Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Dương Thị Xuân Quý

Dương Thị Xuân Quý

- Bùi Minh Quốc — published 07/03/2009 15:29, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Cách đây 40 năm, ngày 8.3.1969, nhà thơ Dương Thị Xuân Quý hy sinh tại chiến trường Duy Xuyên (Quảng Nam)


8.3.1969 - 8.3.2009



DƯƠNG THỊ XUÂN QUÝ

Bùi Minh Quốc

      Kính gửi Ban tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của nhà văn – liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.

      Nhận được giấy mời (gửi qua bưu điện) và đề nghị chuẩn bị phát biểu trong buổi lễ do nhà thơ Nguyễn Thế Khoa thay mặt Ban tổ chức cho biết (qua điện thoại), tôi đã cố gắng sắp xếp để có thể ra Hà Nội kịp thời, nhưng rất tiếc, vào phút cuối, một hoàn cảnh riêng đột xuất đã không cho phép thực hiện được như dự định.

      Xin gửi tới buổi lễ bài phát biểu của tôi, kính nhờ ban tổ chức cử người đọc giùm, tôi hy vọng người đó là nhà thơ Nguyễn Thế Khoa, và mong muốn bài sẽ được đọc trọn vẹn.

      Chân thành cám ơn.  

 

      Kính thưa Ban tổ chức

      Kính thưa các chị, các anh và các bạn trẻ  

Tôi trân trọng cám ơn ban tổ chức đã dành cho tôi thời gian để phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm trọng thể và xúc động này.

Tiếp nối những gì mình đã viết trước đây, hôm nay ngoài phần ôn lại tiểu sử, tôi xin được bày tỏ thêm một số hiểu biết và chiêm nghiệm về những trang đời, trang viết ngắn ngủi cùng tấm gương hy sinh cao cả của người vợ, người bạn đời, người đồng nghiệp vô cùng thân thiết của tôi - nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.

 

Trước hết, xin cho phép tôi kể một chuyện riêng trong gia đình. Dương Thị Xuân Quý hy sinh ngày 8 tháng 3 năm 1969 tại chiến trường Duy Xuyên, Quảng Nam. Nỗi bàng hoàng trước sự ra đi của Quý chưa nguôi thì tại chiến trường tôi lại được tin gia đình báo cho biết vào cuối tháng 3 đau đớn ấy, thân phụ Quý cũng qua đời vì bệnh. Trong vòng không đầy 1 tháng, gia đình chịu hai cái tang lớn. Các anh chị của Quý phải cùng nhau thực hiện một quyết định hết sức khó khăn: giữ bí mật không cho mẹ biết việc Quý hy sinh. Tôn trọng quyết định đó của gia đình nên ở Hà Nội ngày ấy các cơ quan như Hội Nhà văn Việt Nam, báo Phụ Nữ Việt Nam, Tiểu ban văn nghệ miền Nam cùng thống nhất tổ chức lễ truy điệu Quý chỉ do Tiểu ban văn nghệ miền Nam thuộc Đảng đoàn Văn nghệ trung ương tiến hành lặng lẽ trong phạm vi hẹp. Hơn sáu năm sau, nghĩa là sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các anh các chị mới chính thức báo tin với mẹ rằng con gái út Xuân Quý thân yêu của mẹ không còn nữa. Mẹ đón nhận tin đau một cách bình tĩnh. Một thời gian khá lâu sau này, Hương Ly con gái tôi mới kể: thực ra bà đã đoán biết rất sớm, bà đã đặt bát hương thờ ông, thờ mẹ Ly trên chùa Bà Đá, bà cứ âm thầm chịu đựng một mình không cho các bác biết để các bác khỏi bận tâm lo lắng về bà mà yên tâm công tác.

Xin cho phép tôi, nhân lễ kỷ niệm này, một lần nữa thắp nén hương tưởng niệm mẹ, người mẹ vô cùng yêu quý của Quý, của tôi, người bà vô cùng yêu quý của con gái chúng tôi, Người là Hoàng Thị Tín, Người là nguồn cội thiêng liêng đã sinh thành, giáo dưỡng và hiến dâng cho đất nước người con gái anh hùng, người nữ nghệ sĩ - chiến sĩ hiếm có trong văn học cách mạng mà giờ đây chúng ta họp mặt để cùng nhau nhìn nhận rõ hơn giá trị cuộc đời và trang viết.  

Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19 tháng 4 năm 1941 tại Hà Hội, quê quán thôn Phú Thị xã Mễ Sở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên trong một dòng tộc trí thức, nghệ sĩ yêu nước chống thực dân Pháp. Ông nội Quý, cụ Dương Trọng Phổ, từ rất sớm đã vận động cho Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn. Phụ thân Quý, ông Dương Tụ Quán là một nhà giáo sau chuyển sang làm báo, chủ trương tờ Văn Học tạp chí, rồi tạp chí Tri Tân.Bác ruột Quý, ông cử Dương Bá Trạc vừa tham gia tích cực trong Đông Kinh Nghĩa Thục vừa viết báo viết văn.Sau khi đàn áp Đông Kinh Nghĩa Thục, thực dân Pháp mời ông làm tri huyện nhưng ông từ chối và tiếp tục hoạt động chống Pháp, bị chúng đày ra đảo Côn Lôn trước cụ Dương Trọng Phổ ít ngày. Một người bác ruột nữa của Dương Thị Xuân Quý là nhà nghiên cứu nổi tiếng Dương Quảng Hàm. Hai người anh con bác ruột của Quý là các hoạ sĩ Dương Bích Liên, Dương Cẩm Chương.    

Từ cái nôi văn hóa ấy Quý đã lớn lên, và đến lượt mình, một cách tự nhiên, cũng theo nghiệp cầm bút.

Có năng khiếu và say mê văn chương, cô bé Dương Thị Xuân Quý đã thích ghi nhật ký từ 7 tuổi, khi đang sống với gia đình tại Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc.Sau ngày giải phóng thủ đô, Dương Thị Xuân Quý về Hà Nội học trường phổ thông cấp 2 Trưng Vương, rồi ra Quảng Ninh học trường trung cấp mỏ, sau đó về học khoá báo chí do Ban Tuyên huấn trung ưong mở. Tốt nghiệp khoá học, Quý về làm phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968, năm nào cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến, đồng thời theo học tại lớp ban đêm chương trình ngữ văn của đại học sư phạm. Là một phóng viên năng nổ và xông xáo, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ở nhiều vùng nông thôn trên miền Bắc. Mang thai con đến tháng thứ sáu, Quý vẫn về Quảng Nạp (Thái Bình), đi cấy đi gặt với bà con xã viên để vừa viết báo vừa viết văn. Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ngay tại các vùng trọng điểm tuyến lửa Nghệ An Hà Tĩnh năm 1965. Cùng năm ấy, Dương Thị Xuân Quý viết đơn tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 2 năm 1966, Dương Thị Xuân Quý lập gia đình, thành hôn với Bùi Minh Quốc, người bạn thân và đồng nghiệp mà trước đó một thời gian dài hai người chỉ làm quen và hiểu nhau quý mến nhau qua sáng tác và thư từ. Tháng 12 năm 1966, Dương Thị Xuân Quý sinh con gái đầu lòng và cũng là duy nhất Bùi Dương Hương Ly. Trước khi sinh Bé Ly một ngày, Dương Thị Xuân Quý đã kịp tập hợp các sáng tác gồm bút ký và truyện ngắn mang tên Chỗ đứng gửi đến nhà xuất bản, nhưng khi sách in xong gửi vào tới chiến trường thì Quý đã không còn được nhìn thấy mặt đứa con tinh thần của mình. Khi Bé Ly được 5 tháng, chồng Quý lên đường vào chiến trường miền Nam. Một năm sau, tháng 4 năm 1968, Quý gửi Bé Ly mới 16 tháng tuổi cho thân mẫu trông nom, lên đường đi chiến trường. Sau 3 tháng hành quân vượt Trường Sơn, tháng 7 năm 1968, Dương Thị Xuân Quý có mặt tại chiến trường, nhận nhiệm vụ phóng viên tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng trung Trung bộ (Khu 5). Từ 11 tháng 7 năm 1968 đến 18 tháng 12 năm 1968 là những tháng ngày liên tiếp di chuyển cơ quan và gùi cõng, liên tiếp thiếu đói và sốt rét, mưa lũ và bom đạn, có trận B52 rải bom ngay giữa đội hình cả cơ quan trên đường di chuyển, nhưng Quý không hề vắng mặt một chuyến gùi cõng nào, và vẫn tranh thủ ghi chép, sáng tác.Chính tại bến Giằng, giữa trời mưa tầm tã nước lũ sông Giằng cuồn cuộn dâng cao, có đêm phải trèo lên cây ngồi, Quý đã hoàn thành truyện ngắn “Hoa rừng”, sáng tác đầu tiên khi đặt chân tới chiến trường gửi ra miền Bắc với bút danh Dương Thị Minh Hương. Ngày 19 tháng 12 năm 1968 Dương Thị Xuân Quý rời căn cứ A7 đi chuyến công tác đầu tiên, và cũng là cuối cùng, xuống chiến trường đồng bằng.Ngày 5 tháng 1.1969, Dương Thị Xuân Quý cùng nhóm công tác do nhà văn Chu Cẩm Phong (tức Trần Tiến) phụ trách vượt đường số 1 xuống vùng đông Thăng Bình (thuộc Quảng Nam).Quý về sống và làm việc giữa bà con thôn 5 và thôn 6, một thôn trọng điểm của xã Bình Dương, một xã anh hùng, và viết bút ký Gương mặt thách thức (đây cũng là những trang viết cuối cùng gửi về tòa soạn ).Đầu tháng 2.1969, từ Bình Dương (Thăng Bình) Quý ra vùng tây Duy Xuyên (thuộc Quảng Đà), sống và làm việc cùng bà con xã Xuyên Hòa, dưới chân cụm cứ điểm Kiểm Lâm. Rạng sáng 2 tháng 3.1969, Quý vượt đường số 1 xuống vùng đông Duy Xuyên, làm việc tại cơ quan tuyên huấn huyện đóng ở thôn 2 xã Xuyên Tân.Đêm 8 tháng 3 năm 1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành) huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam trong một trận càn quét ác liệt của giặc Nam Triều Tiên khi cùng các chiến sĩ du kích và đội viên vũ trang tuyên truyền từ dưới hầm bí mật bò lên cố tìm cách thoát ra khỏi vòng càn.

Địch chốt giữ dài ngày và cày ủi khắp xóm, không thể nào xác định được thi thể Quý đã bị vùi lấp nơi đâu.

Tháng giêng năm 1996, sau nhiều công phu tìm kiếm hài cốt không kết quả, tôi và con gái Bùi Dương Hương Ly cùng gia đình bên ngoại cháu, với sự trợ giúp của một số bạn hữu, cơ quan, đơn vị, đã dựng bia tưởng niệm tại nơi Quý bị địch bắn.

Thế rồi, ngày 3 tháng 8 năm 2006, nhờ một cơ duyên kỳ lạ, tôi đã tìm được hài cốt Quý cách nơi bị địch bắn khoảng trên 20m. Cùng với hài cốt là một chiếc cặp tóc bằng đuya-ra có khắc dòng chữ “ Tặng chị X.Quý ” – “ E1 ”.

Đầu năm 2007, Dương Thị Xuân Quý được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Cuộc đời và tác phẩm của Dương Thị Xuân Quý đã được tập hợp giới thiệu trong công trình Dương Thị Xuân Quý – Nhật ký & Tác phẩm do tạp chí Văn Hiến Việt Nam hợp tác với nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện tháng 7 năm 2007.  

Thưa các chị, các anh và các bạn trẻ

Đối với tôi, Quý mãi mãi là tấm gương của một nhà văn - chiến sĩ đã dâng trọn cuộc đời 28 tuổi xuân vì sự nghiệp chiến đấu giành độc lập cho dân tộc và tự do cho mỗi con người.      

Trong nhật ký của Quý, có hai câu thơ của đại thi hào Nga Puskin luôn được nhắc đi nhắc lại như một khắc khoải, một lời nguyền :

          “Trong hy vọng dày vò ta trông ngóng
            Những phút giây giải phóng thiêng liêng

                                           (Gửi Sa-đa-ép)

Ở Quý, khát vọng giải phóng dân tộc và giải phóng con người luôn hòa quyện mãnh liệt, mà giải phóng con người là cái đích dù còn xa vời lắm nhưng Quý không ngừng hướng tới trong từng ngày sống, từng giờ sống, từng hành động sống. Giải phóng con người phải bắt đầu từ từng người, từng người phải tự giành lấy quyền tự do phát triển mọi khả năng mình có. “ Sự phát triển tự do của mỗi cá nhân là điều kiện tất yếu cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người ” – điều mà hàng trăm năm trước Các Mác nêu lên như một nguyên lý đã đến với Quý, cũng là với cả thế hệ chúng tôi, như một lý tưởng, một lẽ sống, và Quý đã sống trọn vẹn, sống mãnh liệt theo lý tưởng ấy, lẽ sống ấy. Truyện ngắn Chỗ đứng – mà Quý lấy để đặt tên cho cuốn sách đầu tay của mình – chính là sự ký thác nỗi niềm riêng, mà cũng là khát vọng chung của cả một thế hệ lớn lên trong hòa bình ở miền Bắc thời ấy đòi hỏi phải được tự do phát huy mọi khả năng của mình và họ phải có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội, họ dứt khoát không chấp nhận cái chỗ ngồi dẫu là được đề bạt đề cao nhưng chỉ để làm chân sai vặt. Cái lý tưởng xã hội và cũng là lý tưởng thẩm mỹ ấy khi gắn bó với cuộc sống lao động chiến đấu đầy cực nhọc mất mát và hy sinh của nhân dân đã cho Quý một nghị lực phi thường để đương đầu và vượt qua những trở lực tưởng chừng không thể vượt qua, những trói buộc, hữu hình và vô hình dựng nên ngay tại cơ quan ngay khi mới chập chững bước vào nghiệp cầm bút trong cái thời còn tương đối bình yên, những trói buộc ghê gớm đến nỗi Quý thấy khi xông pha giữa bão lửa chiến trường lại có được cảm giác của con người tự do.

Nhật ký của Quý ghi, lúc chuẩn bị đi Quảng Đà : “ Sống giữa không khí mặt trận. Đầy nguy hiểm nhưng cảm giác của mình là say mê và thú vị. Biết là nguy hiểm lắm nhưng sẵn sàng lao vào, dù có hy sinh. Đời người ai chả chết…”, “ Lo, mình lo chứ. Nhưng mình quyết tâm ”. Thư của Quý gửi cho Chu Cẩm Phong (Trần Tiến) có những câu này : “ Xuyên Hòa kiên cường lắm ! Tôi bắt gặp nhiều điều rất xúc động. Ở Xuyên Phú, địch phản ứng gay gắt hơn. Cũng hoảng anh Tiến ạ, nhưng vui tuyệt diệu. Chuyến này tôi gặp nhiều nguy hiểm nhưng vui kỳ lạ ”. Thư viết ngày 2 tháng 3.1969. Đó là những dòng cuối cùng trong cuộc đời cầm bút của Quý.

Cái giá trị nhân văn cơ bản nhất quán xuyến nhất mà tôi hiểu, tôi tiếp nhận từ những trang đời, những trang viết chân thực, mộc mạc và nhân hậu của Quý là như thế, có thể cô đúc lại đơn giản trong 2 tiếng “ chỗ đứng ” – nó là chỗ đứng, là thế đứng của con người tự do, con người rất đỗi mảnh mai như một đóa hoa rừng nhưng chẳng có bão mưa nào vùi dập nổi – đúng như Quý đã viết trong đoạn kết truyện ngắn Hoa rừng.

Quý vắng bóng trên cõi đời này đã 40 năm, nhưng với tôi, Quý không lúc nào không hiện hữu. Xin được chia sẻ cùng các chị, các anh và các bạn trẻ niềm tâm cảm này trong giờ phút này qua những vần thơ này :

EM VẪN ĐÂY 

Em vẫn đây
Em vẫn đây
Khối linh hồn mãnh liệt
Tràn đầy anh
Từng trang viết
Từng ngày sống
Từng ngày

Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do !
Ta vượt Trường Sơn cùng tiếng gọi Bác Hồ
Ta dấn bước như chính lòng ta gọi
Trăm dốc nghìn đèo không rời đích Tự do

Em vẫn đây
Em vẫn đây
Giữa cuộc đời bộn bề và bầu trời đầy mây 1
Vụt quắc lên tia chớp
Khi sự thật thiêng liêng bị đánh tráo dối lừa 2

Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do !
Mái đầu ta suy nghĩ chẳng ai cho
Anh nói tiếp những gì em chưa kịp nói
Dứt bung hết những gì buộc trói
Cho mỗi con người chỗ đứng 3 tự do

Em vẫn đây
Em vẫn đây
Viết hay
Sống đẹp
Em trong anh thành tâm nguyện vĩnh hằng
Anh đang sống những ngày em chưa kịp sống
Đẹp nào bằng
Đứng vững4
Tự mình
Giành lấy Tự do.

Đà Lạt 04.03.2009



1 Mượn gần nguyên văn câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo

2 Mượn gần nguyên văn câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo

3 Tên tác phẩm của Dương Thị Xuân Quý

4 Tên tác phẩm của Dương Thị Xuân Quý

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss