé Hạt đã cắt tóc hẳn hoi, nó còn mặc một áo len mẹ mới đan. Chiếc áo màu hồng hôm cô đến đang đan dở. Có vẻ như nó mới lớn lên gần đây và đẹp ra. Nó không còn là cô Lọ Lem nữa.

– Giao nó cho cô đấy, Thắng nói trước khi bước ra. Tết má nó về bên tôi. Con bé ở với cô ngày mồng một, mồng hai nhé. Mồng ba về ăn cỗ đưa.

– Em ở lại với cô, cô hí?

– Đồ quỷ! Miên béo tai nó. Không ở nhà ăn bánh ú sao?

Hạt Châu chỉ tay lên bàn. Hai cặp bánh ú hồi hôm cậu nó gói đi kèm với hai cặp bánh chưng dành cho cô giáo. Miên hôn lên trán nó, ghì nó vào lòng. Sau cùng, nó cũng nói được lời sấm chẻ. Hãy còn sớm lắm đối với một đứa trẻ, nhưng lời đã thốt ra rồi thì chấp nhận thôi.


Huế 6/11/06.

Hoa Liên


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss