Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Di trú

Di trú

- Đỗ Phấn — published 09/03/2008 09:50, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
truyện ngắn
Do Phan - Di tru 2-clean

DI TRÚ

truyện ngắn

Đỗ Phấn


Không ai biết gã từ đâu đến. Lúc chiều chạng vạng, một chiếc xe taxi tải chở gã và một đống đồ đạc nhàu nát hối hả đổ xuống vỉa hè. Mấy anh bốc vác tỏ rõ sự chuyên nghiệp của mình. Chuyển nhà trọn gói. Dòng chữ ghi bên thành xe đầy tin cậy. Một chiếc xe cấp cứu chạy theo đỗ ngay sát hè. Không hú còi. Không đèn hiệu nhấp nháy. Bệnh nhân ở bên trong cũng không còn ở vào tình trạng khẩn cấp. Những người bốc vác nhanh nhẹn mở cửa xe xúm lại giúp cô y tá chuyển người bệnh vào nhà. Đó cũng là một phần của bản hợp đồng chuyển nhà trọn gói. Bấy giờ là đầu mùa xuân. Từng đàn chim di trú hối hả bay về phương Bắc...

I

Góc phố bỗng mọc ra một quán phở gà. Phố phường xưa nay lãnh đạm. Việc một quán phở, hiệu gội đầu, thậm chí ngay cả một nhà hàng sang trọng có người gác cổng mặc đồng phục hẳn hoi bỗng nhiên xuất hiện cũng không làm ai giật mình. Người ta đã quá quen với lối làm ăn chớp nhoáng, thời vụ, “sáng cấy chiều gặt” từ mấy năm nay! Tuần trước còn ăn bánh cuốn ở một cửa hàng xập xệ trong phố, sáng nay quen chân nhớ bữa mò đến đã thấy cửa kính sáng choang, đèn đóm li kì chiếu vào mấy chiếc điện thoại di động nằm ườn trên giá trong tủ kính. Người giàu óc tưởng tượng nhất cũng không tài nào tìm ra mối liên hệ giữa bánh cuốn và điện thoại di động.

Chủ quán là người đàn ông lớn tuổi mới dọn nhà đến từ cuối tháng trước. Đồ đạc lỉnh kỉnh xếp trên hè phố cùng với bà vợ nằm thiêm thiếp chờ người khênh vào nhà không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy một hàng phở sẽ ra đời nay mai. Nhưng nó đã khai trương cùng với những đồ nghề cũ kĩ tưởng như không thể có thứ gì chuyên nghiệp hơn thế. Chiếc xoong nhôm trăm lít ám khói đen sì. Bếp than lớn với chiếc kiềng sắt đỏ mòn vì ngọn lửa. Dao thớt nhà nghề lên nước sáng choang. Vài ống đũa bằng nhựa nhờ nhợ màu hồng gợi nhớ trước kia chúng đã từng đỏ? Và tất nhiên, bốn cô nhân viên cố giấu vẻ quê mùa của mình trong những bộ trang phục thời trang rẻ tiền như tất cả nhân viên ở những hàng ăn trong phố !

Tấm biển mica mới tinh treo trước cửa quán đề hai chữ lớn: Phở Long và hàng chữ nhỏ bên dưới Phở gà gia truyền từ Cửa Ô chuyển về. Hàng phở ở cái thành phố suốt ngày ăn phở này tưởng rất dễ tồn tại mà lại hoá ra không! Thực khách khôn mồm nhớ chi li từng vị phở và tên tuổi chủ quán. Rất khó lòng bán được hàng nếu như không quảng cáo cho người ta biết xuất xứ của người bán hàng dù nhiều khi cái xuất xứ ấy là không thể kiểm tra xác minh. Đã gọi là “gia truyền” thì làm sao có thể dùng căn cứ khoa học mà bắt bẻ ?

Chủ quán có bốn cô giúp việc Mai, Lan, Cúc, Trúc. Bốn cái tên mới chỉ gọi lên nghe đã thấy thanh lịch phố phường. Ngoài ý nghĩa là một “Nghệ danh” còn như thầm mách bảo với khách hàng rằng cả “tứ quý”, xuân hạ thu đông họ đều được ăn món ngon và phục vụ tận tình. Và quả có như thế thật. Chỉ chưa đầy một tháng, dân phố đã kéo đến nườm nượp. Cũng chẳng ai biết Long có phải là tên thật của ông chủ ? Nhưng hình như nó rất hợp với tên của một quán phở thì phải. Mà cũng quan trọng gì, thành phố có rất nhiều người sống bằng tên giả. Tên thật nhiều khi chỉ dùng vào việc khắc bia khi họ nằm xuống. Bốn cô gái giúp việc, chỉ trừ Lan là tên thật, rất yên tâm với cái tên của mình. Họ gọi nhau bằng tên ấy một cách trơn tru và kèm theo bốn cái tên rất thị thành đài các, cách ăn mặc của họ cũng được gã chủ chỉnh sửa rất hoà nhập với thời trang phố phường. Dân phố ưa chuộng hình thức, vào quán ăn mà thấy nhân viên nhếch nhác quê mùa, bữa ăn đã kém ngon. Gã nói thế ! Càng mừng. Bốn cô gái ở quê ra đúng vào tuổi ăn diện, lại được ông chủ đồng tình, tha hồ mà ăn mặc chải chuốt. Chuyện này không phải lúc nào cũng xảy ra, nhất là khi đi làm thuê ở những nơi có bà chủ điều hành công việc !

Quán phở đắt hàng không phải chỉ vì lý do sạch đẹp và “gia truyền”. Phở mới là quan trọng nhất. Thành phố có đến hàng nghìn quán phở nhưng chỉ một vài quán đông khách. Vị phở ở những quán đông khách cũng hoàn toàn khác nhau nhưng đều phải có một cái gì đó đáng nhớ hơn vài nghìn quán khác. Phở Long cũng vậy. Bí quyết nằm ở nồi nước dùng. Chỉ mình gã biết cách pha chế, thêm bớt. Vào lúc nào thì cả bốn cô gái đều không biết! Mỗi người chỉ biết riêng phần việc của mình. Mai phụ trách luộc gà, thái thịt. Lan ninh xương nồi nước cốt và đứng bán hàng. Cúc, Trúc phụ trách bếp lò, bưng bê rửa dọn. Những việc vặt khác tiện ai nấy làm, không so bì hơn kém, tị nạnh ít nhiều.

Gã pha chế nồi nước dùng một cách thận trọng và tinh vi. Túi sá sùng khô cho vào lúc nào ? Hạt tiêu sọ và xay nhỏ cho vào lúc nào ? Hành củ nướng cháy cho bao nhiêu là vừa ? Những lọ bột con con gã cầm trong tay là bột gì chỉ mình gã biết ! Lại thấy từ tốn cầm cái muôi lưới thép hớt bỏ đi từng tí bọt nổi lên trong nồi nước. Khép bớt cửa lò cho nồi nước sôi lăn tăn vừa phải. Gã bảo Cúc, lửa to quá chỉ người đi đường là được hưởng vị phở, người ăn vì quá nóng cũng không cảm nhận được gì, đã thế nước lại bị đục, mất thanh ! Đã có lần Cúc thấy khách chê nước đục, cô suýt phì cười vì nghĩ dân thành phố hay nhiễu sự !

II

Tình cờ Lan đọc mục rao vặt trên một tờ báo, “...cần tuyển nhân viên bán hàng và nhận dạy nghề nấu phở...”. Cô khăn gói ra thành phố ở tuổi hai mươi hai. Cái tuổi đối với phố phường còn là nhắng nhít. Ở quê đã vào diện ế chồng. Chẳng biết bao giờ quê mình mới cần đến nghề nấu phở nhưng cô thì đang cần rất nhiều thứ. Cần một công việc khác với làm ruộng. Cần một chỗ để tự do chiêm ngưỡng cuộc sống phố phường không bị ai soi xét, đàm tiếu. Ở quê chỉ cần hở ra một nét mặt bâng khuâng thôi là hôm sau cả làng đều biết. Và rất có thể, cô còn cần cả những cuộc tình hiện đại như trên phim Hàn Quốc cô đã từng xem. Toàn những người đẹp yêu nhau đến say đắm dại cuồng mà thường là kết thúc bằng rất nhiều nước mắt!

Là người đầu tiên đến xin việc, Lan được gã đưa đi mua sắm và xem xét cách thức bán hàng ở nhiều nơi trong phố. Với vẻ mặt ưa nhìn, đôi mắt sâu thoáng buồn và nhất là cách ăn nói chững chạc, khiêm nhường đúng mực. Không vồn vã mà cũng chẳng thờ ơ. Gã phát hiện ở cô một người bán hàng hợp ý. Cô cũng nhận thấy người chủ của mình có lẽ là người làm ăn thật sự lo toan chu đáo. Không như những đồn đại ở quê. Phần lớn các ông chủ lạnh nhạt bề ngoài nhưng đều ấp ủ những toan tính xác thịt mỗi khi có dịp !

Chỉ mấy hôm làm quen với cuộc sống phố phường, cô đã cảm thấy muôn phần dễ chịu. Lang thang khắp các đường phố không gặp bất cứ người nào quen biết. Đã mấy ngày nay cô chưa phải cất lời chào ai. Đã thế lại luôn được những người bán hàng chào hỏi, hướng dẫn rất nhiệt tình.

Những ngày chưa khai trương cửa hàng, gã kê cho cô chiếc giường một ở gian ngoài. Gã nằm buồng trong trên chiếc giường gấp căng vải bạt từ thời Liên Xô cũ. Cũng là để tiện chăm sóc bà vợ tai biến mạch máu não nằm cả ngày trắng bệch như sáp nặn. Bà không thể cử động nhưng vẫn ăn rất khoẻ. Thỉnh thoảng cô giúp gã cho bà ăn cháo. Người bệnh nuốt khó khăn. Có khi trợn mắt ho, cháo bắn vung vãi. Gã ân cần thu dọn chẳng nói một lời. Cô cảm thấy ái ngại cho gã. Sức vóc còn mạnh bạo thế kia...

Người ta bảo duyên là nợ. Nợ từ tiền kiếp. Có thể không phải gã mắc nợ mà món nợ là từ các bậc sinh thành để lại. Nếu không, gã đã chẳng thể nào coi cái công việc đến y tá bệnh viện chuyên nghiệp kia còn ngại, là việc của mình. Gã đã phải trả dần cái món nợ này từ khi bà vợ còn khoẻ mạnh. Cả đời bà ấy chỉ làm được mỗi một việc : Ghen! Ghen với những người đàn bà khác mặc cho họ có tiềm ẩn nguy cơ hay không. Dĩ nhiên rồi ! Ghen với họ hàng nhà chồng được gã quan tâm chăm sóc hơn bên nhà mình ! Ghen với cả đám đàn ông thành đạt thường qua lại với chồng mình. Và bây giờ, ghen với đám giúp việc! Không thể nói ra lời nhưng ánh mắt bất chợt tỏ ra căm hờn thì ai cũng thấy. Dường như ghen tuông là lý do duy nhất để bà quyến luyến với cuộc đời và cũng là phần thân thể duy nhất của bà còn khoẻ mạnh.

III

Chủ quán Long là một kẻ kiệm lời. Chuyện đó có nguyên nhân của nó. Tấm biển hiệu đề rất rõ ràng Phở gia truyền, không thể để xảy ra sơ xuất. Khách khứa ở đây không chỉ ăn phở bằng miệng. Nếu như trước đây phở chưa tăng giá lên quá mười nghìn một bát, gã chưa bao giờ phải nói quá hai từ khi tính tiền cho khách. Nhưng chỉ ba từ thôi thì cũng rất khó để phát hiện ra cái thổ ngữ ven biển miền trong của gã. Ở cái đất mà người ta biết quá rõ có rất nhiều nghề gia truyền. Trừ phở !

Với bốn cô giúp việc luôn gọi gã bằng “bố” thì lại khác hẳn. Mỗi tối, sau khi dọn quán, “năm bố con” chuyện trò như pháo ran. Quanh mâm cơm ấm cúng hết sức gia đình, gã thoải mái nói năng bằng cái giọng miền trong nhừa nhựa nửa như mực thước, lại cũng không kém phần ve vãn khêu gợi. Bữa cơm được Mai chuẩn bị theo chỉ dẫn của gã bao giờ cũng được các cô khen là ngon, là lạ. Chẳng thế mà quán phở mở chưa đầy một tháng, Lan đã thì thầm vào tai Mai, tao phải ăn uống bớt đi một chút mới được, quần áo mới mua đã chật rồi ! Chẳng nói ra thì ba cô kia cũng có chung một tâm sự. Nhưng để thực hiện nó lại chẳng dễ chút nào. Gã thì ngược lại. Luôn lấy bà vợ đau yếu ra làm bài học giữ gìn sức khỏe, phải khỏe để còn làm việc và hưởng thụ, như bà ấy bây giờ còn biết gì là ngon, là lạ ?

Lan được gã yêu quý và tin cậy hơn cả. Phần vì cô là người đầu tiên đến làm việc ở đây. Phần vì cô tình nguyện ngủ lại trong nhà và giúp gã những việc vặt phục vụ bà vợ ốm. Cô có lợi. Không phải mất tiền thuê trọ, lại được sử dụng những tiện nghi sinh hoạt mà nhà trọ không bao giờ có. Đó là còn chưa kể đến những phức tạp ở chốn xô bồ khiến con người luôn phải sống trong sự cảnh giác cao độ. Gã cũng có lợi. Thêm người đỡ việc. Vả lại cũng vui.

Từ ngày mở cửa bán hàng, cái giường gỗ của cô được gã kê vào buồng trong nhường chỗ cho khách khứa. Tối đến, cô trải chiếc giường xếp nằm ở gian bán hàng. Vẫn còn hơn nhà trọ mỗi tối mất năm nghìn. Chỉ phải cái mùi nước phở luôn đặc quánh quanh mình. Mãi rồi cũng quen, không ngửi thấy gì nữa. Người ta chỉ ngửi thấy mùi lạ ở chỗ lạ, người lạ. Thế giới chỉ có một mùi phở cũng có nghĩa là thế giới không mùi. Rất ít thứ có mùi át được mùi của một quán phở. Nếu chưng cất được mùi phở thành một thứ “nước hoa”, rất có thể phở sẽ được phổ biến cho toàn nhân loại. Ngày xưa cụ Nguyễn Tuân chẳng đã từng viết về mong muốn của mình như thế là gì. Dù là bát phở “không người lái”, nếu đã có mùi phở thì vẫn không thể gọi là một cái gì khác! Duy chỉ có cách ăn của cụ là đã không còn giống với muôn triệu người ăn phở bây giờ...

Phở gà ngày nay cũng không còn phảng phất một nét nào như miêu tả của nhà văn Vũ Bằng viết trong Thương nhớ mười hai nữa. Gã cũng thừa biết điều đó. Nhưng để chiều theo sở thích ẩm thực của đám người đua đòi trong thành phố, gã bảo Lan thả vào nồi nước dùng những viên giò sống. Lại bảo Mai luộc ít tim cật lợn thái chỉ cho thêm vào khi khách có yêu cầu. Sáng sáng, những chiếc ôtô biển số lạ có lẽ đã thao thức suốt đêm thường mang đến những vị khách hay gọi đủ tất cả những gì quán phở có để cho vào bát của mình !

Mùa thu dè dặt đến không hay biết. Đối với dân phố, mùa nào thì cũng có nghĩa là bán mua nhộn nhịp, tất bật lo toan, chen chúc ngoài đường. Quán phở vẫn đông khách như thường lệ. Bốn cô gái bị công việc cuốn hút cả ngày. Chỉ có khái niệm tương đối về sự nghỉ ngơi sau một ngày làm việc. Nghỉ việc bán hàng để làm những việc riêng tư, tắm giặt, chuẩn bị cho ngày mai.

Đêm đầu thu. Trời vẫn còn nóng bức. Cái oi ả của một ngày nắng vẫn còn váng vất trên mái ngói, ran trên mặt tường phía tây ngôi nhà. Những ngôi nhà trong phố cho hàng phở thuê thường chỉ là những nhà ngói cấp bốn cơi nới tạm bợ. Không cần tu sửa chỉnh trang gì ngoài một lần duy nhất quét vôi lại vào dịp nghỉ tết. Đằng nào thì vài tháng sau nó cũng ám đầy bụi khói, mỡ màng, trông rất nhếch nhác như mọi hàng phở xưa nay vẫn thế. Thậm chí nó còn như một lời mời chào bảo đảm cho khách hàng có nên quyết định dừng chân hay không? Ở thành phố ít ai dại dột bước vào hàng phở máy lạnh có treo những củ hành tây sẫm màu lủng lẳng trong tủ kính. Những hàng phở như vậy chỉ có thể gây bất ngờ về... giá bán !

Cái nóng bức ngột ngạt cộng với mùi hoa sữa hăng hắc ngoài phố bất chợt hôm nay bỗng ngửi thấy làm Lan khó ngủ. Có lẽ cũng chỉ mùi hoa sữa. Thứ mùi át được hương vị quán phở chẳng trách gây nên cồn cào nỗi nhớ cho dù người ta không có gì để nhớ ! Cựa quậy đến gần nửa đêm trên chiếc giường bạt kẽo kẹt lò xo, tự nhiên cô nhận biết thêm một thứ mùi nữa ám trong lớp vải bạt sũng màu mồ hôi. Nó giống với cái mùi gây gây của tấm đệm sau trên xe cậu bạn lái ôtô ở quê. Trong một lần vui chân theo cậu ấy lên xe đi chơi xa nhà, cậu bạn đánh xe đến một vùng núi hẻo lánh mà cậu ấy gọi là Ba Vì hay gì đó cô không nhớ nữa. Không nhà cửa, quán xá, nửa đêm, giữa đường, cậu ấy kêu buồn ngủ. Xe đỗ sát vào mép đường trú trong bóng tối của một bụi cây hoang dại. Hai đứa ngủ chung trên băng ghế sau. Mùi đệm xe hay mùi cậu ấy đã làm cô nghẹt thở ? Cô không dám chắc ? Những cử chỉ ve vuốt, từng cái hôn dịu dàng đã làm cô mê man trong cơn khoái cảm tột cùng. Buổi sáng thức dậy thấy từng vệt máu hồng rải rác in khắp trên đệm xe, cô vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Vẫn nghĩ có lẽ cậu ấy phải là của mình. Cả chiếc xe nữa chứ? Chỉ đến khi cậu ấy bặt tin hơn hai tháng trời, cô mới biết là mình đã mang thai ! Dĩ nhiên chị gái cô là người biết chuyện trước tiên. Cô chị bằng kinh nghiệm của mình đã rất sáng suốt bí mật đưa em đi giải quyết hậu quả. Cậu bạn như người tàng hình, nghe nói cả cái ôtô cũng đã đem đi sơn lại. Không biết bây giờ nó màu gì ?

Thế nhưng cái mùi của đêm ấy lại không dễ gì quên được. Nó đây! Như được bện chặt vào từng sợi vải trên chiếc giường xếp. Nó làm cô trằn trọc thao thức, áp mặt xuống lớp vải sần sùi gai góc mà hít hà...

Chủ quán Long cũng không ngủ. Cho dù cơ bắp vẫn còn vâm váp thì ở cái tuổi ngoài sáu mươi, giấc ngủ đến với gã cũng chỉ còn ngắn ngủi sau bữa cơm chiều. Nửa đêm tỉnh giấc, gã nghe rõ từng tiếng trở mình kẽo kẹt của Lan trên chiếc giường xếp ngoài gian bán hàng. Gã khẽ khàng buông chân xuống đất quờ tìm đôi dép. Chẳng cần bật đèn thì trí nhớ cũng đủ để đưa gã đến nơi cần mà không gây ra bất kỳ một tiếng động nào...

Không có tiếng động nhưng không có nghĩa là Lan không phát hiện ra. Cái mùi đàn ông cồn cào khó tả đột nhiên ùa đến khiến cô mở choàng hai mắt. Gã giơ hai tay dò dẫm sát cạnh giường, cô thảng thốt kéo gã nằm xuống như một phản xạ không lời. Gã không vồ vập như cậu bạn trẻ ở quê ngày nào. Khoan thai gỡ từng món đồ ra khỏi thân thể tròn căng, nóng bỏng của cô. Luồn hai bàn tay rắn chắc xuống dưới mớ tóc mềm mại của cô đã nhô lên khỏi đầu giường, gã từ tốn nhập vào cô làm một. Khoẻ khoắn, đam mê, với nhịp điệu nhanh dần đều, tiếng cô rên đứt quãng, dồn dập, hả hê...

IV

Sáng nay nhận được điện thoại chị gái ở quê gọi lên, Lan oà khóc nức nở. Bố cô lâm bệnh nặng, có lẽ khó qua khỏi. Người nông thôn lạ thế? Rất khoẻ, nhưng đã ốm thường hay ốm nặng. Mà không phải là loại ốm tìm không ra bệnh như dân phố. Có bệnh, ung thư phổi hẳn hoi, nhưng đến khi thấy mệt, đưa vào đến bệnh viện thì bác sĩ cũng chỉ còn cách lắc đầu. Long tất bật sắp xếp đồ đạc, tiền nong và đèo cô bằng xe máy ra bến xe. Trước lúc lên xe còn dặn, có gì thông tin lên nhé ! Cô hốt hoảng gật đầu bước vội lên chuyến xe sắp khởi hành...

Vắng Lan, công việc ở quán vẫn phải diễn ra như mọi ngày. Khách quen không thể một ngày không ăn phở. Khách lạ nghe đồn phở nơi này ngon có tiếng lại càng kéo đến đông hơn. Mai được gã giao cho chân bán hàng thay Lan. Con bé Trúc còm cõi nhưng được cái nhanh nhẹn khéo tay, gã “đôn” lên vị trí thái thịt. Cúc làm thêm việc bưng bê và rửa bát. Cô chậm chạp và lớn tuổi nhất. Dạo này đã thấy thỉnh thoảng cúi mặt xuống chậu nước cười một mình. Chả ai biết tại sao ? May mà bán phở không giống như bóng đá, dù có thay đổi đội hình, thực khách cũng khó mà biết được...

Thực ra thì Mai nào có kém gì Lan trong việc đứng bán hàng. Chẳng qua Lan cũng chỉ là người “cũ” hơn cô độ mấy ngày. Mai hơn Lan chừng hai tuổi nhưng nét mặt già dặn phong trần hơn rất nhiều. Những gì có thể in dấu ấn lên thời thơ dại của cô hình như đã được gương mặt cô nói hộ tất cả. Ở nơi cô trọ đêm, cô thuộc vào hàng cũ mặt. Đã có thâm niên bươn chải trong thành phố làm thuê được mấy năm rồi. Người mới đến dễ gì sống nổi trong mấy căn nhà trọ bờ sông thiếu thốn đủ mọi thứ tiện nghi và quá dư thừa những tệ nạn. Tệ nạn đến mức nhiều việc người ta đã không còn coi là tệ nạn nữa. Thản nhiên mà sống với chúng như một nhu cầu. Hơn một năm nay, bố con lão thợ mộc thuê trọ cạnh nhà Mai thay phiên nhau sang ngủ với cô. Phải trả tiền đàng hoàng và cô cũng bắt họ phải đi bao cao su. Đi bao cao su cho an toàn. Trả tiền là bắt họ phải nhường nhịn nhau bởi thu nhập của họ nào có dư dả gì. Vả lại, bố con họ cũng là những kẻ bặm trợn có tiếng ở đây, cô không muốn gây hiềm khích khi phải thiên vị một ai. Đó cũng là một thứ tình cảm rất lạ của cả hai bên. Không yêu đương thề thốt gì cả nhưng lâu lâu không “gặp” rõ ràng là rất nhớ. Cô nhớ cái cách làm tình hùng hục của thằng con. Khi cô còn chưa kịp rướn hông vặn mình đến lần thứ hai, nó đã đờ người, thoi thóp... “bắn”! Ông bố hơn hẳn ông con về thời gian hành lạc, nhưng cứ như diều đứt dây. Lần nào cũng để lại cái bao cao su sũng nước trong người cô. Thứ hắn rút ra bao giờ cũng chỉ còn mảnh khảnh, nhùng nhằng như một sợi dây chun nhão...

Chiều nay đóng cửa hàng sớm. Mai còn phải lo nấu ăn cho “cả nhà”. Chủ quán Long cũng giúp vào một tay. Bữa ăn vì thế không bị chậm trễ. Mọi người lặng lẽ ngồi vào bàn, tâm trạng khác hẳn mọi ngày. Cúc và Trúc có vẻ lo lắng cho Lan, chị Lan không biết hôm nào mới lên ? Trúc hỏi bâng quơ. Mai nguýt Trúc, sao không hỏi “bố” ? Long ậm ờ, sống chết thì bố ai mà biết được...?

Dọn dẹp bàn ghế xong đã là chín giờ tối. Mọi hôm Lan là người làm công việc này. Hôm nay nghiễm nhiên Mai là người thế chân. Với cô, chuyện kê dọn chẳng mảy may vất vả. Đã từng làm ở những nhà hàng lớn, nhiều đêm kê dọn đến khuya là chuyện thường. Xếp đống ghế nhựa chồng lên nhau, lau sạch những mặt bàn thép trắng. Ống đũa, lọ dấm xếp gọn vào một chiếc bàn trong góc nhà. Chồng bát rửa sạch tráng nước sôi bày sẵn lên quầy bán hàng. Sự ngăn nắp, hợp lý của cô có thể còn hơn cả Lan. Chủ quán Long mỉm c­ời hài lòng, bây giờ mới biết tài của Mai đấy, cô Lan cũng chưa bao giờ dọn dẹp ngay ngắn được như vậy ! Mai mát mẻ, thế sao bảo “bố” định truyền nghề cho nó ? Là cứ nói thế, làm gì mà đã ghen, thôi tối nay ngủ đây, muộn rồi, mai lại làm việc sớm ! Chẳng cần đợi ông chủ nói đến lần thứ hai, Mai lẳng lặng bước vào buồng tắm. Dòng nước mát lạnh òa xuống từ chiếc vòi sen làm cô tan hết mệt nhọc. Vui miệng, cô hát, “ Mây ở cao nguyên về...! ”.

Bước ra từ buồng tắm, vai khoác hờ chiếc khăn bông, cô không ngạc nhiên khi thấy một đốm lửa nhỏ lập loè phía chân chiếc giường xếp Long vừa trải ra ngay ngắn. Chẳng chút ngại ngần, cô bước về phía ấy. Dập nhanh mẩu thuốc xuống nền nhà, Long vờ nói, đi ngủ chưa Mai, tôi nhường chỗ đây này ! Mai bật cười, đừng vờ mãi thế, lại chẳng nuốt nước bọt suốt từ chiều...!

Sức khoẻ và cái cách làm tình của Long bằng cả hai bố con ông thợ mộc chập lại. Chiếc giường xếp võng xuống sát đất run lên kẽo kẹt như sắp đứt toàn bộ số lò xo được chế tạo từ thời Liên Xô cũ. Gã khéo léo dìu cô lên cái bàn inox bên cạnh. Cái mặt bàn mỏng manh phát ra những tiếng ùng ục rất tức cười chen lẫn tiếng da thịt miết lên mặt thép và tiếng thở của gã. Gần một giờ sau, tiếng động mới tạm thời lắng xuống. Cả hai bềnh bồng. Mệt rũ...

Có tiếng nấc khô khốc vang lên từ buồng trong. Gã mặc vội chiếc quần đùi chạy vào bật đèn. Cảnh tượng trước mắt làm gã vô cùng ngạc nhiên. Bà vợ ốm sau ba năm liệt giường bỗng tự lật nghiêng người. Một cánh tay buông thõng xuống cạnh giường vẫn còn đang đung đưa. Gã hấp tấp đến bên, nâng cánh tay gầy guộc khốn khổ ấy lên và lật bà nằm lại tư thế cũ. Nhưng đó là lần cuối cùng. Bà vợ gã đã không còn cần đến sự chăm sóc ấy nữa...

V

Lan ở quê lên sau ngày đưa đám bà vợ ông chủ Long một tuần. Bố cô cũng vừa mất vào dịp ấy, chỉ sau bà vợ ông chủ hai ngày. Cô không ngạc nhiên khi không thấy có thay đổi gì lớn ở quán phở. Dù bà chủ vừa mới ra đi. Hình như bà ấy đã ra đi từ lâu lắm rồi thì phải. Từ cái đêm mùi hoa sữa nồng nàn. Sáng dậy, cô thấy có hai giọt nước mắt mờ đục đọng trên gương mặt như xác chết của bà ấy. Hai giọt nước mắt đã không đủ lớn để rơi ra khỏi khuôn mặt chằng chịt những vết hằn sâu…

Thay vào chỗ chiếc giường của bà là một bàn thờ nhỏ. Tấm ảnh lồng khung kính đặt trên bàn thờ là gương mặt người người của một thiếu phụ đang cười. Chẳng giống bà ấy tí nào cả. Hay có lẽ cô cũng chưa bao giờ nhìn thấy bà ấy cười ? Ông chủ là người may mắn hay thiệt thòi cũng không ai biết nữa ? Không thấy gã tỏ ra buồn bã. Và dĩ nhiên cũng không cần đến sự cảm thông chia sẻ của các cô. Không ai bày tỏ điều gì với gã, ánh mắt của Mai hôm nay nhìn Lan cũng rất lạ. Nửa như tị hiềm, nửa như đắc thắng !

Buổi tối. Lan còn đang chần chừ như muốn chờ Mai ra về rồi mới dọn giường đi ngủ, ông chủ Long đã lễ mễ xách ra một chiếc giường xếp mới tinh. Vừa mở chiếc giường ra vừa nói, Mai mấy hôm nay ngủ ở đây giúp tôi việc nhà, Lan kê thêm chiếc giường mới, chị em ngủ với nhau ngoài này cho vui ! Thực ra thì gã cũng chưa biết phải làm thế nào, trong lúc vội vã, tốt nhất hãy chỉ nên tỏ ra hoà nhã. Mua thêm chiếc giường xếp là lời giải duy nhất lúc này cho bài toán mà gã biết muôn năm không có lời giải. Tất nhiên là gã đã có những dự định. Nhưng chả dại gì nói ra bây giờ. Đàn bà sẽ tranh đấu không khoan nhượng một khi gã nói ra trước ý định chia tay...

Mai và Lan đều đã là đàn bà. Không phải gã làm cho các cô trở nên như vậy nhưng cả hai đều giống nhau ở chỗ họ rất gần với sự cơ nhỡ. Chỗ duy nhất để bám víu không có ai ngoài gã ? Cũng là cái đích để họ ư­ơn tới. “ Cái đích ” ấy lập tức nhận ra và khiếp sợ trước những gì các cô có thể làm. Trong cuộc cộng sinh nơi đất khách quê người, gã đã có đủ kinh nghiệm về những ràng buộc như thế !

Mùa đông năm ấy, mối quan hệ giữa Mai và Lan đã đến hồi căng thẳng. Không còn cạnh khoé xỏ xiên nhau nữa, hai cô đã mấy lần lao vào nhau tóm tóc, cấu xé với toàn bộ quyết tâm và lẽ phải tưởng như lúc nào cũng ở phía mình. Gã không đả động gì đến chuyện đó. Rất kẻ cả, gã bảo, tôi sẽ giao lại toàn bộ hàng quán cho hai cô, liệu mà bảo ban nhau làm ăn và trả tiền thuê nhà ! Chuyện gã nói quá đột ngột, nằm ngoài tưởng tượng của cả hai. Chưa biết phải làm gì, gã sắp ra đi, hai cô líu ríu nghe gã dặn dò...

Trời rét đậm, từng đàn chim di trú tao tác bay về phương Nam, bỏ lại lưng trời những tiếng kêu thảng thốt...

VI

Cái thành phố này có bao nhiêu người đến rồi lại ra đi như gã ? Chả ai biết được. Mai và Lan cũng chỉ biết rằng cuối cùng thì gã đã cư xử như một người tử tế. Thậm chí hai cô đôi lúc còn cảm thấy ân hận khi đã gây ra cho gã quá nhiều phiền toái. Trước khi đi, gã vẫn dặn dò hai cô đủ việc. Kể cả kỹ thuật “gia truyền” nấu phở gã cũng không giấu giếm các cô điều gì. Tiền lương của cả bốn cô và tiền nhà gã cũng trả trước cho các cô một tháng.

Cái lý do để Mai và Lan sinh sự đã vắng mặt. Họ làm lành với nhau rất nhanh. Đàn bà là thế ! Khi còn tranh cãi chuyện “ chồng chị chồng em ” thì vô cùng quyết liệt. Nhưng khi “ anh ấy ” đã không còn là của cả hai thì họ rất có thể sẽ trở thành những đôi bạn tốt. Chuyện trò tâm sự với nhau toàn bộ những thói hư, tật xấu của một “ ông nhà mình ”. Và cả hai chỉ có một “ ông nhà mình ” ? Và dĩ nhiên không thể có hai kết luận về một con người. Đại loại như “ Lão ấy là người tốt, chỉ phải cái máu gái ! ” chẳng hạn. Nhưng đã chẳng cô nào nhận ra rằng “ máu gái ” chính là cái phẩm chất ở đàn ông mà họ cần ! Nhiều khi là phẩm chất quan trọng nhất để nói lên mức độ “ tốt, xấu ” của đàn ông ?

Hai cô gái bây giờ là “đồng chủ quán” phải thực hiện những dặn dò của gã một cách tuyệt đối thận trọng. Nó liên quan đến sự tồn tại của quán phở. Nhìn vẻ ngoài, cái quán phở không có gì đổi khác. Nhưng phần quan trọng nhất của một quán phở là nồi nước dùng thì đã đôi lần chệch choạc dù đã phải vận dụng đến trí tuệ tập thể của cả hai cô. Các cô không tài nào nhớ nổi phải cho gia vị gì, vào lúc nào. Có hôm còn quên biến cả mấy lọ hương liệu con con gã để lại trong hộc bàn bán hàng.

Thực khách lại không quên những gì họ đã từng thưởng thức. Họ không biết là cái gì và cũng không thể nói ra. Dù rằng câu khẩu hiệu “ Khách hàng là thượng đế ” cũng chỉ được dịch từ tiếng tây ra nhưng nó vẫn có một phần giá trị ở cái thành phố này. Nơi mà đến ngay cả thượng đế cũng có rất ít quyền hành. Không thể đòi hỏi, không thể ra lệnh, không thể yêu cầu, không thể bắt phạt! Chỉ có thể bỏ đi. “ Thượng đế buồn thượng đế bỏ đi ”. Ông nhạc sĩ du ca đã phát hiện ra chuyện đó khi sáng tác bài hát phục vụ cho cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch !

Phải mất vài ba tháng sau khi mở hàng, khách khứa mới bắt đầu đông đúc nhộn nhịp. Thu nhập của quán mới có lãi và gánh chịu được muôn vàn chi tiêu hợp lý và “ hợp tình ” của một hàng ăn trong phố. Để xe bừa bãi ? Phải có một khoản chi cho đội dân phòng tự quản. Tết nhất, nghỉ hè, nghỉ mát, bão lụt, thiên tai, từ thiện nhân nhiều dịp đều phải lo đóng góp. Thường thì người ta bỏ tiền ra để thuê một ai đó làm việc cho mình. Nhưng chuyện này khác hẳn, bỏ tiền ra chỉ là để “ thuê ” người ta không ai làm gì cho mình cả, nói cũng không !

Chỉ cần vài ba tuần chệch choạc thôi, khách khứa đã bỏ đi gần hết. Mai và Lan làm sao có đủ kinh nghiệm phố phường mà tìm ra nguyên nhân. Khách ăn phở ở cái thành phố nổi tiếng về tài nấu phở không phải vô cớ mà bỏ đi. Phở là niềm tự hào và hình như cũng là di sản duy nhất người dân nơi đây còn bảo vệ giữ gìn được. Rõ ràng là phở đã kém ngon. Nhưng còn có một nguyên nhân sâu xa khác. Đó là sự vắng bóng của ông chủ kiệm lời. Bốn cô gái loay hoay mãi vẫn không tài nào chứng tỏ được rằng họ là người chủ đích thực. Lại càng đáng ngờ hơn, ở cái biển hiệu vẫn sừng sững tên một người đàn ông nhưng bên trong đã không có một chút gì nói lên điều ấy. Kinh doanh nhập nhoạng, người ta treo biển tên người khác ở cửa hàng của mình từ lâu đã không còn là chuyện lạ. Không một ai biết có bao nhiêu hàng phở “gia truyền” trong thành phố lại là của người nơi khác mang đến ? Dân phố luôn khôn ngoan nhận về mình những gì tốt đẹp và ngon. Chỉ có cái xấu mới từ nơi khác đến ?...

VII

Cúc dạo này càng hay cười. Những lúc vắng khách, cô ngồi cúi đầu “ soi gương ” lên mặt bàn inox rồi phá ra cười. Chẳng ai biết là tại sao? Con bé Trúc hoạt bát nhanh nhẹn mọi ngày, giờ ít việc, tay chân buồn bã, nó thường với tay lên chỏm tóc ngứa trên đỉnh đầu mà bứt. Lâu dần, tóc rụng mất một khoảnh bằng cái trôn bát.

Không thể cầm cự được lâu hơn nữa, Mai bàn với Lan trả lại ngôi nhà. Số tiền bán đồ nghề, bàn ghế, cũng là tạm đủ để các cô trang trải và chia đều cho chị em mỗi người một ít. Họ cũng chẳng có gì nhiều hơn ngày mới đến đây ngoài mấy bộ quần áo đã bắt đầu cũ nát.

Lại một mùa xuân nữa qua đi. Trời trong xanh vắng lặng không một gợn mây. Những tiếng kêu thảng hoặc, rời rạc của bầy chim di trú đã mất hút về phương Bắc...

Đỗ Phấn

7-2007

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss