Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Cuộc chống trả thời gian

Cuộc chống trả thời gian

- Nguyễn Thanh Hiện — published 18/09/2015 00:06, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Tiểu thuyết


Nguyễn Thanh Hiện


CUỘC CHỐNG TRẢ THỜI GIAN


Tiểu Thuyết



ngay tự lúc ban đầu con người đã tạo dựng
cho riêng mình một thứ hình hài gòm có cả
thứ cuồng loạn của trời đất lẫn những mong
muốn cháy bỏng có tính vô thức mà mãi
thật lâu về sau mới trở thành thứ ý thức bầy đàn


1.là thực hay mơ ?


tôi thức dậy với tiếng cú kêu, và nghĩ ngợi rất nhiều về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, làng Cù, như một lãng quên định mệnh, ngay trên tấm bản đồ quận huyện, đừng nói chi bản đồ của nước hay của thế giới, tự buổi nào là đã chẳng thấy tên tuổi ngôi làng thân yêu của tôi, nơi tôi luôn cảm thấy như một nỗi buồn, sờ vào dãy núi trước làng cũng thấy buồn, sờ vào con mương chảy qua đồng làng cũng thấy buồn, ngay tự buổi ấu thơ đêm nghe tiếng cú kêu tôi đã cảm thấy có gì không ổn, còn mẹ tôi, dường không muốn cho tôi phải chủ ý đến thứ tiếng kêu của lũ chim oan khiên ấy, cứ hối tôi ngủ đi, như thể là bà cũng cảm thấy bất an trước thứ tiếng kêu buồn chết người ấy, vào cái đêm thức giấc nghe cú kêu buồn chết ruột ấy, tôi nảy ra cái ý muốn là phải làm sao cho cả thế giới biết đến ngôi làng làng quê heo hút của mình, nơi nỗi buồn luôn vươn vất trên những bờ tre luôn chỉa cành nhánh ra đường làng, thứ nỗi buồn ẩn dấu cả trong tên gọi của làng, khi gọi tên ngôi làng của mình là làng Cù, là người làng tôi phải nghĩ đến con quái vật ấy, con cù, những trăm nghìn năm trước đã quẫy nát đất đai, rồi chẳng hiểu sao lại nằm im cho con người dựng lên làng xóm [ nơi chôn nhau cắt rốn của tôi là hình thành trên ảo tưởng của một con vật quái đãn muốn đối địch với cả thế giới …] tôi thức dậy với tiếng cú kêu và nghĩ ngợi rất nhiều về một thứ ràng buộc thiêng liêng như đã trở thành một phần máu thịt trong tôi, đi đâu tôi cũng thấy nhớ những bờ ruộng đồng làng cỏ mồng gà nở trắng vào những ngày mùa đông, đi đâu cũng thấy nhớ tiếng chim trăm trâu cứ vào lúc gần sáng là bắt đầu buông những lời da diết trên núi Trồi núi Sụt, dường hết thảy những gì tôi thấy nhớ nhung là đều mang một nỗi buồn không diễn được, tôi biết, trong cái heo hút buồn có vẻ chết người ấy lại ẩn chứa sức lan tỏa mãnh liệt trong cuộc đời tôi, vào cái đêm như đêm định mệnh ấy là tôi bắt đầu lao vào việc đi du thuyết, tôi phải nói cho mọi người biết về những gì tôi có thể nói được về ngôi làng yêu quí của mình, việc đi du thuyết là diễn ra với thứ tâm trạng phấn khích kỳlạ như thể tổ tiên tôi đang truyền sức sống cho tôi, này, tôi nói cho các bạn biết, chính là những con người ấy đã làm nên thứ nỗi buồn có sức tác động lên cả cuộc đời tôi, tôi nói với những cử tọa đang chăm chú nghe tôi ở khu gò thổ mộ của ngôi làng ấy, tôi đến ngôi làng ấy vào một chiều mùa xuân vẻ trẻ trung của tạo tác là còn nhìn thấy rõ trong ánh nắng cuối ngày và cả trong những ngọn cỏ màu xanh non ở cái gò hoang chôn người chết ấy, hoan hô nhà diễn thuyết, đám trẻ nít, con trai có con gái có, đang chăn dắt đám bò ăn cỏ ở khu gò thổ mộ chẳng biết học hành đến đâu lại có thể gọi tôi là nhà diễn thuyết, tôi chẳng có quyền nhảy vào ngôi làng ấy để bảo người ta tổ chức cho tôi diễn thuyết, nên phải bắt đầu theo cái cách anh hát xiếc là dừng lại ở một nơi nào đó, và nổi trống lên, tôi đã dừng lại dưới tàng cây đa chỗ đầu gò thổ mộ, cẩn thận cột ngựa vào gốc đa, và nổi trống lên, biết tỏng đám trẻ chăn bò chẳng phải là những cử tọa mong đợi của mình, nhưng tôi cứ phải bắt đầu theo cách ấy vì chẳng còn cách nào hơn, buổi diễn thuyết mở đầu của tôi như cuộc tập dợt định mệnh, có nghĩa sau đó là tôi sẽ phải đối mặt với cả thế giới, đối mặt với những người sẽ nghe tôi nói về ngôi làng của mình, này, tôi nói cho các bạn biết, đó là một con người kỳ lạ, một thời, cả một miền quê cúi đầu kính phục, không hiểu sao, trong cơn phấn khích tôi lại bắt đầu nói về cha tôi như một danh nhân của làng, là tôi nói về ông Sáu đẽo cày, buổi ấy người ta gọi cha tôi là ông Sáu đẽo cày, một cuộc đời thầm lặng như sự thầm lặng của đất đồng làng, mẹ nó coi bán ít lúa mua vải may áo mới cho con, hay, mẹ nó chớ nên lo lắng quá chuyện no đói, cha tôi nói rất ít, chỉ đủ để cho mẹ tôi và lũ con của ông hiểu ra những điều cốt lõi của cuộc sống, rồi bỗng nổi lên giữa sự thầm lặng ấy là những lời trân trọng hàm ý ngợi ca, cả những người cày ruộng trong làng, cả những người cày ruộng ở những làng khác, đều ngợi ca cha tôi, này tôi nói cho các bạn biết, cầm cây cày của ông Sáu đẽo cày để theo đôi bò trên ruộng người ta có cảm tưởng như chẳng phải đi cày, là người ta đã nói về ông Sáu đẽo cày thế đấy, xin nói các bạn biết, giữa ngôi làng quê đang bị thế giới lãng quên bỗng nổi lên một kẻ kiệt xuất, tôi nổi trống lên giữa lúc hoàng hôn sắp phủ xuống khu gò thổ mộ, và say mê nói về cha tôi, hoan hô ông Sáu đẽo cày, hoan hô kiệt xuất, lũ trẻ chăn bò cứ nhảy đổng lên hô to giữa những tiếng trống của tôi, dường lũ bò cũng cảm thấu được sự phấn khích bất thường đang diễn ra trong tình cảm của những đứa trẻ đang chăn dắt chúng, hết thảy lũ chúng kéo đến vây quanh tôi và lũ trẻ, hoan hô kiệt xuất, hoan hô lũ bò, lũ trẻ chăn bò lại nhảy đổng lên, la ó, và con ngựa của tôi thấy lũ bò bỗng kéo đến vây quanh, cũng nhảy đổng lên, hí vang, và tôi như đang rơi vào cơn mê sảng, tôi lại bắt đầu nói về mẹ tôi, này các bạn biết không, có hai con ma trơi trên mặt đất, một trên núi, và một trên đồng làng, tôi không thúc trống nữa, chỉ nói, tôi thấy mẹ tôi dắt tôi ra sân vào một đêm tháng bảy, sao không vào một đêm nào khác mà vào đêm tháng bảy nhỉ, tháng bảy, nắng như đổ lửa, lúa trên đồng làng chết, mẹ tôi nói chắc đói, cha tôi đã lên núi từ lúc gà gáy lần đầu, đi với những người đàn ông khác trong làng, có rất nhiều đóm lửa trên dãy Thiên Sơn, các bạn biết không, mẹ tôi nói đấy là ma trơi, đêm, cứ nhìn thấy những đóm lửa lập lòe trên núi thì biết là còn có rất nhiều ma trơi trên mặt đất, mẹ tôi nói, nhưng lũ chúng có nhà cửa trên núi phải không, bấy giờ tôi tra hỏi mẹ tôi, bấy giờ thì những đóm lửa trên núi vụt ẩn vụt hiện như thể những ngọn đèn trước gió, là lũ chúng vốn sống trong làng, do thiếu cơm áo nên phải lên núi tìm cái ăn, con biết không, ma trơi là cách gọi tên của sự khốn khổ, mẹ tôi nói, nhưng phải mãi những tháng năm sau đó, khi cùng với cha lên núi đốt than trộm, tôi mới hiểu một cách tường tận về lũ ma trơi trên núi, nhưng các bạn biết không, vào một đêm đông mưa gió, mẹ tôi lại dắt tôi ra hiên hè, từ hiên hè tôi nhìn thấy lũ ma trơi trên đồng làng, có phải là lũ chúng thích đi trong mưa gió như thế, bấy giờ tôi tra hỏi mẹ tôi, từ hiên hè tôi nhìn thấy những ngọn lửa di chuyển chầm chậm trên đồng làng tựa hồ chúng biết đi, mẹ tôi nói do đói cơm đói mắm phải mò ra đồng ruộng trong mưa gió như thế, con biết không, ma trơi trên đồng làng là cách gọi tên của sự lầm than, dường bấy giờ không phải mẹ tôi muốn giải thích cho tôi hiểu, mà đang muốn diễn đạt một điều gì đó thật hệ trọng đang diễn ra trong lòng bà, mãi những tháng năm sau đó, khi mưa đông đổ xuống, cùng với cha đốt đuốc ra đồng làng soi ếch nhái để làm thức ăn, tôi mới hiểu thấu một hình ảnh khác của cuộc sống lầm than, các bạn biết không, mẹ tôi cũng là kẻ kiệt xuất, mẹ đã làm thức dậy trong tuổi thơ tôi những hình ảnh về thế giới, hoan hô mẹ tôi , hoan hô thế giới, hoan hô lũ ma trơi, lũ trẻ chăn bò lại nhao lên, đến lúc ấy tôi mới giật mình nhớ ra là tôi vừa trải qua một khúc hồi ức tuổi thơ, bóng đêm đã bắt đầu phủ xuống khu thổ mộ, tôi nghe thấy có rất nhiều tiếng người đang đổ về nơi tôi đang diễn thuyết, hoan hô thế giới, hoan hô kiệt xuất, tiếp tục diễn thuyết nữa đi, dường chẳng thèm để ý tới việc có nhiều người làng kéo đến, lũ trẻ cứ nhao lên đòi tôi tiếp tục diễn thuyết [ thì ra, không thấy cả lũ bò và cả lũ trẻ coi bò trở về nhà, cha mẹ chúng đã đổ xô tới nơi này ] tôi cứ thấy như là thời cơ đã đến, đã đến lúc toàn thế giới biết đến làng Cù của tôi, thưa quí vị, những nỗi buồn là vươn vất cả trong tiếng chim gù, vươn vất cả trong bước chân lũ bò gặm cỏ, nhưng nỗi buồn cố cựu ấy là thứ vật thể thiêng liêng làm cho người làng Cù tôi yêu mến hết thảy những gì vươn vất nó, hoan hô nỗi buồn, hoan hô chim cu, lũ trẻ lại nhảy đổng lên la ó, và áp sát vào tôi, lũ bò cũng kéo áp sát vào tôi, con ngựa của tôi lại dậm chân hí vang, và vẫn núp trong những bờ tre làng, núp trong mối u hoài, vẫn mơ ước một cuộc sống tươi đẹp, tôi nói, say sưa, cứ nghĩ sau đó là toàn thể thế giới sẽ kéo đến để nghe tôi nói về ngôi làng Cù của tôi, nhưng bỗng có ai đó chen vào đám người và đám bò nói lớn : hãy thu dọn chiêng trống theo ta về trụ sở của làng, thì ra là vị sứ giả của ngài trưởng làng đã đến bắt tôi đi, tôi chỉ còn biết lặng lẽ thu dọn hành lý, dắt ngựa đi theo ông ta, lũ trẻ đã kéo hết theo tôi, chúng tiễn tôi đến tận trụ sở của làng, hãy vào đó nghỉ ngơi chờ sáng mai gặp ngài trưởng làng giải quyết việc anh tự tiện gây náo loạn trong làng, vị sứ giả nói, và đẩy tôi vào căn phòng tối om, đến lúc ấy tôi biết là mình đã bị giam giữ, nằm trên sàn nhà trụ sở làng ấy, tôi bắt đầu hoạch định chương trình hành động tiếp theo, tất nhiên là ngài trưởng làng chẳng thể ăn thịt tôi, nhiều lắm là phạt tiền và đuổi tôi ra khỏi ngôi làng của ông, nhất định là tôi phải gầy lại những cuộc diễn thuyết khác, ở những ngôi làng khác nữa, nhất định là tôi phải làm cho cả thế giới biết đến ngôi làng thân yêu của tôi, khi nghe tiếng chim trăm trâu kêu tôi giật mình trở người, thì thấy mình không phải nằm trên sàn nhà trụ sở làng, mà đang nằm trên giường ở nhà mình, phải nói bấy giờ tôi rất đỗi phân vân, không biết là tôi đang mơ tưởng đến một cuộc diễn thuyết, hay chuyện diễn thuyết là đã thật sự đã xảy ra,



2.niềm hồ nghi


và sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi thấy mình đã lạc vào thời đồ đá, thằng bạn nối khố của tôi cũng đang có mặt ở đó, mày cứ xem xét cho hết sẽ thấy lời tao là đúng, nó bảo nơi tôi vừa mới bước vào là thuộc thời đồ đá, chính hiệu thời đồ đá, nó khẳng định, tôi tính thử, thấy bạn tôi chết đúng mười bảy năm, bỡi căn cứ vào ngày tháng ghi bên dưới câu chuyện tôi viết để kỷ niệm cái chết của nó là đúng mười bảy năm, mày mới trải qua chừng ấy quá khứ thì làm sao có thể khẳng định đây là thời đồ đá cái quá khứ hằng triệu năm về trước, tôi nói, nó nói đấy là cách quan niệm về thời gian đã quá cũ kỹ, lúc bạn tôi còn sống, trong những cuộc tranh luận về thế giới, bao giờ nó cũng cho tôi là cũ kỹ, đồ đầu óc hoen rỉ, trong mắt nó, lúc nào tôi cũng là một thứ hoen rỉ, thưa ngài trưởng xứ, đây là bạn nối khố của tôi, người làng Cù, đồng hương của tôi, nó giới thiệu tôi với người đàn ông ở trần mặc khố đang trò chuyện điện thoại với ai đó, ông ta đưa tay ra hiệu chúng tôi chờ, tôi bắt đầu thấy kinh ngạc trước những gì đang diễn ra trước mắt, phải nói là vô cùng kinh ngạc, thằng bạn nối khố của tôi cứ tủm tỉm cười vì thấy tôi cứ chú mắt vào chiếc máy tính còn mới toanh ở trên bàn làm việc của ngài trưởng xứ, tại làm sao một thứ vật dụng của văn minh đương đại lại đang ở trên bàn làm việc của một vị tù trưởng thời đồ đá, niềm thắc mắc đến sợ hãi trong lòng khiến cho hai con mắt tôi như đang vuột khỏi cơ cấu của sự nhìn, nếu chẳng phải thế thì tại vì đâu tôi cứ thấy cái máy tính nhảy múa như điên trên bàn làm việc của ngài trưởng xứ, thật ra lão ta chẳng biết cóc khô gì về máy tính, chỉ đem đặt trước chỗ ngồi của mình cho bớt đi sự man rợ trong đầu óc lão mà thôi, lợi dụng lúc ngài trưởng xứ hăng say nói chuyện điện thoại, thằng bạn tôi rỉ tai tôi, nó là quỉ chứ đâu phải người đầu thai, cho nên tôi tin cái gì nó đã dòm vào là đều đúng, chỉ có điều, cho đến lúc ấy, tôi chỉ im lặng nghe, nhìn, chẳng dám có lời nào, bỡi rất sợ khi nói ra lời gì, rất có thể thằng bạn quỉ đầu thai của tôi sẽ bảo tôi là đồ rỉ sét, mày đang nói cái gì, ngài trưởng xứ bỗng hét lên trong điện thoại làm giật thót thứ hồn vía đang bị thương tích của tôi, phải nói một câu, lúc bấy giờ, những thứ vật thể đang bày ra trước sự nghe nhìn của tôi như thể một lớp trần gian lạ lẫm làm cho hồn vía tôi không còn giữ được lớp lang như cũ, hết thảy những vật dụng trong phòng làm việc của ngài trưởng xứ như một kết hợp kỳ cục giữa thời đồ đá và thời đương đại, về sau, khi nhắc lại sự kết hợp kỳ cục ấy với thằng bạn nối khố của mình, tôi thường hay dùng một nhóm từ ngắn gọn, sự kết hợp đá và nhôm nhựa [ là tôi vẫn hay đùa với bạn tôi rằng văn minh đương đại là văn minh nhôm nhựa ] mày cứ nói với nó hãy chờ tao ở đó, sau câu nói có vẻ rất giận dữ ấy, ngài trưởng xứ quăng điện thoại lên bàn làm việc, ịch xuống sa lông với vẻ mặt đằng đằng sát khí, nhưng cuối cùng ông cũng mời mọc khách ngồi, tôi và thằng bạn tôi ngồi xuống hai chiếc ghế đối diện với ông ta, gương mặt con người là thứ căn cước cá thể trời đất gắn lên nơi dễ nhìn thấy nhất trên cơ thể ngay từ buổi con người vừa mới chào đời, cứ nhìn gương mặt thằng bạn nối khố của tôi thì biết ngay đó là kẻ chẳng biết sợ trời sợ đất [cho nên nó sá chi một tay tù trưởng thời đồ đá…] đây là bạn chí cốt của kẻ này đang trên đường du thuyết thì lạc vào đây, một lần nữa thằng bạn tôi giới thiệu tôi với ngài trưởng xứ, nhưng du thuyết là sao, ngài trưởng xứ hỏi, hãy cứ hiểu bạn của kẻ này đang trên đường đi thì lạc vào đây, còn du thuyết là sao thì trình độ của ngài chưa thể hiểu đâu, vậy mà ông ta chẳng tỏ chút tức giận nào trước cách nói năng có vẻ trịch thượng của bạn tôi, ông chỉ cười, cái cười cũng rất thành thật như toàn cảnh bức tranh hang động treo nơi vách, tôi thấy người thợ săn ôm lấy thân thể đầy máu me nằm sóng soài trên đất nhìn kẻ chiến thắng mình với vẻ mặt thật sự thán phục, còn kẻ chiến thắng là một con bò rừng to lớn thì đang hếch mũi về phía chân trời trước mặt với vẻ đắc thắng, bất giác tôi cảm thấy như có mùi máu xộc vào mũi mình [ chẳng lẽ thời đồ đá thì con người phải đem mạng sống của mình để đổi lấy thức ăn…] trong lúc ấy thì điện thoại lại reo vang, tao sẽ tới ngay, có hai người bạn của tao trên đường du thuyết cũng đến dự tiệc nữa đấy, ngài trưởng xứ lại hét vào điện thoại, lập tức tôi hiểu ra là mình sắp được dự một cỗ tiệc thời đồ đá, trong đời tôi chưa bao giờ đạt được những giây phút vinh quang như thế, chúng tôi đi giữa hai hàng quân, đám chiến binh nô lệ, sắc phục y nhau [ không giày dép, không mũ nón ] nếu không có nhánh lá che đậy chỗ dụng cụ truyền giống, thì có thể nói đó là đoàn quân khỏa thân đầy sức sống cùng bồng gươm đứng trong tư thế nghiêm chỉnh đến độ tôi cảm tưởng là mình đang đi giữa hai hàng pho tượng được trưng bày trong một bảo tàng lịch sử nào đó, bỗng có ai đó hô to, tiếp theo là một khúc ca đầy quyến rủ được thốt ra từ cửa miệng của đám chiến binh nô lệ, cả tiếng hô lẫn khúc hát là đều được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ cổ kính nào đó [ sau đó thì thằng bạn quỉ đầu thai của tôi đã cho tôi biết đó là lệnh hô chào và bài hát ngợi ca xứ sở ] lúc ấy là bước giữa những lời ngợi ca xứ sở, nhưng tôi cứ có cảm tưởng là mình đang đi giữa một cuộc chuyện trò khi con người vừa nghĩ ra được thứ tiếng nói riêng cho loài giống sau khi rũ bỏ thứ ngôn ngữ bằng dấu hiệu của đôi tay, lúc bấy giờ đi đầu là ngài trưởng xứ, vẫn ở trần và mặc khố , tiếp theo là thằng bạn nối khố của tôi, ăn bận theo kiểu cõi âm, còn tôi thì ăn bận thứ áo quần kiểu làng Cù [nghìn năm phảng phất nỗi buồn định mệnh] xin chào ngài tù trưởng yêu mến của chúng tôi, ngài trưởng xứ bỗng hét to khi chúng tôi vượt qua khỏi lá cờ màu đen [ quốc kỳ của xứ sở ] đang phấp phới trên cao chót cột cờ, đã bước sang một cuộc đón tiếp khác, hãi hung [mỗi khi nhắc chuyện này tôi cứ thấy lạnh cả tâm can] đón tiếp chúng tôi là vị tù trưởng của xứ sở vừa bị đánh bại, nói cho rõ hơn, không phải vị tù trưởng ấy đích thân đến, mà ông ta chỉ gửi cái đầu của ông ta đến đón tiếp chúng tôi [ cái đầu do đám chiến binh nô lệ cắt ra từ cơ thể ông ta ] một cỗ tiệc đầu người, đến lúc ấy tôi thấy thằng bạn nối khố của tôi đã đúng, là tôi đang ở vào thời đồ đá, trước hết là ngài trưởng xứ dùng dao khoét sọ của vị tù trưởng vừa bị đánh bại, tất cả bọn họ đều dùng tay bốc lấy óc não kẻ thù mà ăn, trong lúc mùi óc não con người đang xộc vào mũi tôi thì thằng bạn quỉ đầu thai rỉ tai tôi, rằng, đây là tục lệ riêng của bộ tộc nên bọn họ chỉ mời chúng tôi đến xem cỗ tiệc chứ không mời dự cỗ tiệc, nó nói với vẻ mặt của kẻ quá thông thuộc quá khứ, mười bảy năm rời cuộc sống, bạn tôi có vẻ đã am tường quá khứ đến tận thời đồ đá, xin chào những người bạn của tôi, ngài trưởng xứ bỗng nói lớn và dơ tay chào hai đứa tôi, rồi dẫn đám chiến binh nô lệ ra đi, lại sắp có chiến tranh bộ tộc nữa, thằng bạn nối khố của tôi nói, và dắt tay tôi đi về hướng có lũ chim rừng đang ca hát, nhưng có quả thật là tôi vừa trải qua thời đồ đá hay không, tự dưng tôi cứ thấy hồ nghi trong lòng, hay cảm thức về thế giới của một kẻ đã chết là bạn tôi với cảm thức của một người còn sống là tôi, là có chỗ khác biệt nhau?



3.sống chết có nhau


nhưng chúng tôi lại cùng chung một thứ ý nghĩ và tình cảm đối với nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mười bảy năm ngôi làng Cù đìu hiu hút gió vẫn canh cánh trong lòng tao, nhưng là kẻ đã chết hỏi còn làm được gì, bạn tôi nói, nước mắt chảy ra, tôi nghe như có lửa đốt tâm can mình, chúng tôi, một người sống, một người chết, quyết lên đường đi du thuyết, nói nôm na là đi tuyên truyền cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình, chúng tôi đi không mang theo trong mình bất cứ một thứ chủ nghĩa nào, một hệ thống tư tưởng nào [ loài người là thích nghĩ ra chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ, cho nên từ thời Platon và Aristote cho đến lúc ấy là đã có đến hàng gánh chủ nghĩa , hàng gánh hệ tư tưởng…] hai đứa tôi chỉ mang theo độc mỗi thứ niềm xúc động thuộc di sản tinh thần của loài giống được tổ tiên truyền lại, cứ nhắc đến làng Cù, bất cứ chuyện lớn nhỏ nào, là chúng tôi lại không cầm được tiếng thở dài, con ngựa của tôi, nhiều lúc, bằng một cách thức riêng của loài giống ngựa, cũng cố tỏ ra là nó hiểu được nỗi niềm của chúng tôi, kể từ hôm cùng thằng bạn tôi tiếp tục cuộc du thuyết bỏ dở trong giấc mơ đêm hôm ấy, con ngựa của tôi đã trở thành bạn bè của chúng tôi, có nghĩa, ngựa không cỡi, mà dắt theo như bạn đồng hành, chúng tôi, một người sống, một người chết, băng qua núi non sông hồ, băng qua các xứ sở, băng qua các triều đại, này, các vị hãy đi chỗ khác mà nói, thấy chúng tôi dàn trống chiêng ngay chỗ người ta đang họp chợ, nổi trống chiêng lên, bắt đầu diễn thuyết, người lo việc văn hiến của triều đại ấy lập tức lên tiếng cho chúng tôi biết đấy chẳng phải xứ sở ai muốn đến nói gì thì nói, sau này hỏi mới biết đấy là kẻ lo việc văn hiến của triều đại, còn lúc ấy thằng bạn tôi gọi ông ấy là thủ lĩnh, thưa ngài thủ lĩnh, chúng tôi chỉ muốn nói về ngôi làng Cù nhỏ bé của chúng tôi, nơi vẫn mang trong mình nỗi buồn định mệnh, mặc sự ngăn cản, thằng bạn tôi vẫn tiếp tục nói, người họp chợ đổ về chỗ chúng tôi, thưa các bạn bè nhân loại, phải có sự bình đẳng trong cuộc sống này chứ, tại làm sao các bạn lại chẳng để tâm đến một chốn nhân sinh nhỏ bé, thằng bạn tôi nói, còn tôi thì tay gõ trống tay gõ chiêng, hãy dẹp chúng nó ngay, người lo việc văn hiến bỗng hét lên, và lập tức, những người lo trật tự chợ búa đến đuổi chúng tôi đi, lũ chiêng trống của chúng tôi quả là đám kiêu binh chẳng biết cóc khô gì về thời thế, trong lúc cho chúng nó vào gánh xách, đụng đến trống, trống khua, đụng đến chiêng, chiêng khua, chúng cứ làm ầm ĩ lên giữa lúc những người lo trật tự chợ búa luôn miệng la hét, các người có chịu im lặng dọn dẹp hay không, tất nhiên là chúng tôi phải dọn đi nơi khác để diễn thuyết, tất nhiên là trước khi dọn đi chúng tôi cũng phải lướt qua cái triều đại ấy một chút cho biết, cũng huy hoàng chẳng kém các triều đại nằm dọc con sông Nil, hay các triều đại nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrate thời cổ đại, chỉ khác một chút là sự huy hoàng ở đây có hơi phô trương một chút, chẳng biết triều đại ấy đang mang trong mình thứ ý thức hệ gì, nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy được sức mạnh của nó qua hình ảnh con chim ó nơi tấm quốc huy, biểu tượng của xứ sở, gắn ở mặt tiền tòa quốc dân đại hội, cũng đang theo chế độ dân chủ đây, thằng bạn tôi nói trong lúc đứng ngắm nghía hàng chữ tòa quốc dân đại hội to tướng nằm ở bên trên hình con chim ó hiếu chiến, có dân chủ hay không chúng tôi cũng phải rời khỏi chốn ấy, con ngựa của tôi có vẻ buồn bã bỡi lũ trống chiêng lại leo lên lưng nó ngồi, một ngày nữa lại đang trôi qua, tồn tại là cái quái gì ngày nào tao cũng thấy mặt trời trèo lên đầu chúng ta ngồi nhìn xuống, thằng bạn quỉ đầu thai của tôi có vẻ chẳng muốn thừa nhận giá trị của ánh mặt trời, cũng phải thôi, mười bảy năm rời cuộc sống trần gian, nó vẫn cứ tồn tại ở nơi chốn chẳng nhìn thấy mặt trời là gì, nhưng ở đây chúng tôi rất cần có ánh mặt trời, đấy là câu nói đầu tiên chúng tôi nghe thấy, câu nói thốt ra từ cửa miệng người đàn ông chúng tôi gặp đầu tiên ở xứ sở ấy, đã gặp được đồng điệu rồi, tôi cứ hét lên, còn thằng bạn nối khố của tôi thì cứ nhảy cẩng lên, hỡi những xứ sở đang mang trong mình nỗi buồn định mệnh, thằng bạn tôi cũng hét lên, tôi một tay gõ trống một tay gõ chiêng, còn bạn tôi thì nói, hôm đó nó không ứng khẩu nói, mà trích đọc lời tựa sách Địa Chí Làng Cù [ bạn tôi đã viết được trước khi rời khỏi cuộc sống trần gian],

…ai, kẻ quyền lực nhất trong cuộc tạo tác, trời, hay đấng toàn năng, không đời nào, một đấng toàn năng thì không đời nào đi tạo ra những khiếm khuyết, những bất hạnh, làng Cù ta là nỗi bất hạnh dai dẳng, nỗi bất hạnh như một dị tật không thể sửa được, nỗi bất hạnh ngấm vào cỏ cây, ngấm vào máu thịt ta, vừa mở mắt chào đời là ta đã nghe thấy những lời hát ru buồn bã của mẹ, thuở ấu thơ theo cha lên núi Trồi núi Sụt, ta cũng đã cảm biết được thứ nỗi buồn ấy, theo cha lên núi Trồi núi Sụt là để xem hoa lưu ly nở, hoa lưu ly chỉ nở vào lúc nửa đêm, cha ta nói lúc hoa lưu ly nở thì máu chảy đỏ cả núi rừng, ta theo cha lên núi vào lúc sáng sớm tất chẳng nhìn thấy hoa lưu ly nở, cây hoa lưu ly lá rộng, cành nhánh yểu điệu có vẻ như người con gái đứng chờ ai, cha ta nói ông chưa hề nhìn thấy cây hoa lưu ly, cũng chỉ là nghe kể lại, sao lại phải lên núi Trồi núi Sụt mới kể chuyện hoa lưu ly, thưa, chỉ lên núi Trồi núi Sụt mới nhớ được chuyện hoa lưu ly nở, nghe chuyện, núi cũng cảm động sụt sùi, buổi sớm mai ngồi viết bài tựa cho sách Địa Chí Làng Cù, ta cứ nghĩ đến núi Trồi núi Sụt, rồi lại nghĩ đến nguồn gốc tổ tiên người làng ta, từ hôm biết được nguồn gốc tổ tiên của người làng Cù, ta như rơi vào một cuộc tồn tại khác, có vẻ như hết thảy những hiểu biết bấy lâu của ta về thế giới đã bị gãy đứt khỏi chỗ bắt đầu, nó là bể cả bao la, chứ chẳng phải là cái gì khác, tổ tiên người làng ta từ nước ngoi lên vào một ngày đám cây cối đã mọc tràn lan nơi mặt đất, lời ấy vừa như sự khai minh vừa như thứ hỏa mù tác động một cách mãnh liệt lên ý thức của ta,vị tư tế đình làng Cù, cha của ta, có vẻ như muốn giữ bí mật ấy đến muôn đời, lý do vì sao, ta vẫn không thể biết, nhưng ta biết chắc là cha của ta không muốn công khai sự việc ấy với người làng Cù, cha ta, vị tư tế đình làng, người am hiểu đông tây kim cổ, thông thạo chữ Hán chữ Nôm và quốc ngữ, suốt đời làm tư tế đình làng, nhất định phải hiểu rõ tính chất quan trọng của bản văn ấy, đình làng Cù bị đập phá, vị tư tế của đình làng mang về nhà cất giữ toàn bộ hồ sơ giấy tờ về thần tích, gốc tích của làng, năm mươi năm, kể từ ngày cha ta mất, bỗng như có sự đánh động tâm linh nào đó, ta muốn xem thử mớ hồ sơ giấy tờ được ông cất giữ bấy lâu, ta mở cái hòm gỗ vào một ngày cuối thu, tất cả những nội dung hồ sơ giấy tờ ấy lướt qua trí óc ta như những kiến thức ta vẫn thường tiếp xúc qua sách vở, chỉ trừ mỗi văn bản,ta đã dừng lại ở đó, thật lâu, và cái vật thể chữ nghĩa ấy như đã làm đảo lộn tình cảm và trí tuệ ta một cách nghiêm trọng, ta đọc đi đọc lại bản văn ấy đến mấy mươi bận, và mơ hồ nhìn thấy trong quá khứ xa xăm thứ sinh linh không tên tuổi không tiếng nói không hình dạng đang trườn lên khỏi bể cả bao la, rừng cây nơi mặt đất phủ bóng lên bước chân những vị khách vừa mới bước ra khỏi cái thế giới lạnh lẽo và ẩm ướt, ta nhìn thấy những vị khách ấy có vẻ ngơ ngác giữa nơi cư trú mới, ngoài vườn nhà ta, lũ trẻ đang chơi trò chuồn chuồn cắn rốn, mùa thu đang sửa soạn ra đi, “bọn chúng ta bay vào cõi trời cao”… ta nghe lũ trẻ hát, và thấy động lòng, buổi ấu thơ ta cũng từng để cho chuồn chuồn cắn rốn để bay vào cõi trời cao, sao không đến từ cõi trời cao, mà từ bể cả bao la nhỉ, ta bắt đầu tự chất vấn mình về cái nguồn gốc có vẻ hơi mơ hồ của tổ tiên người làng Cù, tổ tiên người làng ta từ nước ngoi lên…cơn mưa cuối thu xảy ra tự ba hôm trước, nhưng trên đồng làng, lũ ếch nhái vẫn còn mừng nước, tiếng ếch nhái gợi lên trong nghĩ ngợi của ta về một giả định làm ta thấy phiền lòng hơn là phấn khởi, ừ, con nòng nọc rụng đuôi, lên bờ thành ếch nhái, rồi làm sao ếch nhái lại có thể tiến hóa lên thành con người có trí tuệ nhỉ, ta có phân vân với cái giả định nguồn gốc tổ tiên người làng ta là ếch nhái, nhưng suy đi tính lại thì mọi thứ đều có thể xảy ra dưới gầm trời này, ta cứ thấy có vẻ tả tơi trong nghĩ ngợi khi nghĩ tới cảnh tổ tiên người làng ta lại là ếch nhái, ở ngoài vườn, lũ trẻ đã chuyển sang trò chơi khác, trò chơi rắn cắn đuôi, lũ chúng, đứa sau nắm đuôi áo đứa trước làm thành một vòng tròn khép kín, như thể con rắn cắn lấy đuôi của mình, thứ hình ảnh gợi ta nhớ đến một quan niệm về thời gian không có khởi thủy và chung cục, nhưng ở đây lại là bắt đầu từ bể cả bao la, ừ, nếu không phải con nòng nọc nhảy lên bờ, rụng đuôi, thì là gì nhỉ, cái giả định tiếp theo sau đó có làm cho ta thấy hãi, nhưng thật oái oăm, mỗi lúc giả định ấy mỗi hiện rõ trong tâm trí ta [ bỡi ta đã đọc rất nhiều sách vở nói về tổ tiên lũ bò sát hung bạo, loài khủng long, cũng từ nước ngoi lên ] cái giả định làm cho ta thấy sợ hãi là tổ tiên người làng Cù với tổ tiên loài khủng long là một,ta nghĩ ngợi quá chừng, và cảm thấy buổi chiều cuối thu như có vẻ ảm đạm hơn, gần trưa ta vẫn nằm trằn trọc với những giả định về cội nguồn tổ tiên của người làng mình, vừa thiu ngủ thì nghe thấy tiếng hát ru của mẹ ta, tiếng hát gợi đến một thế giới bao la huyền nhiệm, “một mai con cá hóa rồng”… nếu tổ tiên người làng Cù là cá thì sao nhỉ, ừ, từ nước ngoi lên, loài cá bắt đầu một giai đoạn tiến hóa khác, tiến đến loài rồng, ta nghĩ, và cảm thấy rất phấn chấn trong lòng, ta lại đọc lại bản văn về nguồn gốc tổ tiên người làng Cù mấy lượt nữa, “tổ tiên người làng ta từ nước ngoi lên vào một ngày đám cây cối đã mọc tràn lan nơi mặt đất, cái thế giới khô cạn ấy thiếu chút nữa đã giết chết tổ tiên ta, nhưng là nhờ trời, vẫn cứ còn sót lại giữa những cuộc thù hằn ngút lửa, đã rơi rụng hết những hành trang cố cựu của loài giống đem từ nước lên, và một hôm bỗng trở nên một hình hài khác, hoàn toàn khác, giữa chốn nước non xa lạ, đêm nghe con vượn hú trên ngàn, mang thứ hình hài khác xưa, tổ tiên ta thấy nhớ nhung biết bao cõi sông nước ngàn trùng, nơi cắt rốn chôn nhau, nhưng đã lỡ một cuộc ra đi, đã lỡ một cuộc chuyển hóa nghìn năm ngẫu nhĩ, cứ âm thầm mà sống, rồi cũng đã trở thành con người có trí khôn đứng lên giữa mặt đất để làm ra một xứ sở, mà đám con cháu này, những người lập ra bản văn này, mới đặt tên cho nơi trú ngụ tiền nhân để lại là làng Cù”,



4.một nhà bi quan học


tôi không biết sách Địa Chí Làng Cù dài đến bực nào [ bỡi bạn tôi chết khi mới viết được mỗi lời tựa của sách ] song, tôi vẫn cứ có cảm tưởng lời tựa thì dài hơn nội dung sách, bạn tôi là một nhà bi quan học, danh hiệu này là do bạn tôi tự trang bị cho mình, ngay khi còn sống, trong bài vị ở bàn thờ ở nhà bạn tôi cũng đã ghi rõ : nhà nghiên cứu về bi quan, tức, nhà bi quan học, không phải bạn tôi háo danh phải làm sẵn bài vị như thế để khi chết thì thế giới bên kia tức khắc nhận ra anh là nhà khoa học, mà do anh ta sợ khi mình chết rồi, người ta sẽ vứt đi cái danh hiệu mới nghe qua đã thấy ngán ngẩm cuộc đời, chưa nhìn thấy phía bên kia tồn tại coi như mới sống có một nửa, đấy là cốt lõi thế giới quan của thằng bạn nối khố của tôi, nhưng phía bên kia tồn tại là phía nào, có lần tôi hỏi, anh ta liền trưng ra đủ thứ,

[ Đằng sau những bước chân rón rén của loài mèo là địa ngục của lũ chuột. Những cơn tam bành gió bụi vẫn thường nấp bên trong những nét dịu dàng của một người phụ nữ. Ở những ca ngợi hết mực là có thấp thoáng thứ gương mặt giả dối. Ẩn nấp bên trong những tuyên bố ầm ĩ là nỗi sợ hãi…]

tôi hỏi có phải công việc một nhà bi quan học là nghiên cứu về địa ngục của lũ chuột, nghiên cứu về những cơn tam bành của phụ nữ, nghiên cứu về những gương mặt giả dối, và những nỗi sợ hãi, nó liền rống lên, mày là đồ đầu óc hoen rỉ, khoa học chi chỉ có mấy thứ đó, anh ta nói, gần như khạc lửa vào mặt tôi, tôi cứ thấy buồn cười cho anh ta, dường thằng bạn tôi thấy thứ gì trên đời này cũng hoen rỉ cả,

[Một con chim có vẻ kiêu căng, từ trên trời cao vói xuống, rằng có vú với đẻ con là chỉ lẩn quẩn nơi mặt đất mà thôi. Con chim bay trên trời với con thú có con là cùng một tuổi. Mấy chục triệu năm sau thì đám con cháu của con chim kiêu căng dường có vẻ khiếp sợ trước đám con cháu của con thú có vú lích khích với đám con ngày ấy. Nếu có một kẻ trong đám nhân loại ngày nay lớn tiếng tuyên bố này nọ thì chẳng qua là chỉ để cho toàn thể các loài trên mặt đất biết rằng giờ thì đám con cháu của con thú có vú ngày nọ chẳng còn khiếp sợ trước bao nhiêu loài thú như ngày trước. Nhưng đấy là câu chuyện đã xảy ra, như đã xảy ra. Còn nếu như đã xảy khác đi thì sao? Con thú ăn sâu bọ không tiến hóa thành con thú có vú, mà thành một loài bò sát thứ hai, sau đám khủng long?]

tôi bảo giả dụ thế là không có căn cứ, lần này thì thằng bạn quỉ đầu thai bắt tôi phải ngồi im để nghe nó giảng, tất nhiên là tôi cũng có biết một cách đại khái rằng loài người là tiến hóa lên từ một loài sinh vật có vú có mặt trên mặt đất tự thời còn đám khủng long to lớn,

[Từ trong nước ra ? Hay là từ trên trời xuống? Câu hỏi về nguồn gốc của đám hữu cơ, tổ tiên xưa nhất của con người, là vẫn còn bỏ ngõ. Nếu từ trong nước ra thì toàn thể sinh vật trên mặt đất này đều mang sẵn trong mình thứ cảm thức lưu chảy. Có loài chim nào lại chịu đứng yên một nơi? Có loài thú nào sinh ra là chỉ ăn với ngủ? Con người, tự thuở sơ khai đã vượt qua không biết bao nhiêu khung khổ của trời đất. Di dịch là đồng nghĩa với tồn tại. Chạy trốn thứ nắng gió khắc nghiệt khi đất nguyên sơ sửa đổi hình thù, khi biển nguyên sơ thay đổi cách lưu chuyển. Những buồn vui, mừng giận, những khổ ải, căm hờn, khiếp sợ … là luôn bổ sung cho thứ cảm thức lưu chảy trong suốt cuộc hành trình bất định. Không ai nói được là sẽ đi đến đâu. Cho tới hôm nay, chứ đừng nói chi buổi ấy, là loài người cũng vẫn chưa thể nói được là mình sẽ về đâu?]

tôi chẳng còn chịu đựng được cái cách giảng thuyết đầy màu xám của nó, phía trước chúng ta là một nền văn minh còn cao hơn nền văn minh hiện tại, là một tương lai được hun đúc bằng trí tuệ của con người, tôi nói, nó đặt tay lên môi mình, như để lệnh cho tôi im,

[ Còn nếu như thứ chất hữu cơ ấy là thuộc về thế giới các vì sao, thuộc về đám bụi mặt trời, hay thuộc về lũ cư dân của những đám thiên thạch, thì loài người là mang sẵn trong mình thứ cảm thức thần thánh. Nhưng ở đó là sấm chớp, là giông bão, là lửa trời, là rét trời, là nắng đến nghìn năm, lạnh đến nghìn năm, là ở ngoài năm tháng, ở ngoài ký ức…]

tôi hỏi có phải anh ta muốn nói đến một thứ vũ trụ sơ khai bất ổn định, và tổ tiên loài người là thuộc về một cõi bất ổn định, lần này thì nó tỏ ra rất vui, đầu óc nhà ngươi đang bớt hoen rỉ rồi đó, anh ta nói, ở trong làng, tôi với nó là tri kỷ, “nhà ngươi”, và “ta”, ngôi thứ hai và ngôi thứ nhất số ít, là những tiếng tôi với nó dùng khi trò chuyện, nhà ngươi hãy trả lời ta đi, tôi giục, anh ta lại tiếp tục,

[Bất ổn định chỉ là một tính cách của cuồng loạn. Đó là một vũ trụ cuồng loạn. Cho nên loài người là mang sẵn trong mình thứ cảm thức thần thánh trên tiến trình thác loạn]

làng Cù tôi tự nghìn đời nay như vẫn còn phong kín bởi một thứ nỗi buồn chẳng hiểu nổi, có lúc tôi cho là do nghèo, nhưng còn nhiều nơi còn nghèo hơn làng tôi, có lúc tôi lại cho là do cách bày biện của đất đai, sông núi, nhưng làm sao sông núi lại làm cho làng tôi luôn toát lên một nỗi buổn chẳng hiểu nổi như thế, là đang có tiếng gà trưa, và tôi cố dấu tiếng thở dài,

[Tự nghìn đời nay loài người có hay biết là mình đang trong tiến trình thác loạn hay không? Nhà bi quan học là phải nhìn thấy những ngõ ngách của tra vấn. Anh là một vì vua? Thì hãy nói cho ta nghe niềm vui sướng khi xua quân qua bên kia biên cương của nước để treo cổ ông vua bạn có cùng chung biên địa? Hay anh là kẻ cầm đầu một trận đánh, sở hữu của anh là xác của kẻ thù và xác đồng đội? Thì hãy nói ta nghe, làm cách làm sao mà anh làm được việc cầm đầu trận đánh? Hay anh là một gã lãng tử giang hồ cưỡi ngựa ra đi vào một chiều thu lá rụng chẳng thèm một lần ngoái cổ nhìn quê hương tổ quốc mình? Trên con đường đi đến phía trước, tức đi đến cái sau cái đã qua, có thể là anh đã quên khuấy những gì mình đã nói, và giờ đây, những gì anh nói ra, là hoàn toàn nằm ở phía khác những gì anh đã nói. Trên con đường đi đến phía trước, có thể là anh không còn nhớ, hoặc thật lòng là anh không thèm nhớ, hoặc cũng thật lòng anh cho đó là chân lý, chuyện anh đã dẫm lên kẻ khác. Có thể là trên con đường đi đến phía trước là anh đã bước chệch qua phía bên kia tồn tại ]

Tôi cảm thấy sợ, thằng bạn tôi đã làm cho tôi cảm thấy sợ, chất thần thánh trên tiến trình thác loạn ở trong tôi như đang mách bảo tôi là thế giới đang có chuyện gì không ổn, dường như là có tiếng thở dài vọng lại từ một góc cuộc đời nào đó, chứ không phải là tiếng gà trưa trong làng,

[ Có. Những chuyện không ổn là luôn xảy ra trong lịch sử loài người. Lịch sử là vốn xảy ra như chuyện mưa nắng của trời, dẫu con người có ký được, hay không ký được. Và khi con người ký được thì có thể trở nên hàm hồ. Tiền sử là hàm hồ theo cách của tiền sử. Và hữu sử là hàm hồ theo cách hữu sử. Hàm hồ trước là do sự hóa thạch của thời gian. Hàm hồ sau là do sự hóa thạch của trí tuệ con người. Hóa thạch trước là nằm trong đất. Hóa thạch sau là nằm trong thành kiến của triều đại, là nằm trong thành kiến của người chép sử. Khi lịch sử đã bị hóa thạch thì khó lòng đọc được..]

có lúc tôi cho là do cách bày biện của đất đai, sông núi, nhưng khi nghe bạn tôi nói về chuyện lịch sử, tôi lại nghĩ thứ nỗi buồn cố cựu của làng tôi là do con người mà ra, có phải nhà ngươi muốn nói đến việc các nhà chép sử đã làm hỗn loạn ký ức nhân loại hay không, tôi hỏi, thằng bạn quỉ đầu thai của tôi bảo làm hỗn loạn ký ức nhân loại là cũng phát xuất từ thứ cảm thức thần thánh trên tiến trình thác loạn, mấy hôm sau, anh ta đã đọc cho tôi nghe một đoạn trích trong sách Ba Phút Đầu Tiên của nhà vật lý lý thuyết được giải Noben, Steven Weinberg

đối với con người, gần như khó cản lòng tin rằng chúng ta có một mối liên hệ đặc biệt gì đó với vũ trụ, rằng đời sống loài người không phải chỉ là một kết quả tất nhiên hài hước của một chuỗi tai nạn kéo lui dài đến ba phút đầu tiên, mà rằng chúng ta đã được tạo nên một cách nào đó ngay từ lúc đầu tiên”,

rồi tôi và nó lại lặng đi để suy gẫm về suy nghĩ của một nhà khoa học tài hoa, rồi nó lại nói, và tôi thì lại nghe,

[ Ngay tự lúc ban đầu con người đã tạo dựng cho riêng mình một thứ hình hài gòm có cả thứ cuồng loạn của trời đất lẫn những mong muốn cháy bỏng có tính vô thức mà mãi thật lâu về sau mới trở thành thứ ý thức bầy đàn, là mày đâu biết, chính sự mong muốn cháy bỏng được các nhà khoa gọi là bản năng đã dẫn dắt chất cuồng loạn vào tiến trình chệch qua phía bên kia tồn tại, ta, một nhà bi quan học, có nghĩa là ta sẽ có trước tác, ta sẽ viết Bài Hành Ca Của Một Nhà Bi Quan Học,và sẽ hát từ năm này sang năm khác cho người đời hiểu thế nào là phía bên kia tồn tại…]

làm sao mà mày biết cách hát, tôi hỏi, thằng bạn tôi bảo là tự thuở sơ khai loài người đã biết hát, tất cả những khúc hát ấy là nằm trong ký ức nhân loại, chúng ta chỉ làm mỗi việc nhớ lại mà thôi, một năm, rồi hai năm, ba năm… trôi qua, thằng bạn tôi vẫn chưa viết được bài hành ca ấy, tôi với nó vẫn gặp nhau luôn, vẫn tiếp tục câu chuyện về phía bên kia tồn tại, cho tới đêm hôm ấy thì người làng tôi ai cũng nghe thấy tiếng hát của nó trên đồng làng, có nghĩa, nhà bi quan học của chúng ta đã bắt đầu viết được bài hành ca, nhưng sáng hôm sau thì người làng đã phát hiện nó nằm chết ở con mương đồng làng, bạn tôi chết có vẻ giống với Khuất Nguyên bên Tàu, cũng chết trên sông nước, Khuất Nguyên giận vua của mình quá mà chết, còn bạn tôi vì vui quá mà chết, đêm ấy nó đã uống say, ra đồng làng hát, đến không còn nhớ nổi đường về, không còn phân biệt đâu là ruộng đồng đâu là sông nước, tôi biết thằng bạn nối khố của tôi vẫn coi cái chết như một cách tồn tại khác, hay là nó muốn sớm tìm một cách tồn tại khác để nhìn cho rõ hơn phía bên kia tồn tại, tôi viết truyện này là để kỷ niệm về cái chết hơi đột ngột của bạn tôi, để cho người đời khó quên cuộc đời của một thằng bạn coi như là tri âm tri kỷ của tôi, tôi đã đưa hết vào bên trong ngoặc những lời nó nói với tôi, nhưng về cái chết của nó thì tôi không đưa vào ngoặc, bỡi giờ đây nó là bạn đồng hành của tôi trong cuộc du thuyết làm sao cho cả thế giới biết đến nơi chốn nhau cắt rốn của chúng tôi,



5. lão tư tế đền trũng


và chúng tôi đã đi đến đất Búc, cái xứ sở gì chỉ trông thấy mặt đất với xương người và xương muông thú, ngôi nhà duy nhất chúng tôi nhìn thấy là đền Trũng, con người duy nhất chúng tôi gặp là lão tư tế đền Trũng, ta vẫn nằm giữa đất quê để mà thương tiếc, để mà trách móc, lão tư tế đền Trũng nói, ông trách móc ai nhỉ, ông nói ông trách móc cả những kẻ ông từng quen lẫn những kẻ ông chưa từng quen, tại vì sao cả thế giới này đã quên mất mảnh đất đầy tai ương này, lời lão tư tế đền Trũng là nỗi thống khổ bấy lâu bị nén lại giữa niềm cô độc giờ có dịp bật thốt ra khiến tôi và bạn tôi không cầm được nước mắt, những thống khổ của đất Trũng, những thống khổ của làng Cù tôi, thứ bụi bặm trần gian ấy cứ làm dày thêm ký ức chúng tôi, buổi sớm mai hôm ấy như cuộc hội ngộ giữa những con người cùng cảnh ngộ, tôi gọi cái buổi sớm mai đặt chân lên mảnh đất hầu như trống trơn sự sống, gió chướng mùa đông đang cuồn cuộn thổi về, là buổi sớm mai định mệnh, định mệnh cả trong cách sắp đặt của ngẫu nhiên, việc chúng tôi đến đất Búc là ngẫu nhiên, sau khi rời khỏi xứ sở của thời đồ đá, người ngựa chúng tôi cứ việc thẳng xông trên đường du thuyết cho đến buổi sớm mai hôm ấy thì thấy mình đứng giữa miền đất hầu như trống trơn sự sống, sự ngẫu nhiên như có bàn tay sắp đặt của thứ định mệnh nghịch ngợm, chúng tôi không còn có chỗ để nói về làng Cù của mình, những ngày đêm sương gió ở đây là để lắng nghe lão tư tế đền Trũng, con người còn sót lại sau cuộc tang thương, nói về xứ sở mình, thay vì tôi và thằng bạn tôi diễn thuyết, chúng tôi đã trở thành cử tọa nhiệt tình của lão tư tế đền Trũng, theo lời lão tư tế thì đấy là ông vua kỳ cục nhất trong lịch sử loài người, kỳ cục cả trong cách tiếp cận thế giới, cả trong cách trị quốc, một tinh thần dân chủ kỳ lạ chưa hề xảy ra trong cuộc văn minh nhân loại đã thực sự xảy ra ở đây, lão tư tế đền Búc nói [mãi khi sắp rời khỏi đất Búc tôi và bạn tôi mới biết ông ấy, ông lão giữ đền như sắp quị xuống giữa đám xương người và xương muông thú trong cái bảo tàng xương của đất Búc, là một nhà sử học tài ba]

hết thảy con người và muông thú đang có mặt trên đất nước này là đều bình đẳng nhau trong sự sống và sự chết,

lão tư tế đền Trũng nói đó là triết học về tồn tại của ông vua kỳ cục, tư tưởng nền tảng cho công cuộc trị quốc, đấy là những tháng năm như mặt nước hồ yên tĩnh,

này, ta nói lũ các ngươi biết, ta cũng chỉ là kẻ may mắn hơn lũ các ngươi, vua là cái quái gì nếu không phải là kẻ may mắn,

ông vua của một khúc sử may mắn nói với thần dân của mình trong cảnh sống như mặt nước hồ yên tĩnh,

này, ta nói lũ các ngươi biết, hạnh phúc chẳng là cái quái gì cả nếu không phải là khoảnh khắc ta cảm thấy vui, bất chợt ta thấy con người không còn cãi vã nhau, không còn cấu xé nhau, bất chợt ta nhìn thấy con hổ khoác vai con mang, con voi khoác vai con gấu cùng bước đi trên rừng, bất chợt ta nhìn thấy lũ chim trời không còn nỗi sợ hãi nào, bỡi con người không còn săn đuổi chúng, còn những cơn gió chướng hay những đám mây sũng nước thì luôn tránh thật xa khi nhìn thấy chúng bay lượn, và lũ các ngươi cũng thế, bất chợt lũ các ngươi nhìn thấy sự bình đẳng giữa các loài, con người là bình đẳng với trâu ngựa, bình đẳng với gà chó, tất cả là đều bình đẳng về sống chết dưới gầm trời này, cái khoảnh khắc ta và lũ các ngươi thấy vui thì gọi là hạnh phúc, ngoài ra, chỉ là nỗi khổ đau dai dẳng, tồn tại là nỗi khổ đau dai dẳng, ta nói lũ các ngươi biết, con người vốn là loài giống khổ đau hơn bất cứ loài giống nào, vào những năm tháng mờ mịt nào đó, cái loài giống có tên con người bỗng nhìn thấy nơi óc não mình thứ vật thể có tên là nghĩ ngợi, cứ tưởng con người sẽ hạnh phúc khi biết nghĩ ngợi, nhưng không, cái vật thể có vẻ khốn nạn ấy vừa làm cho con người hiểu nhau vừa làm cho con người ngộ nhận nhau, ngộ nhận là nguồn gốc của mọi hình thức xung đột, chém giết nhau, cái vật thể có vẻ khốn nạn ấy đã nghĩ ra cái gọi là lịch sử, cái luôn khiến con người ta luôn nhớ về quá khứ, luôn muốn đem quá khứ so với hiện tại, luôn mơ ước về cái chưa bao giờ nhìn thấy, chưa bao giờ biết, lịch sử, trò chơi của thời gian, phía khác của vĩnh hằng, là nguồn gốc mọi đau khổ của con người, một tên gọi khác nữa của thời gian, khoảnh khắc, cứ tưởng cái vật thể bất chợt ấy chẳng là gì cả, nhưng không, cái bất chợt ấy là làm ra hạnh phúc,

lão tư tế đền Trũng nhắc lại lời ông vua triết gia thi sĩ như đem châu ngọc treo lên giữa thế giới đầy bất ổn, đêm, ông ấy, tôi, và thằng bạn nối khố của tôi cùng nằm trên chiếu cói trải ngay trên nền gian giữa đền Trũng để chuyện trò, cái bảo tàng xương của xứ sở tang thương về đêm trở nên âm u, gợi nhớ, những chất hữu cơ phát sáng về đêm trong đống xương vô định ấy tựa những con mắt của quá khứ bất hạnh đang dõi nhìn những kẻ đang nói về chúng, nội dung cuộc trò chuyện giữa ba chúng tôi vốn là nội dung của thứ ký ức lịch sử bi thương, phải rồi, đền Trũng, cái bảo tàng xương của đất Trũng chính là ngôi đình làng còn sót lại sau cuộc cháy lớn [có thể nói cuộc bể dâu ở đất Trũng là cuộc cháy lớn] sự nổi giận của muông thú / lửa / và sự hủy hoại, ông vua triết gia thi sĩ chết, mọi thứ trở lại như thời chưa có vua ấy, con người lại tiếp tục đánh đập lũ trâu cày, tiếp tục săn đuổi lũ thú trên rừng và lũ chim trên trời, này, ta nói lũ người biết, ai hành hạ giết hại muông thú thì tội chết, đấy là lệnh của vua, thứ mệnh lệnh một thời cũng thiêng liêng như qui điển của những chủ nghĩa khắc kỷ hay những tôn giáo khắc kỷ, trên các ruộng đồng của xứ sở, một thời, sự nghiêm nhặt của thứ luật pháp có vẻ kỳ cục ấy lại tạo ra thứ cảnh quang hàm xúc cả tính triết học lẫn thi ca, nó là chất thơ trong đời sống, người cầm cày thì ung dung bước cùng với lũ trâu cày ở trên ruộng, thứ cảnh quang gợi cho người ta phải nghĩ ngợi thật nhiều về tồn tại, vua chết, tiếng la hét mắng mỏ con trâu cày lại vang lên khắp các ruộng đồng xứ sở, lũ trâu kéo cày đã quen với sự bình đẳng được tạo ra dưới thời ông vua triết gia thi sĩ, kẻ cầm cày vốn quen với sự bắt nạt con trâu cày khi chúng không chìu theo ý mình, sự hối thúc kèm roi vọt đối với đám trâu cày là thói quen của kẻ cầm cày tồn tại suốt cuộc văn minh nông nghiệp, sự phản ứng ban đầu của kẻ bị bắt nạt là đứng lại khi kẻ bắt nạt bảo đi, và đánh đập lũ trâu kéo cày là cách thức của giận dữ có vẻ không thể khác đi của kẻ cầm cày khi công việc cày bừa bị ngưng trệ, và sự giận dữ của lũ trâu kéo cày như sản phẩm tất yếu của nền triết học về bình đẳng của ông vua triết gia thi sĩ đã thực sự xảy ra, một biến cố lịch sử chưa hề xảy ra trong lịch sử nhân loại đã thực sự xảy ra : cuộc chiến tranh giữa con người và đám trâu cày của xứ sở, con người dùng hết các cách thức có thể để giết hại đám trâu cày chống lại mình, và đám trâu cày của xứ sở cũng dùng hết bản năng chiến đấu có thể là đã sẵn có nơi tổ tiên chúng [ tự thời tiền sử ] để chống lại con người, cảnh chết chóc diễn ra khắp xứ sở, và lũ quạ, dưới thời ông vua triết gia thi sĩ đã nén niềm căm tức loài giống con người vốn coi khinh loài giống chúng, giờ đã có dịp để chúng bộc lộ hết những mong ước thuộc bản năng cố hữu của chúng, dường hết thảy lũ quạ trên mặt đất kéo hết về đất Búc, cái cách làm cho mù mắt đối phương của lũ quạ [cứ một trăm con quạ thì tấn công một con người bằng cách rỉa vào mắt ] đã giúp chúng có thể ăn cả kẻ đã chết lẫn kẻ chưa chết, và, con người cũng dùng hết các cách thức để có thể sát hại nhiều nhất loài giống mình từng kinh tởm, hóa ra con người cùng lúc phải chống trả cả lũ trâu cày lẫn lũ quạ, cuộc chiến kéo dài cho đến khi ngọn lửa tiêu thổ kháng chiến bùng lên khắp xứ sở, phải đốt hết xóm làng để tạo nguồn khói cản trở cuộc tiến công của quạ, rốt cuộc, trên cái xứ sở khốn khổ ấy chỉ còn thấy xác người, xác gia súc gia cầm và xác lũ quạ, và, nhà sử học tài ba sau khi chu du thiên hạ trở về thì nhìn thấy trên mảnh đất quê của mình những đất với đất với xương người và xương muông thú,

ta nhặt nhạnh những mảnh xương tàn đem cất vào đây như một kẻ tiếc nuối thời gian, quá khứ, cái mảnh hồn chết tiệt ấy vung vãi khắp xứ sở, này, ngươi không dễ gì đánh lừa được ta đâu khi ngươi chỉ là thứ thời gian thoi thóp giữa cơn nắng cuối ngày, ta nói với cái quá khứ chết tiệt ấy, vào những đêm buồn, ta thử gõ tay lên trời thì chỉ nghe niềm cô độc,

lão tư tế đền Búc nói, tôi như nghe thấy tiếng cựa mình của đám xương người và xương muông thú trong cái bảo tang xương của xứ sở ấy, hay lũ chúng đang thực sự mò mẫm bước giữa những nỗi niềm cháy ruột gan của lão tư tế, thằng bạn nối khố của tôi thì dường như là đang khóc, lão tư tế đã chạm vào nỗi chết vốn sẵn trong nó, vào một trưa tháng chín, mây đen vần vũ trên bầu trời mùa đông, nhưng vẫn còn trông thấy rõ mặt trời, bỗng lão tư tế hoảng hốt kêu: là lũ quạ đang đổi ngày thành đêm đó, hay ngày nào cũng nhìn thấy cảnh hủy hoại của xứ sở, lão tư tế đền Búc cảm thấy thời gian cũng đang bị hủy hoại trong ông?



6. một định mệnh khốc liệt


và vui ơi là vui, ở cái xứ sở ấy, dẫu chẳng thể diễn thuyết được, nhưng chúng tôi vẫn cứ thấy vui, cho đến lúc rời khỏi xứ sở ấy, chúng tôi vẫn chưa biết tên của nó, chỉ nghe nào là quảng trường kôn vê xi la, nào là ngày hội kôn vê xi la, những nhà diễn thuyết kôn vê xi la, vân vân, tỉnh từ kôn vê xi la được đi kèm theo các danh từ như thế cũng là từ một nhà thông thái mà ra , người ta lập quảng trường là để cho những ngày hội của xứ sở, bỗng một hôm nhà thông thái ấy đến quảng trường diễn thuyết … tự thuở nhà bác học kôn vê xi la khám phá ra đường đi của mặt trời mặt trăng thì con người trở nên hạnh phúc hơn, nhà thông thái đã đọc sai tên một nhà bác học danh tiếng nào đó thành “kôn vê xi la”, từ đó mà quảng trường mang tên quảng trường kôn vê xi la, rồi tiếp theo đó là ngày hội kôn vê xi la, mùa xuân kôn vê xi la, mùa thu kôn vê xi la, vân vân, và chỉ đi nghe diễn thuyết của các nhà thông thái kôn vê xi la và đi dự hội kôn vê xi la là hết mẹ thời gian của chúng tôi, nhưng vui ơi là vui, bấy giờ thì mọi thứ diễn ra ở đó đã khiến cho chúng tôi cười đến chết được, các bạn biết không, hôm nay là diễn giả thứ một nghìn lẻ bảy, người quản trò bước ra khán đài ở quảng trường kôn vê xi la nói, lời giới thiệu ngắn gọn nhưng đã làm cho tôi và bạn tôi phải hồi họp [ sự hồi họp ở đây là sẽ dẫn tới sự bất ngờ, rồi sự bất ngờ sẽ dẫn tới không thể không cười: cái xứ sở chi những nhà thông thái nhiều như lá mùa thu! ]

thưa quí vị, mặt trời mọc phương đông và lặn phương tây, không bao giờ khác đi phải không nào, thế thì tôi và quí vị, là chúng ta đang đi, hay là mặt trời đang đi…

ai đang đi cũng được hết, cái đám cử tọa con nít mười ba mười một cắt lời nhà thông thái kôn vê xi la thứ một nghìn lẻ bảy, và nhao lên, chúng chỉ mặc áo và ở truồng kéo nhau đi trên quảng trường kôn vê xi la, vừa đi, vừa la ó, vừa phơi những chim và bướm ra trước bàn dân thiên hạ, ở cái xứ sở người ta sính nghe diễn thuyết đến mức ấy, ông cụ chống gậy khập khà khập khiễng, và bà cụ vừa dọ đường vừa móm mém miệng trầu, đến phụ nữ có con đỏ cũng bế con theo, có phải đi nghe các nhà thông thái kôn vê xi la diễn thuyết là thú vui không thể thiếu được trong đời sống người dân xứ sở ấy? thằng bạn tôi rời cuộc sống đã lâu không biết những chuyện như thế đã đành, nhưng tôi cũng chẳng hơn gì nó, tôi chưa từng nghe ai nói hay chưa từng thấy những chuyện như thế,

thưa quí vị, thái đương hệ như một cuộc đỏ đen sấp ngửa, một cuộc bài bạc vĩ đại, mặt trời là chủ cuộc chơi, anh cầm cái, ngồi ở chính giữa, giữ đồng xu hai mặt, đồng xu của vận mệnh, quí vị biết không, còn những thứ như kim tinh, mộc tinh, thủy tinh, hỏa tinh, thổ tinh, và hành tinh xanh của chúng ta, và vân vân, là những kẻ tham dự cuộc chơi, những anh con, con ở đây vừa có nghĩa là những kẻ tham dự cuộc chơi, vừa có nghĩa là con của anh cầm cái, thì các hành tinh trong thái dương hệ chẳng phải là do mặt trời sinh ra hay sao, hết thảy là ngồi ở bốn chung quanh, con cái, cái con, quyện chặt nhau, sấp hay ngửa, ngày hay đêm, là quyền của mặt trời, quyền anh cầm cái, sấp, mặt trời hô, và ngửa, mặt trời lại hô, ném đồng xu hai mặt vào bầu trời, và hô sấp, và hô ngửa, mặt trời bắt ngày thì phải ngày, bắt đêm thì phải đêm, rốt cuộc, hết thảy đều là kẻ thua cuộc, trong cuộc chơi đỏ đen này chỉ có một kẻ thắng cuộc là anh cầm cái, là mặt trời…

lũ trẻ nít đã kéo lên khán đài, vây lấy diễn giả, hoan hô mặt trời… người nghe diễn thuyết nhao lên hoan hô mặt trời, thằng bạn nối khố của tôi cũng nhảy cẩng lên hoan hô mặt trời, cuộc diễn thuyết của nhà thông thái kôn vê xi la thứ một nghìn lẻ bảy đã làm cho thằng bạn tôi tự mâu thuẫn với chính mình, thì chẳngm phải trước đó thằng bạn tôi đã ra sức đả kích mặt trời, ông nhà thông thái cũng là tay có máu cờ bạc đây, bạn tôi rỉ tai tôi, rồi tiếp tục nhảy cẩng lên để hoan hô mặt trời, nhưng vui nhất vẫn là đi dự hội kôn vê xi la, đi dự hội kéo co, tinh thần kéo co là gì nhỉ, cứ thử lắng nghe lời ngài trưởng xứ, người đứng đầu xứ sở ấy, cũng là một nhà thông thái đây, nhà thông thái kôn vê xi la nói về hội kéo co,

các bạn là tiềm năng sức mạnh của thế kỷ, tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, câu nói ví von này vẫn là chân lý sáng rực ánh mặt trời, các bạn biết không, tuổi mười bảy là nói gọn lại về tuổi trẻ các bạn, sức mạnh của các bạn sẽ lấp bể dời non, bàn tay các bạn làm ra tất cả, hoan hô tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu,

cái đám trẻ nít kôn vê xi la ấy, cái đám trẻ nít mười ba mười một ấy, như một thứ lực lượng không thể thiếu được khi quảng trường kôn vê xi la xảy ra diễn thuyết hay lễ hội, hoan hô sừng trâu, hoan hô trẻ nít, bọn chúng vỗ tay hát rân bài hát vừa ứng khẩu được, hoan hô trẻ nít…hình như với quan niệm của lũ chúng thì tuổi trẻ là bao gòm cả đám trẻ nít mười ba mười một, thì ra, lũ chúng là những hướng đạo viên dẫn đầu các đoànvận động viên tiến vào quảng trường [ theo sự sắp đặt của lễ hội ]

hoan hô các chàng trai cô gái đến từ mọi miền xứ sở

trên khán đài, ngài trưởng xứ vẫy tay hô to lời chào thân ái [ lấp lánh tình cảm của người đứng đầu xứ sở ] lập tức, những người đi xem lễ hội ùa về phía các chàng trai cô gái mập khỏe đang tiến về trung tâm quảng trường, nơi cuộc kéo co sẽ diễn ra, tinh thần kéo co là gì nhỉ, [ xưa, bọn ta rủ nhau đấu vật kéo co trong làng, nay ngài trưởng xứ đứng ra làm lễ hội to lớn thế này là thế nào các ông nhỉ? các cụ già hỏi nhau ] cũng có thể là chẳng nói ra được điều gì, bỡi đó là một trong những trò chơi hiếu động của con người ẩn chứa bao nhiêu là nội dung xã hội triết lý tùy theo cách thưởng ngoạn của mỗi người, hoan hô sừng trâu, cuộc đấu sức đã bắt đầu, lũ trẻ nít đã nhập vào thứ tinh thần thể thao thần thánh, chúng tuột hết cả quần áo, tràn lên khán đài, vừa dậm chân, vừa hò hét cổ vũ những cặp đấu đang ra sức thi thố sức lực, muôn năm sừng trâu, sừng trâu muôn năm,từng cặp đôi, hay là từng đội nhiều người, cái cách sắp xếp cho cuộc thi sức, đấu sức ấy như là cách thể hiện sự va chạm vẫn thường xảy ra trong lịch sử con người [ va chạm giữa cá nhân với cá nhân, và va chạm giữa quần thể này với quần thể khác ] sợ thua kẻ địch vẫn là tinh thần chủ đạo trong cuộc đấu sức, nói là tinh thần vui chơi, tinh thần thể thao, nhưng thực ra, nó, cuộc đấu sức thi sức ấy là sự thể hiện lòng hiếu chiến vốn có của con người trong cuộc trường kỳ tiến hóa, mồ hôi và nụ cười, niềm kiêu hãnh và nỗi sỡ hãi bị thất bại …tất cả những thứ ấy là thuộc về tinh thần kéo co, có một điều, là dường như các chàng trai cô gái đến từ mọi miền xứ sở khi đã vào cuộc đấu thì quên bẵng mọi nhọc nhằn vốn có trong cuộc sống hằng ngày,

những sức mạnh thế kỷ hãy tiến lên…

cách cổ vũ của ngài trưởng xứ ở trên khán đài vẫn đầy màu sắc trị nước, có một sự đánh lận quá lớn đang phủ lên xứ sở này, bạn tôi bỗng rỉ tai tôi những nhận định bất ngờ khiến tôi hơi giật mình, bạn tôi cho rằng thứ lễ hội như thế là để làm cho dân xứ sở quên đi cuộc sống nhọc nhằn bi thảm vốn sinh ra bỡi công cuộc trị nước, nhưng tôi thì nghĩ khác, sự giằng xé nhau trên một chiếc giây là sự thể hiện toàn bộ bi kịch con người, một định mệnh khốc liệt,



7.những người đang vẽ lại bầu trời


chúng tôi làm cuộc hành trình đã quá lâu, nhưng chưa có nơi nào tôi và bạn tôi có thể thực sự thực hiện được việc diễn thuyết về làng Cù của mình, nơi thì chiến tranh cục bộ xảy ra, nơi đang có những cuộc tranh chấp về quyền lực, nơi cái đói cái nghèo đe dọa, cho đến một ngày chúng tôi vô tình đặt chân lên đất Bung, mảnh đất trăm nhà đang đua tiếng, thời trục tư tưởng của thế giới [ba bốn nghìn năm về trước] tuy mỗi người có một cách nhìn về tồn tại, nhưng cuối cùng họ cũng gặp nhau ở những điểm cơ bản, ở đất Bung thì khác, những người tự xưng là những nhà lập thuyết của thời đại mỗi người có mỗi quan niệm riêng về thế giới, hoàn toàn khác biệt, và có vẻ đang trở thành thù địch nhau, ngày nào tôi và bạn tôi cũng tính việc ra đi, nhưng rồi vẫn không thể rời khỏi đất ấy, hóa ra cái xứ sở lắm phố phường và lắm nhà thuyết lý ấy có sức hút mãnh liệt đối với bạn tôi, kẻ rời bỏ cuộc sống quá lâu mong được nhìn thấy lại những gương mặt của sống, và cũng không kém phần hấp dẫn đối với tôi, kẻ vẫn ham hiểu biết về thế giới, quả tình chúng tôi đã tự để mình lưu lại ở một xứ sở ngày nào cũng có thể nghe thấy nhìn thấy những điều mới lạ, vào một sáng phố xá vẫn mở cửa và chợ vẫn họp như thường lệ, tôi và bạn tôi đã chứng kiến một cảnh tượng khác thường, từ trong khu chợ túa ra những con người đang hốt hoảng, “sắp nổ ra rồi”, những từ chưa mang đủ ý nghĩa được thốt ra từ cửa miệng những người đang chạy trối chết, có thể ai đó đã hô hóan có chất nổ cài ở nơi đang họp chợ, cũng có thể ai đó hô hoán sắp nổ ra cuộc chiến, sự thật thì có ai đó, trong số những người đi họp chợ, đã kháo nhau rằng sắp nổ ra cuộc chiến giữa các phe phái có các quan điểm khác nhau về thế giới, những sự kiện xảy ra trong cuộc sống khi được truyền đi bằng ngôn ngữ có thể rất xa nguồn gốc, ở cái xứ sở hệ thống tư tưởng xã hội phức tạp đến độ bất cứ một nguồn tin tức nào cũng có thể làm cho con người ta hoang mang lo sợ, thế giới là một cuộc chao đảo bất tận, thế giới là một hòa điệu hoàn hảo, thế giới là cái lò nung những sự kiện, hay thế giới là một bản trường ca có bao nhiêu trường đoạn buồn vui… khi những quan niệm về thế giới như thế của những nhà lập thuyết truyền đến những người dân bình thường thì những thứ nghĩ ngợi có vẻ cao sâu ấy sẽ lập tức được hiểu muôn nghìn cách, và chính những thứ đó đã làm xáo trộn đời sống tinh thần của người dân xứ sở, ngay trưa hôm ấy tôi và bạn tôi đã nghe thấy một cuộc tranh luận đầy tính sử thi giữa hai con người thuộc hàng công dân hạng bét của xứ sở, hai ông cụ đạp xích lô buổi trưa cho xe đậu dưới bóng cây nơi công viên thành phố, ăn qua loa mỗi người một ổ bánh bì nguội, rồi nằm dài lên xe của mình nghỉ ngơi lấy sức cho những cuốc xe sắp tới, người này lấy nhật báo ra đọc, người kia lắng nghe, xã hội con người như một dàn nhạc vĩ đại, và kẻ đứng đầu xã hội, nhạc trưởng, bao giờ cũng tồn tại như một chọn lựa hoàn hảo để thực hiện những khúc ca được soạn ra từ những nhịp điệu hoàn hảo, ông thấy không, cuối cùng thì chúng ta cũng có ngày có cuộc sống vui vẻ, người này tỏ ra đồng tình với những gì đọc được nơi trang báo, người kia đã bật dậy, vẻ giận dữ, vui vẻ con khỉ, từ rất lâu chúng nó đã lừa bịp chúng ta, cứ như thế này thì con cháu tôi và ông cũng tiếp tục nhai bánh mì nguội, ông cụ đọc báo cũng đã ngồi dậy, nhưng nếu cuối cùng không phải thế, tôi và ông còng lưng đạp xích lô để làm gì, để chứng tỏ sự lừa bịp của chúng nó là thật, thằng bạn tôi thở dài, lại có vẻ bắt đầu thấy chán sống, bạn tôi bảo chắc không còn đủ sức tiếp tục cuộc hành trình, cuối cùng thì cái tin tức khủng khiếp ấy đã lan tới các thành phố của xứ sở, đã thực sự xảy ra chiến tranh giữa những nhà bảo thủ và những nhà lập thuyết của thời đại, đã đánh nhau bằng mòm, bằng sách báo, và đang tiến tới đánh nhau bằng súng đạn, ở nơi chúng tôi đang trú ngụ, những nhà mộ quân đã bắt đầu mở các cuộc chiêu quân cho phe phái của mình, và sáng hôm ấy, một tin tức khủng khiếp khác đã đến tai tôi và bạn tôi, đã xảy ra thánh chiến, các ngả lên trời đã có người của các phe phái canh giữ, các vị thần đâu đã ở yên đó, và các đường vào ra các thành phố đã bị phong tỏa, những tin tức như thế khiến chúng tôi vô cùng bối rối, có chết cũng phải ra khỏi xứ sở này, tôi và bạn tôi quyết định, chúng tôi chạy cả ngày lẫn đêm, chẳng biết vì sợ hãi hay vì đã đến tuổi già nua, con ngựa của tôi không còn bước nổi nữa, trong cơn bức bách chúng tôi phải thay nhau cõng ngựa, bấy giờ không còn đủ sáng suốt để quyết định đi đâu, cứ hướng tới ngọn núi Mơn từ phía xa mà chạy, cuối cùng chúng tôi cũng thoát ra khỏi xứ sở âm u phiền muộn ấy, núi Mơn cao rậm, một mình một cõi thật uy nghi, mặt đất vẫn hùng vĩ biết bao, đứng dưới chân núi nhìn lên một hồi, thằng bạn nối khố của tôi buột kêu, chúng tôi, tôi, bạn tôi, và con ngựa già của tôi ôm nhau nhảy múa dưới bóng núi Mơn, buổi chiều ấy thật vui và cũng thật ảm đạm, thằng bạn tôi đã đem ra hát một khúc trong Bài Hành Ca Của Một Nhà Bi Quan Học nó đã viết được trong đầu trước khi chết [ hồi năm ấy] bạn tôi hát, rồi chúng tôi lại ôm nhau nhảy múa, chiều hôm ấy con ngựa già của tôi chết, tôi và bạn tôi chôn ngựa xong thì đứng khóc, sau đó thằng bạn nối khố của tôi cũng chết, tôi chôn bạn tôi cạnh con ngựa già của tôi, tôi không khóc, vì chẳng lẽ khóc để khích lệ nó chết thêm lần nữa hay sao, mất ba ngày đêm để khắc mộ bia cho các bạn tôi, tôi dùng những hòn đá nhỏ để khắc lên hòn đá lớn: nơi yên nghỉ của những người bạn chí cốt của tôi, tôi phải làm bia mộ cho bọn họ để còn biết đường trở lại thăm, còn lại mỗi mình nơi thế giới có vẻ vừa rậm rạp vừa hoang vu, tôi thấy nhớ làng Cù tôi ghê gớm, tôi đã rời đất quê gần ba năm chứ ít đâu, cứ thấy không yên lòng về ngôi làng nhỏ bé của mình, nên đã quyết định quay về,



8. lảo đảo phù vân


rõ ràng là tôi đang đứng trên mảnh đất quê thân thuộc, nhưng tận chốn thâm sâu tình cảm của tôi thì làng Cù tôi không còn nữa, ngôi làng thân yêu của tôi có tiếng bò ù tiếng heo kêu tiếng trẻ khóc có mùi rơm rạ trên con đường vào làng đã biến mất cùng những con người thân thuộc, tôi cố nén nỗi đau mất mát để nhìn cho ra những gì đã thật sự xảy ra trên mảnh đất quê của mình, không còn nhìn thấy núi Trồi núi Sụt nữa [hai ngọn núi ở phía nam làng như đất trời tặng riêng cho quê tôi một thứ vẻ đẹp khác thường của sông núi: hai ngọn đồi bát úp như ai làm rơi rớt giữa đồng làng, khi thì thấy ngọn này cao hơn ngọn kia, và khi lại thấy ngược lại] và đồng làng với con mương đồng làng nước chảy rung rinh cũng không còn nữa, à tôi hiểu ra rồi, người ta san núi Trồi núi Sụt để biến đồng làng tôi thành khu đô thị, làng quê và cánh đồng quê của tôi đã biến thành đô thị, trước mắt tôi giờ đây là một thành phố hiện đại, những người tôi gặp ở đây đều xa lạ và tất cả đều có vẻ rất giàu có, họ là chủ những nhà máy đang nhả khói lên trời là chủ những cao ốc nguy nga, tôi cũng đã hiểu ra, trong công cuộc làm sang trọng mặt đất, người ta đã dịch chuyển ngôi làng quê nghèo khó của tôi đến một nơi nào đó để thay vào đó một gương mặt khác giàu có hơn, ai đã làm công việc dịch chuyển ngôi làng thân yêu của tôi, và dịch chuyển đi đâu, tôi không biết [tôi đã hỏi tất cả những người tôi gặp ở đây về làng Cù của mình, nhưng tất cả đều lắc đầu bảo không hề biết về một ngôi làng có tên như thế], và những kẻ đã đến đây thay chỗ cho những làng thân thuộc của tôi là ai, tôi cũng không biết, tôi cũng chỉ hiểu một cách đại loại như thế, và cũng không dám chắc có quả người ta đã chuyển ngôi làng nhỏ bé và những người làng thân thuộc của tôi đến một nơi khác hay là nó đã biến khỏi mặt đất, nghĩ là nghĩ thế, nhưng lòng tôi vẫn nhất quyết phải đi tìm cho bằng được ngôi làng yêu quí của mình, tôi đi chẳng kể ngày đêm, có phải đây là đường đến núi Trồi núi Sụt hay không, tôi hỏi tất cả những người đã gặp, câu hỏi như để lấp đầy nỗi đau mất mát [chứ núi Trồi núi Sụt đâu nữa mà tìm] và kỳ lạ thay, cho đến một hôm bỗng hiện ra trước mắt tôi cảnh núi non từ xa nhìn tới tôi cứ nghĩ là núi Trồi núi Sụt, núi cũng thấp, nhỏ, mờ nhạt trong ánh nắng cuối ngày, tôi biết không còn kịp đến nơi ấy trong ngày hôm ấy, và tựa kẻ đang trong cơn mộng du, tôi cứ nhất quyết trong lòng đấy là núi Trồi núi Sụt của quê tôi, trong ánh hoàng hôn chập choạng tôi cứ theo hướng núi ấy mà đi, mãi lúc thấy mình bước trên con đường đất hai bên có nhà cửa đang chìm trong bóng đêm tôi mới biết là đã đi vào một làng xóm nào đó, hãy dừng lại thôi, tôi giật thót người vì có ai đó lên tiếng ở sau lưng tôi, vừa bước chân vào làng đã có người trông thấy có nghĩa đây chẳng phải làng xóm bình thường, thưa, đây có phải là đường đến núi Trồi núi Sụt hay không, tôi hỏi không phải để biết đường đến núi, mà là để biết đấy là làng xóm nào, gặp ngài bề trên hẳn rõ, người đàn ông đã chặn tôi trả lời câu hỏi của tôi, và dẫn tôi đến chỗ ngài bề trên, đây là thôn Mộ Đình, nơi để trở thành những kẻ chẳng còn khổ đau, ngài bề trên nói, nghe giọng nói, và thấy dạng hình của một người đang ngồi im lìm bên dưới mấy ngọn đèn sáng lù mù, tôi chỉ biết một cách đại khái ngài bề trên là một người đàn ông có vẻ già hơn người đàn ông vừa đưa tôi đến đó [người đàn ông đó đã biến mất lúc vừa đưa tôi đến đó], thưa ngài, từ đây đến núi Trồi núi Sụt còn xa lắm không, tôi hỏi cũng cốt dò thử ngài bề trên là ai, ngươi tới được nơi đây là phúc lắm rồi còn tìm chi nữa, ngài bề trên nói, vì trải qua bao nhiêu ngày đường mệt nhọc, cuộc trò chuyện chỉ tới đó thì tôi gục xuống, thiếp đi, khi tỉnh dậy thấy mình đang ở trong một gian nhà tranh vách lá, những cửa ngõ, giường chiếu, tất cả đều rất đơn sơ, tôi còn đang bàng hoàng nhớ lại những gì vừa trải qua thì có người mang thức ăn đến cho tôi, ông thấy đói lắm phải không, thiếu nữ hỏi, người mang thức ăn cho tôi là một thiếu nữ như những thiếu nữ tôi gặp trên đời, chỉ có giọng nói là như chứa đựng một thứ nỗi niềm nào đó, ông ăn đi rồi theo em ra ruộng, thiếu nữ nói, tôi cứ nghĩ cô gái đã lầm lẫn sao đó, vì gọi là thức ăn nhưng chỉ có mỗi chén sỏi đá, tôi không dám hỏi, chỉ uống hết cốc nước và đi theo cô gái, những người đàn ông tôi gặp trên đồng ruộng người nào cũng đầy nanh vuốt và có vẻ đần độn, tôi bắt đầu cảm thấy sợ, hóa ra thôn Mộ Đình là nơi cư ngụ của những con người kỳ dị, nhưng vì đâu ngài bề trên lại nói đấy là nơi để trở thành những kẻ không còn khổ đau, cái ý nghĩ bọn họ là một giống người chưa hoàn chỉnh nảy ra trong suy nghĩ của tôi đúng vào lúc cô gái mang cái ách cày tới, ông là nhân sĩ nên ông phải kéo cày, cô gái nói, và đặt cái ách cày lên vai tôi, lập tức một người đàn ông trong số những người đàn ông có nanh vuốt đến mắc cây cày vào cái ách cày trên vai tôi, ông là nhân sĩ nên ông phải kéo cày, người đàn ông lập lại câu nói của cô gái, và bắt đầu cày ruộng, có nghĩa, từ giờ phút ấy tôi đã làm công việc của một con trâu kéo cày trên ruộng, ngoài nhân sĩ kéo cày là tôi, trên đồng ruộng lúc bấy giờ là có rất nhiều đám trâu kéo cày khác, cũng may là tôi có khá nhiều kiến thức về cày ruộng nên khi làm trâu kéo cày là tôi đã theo đúng cái cách của một con trâu kéo cày, nhân sĩ như ông khá lắm, người đàn ông có nanh vuốt khen, vì cái cách làm trâu kéo cày của tôi khiến ông ấy rất thoải mái trong việc cầm cày, nhưng nhân sĩ là sao, thưa ông chủ, biết người đàn ông cầm cày đang vui nên tôi liều mình hỏi theo cách một con trâu kéo cày hỏi người cầm cày là chủ của mình, thì ra trước đấy có người hình dạng giống như tôi lạc vào thôn Mộ Đình, tự xưng là nhân sĩ, làm trâu kéo cày mấy hôm thì chết, từ đó ngài bề trên bảo hễ có kẻ lạ đến nơi này mà giống kẻ đã chết thì đều là nhân sĩ, người đàn ông cầm cày giảng mọi việc cho tôi hiểu, nhưng vì đâu nhân sĩ lại phải kéo cày, tôi lại hỏi vì không nén được nỗi ấm ức trong lòng, ai là nhân sĩ khi đến đất nước này thì phải kéo cày và ăn sỏi đá, người đàn ông có nanh vuốt nói, hóa ra thôn Mộ Đình là một đất nước, tôi cảm thấy sợ hãi thật sự vì tự dưng lại rơi vào một xứ sở có cuộc sống vừa thế tục, trần trụi, vừa bàng bạc một thứ tinh thần sùng tín lung linh bí hiểm, có thể trong một phút giây cực đoan nào đó người ta sẽ giết tôi chết mất, tôi nghĩ, và mồ hôi bắt đầu toát ra ướt đầm áo, có thể là vì sợ tôi cũng chết như ông nhân sĩ nào đó trước đó, người đàn ông cầm cày đã tháo cày cho tôi, đêm, người thiếu nữ ấy lại đến chỗ tôi, ngài bề trên bảo em phải đến trò chuyện với ông, cô gái nói, tôi vẫn cứ nghĩ là đang có một sự lầm lẫn nào đó, tại vì sao ở đất nước này con người lại phải kéo cày và ăn sỏi đá, tôi vẫn cứ nghĩ là đám dân của ngài bề trên có sự lầm lẫn nào đó mới bắt tôi kéo cày và ăn sỏi đá, thế chừng nào kẻ này mới được lên đường tiếp tục cuộc hành trình của mình, tôi lợi dụng thời cơ thuận lợi để hỏi người con gái ấy, nhưng thiếu nữ không trả lời câu hỏi của tôi, mà khuyên tôi gắng tu dưỡng và hãy yêu muôn loài trong trời đất, giọng cô gái có vẻ chân thành, cách nói năng của ngài bề trên và cách nói năng của cô gái cũng như những người đàn ông có nanh vuốt khiến tôi cảm thấy có một mối liên quan nào đó giữa thôn Mộ Đình với một trường phái mộ đạo nào đó, sự chờ đợi ngày được tiếp tục cuộc tìm kiếm của mình đã giúp tôi có đủ sức lực kéo cày, cho tới cái hôm người đàn ông cầm cày nhe răng đòi thịt tôi vì biết cô gái ấy đã yêu tôi, thì tôi quyết bất cứ giá nào cũng phải trốn khỏi nơi ấy, em sẽ giúp ông, cô gái hứa sẽ giúp tôi trong việc trốn thoát, nhưng khi đưa tôi ra tới đầu thôn Mộ Đình thì cô ta đổi ý, em chẳng thể sống mà không có ông, cô gái nói, và cắp lấy người tôi quay trở lại thôn Mộ Đình như một con diều cắp một chú gà con, mười năm kéo cày và ăn sỏi đá, cứ qua một năm tôi lại khứa lên da thịt mình để đánh dấu, làm sao một kẻ yếu đuối như tôi lại có thể thoát khỏi một nơi như thế, cuối cùng thì tôi đã hiểu những người đàn ông có nanh vuốt ở thôn Mộ Đình là những con mắt của ngài bề trên, ngài bề trên đã tạo ra đám dân của ngài như tạo ra những con mắt để canh giữ nhau và canh giữ kẻ thù, trong suốt mười năm tôi luôn nghĩ đến việc có thể mình sẽ bỏ thây ở chốn ấy nếu không thể tiếp tục cuộc tìm kiếm của mình, quả tình là tôi cũng có nghĩ đến cách tự kết thúc đời mình, nhưng chẳng có cơ hội nào có thể thoát được sự canh giữ của những con người có nanh vuốt, và vào cái hôm trời xui đất khiến ấy là tôi cũng chỉ có ý muốn soi thử vào chiếc gương vẫn đặt gần chỗ ngài bề trên ngày ngày đám dân của ngài vẫn đến đó để soi [cho đến lúc đó tôi tự biết mình là một thứ tiều tụy thảm hại, một kẻ sắp chết vì chẳng còn mấy xương thịt trên thân thể , song vẫn cứ soi gương thử] tôi vừa đứng trước chiếc gương soi thì ngài bề trên hét lên, lũ bay đâu hãy bắt lấy thằng nhân sĩ, đồ quân giả dối, tôi cũng hét lên khi nhìn thấy trong gương không phải kẻ tiều tụy sắp chết , mà là một trang nam nhi tuấn tú, một lũ giả dối, tôi cứ hét lên, hét lên, và đám dân của ngài bề trên đã không đến kịp trước khi tôi dùng thứ sức lực còn lại để đập vỡ chiếc gương soi, chiếc gương đổ loảng xoảng, và tôi bỗng nghe lạnh ngắt tứ bề, lúc bấy giờ ngoài tôi ra thì chẳng còn nhìn thấy gì cả, chẳng còn nhìn thấy ngài bề trên, chẳng còn nhìn thấy cô gái đã yêu tôi, chẳng còn nhìn thấy ngay cả nửa bóng dáng của đám người nanh vuốt, một sự giả dối khủng khiếp, khi hiểu ra sự thật ấy tôi cứ hét lên, hét lên, thì ra tất cả những gì tôi đã trải qua suốt mười năm chỉ là ảo ảnh, một thứ trò đùa của thời gian, lòng tôi vẫn cứ nhất quyết tiếp tục cuộc tìm kiếm ngôi làng thân yêu của mình, nhưng có vẻ không còn đủ sức lực.


giã,
tháng 12/2014
tháng 8/2015



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss