Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Con dê và mười cái ghế

Con dê và mười cái ghế

- Cao Huy Thuần — published 06/02/2008 15:50, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
<< Câu hỏi thứ tư, thứ năm, tớ đầu hàng. Cái gì mà "Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách", cắt nghĩa câu thơ đó của Bạch Cư Dị. Ông Dị là ông nào? Tìm con dê làm gì trên bến canh khuya? Lại nữa: "Ai là tác giả hai câu thơ Đường nổi tiếng: "Dương Tử giang đầu dương liễu xuân / Dương hoa sầu sát độ giang nhân"? Có trời mà biết! Chỉ đoán mò ông ấy mắc bệnh hoa liễu, vì chỉ hai câu thơ mà có đến ba con dê! >>. Ấy là vì năm Chuột nói chuyện Dê nên ra nông nỗi thế, ai nằm mơ sao giống cái chuyện thi cử nước mình...


CON DÊ VÀ MƯỜI CÁI GHẾ


Cao Huy Thuần


Chưa bao giờ con dê thấy một đồi cỏ xanh um như thế. Bên này sườn đồi là cỏ úa, ai ngờ bên kia đầy cỏ non! Con dê soàn soạt nhai cỏ, mặc cụ Sĩ Ghềnh giục về hai ba lần vì trời đã đứng bóng. Nhìn con dê ăn ngon miệng quá, cụ không nỡ dục thêm lần nữa, nhưng khi nghe con gà dưới làng gáy trưa, bụng cụ cồn cào, cụ đứng phắt dậy, ra lệnh:

- Dê Tuyết! Về thôi! Trưa quá rồi!

- Thong thả cụ ạ, cháu chỉ mới xong bốn món ăn chơi.

- Không được! Tao với mày cùng đi từ sáng sớm, bây giờ tao đói mày no, quyền bình đẳng của tao ở đâu?

Con dê ngước mắt, ngúng nguẩy:

- Từ sáng đến giờ cháu chỉ thấy cụ tủm tỉm ngồi đọc "Nắng Và Hoa", bây giờ cụ cứ đọc và cháu cứ ăn, thế là tự do!

Cụ Sĩ Ghềnh dọa:

- Này, tao nói cho mày biết, tao đang đọc đến cái đoạn con chó sói thè lưỡi liếm mép trước khi xơi tái mày đấy. Mày không chịu về, tao gọi nó đến cho mày xem!

Con dê đỏng đảnh:

- Thà một phút huy hoàng, cụ ạ. Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt ... Cỏ ngon thế này, mười con chó sói đến cháu cũng chẳng coi ra gì.

- Cho mày chết nhé, tao đi gọi chó sói đây!

Cụ Sĩ Ghềnh giả bộ bước đi vài bước, tưởng con dê sẽ chạy theo, nhưng dê cứ ăn và cụ cứ bước. Tự ái nổi dậy, cụ đi tìm con chó sói.

- Sói! Tao vừa mới cãi nhau với con Dê Tuyết. Tao nói răng của mày nhọn nhất; nó nói sừng của nó cứng nhất. Tao nói: mười cái sừng của dê không đâm nổi một cái lưỡi của sói. Nó nói: mười cái lưỡi của sói cũng chỉ đáng cho nó ...

Cụ đằng hắng vài cái, giả vờ bỏ lửng câu nói. Con sói sốt ruột:

- Chỉ đáng thế nào?

- Ối dào! Mày lạ lùng gì giống dê nhà tao. Con Dê Tuyết quý phái như công chúa, nhưng trời sinh dê sinh tính, ăn nói vẫn dê, tao kể ra sợ mày giận, thôi mày bỏ qua ...

Con sói cong mình lại như sắp nhảy bổ ra đàng trước. Nó gắt ầm lên:

- Cái cụ Sĩ Ghềnh này cứ ỡm ờ! Cụ nói mau: con dê nói mười cái lưỡi của sói cũng chỉ đáng thế nào?

- Mày thành khẩn muốn biết, lẽ nào tao giấu mày! Nhưng tao nói ra là vì mày năn nỉ đấy nhé. Con dê nhà tao nói: mười cái lưỡi của mày cũng chỉ đáng để nó … tè lên mà thôi.

Con sói nhảy chổm lên trời ba lần, rớt xuống đất ba lần, ào ào tưởng đến nát mông. Chưa đủ, nó hùng hục chạy quanh gốc cây ba lần, đến lần thứ ba thì soạt cẳng, mất đà, đầu húc vào cây, lộn nhào ba vòng. Ngồi dậy, nó nói không ra hơi:

- Đồ hỗn láo! Con dê khốn kiếp ấy đang ở đâu? Tao nhai nát xương mày ra!

Cụ Sĩ Ghềnh khuyên can:

- Mày ăn thịt nó thì tao lấy sữa đâu mà uống? Đại trượng phu chấp gì cái bọn liễu yếu đào tơ! Mày mắng cho nó một trận là đủ. Con Dê Tuyết đang ham ăn cỏ đàng kia, mày đi với tao đến dạy cho nó một bài tiên học lễ. Rồi bảo nó trưa rồi, về nhà để tao còn kiếm cái gì lót bụng.

Cụ Sĩ Ghềnh chỉ nghĩ đến cái bụng của cụ mà quên nhìn cái đầu của con sói. Đầu nó húc vào cây khi nãy chảy máu lai láng. Nó nằm thừ ra, cằm dán vào đất, miệng thở hộc hộc. Thỉnh thoảng một giọt máu chảy từ trán, rơi xuống mũi, khiến nó khịt khịt.

- Cụ ạ, thôi, ta tha cho nó lần này làm phúc. Người quân tử thấy lỗi mình, quên lỗi người. Huống hồ nó là thứ ranh con vô học. Nhân bất học bất tri lý. Cụ về nhà ăn cơm đi, cháu về hang kiếm chút lá nhai làm thuốc.

- Ô hay, bây giờ mày đâm ra sợ dê à? Mày không đến, nó không chịu về đâu. Dậy, đi với tao!

- Chịu thôi cụ ạ, cái đầu cháu sắp bể làm hai rồi.

Cụ Sĩ Ghềnh cầm cây gậy chỉ vào mặt con sói:

- Mày không chịu đi, tao mang con bé quàng khăn đỏ đến đây thì mày chết! Mày đã lừa con bé để ăn thịt bà ngoại nó, tội ấy nó thù bất cộng đái thiên. Thiên bất dung gian, mày chạy đâu cho thoát.

- Cụ ạ, cháu cũng biết tội, nhưng dậy không nổi nữa rồi. Thôi chào cụ, cháu ngủ đây.

Nó nhắm mắt ngủ thật, mặc ruồi bay đến bu quanh vết máu.

Cụ Sĩ Ghềnh tức tốc đi tìm cô bé quàng khăn đỏ. Cô bé nào đi học mà chẳng quàng khăn đỏ như trong chuyện cổ tích, cho nên cụ vừa ra đường là gặp ngay một cô.

- Chào bé đi học. Bé giúp lão việc này tý nhé. Con Dê Tuyết của lão ham ăn cỏ không chịu về nhà, lão nhờ con sói đến dọa, con sói lần khân không chịu đi, bây giờ lão nhờ bé mang khăn đến dọa con sói, con sói chỉ sợ cái khăn đỏ thôi, bảo gì cũng nghe.

- Chào cụ ạ ... ba lần ba là chín, ba lần bốn mười hai, ba lần năm ... ba lần năm ... ấy, cụ làm cháu quên rồi. Good morning là chào buổi sáng ... Bill Gates là danh nhân Việt Nam ... Chân dép lốp là người đầu tiên bay vào vũ trụ ... Nàng Kiều là con gái nông thôn bán mình đi lao động bên xứ Đài Loan ... Hội nghị Diên Hồng mở đầu cho mùa xuân đại thắng...

- Bé! Mày lẩm bẩm cái gì bậy bạ thế?

- Cụ để yên cho cháu trả bài. Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau / Trải qua một cuộc bể đầu ...

- Này, mày có điên không đấy? Tao nhờ mày đi đến đàng kia dọa con chó sói cơ mà!

- Cháu phải học cụ ạ ... Bình Ngô đại cáo là con cáo lớn chưa từng thấy trong lịch sử ... Nàng Tô Thị là con gái của ông Tô Định ... Trương Phụ là cháu ba đời của Trương Phi ... Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây là truyền thuyết tương tư của dân tộc ít người ... Chiến tranh lạnh là chiến tranh trên Bắc cực … Mẹ cháu bán bún bò từ năm giờ sáng để kiếm tiền trả học phí, cháu đâu dám bỏ học đi với cụ? Sáng nay cháu cũng bụng đói đi học đấy ạ, bụng cháu với bụng cụ kiến bò như nhau. Cụ có biết bà Thị Lộ không? Bà ấy là thủy tổ của phong trào nữ quyền đấy, cụ ạ. Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ / Chồng còn chưa có có chi con ... Chồng thì chưa có mà con thì có rồi.

Cụ Sĩ Ghềnh trợn tròn hai mắt:

- Thế này thì tao phải đi gặp thầy giáo của mày! Mày sợ thầy giáo không?

- Cháu sợ lắm cụ ạ, vì cháu học lõm bõm, chữ được chữ mất, bỏ học đi làm hoài …

Không chờ nghe hết câu, cụ Sĩ Ghềnh đã chạy một mạch đến trường học, gặp ngay thầy giáo.

- Thầy ạ, con Dê Tuyết nhà tôi ham ăn cỏ không chịu về nhà, tôi nhờ con sói đến dọa, con sói lần khân không chịu đi, tôi nhờ con bé quàng khăn đỏ đến dọa con sói, con bé bảo học bài chưa thuộc, vậy tôi nhờ thầy đến dọa con bé ...

Thầy giáo khoác tay:

- Cụ ạ, tớ đang tham khảo tài liệu để mai đi thi trạng nguyên, cả trường này đều trạng nguyên, bảng nhãn cả rồi, chỉ còn mình tớ lận đận, đang bù đầu nát óc đây, không đi được đâu.

Cụ Sĩ Ghềnh ngần ngừ một lát rồi đánh bạo:

- Thế tôi giúp thầy được không?

Thầy giáo bây giờ mới ngẩng đầu lên:

- Cụ làm nghề gì? Viện sĩ hả?

- Thì tôi vừa mới nói, tôi chăn dê.

Thấy giáo rối rít:

- Vậy là trời xui đất khiến rồi! Phúc đức quá! Đề tài trạng nguyên của tớ là "Con dê trong văn chương". Luận văn thì đã thuê người làm xong, hội đồng bảo vệ thì đã bồi dưỡng chu đáo, các câu hỏi vấn đáp đã được mật báo trước hẳn hoi, chỉ còn soạn trả lời thôi, nhưng đang bí rị đây, cụ ở trong nghề xem ra giúp được gì nào.

- Tôi đang đói bụng muốn xỉu đây, thầy hỏi nhanh nhanh.

- Đây này, năm vị giám khảo sẽ hỏi năm câu. Câu thứ nhất là: "Lưỡng dương quá kiều" là gì? Câu này dễ; ngày nào dân Sài Gòn cũng làm hai con dê đọ sừng trên cầu, không con nào nhường con nào đi qua, người cứ ối một chỗ. Câu thứ hai, cụ nghe cho rõ nhé : Cắt nghĩa câu thơ : "Đẹp như ngọc nữ uốn mình trong không". Trong luận văn của tớ chỉ có ngọc dương thôi. Câu hỏi thứ ba còn hóc búa hơn nữa, không biết hội đồng sẽ dẫn mình đến đâu. Cắt nghĩa câu thơ: "Lòng thiếp như hoa hướng dương". Nếu giám khảo hỏi tiếp: "Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, phải chăng phụ nữ nơi nơi đều hướng cả vào con dê?", cụ trả lời thế nào?

Cụ Sĩ Ghềnh hứng chí, tham gia tích cực vào hội đồng giám khảo:

- Ấy, thầy cũng phải coi chừng, nhỡ có vị hỏi: "Dương đông kích tây" là gì? Bên đông có con dê, bên tây có con kích; vậy con kích là con gì? Hề hề ... thầy trả lời cho tôi nghe.

Thầy giáo nhăn nhó:

- Thi cử khó thế này chắc tớ bỏ cuộc. Câu hỏi thứ tư, thứ năm, tớ đầu hàng. Cái gì mà "Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách", cắt nghĩa câu thơ đó của Bạch Cư Dị. Ông Dị là ông nào? Tìm con dê làm gì trên bến canh khuya? Lại nữa: "Ai là tác giả hai câu thơ Đường nổi tiếng: "Dương Tử giang đầu dương liễu xuân / Dương hoa sầu sát độ giang nhân"? Có trời mà biết! Chỉ đoán mò ông ấy mắc bệnh hoa liễu, vì chỉ hai câu thơ mà có đến ba con dê! Cụ ạ, nếu tớ không vì cái ghế thì tớ bỏ cuộc từ lâu. Chẳng giấu gì cụ, tớ đang nhắm cái ghế chủ tịch cơ quan cụ ạ, nhưng thời buổi này phải có trạng nguyên mới ngồi được vào cái ghế ấy. Bây giờ cái ghế là tối thượng, có ghế thì có tất, không ghế thì chỉ đi chăn dê như cụ thôi. Tớ học trạng tớ biết: theo luật tiến hóa, thủy tổ của con người là con khỉ, con khỉ thì có cái đuôi; đến khi con người thành người thì không còn cái đuôi nữa nhưng vẫn cứ thấy thiếu thiếu cái gì ở đàng sau, bởi vậy phải luôn luôn đi tìm một cái gì để dán vào dính cứng ngắt đàng sau cho đỡ nhớ. Cái ấy là cái ghế đấy, cụ ạ.

Cụ Sĩ Ghềnh nghe thế, chạy một lèo đến cơ quan, xách cái ghế chủ tịch, tưởng mang đến cho thầy giáo ngồi lên để lấy hên, mai đi thi trôi chảy, ai ngờ ba bốn người rượt theo cụ, tay gậy tay dao. Tội nghiệp cụ Sĩ Ghềnh! Cụ đâu biết cái ghế ấy đã có ba bốn ông trạng nhắm mòn con mắt từ khuya! Thấy cơ nguy diễn ra ngoài ngõ, thầy giáo quẳng tài liệu tham khảo, chui hàng rào, tẩu vi thượng sách. Thầy lọt ra đường, gặp ngay cô học trò quàng khăn đỏ, con bé chưa thuộc bài thấy thầy xông tới hoảng quá, ù té chạy dài. Cô nhảy vào bụi, suýt đạp con chó sói đang nằm thở hồng hộc. Con chó sói giật mình tuôn chạy, phóng thẳng về phía đồng cỏ. Cụ Sĩ Ghềnh ba chân bốn cẳng chạy theo, sợ con sói đuổi dê lên núi.

Cụ lầm to! Con dê đang nằm ngủ ngon lành. Thấy cụ hớt hải chạy đến, nó đỏng đảnh:

- Mê quá, cụ ạ. Ăn một bụng no nê, đánh một giấc no mắt. Cụ đứng làm gì đấy? Về nhà chứ, chiều rồi!

Trên đường về, nó kể:

- Cụ ạ, cháu nằm mơ thấy chuyện kỳ kỳ. Thấy cụ đấu láo với con chó sói, thấy cụ cà kê với cô bé quàng khăn đỏ, thấy cụ văn chương thi phú với thầy giáo, rồi thấy cụ xách ghế đội trên đầu chạy te, dao búa gậy gộc rượt theo. Sao cụ lại đội cái ghế trên đầu vậy? Mười cái ghế ấy ... cụ chờ cháu tý nhé, cháu vào cái bụi kia, ngủ trưa dậy chưa kịp tè cụ ạ.

   

Cao Huy Thuần

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Mậu Tý 2
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss