Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chuyến tàu nửa đêm

Chuyến tàu nửa đêm

- Sâm Thương — published 23/12/2014 16:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Truyện ngắn


Chuyến tàu nửa đêm


Sâm Thương



Theo kế hoạch tôi phải đến Virginia vào đầu tháng năm để thảo luận với nhà sản xuất một số điểm cần sửa chữa trong một kịch bản phim tài liệu do tôi viết trước khi bắt tay vào thực hiện. Chuyến đi lần này đã không tạo được cho tôi sự hưng phấn như những lần đi trước, vì lời mời của nhà sản xuất đến với tôi đúng vào thời điểm chiến dịch phòng chống SARS đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Tôi đã định hoãn chuyến đi, đợi đến khi nào tình hình dịch bệnh lắng dịu. Nhưng hình như tôi đã không chờ đợi được. Tôi luôn luôn cứ bị thôi thúc phải lên đường.

Trưa hôm đó, khi vừa đặt chân xuống phi trường LAX (Los Angeles, California) tôi định nán lại ở đây chơi với một người bạn trước khi đến Virginia. Không biết có phải vì khuôn mặt Á châu của tôi, hay do một lần ngứa cổ ho khan mà tôi đã bị nghi lây nhiễm SARS. Mặc dù tôi đã cố giải thích rằng tôi đến từ nơi mà Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức công bố là quốc gia đầu tiên hoàn toàn khống chế dịch SARS, nhưng tôi vẫn bị tập trung để cách ly. Sau thời gian quy định, được xác nhận không bị nhiễm SARS, tôi lấy vé từ phi trường Orange County, California bay ngay qua Virginia để giải quyết công việc.. Ở Virginia mới ba hôm, những cuộc trao đổi về công việc giữa nhà sản xuất và tôi đã được tiến hành khá thuận lợi. Bất ngờ, tôi nhận được điện thoại của Vũ từ New York báo cho biết Thu Huệ vừa được chuyển vào bệnh viện cấp cứu vì chứng bệnh ung thư, sau khi đã đau đớn vật vã với căn bệnh mấy tháng gần đây. Thu Huệ là người yêu cũ của tôi. Hai chúng tôi đã nhiều năm không liên lạc với nhau. Hồi đó, tôi vừa tốt nghiệp Văn khoa, được nhận dạy giờ một trường trung học ở Đà Lạt, còn Thu Huệ sống với gia đình ở Sài Gòn, nên mỗi cuối tuần, hết giờ dạy tôi lại leo lên máy bay vù về Sài Gòn.

Từ phi trường, tôi về thẳng nhà cô tôi đường Hồng Thập Tự, tắm rửa, thay áo quần và không quên mang theo một bó hoa trên tay kiên nhẫn đứng hàng giờ đợi người yêu trước cổng cơ quan. Lần nào cũng thế, hồn tôi như ngợp đi trong hạnh phúc khi nhìn thấy Thu Huệ lao nhanh về phía tôi, mái tóc buông thả nũng nịu hất ngược ra sau và đôi mắt to đen mở lớn nhìn thẳng vào tôi không lay động. Giọng Thu Huệ thật nhẹ trên vai tôi:

– Em nhớ anh kinh khủng !

Tôi mỉm cười nheo mắt nhìn Thu Huệ thú nhận:

– Anh sẽ điên mất, nếu máy bay hôm nay không chịu cất cánh.

Thu Huệ bấu nhẹ vào cánh tay tôi:

– Điều đó chứng tỏ rằng anh mù quáng và điên rồ, nhưng em không thể không yêu anh.

– Tại sao? Có phải...

Những ngón tay thon nhỏ đặt nhẹ lên môi tôi, chận lại những lời sắp được nói ra.

Cuộc gặp gỡ cuối tuần của chúng tôi thường khởi đầu như thế đó. Tôi nhớ những phút giây hai đứa quấn quýt bên nhau: Những buổi chiều, buổi tối tay trong tay, lặng lẽ bước đi trên những thảm cỏ, những con đường thẳng tắp rợp bóng cây cao hoặc ngồi bên nhau hằng giờ trong rạp chiếu bóng hay trong một quán nhỏ để được nhìn nhau, để nói với nhau bao điều ước mơ. Không hiểu sao, trong những giây phút đó, Thu Huệ như bị đặt vào một thứ tâm trạng mâu thuẫn, nghịch lý. Nàng vừa hạnh phúc vừa đau khổ. Hạnh phúc vì biết mình được yêu với tất cả sự hiến dâng tuyệt đối; nhưng lại bị ám ảnh, ray rứt bởi một điều gì đó không thể giải thích. Một khái niệm hư ảo? Chính điều đó tạo cho anh cái cảm giác chông chênh, lạc lõng như đang đứng trước một ngã ba trong đêm tối mịt mùng và thoáng nghe tiếng gọi của tình yêu xa xôi mơ hồ… Cuộc tình của chúng tôi kéo dài chưa tới hai năm, bất ngờ, gia đình vận động đưa Thu Huệ sang Mỹ du học. Nàng theo học một trường đại học ở New York. Thu Huệ lặng lẽ ra đi không một lời giải thích. Để mặc tôi đi tìm cuộc tình nàng bỏ dở, đi tìm một câu trả lời để khép kín vết thương nhức nhối trong tim tôi. Thời gian đầu, tôi đã đau khổ đến sống dở, chết dở, ước chừng không gượng dậy nổi. Nhưng rồi thời gian cũng đã làm phai nhạt vết thương trong trái tim tôi. Tôi tưởng như đã quên mất Thu Huệ. Hình bóng nàng không còn đọng lại chút gì trong ký ức tôi. Nhưng sự thật không phải vậy. Vừa mới nghe Vũ nhắc đến tên Thu Huệ, toàn thân tôi như bị điện giật, tê cứng. Tất cả hình ảnh quá khứ, những kỷ niệm xa xưa, đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất giữa Huệ và tôi đã hừng hực thức dậy. Nhưng tôi hoàn toàn không còn một chút ảo tưởng, ảo tưởng về mình , ảo tưởng về cuộc đời. Mấy năm trước, dù biết tin Huệ đã ly dị chồng, sống độc thân, tôi vẫn không có ý định chắp nối cuộc tình đã từng một thời làm trái tim tôi tan nát. Giờ đây, tưởng tượng đến hình ảnh Thu Huệ trên giường bệnh phải một mình chòi đạp, chống trả với thần chết từng phút từng giây, trái tim tôi đau thắt. Tôi không biết cần phải làm gì để có thể giúp Huệ vượt qua đôi tay nghiệt ngã của định mệnh trở lại với cuộc sống hay làm dịu bớt những cơn đau khủng khiếp kéo dài đến chết. Thật sự, tôi không biết và không hy vọng làm được gì. Nhưng với hai người đã từng yêu thương nhau, thật gần với nhau trong tuổi trẻ say đắm dường như còn để lại một ngôn ngữ rất âm thầm với nhau trải suốt cuộc đời. Tôi linh tính giờ phút này, Huệ không có ai ngoài tôi. Tôi cần phải có mặt bên cạnh Huệ, có thể chỉ để nắm tay hoặc vuốt mắt lần cuối trước khi Huệ ra đi vĩnh viễn. Tôi tin rằng khi về thế giới bên kia, Huệ không đến nỗi buồn tủi vì phải đơn độc trước giờ chia tay với trần gian. Ít ra, Huệ cũng có một người thân bên cạnh, một người đã từng nâng niu trân trọng tình yêu của nàng. Nàng đã sống với con người và chết với con người. Nàng có cho tôi chứng kiến sự đau đớn của nàng hay không, nàng có chấp nhận sự có mặt của tôi hay không. Tôi không cần biết.

Nôn nóng vì muốn gặp Thu Huệ, tôi định xách hành lý chạy thẳng ra phi trường, hy vọng trong chuyến bay sớm nhất đi New York có ai đó hủy chỗ vào giờ chót. Nhưng khi tôi điện thoại đến bộ phận bán vé, cô nhân viên ở đây đã lịch sự cho biết trong những chuyến bay đến New York chiều nay số người ghi tên dự bị khá đông, không hy vọng có chỗ. Có phần hụt hẫng, tôi chợt nghĩ đến việc đi tàu: có thể còn kịp, chuyến tàu sẽ khởi hành lúc 21giờ và đến New York đúng 0 giờ 25 phút sáng hôm sau.

Tôi đi metro đến ga Union Station ở Washington DC cũng được, vì trạm metro và ga cùng một chỗ. Nhưng nhìn đống hành lý bề bộn, tôi đành chọn đi taxi. Ra khỏi taxi, nhìn đồng hồ, đúng 20 giờ 50. Tôi chỉ kịp trả tiền taxi trước khi quay lưng đi thẳng vào quầy vé. Cầm chiếc vé trong tay, tôi theo dòng người lũ lượt vào các toa. Tôi hấp tấp bước vào toa tìm chỗ, như sợ con tàu chạy đi để tôi lại một mình. Cái cảm giác trễ tàu, một mình bị bỏ rơi lại trên sân ga tàu điện hay phi trường vào nửa đêm không một bóng người, cứ luôn ám ảnh trí óc tôi mỗi khi tôi có công chuyện phải di chuyển. Tôi sợ hãi những cuộc di chuyển, nhưng điều nghịch lý là tôi lại không muốn dừng chân ở đâu quá lâu. Những vùng đất xa lạ, những thành quách cổ kính, những tập tục truyền thống kỳ bí và ở đó, những con người đang sống với nhau … luôn kích thích tôi lao vào những chuyến đi xa, bất chấp nỗi sợ hãi.

Bước hẳn vào trong toa, tôi đi về phía chỗ trống, sát bên cửa. Tôi vốn có thói quen, như đã trở thành cố tật, dù phải đi trên những toa xe lửa chật chội, thiếu tiện nghi như ở nhà những năm sau chiến tranh, hay những chuyến cao tốc sang trọng và tối tân như ở Nhật hay Pháp, tôi luôn tìm cách ngồi gần bên khung cửa, để được nhìn ngắm: Những con tàu ngược chiều chạy qua trên những cánh đồng xanh ngát, những chiếc máy xay gió khi hoàng hôn bắt đầu xuống, hay những dãy núi trùng trùng điệp điệp, biển cả tĩnh lặng vào những đêm trăng, hoặc những buổi bình minh nắng sớm...

Khi tàu bắt đầu chuyển bánh tôi mới chú ý quan sát những người đồng hành. Cả toa tàu có đến cả trăm hành khách. Bên cạnh tôi phía ngoài là một người đàn ông đứng tuổi, có hàm râu rậm , đeo kính cận,nhìn bề ngoài có vẻ là một nhà giáo hay một người làm khoa học. Cách lối đi, hàng ghế bên kia, ở ngoài là hai thanh niên trẻ, ăn mặc rất đúng điệu. Có thể họ là những người hoạt động trong ngành địa ốc hay thị trường chứng khoán. Trong cùng là một người đàn ông, trông ông ta giống một viên chức. Trước mặt tôi là một cặp tình nhân. Bên kia, ngồi cạnh lối đi là một phụ nữ có khuôn mặt xinh đẹp, tóc buộc xoắn lại rất khéo, khăn choàng cổ bằng dải lụa đen lấp lánh. Mái tóc vàng và đôi mắt nâu làm tôi mang máng nhớ đến một nhân vật nào đó tôi đã gặp. Chợt tôi nhớ ra, và thật ngạc nhiên. Cô ta là một diễn viên trong một bộ phim tôi vừa coi tuần rồi. Tiếp theo là một người đàn bà Mehico và hai đứa con nhỏ. Bất ngờ, đứa bé gái khoảng bảy tuổi, nhìn mẹ:

– Mẹ ơi, con đói bụng ! Đứa lớn nói khẽ lọt đến tai tôi.

Người đàn bà lấy ra một cái bánh sandwich bọc giấy bóng từ túi xách để dưới chân. Đứa bé thứ hai lên năm, nhìn trân trân vào chiếc bánh mà không dám đòi. Khi người đàn bà bẻ miếng bánh làm đôi, đứa lớn khe khẽ phản đối.

– Ơ kìa, Julia, con chia cho em ăn với chứ !

Bà la đứa con gái. Nó nín lặng nhưng tôi để ý thấy nó nhìn em với vẻ hờn dỗi.

Tôi hy vọng người đàn ông ngồi cạnh tôi là một người rất bận rộn với công việc. Ít nhất trong những thời khắc như thế này, tôi không muốn bị bắt buộc phải trả lời những câu hỏi không đâu vào đâu như tôi vẫn thỉnh thoảng gặp phải trong những chuyến đi của tôi trước đây. Tôi mở chiếc cặp, lấy cuốn tiểu thuyết tôi đã mua trước khi đi, nhưng suốt mấy tuần nay còn để nguyên trong cặp, chưa hề đụng tới.

Tôi dựa người vào ghế, đọc lướt qua phần tiểu sử của tác giả trước khi lật vào phần nội dung. Cuốn sách đã lôi cuốn tôi, từng trang, từng trang theo câu chuyện kể, bằng một giọng văn khúc chiết , gãy gọn và giàu hình ảnh…Và tôi gần như không còn biết những gì đang xảy ra chung quanh mình. Tôi giật mình khi tiếng cành cạch của bánh xe như lớn dần và cánh cửa giữa hai toa hành khách vừa mở ra. Tàu ngừng hẳn lại. Đã 23 giờ 50 phút, nhìn qua cửa kiếng tôi đọc thấy những hàng chữ trên tấm bảng chỉ dẫn, ở đây là trạm Metropark, cũng như những ga khác, tàu dừng lại chỉ mấy phút, đủ cho người lên kẻ xuống. Như thế là tôi đã đi qua 8 trạm chính, có lẽ vậy. Tôi còn phải qua ga Newark International Airport, ga Newark rồi mới đến PENN ( Pennsylvania Station), ga cuối cùng đến New York.

Bỗng ở cuối toa gần cửa ra vào, hành khách lên xuống nhốn nháo, chen lấn nhau. Có tiếng chạy đuổi, tiếng la hét từ bên ngoài dội vào khiến mọi người hoảng hốt không biết chuyện gì. Nhưng chỉ mấy phút sau trật tự đã trở lại, tiếp tục người lên kẻ xuống. Có tiếng hỏi:

– Đằng ấy có chuyện gì vậy?

Từ trong đám đông có tiếng trả lời:

– Nghe nói cảnh sát đuổi bắt một tên tội phạm, hắn định lẩn trốn vào đây. Chắc cảnh sát đã bắt được hắn và đưa hắn đi rồi !

Đám đông yên lặng ngồi xuống ghế. Hình như họ vẫn chưa trút được gánh nặng trong lòng, một cái gì đó đang thực sự làm họ băn khoăn lo lắng. Trái lại, những sự kiện đó gần như không tác động gì đến tôi, có thể do tôi sinh ra trong một đất nước trải qua bao năm tháng chiến trang, cảm xúc chai lỳ hoặc được coi là trầm tĩnh trước những tình huống tương tự.

Con tàu lại tiếp tục chuyển bánh, thu ngắn đoạn đường còn lại. Tôi định lật sách đọc tiếp. Tình cờ tôi nghe được câu chuyện của đôi tình nhân ngồi ở hàng ghế trước. Không nghe cũng không được, vì khoảng cách giữa họ và tôi đâu có bao xa và những người yêu nhau hình như không còn biết ai ngoài họ trên cõi trần gian này.

Người phụ nữ nói:

– Sau khi đến, em muốn lên tận chóp tòa Empire State Building, em muốn ăn món gì đặc biệt nhất ở đó và đi trượt tuyết !

Người đàn ông như có vẻ mỉm cười:

– Em quên bây giờ là đầu tháng năm, làm gì có tuyết ! Anh có cảm tưởng như đang nghe em gái út của anh nói. Nó cũng mê trượt tuyết lắm !

– Chán quá, như thế là không thể trượt tuyết được. Nhưng em vẫn muốn đến Empire State Building trước đã.

– Olivia ! Em nói thật đấy chứ?

– Thật ! Em chưa bao giờ đến đó.

– Ôi ! Cưng của anh. Người đàn ông cúi xuống hôn người phụ nữ

– Em là người phụ nữ tuyệt vời mà anh chưa từng gặp.

Người phụ nữ ngước lên âu yếm nhìn thẳng vào đôi mắt người yêu:

– Em có cảm tưởng rằng cuộc đời của em là ở đây với anh. Ngoài ra chẳng có gì là hiện thực và cuộc sống của em ở San Diego cũng chỉ là hư vô. Anh có cảm thấy đó là điều lạ lùng không?

– Không, anh không thấy điều đó lạ lùng. Anh chỉ thấy…

Bỗng đằng sau tôi vang lên giọng một người đàn ông, có lẽ ông ta đang nói với người ngồi bên cạnh. Vấn đề của người này làm tôi, cũng như nhiều người chú ý:

– Anh có biết không, báo chí cho biết: Theo Tổ chức Y tế Thế giới đã có 253 ca tử vong do SARS, hơn 4.400 ca nhiễm trên toàn thế giới tính đến ngày 29.4. Tại Trung Quốc hiện có 2.914 bệnh nhân SARS , 131 người đã chết, chưa kể 1.921 ca nghi nhiễm. Riêng Hồng Kông có thêm 12 người bị chết , tổng số 133, 16 người khác được xác định nhiễm SARS. Cũng ngày hôm qua, An Độ phát hiện 2 ca SARS mới, trong khi Singapore có thêm 3 người nhiễm và 2 người khác bị chết vì SARS.

Không biết có phải do giọng của ông ta hơi lớn với một âm sắc đặc biệt hay do vấn đề nêu ra mà toa bỗng im bặt. Họ đang chú ý lắng nghe điều người đàn ông vừa nói. Thật ra, điều đó không gì mới đối với họ, vì họ cũng đã đọc trên báo, thấy trên TV, nhưng họ vẫn hy vọng ở người đàn ông một tin tức gì mới hơn những gì họ đã có được.

Tiếp theo một giọng đàn ông khác lại vang lên. Đó là người ngồi bên cạnh người đàn ông vừa phát biểu, ông ta muốn đóng góp ý kiến trong câu chuyện của bạn, nhưng đồng thời như để che giấu nỗi lo lắng của mình:

– Theo chỗ tôi biết, giáo sư Malik Peiris, một nhà vi sinh học hàng đầu ở Hồng Kông tuyên bố là virus SARS nay đang tấn công vào đường ruột cũng như hệ thống hô hấp, một sự thay đổi mà nhiều chuyên gia ngành y lo ngại, vì khi đó virus trở nên hiểm độc hơn.

Tôi tò mò muốn quay đầu lại nhìn hai người đàn ông ở hàng ghế sau lưng tôi xem mặt mày họ thế nào, nhưng không dám vì có vẻ khiếm nhã, nên thôi. Nhưng câu chuyện của họ đã đưa đám đông trở lại với thực tế, một thực tế mà họ muốn chạy trốn, né tránh. Tôi nghe những âm thanh xao động, tiếng những trang giấy báo lần giở, tiếng thì thầm trao đổi nhỏ to, với giọng e dè, lo lắng... Không biết đó là sự thật hay do ảo giác mà đôi tai tôi tiếp nhận được.

Chợt nhiên, tôi cảm thấy ngứa ở cổ muốn ho. Sao lại có thể ho vào thời điểm này ! Cơn ho như muốn vọt ra, nhưng tôi kịp ngưng lại. Tôi cố gắng kiềm chế, chận đứng cơn ho đang dồn ép nơi cổ họng. Lúc này mà cất tiếng ho thì có khác gì như ném trái bom lửa vào giữa đám đông. Dù cái ho của tôi hoàn toàn chẳng liên quan gì đến căn bệnh SARS quái ác kia. Nếu tôi có ho thì đó cũng chỉ là cái ho bình thuờng, như tất cả mọi người, trong đời sống, thỉnh thoảng ngứa cổ ho lên vài tiếng, chẳng thể đe dọa sinh mạng bất cứ một ai. Nhìn những người đang có mặt trên toa tàu, tôi không tin họ có thể phân biệt đâu là tiếng ho bình thường và đâu là tiếng ho của người nhiễm SARS. Bất tiện hơn, tôi lại là người Á châu duy nhất trong toa tàu. Dưới mắt họ, khuôn mặt tôi lại rất giống người Trung Quốc, vùng đất nơi dịch bệnh SARS đang bùng phát mãnh liệt. Tôi tưởng như đã có thể vượt qua tình trạng khó xử, cổ họng tôi có vẻ dễ chịu trở lại. Tôi lật tìm trang sách, định đọc tiếp hy vọng quên đi cơn ho. Nhưng chỉ ít phút sau, cổ họng tôi lại như bị ai cào cấu và lần này có vẻ khó chịu hơn nhiều. Tôi cố nén, nuốt nước miếng ừng ực, nhưng không được. Tôi định đưa hai tay lên bịt miệng, nhưng chợt hiểu cử chỉ đó có thể làm người ta nghi ngờ thêm. Tôi bỏ tay xuống nhưng miệng thì cố bậm chặt lại. Máu dồn lên, mặt tôi sưng và đỏ bừng. Một ý nghĩ chợt đến trong đầu, tôi đứng dậy lách người bước ra khỏi hàng ghế, đi nhanh về phía phòng vệ sinh ở gần cuối toa. Đến nơi, cửa phòng vệ sinh đóng kín, có ai đó đang sử dụng. Tôi đưa tay gõ mạnh vào cánh cửa. Nhưng bên trong không ai lên tiếng, hoặc có hành động gì đáp trả. Sức chịu đựng có hạn, tôi gập người ho. Và do bị kiềm chế lâu, nên khi ho, tôi ho sặc sụa, ho đến chảy cả nước mắt, nước mũi … Qua khỏi cơn ho, tôi hoảng hốt quay lại, tất cả những con mắt trong toa tàu yên lặng đều đổ dồn về phía tôi. Tôi gắng gượng nói:

– Xin đừng hiểu lầm. Tôi không phải bị SARS !

Sực nhớ, tôi móc túi lấy tờ giấy xác nhận không nhiễm SARS trưng ra cho mọi người thấy. Nhưng không ai thèm để ý đến tờ giấy trên tay tôi là giấy gì. Nó không thể chứng minh được điều cả, dù đó là tờ xác nhận tôi không nhiễm SARS thật.

Nỗi ám ảnh, sợ hãi đối với cái chết đã làm đám đông khựng lại, không kịp phản ứng, không kịp chống đỡ. Họ như bị tê liệt. Bởi lâu nay đầu óc họ luôn sống trong bầu khí bị đe dọa, bị uy hiếp liên tục. Có thể, hầu hết trong số họ nếu không trực tiếp thì cũng đã từng chứng kiến trên màn hình cảnh tượng hai chiếc máy bay của bọn khủng bố đâm bổ vào tòa tháp đôi WTC. Và trong số họ, chắc có người là thân nhân của những nạn nhân của thảm kịch 11.9.

Con người hôm nay vốn đã yếu bóng vía, thiếu tự tin, luôn sợ hãi đủ thứ: chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh và ngay cả với chính con người. Chính quyền, đặc biệt là chính quyền của một trật tự mới dựa trên sức mạnh đã đành mà ngay cả báo chí và các phương tiện truyền thông vì quyền lực, vì lợi ích riêng tư đã cố tình thổi phồng tất cả những biến cố, những tai họa xem ra có thể lợi dụng được, không ngừng làm tăng thêm nỗi sợ hãi, tạo cho con người cảm giác bất an, càng trở nên bất an hơn để dễ bề thao túng, hướng họ theo mục đích của mình. Im lặng không thể kéo dài lâu hơn. Đám đông bất ngờ đứng bật dậy. Vừa lúc đó, tàu ngừng lại. Đây là ga Newark International Airport. Có tiếng ai đó la lên:

– Hãy thoát nhanh ra khỏi đây ngay! SARS ! SARS !

Như phát pháo lệnh, đám đông hướng về phía cánh cửa vừa được mở, chạy vọt ra. Họ không nhớ ra điều gì và cần phải làm gì mà chỉ nghĩ đến điều duy nhất, làm cách nào lánh càng xa càng tốt vùng lây nhiễm. Họ chen lấn, xô đẩy nhau, ùn ùn thoát nhanh ra khỏi toa tàu. Tôi im lặng ngước lên nhìn người khách cuối cùng nhảy ra khỏi tàu. Cổ họng tôi đắng nghét vì cảm thấy mình như kẻ tội phạm đáng nguyền rủa, nguyên nhân đưa đến sự sợ hãi cho đám đông, đẩy họ xuống đường giữa đêm hôm khuya khoắt. Đây không phải là ga mà họ định xuống, hầu hết họ đều đi đến PENN, ga cuối cùng đến New York, nhưng vì sợ bị lây nhiễm, họ đã không quan tâm đến điều đó, chỉ cần làm cách nào thoát ra khỏi toa tàu, mặc cho đêm tối, mặc cho chương trình đã hoạch định bị đổ vỡ.

Tàu tiếp tục chuyển bánh. Nhìn qua khung cửa, trong ánh sáng lờ mờ của những ngọn đèn tròn, tôi nhìn thấy đám hành khách cùng đi trên toa tàu với tôi vẫn đứng lóng ngóng trên sân ga nhìn theo. Khuôn mặt của họ phảng phất nét bi hài, khó thể phác họa được.

Chỉ mấy phút trước, có đến cả trăm hành khách chen chúc nói cười, trao đổi. Giờ chỉ còn lại những hàng ghế trống, không một bóng người. Chỉ có một mình tôi với tôi trong toa tàu trống trải giữa đêm khuya. Tự nhiên tôi bỗng nhớ đến những ngày đầu khi tôi tập tễnh bước nghề sân khấu. Tôi theo đoàn hát đi khắp nơi, mỗi khi đoàn diễn kịch bản của tôi. Có những đêm mưa tầm tã, đoàn không diễn được vì vé bán không đủ sở hụi. Anh chị em trong đoàn hát, người đi ngủ sớm, kẻ uống rượu tiêu sầu, những người khác bày sòng sát phạt lẫn nhau. Còn lại một mình tôi ngồi ở góc rạp, nhìn những hàng ghế khán giả trống trơn bất động và nghe như có tiếng thì thầm bí ẩn của những âm hồn lẩn khất để cảm nhận được nỗi đau của một giấc mơ chưa thành, sự bất lực trước cuộc kiếm tìm chính mình. Nước mắt của tôi cứ thế mà chảy tràn lên má. Tôi cảm thấy đau xót, bất lực không phải vì bị ngộ nhận là một bệnh nhân SARS mà về cái thế giới loài người với những tình cảm yêu thương và sự cảm thông tưởng như đã bị đánh cắp, bị nứt rạn mà không có cơ may hàn gắn. Có phải chỉ vì nỗi ám ảnh sợ hãi trước cái chết mà con người đã không còn quan tâm đến người khác, không nhìn nhận người khác như anh em, sẵn sàng xua đuổi, xa lánh đồng loại, những người cùng sống ngày hôm nay trên trái đất này ? Con người đã hết còn cảm thông được với con người ? Chính vì sự sợ hãi, lo lắng cho bản thân mà đám hành khách cùng toa tàu với tôi đã hoảng hốt trước một dấu chỉ, dù mới chỉ là dấu chỉ thôi, họ đã ngộ nhận và ruồng bỏ, chạy trốn tôi. Tôi chua chát nghĩ đến trường hợp mỗi một người trong chúng ta có kẻ bị rơi vào một tình huống không may mà những người chung quanh không một ai động lòng, không một ai xót thương đưa tay ra đỡ dậy, nói lời an ủi hỏi han, muốn cứu kẻ bị nạn thì thế giới này thật buồn thảm biết chừng nào!

Tâm hồn tôi chìm ngập trong nỗi cô đơn, đau đớn. Tôi hoàn toàn không có một chút khái niệm nào về không gian thời gian. Tôi như một linh hồn vật vờ, lãng đãng trong một thế giới mờ ảo, phù du và tăm tối … Tàu đã ngừng hẳn lại. Đây là ga cuối cùng. Con tàu đã đưa tôi đến New York mà tôi không hề hay biết. Tôi vẫn ngồi một mình, toa tàu bỗng thênh thang im vắng như một nhà mồ. Sự trống vắng phủ chụp lấy tôi, trải dài đến những khoảng không vô tận của bóng tối và sự lạnh lẽo ngăn cách tôi với thế giới.

Chợt trong đầu tôi, thoáng hiện khuôn mặt Thu Huệ với nụ cười rạng rỡ và mái tóc dài hất ngược ẩn khuất giữa dòng người ngược xuôi năm nào. Giờ chính khuôn mặt ấy đã biến dạng, đã đổi thay, đang thoi thóp trên giường bệnh trong căn phòng lạnh lẽo trống vắng, không một bóng người. Tôi thầm nghĩ, lỡ như tôi đến trễ, thì đó là điều đáng ân hận biết chừng nào: cuộc ra đi của Huệ có thể trở thành cuộc ra đi đơn độc, nó sẽ không cho Huệ một cảm giác lưu luyến đối với trần gian chút nào cả. Ý nghĩ ấy đã khiến tôi sợ hãi và xót xa cho số phận của Huệ, số phận của một con người, cô độc tuyệt đối, như tôi đang ngồi với chỉ mình tôi bây giờ. Còn gì khủng khiếp hơn, buồn tủi hơn nếu một ai đó biết rằng trong khoảnh khắc mình bị đẩy vào tình huống bất hạnh, gian nguy hay phút giây sắp phải chia lìa trần gian để đi về cõi vô định mà bị con người xa lánh, bị con người phủ nhận?

Nỗi cô đơn quá lớn, quá dày đặc bao vây tôi không một khe hở đến nỗi bàn tay tôi không thể ngó ngoáy cử động. Tôi như một pho tượng câm nín, vô hồn.

Bất ngờ, tôi giật mình tỉnh thức bởi bàn tay ai đó đặt nhẹ lên vai. Ánh sáng của ngọn đèn chiếu lướt qua và giọng nói ồ ồ của người đàn ông vang lên:

– Tàu đã đến New York! Không biết tôi có thể giúp gì cho ông?

Tôi ngước lên, trước mắt tôi là người kiểm soát vé tàu với nụ cười đôn hậu nở ra trên khuôn mặt dạn dày, thô xám. Thật kỳ lạ, tôi không hề bị bất ngờ trước những điều ông nói và cũng không ngạc nhiên. Lời nói và cử chỉ của ông bình dị, nhưng chan chứa tình cảm, có đủ sức mạnh xô ngã những rào cản, những ngộ nhận, những nghi kỵ sợ hãi và luôn cả nỗi tuyệt vọng trong tôi. Nó đã nhen nhúm và này sinh niềm tin yêu, sự náo nhiệt tưng bừng của tình người, tình liên đới nhân loại đã tìm thấy lại ở mặt kia của thế giới.

Sâm Thương

27.8.2003



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss