Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đại Đế và Người Xuôi Sông

Đại Đế và Người Xuôi Sông

- Ngu Yên — published 19/09/2014 19:26, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Thơ Ngu Yên



Đại Đế và
Người Xuôi Sông

alex


( Trích "Con Người Bên Bờ Ngoại Sử")


Buổi chiều khi Alexander đóng quân bên dòng sông Hằng
Nước từ Tây Tạng tuôn qua Hy Mã lạp Sơn về biển Ả Rập
Nắng chiều làm đậm thêm làn da chinh chiến nắng mưa
Sóng cùng gió thì thào như tiếng binh sĩ nhớ nhà than vãn
Bên kia bờ bao la sương khói và bóng mờ
Chờ vó ngựa sang sông đốt bừng lửa sáng.

Ông xuống ngựa dẫm chân lên cỏ lạ
thấy ngựa buồn như ngóng cỏ quê hương
Chống kiếm xuống đất nhìn trời vô tận
đã thuộc về ông từ Hy Lạp đến bờ sông
Rồi màu trời khiến lòng băn khoăn
còn quá nhiều trường chinh cho giấc mộng.
" Hỡi con trai của ta
hãy tự tìm một vương quốc xứng đáng
Macedon quá bé nhỏ cho con..." (9)
Nghe không gian lồng lộng lời phụ vương.

Dòng nước chảy nhanh, thuyền nan trôi chậm
đứng ở đầu thuyền một ông lão.

- " Ông lão. Có thấy quan binh đóng bên kia bờ? Dừng thuyền được
                                                                                          chăng?"

- " Thưa đại đế, thuyền lão không bánh lái, không dừng được. Bên kia
                                                                                      trống không."

- "Sao thuyền ông trôi chậm vậy?"

- " Nước chảy nhanh, thời gian nhanh, thuyền nhẹ lướt nhanh, thuyền
                                                                                    nặng dễ chìm.
Thuyền không dính nước, tới lui tùy tiện."

- " Ông là du già, tu sĩ hay đạo sĩ?"

- " Có khác biệt gì! thưa đại đế. Bên phải là Sồi, bên trái là Bồ Đề, cùng
                                                                                             gọi là cây.
Trên cao là mây, dưới chân là cỏ, cùng gọi tuần hoàn."

- " Có khác biệt, ta là vua ngươi là dân."

- " Khác biệt do lòng người. Lòng lão xuôi theo sông, mai sẽ về với biến
lòng đại đế nôn nao lên núi. Đội trời, trời bao la
mai biển cạn núi mòn không chừng là sa mạc

sông thành thuyền, thuyền lại thành sông."

Dòng nước vẫn chảy nhanh, thuyền nan vẫn trôi chậm

- " Ta muốn hỏi ông, nên làm sao
tướng sĩ đến đây muốn trở lại quê nhà, còn ta muốn tiếp tục chinh chiến
vua quân không đồng lòng, trường chinh khó thành công?"

- " Cho dù đi xa mấy cũng sẽ về đến nhà, không ai có thể khác
nhà riêng bên này sông nhà chung bên kia sông
khác chăng là năm tháng đi và phương tiện về.
Ngài hãy tự hỏi lòng:
đi bao xa thì mỏi?
cầm bao nhiêu thì nặng?
thở thế nào là mệt?
ngủ bao lâu thì thức?"

- " Lịch sử luôn luôn thức
lịch sử không có chân không có tay không có hơi thở
chỉ có anh hùng và không anh hùng
chỉ có anh hùng lớn và anh hùng nhỏ
chỉ có người chết, người sống và người sống như chết
chỉ có sống thật và sống tạm thời."

- " Lịch sử không thức không ngủ không mệt mỏi,hết trang này lật sang
                                                                                           trang khác
nhưng lịch sử có hiểu biết và có tâm tình
không chỉ ghi lại đền cao đất rộng cung điện hòa bình chiến tranh và
                                                                                       ngày tháng
lịch sử ghi trí tuệ và lòng yêu thương
những anh hùng nào đế vương nào người thường nào bất tử
là một người tử tế với mọi người
là một người nghĩ đến bình an cho nhiều người.
Ngài hãy nhìn dòng sông chảy
chỉ có sông cạn, nước vẫn có muôn đời
chỉ có trang sử chấm dứt, lòng người còn mãi mãi."

Dòng nước vẫn chảy nhanh, thuyền nan xa dần
tiếng ông lão vọng lại
bóng đại đế bắt đầu chìm xuống sông.

***

Alexander triệu tập tướng lãnh ba quân
tiếng nói rền vang bóng chiều chạng vạng:
- " Hỡi tướng sĩ. Đường chinh phạt lẽ ra còn vạn dặm
chí chinh nhân đáng lẽ phải đội trời
ta chinh chiến chưa hề chiến bại
không trèo cao sao biết núi cao
trong gió bụi sử từng trang sẽ lật
bao nhiêu trang của ta và các ngươi
nhưng nhi nữ thường tình anh hùng khí đoản
ngàn dặm xa ai chẳng nhớ quê nhà
anh hùng càng lớn tình nhà càng nhỏ
nam nhi thường tình khí đoản nhịp con tim.
Ta nay ban lệnh lui binh về quê quán
trang sử mai sau chấm dứt ở sông Hằng."

- " Tung hô đại đế! Đại đế thiên thu! Tung hô đại đế!"

- " Ta có lời căn dặn các ngươi
quyết định lui binh là lời thần chết
bước ra ngoài trang sử là ngày cuối cùng
ta không chinh phạt đồng nghĩa ta là chiếc bóng
lửa tắt rồi bóng sẽ biến tan.
Khi ta chết, đây là ba điều di chúc:
Quan tài ta phải khiêng bởi những ngự y tài giỏi lừng danh.
Châu báu vàng bạc phải rải dọc bên đường ra phần mộ.
Đôi bàn tay ta phải đưa cao ra khỏi quan tài."

- " Thưa đại đế, tại sao ngài muốn lạ lùng như vậy?"

- " Ta muốn mọi người phải hiểu tận đáy lòng:
Dù danh y giỏi nhất cũng không cứu được chết.
Dù giàu sang cách mấy cũng bỏ lại trần gian.
Khi người đến hai bàn tay trắng
khi ra đi cũng chỉ bàn tay không."

Ngày hôm sau quân lui về lối cũ
Alexander dừng lại Babylon
ngủ mãi trong giấc mơ hoành tráng. (10)

Thời gian vẫn nhanh, xác thân vẫn chậm.



Kozan Ichikyo viết:

" tay không ta vào đời
chân không ta đi ra.
ta đến, ta đi
hai việc hồn nhiên
sao lại bối rối "
(11)



GHI:


Đại đế Alexander: (07, 356 - 06, 323 )


Nguyên là Alexandros III, con trai út của vua Philip II. Sau khi vua cha bị ám sát, ông lên ngôi lúc hai mươi tuổi. Từ trẻ ông đã có mộng chinh phục. Mỗi khi thấy cha mình chiến thắng giành nhiều đất đai, ông lấy làm buồn vì e rằng sẽ không còn nơi nào cho ông chinh phạt. 

Trong 12 năm liên tục ông đã thâu phục cả Ba Tư, xóa tan một đế quốc rộng lớn. Gồm những vùng đất Tiểu Á, Syria, Phoenicia, Gaza, Ai cập, Bactria, Lưỡng Hà. Sau đó ông tiếnquân chiếm những quốc gia như Afganishtan và mở rông bờ cõi đến bờ sông Indus ở phía tây Ấn Độ. Lẽ ra ông còn muốn tiến xa hơn nữa nhưng đoàn quân của ông đồng lòng muốn quay về quê hương. Trên đường về, tới vùng Babylon, ông nhiễm sốt và qua đời. Sau khi ông qua đời đế quốc do ông xây dựng cũng xụp đổ vì những cuộc nội chiến.

Đại đế Alexander được xem là một trong những thiên tài quân sự, chưa hề thua một lần nào. Người ta cũng ca tụng ông về việc mở mang văn hóa văn học chẳng những cho dân tộc Hy Lạp mà còn cho những giống dân khác ở trong đế quốc của ông. Ông trở thành một huyền thoại, một thiên anh hùng ca của người bản xứ.


(9) http://vi.wikipedia.org/wiki/Alexandros_%C4%90%E1%BA%A1i_%C4%91%E1%BA%BF

Trong suốt cuộc đời chinh chiến của mình, Alexandros luôn cưỡi con thần mã yêu quý Bucephalus. Câu chuyện Alexandros thuần phục được nó ngay từ khi còn nhỏ là một trong những mẩu chuyển tiêu biểu nhất Alexandros, thể hiện tài nghệ của chàng ngay từ khi còn nhỏ như vậy. Theo trước tác của Plutarchus, mọi sự mở đầu với việc một lái buôn người xứ Thessaly là Philoneicus đã mang con thần mã dũng mãnh này đến bán cho vua Philippos II, với giá là 13 đồng talent. Nhà vua và các quan cận thần trong Triều đình cũng ra một cánh đồng, và tại đó mọi người thay nhau ra sức thuần phục con thần mã. Con thần mã thật quá hung dữ và khó có thể bị chế ngự: nó không cho bất kỳ một ai cưỡi lên lưng nó, nó cũng không để tâm đến bất kỳ một lời khuyên nào của mọi người dưới sự cỗ vũ của Philippos II mà toàn là hất họ ra. Nhà vua tức giận, bèn đem trả con ngựa táo tợn này vì nó thật quá hoang dã và không thể kiềm chế được, nhưng Alexandros khi đang đứng đó, liền nói:

Họ mất một con ngựa như thế chẳng qua là vì họ chẳng có kinh nghiệm và thật quá hèn nhát để có thể thu phục được nó. ”

Đầu tiên Philippos II vẫn im lặng chứ không thèm để ý. Nhưng do Alexandros vẫn than vãn lặp đi lặp lại và trở nên hết sức là buồn bã, vua cha mới phán con: " Hoàng nhi cứ chê bai những người lớn tuổi hơn con cứ như là con biết nhiều hơn và làm tốt hơn họ vậy ". Hoàng tử Alexandros trả lời: " Ít ra thì con cũng biết thuần phục con ngựa này chứ không tệ như họ! " Vua cha lại hỏi: " Và nếu Hoàng nhi không thể thu phục được nó, thì con phải làm gì để trả giá cho cái tính bốc đồng của con ". Alexandros không ngại gì:

Con sẽ trả tiền mua con ngựa này, dưới sự chứng dám của thần linh. ”

Thế là tất cả mọi người cười phá lên. Alexandros đánh cuộc và chàng chạy đến con thần mã. Chàng nắm lấy dây cương và dắt con ngựa đi theo hướng mặt trời; rõ rằng, chàng nhận ra rằng con thần mã này thường trở nên hoảng sợ khi nhìn thấy cái bóng của chính nó ở phía trước nó. Vì vậy chàng dắt con ngựa đứng yên đối diện với mặt trời rồi dắt nó đi theo hướng này. Mỗi khi con ngựa tỏ vẻ hung hăng hay giận dữ, chàng lại khẽ vuôt ve nó. Bất thình lình, Alexandros nhảy lên lưng con thần mã rồi nhẹ nhàng nhưng cương quyết giật dây cương cho đến khi tất cả vẻ hung dữ biến mất. Rồi chàng ra lệnh cho con Bucephalus phi nước đại, với giọng điệu hùng hồn hơn hẳn.

Vua Philippos II và những người khác đứng xem rất lo lắng cho đến khi nhìn thấy Alexandros chiến thắng trở về. Nhà vua hết sức vui sướng và thỏa mãn, ông mừng đến mức phải rơi lệ. Trong khi đó, tất cả mọi người đều ầm ầm vỗ tay. Người ta nói rằng nhà vua bế Alexandros lên và hôn vào trán của chàng, sau đó ông đặt con xuống và tuyên bố:

Hỡi con trai của ta con hãy tự tìm cho mình một vương quốc xứng đáng vì Macedonia qua nhỏ bé với con. ”


(10) Tài liệu ngoại sử: http://www.coviet.vn/diendan/showthread.php?t=46032.


(11) Kozan Ichikyo: Thi sĩ Hài Cú Nhật Bản ( chết 1360). Ông viết bài thơ này trước khi qua đời, theo truyền thống của Nhật. Bản tiếng Anh:

empty handed i entered the world
barefoot i leave it
my coming. my going
two simple happenings
that got entangled.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss