Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Còn Là Nghìn Kiếp Sau

Còn Là Nghìn Kiếp Sau

- Đào Vũ Hoài — published 19/05/2013 13:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Còn Là Nghìn Kiếp Sau


Đào Vũ Hoài



– Này, cái nhà ông Nếnh, làm gì ngồi bần thần như thánh linh lỡ cỗ sỏ lợn thế kia. Bà Nếnh ơi, chưa cơm nước gì ư?

Cái giọng re ré đon đả, chua ngoa ngoắt của con mụ hàng xóm kia đến hôm nay thì người đàn ông chừng không còn chịu nổi.

– Nó đi rồi.

– Sao cơ, đi đâu?

– Đi đâu ai biết.

– Ô hay...

Người đàn ông gầm lên:

– Nó theo giai! Phải, nó bỏ nhà theo giai!

– Chết chửa, ông bảo làm sao...

– Mặc mẹ nó!

– Ô hay...

– Mặc mẹ nó! Mặc tôi! Cút ngay!

– A, cái nhà ông này hay nhỉ...

– Cút ngay! Cút!

Con mẹ hàng xóm ngoe nguẩy bước qua mảnh sân lầy, ra đến cổng ngoái lại thòng một câu bằng được:

– Lão già chết tiệt! Nó bỏ đi cũng là phải kiếp cái nòi tổ nhà ông! Chết phứt đi cho rảnh!

Người đàn ông vẫn ngồi lì ở thềm cửa, nghe sau lưng chiều nhòa lẩn lút mỏng thêm trong sâu thinh lặng đang âm âm khép kín lại. Một ngày thế cũng qua. Dẫu gì cũng đã buồn vui trọn một ngày. Một đời buồn vui. Bỗng đâu người đàn ông nhận thấy con mụ hàng xóm nó có sao cũng chưa xấu nỗi chi là xấu thế, tuy cái mặt mẹt dày cùi cứ bư ra, mình mẩy béo phệ nhũn nhẽo, áo quần luốc nhuốc biếng thay khai thum thủm, kẽ răng đen xỉn dính bựa. Mụ thối mồm có tiếng trong khu phố. Người đàn ông gục đầu cười lục khục. Lỗ mãng và hung ác cũng con mụ này. Khóc mướn, đánh ghen hay chửi hùa, mụ ta không từ một dịp, luôn hết lòng với làng nước. Người đàn ông thủng thẳng cuốn điếu thuốc sâu kèn, quẹt diêm đánh lửa. Nghĩ cho cùng cũng tội cho mụ, góa bụa một đời, vốn liếng mỗi gánh khoai luộc tần tảo nuôi con. Mụ quyết, có chăng đi nữa, con cái mụ ngày sau ra đời sẽ phải tày người ta. Chúng nó nay khấm khá cả. Thằng anh lớn xuất cảnh lao động lấy được cô vợ Tiệp hồng hào phốp pháp, làm ăn chắt chiu gửi tiền về cho đứa em gái ra mở cửa hiệu uốn tóc, hớt tỉa sấy gội, thêm phần phục vụ đánh dũa móng tay và nặn mụn trứng cá. Thằng Bẻm nhà ông sống được ngày này hẳn cũng xem xém tuổi con bé kia đấy. Người đàn ông hãm hơi thuốc thật sâu buồng phổi, chặp sau bâng lâng nhả khói lên nền chàm đang loang lổ đuối. Thương lắm, thời buổi bấy giờ đến bữa thường chỉ độc củ khoai ăn dằn đáy dạ, chạy chọt thế nào cũng hiếm khi bới ra nọn gạo độn vào. Được hôm thêm cho vài hạt lạc rang mặn cu cậu hơn hớn hỉnh mũi. Ấy vậy mà lớn phổng, đĩnh đạc lắm cơ. Người đàn ông dằng hắng khạc, nhổ phẹt bãi đờm. Đéo mẹ, đẻ ra liệt sĩ cũng phải dài hơi trông vào mảnh giấy chứng minh treo trên tường. Nó bảo, không đi nó thẹn với chúng bạn đồng lứa. Trên Lạng người họ đã vượt cửa ngách biên giới nhằm tạo một mũi chính diện từ mạn Ải Bắc. Nó bảo, người họ dẵm lên xứ mình nhục lắm. Người đàn ông quăng mẩu thuốc tàn. Con hẻm đã xôn xao lên đèn. Xóm giềng hồi hổi thơm cơm chiều. Bóng tối trong kia dịu dàng phủ cánh lên hai vai người đàn ông đang ngồi ở ngưỡng cửa. Ông ta lại nhổ nước bọt, quay nói vọng vào nhà:

– Một ngày thế cũng xong.

– Quyết thôi.

– Ừ...

Chiều đã om om tắt trên ô cửa gác cánh gỗ bên căn đối diện. Mặt tường quết vôi tai tái xanh ánh điện, người đàn ông nghe lòng cùng hanh hanh trùng thấp, vu vơ nhạt.

– Bố nó...

Người đàn ông dường cũng không muốn ngồi nán thêm làm gì.

– Ừ.

Đ.V.H.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss